Thursday, September 12, 2019

PHẠM ĐOAN TRANG MONG GIẢI THƯỞNG RSF LỘT TẢ SỰ 'ĐÀN ÁP, BỊT MIỆNG' TẠI VIỆT NAM (Trà Mi - VOA)




13/09/2019

Một ký giả độc lập tại Việt Nam vừa nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF) nói cô mong giải thưởng này khuyến khích người dân Việt Nam dấn thân vì tự do báo chí và thúc đẩy Hà Nội cải thiện quyền căn bản của công dân.

Blogger Phạm Đoan Trang, nhà hoạt động-nhà báo tự do của Việt Nam được quốc tế biết tiếng, được RSF vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí 2019, trong hạng mục Tầm ảnh hưởng, tại lễ trao giải tối ngày 12/9 ở Berlin, Đức.

Trả lời phỏng vấn VOA từ Việt Nam sau khi được tin nhận giải, Trang cảm ơn sự ủng hộ của mọi người và bày tỏ hy vọng các giải thưởng quốc tế như thế này sẽ mang lại ích lợi, kết quả tốt đẹp chung cho phong trào đấu tranh trong nước và tự do báo chí ở Việt Nam.

“Em thật sự mong muốn nó có thể khích lệ các nhà báo khác, kể cả các nhà báo tự do, dấn thân nhiều hơn, theo đuổi sự thật, công lý, nhân quyền ở Việt Nam nhiều hơn,” cô nói.

Nữ blogger từng thực hiện các chuyến quốc tế vận kêu gọi cổ súy tự do báo chí cho người dân Việt Nam nhấn mạnh xã hội muốn phát triển, muốn dân chủ thì phải bảo đảm tự do báo chí để dân được nghe, được biết sự thật đa chiều và được nói lên quan điểm chính kiến mà không bị đàn áp hay trả thù, điều mà cô cho rằng còn vắng bóng ở đất nước Việt Nam do đảng cộng sản độc quyền cai trị.

“Tự do truyền thông trong đó có tự do báo chí và tự do xuất bản sẽ là lĩnh vực cuối cùng mà họ nới lỏng. Cho nên, tự do báo chí các nhà báo phải chiến đấu mới có được. Cần sự nỗ lực, dấn thân của các nhà báo. Em rất mong các nhà báo ý thức được sự cần thiết, vai trò của mình trong việc đấu tranh giành lại quyền tự do báo chí,” Trang bộc bạch.

Qua việc một blogger từ Việt Nam được Phóng viên Không biên giới trao giải thưởng, Trang nói cô mong muốn quốc tế biết đến tình hình vi phạm tự do báo chí ở Việt Nam là ‘cực kỳ nghiêm trọng’ và là ‘một thực tế rất đau lòng của Việt Nam nửa thế kỷ qua.’

“Em mong giải thưởng này có thể thu hút được quốc tế biết đến làn sóng ngầm đang diễn ra dưới bề mặt ổn định chính trị của Việt Nam. Dưới bề mặt đó là lớp sóng ngầm của đàn áp, của bịt miệng,” blogger Phạm Đoan Trang chia sẻ.

Phạm Đoan Trang nằm trong danh sách chung khảo gồm các cá nhân và tổ chức từ 12 nước trên thế giới cho 3 giải thưởng quốc tế vinh danh sự Can đảm, tính hoạt động Độc lập, và Tầm ảnh hưởng của họ.

Cùng được trao thưởng với Phạm Đoan Trang là nhà báo Ả Rập Eman al Nafjan, trong hạng mục Can đảm, và ký giả Caroline Muscat từ Malta được giải về tính hoạt động Độc lập.

RSF nói Giải thưởng về Tầm ảnh hưởng dành cho Đoan Trang nhằm vinh danh các ký giả có công tạo ra những cải thiện cụ thể về quyền tự do báo chí hay góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về quyền này.

Đoan Trang là tác giả của các đầu sách đánh động nhận thức của người dân về các quyền căn bản và giúp họ tự bảo vệ các quyền hợp pháp đó, chống lại những vi phạm của nhà cầm quyền như Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù… Cô là người sáng lập và biên tập tờ Luật Khoa, tạp chí điện tử cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý. Cô cũng là nạn nhân bị nhắm mục tiêu sách nhiễu, bắt bớ, hành hung vì công việc vận động của mình.

Phạm Đoan Trang không đến Berlin dự lễ trao thưởng hôm 12/9 vì biết rằng có thể bị sách nhiễu, cản trở việc xuất cảnh.

Tổng thư ký RSF Christophe Deloire nói những nhân vật được họ vinh danh lẽ ra nên được vinh danh tại chính đất nước của họ, nhưng lại bị tước đoạt các quyền tự do, kể cả quyền tự do đi lại. Tuy nhiên, theo RSF, tinh thần cống hiến của các nhà báo này vượt xa những rào cản biên giới mà các nhà độc tài không thể làm gì có thể ngăn cản được điều đó.

Giải thưởng Tự do Báo chí thường niên của RSF được thành lập từ năm 1992 để giúp bảo vệ và cổ súy truyền thông tự do, độc lập. Mỗi giải thưởng đi kèm với 2500 euro hiện kim.

Blogger Đoan Trang từng được tổ chức nhân quyền People In Need tại Cộng hòa Séc trao Giải Homo Homini vào năm 2018, giải thưởng dành cho những người có đóng góp đáng kể vào việc cổ súy nhân quyền-dân chủ trên thế giới.





No comments: