Sunday, September 29, 2019

KINH TẾ CHÍNH TRỊ CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM (Lê Hồng Hiệp - Nghiên Cứu Quốc Tế)




Lê Hồng Hiệp  -  Nghiên Cứu Quốc Tế
30/09/2019

Giới thiệu

Tới Trung Quốc và Việt Nam và người ta sẽ nhận thấy một khác biệt lớn trong cách hai nước ứng xử với Internet nói chung và truyền thông xã hội nói riêng: Trong khi các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây như YouTube và Facebook bị chặn ở Trung Quốc, chúng lại rất phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, theo Statista, số người dùng Facebook tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt 45,3 triệu người trong năm 2019, tăng từ mức 41,7 triệu người vào năm 2017. Việt Nam xếp thứ bảy trong số các quốc gia có số lượng người dùng Facebook lớn nhất thế giới tính đến tháng 7/2019, và có tỷ lệ người tích cực dùng mạng xã hội lên tới 64%.

Bài viết này tìm hiểu các yếu tố kinh tế và chính trị hình thành nên cách tiếp cận tương đối cởi mở của Việt Nam với truyền thông xã hội. Bài viết lập luận rằng thị trường nhỏ hơn và khả năng công nghệ thấp hơn đã khiến Việt Nam không thể học theo chiến lược của Trung Quốc là chặn các mạng xã hội quốc tế để phát triển các nền tảng thay thế trong nước. Một số cơ quan chính phủ cũng nhận thấy truyền thông xã hội là một công cụ hữu ích để tiếp cận người dân trong nước để thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền thông tin, trong khi các phe nhóm chính trị cũng muốn sử dụng truyền thông xã hội để theo đuổi các mục đích riêng của mình. Do đó, chính phủ Việt Nam dường như chấp nhận “chung sống” với các mạng xã hội phương Tây và thay vào đó buộc chúng tuân thủ các quy định của mình hơn là cấm đoán hoàn toàn.

Bài viết bắt đầu với một tóm tắt tổng quan về tình hình kiểm duyệt Internet tại Việt Nam, sau đó phân tích các yếu tố kinh tế và chính trị khiến chính phủ Việt Nam không muốn đưa các mạng xã hội quốc tế vào danh sách đen của mình. Sau đó, bài viết xem xét cách chính phủ Việt Nam đối phó với những ảnh hưởng không mong muốn từ các mạng xã hội phương Tây trước khi đưa ra một số nhận xét về triển vọng tương lai của chúng ở Việt Nam.

Kiểm duyệt Internet ở Việt Nam

Việt Nam kết nối với Internet vào ngày 19 tháng 11 năm 1997 sau những tranh luận kéo dài trong giới lãnh đạo cao nhất về những ưu và nhược điểm của nó. Mặc dù những cân nhắc thực dụng về tầm quan trọng của Internet đối với phát triển kinh tế xã hội và khoa học công nghệ đã thắng thế, nhưng làm thế nào để đối phó với những tác hại tiềm tàng của Internet vẫn là một mối quan tâm lớn của ĐCSVN.

Khi Internet được giới thiệu cho các nhà lãnh đạo Việt Nam vào những năm 1990, một trong những mối lo lắng trước mắt của họ là các nội dung độc hại trên mạng như tài liệu khiêu dâm sẽ gây ra tình trạng suy đồi đạo đức và các vấn đề xã hội cho đất nước. Vào tháng 12 năm 1996, để thuyết phục giới lãnh đạo cao nhất mở cửa đất nước cho Internet, các quan chức đã phải trực tiếp trình diễn cho các Ủy viên Trung ương Đảng thấy rằng họ có thể sử dụng tường lửa để chặn các trang web khiêu dâm một cách hiệu quả.[1] Tuy nhiên, một mối lo lắng lớn hơn đối với lãnh đạo Đảng là Internet sẽ tạo điều kiện cho việc tuyên truyền chống nhà nước và làm suy yếu sự độc quyền thông tin của chế độ. Các quan chức bảo thủ của Đảng lo lắng rằng một xã hội kết nối nhiều hơn với luồng thông tin tự do hơn cuối cùng sẽ làm xói mòn sự cầm quyền của Đảng.

Do đó, các nhà chức trách Việt Nam đã duy trì một số biện pháp kiểm duyệt nhằm ngăn chặn các hậu quả không mong muốn, đặc biệt là bằng cách chặn các trang web “độc hại”. Cho đến nay, việc kiểm duyệt dường như mang tính chính trị nhiều hơn, tập trung vào các trang web đăng các thông tin chống chế độ hoặc thông tin nhạy cảm, gây bất lợi cho vị thế chính trị của chính phủ. Ví dụ, tại thời điểm tháng 9 năm 2019, trong khi hầu hết các trang web khiêu dâm vẫn có thể truy cập thoải mái tại Việt Nam, nhiều trang web tin tức quốc tế cung cấp dịch vụ tiếng Việt, như BBC, VOA, RFIRFA, vẫn bị chặn. Các nền tảng blog như WordPress và Blogspot, vốn phổ biến trong giới hoạt động chính trị và các nhà phê bình chính phủ, cũng bị tường lửa. Một số trang web độc lập, do tư nhân điều hành có các bài viết hoặc phân tích được coi là thù địch với chế độ, như Dân Luận, Luật KhoaBoxitvn, cũng bị chặn. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt dường như không nhất quán đối với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet, một số trang web hoặc nền tảng bị chặn vẫn có thể truy cập được bởi một số người dùng.

Do đó, các mạng xã hội quốc tế như Facebook và YouTube dường như là mục tiêu khả dĩ của các nhà kiểm duyệt Việt Nam, nhất là khi nhiều nhà hoạt động chính trị và các nhóm chống chính phủ chuyển sang dùng các mạng xã hội phổ biến sau khi trang web hoặc blog của họ bị chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách đen. Thật vậy, khoảng năm 2008 – 2010, khi Facebook vẫn còn mới mẻ đối với hầu hết người dùng Việt Nam, mạng này đã bị chặn trong một thời gian ngắn. Tại thời điểm tháng 9 năm 2019, hầu hết các mạng xã hội quốc tế, bao gồm Facebook, YouTube, Twitter, Pinterest và Instagram, vẫn có thể truy cập dễ dàng tại Việt Nam.

Nếu xét chính sách kiểm duyệt Internet của ĐCSVN và các vấn đề mà các truyền thông xã hội quốc tế có thể gây ra cho an ninh chế độ, một câu hỏi đặt ra là tại sao lại có một sự “khoan dung” như vậy? Điều gì khiến giới chức Việt Nam không chặn các nền tảng này? Và điều đó có đồng nghĩa với việc ĐCSVN có xu hướng tự do và cởi mở hơn so với ĐCS Trung Quốc hay không? Phần tiếp theo sẽ tìm cách giải đáp các câu hỏi này.

Tại sao Việt Nam không chặn các mạng xã hội phương Tây?

Hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam khiến nó nhạy cảm với sự lan truyền thông tin qua phương tiện truyền thông xã hội. Nỗ lực chặn Facebook của ĐCSVN vào cuối những năm 2000 là một ví dụ cho thấy sự không thoải mái của Đảng trước sức mạnh của truyền thông xã hội nói chung và Facebook nói riêng. Tuy nhiên, ĐCSVN không chỉ quan tâm đến việc kiểm soát thông tin. Để duy trì sự cầm quyền của mình, Đảng cũng cần chú ý đến các yếu tố kinh tế và chính trị khác liên quan đến tính chính danh và uy tín quốc tế của mình, như hiệu quả kinh tế của đất nước, tình cảm, tâm tư của người dân, và thái độ của các đối tác quan trọng đối với chính sách đối nội của mình. Đây là nơi mà Đảng phải đối mặt với thế lưỡng nan: Làm thế nào để giải quyết một cách tốt nhất những thách thức mà truyền thông xã hội đặt ra cho sự cầm quyền của Đảng mà không khiến các nhà đầu tư quốc tế sợ hãi, làm những người dân ngày càng am hiểu Internet giận dữ, hay khiến các nước khác để ý tới các chính sách trong nước của mình?

Rõ ràng, ĐCSVN nhận ra rằng hầu như không thể hoặc không nên áp dụng phương pháp của Trung Quốc, đó là cấm các mạng xã hội quốc tế để tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng thay thế trong nước. Trước tiên, phát triển mạng xã hội dường như không phải là một mảng kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn với 1,4 tỷ dân và các công ty truyền thông xã hội của họ có thể thoải mái dựa vào thị trường nội địa để phát triển kinh doanh. Ngược lại, thị trường Việt Nam chỉ có 96 triệu dân, khiến nó trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các dịch vụ truyền thông xã hội trong nước. Trong khi đó, cạnh tranh với những người khổng lồ ở thị trường nước ngoài sẽ là một nhiệm vụ không khả thi: chẳng hạn, Google không thể phát triển dịch vụ Google Plus để cạnh tranh với Facebook, và thậm chí các mạng xã hội lớn của Trung Quốc như WeChat, Weibo và QQ vẫn chưa thành công trong việc mở rộng ra nước ngoài.

Mặc dù có thể lập luận rằng một thị trường 96 triệu dân không phải là nhỏ, nhưng khả năng công nghệ kém phát triển hơn của Việt Nam là một trở ngại khác. Ví dụ, vào cuối những năm 2000, khi Facebook vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam và phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời, các công ty Việt Nam đã không thể nắm bắt cơ hội để phát triển các lựa chọn thay thế trong nước do thiếu khả năng về công nghệ. Gần đây, khi khả năng công nghệ đã được cải thiện, một thách thức lớn khác vẫn còn, đó là làm sao để giành được người dùng khỏi tay Facebook và các đối thủ nước ngoài hiện hữu. Lý do này, cùng với các quy định khắt khe đối với việc vận hành mạng xã hội, có thể là yếu tố cơ bản khiến ngay cả VNG, công ty sở hữu một ứng dụng nhắn tin phổ biến có lượng người dùng lớn – một lợi thế rõ ràng để phát triển mạng xã hội – cũng không mặn mà với mảng kinh doanh này. Từ năm 2007 đến 2017, có hơn 300 giấy phép được cấp cho các mạng xã hội trong nước, nhưng rất ít mạng hoạt động tích cực và không mạng nào có thể thách thức sự thống trị của các mạng xã hội phương Tây. Điều này nói lên thực tế rằng việc phát triển mạng xã hội trong nước là một mảng kinh doanh rủi ro và không hấp dẫn đối với các công ty Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam cũng nhận thấy không nên chặn các mạng xã hội phương Tây vì các lý do ngoại giao lẫn thực tiễn. Một mặt, việc chặn các mạng xã hội quốc tế sẽ tạo ra một hình ảnh tiêu cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và thu hút sự chỉ trích từ không chỉ các nhà hoạt động nhân quyền mà còn cả các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, nước chủ nhà của các công ty truyền thông xã hội lớn và là quốc gia mà Việt Nam đang muốn tăng cường quan hệ.

Mặt khác, một số cơ quan và chính trị gia Việt Nam dường như cũng nhận thấy mạng xã hội là một kênh hữu ích để thúc đẩy các sứ mệnh hoặc mục tiêu cá nhân của mình. Ví dụ, Văn phòng Chính phủ là một cơ quan tiên phong trong số các cơ quan nhà nước sử dụng truyền thông xã hội để kết nối với người dân. Trang Facebook của Văn phòng Chính phủ, được thành lập vào tháng 10 năm 2015 và thu hút 290.000 người theo dõi tính đến tháng 9 năm 2019, tỏ ra là một kênh hiệu quả để chính phủ phổ biến thông tin chính thức và chống lại tin giả. Trong khi đó, một số nhóm chính trị dường như cũng đang sử dụng các mạng xã hội để theo đuổi các mục tiêu chính trị của mình, đặc biệt là trong thời gian trước thềm các sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng. Trước đây, các nền tảng WordPress và Blogspot thường được sử dụng cho mục đích này. Ví dụ, trước Đại hội Đảng lần thứ 11 vào đầu năm 2016, các blog chính trị như Chân dung quyền lựcQuan làm báo đã đăng nhiều bài viết được cho là dựa trên thông tin nội bộ, đôi khi không thể kiểm chứng được, vạch trần các hoạt động tham nhũng, sai phạm hoặc các bê bối đời tư của một số quan chức. Điều này tương tự như các chiến dịch bôi nhọ các đối thủ chính trị diễn ra ở các quốc gia khác trong thời gian chuẩn bị bầu cử. Tuy nhiên, những blog này đã nhanh chóng bị chặn. Vì Facebook không bị chặn và có cơ chế bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nó trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn đối với các nhà hoạt động và blogger chính trị. Một số Facebooker chính trị, như Trương Huy San, Nguyễn Thanh Hiếu và Lê Nguyên Hương Trà, tỏ ra nhanh hơn các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc đưa tin tức. Một số thông tin mà họ cung cấp cũng thường không có trên báo chí chính thống. Điều này làm nảy sinh những nghi ngờ rằng một số thông tin nội bộ, thậm chí là các tài liệu mật, đã được cung cấp cho họ một cách có chủ đích bởi những nhân vật đằng sau, những người nhận thấy các nền tảng truyền thông xã hội là một công cụ hữu ích và tiện dụng cần được duy trì để phục vụ các mục đích chính trị của mình.

Việt Nam đối phó với các ảnh hưởng không mong muốn của mạng xã hội như thế nào?

Do việc chặn các mạng xã hội phương Tây là điều không đáng mong muốn lẫn không khả thi, Việt Nam đã áp dụng một cách tiếp cận hai hướng nhằm đối phó với những ảnh hưởng “tiêu cực” của mạng xã hội. Một mặt, chính quyền Việt Nam tìm cách chống lại các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội bằng cách triển khai một đơn vị mạng được gọi một cách không chính thức là Lực lượng 47. Đơn vị này được cho là thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 2016 theo Chỉ thị 47 của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lực lượng này, được cho là có tới 10.000 người vào thời điểm tháng 12 năm 2017, là một công cụ quan trọng giúp ĐCSVN và chính phủ duy trì một môi trường Internet “lành mạnh” và bảo vệ chế độ trước các thông tin độc hại. Cụ thể, các thành viên của lực lượng được tổ chức lỏng lẻo này sẽ giúp truyền bá các thông tin “tích cực” và chống lại các quan điểm tiêu cực và tin tức giả, đặc biệt là những quan điểm thù địch với “cách mạng Việt Nam”. Các nhiệm vụ của Lực lượng 47 có thể bao gồm từ thu thập thông tin trên mạng xã hội, đến tham gia các cuộc tranh luận chống lại các quan điểm tiêu cực, cho đến báo cáo các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội lan truyền các tin tức giả hoặc thông tin bất lợi.

Trong một nỗ lực liên quan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ rằng Bộ đã thành lập một trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, có khả năng theo dõi liên tục khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt được tạo ra công khai mỗi ngày trên Internet. Dường như trung tâm này đang sử dụng các công cụ theo dõi mạng xã hội (social listening), giúp Bộ xác định được các xu hướng thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin độc hại, bất hợp pháp hoặc có tác động tới trật tự xã hội và an ninh chế độ.

Mặt khác, chính quyền Việt Nam cũng làm việc với các công ty truyền thông xã hội nước ngoài để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam về mạng xã hội. Đạo luật quan trọng nhất điều chỉnh các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam là Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Điều 26 của luật quy định rằng theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan, các mạng xã hội phải cung cấp các thông tin tài khoản người dùng nhất định cho các cơ quan này; chặn và loại bỏ một số loại thông tin được coi là có hại cho trật tự công cộng và an ninh chế độ; và từ chối cung cấp dịch vụ cho các cá nhân và tổ chức công bố các thông tin có hại cho trật tự công cộng và an ninh chế độ. Họ cũng phải đặt máy chủ tại Việt Nam để lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam và thiết lập các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu nền tảng này thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài). Mặc dù một số quy định này còn gây tranh cãi, Bộ TTTT đã gây áp lực buộc các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook và Google, phải tuân thủ.

Đối mặt với những áp lực này, Facebook và Google đã cố gắng tuân thủ một cách có chọn lọc. Cụ thể, trong khi họ không đặt máy chủ hoặc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam (một phần do một nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng vẫn chưa được ban hành), họ ngày càng tuân thủ các yêu cầu kiểm soát thông tin của Bộ TTTT. Ví dụ, trong Báo cáo Minh bạch của mình, Google cho biết trong một trường hợp, khi bị Bộ TTTT yêu cầu xóa hơn 3.000 video YouTube chủ yếu chỉ trích Đảng Cộng sản và các quan chức chính phủ, Google đã tuân thủ bằng cách chặn người dùng tại Việt Nam xem các video này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, Google đã từ chối các yêu cầu Bộ. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ rằng hiện tại Facebook đang đáp ứng 70 đến 75% số yêu cầu của chính phủ Việt Nam, so với khoảng 30% trước đó, trong khi YouTube của Google hiện thực hiện 80-85% các yêu cầu của chính phủ, tăng từ mức 60% một năm trước đó.

Chính quyền Việt Nam cũng có kế hoạch đánh thuế các công ty này đối với số doanh thu mà họ tạo ra tại Việt Nam. Theo một số ước tính, hai gã khổng lồ truyền thông xã hội này chiếm khoảng 2/3 thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thu được bất kỳ khoản thuế nào trực tiếp từ hai công ty này. Những áp lực như vậy có thể khuyến khích hai công ty tuân thủ các yêu cầu kiểm soát thông tin của Việt Nam nhằm tránh những thách thức pháp lý lớn hơn. Chính quyền Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp ngừng chạy các chiến dịch quảng cáo trên YouTube nếu Google không thể đảm bảo rằng quảng cáo của họ sẽ không được hiển thị trên các “clip bẩn”. Chính sách này có thể khuyến khích Google cũng như các mạng xã hội quốc tế khác tuân thủ các chính sách của chính phủ nếu không muốn đối mặt nguy cơ mất doanh thu từ các khách hàng hiện có.

Kết luận

Sự thống trị của các mạng xã hội phương Tây ở Việt Nam đặt ra cho ĐCSVN và chính phủ những thách thức đáng kể đối với việc kiểm soát thông tin nói chung và Internet nói riêng. Tuy nhiên, những cân nhắc chính trị và kinh tế khác nhau khiến cho việc chặn các mạng xã hội này ở Việt Nam trở nên không khả thi hoặc không đáng mong muốn. Do đó, ĐCSVN đã “thỏa hiệp” với sự thống trị của các mạng xã hội này, và thay vào đó họ cố gắng tận dụng các mặt tích cực trong khi tìm cách hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn mà chúng gây ra.

Để giảm bớt ảnh hưởng của các mạng xã hội phương Tây, chính phủ Việt Nam hiện đang khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp trong nước phát triển các lựa chọn thay thế. Đồng thời, một số công ty Việt Nam, đặc biệt là những công ty trong ngành quảng cáo trực tuyến, cũng quan tâm hơn đến việc phát triển mạng xã hội trong nước để tăng doanh thu quảng cáo. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của một số mạng xã hội trong nước đáng chú ý trong năm 2019, bao gồm VCNet của Ban Tuyên giáo Trung ương, Gapo của Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo, và Lotus của VCCorp. Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết các mạng này có thành công hay không, nhưng sự áp đảo của các mạng xã hội phương Tây như Facebook và YouTube sẽ là một thách thức lớn đối với họ. Ngay cả khi các mạng trong nước có thể đứng vững và mở rộng thị phần của mình thì các mạng xã hội phương Tây vẫn sẽ là những người chơi chính trên thị trường trong nhiều năm tới, tương tự là những thách thức đối với ĐCSVN và hệ thống tuyên truyền của nó.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Perspective.

—————-
[1] Huy Đức, Bên thắng cuộc (Tập 2), (Saigon, Boston, Los Angeles, New York: OsinBook, 2012), tr. 330.






No comments: