Wednesday, January 31, 2024

NGƯỜI ĐÀO THOÁT BẮC HÀN GỬI TIỀN VỀ NƯỚC : LY KỲ HƠN PHIM GIÁN ĐIỆP (Jungmin Choi / BBC Hàn Quốc)

 



 

Người đào thoát Bắc Hàn gửi tiền về nước: li kì hơn phim gián điệp

Jungmin Choi

BBC Hàn Quốc

30 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c101vyjr8rzo

 

"Nó giống như phim gián điệp vậy và mọi người đều phải đặt cược mạng sống của mình," ông Hwang Ji-sung, một người môi giới người Hàn Quốc đã giúp những người đào tẩu khỏi Bắc Hàn gửi tiền về quê trong hơn một thập kỷ qua, cho biết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/75ec/live/0aaa09c0-bc52-11ee-896d-39d9bd3cadbb.jpg

Người môi giới Hwang Ji-sung đào tẩu sang miền Nam năm 2009

 

Nhiều năm trước, người Bắc Hàn đã tạo ra thuật ngữ "gốc Hallasan" nhằm chỉ những người nhận sự trợ cấp từ những người đào tẩu sống ở miền Nam, ông Hwang nói.

 

Hallasan là tên một ngọn núi lửa nổi tiếng trên đảo Jeju xinh đẹp của Hàn Quốc.

 

"Một người xuất thân từ gia đình gốc Hallasan được coi là đối tượng đáng để kết hôn nhất, thậm chí còn sáng giá hơn cả đảng viên Cộng sản," ông nói.

 

Một cuộc khảo sát năm 2023 của Trung tâm Dữ liệu về Nhân quyền Bắc Hàn có trụ sở tại Seoul trên khoảng 400 người đào thoát khỏi Bắc Hàn cho thấy, khoảng 63% người đã gửi tiền về cho gia đình ở miền Bắc.

 

Nhưng hiện nay, với việc cả hai miền Bắc lẫn Nam đều truy quét mạnh tay, việc chuyển kiều hối từ miền Nam sang miền Bắc đang ngày càng trở nên rủi ro.

 

Đây vốn đã là một công việc phức tạp và khó khăn, đòi hỏi một mạng lưới môi giới và người chuyển phát linh hoạt dàn trải khắp Hàn Quốc, Trung Quốc và Bắc Hàn.

 

Những cuộc gọi bí mật bằng điện thoại lậu Trung Quốc được thực hiện ở những địa điểm xa xôi. Người ta phải dùng bí danh.

 

Mức độ rủi ro vô cùng cao vì việc chuyển kiều hối này bị cấm ở cả Hàn Quốc lẫn Bắc Hàn.

Từ năm 2020, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã tăng cường trấn áp các nhà môi giới để ngăn dòng tiền và "hệ ý thức và văn hóa phản động" từ Hàn Quốc.

 

Họ có nguy cơ bị đưa đến các trại giam chính trị khét tiếng của Bắc Hàn, được gọi là kwan-li-so, nơi người ta tin rằng hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8356/live/55977200-bc53-11ee-8685-316409d66f25.jpg

Cặp đôi Hwang Ji-sung (trái) và Joo Soo-yeon làm nghề chuyển tiền về Bắc Hàn hơn chục năm nay

 

 

"Số người làm môi giới ở Bắc Hàn đã sụt giảm hơn 70% so với vài năm trước," bà Joo Soo-yeon, vợ ông Hwang, cũng là một người môi giới, đánh giá.

 

Hàn Quốc cũng cấm các hình thức chuyển tiền như vậy, nhưng trong quá khứ, chính quyền hầu như nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, hiện tại thì điều đó đang thay đổi.

 

Tháng Tư năm ngoái, nhà của ông Hwang và bà Joo ở tỉnh Gyeonggi gần Seoul đã bị bốn cảnh sát ập vào, họ buộc tội bà vi phạm luật giao dịch ngoại hối.

 

Ít nhất bảy người môi giới khác cũng đang bị điều tra.

 

Cảnh sát chưa trả lời yêu cầu bình luận của BBC về vụ việc của bà Joo.

 

Chính quyền Hàn Quốc nói với ông Hwang rằng bất kỳ khoản chuyển tiền nào cho Bắc Hàn cũng nên được thực hiện thông qua một "ngân hàng hợp pháp".

 

"Nếu có ngân hàng nào làm được, hãy cho tôi biết!" ông nói và thông tin thêm rằng, không có tổ chức nào có thể nhận tiền ở Bắc Hàn một cách hợp pháp vì về mặt kỹ thuật, hai miền Bắc Nam vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

 

Mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều đã xấu đi kể từ khi miền Bắc phá hủy văn phòng liên lạc chung với miền Nam vào năm 2020.

 

Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un thậm chí còn nói rằng không thể đạt được mục tiêu thống nhất với miền Nam nữa - một mục tiêu vốn được ghi trong hiến pháp.

 

 

Những cuộc gọi bí mật

 

Tất cả bắt đầu bằng một cú điện thoại giữa những người đào tẩu ở miền Nam và gia đình họ ở miền Bắc - điều này trở nên khả thi nhờ vào làn sóng nhập lậu điện thoại từ Trung Quốc tại các tỉnh giáp biên giới mà có thể truy cập vào mạng viễn thông Trung Quốc.

 

Các nhà môi giới ở Bắc Hàn là những người thực hiện cuộc gọi. Họ phải đi quãng đường dài, thậm chí có khi phải leo lên núi để sắp xếp các cuộc gọi như vậy.

 

Sau nhiều giờ chờ đợi, cuộc gọi được kết nối và người đào tẩu sẽ thống nhất số tiền với gia đình. Nhưng cuộc trò chuyện phải diễn ra nhanh gọn để tránh sự giám sát của Bộ An ninh Nhà nước.

 

Sau đó, người đào tẩu sẽ gửi tiền vào tài khoản Trung Quốc thông qua các nhà môi giới ở Hàn Quốc. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi Trung Quốc cũng đang giám sát chặt chẽ dòng ngoại tệ.

 

Việc đưa tiền vào Bắc Hàn là tùy thuộc vào các nhà môi giới Trung Quốc.

 

Biên giới cũng có chút lỗ hổng vì Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Bắc Hàn. Tiền kiều hối từ những người đào tẩu đôi khi được ngụy trang dưới dạng giao dịch giữa các công ty thương mại Trung Quốc và Bắc Hàn.

 

Họ thuê một số người chuyển phát ở Bắc Hàn để giao tiền tới tay các gia đình.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4bd1/live/61c79a90-bc54-11ee-896d-39d9bd3cadbb.jpg

Kim Jin-seok là người chuyển phát nhanh ở Bắc Hàn trước khi đào tẩu khỏi đất nước vào năm 2013

 

 

"Những người giao tiền không biết nhau và họ không nên biết gì về nhau vì mạng sống của họ đang trong vòng nguy hiểm," Kim Jin-seok, người từng làm người chuyển phát ở Bắc Hàn trước khi trốn khỏi nước này vào năm 2013, cho biết.

 

Người môi giới phải sử dụng bí danh và phát triển các loại mã hóa ký tự để thông báo về thời điểm an toàn cho gia đình nhận tiền.

 

Ông Hwang, với khoảng 800 khách hàng, kể rằng ông thậm chí đã gặp những gia đình từ chối nhận tiền.

 

"Họ sợ rằng đó có thể là một cái bẫy do lực lượng an ninh giăng ra và sẽ nói những điều như, 'Chúng tôi sẽ không nhận tiền từ những kẻ phản quốc.'"

 

Một khi tiền được giao, môi giới sẽ lấy khoảng 50% tiền hoa hồng.

 

"Môi giới Bắc Hàn liều cả mạng sống để kiếm được 500.000 đến 600.000 won cho mỗi lần giao dịch," ông Hwang nói.

 

"Bây giờ, nếu bị an ninh bắt và kết án, bạn sẽ phải đối mặt với mức án 15 năm tù. Nếu bị kết tội gián điệp, bạn sẽ bị đưa đến một kwan-li-so."

 

Ông Hwang cho chúng tôi xem lời khai của những người Bắc Hàn đã nhận được tiền thông qua mạng lưới môi giới của ông.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ca9c/live/65e85750-bc5d-11ee-8685-316409d66f25.jpg

Một người Bắc Hàn đếm số tiền nhận được từ người môi giới

 

Trong một video, một cụ bà với đôi bàn tay phồng rộp vì lượm thức ăn trong rừng khóc nức nở: "Ngày nào tôi cũng đói, phải ăn cả cỏ."

 

Cũng trong video đó, một phụ nữ khác than: "Ở đây cực khổ lắm, xin trăm lần, ngàn lần cảm ơn."

 

Bà Joo nói trái tim bà tan nát mỗi khi xem những video này.

 

"Một số người đào tẩu đã bỏ lại cha mẹ, con cái ở lại. Họ chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng gia đình họ ở Bắc Hàn sẽ sống sót để một ngày nào đó có thể đoàn tụ."

 

Bà nói rằng một triệu won đủ để nuôi một gia đình ba người trong một năm ở miền Bắc.

 

VIDEO : "Chuyển tiền về Bắc Hàn 'li kỳ như phim trinh thám'", Thời lượng 3,16

Hành trình kiều hối tới tay người dân Bắc Hàn

 

 

 

Cắt nguồn trợ cấp

 

Không rõ lý do tại sao Hàn Quốc bắt đầu truy quét những người môi giới, nhưng luật sư Park Won-yeon, người đã hỗ trợ pháp lý cho những người đào tẩu, tin rằng sự hăng hái quá độ có thể là một yếu tố, vì thẩm quyền điều tra các vụ án an ninh quốc gia, chẳng hạn như gián điệp, đã được chuyển từ Cơ quan Tình báo Quốc gia sang cho cảnh sát vào năm nay.

 

Ông nói: “Nếu cảnh sát không chứng minh được cáo buộc gián điệp, họ sẽ truy tố những người này theo Đạo luật Giao dịch ngoại hối”.

 

Dưới áp lực ngày càng tăng từ cả hai chính phủ, mạch sống dành cho gia đình những người đào thoát Bắc Hàn có thể bị cắt đứt.

 

Ông Hwang sẵn sàng đưa vụ việc của vợ lên Tòa án Tối cao nếu bà bị kết án. Ông tin rằng số tiền gửi từ những người đào tẩu không chỉ là tiền.

 

Ông nói: “Đó là cách duy nhất để lật đổ Bắc Hàn mà không cần chiến đấu. Cùng với tiền, nó còn đi kèm tin tức miền Nam thịnh vượng và giàu có… Đó là điều mà Kim Jong-un lo sợ”.

 

Ông Kim tin rằng những người đào thoát như ông sẽ không ngừng gửi tiền về cho người thân ở quê nhà, dù chính quyền cả hai bên đều muốn ngăn cản họ. Ông nói rằng mình sẽ tự đến Trung Quốc để chuyển tiền nếu cần thiết.

 

Ông nói: “Tôi đã mạo hiểm với khả năng là tôi sẽ không bao giờ gặp lại các con nữa, nhưng ít nhất các con tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”.

 

"Chúng tôi sẽ gửi tiền bằng mọi cách có thể và dù thế nào đi chăng nữa."

 

Hiện ông làm tài xế xe tải ở Hàn Quốc và ngủ trong xe 5 ngày mỗi tuần.

 

Ông đang tiết kiệm hết mức có thể để có thể gửi bốn triệu won cho vợ và hai con trai ở miền Bắc mỗi năm. Ông đã nghe đi nghe lại một tin nhắn thoại từ gia đình mình

 

Một trong những người con trai của ông nói: "Bố ơi, bố có khỏe không? Chắc bố đã chịu cực khổ nhiều lắm rồi phải không? Khó khăn của mẹ con con chắc chẳng thấm vào đâu so với bố cả."

 

---------------------

Kim Jin-seok là tên giả để bảo vệ danh tính và sự an toàn cho nhân vật.

 

 

 




BIỂN ĐÔNG : PHILIPPINES LO NGẠI VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TÀU TRUNG QUỐC (Thu Hằng / RFI)

 



Biển Đông : Philippines lo ngại về hoạt động của đội tàu Trung Quốc

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2024 - 11:51

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240131-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-philippines-lo-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BB%99i-t%C3%A0u-trung-qu%E1%BB%91c

 

Theo báo chí Philippines hôm nay, 31/01/2024, hải quân nước này đã phát hiện từ 15 đến 25 chiến hạm của Trung Quốc ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Biển Đông. Hôm qua, tân phát ngôn viên Hải Quân Philippines cũng thông báo hiện có đến khoảng 200 tàu dân dân quân biển ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Hoạt động của đội tàu này khiến Philippines lo ngại.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/66bc868e-c021-11ee-a5dc-005056a90284/w:980/p:16x9/AP24018392169432.webp

Một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối một tàu tuần duyên Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi Co Mây (Second Thomas) trên Biển Đông ngày 10/11/2023. AP - Jim Gomez

 

Thuộc quần đảo Trường Sa, Đá Vành Khăn bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 1995 và hiện là căn cứ của Hạm đội Nam Hải nên « số lượng tầu bị giới hạn tùy thuộc vào nhịp độ hoạt động, sửa chữa và đào tạo, bảo trì ».

 

Hãng thông tấn Philippine News Agency cho biết, trong buổi họp báo tại Camp Aguinaldo ở thành phố Quezon ngày 30/01, thiếu tướng hải quân Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên Hải Quân Philippines, đánh giá « thường xuyên » thấy nhiều tầu như vậy ở Đá Vành Khăn. Tuy nhiên, số lượng chiến hạm Trung Quốc được triển khai tại đây « vẫn ổn định từ 8-10 năm gần đây ».

 

Ông Trinidad cho biết không lo ngại về số tầu Trung Quốc gia tăng mà lo ngại  về « hoạt động của đội tầu này đối với các lực lượng Philippines ». Manila thường xuyên lên án tầu Trung Quốc quấy rối tầu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế, trong đó có việc gây cản trở hoạt động tiếp tế cho tầu chiến mắc cạn từ Thế Chiến II ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), được Philippines biến thành tiền đồn.

 

Ngoài ra, Manila còn lên án Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough. Trong thông cáo ngày 31/01 được Reuters trích dẫn, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines khẳng định « Philippines có toàn bộ chủ quyền đối với bãi Masinloc (tên Philippines gọi bãi cạn Scarborough) và các vùng biển lân cận theo luật pháp quốc tế ». Tuyên bố này bác khẳng định ngày 29/01 của hải cảnh Trung Quốc về « chủ quyền không thể tranh cãi » của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough, khi Bắc Kinh cáo buộc « bốn người Philippines thâm nhập bất hợp pháp vào một số vùng trong ngày 28/01 ».

 

Trong bối cảnh này, quân đội Philippines và Hoa Kỳ sẽ tiến hành cuộc tập trận Balikatan « quy mô lớn » vào tháng 4 với « nhiều thách thức hơn » và « phức tạp hơn ». Địa điểm cuộc tập trận chưa được nêu rõ, nhưng theo một sĩ quan ở Luçon, có thể sẽ là quần đảo Batanes, cách Đài Loan 250 km.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

BIỂN ĐÔNG - KHAI THÁC DẦU KHÍ

Biển Đông: Philippines muốn khởi động các dự án thăm dò dầu khí mới

 

TRUNG QUỐC - HOA KỲ - BIỂN ĐÔNG

Mỹ và Trung Quốc thao dượt cùng lúc ở Biển Đông

 

TRUNG QUỐC - PHILIPPINES

Tàu Philippines và tàu tuần duyên Trung Quốc va chạm tại Trường Sa : Bắc Kinh và Manila đổ lỗi cho nhau






SEOUL CẢNH BÁO NGUY CƠ BẮC TRIỀU TIÊN CAN THIỆP VÀO BẦU CỬ HÀN QUỐC (Trần Công / RFI)

 



Seoul cảnh báo nguy cơ Bắc Triều Tiên can thiệp vào bầu cử Hàn Quốc

Trần Công  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2024 - 12:18

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240131-seoul-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-nguy-c%C6%A1-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-can-thi%E1%BB%87p-v%C3%A0o-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c

 

Hôm nay, 31/01/2024, tổng thống Yoon Suk Yeol cảnh báo nguy cơ Bắc Triều Tiên sẽ có nhiều hành động khiêu khích trong thời gian diễn ra bầu cử Quốc Hội Hàn Quốc vào tháng 4/2024.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/3f03fd64-c028-11ee-8184-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP24001232824540.webp

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh chụp ngày 01/01/2024. AP

 

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình. 

 

« Hôm nay, ông Yoon Suk Yeol đã chủ trì Hội nghị phòng thủ tổng hợp trung ương lần thứ 57 tại Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc trước đây. Tham dự cuộc họp có các lãnh đạo chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, Cơ quan Tình báo Quốc gia, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Lực lượng tuần duyên và Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia.

 

Ông Yoon Suk Yeol chỉ ra rằng, trong suốt 70 năm qua, chính quyền Bình Nhưỡng luôn âm mưu phá hoại hệ thống dân chủ tự do của Hàn Quốc. Kể từ đầu năm 2024, chế độ Bắc Triều Tiên đã tiếp tục có những hành động khiêu khích. Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục có nhiều hành động khiêu khích nhằm can thiệp vào cuộc tuyển cử tháng 4/2024, chẳng hạn như khiêu khích ở biên giới, xâm nhập lãnh thổ bằng máy bay không người lái, tung tin giả và tấn công tin tặc.

 

Vào tháng 12/2023, cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng đã dự báo là Bình Nhưỡng sẽ có những hành động khiêu khích quân sự và tấn công tin tặc nhắm vào các chiến dịch tranh cử ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Chính chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un năm ngoái cũng đã chỉ thị cho các cố vấn của ông có những biện pháp để gây rối loạn Hàn Quốc trong năm nay.

 

Cuộc bầu cử Quốc Hội Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 10/04/2024. Các chính đảng lớn của Hàn Quốc như đảng Quyền lực Nhân dân, đảng Dân chủ và đảng Công lý đã bắt đầu lựa chọn ứng cử viên. Kết quả đề cử theo từng đảng dự kiến sẽ được công bố vào khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Quyền lực Nhân dân của tổng thống Yoon Suk Yeol, lên cầm quyền vào năm 2022 với chủ trương cứng rắn với Bắc Triều Tiên, hy vọng sẽ giành được đa số ở Quốc Hội. »

 

 

Không có dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên chuẩn bị « chiến tranh tổng lực »

 

Hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây khiến Hàn Quốc, Hoa Kỳ lo ngại. Vụ thử gần đây nhất diễn ra ngày 30/01 được Bình Nhưỡng khẳng định là một cuộc tập trận tên lửa hành trình chiến lược loại Hwasal-2 ở Hoàng Hải. Tuy nhiên, theo đại sứ Hàn Quốc Cho Hyun Dong tại Mỹ được Yonhap trích dẫn ngày 31/01, cả Seoul và Washington thấy rằng« hiện giờ, không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng chuẩn bị một cuộc chiến tranh tổng lực » dù Bắc Triều Tiên liên tục có những lời đe dọa hiếu chiến với Hàn Quốc. Ông Cho Hyun Dong khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ và Nhật Bản.







TRUNG QUỐC ĐANG TÍNH TOÁN NHỮNG GÌ Ở MIẾN ĐIỆN? (Thanh Hà / RFI)

 



Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 30/01/2024 - 15:14

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20240130-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91ang-t%C3%ADnh-to%C3%A1n-nh%E1%BB%AFng-g%C3%AC-%E1%BB%9F-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

 

« Bắt cá hai tay ». Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ? Đối thoại với tập đoàn quân sự và liên minh vũ trang chống quân đội là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh với quốc gia Đông Nam Á này « có hạn », hay Trung Quốc đang lo rằng xung đột vũ trang tại Miến Điện « vuột tầm kiểm soát » như Emmanuel Véron chuyên gia về Trung Quốc đương đại, viện INALCO Paris, ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/2f587a60-bf75-11ee-9445-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP21123457086500.webp

Binh sĩ của Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đứng gác ở Laiza, thị trấn biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện, ngày 29/10/2013. AP - Khin Maung Win

 

« Chiến dịch 1027 » liên minh vũ trang giữa ba sắc tộc thiểu số Miến Điện khởi động từ hôm 27/10/2023 đang làm đảo lộn những kế hoạch của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Bắc Kinh vẫn là điểm tựa chính trị và quân sự của giới tướng lĩnh cầm quyền nhưng lại « tiếp tay » với phe nổi dậy chống lại Naypyidaw để cứu vãn quyền lợi kinh tế, dập tắt nguy cơ bất ổn tại đường biên giới phía nam, bảo đảm an toàn và kế sinh nhai cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu.

 

Ngày 01/02/2024 đánh dấu tròn ba năm tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự trong tay Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Ba năm sau cuộc đảo chính, giới tướng lĩnh ở thủ đô Naypyidaw chỉ còn kiểm soát từ « 40 đến 60 % lãnh thổ » như giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp Eric Mottet ghi nhận.

 

Từ cuối tháng 10/2023, quân đội Miến Điện, với điểm tựa chính là Trung Quốc, đã bị liên minh vũ trang Three Brotherhood Alliance - TBA thách thức, mở nhiều mặt trận tấn công. Tập đoàn quân sự nhìn nhận « thất bại quân sự tại nhiều khu vực ở bang Shan » biên giới đông bắc, sát với Trung Quốc.

 

 

Hiệu quả của vai trò trung gian hòa giải

 

Về phía Bắc Kinh, do có đường biên giới chung hơn 2.000 km với Miến Điện, Trung Quốc đã ít nhất hai lần thông báo thuyết phục được Naypyidaw và các phe nổi dậy vũ trang ngừng giao tranh. Gần đây nhất là hôm 12/01/2024 sau ba vòng đàm phán tại Côn Minh tỉnh Vân Nam. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, MNDAA Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện, một trong ba bên chủ chốt trong TBA xác nhận thỏa thuận Côn Minh « tan vỡ » khi quân đội dùng « vũ khí hạng nặng » tấn công một ngôi làng ở bang Shan.

 

Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia Ta’ang TNLA chỉ trích Bắc Kinh chỉ « lo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc » trong khu vực và thỏa thuận ngừng bắn là thủ thuật « câu giờ có lợi cho bên quân đội chính quy đang thất thế ».

 

Một nguồn tin khác trích dẫn thông cáo của TBA nhắc lại mục tiêu của liên minh vũ trang này là giành lại quyền lực từ tay giới tướng lĩnh.

 

Trung tuần tháng 12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cũng đã rất tự hào khoe thành tích « nỗ lực hòa giải » của Bắc Kinh. Các vòng đàm phán sau đó ở Côn Minh đã phủ nhận thành công của Trung Quốc.

 

 

Quyền lợi kinh tế và mối lo bất ổn ở biên giới

 

Theo tất cả các nhà quan sát, những hoạt động ngoại giao dồn dập đó của Trung Quốc là nhằm « bảo vệ » ổn định tại một vùng ngay sát cạnh, bảo đảm an ninh cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu và nhất là bảo vệ những lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Do xung đột vũ trang tại Miến Điện từ cuối tháng 10/2023, thiệt hại về kinh tế và thương mại song phương đã « lên tới 10 triệu đô la ».

 

Tháng 02/2021, khi tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, từ Nhật Bản đến Úc hay Âu Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt Naypyidaw. Miến Điện cũng đã bị các đối tác trong ASEAN xa lánh. Riêng Bắc Kinh đã đầu tư thêm 113 triệu đô la vào Miến Điện trong cùng năm. Trung Quốc là nguồn bảo đảm đến 25 % tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Miến Điện.

 

Nhân danh nguyên tắc « không can thiệp vào công việc nội bộ » của bất kỳ một quốc gia nào, Trung Quốc kiên nhẫn duy trì quan hệ với nước láng giềng sát cạnh và « tiếp tục thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa mới », đặc biệt là dự án đầu tư vào cảng nước sâu Kyaukphy, cửa ngõ hướng ra Ấn Độ Dương.

 

Nhưng trên thực tế bất ổn kéo dài tại Miến Điện càng lúc càng khiến Bắc Kinh bực mình, nhất là khi họ nhận thấy « tập đoàn quân sự Miến Điện không là những đối tác đáng tin cậy cho Trung Quốc thực hiện những mục tiêu chiến lược mà họ đã đề ra », như Jason Tower, một chuyên gia Mỹ về Miến Điện tại Bangkok ghi nhận.

 

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông - INALCO Paris nhấn mạnh đến « mật độ » trong bang giao giữa Bắc Kinh với Miến Điện từ rất lâu nay không chỉ về khía cạnh kinh tế hay thương mại mà thôi :

 

Emmanuel Véron : « Quan hệ giữa Trung Quốc với Miến Điện đặc biệt quan trọng và chặt chẽ đến nỗi đôi khi giới quan sát cho rằng Miến Điện là một nước thuộc quỹ đạo của Bắc Kinh, là một chư hầu của Trung Quốc. Trung Quốc luôn chú trọng đến mối quan hệ rất cô đọng này, trước đây là với tập đoàn quân sự và hiện nay, do những bất ổn nội bộ tại quốc gia Đông Nam Á này, Bắc Kinh có khuynh hướng kết nối luôn cả với lại các lực lượng vũ trang kình địch với giới tướng lãnh cầm quyền. (...) Từng bước Trung Quốc thiên về các lực lượng chính trị và quân sự đang nổi lên tại Miến Điện. Thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố mà trước hết là những chuyển biến trong nội bộ Miến Điện. Đừng quên rằng đây là một quốc gia đang trong trạng thái rất sôi động cả về chính trị lẫn về phương diện quân sự.

 

Kế tới là những chuyển động từ bên ngoài. Tôi xin giải thích : Bản thân Trung Quốc cũng đang trải qua một số những biến động và một số hồ sơ đang vượt khỏi tầm tay. Bắc Kinh đang mất dần một số những điểm tựa. Đừng quên rằng, Miến Điện chịu ảnh hưởng cả của Trung Quốc lẫn Ấn Độ và do vậy, đây là sân chơi để hai nước lớn này của châu Á gián tiếp đọ sức với nhau. Cũng phải nói rằng, liên quan đến những bất ổn hiện nay ở Miến Điện, cũng đã có một sự can thiệp kín đáo của New Delhi. Đối với Trung Quốc đây là một vấn đề quá nhạy cảm để có thể bỏ rơi Miến Điện và điều đó giải thích cho thái độ "bắt cá hai tay" của Bắc Kinh, quay sang ủng hộ những thế lực quân sự đang nổi lên ».

 

 

Cảng nước sâu Miến Điện, lộ trình thay thế cho eo biển Malacca

 

Trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ 2013 Miến Điện là một « mắt xích » quan trọng và hơn thế nữa bang Shan ở khu vực đông bắc Miến Điện, sát biên giới với Trung Quốc là « nút thắt » chính, là điểm khởi đầu trong tham vọng mở một hành lang kinh tế CMEC đi thẳng ra cảng nước sâu Kyaukphy.

 

Kyaukphy – Mandalay – Muse bang Shan sẽ là trục chính để đưa dầu, khí đốt Trung Quốc nhập của Nga hay Trung Đông vào tận Côn Minh, tỉnh Vân Nam và là một « lộ trình thay thế » cho con đường giao thương hàng hải phải đi qua eo biển Malacca.

 

Có điều từ khi liên minh ba sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện TBA khởi động Chiến dịch 1027, giao tranh bùng lên ở nhiều nơi, thất thu về thương mại ở khu vực giám ranh biên giới Miến Điện -Trung Quốc đã lên tới cả chục triêu đô la. Thêm vào đó dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đi từ cảng Kyaukphy đến bang Shan đã « nhiều lần là mục tiêu tấn công » của các phe nổi dậy.

 

Bang Shan là cửa ngõ « 40 % xuất nhập khẩu song phương » phải đi qua. Theo các nhà quan sát, đó chính là lý do vì sao cuối tháng 11/2023 Trung Quốc đã mở một cuộc tập trận quy mô gần biên giới Miến Điện. Theo quan điểm của giáo sư Véron, tất cả các động thái cả về ngoại giao, quân sự của Trung Quốc trong vùng đều cho thấy Bắc Kinh đang lo hồ sơ Miến Điện vượt ngoài tầm kiểm soát.

 

Emmanuel Véron : « Miến Điện ngay sát cạnh Trung Quốc, hai nước có đường biên giới chung. Vì lý do an ninh, Bắc Kinh cần bảo đảm khu vực ở biên giới phía nam này phải được ổn định. Ngoài ra từ rất lâu nay Trung Quốc đã mở rộng giao thương với quốc gia Đông Nam Á này, xem Miến Điện là một mắt xích quan trọng trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, như các hệ thống đường ống dẫn dầu …

 

Trung Quốc đã bắt rễ sâu vào Miến Điện từ lâu nay với nhiều dự án lớn. Thành thử Bắc Kinh không thể để mất những khoản đầu tư đó. Tôi cho rằng qua việc đối thoại với các nhóm vũ trang Miến Điện, Trung Quốc đang lo mất ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này và đây cũng chính là dấu hiệu Trung Quốc đang gặp khó khăn trước thực tế tại Miến Điện hiện nay ».

 

Vậy câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có những lá chủ bài nào để thuyết phục cả bên quân đội Miến Điện lẫn phe nổi dậy vãn hồi hòa bình và trật tự trong vùng biên giới ?

 

Emmanuel Véron : « Nhìn lại giai đoạn trong thời gian gần đây, một trong những lá chủ bài của Trung Quốc để nói chuyện với Miến Điện luôn là tiền. Đó có thể là tiền để mua chuộc các quan chức, tiền chi ra cho các băng đảng mafia, cho các tổ chức tội phạm hoạt động ở vùng biên giới để khoanh vùng các hoạt động phi pháp trên lãnh thổ Miến Điện, tránh để chúng tràn quan biên giới Trung Quốc. Nói cách khác Trung Quốc dùng tiền đổi lấy an ninh. Nhưng tôi xin nhắc lại là chủ trương được áp dụng từ trước đến nay dường như đang sụp đổ cho nên Bắc Kinh chọn giải pháp đối thoại với các bên bởi vì tình hình ở khu vực biên giới với Miến Điện có khả năng vuột khỏi tầm kiềm soát ».

 

Chuyên gia về Trung Quốc đương đại của Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương Emmanuel Véron lưu ý chính sách ngoại giao của Bắc Kinh rất uyển chuyển và thực tiễn. Quan điểm của Trung Quốc « sẽ còn theo đổi tùy theo chuyển biến về tương quan lực lượng » giữa bên quân đội với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện.

 

Một số các nhà quan sát khác nhắc lại « tính thực dụng và mập mờ » trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các nhóm nổi dậy ở Miến Điện. Hơn nữa kịch bản mà ông Tập Cận Bình tuyệt đối không muốn xảy ra là phương Tây can thiệp hay nhòm ngó vào Miến Điện.

 

Một người thuộc phe chống đối tập đoàn quân sự Naypyidaw được báo Pháp Le Figaro trích dẫn thậm chí cho rằng « giờ đây Trung Quốc ủng hộ chúng tôi còn hơn cả phương Tây ». Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Bắc Kinh bắt đầu « bỏ rơi » giới tướng lĩnh cầm quyền.

 

 

Những lá chủ bài của phe nổi dậy

 

Song các thiểu số sắc tộc Miến Điện và nhất là liên minh TBA cũng có không ít là bài trong tay để mặc cả với Bắc Kinh. Trong một bài báo gần đây, thông tín viên báo Le Monde tại Đông Nam Á, Brice Pedroletti nhắc lại lực lượng MNDAA  - Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện, một trong ba liên minh Huynh Đệ vũ trang, trong quá khứ và hiện tại vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc, qua những liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng gốc Hoa sinh sống tại Miến Điện từ nhiều thế kỷ qua.

 

Một số tài liệu khác cho thấy điểm mạnh của các nhóm nổi dậy Miến Điện là  quan hệ cả với bên quân đội Trung Quốc lẫn các băng đảng tội phạm gốc người Hoa. Cùng lúc thì Bắc Kinh ý thức được rằng biên giới Miến-Trung là một vùng rừng núi hiểm trở, là đất dụng võ của các băng đảng tội phạm, là nơi mà các đường dây ma túy, buôn người, các tổ chức lừa đảo trên mạng không bị luật lệ của Bắc Kinh hay Naypyidaw trói buộc.





TRUNG QUỐC SOÁN NGÔI NHẬT BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC XUẤT CẢNG XE HƠI LỚN NHẤT THẾ GIỚI (Phan Minh / RFI)

 



Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2024 - 13:23Sửa đổi ngày: 31/01/2024 - 13:25

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240131-trung-qu%E1%BB%91c-so%C3%A1n-ng%C3%.... BB%9Bi-v%C3%A0o-n%C4%83m-2023

 

Dữ liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) công bố hôm nay 31/01/2024 xác nhận, nhờ có đội ngũ các nhà sản xuất xe ô tô điện hùng hậu, vào năm ngoái, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu xe hơi hàng đầu thế giới.

 

 https://s.rfi.fr/media/display/a81da1ec-c02d-11ee-ba2a-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP23094297707502.webp

Một khách hàng mua ô tô điện của hãng Trung Quốc BYD tại một cửa hàng ở Yokohama, gần Tokyo, Nhật Bản, ngày 04/04/2023. AP - Eugene Hoshiko

 

Theo JAMA, được hãng tin AFP trích dẫn, các nhà sản xuất Nhật Bản đã xuất khẩu 4,42 triệu ô tô, xe tải và xe buýt vào năm 2023, trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết nước này xuất khẩu 4,91 triệu chiếc vào năm ngoái, thậm chí 5,22 triệu chiếc, theo số liệu do hải quan Trung Quốc công bố đầu tháng này.

 

Việc Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản, quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới kể từ năm 2017, là điều đã được dự báo từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, sự kiện này cần phải được đánh giá đúng mức, bởi lượng xe được các hãng Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài nhiều gấp đôi so với lượng xe sản xuất trong nước, trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc có rất ít nhà máy ở nước ngoài.

 

Xu hướng này sẽ thay đổi khi BYD của Trung Quốc đã trở thành hãng xe ô tô điện số một thế giới sau khi vượt qua Tesla của Mỹ vào quý 4 năm 2023 và đang thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất ở nước ngoài. Cuối tháng 12/2023, BYD đã công bố dự án xây dựng một nhà máy ở Hungary để nhắm tới thị trường châu Âu. BYD cũng có những dự án tương tự ở những nơi khác, từ Đông Nam Á tới Brazil.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐỨC - TRUNG QUỐC - XE HƠI

Ngành sản xuất ô tô Đức trước sức ép từ các đối thủ Trung Quốc

 

TRUNG QUỐC - XE ĐIỆN

Hãng ô tô điện Trung Quốc BYD đe dọa soán ngôi Tesla về số xe bán ra

 

 





ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ TÒA THÁNH ĐẾN VIỆT NAM, VATICAN LẠC QUAN VỀ CHUYẾN THĂM TIỀM NĂNG CỦA GIÁO HOÀNG (VOA Tiếng Việt)

 



Đại diện thường trú Tòa thánh đến Việt Nam, Vatican lạc quan về chuyến thăm tiềm năng của Giáo hoàng

VOA Tiếng Việt

31/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7464947.html

 

Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, Tổng Giám mục Marek Zalewski, vừa đáp chuyến bay từ Singapore đến Hà Nội vào lúc 3:25 chiều 31/1, Hội đồng Giám mục Việt Nam loan tin trong buổi tối cùng ngày, bắt đầu sứ vụ ngoại giao mới giữa bối cảnh Việt Nam và Vatican đang có những bước tiến lịch sử trong mối quan hệ mà Hà Nội đã cắt đứt gần nửa thế kỷ trước.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-8d9d-08dc22701f15_cx11_cy3_cw81_w650_r1_s.png

Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam, Tổng Giám mục Marek Zalewski, đến Hà Nội vào chiều 31/1/2024 và được các linh mục, tu sĩ chào đón tại Tòa TGM Hà Nội.

 

Các nguồn tin Công giáo cho biết Tổng Giám mục Zalewski sẽ tạm thời cư trú tại khách sạn Pan Pacific Hà Nội trong lúc chờ chính quyền Việt Nam chấp thuận nơi Toà Thánh sẽ chính thức đặt Văn phòng Đại diện.

 

Vatican trước đây từng có Tòa Khâm sứ, là cơ quan đại diện của Tòa thánh tại Việt Nam, và có hai trụ sở đặt tại Hà Nội và Sài Gòn từ năm 1925-1975.

 

Tòa Khâm sứ Hà Nội, tọa lạc tại số 42 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, gần Tòa Tổng Giám mục và Nhà thờ lớn Hà Nội. Tòa nhà này từng được dùng làm trụ sở đại diện của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam từ năm 1951 đến 1959, nhưng sau đó bị chính quyền Cộng sản trưng thu và cải tạo làm vườn hoa và công viên, dẫn đến vụ tranh chấp về quyền sở hữu khu đất giữa chính quyền Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội mà mãi cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.

 

Phía chính quyền Việt Nam nói rằng sau khi Tòa Khâm Sứ rời đi, khu đất của Tòa Khâm Sứ đã được quản lý Tòa tổng giám mục Hà Nội thời đó là linh mục Nguyễn Tùng Cương tiến hành bàn giao qua cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất quản lý. Nhưng Tòa tổng giám mục Hà Nội nói rằng Linh mục Cương chỉ là quản lý Tòa Giám mục lúc đó, không là chủ sở hữu tài sản, không có thẩm quyền quyết định tài sản của Giáo hội Công giáo. Vả lại, Lm. Cương chỉ làm bản kê khai chứ không hiến và không có quyền hiến.

 

Nhân sự kiến Tổng Giám mục Zalewski đến Hà Nội bắt đầu sứ vụ Đại diện thường trú Vatican tại Việt Nam, một số ý kiến trong công luận Việt Nam cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để chính quyền nên trả lại Tòa Khâm Sứ cho Vatican đặt Văn phòng Đại diện giữa lúc mối quan hệ hai bên đang trên đà tiến triển tốt đẹp.

 

Giáo hoàng Phanxicô đã chính thức bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/12, sau khi hai bên ký kết thỏa thuận trong chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vào ngày 27/7/2023.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-95a2-08dc226f6b80_cx7_cy4_cw84_w650_r0_s.png

Tổng Giám mục Marek Zalewski (đứng) và Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội vào ngày 31/1/2024.

 

Tổng Giám Mục Marek Zalewski, 60 tuổi, là người Ba Lan. Ông là Tổng Giám Mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia) và đang là Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam trước khi được bổ nhiệm làm đại diện thường trú.

 

Ông có bằng Tiến sĩ giáo luật và từng trải qua nhiều sứ vụ trong ngành ngoại giao của Toà Thánh tại Cộng hoà Trung Phi, Liên Hiệp Quốc (New York), Anh, Đức, Thái Lan, Singapore và Malaysia. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Tổng Giám Mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý, tiếng Anh và sử dụng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.

 

Trong một diễn tiến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul R. Gallagher bày tỏ sự lạc quan về chuyến thăm tiềm năng của Giáo hoàng tới Việt Nam và cho rằng chuyến tông du của Ngài sẽ gửi một thông điệp rất tốt đến khu vực châu Á.

 

“Có một vài bước nữa cần phải thực hiện trước khi (chuyến đi của Giáo hoàng) được tiến hành”, các trang tin Công giáo Mỹ dẫn lời Tổng Giám mục Gallagher nói và cho biết ông bày tỏ sự lạc quan rằng chuyến đi sẽ diễn ra.

 

“Tôi nghĩ Đức Thánh Cha rất muốn đi. Chắc chắn cộng đồng Công giáo ở Việt Nam rất vui mừng muốn Đức Thánh Cha đến thăm, và tôi nghĩ điều đó sẽ gửi một thông điệp rất tốt đến khu vực”, Tổng Giám mục nói với các phóng viên bên lề cuộc họp báo tại Vatican ngày 18/1.

Tổng Giám mục Gallagher, Đức Hồng y Pietro Parolin - Quốc vụ khanh Vatican - và Giáo hoàng Phanxicô đã có các cuộc họp riêng biệt trước đó cùng ngày với phái đoàn của đảng cộng sản Việt Nam, do ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại, làm trưởng đoàn.

 

Tổng Giám mục Gallagher cho biết cuộc gặp đã diễn ra “rất tốt đẹp” và các cuộc đàm phán tập trung vào thỏa thuận năm ngoái cho phép có đại diện thường trú của Giáo hoàng.

 

Việt Nam và Vatican hiện vẫn chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ.

 

Vào cuối tháng 12, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết ông đã chính thức gửi thư tới Vatican để mời Giáo hoàng Phanxicô đến thăm Việt Nam.

 

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho VOA, đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, cho biết Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng vào ngày 4/10 đã thay mặt HĐGMVN mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Việt Nam.

 

VIDEO :

Đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tới Hà Nội, bắt đầu sứ vụ ngoại giao | VOA Tiếng Việt

https://www.youtube.com/watch?v=DTJd8ndT3hQ






TOÀN VĂN TUYÊN BỐ BÁO CHÍ CHUNG VIỆT NAM - PHILIPPINES (TTXVN/Vietnam+)

 



Toàn văn Tuyên bố Báo chí chung Việt Nam-Philippines    

TTXVN/Vietnam+

30/01/2024 10:55

https://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-bao-chi-chung-viet-nam-philippines-post923827.vnp

 

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn: "Tuyên bố báo chí chung Việt Nam-Philippines nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr.".

 

XEM >>>>>>  

 

 




GIỚI QUAN SÁT : HỢP TÁC AN NINH BIỂN VIỆT NAM - PHILIPPINES LÀ 'BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG' (VOA Tiếng Việt)

 



Giới quan sát: Hợp tác an ninh biển Việt Nam-Philippines là ‘bước tiến quan trọng’

VOA Tiếng Việt

31/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/gioi-quan-sat-hop-tac-an-ninh-bien-viet-nam-philippines-la-buoc-tien-quan-trong-/7464363.html

 

Philippines và Việt Nam vừa ký hai thỏa thuận để ngăn chặn các sự cố ở Biển Đông và mở rộng hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước trong một động thái có thể khiến Trung Quốc phản đối. Các chuyên gia quan sát tình hình an ninh khu vực chia sẻ góc nhìn của họ với VOA về quan hệ hợp tác mới giữa Manila và Hà Nội.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-fead-08dc21d4d30a_cx0_cy3_cw0_w650_r1_s.jpg

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, ngày 30/1/2024.

 

Hôm 30/1, tại Hà Nội, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng chứng kiến việc hai bên ký kết 5 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ Việt Nam-Philippines về phòng ngừa và quản lý sự cố trên Biển Đông và Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển, truyền thông hai nước đưa tin.

 

Các chuyên gia nhận định rằng hai bản ghi nhớ này là bước tiến quan trọng nhằm giúp Hà Nội và Manila ứng phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc – tức là các hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án thông qua việc mở rộng kiểm soát không gian biển, hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp.

 

Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nêu nhận định:

 

“Từ trước đến nay hai nước có những thỏa thuận hòa bình với nhau, giữ nguyên hiện trạng, không có hành động gây căng thẳng, cũng như những tính toán để không gây va chạm không mong muốn”.

 

“Bây giờ họ đã mở rộng [các thỏa thuận] đối với cảnh sát biển và các lực lượng dân binh, đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định bước đi của cả Philippines và Việt Nam bằng mọi biện pháp hòa bình để ứng xử với các hoạt động theo chiến lược vùng xám của Trung Quốc”, tiến sĩ Hợp nhận xét.

 

Ông dự báo việc mở rộng quan hệ hợp tác này vẫn sẽ không ngăn được các hành vi quấy nhiễu của Bắc Kinh trong khu vực đang có tranh chấp, nhưng chúng tạo sự tiếng nói đồng thanh trước cộng đồng quốc tế, nhất là trên bình diện pháp lý.

 

Văn phòng của Tổng thống Philippines hôm 30/1 nói trong một tuyên bố rằng bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải đã được công bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội của Tổng thống Marcos và “nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau và sự tự tin giữa hai bên”.

 

VIDEO :

Kết quả, ý nghĩa, thực chất chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr   

 

Ông Marcos nói ông rất “hài lòng” với việc ký kết Bản ghi nhớ Philippines-Việt Nam về Hợp tác Hàng hải, với mục đích nhằm thiết lập mối “quan hệ đối tác toàn diện giữa Lực lượng Cảnh sát biển của chúng ta về xây dựng năng lực, đào tạo và trao đổi nhân sự và tàu thuyền để tăng cường các hoạt động tương tác giữa hai nước chúng ta”.

 

“Một điều chắc chắn có thể dự đoán được là Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến thuật vùng xám để gây căng thẳng và quấy nhiễu các nước có biển, có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”, vẫn lời tiến sĩ Hợp. “Họ sẽ tiếp tục gây căng thẳng và quấy nhiễu đối với Philippines và Việt Nam. Nhưng với hai thỏa thuận này giữa Philppines và Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển 1982 của LHQ, nên các phản ứng của Trung Quốc sẽ không có tác dụng gì”.

 

Được hỏi liệu các thỏa thuận này của Philippines và Việt Nam có tạo nên “Mặt trận thống nhất” chống Trung Quốc như trang Global Times của Trung Quốc chỉ trích truyền thông Philippines khi đưa tin về triển vọng của thỏa thuận này hay không, thạc sĩ Hoàng Việt thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến:

 

“Nếu thực sự Việt Nam và Philippines tạo ra mặt trận thống nhất để chống lại Trung Quốc thì rõ ràng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để phản ứng lại một cách mạnh mẽ. Nhưng với việc hai bên chỉ ký kết những bản ghi nhớ như vậy thì chưa phải là một cái gì để tạo thành một mặt trận thống nhất để chống Trung Quốc. Việt Nam cũng đã cố gắng tránh việc này vì Việt Nam không muốn tạo ra sự đối đầu với Trung Quốc trong lúc này”.

 

Hôm 23/1, trang Philippine Daily Inquirer đăng tin rằng thỏa thuận hợp tác tuần duyên của Philippines và Việt Nam sắp được ký kết là một động thái nhằm xây dựng một “mặt trận thống nhất” giữa hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên các khu vực ở Biển Đông.

 

Tuy nhiên, theo ông Việt, thỏa thuận hợp tác tuần duyên giữa Hà Nội và Manila là bước khởi đầu để tiến đến những hợp tác sâu rộng giữa các bên có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải.

 

“Điều này cho thấy các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dù có những yêu sách thậm chí đối lập nhau ở Biển Đông vẫn có thể ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua biện pháp đàm phán và thương lượng. Như vậy có thể mở ra những bước mới trong giải quyết tranh chấp Biển Đông”, thạc sĩ Việt đưa ra ý kiến cá nhân.

 

“Việc các quốc gia ASEAN cùng ngồi với nhau, tự giải quyết các khúc mắc của mình trước sau đó mới có thể đàm phán với phía Trung Quốc thì sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho phía Trung Quốc”, thạc sĩ Việt cho biết thêm.

 

Truyền thông Việt Nam đăng tuyên cáo chung hôm 30/1 sau cuộc gặp giữa Tổng thống Marcos và Chủ tịch Võ Văn Thưởng.

 

“Hai nhà lãnh đạo nhất trí củng cố các cơ chế hợp tác biển hiện có, nhất là Ủy ban hỗn hợp về các vấn đề Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đường dây nóng giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, bên cạnh các cơ chế khác, và thông qua các biện pháp khác nhằm bảo đảm an ninh và an toàn cho ngư dân của nhau cũng như giải quyết hòa bình các sự cố trên biển”, tuyên cáo chung viết.

 

Trước cuộc hội kiến với Chủ tịch Võ Văn Thưởng, Tổng thống Marcos mô tả Hà Nội là “đối tác chiến lược duy nhất” của Manila ở Đông Nam Á, nhấn mạnh rằng quan hệ hợp tác hàng hải này là “hòn đá tảng” trong mối quan hệ giữa hai nước.

 

Nhà lãnh đạo Philippines lặp lại thông điệp này hôm 30/1 sau khi kết thúc chuyến công du Việt Nam: “Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của chúng tôi ở châu Á và đang nỗ lực khám phá các lĩnh vực hợp tác đồng thời phát triển trên các lĩnh vực hợp tác hiện có”, văn phòng của ông cho biết trong một thông cáo.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính được hãng tin Reuters dẫn lời khi gặp Tổng thống Philippines đã kêu gọi đoàn kết hơn nữa và hợp tác chặt chẽ hơn, cho rằng tình hình thế giới và khu vực “đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp”.

 

Trang Japan Times của Nhật hôm 30/1 dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng quyết định tiếp cận Hà Nội của Manila không phải ngẫu nhiên.

 

Trang này trích lời ông Zachary Abuza, chuyên gia về Đông Nam Á và giáo sư thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: “Philippines và Việt Nam có xu hướng hợp tác nhiều nhất vì có ít sự chồng chéo lãnh thổ hơn trong các yêu sách của họ và quan trọng hơn là cả hai đều phải gánh chịu sự xâm lược của Trung Quốc”.