Friday, September 27, 2019

CÔ ẤY LÀM THƠ (Phạm Thị Hoài - Pro&Contra)




Phạm Thị Hoài
27/09/2019

LTS: Nhà văn Phạm Thị Hoài viết bài viết này sau khi cố gắng tổ chức tại Berlin buổi giới thiệu sách của nhà báo Đoan Trang, nhân dịp Đoan Trang được trao Giải Tự do Báo chí 2019 và luật gia Trịnh Hữu Long thay mặt đến Berlin nhận giải thưởng. Nhưng buổi giới thiệu sách tại Berlin đã không thành.
_____

Phạm Thị Hoài
26-9-2019

Những ngày trước khi Phạm Đoan Trang được trao Giải Tự do Báo chí 2019, tôi đã liên lạc với nhiều người trong cộng đồng Việt ở Berlin, định tổ chức một buổi giới thiệu sách của Trang. Berlin, 30 năm sau ngày bức tường bao bọc tuyến đầu xã hội chủ nghĩa ở châu Âu sụp đổ. Một cái duyên như nụ cười của lịch sử.

Nhưng khi tôi nói về Trang, những người ở đây mà tôi tưởng có chút quan tâm đến thời cuộc ở nhà lắc đầu, họ không nghe nói. “Cô ấy viết sách hả? Tiểu thuyết hay truyện ngắn? Chị thông cảm, tôi bây giờ ngại đọc truyện lắm.” Tôi bảo, không, cô ấy làm thơ.

Khi tôi nói về Trang, những người ở đây mà tôi tưởng nhất định phải biết lắc đầu, họ chỉ nghe loáng thoáng. Họ thường bốt lên mạng những điều tiến bộ văn minh ở nơi đang sống để ngao ngán cho tình cảnh xứ Đông Lào. Họ tự hào, thấy mình cũng dũng cảm. Đám mũ ni che tai, phù phiếm sống ảo nhiều lắm, họ hơn.

Khi tôi nói về Trang, những người biết rõ lắc đầu, họ tôn trọng quan điểm của các nhà bất đồng chính kiến nhưng bản thân không chủ trương đối kháng. Họ theo đuổi con đường khai sáng. Nâng dân trí. Nghiên cứu. Dịch. Văn chương nghệ thuật. Sứ mệnh tri thức. Hợp tác để chuyển hóa. Lấy trí tuệ làm đòn xoay. Nếu đó cũng là chính trị thì chính trị cao cấp đặc tuyển. Họ không đọc Chính trị bình dân.

Khi tôi nói về Trang, những người thực lòng cảm phục cũng lắc đầu, họ có một ngàn lí do để không thể ra mặt. Họ phải giấu con người thật của mình trước dấu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực là phiếu bé ngoan. Tôi bảo, cô ấy cũng không sợ gì hơn là cấm trở về nên quyết không ra đi. Nhưng đó là một câu chuyện khác, tôi không xếp hạng những cái giá phải trả.

Khi tôi nói về Trang, những người sốt sắng cũng rất tiếc mà lắc đầu. Tất cả đều bận. Bận là điều rất tốt cho các phong trào hòa bình: Chiến tranh gọi, nhưng không ai rảnh. Song tự do dân chủ cũng gọi, và không ai có thời gian. Cuộc đời ta hiện ra như một chuỗi tràn lan kín mít các sự kiện. Tối mai xem kịch, trước đó còn đi bơi. Ngày kia tiệc sinh nhật của con của con của một người bạn. Cuối tuần đồng nghiệp mời ra vườn nướng thịt. Sang tháng du hí ngắn. Năm sau du lịch dài. Ngày này trả sách thư viện. Ngày này hết hợp đồng thuê một cái nhà kho ngớ ngẩn. Ngày này trực mua vé Rammstein. Ngày này khai thuế. Ngày này thay lốp xe mùa đông. Ngày này đi nội soi đại tràng. Cho đến ngày nhập quan, mây Google không còn khe nào cho ta nhét thêm một cái hẹn trên lịch Google nữa.

Những người khác, tôi không hỏi. Hoặc những người cắm nợ như cắm sẵn bia mộ ở quê cha đất tổ, họ sang Đức làm chui sống giả không phải để phấn đấu cho những giá trị chưa bao giờ nghĩ đến và có lẽ chẳng bao giờ cần dùng. Hoặc những người thành đạt xông xênh, họ kể chuyện đánh gôn còn tôi kể chuyện công an nện nhà báo, tốt nhất hai bên đừng đi chung thang máy. Hoặc những sinh viên cặm cụi cho một tương lai lương cao hãng khủng, hơi sức đâu bận tâm mấy chuyện chính trị lèo nhèo. Hoặc những anh em Việt kiều yêu nước mãn tính, khôn nguôi thương nhớ một Cộng hòa Dân chủ Đức của chúng mình và rình dịp hát ca khúc cách mạng. Hoặc những chị em Việt kiều yêu nước tháo khoán, diện áo dài rồng phượng ra trước sứ quán Tàu chụp ảnh dan tay bảo vệ biển đảo. Hoặc những ông bà Việt kiều yêu nước hội kín, sợ cả nhà nước lẫn phi nhà nước lợi dụng, sợ cả cánh hữu lẫn cánh tả bỏ bom. Hoặc những người chỗ nào cũng hôn, lên Treptow hôn chân sứ quán, lên mạng hôn lưỡi phản động, đi hướng Tây hôn cờ vàng, về hướng Đông hôn cờ đỏ, song say đắm nhất là hôn cái trí khôn rộng háng đáng đồng tiền của chính mình. Tôi cũng không hỏi những nhà văn tị nạn ở Đức để viết sách xuất bản ở Việt Nam, những nhà báo buôn tin láo nháo trôi nổi mà cống hiến ngoài ý muốn lớn nhất là cung cấp một ca điển hình rằng không chỉ riêng chính quyền biết trục lợi từ một đám đông cả tin, thụ động và ít hiểu biết. Mị dân chính thống ắt sinh ra mị dân đối lập.

Buổi giới thiệu sách đã không diễn ra.

Tôi vốn tin mình không có gen nản, lại may mắn được một công việc bất chấp mọi khủng hoảng của thế gian, trơ gan trước bi kịch: với người viết, xét cho cùng tất cả đều tích cực. Ngay cả cái hiện thực mà phần đông người Việt ngao ngán, với người viết cũng là một kho chất liệu và nguồn cảm hứng vô giá. Song sau những cái lắc đầu vừa kể, thặng dư văn chương chưa thấy mà đồ thị tâm trạng tôi thì trườn dần xuống đáy.

Đấy không phải lần đầu tiên. Tất cả những người dấn thân cho tiến trình dân chủ hóa xã hội Việt Nam cho đến nay đều có lí do để ít nhiều ngã lòng và đều né tránh đề cập. Nhưng cứ trước một giờ G nào đó, những thông cáo toàn dân xuống đường lại đều đặn xuất hiện. Ngày tận số của chế độ cộng sản liên tục điểm. Lịch sử thường trực sang trang. Môi trường chính trị đối lập ngập rác của các nhà tiên tri. Cú giãy chết của chủ nghĩa cộng sản cũng trở thành chuyện tếu như đã nghe chán về hành động tương tự của chủ nghĩa tư bản. Tuần tới, nước Trung Hoa cộng sản sẽ kỷ niệm chưa phải thượng thọ nhưng đã là sinh nhật lần thứ bảy mươi. Bất chấp mọi kịch bản suy vong, chính thể độc tài lớn nhất hoàn cầu từ trước tới nay ấy đang tiến đến đỉnh cao của quyền lực và sức mạnh. Chủ nghĩa toàn trị đang trở lại, siêu hiện đại, siêu hiệu quả.

Tôi thường tự hỏi, nếu Việt Nam vẫn là một nhà nước đảng trị và công an trị, thậm chí còn hà khắc, vô nhân hơn, nhưng mọi mặt phát triển thần tốc như Trung Quốc hiện tại, liệu chúng ta có hài lòng với sự lãnh đạo của đảng cộng sản, có tự hào với vị thế của đất nước như phần lớn người Trung Hoa Đại lục hiện nay đang kiêu hãnh? Bạn sẽ chọn thất nghiệp ở một nước tự do hay làm CEO trong một tập đoàn kinh tế do chính phủ bảo trợ ở một quốc gia độc tài? Câu trả lời thực ra đã rõ với tuyệt đại đa số, song mọi bất ngờ của lịch sử đều được chuẩn bị bởi một thiểu số của những con người khác thường. Trang là một người như thế, một may mắn hiếm có của phong trào dân chủ Việt Nam. Nên mỗi lần tâm trạng chuẩn bị rơi vào vùng trũng, tôi lại nhớ đến những lời của Trang, khi cô ấy hỏi giản dị: “Bạn đã chán chưa?” trước những than thở buồn, nản, thất vọng về phong trào dân chủ, và trả lời: “Bạn làm gì thì làm, học gì thì học, nhưng để có thể (may ra) thành công chút ít thì bạn nên cố gắng tìm thấy ở đó sự thú vị và ý nghĩa. Đấu tranh vì tự do, chống độc tài, bảo vệ dân chủ luôn là một sự nghiệp đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Nhưng nếu bạn không còn thấy điều đó nữa, bạn chỉ còn toàn những cảm xúc tiêu cực, thì tốt nhất là bạn nên dừng lại; sẽ chẳng ai trách gì bạn.

Những cảm xúc tiêu cực của tôi với cộng đồng Việt ở Berlin quả thật chẳng ích gì. Cộng đồng ấy có những lo toan cũng muôn phần bề bộn của nó mà những gì đang xảy ra ở Việt Nam rốt cuộc rất phụ, chỉ như một cước chú có ghi mà quên đọc. Phần mình, tôi có tha thiết cũng chỉ vì là một người viết tiếng Việt. Cuộc đời tôi, hàng ngày, không sứt mẻ mảnh nào vì một bản án nữa, mười mấy năm tù cho một cây bút ở Việt Nam. Lịch sử quả thật đã sang trang, nhưng không phải cho trong nước mà cho cộng đồng Việt hải ngoại. Nó đã thành một cộng đồng rất khác so với khi hình thành. Phần nối dài của Sài Gòn cạnh phần nối dài của Hà Nội, ở giữa là những tồn tại phi chỉ dẫn địa lí. Khoảng trống mà những thế hệ nặng lòng với đất nước để lại chỉ còn được khỏa lấp bằng sự thờ ơ dễ hiểu của các thế hệ sau, những di dân gốc Việt đã mất khái niệm về một nước mẹ mà họ không can dự. Tiếng Việt trở thành ngoại ngữ. Ưu thế một thuở cũng không còn nữa, ở kỉ nguyên internet người Việt hải ngoại không còn là cánh cửa duy nhất mở ra bên ngoài cho một thế giới vốn khép kín. Họ đã hoặc sắp đóng xong vai trò của mình với quê hương để – muốn hay không – trở thành một bộ phận của quê hương mới. Một tiến trình hoàn toàn tự nhiên.

Và cũng hoàn toàn rõ ràng, vai trò chủ động và đi đầu trong công cuộc chuyển hóa Việt Nam nay thuộc hẳn về người Việt trong nước. Với một thế hệ khác, một diện mạo khác.  Không còn là những văn nghệ sĩ phải gói kĩ sự thật vào ẩn dụ nghệ thuật rồi đi tìm chỗ nấp. Không còn là lớp lão thành kháng chiến phải lên tiếng bởi di sản cách mạng bị chà đạp. Không còn là những đảng viên phản kháng để bảo vệ sự trong sáng của lí tưởng. Không còn là những cán bộ về hưu liêu xiêu phản tỉnh. Không còn nhập nhằng chính thống bàng thống. Không còn dùng dằng trong luồng ngoài luồng. Không còn ảo tưởng cải lương. Không còn nỗi sợ hãi bị xã hội tẩy chay, gia đình ruồng bỏ. Chưa bao giờ trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, các hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước, dù chưa thể lan rộng, lại công khai thách thức bộ máy kiểm duyệt và đàn áp như thế.

Trang từng kể, đấu tranh thì dĩ nhiên khổ, nhưng bất hạnh thì không. Vui, buồn, giận dữ, sợ hãi, đau khổ, thất vọng… đủ hết, nhưng trên tất cả là buồn cười và hạnh phúc. Buồn cười vì những trò vừa hèn hạ vừa trẻ ranh, về sự ngu muội tối tăm, về thói dối trá bưng bít và sự lố bịch của guồng máy đàn áp. Hạnh phúc vì được anh chị em trong phong trào dân chủ lo lắng bảo vệ, được biết bao người công khai hay âm thầm giúp đỡ, biết bao độc giả nhiệt thành ủng hộ. Hạnh phúc vì yêu ý nghĩa và vẻ đẹp của công việc mà mình theo đuổi. Tôi đã nói, cô ấy làm thơ.

Berlin, 23/9/2019
Tuần báo Trẻ, 26/9/2019  





No comments: