Wednesday, December 31, 2008

CHUYẾN VƯỢT BIÊN NĂM 2007

2007: Chuyến vượt biển cuối cùng từ Việt Nam?
Thanh Quang, phóng viên RFA-Bangkok
2008-12-31
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/About-the-latest-boat-people%20arrival-in-indonesia-12312008153150.html
Cách nay khoảng một năm, có một nhóm thuyền nhân VN rời bỏ quê hương và đến Indonesia. Hiện họ đang ở trại tạm giam trên đảo Batam thuộc Bộ Di Trú Indonesia.
Tháng 9 năm vừa rồi, Linh Mục Chu Văn Chi từ Sedney bên Úc, nhân chuyến trở về thăm các trại tỵ nạn ngày trước ở Đông Nam Á, đã gặp số thuyền nhân muộn màng ấy.

25 người đã đến Indonesia

LM Chu Văn Chi: Tội nghiệp họ lắm. Vì kỳ này không còn tất cả những gì về quy chế tỵ nạn, do đó mình không giúp được gì hết. Đó là điều khổ nhất. Họ cũng mới vừa viết thư cho chúng tôi nhưng chúng tôi cũng không biết giúp họ cách nào, nên nhờ một số người bên đó giúp đỡ họ về vật chất thôi.

Thanh Quang: Thưa Cha, những thuyền nhân này gốc người ở đâu tại VN, và rời VN trong hòan cảnh nào ?
LM Chu Văn Chi: Đa số họ ở Miền Tây. Rất tội nghiệp. Đa số là các em bé không biết gì hết, nghe bảo đi là nó đi thôi. Khi sang đến đó thì bị giữ tịt lại luôn trong đó mà mình không làm gì được, bởi vì hòan cảnh tỵ nạn đã chấm dứt từ lâu rồi.

Thanh Quang: Như vậy, thưa Cha, hiện họ sống tại trại Batam này nhờ nguồn trợ giúp nào ?
LM Chu Văn Chi: Do chính quyền địa phương tài trợ. Đấy là điều mà chúng tôi biết được. Chúng tôi có cho mỗi người bao nhiêu tiền đó để giúp đỡ cho họ, chứ chả biết làm cách nào khác.

Thanh Quang: Thưa, đối với chính quyền địa phương thì họ có gặp khó khăn nào không ?
LM Chu Văn Chi: Với chính quyền địa phương thì chúng tôi gởi nhóm người này đàng hoàng lắm. Họ cũng rất thương, tức là họ sẵn sàng giúp đỡ cho những thuyền nhân đó, cho tiền ăn uống trong trại tạm giam này.
Khi chúng tôi đến thăm và cho tiền mấy người lính canh, thì họ cho chúng tôi vào dễ dàng. Hiện tôi có tất cả danh sách của những người này, như anh Lâm Khôn là anh trước kia đã tới Indonesia và bị trục xuất về VN, rồi tổ chức lại chuyến đi. Nguyễn Ngọc Thành độc thân, Thạch Út và Kim Thị Thu là vợ chồng, Thạch thị Tuyết Minh, Thạch thị Tuyết Như, Thạch thị Tuyết Nhung và mấy đứa con; rồi Nguyễn Văn Tâm, Thạch thị Kiều Trang…nghĩa là họ dính dáng họ hàng với nhau hầu hết trong chuyến này. Tất cả là 25 người.

Quy chế tỵ nạn đã chấm dứt từ lâu rồi

Thanh Quang: Thưa, nghe nói anh Lâm Khôn từng vượt biên 4 lần, và lần thứ tư mới tới trại Batam này ?
LM Chu Văn Chi: Không. Trước kia anh ta ở bên trại Indonesia rồi - và ở đó mấy năm. Đó cũng là một phần tử lung tung lắm. Khi bị cưỡng bức hồi hương thì anh ta về VN rồi tổ chức chuyến đi này. Chuyến này lần thứ ba, thứ bốn – đúng như anh vừa nói. Anh Lâm Khôn từ VN có tổ chức mấy chuyến không tới; lần này thì tới. Anh còn tính đi từ Indonesia tới Úc Đại Lợi mà không được. Anh này làm nhiều thứ lắm. Và bây giờ bị nhốt ở trại Batam đó.

Thanh Quang : Thưa Cha, nói chung triển vọng đi định cư của họ ra sao ?
LM Chu Văn Chi: Chúng tôi nghi chắc không được bởi vì đã có luật quốc tế. Điều số một là họ phải hồi hương, chắc chắn rồi. Vì theo các nguyên tắc quốc tế thì người ta không chấp nhận họ, người ta bảo là nhóm này nhập cảnh bất hợp pháp, thành tội đồ thì khó lắm. Hơn nữa tất cả những người này không có gì về quy chế tỵ nạn cả, nên vấn đề càng khó hơn.

Thanh Quang: Thưa nghe nói trong nhóm này có hai người đi định cư rồi ?
LM Chu Văn Chi: Chắc không phải như vậy. Nghe nói có một chị đã sang bên Úc rồi nhưng cũng bất hợp pháp, và bị trục xuất về. Những người đó bảo là chị này đã sang bên Úc rồi, nhưng chỉ đi du lịch thôi. Nhưng ở quá hạn bị người ta trục xuất về. Tôi biết chuyện đó.

Thanh Quang: Thưa nhân đây, Cha có muốn lên tiếng gì thêm về tình cảnh của những người đang ở trại tạm giam trên đảo Batam này không ?
LM Chu Văn Chi: Vấn đề rất tế nhị. Sự thật thì chúng tôi đã gặp chính quyền địa phương ở đó rồi. Họ không cho mình biết gì. Nhưng LHQ cũng đã biết 25 người này rồi.
Cho tới lúc này, chúng tôi không biết gì nhiều hơn. Chúng tôi chỉ cố gắng giúp đỡ họ được cái nào hay cái đó. Thật sự thì bây giờ chúng tôi chỉ liên lạc được một số cơ quan bên đó để giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần. Bây giờ chúng tôi chỉ làm được có vậy thôi. Chúng tôi cũng đang nhờ người bên đó xem có cách nào giúp đỡ họ không. Nói chung thì những anh chị em Indonesia cũng thương những người này lắm. Nhưng theo các quy chế của LHQ thì cũng chưa biết giải quyết thế nào. Đấy là điều mà chúng tôi biết được, cho tới ngày hôm nay.

BIẾT HÃNH DIỆN và CŨNG BIẾT XẤU HỖ

Biết hãnh diện và cũng biết xấu hổ
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 30, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88837&z=7
Ðộc giả Nhật báo Người Việt ở Mỹ đã viết thư về tòa báo chia vui khi đọc bản tin đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan trong giải bóng tròn AFF Suzuki. Kể từ năm 1959 khi đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa thắng Giải Ðộc Lập (Merdeka) đến nay, Việt Nam mới thắng một trận đá banh quan trọng như vậy.

Cho nên chúng ta hiểu tại sao nhiều đồng bào trong nước đã ăn mừng vui nhộn tới mức gây ra tai nạn làm 4 người chết và mấy trăm người bị thương. Tội nghiệp những người bị nạn và gia đình họ, những tai nạn này đáng lẽ có thể tránh được nếu xã hội Việt Nam quen sống có trật tự và trọng kỷ luật hơn. Tất nhiên có những người lợi dụng chiến thắng của đội tuyển bóng tròn, lấy cớ đó mà tổ chức ăn nhậu vui say hoặc lái xe biểu diễn lấy le. Nhưng tâm trạng vui mừng tập thể là điều không thể dồn nén được.

Mọi đám đông người trên thế giới đều chờ khi có dịp thì xác nhận tính chất cộng đồng, xác định tính tập thể của mình, diễn tả bằng hành động. Nhất là trước những tin vui, mọi người muốn hòa nhập làm một để biểu lộ một niềm hãnh diện chung. Nhiều quốc gia cũng lợi dụng các cuộc tranh đua thể thao quốc tế để kích thích tinh thần quốc gia, dân tộc. Các nước độc tài thường đề cao thể thao, từ thời Ðức Quốc Xã tới chế độ cộng sản ở Nga Xô, Ðông Ðức. Năm nay đảng Cộng Sản Trung Quốc đã huy động tài nguyên và nhân lực của hơn một tỷ người biến Thế Vận Hội Bắc Kinh thành một cuộc trình diễn lớn; họ cũng giúp cho cả nước Trung Hoa cùng hãnh diện, ít nhất trong một tháng trời. Cho nên giữa mọi người Việt Nam cũng chia sẻ cùng một niềm vui khi đội tuyển nước ta chiếm một giải đá bóng quan trọng trong vùng Ðông Nam Á, sau gần một nửa thế kỷ. Một người, một đội tuyển, làm được một việc tốt, cả nước có thể cùng chia sẻ niềm vui. Ðây là một tình tự đáng khuyến khích.

Vì niềm hãnh diện tập thể là một nền tảng, một động cơ kích thích con người tập sống theo đạo đức và giữ đạo đức. Như trong xã hội Việt Nam, tổ tiên chúng ta vẫn đề cao danh dự gia đình cũng như tiếng tăm của làng xóm. Nhiều người Việt muốn sống đúng đạo lý không phải chỉ vì danh dự cá nhân mình, nhưng còn vì muốn giữ tư cách xứng đáng với dòng họ, với quê hương bản quán của mình. Bảo vệ tiếng thơm của tổ tiên, cố giữ tiếng tốt cho làng, tỉnh mình, cho địa phương của mình, các tình tự đó có khả năng kiềm thúc con người, không dễ để mình phạm vào đạo lý. Truyền thống đó chịu ảnh hưởng của Nho Giáo đề cao gia tộc, nhưng cũng phù hợp với tinh thần làng xã đặc thù của văn hóa Việt Nam.

Hiện nay trong các nước Á Ðông thuộc văn hóa Nho Giáo, chỉ có Nhật Bản vẫn bảo tồn khái niệm danh dự tập thể nhiều nhất; ít nhất họ còn giữ được tinh thần đó nhiều hơn Trung Quốc hay người Việt Nam. Một lý do có lẽ là vì dù đã canh tân theo lối Tây Phương nước Nhật vẫn bảo vệ đạo lý cổ truyền đặt trên nền tảng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Các nước Việt Nam và Trung Quốc đều đã trải qua các chế độ cộng sản, đã “cách mạng văn hóa,” xóa bỏ nền nếp luân lý cũ một cách khá tàn bạo.

Về hình thức, người Nhật vẫn giữ thể chế quân chủ lập hiến, mặc dù thiên hoàng chỉ giữ ngôi vị tượng trưng. Họ vẫn duy trì tôn giáo cổ truyền là Thần Ðạo dù chỉ còn hình thức tượng trưng, họ cũng vẫn giữ chữ viết cũ và lối dậy luân lý, công dân giáo dục, đã được cải tiến từ thời Minh Trị. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi người Nhật Bản tỏ ra ngạc nhiên trước những bản tin nói về quan chức Việt Nam tham nhũng, về cảnh nhân viên hãng hàng không Việt Nam âm mưu ăn cắp cùng với các người đi học việc, gọi là “tu nghiệp sinh.” Trong blog của một người Việt Nam sinh sống bên Nhật mang tên Minh T., anh kể rằng, “Một cảnh sát viên Nhật Bản tên là Tanaka Masao, tham gia cuộc điều tra các nhân viên Vietnam Airlines chứa hàng ăn cắp, đã ngạc nhiên hỏi rằng không hiểu tại sao một nước văn hiến lâu đời như nước Việt Nam mà đám công nhân cháu lại có những người chịu đi làm nô lệ và đi tổ chức ăn cắp như vậy.”

Câu hỏi trên cho chúng ta thấy thái độ tiêu biểu của một người Nhật về trách nhiệm tập thể: Khi nhìn thấy những cá nhân làm điều sai trái, họ nghĩ tới danh dự của cả tập thể. Văn hóa Nhật Bản đã tạo ra cho họ thói quen nhìn vào cả tập thể đó.

Chúng ta cũng không thể trách họ thiên lệch, chê họ đã chỉ trích oan cho một dân tộc khác chỉ vì một vài cá nhân. Vì ở đây người ta thấy cả một đám đông người, có tới 50 nhân viên hàng không Việt Nam và các người “tu nghiệp sinh” bị điều tra; lại có đủ các cơ sở thương mại, ngoại giao của chính quyền cộng sản Việt Nam bị khám xét bắt hàng ăn cắp.

Nếu chỉ bắt được một hai người Việt ăn cắp thì không ai được phép lên án cả dân tộc Việt Nam. Nhưng khi các quan chức ngoại giao đại diện cho một nước phạm lỗi lầm thì người ta thắc mắc là phải. Những quan chức này lại phạm những lỗi lầm đạo đức thuộc loại đơn giản nhất, những tội lỗi mà trẻ con nước nào cũng được dạy dỗ từ bé rằng làm như thế là sai trái, đứa trẻ nào cũng nhớ suốt đời không cần ai nhắc lại! Khi đó, nếu người ngoại quốc lên án cả nước hoặc ít nhất cả chính quyền nước đó, điều này không thể trách cứ người ta được. Vì người ta sẽ tự hỏi cái quốc gia sinh ra đám người phạm tội này đã dậy dỗ trẻ em cách sống thế nào, không giống như nhân loại hay sao?

Một lần đi du lịch bên Nhật, tôi đã có kinh nghiệm đó. Một bữa ở gần chân núi Phú Sĩ, tôi thấy một đoàn du khách ồn ào đang vào phòng ăn. Tôi hỏi người Nhật hướng dẫn đoàn chúng tôi không biết mấy người này thuộc nước nào mà nói nhiều như vậy? Anh ta cho tôi biết, đó là một nước Á Ðông tôi xin miễn kể tên. Vì đã đi chung hơn một tuần lễ với nhau và trò chuyện nhiều lần đã khá thân, anh Tanaka lắc đầu nói nhỏ với tôi: Mấy người nước này họ thường ăn ở dơ bẩn lắm! Tôi trợn mắt tỏ ý không hiểu. Anh bèn làm điệu bộ cho tôi hiểu: Anh đưa hai ngón tay lên miệng hít một hơi như người hút thuốc, xong làm bộ ném tàn thuốc xuống đất, rồi lấy chân day day trên mặt đất!

Ðối với một người Nhật thì hút xong vứt tàn thuốc xuống đất đã là ăn ở thiếu trật tự, thiếu vệ sinh. Cho nên, một người Nhật phải nhìn cảnh người dân nước khác ăn ở như vậy nhiều lần, thì họ kết luận dân tộc này không biết cách sống vệ sinh!

Cách phán đoán đó cũng hơi khe khắt, ít nhất là đối với người Việt. Nhưng tôi biết anh Tanaka đã thấy rất nhiều người hành động trái với phong tục thuần hậu của xứ anh, cho nên mới kết luận. Tôi hy vọng anh Tanaka khi sang Việt Nam hoặc tới Little Saigon không phải trông thấy cảnh nhiều người Việt Nam cũng làm như vậy. Hoặc tệ hơn nữa, nhiều người bỏ điếu thuốc hút dở dang bốc khói tiếp tục cháy trong cái gạt tàn hoặc trên mặt đất, cho người khác bị sặc vì khói!

Nhưng cái tội vứt tàn thuốc bừa bãi có thể coi là một “thói quen xấu” mà người phạm lỗi không biết, có thể vì không được ai dạy dỗ để biết như thế là xấu. Mọi người có thể tập bỏ những thói xấu đó dần dần, giống như ở Singapore người ta tập không nhổ bậy, không vứt rác ngoài đường. Nếu có quyết tâm, cả xã hội có thể cùng nhau tập bỏ những thói xấu như thế. Còn những tội như ăn cắp, ăn trộm của các cửa hàng, hoặc ăn hối lộ của nặng hơn nhiều, thuộc phạm vi đạo đức. Tệ hơn nữa là phần lớn những người phạm tội ăn cắp đều biết làm như vậy là xấu nhưng vẫn cố ý làm.

Khi Nhật báo Người Việt đăng bài về những cảnh ăn cắp, ăn hối lộ trong đám nhân viên hàng không, tu nghiệp sinh và quan chức ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản, tất cả các vị độc giả viết thư về đều than là chính mình cũng cảm thấy nhục, trừ một vài vị. Một trong hai vị đó biện luận rằng mình không cảm thấy nhục, vì đây là nỗi nhục riêng cho chính quyền cộng sản Việt Nam, chứ người Việt Nam nói chung không cần phải xấu hổ.

Nhưng chúng ta sợ rằng người ngoại quốc họ không biết phân biệt tinh tế như vậy! Một quốc gia mà có các “tu nghiệp sinh” ăn cắp, các nhân viên hàng không ăn cắp, đến nhân viên ngoại giao cũng bán hộ chiếu và ăn chặn tiền, một nước đông người ăn cắp tập trung cùng một nơi như vậy, mà lại biểu diễn những tội lỗi đó ở ngoại quốc, thì làm sao người nước ngoài họ phân biệt được trong đám này ai là người dân còn ai là chính quyền? Người ngoài họ nhìn chỉ thấy người Việt nào cũng là người Việt thôi! Dù những người Việt sống hoàn toàn ở ngoại quốc, cũng không vì thế mà được “miễn nhiễm!”

Một vị thứ hai, chắc là một nhân viên công an làm bổn phận, thì lên giọng mắng tờ báo Người Việt thậm tệ, cốt để bênh vực chế độ cộng sản. Vị đó phán rằng: Chúng mày hãy đọc tin này đi! Mở cái địa chỉ “link” ra thì thấy bản tin báo Lao Ðộng viết, “Ngày 26.9, Bộ Trưởng Bộ LÐTBXH VN Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Kyoei Yanagi Sawa - chủ tịch Hiệp Hội ... IMM Japan đã ký lại bản thỏa thuận về chương trình hợp tác đưa tu nghiệp sinh (TNS) VN sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Năm đầu tiên, TNS sẽ được nhận trợ cấp tu nghiệp là 80.000 Yen, năm thứ hai và ba, mức trợ cấp tối thiểu là 90.000 Yen và 100.000 Yen.

Sau khi hoàn thành, IMM Japan sẽ hỗ trợ cho mỗi TNS 600.000 Yen (tương đương với 5.000 USD) để tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới. Ðược biết, qua hơn 2 năm triển khai hợp tác với IMM Japan, hơn 400 TNS VN đã được chọn, trong đó 320 TNS đã sang Nhật.”

Bản tin cũ từ Tháng Chín, với những con số như 80,000 Yen một tháng và không khác gì những con số đăng trong báo Người Việt (ở Nhật số lương đó không đủ sống). Cũng không nói gì đến những khoản ăn chặn của quan chức trong công ty độc quyền nhà nước làm việc “xuất khẩu” này. Không nói gì đến vụ cảnh sát Nhật khám xét các văn phòng đại diện hàng không Việt Nam để tìm hàng ăn cắp, trên mạng lưới có hình ảnh hàng đống hàng được phơi ra. Không hiểu người gửi email trên đã làm bổn phận chửi báo Người Việt xong rồi, anh có cảm thấy cũng xấu hổ khi đọc bản tin về đồng bào mình phạm tội ở nước ngoài hay không?

Cảm thấy xấu hổ là một nguồn gốc của đạo đức, Mạnh Tử đã dạy như vậy. Biết xấu hổ là có mầm mống tốt để biết thế nào là Nghĩa khí, là Dũng cảm. Khi biết chia sẻ nỗi xấu hổ vì đồng bào mình phạm tội, thì tự nhiên chính mình sẽ cố tránh không phạm tội, để tránh cho cha mẹ, tổ tiên, đồng bào mình khỏi phải xấu hổ lây. Trẻ em Việt Nam được giáo dục như vậy trong cả ngàn năm nay. Chúng ta cần làm sống lại đường lối giáo dục cho trẻ em biết hãnh diện về tập thể mà cũng biết xấu hổ vì tập thể. Nếu người dân một nước không biết tự mình xấu hổ mà chỉ biết chia sẻ cái vinh dự do người khác tạo ra thì nguy lắm.

10 SỰ KIỆN DÁNG NHỚ của NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI NĂM 2008

10 sự kiện người Việt Hải Ngoại đáng nhớ trong năm 2008
Hoàng Mai Ðạt biên soạn
Tuesday, December 30, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88831&z=1

1/ Ông Joseph Cao đã thắng ngoạn mục trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào đầu Tháng Mười Hai tại tiểu bang Louisiana, trở thành người Mỹ gốc Việt Nam đầu tiên đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông Joseph Cao, 41 tuổi, có tên Việt Nam là Cao Quang Ánh. Trong chức vụ Dân Biểu Liên Bang, ông sẽ đại diện Ðịa Hạt 2, Louisiana.
Chiến thắng bất ngờ của ông Joseph Cao đã được xem là một trong những thành quả “ngựa về ngược” đáng kể nhất trong mùa bầu cử 2008 trên toàn Hoa Kỳ. Hai chính trị gia khác được người Mỹ nhắc đến nhiều nhất với thành tích “ngựa vừa ngược” chính là hai ứng cử viên tổng thống John McCain và Barack Obama. Trong giai đoạn đầu của mùa bầu cử sơ bộ, rất ít người nghĩ rằng ông McCain có thể thắng cuộc đua trong đảng Cộng Hòa và ông Obama trong đảng Dân Chủ.
Sự việc ông Joseph thuộc đảng Cộng Hòa thắng phiếu tại địa hạt 2 đã gây ngạc nhiên cho nhiều quan sát viên chính trị Hoa Kỳ. Ðịa hạt 2 là một khu vực thuộc đảng Dân Chủ với đa số cử tri là người Mỹ gốc Phi Châu. Khu vực thuộc thành phố New Orleans này là địa hạt duy nhất tại tiểu bang Louisiana đã bỏ phiếu cho ông Barack Obama.
Không chỉ tạo lịch sử, lễ tuyên thệ vào ngày 6 Tháng Giêng, 2009 của ông Joseph Cao tại Hạ Viện sẽ mang về một niềm hãnh diện lớn cho người Việt Nam ở mọi nơi, đồng thời cho thấy sự lớn mạnh của khối cử tri gốc Việt ở hải ngoại.

2/ Cũng liên quan đến chính trị, với kết quả bầu cử 2008, lần đầu tiên trong lịch sử người Mỹ gốc Việt đã chiếm đa số trong hội đồng thành phố Westminster. Ba trong năm nghị viên là người Việt Nam, gồm các ông Andy Quách, Tạ Ðức Trí và Diệp Miên Trường. Ông Andy Quách đã đắc cử vào hội đồng thành phố năm 2002, ông Tạ Ðức Trí năm 2004, và ông Diệp Miên Trường năm 2008. Ba nghị viên gốc Việt này đều dưới 40 tuổi. Hai nghị viên còn lại trong hội đồng thành phố là người da trắng và trên 80 tuổi, đáng tuổi ông bà nội ngoại của ba ứng cử viên gốc Việt.

3/ Một sự kiện khác đáng chú ý trong năm 2008 là bà Janet Nguyễn đã tái đắc cử chức giám sát viên Quận Cam đầu Tháng Sáu. Hơn một năm trước đó, bà Janet Nguyễn đã trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức giám sát viên. Cuộc tranh cử của bà cũng diễn ra trong một khung cảnh lịch sử: cả ba ứng cử viên tranh chức giám sát đều là người Việt Nam. Hai ứng cử viên kia là bà Dina Nguyễn và ông Trần Văn Hòa. Với nhiệm kỳ dài bốn năm, Giám Sát Viên Janet Nguyễn là người Mỹ gốc Việt có chức vụ cao nhất ở cấp hạt tại Orange County.

4/ Trong những sự kiện đáng được nhắc đến liên quan đến sức mạnh của khối cử tri gốc Việt tại Hoa Kỳ là ông Steve Ngô trở thành vị dân cử gốc Việt Nam đầu tiên tại thành phố San Francisco, California. Ông đắc cử chức Ủy Viên Hội Ðồng Giáo Dục Ðại Học San Francisco County. Tại Quận Cam, Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ ba tại Hạ Viện California. Ông từng đắc cử lần đầu năm 2004. Tại Houston, Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ cũng tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ ba tại Hạ Viện Texas. Hai ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức dân biểu tiểu bang tại tiểu bang của họ.

5/ Vào giữa Tháng Mười, cộng đồng người Việt đã tổ chức hai cuộc biểu tình chống Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp thủ tướng Cộng Sản Việt Nam vận động thương mại và đầu tư tại Úc. Tại thủ đô Canberra và thành phố Melbourne, người Việt đã lên án chế độ độc tài Cộng Sản do Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo.

6/ Cũng trong tinh thần tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Houston, Texas và tại Seattle, Washington đã vận động hàng ngàn chữ ký để chống ý định thành lập tòa lãnh sự của Cộng Sản Việt Nam tại hai thành phố này. Ở những nơi có đông người Việt, mà nhất là tại Quận Cam, các hội đoàn đã tổ chức những buổi thắp nến để cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà trong cuộc giành lại đất của giáo hội bị Cộng Sản chiếm trong nhiều năm qua.

7/ Trong năm 2008, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã không tránh khỏi những vụ tranh luận gây chia rẽ trong cộng đồng. Tại San Jose, Bắc California, một cuộc vận động nhằm bãi nhiệm nữ Nghị Viên Madison Nguyễn đã gom đủ chữ ký để cơ quan bầu cử có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu đặc biệt vào đầu Tháng Ba năm 2009. Bà Madison Nguyễn là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố San Jose. Tuy vậy, bà bị nhiều người chống đối vì vấn đề đặt tên Little Saigon cho khu thương mại có đông người Việt Nam. Ở Nam California, vấn đề thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có thật sự là tác giả của tập thơ Vô Ðề đã trở thành một đề tài nóng bỏng trên các trang báo địa phương cũng như trên các trang mạng toàn cầu trong Mùa Thu mà dư âm còn kéo dài sang năm 2009.

8/ Năm 2008 cũng có nhiều điểm son trong các sinh hoạt của cộng đồng người Việt. Ðặc biệt là những buổi gây quỹ để trợ giúp và ghi ơn những cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị thương trên chiến trường để bảo vệ tự do chống Cộng Sản trước năm 1975. Những buổi đại nhạc hội “Cám ơn Anh, người thương binh VNCH,” như được tổ chức tại Quận Cam trong Tháng Tám và tại Bloomington, Minnesota trong Tháng Mười Một, đã cho thấy cộng đồng người Việt tị nạn không bao giờ quên sự hy sinh của những chiến sĩ của miền Nam Việt Nam.

9/ Năm 2008 có thể nói là năm “trai tài, gái sắc” của người Việt Nam. Trong Tháng Mười Một, cô Christina Nguyễn được trao vương miện hoa hậu National American Miss 2008. Thiếu nữ gốc Việt này từng đoạt chức hoa hậu National American Miss Virginia trong Mùa Hè trước khi thắng giải trên toàn quốc tại Anaheim, California. Cô Christina Nguyễn là phụ nữ gốc Á Ðông đầu tiên chiếm giải này. Trong khi đó, cũng trong Tháng Mười Một, anh Lê Nam từ Úc đã đoạt giải Dylan Thomas dành cho tác phẩm viết bằng Anh ngữ. Lê Nam đã viết tuyển tập “The Boat” (Chiếc Thuyền). Dylan Thomas là một trong các giải văn chương cao quí nhất thế giới. Không chỉ là người Việt Nam đầu tiên, anh Lê Nam cũng là người Á Ðông đầu tiên được trao giải này.

10/ Năm 2008 là một thời điểm khá đặc biệt của Nhật Báo Người Việt. Nhật báo kỳ cựu nhất của người Việt tại hải ngoại đã tròn 30 tuổi trong năm 2008. Nhật báo này từng phát hành số đầu tiên tại Quận Cam vào ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978. Trên đà phát triển theo thời đại và nhu cầu, Nhật Báo Người Việt đã có “bạn đồng hành” Người Việt Online trong 15 năm qua. Kể từ Tháng Mười, nhật báo được in trên khổ giấy mới, gọn hơn, gia nhập nỗ lực bảo vệ môi sinh đang được thực hiện trong ngành báo chí tại Hoa Kỳ. Trải qua những thăng trầm trong ba thập niên, Nhật Báo Người Việt vẫn luôn luôn là một diễn đàn chung, một tiếng nói độc lập của mọi người Việt Nam muốn xây dựng cộng đồng cũng như đất nước dựa trên nền tảng dân chủ và tự do.

Xem hình tại trang chính :

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88831&z=1

TỔ CHỨC PHỤC HƯNG VIỆT NAM KỶ NIỆM 30 NĂM HOẠT DỘNG

Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam Kỷ Niệm 30 Năm Hoạt Động
Đinh Quốc Việt
Tuesday, 30 December 2008 21:19
http://www.phvn.org/index.php?option=com_content&view=article&id=93:t-chc-phc-hng-vit-nam-k-nim-30-nm-hot-ng-&catid=43:hoat-dong&Itemid=66

Bản Tin Báo Chí

Little Saigon, Chủ nhật, 28 tháng 12, 2008: Tám mươi khách mời và hơn 100 thành viên Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (TCPHVN) và gia đình đã tham dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tổ Chức, diễn ra tại Câu Lạc Bộ Hoàng Sa (Paracel Restaurant), trung tâm Little Saigon, Nam California, Hoa Kỳ vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 28 tháng 12 năm 2008. Theo Ban Tổ Chức, khách mời gồm đại diện một số đoàn thể chính trị và cộng đồng, các thân hào nhân sĩ và thân hữu đã từng hợp tác, yểm trợ và giúp đỡ Tổ Chức trong thời gian.

Trong diễn văn khai mạc, Ông Ngô Quốc Sĩ, Trưởng Ban tổ chức, và cũng là Phó chủ tịch kiêm Phát ngôn nhân TCPHVN, cho biết đây không phải là một "cuộc hội thảo chính trị mà là một buổi gặp gỡ tâm tình để TC/PHVN cám ơn những thân hữu đã giúp đỡ, ủng hộ, các đoàn thể bạn đã cộng tác, phối hợp hoạt động với Tổ Chức trong suốt 30 năm qua". Ông cũng nói "...bước tới tương lai, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam xin bày tỏ niềm mong mỏi được đón nhận những sáng kiến và những góp ý chỉ giáo từ cộng đồng cũng như từ các đoàn thể bạn, nhất là sự hợp tác thân thiện và tích cực của các tổ chức đấu tranh hầu đẩy bánh xe dân chủ qua con dốc nghiệt ngã hôm nay".

Trong phần trình bày về lịch sử hình thành và chủ trương đường lối của TCPHVN, Luật sư Đào Tăng Dực, Ủy viên Chính trị của TC, đến từ Úc Châu, cho biết TCPHVN ra đời ngày 23 tháng 12 năm 1978 tại Los Angeles, Hoa Kỳ với 11 thành viên sáng lập, trong đó cựu dân biểu Trần Văn Sơn là người khởi xướng. Chủ trương của TC là "tiến hành công cuộc phục hưng đất nước trên căn bản xây dựng Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên song hành với nỗ lực phục hưng Văn Hóa Dân Tộc". Sau khi diễn giải từng yếu tố của chủ trương này, Ông khẳng định chính yếu tố văn hóa dân tộc là kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động chính trị, và nhấn mạnh "các thủ thuật chính trị phải nằm trong khuôn khổ đạo đức dân tộc." Trình bày về sách lược đấu tranh, Ls Dực cho biết Tổ Chức sẽ tiếp tục đẩy mạnh ba mũi nhọn chiến lược tấn công vào các cột trụ chống đỡ ngôi vị chủ nhân ông đất nước cuả đảng CSVN là hủy bỏ điều 4 hiến pháp, đập tan thần tượng Hồ Chí Minh và tố cáo CSVN dâng hiến lãnh thổ cho Trung cộng.

Tiếp đó, hình ảnh một số hoạt động của Tổ Chức đã được trình chiếu, như các nỗ lực "mở đường về" tại Đông Nam Á vào những năm đầu thập niên 1980, hoạt động của các đoàn thể ngoại vi Tổng Đoàn Thanh Niên Thiện Chí VN, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang, các đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do Mạc Tư Khoa, Đài Diễn Đàn Dân Chủ, các chiến dịch Góp Gió Thành Bão đăng thư ngỏ trên báo Washington Post, ủng hộ lập Đài Á Châu Tự Do, tổ chức các hội nghị ở Tiệp, Nga, tổ chức tiếp kiến Tổng Thống Tiệp, vận động hủy bỏ điều 4 hiến pháp, vv...

Trong bài cổ nhạc tựa đề "30 Năm Phục Hưng" trình bày theo điệu "xuân tình", anh Hải Sơn, một thành viên, đã diễn giải tâm nguyện "Thành viên Phục Hưng đã đáp lời mẹ gọi, hăng hái tham gia xả thân cho đại cuộc, từ tuổi thanh xuân giờ đã hai thứ tóc, ba mươi năm dài đằng đẳng đấu tranh". Và sau khi xác quyết lập trường "Ba mươi năm vật đổi sao dời. Nhưng lòng người chẳng có đổi thay. Vẫn kiên gan trì chí bền lòng, tranh đấu cho đến ngày đại cuộc thành công", Anh đã khẳng định quyết tâm "Phục Hưng Việt Nam đã cống hiến cho đời, cả một thời son trẻ xuân xanh. Ba mươi năm tuy mộng lớn chưa thành, thương xót dân lành sẽ tiếp tục ba mươi năm".

Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch TCPHVN, trong lời tâm tình sau đó, đã giải thích Tổ Chức muốn dùng lời ca cổ nhạc, chứ không phải bằng một bài diễn văn chính trị, để diễn đạt quyết tâm của anh chị em thành viên trong đoạn đường trước mặt, bới vì "lời ca cổ nhạc mộc mạc và chân thành đã thể hiện trung thực nhất tấm lòng của các cán bộ Phục Hưng và nói lên bản chất văn hóa dân tộc của công cuộc tranh đấu mà Tổ Chức đang theo đuổi". Ông cũng tâm sự, trong 30 năm hoạt động, Tổ Chức đã thực hiện nhiều công tác ngoạn mục, trong các lãnh vực nội địa, ngoại vận, văn hoá,... nhưng "thành quả to lớn nhất chính là sự thương mến của đông đảo đồng bào, và cảm tình của các đoàn thể, tổ chức bạn ở khắp nơi. Sự thương mến và cảm tình này đã cụ thể hóa thành những hỗ trợ vật chất và tinh thần quí báu, giúp Tổ Chức, mặc dù khả năng và phương tiện giới hạn, vẫn hoàn thành tốt đẹp một số công tác đấu tranh quan trọng." Sau khi cảm tạ sự giúp đỡ, cộng tác của đồng bào và các đoàn thể bạn, và ghi nhận sự kiên trì hy sinh của các thành viên trong việc xây dựng Tổ Chức và đẩy mạnh công tác đấu tranh trong 30 năm qua, Ông Bảo nhấn mạnh "...nhưng có một sự hy sinh không kém quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, cao quí hơn – đó là sự hy sinh của vợ, chồng, con các thành viên. Thay mặt Tổ Chức, tôi xin vinh danh các chị, các anh, các cháu về sự hy sinh cao đẹp này."

Trong phần phát biểu cảm tưởng của quan khách, GS Nguyễn Thanh Trang, Trưởng Ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, cho biết Ông đã có cơ hội quen biết và làm việc chung với một số nhân sự lãnh đạo của TCPHVN trong nhiều năm qua. Theo Ông, đây là tổ chức chính trị với thành viên nghiêm chỉnh, tận tụy, và Ông "chưa nghe ai chê, chỉ có khen nhiều, hay ít mà thôi".

Cũng trong phần phát biểu, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, đến từ San Francisco, cho biết "cơ duyên" Ông quen biết và làm việc chung với một số thành viên sáng lập TCPHVN, khởi đi từ năm 1977, lúc Ông còn cư trú tại Nhật Bản và hoạt động trong Tổ Chức Người Việt Tự Do tại đây, và liên tục cho đến ngày nay. Theo Ông, TCPHVN "không những tồn tại mà còn phát triển tốt đẹp là nhờ qui tụ được những thành viên ưu tú, có nhiệt tâm yêu nước, chân thành khi cộng tác, trong sáng trong tư tưởng, và cẩn trọng và quyết tâm khi hành động".

Sau phần cắt bánh mừng sinh nhật "Phục Hưng 30 Tuổi", quan khách đã tiếp nhận tập Kỷ Yếu "30 Năm Phục Hưng" ghi lại lịch sử và các hoạt động của Tổ Chức. Phần tiệc trà tiếp nối với các thức ăn nhẹ và rượu vang. Quan khách cũng được mời thăm khu triển lãm, trình bày các tài liệu, hình ảnh, vật phẩm phản ảnh quá trình 30 năm hiện hữu trong công cuộc đấu tranh vì dân tộc của TCPHVN.

Buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, do hai MC Việt Khánh và Tâm Anh điều khiển, diễn ra trong không khí thân mật, chân tình, đã kết thúc vào lúc 4 giờ 30 chiều cùng ngày.

Các chi tiết liên quan đến Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam được trình bày đày đủ trong website
http://www.phvn.org/.
Hồng Đoàn

NHIỀU RỦI RO VỚI BLOGGER VÀO NĂM 2009

Blogger Việt Bước Vào Năm 2009 Với Nhiều Rủi Ro!
Thiện Giao, phóng viên RFA
2008-12-31
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2009-will-be-a-difficult-year-for-viet-bloggers-12312008124543.html
2008 là một năm thú vị của loại hình blog trên Internet. Phương cách giao tiếp thông qua blog nở rộ, trở thành một phong trào rộng lớn.
Nhưng, cũng trong trạng thái nở rộ này, chính blog, trong một khía cạnh nào đó, đã và đang trở thành mục tiêu kềm toả của chính quyền.

chúng tôi mong muốn tạo cả điều kiện để các bạn tham gia thảo luận về những chủ đề mà tất cả chúng ta cùng quan tâm. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2009-will-be-a-difficult-year-for-viet-bloggers-12312008124543.html/rfabietnam-200.jpg

“Blog” kẻ thù của các quốc gia độc tài – độc đảng

Điều đặc biệt nhất trong số các lý do đưa đến sự thành hình thú vị của một bộ phận blog Việt Nam đến từ tình trạng bị kềm toả của báo chí cổ điển. Nhiều nhà báo, biết nhiều thông tin, có những quan điểm khác với “lề bên phải” của nhà nước, đành phải dùng blog như công cụ phụ trợ để nói lên tiếng nói của mình. Và cũng chính từ động cơ này, trong một số, nếu không phải là trong nhiều trường hợp liên quan đến quan chức chính quyền, blog trở thành nơi độc giả chủ động tìm đến.

Điều này được một nhà báo trong nước, yêu cầu không nêu tên, nhận định trên Đài chúng tôi cách đây ít lâu.
“Sự xuất hiện của Internet góp phần vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam. Những thông tin, suy nghĩ xưa nay được xem là “cấm kỵ” “nhạy cảm” thì càng ngày càng được chia sẻ trên Internet.
“Đáng chú ý, là có hiện tượng các nhà báo làm blog. Trên các blog này có khá nhiều thông tin không thể tìm thấy trên các báo chính thức.”

Cũng khó lòng trông đợi rằng chính quyền có thể làm ngơ, để mặc cho các blogger vận dụng Internet, vận dụng tính “vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền.” Trên thực tế, từ chỗ quan sát, lượng định, đánh giá tình hình, dường như chính quyền bắt đầu mạnh tay hơn, dành lại quyền kiểm soát blog, kiểm soát Internet, và qua đó, quan trọng hơn, là kiểm soát thông tin.

Kế hoạch cứu nguy cho các cơ quan tuyên truyền của chính quyền VN


Đầu tháng 10, Việt Nam cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông. Cơ quan này có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”
Trước đó, Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Nghị Định liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam. Nghị định liệt kê một số hành vi bị cấm khi sử dụng Internet, trong đó có hành vi “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Ngày 27 tháng 11, Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây Dựng Thông Tư Về Hoạt Động Cung Cấp Thông Tin Trên Blog” và ngụ ý sẽ có một thông tư riêng, qui định các hoạt động liên quan đến blog.
Và đến ngày 24 tháng 12 vừa qua, Thông Tư 07 ra đời, chính thức qui định rõ ràng những điều lệ nhằm kiểm soát hoạt động và nội dung của các blogger. Kiểm soát blog, nhưng theo thuật ngữ mà ông Cục Trưởng Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử thuộc Bộ Thông Tin – Truyền Thông, sử dụng, thì thông tư “hướng tới việc hình thành một nhận thức trong cộng đồng về sử dụng Internet trong việc cung cấp thông tin lên mạng.”
Năm 2008 chứng kiến sự ra đời của những blog mà tác giả là các nhà báo, các nhóm trí thức, hay những tập thể quan tâm đến các vấn đề mà phía chính quyền định nghĩa là “nhạy cảm.”

Những blog có tiếng nói dân chủ xuất hiện khắp nơi

Về kinh tế, chính trị, xã hội, có thể kể ra một số blog vượt trội về mặt nội dung, như blog Osin, Trần Đông Chấn, Võ Đắc Danh, Nguyễn Quang Lập, Trục Nhật Phi (Cao Tự Thanh), Đinh Tấn Lực, Hồ Lan Hương, Thông Tấn Xã Vàng Anh, Change We Need, Trạng Trình, Tạ Phong Tần, Điếu Cày, vân vân.
Khi nhắc đến tên của các blog và blogger, không thể không dành ra một phần thời gian nhắc lại blog mang tên “Điếu Cày” của ông Nguyễn Văn Hải, mà nhiều người gọi là Nguyễn Hoàng Hải.
Ông Hải bị chính quyền bắt giam, mang ra toà và xử ông 2 năm rưỡi tù vào đầu tháng 10 vừa qua. Mặc dầu bị xử về tội trốn thuế, giới blogger trong nước biết rất rõ rằng ông Hải gặp rắc rối vì có các hoạt động công khai thể hiện quan điểm phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa-Trường Sa, tham gia biểu tình và đăng bài viết trên trang blog cá nhân.

Tại một thời điểm khi chưa bị bắt và đang tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, blogger Điếu Cày đã từng trả lời phỏng vấn của chúng tôi, nhấn mạnh, rằng “blog là một sự tự do thông tin.”
“Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”

Blog là gì?

Cũng trong quá trình kiểm soát nội dung blog, những phát biểu của giới chức có thẩm quyền cho thấy hình thức thông tin và giao tiếp xã hội này đã bị đóng khung trong tên gọi nguyên thuỷ của loại hình.
Chẳng hạn, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông, ngày 27 tháng 11, nhận định: “blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ [Việt Nam] khó xác định.” Rồi cũng ngày hôm ấy, ông thứ trưởng định nghĩa, và sau đó kết luận luôn, rằng “đã là nhật ký cá nhân, thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là cho người thân đọc.”
Nếu chỉ là nhật ký, là những thông tin cá nhân, vẫn theo ông thứ trưởng, những blog có nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội thì “không thể gọi là blog.”
Kết luận “không thể gọi là blog” của ông thứ trưởng ngay lập tức nhận được phản hồi.

Chẳng hạn, blogger Tạ Phong Tần, chủ trang blog nổi tiếng tại Việt Nam nhận định.
“Blog là do một người viết, và những điều người ấy viết có thể là cảm xúc cá nhân, những điều tai nghe mắt thấy, hoặc bình luận về các vấn đề xã hội. Đó không phải là bản tin. Mặc dầu một blog có thể đề cập đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng không thể gọi là bản tin, đó chỉ là cách suy nghĩ, nhìn nhận của duy nhất một cá nhân.” (taPhongTan)

Thông tư 07 không rõ – khó hiểu

Trên blog mang tên Thông Tấn Xã Vàng Anh, người ta có thể đọc được rất nhiều những thông tin, nhận định liên quan đến các thông tư, quy phạm, nghị định liên quan đến việc quản lý blog của chính quyền.
Chẳng hạn, Thông Tấn Xã này viết rằng,
“Nhà cầm quyền không thể đặt ra một định nghĩa không chính xác về một sự kiện hiện tượng để rồi áp đặt nó theo định nghĩa của mình. Còn nếu [ông Doãn] muốn nói đến quy định xuất phát từ yếu tố cá nhân theo như sự phát triển định hình ban đầu của blog thì lại càng sai, bởi nếu
blog có phát triển vượt quá phạm vi ban đầu, từ thông tin cá nhân chuyển sang thông tin kinh tế, chính trị, xã hội, thì đó là sự phát triển khách quan của blog, phù hợp với xu thế của thời đại.”

Thông Tư 07 được ban hành vào ngày 24 tháng 12 vừa qua đã đặt những “blogger – nhà báo” nói riêng, và tất cả những tác giả đề cập đến lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội nói chung, vào tình huống có thể đối mặt với những rắc rối về mặt luật pháp.
Thông Tư 07 cấm truyền các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản vi phạm quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản. Thông Tư 07 cũng cấm đặt đường liên kết đến thông tin vi phạm pháp luật.
Chỉ trong 2 điều này, người ta có thể đặt ngay câu hỏi tiếp theo, vậy thế nào là thông tin vi phạm pháp luật? Dường như Thông Tư 07 không định nghĩa điều này. Chính vì thế, trong lúc trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, Giám Đốc Sở Thông Tin – Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh, đã nói Thông Tư còn nhiều điểm chưa rõ, và sẽ rất khó cho blogger trong việc xác định vi phạm qui định.

Hãy phát biểu ý kiến, nguyện vọng trên trang“Blog RFA”

Dù định nghĩa là gì đi nữa, dù tên gọi có là blog, web log, hay nhật ký cá nhân, thì phương tiện này sẽ vẫn tiếp tục trở thành loại hình giao tiếp xã hội ngày càng phổ biến. Thật vậy, blog, trên tất cả những định nghĩa hay tên gọi, là một loại hình giao tiếp phản ánh sự phát triển của xã hội, sự thăng tiến của công nghệ và tầm quan trọng của thông tin cũng như nhu cầu trao đổi thông tin.

Ngày đầu năm, xin được báo tin vui cùng các bạn, là ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do cũng bắt đầu có trang blog bên cạnh trang web chính của Đài. Trang web có địa chỉ
www.rfavietnam.com, được xây dựng để trở thành một kênh giao tiếp bổ sung giữa các biên tập viên của Ban với thính giả.

Với blog này, chúng tôi đến với các bạn không chỉ qua âm thanh và giọng nói, chúng tôi mong muốn tạo cả điều kiện để các bạn tham gia thảo luận về những chủ đề mà tất cả chúng ta cùng quan tâm.Và thật sự là như vậy, cho dầu định nghĩa là gì, hay gọi tên là gì, blog sẽ vẫn tiếp tục là nơi giao tiếp. Và nơi giao tiếp chắc hẳn phải là một môi trường đa chiều. Chúng tôi xây dựng blog là để được nghe ý kiến của chính các bạn đấy!

MC CUỐI: Vừa rồi là những thông tin, nhận định được ghi nhận từ một số blog và blogger liên quan đến những văn bản đang và sẽ được ban hành nhằm quản lý loại hình blog. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau. Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ
vietweb@rfa.org.


HÀ NỘI CẦN CHẤM DỨT KIỂM DUYỆT INTERNET

RSF: Hà Nội cần chấm dứt chế độ kiểm duyệt internet
Thứ Ba, ngày 30 tháng 12 năm 2008
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20081230_01.htm
Trong thông cáo báo chí phổ biến hôm thứ Ba 30-12-2008 từ Paris, Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF cho rằng, sinh hoạt báo chí tòan cầu trong năm 2008 vẫn mang tính ảm đạm, cho dù xét về số liệu thì năm nay những vụ đàn áp, cầm tù, sát hại, kiểm duyệt báo chí, có vẻ giảm so với năm rồi.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phúc trình của RSF năm nay là tình trạng các chế độ độc tài, tòan trị đang gia tăng sự kiểm soát thông tin trên mạng Internet. Báo cáo của RSF cho thấy, mặc dù thiệt hại nhân mạng cũng như số nhà báo bị giam cầm có sút giảm, tuy nhiên quyền tự do ngôn luận, nhìn tổng quát thì trên tòan cầu, các thế lực cầm quyền phi dân chủ có khuynh hướng dòm ngó kỹ hơn vào các website, các blog, video, Youtube, được tung lên mạng Internet, bị cho là bất lợi cho chính sách cai trị độc đoán, và những ai mạnh dạn lên tiếng đòi hỏi công lý, lẽ phải, sẽ bị trừng phạt mà hình thức thông thường nhất là nhà tù.

Trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do trong chương trình phát thanh về Việt Nam sáng ngày thứ Tư 31-12, khi đưa ra sự so sánh về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam giữa các năm 2007 và 2008, ông Vincent Brossel, giám đốc RSF đặc trách khu vực Á Châu Thái Bình Dương nhấn mạnh:
Không thể nói là tại Việt Nam sinh hoạt báo chí được cải tiến vì thực tế cho thấy , gần đây số nhà báo, người cầm bút bị giam giữ, xử lý, nhiều hơn so với hồi đầu năm nay. Mặc khác, qua bản án dành cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến, người ta mới biết là nhà nước gia tăng sự kiểm soát đối với những tờ báo thu hút đọc giả như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, có nội dung phóng khoán hơn những cơ quan thông tấn, báo đài do nhà nước kiểm soát và quản lý trực tiếp.

Mặt khác, gần đây Hà Nội cũng đặc biết chú ý tới những tiếng nói từ giới bất đồng chính kiến được gởi lên diễn đàn Internet và tìm cách ngăn chặn những quan điểm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam.

Dịp này, ông Vincent Brossel cũng mong rằng trong tương lai, nhà nước Việt Nam sớm cải tiến sinh hoạt tự do báo chí mà Hà Nội thường quảng bá: Chánh phủ Việt Nam nên chấm dứt việc kiểm duyệt, theo dõi những người truy cập, sử dụng Internet, vì vừa rồi nhà nước đã ban hành những quy định gắt gao, nhằm giới hạn, cấm đóan các blog, tức là trang nhật ký cá nhân phổ biến trên mạng Internet, được xem là phương tiện đấu tranh cho dân chủ, tự do, bất lợi cho Hà Nội.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới cho biết họ đang ráo riết vận động để blogger Điếu Cày cũng như các nhà báo khác, được trả tự do. Ngoài ra, tổ chức này cũng vận động công luận quốc tế cùng các ngành nghề kỹ thuật điện tóan, ứng dụng các loại software và phổ biến phương tiện vi tính hiện đại, để có thể chống lại việc Hà Nội kiểm soát, hay ngăn cấm sử dụng Internet với chủ đích bảo vệ thể chế chính trị độc đoán ấy.

Người VN cần sống trong tự do, dân chủ

Để ghi nhận ý kiến từ một người cầm bút trong nước, Đài Á Châu Tự Do cũng đã tiếp xúc với luật sư Cù Huy Hà Vũ, phụ trách trang pháp luật trên các báo thuộc bộ Tư Pháp và hội Luật gia Việt Nam. Ông nhìn nhận vai trò hết sức quan trọng của ngành truyền thông đối với người dân, trong cuộc sống hàng ngày: Quyền tự do ngôn luận của người dân nói chung , có thể nói đó là khí trời, là nước để tồn tại, mà khó có gì có thể so sánh nổi. Trong năm qua, các báo đài quan tâm đến Việt Nam đã đưa ra những tin tức sốt dẻo về cuộc sống của dân chúng cũng như về hoạt động của bộ máy của nhà nước. Giữa nhà nước với người dân phải tìm tiếng chung, thì sức mạnh quốc gia sẽ càng lớn, nếu không có sự tương đồng giữa hai phía thì đó là bi kịch của xã hội.

Dịp này, luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng đặt vấn đề thiết thực đối với chánh quyền, trong các sinh hoạt truyền thông, báo chí: Nhà nước cần nhìn và lắng nghe nguyện vọng của người dân, bởi vì họ không có quyền lợi nào khác là được sống trong tự do, trong dân chủ, có như vậy, mỗi một người dân Việt Nam mới có cuộc sống, không chỉ đầy đủ về vật chất, mà còn sung mãn về mặt tinh thần. Trong trường hợp đó, những quyền cơ bản của con người cần được nói lên, được phản ánh nhận thức của mình đối với xã hội Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, là cái điều vô cùng quan trọng đối với mọi người.

So sánh những con số cụ thể về những vụ gây chết chóc, làm khó dễ, tìm cách ngăn cản nhà báo hành nghề xảy ra khắp thế giới thì năm 2007 có 86 nhà báo bị giết, trên 900 bị bắt bớ, hơn 500 cơ quan truyền thông, báo đài bị kiểm duyệt, trên 1500 nhà báo bị hành hung, hăm dọa.

Trong khi đó, năm 2008 những trường hợp vừa nêu đã giảm thấy rõ, với 60 phóng viên báo chí thiệt mạng, hơn 700 người bị bắt bớ, trên 350 cơ quan thông tin, báo đài bị kiểm duyệt, hơn 900 nhà báo bị đánh đập, đe dọa.

THẮP LÊN MỘT NGỌN NẾN

Thắp lên một ngọn nến
Lữ Giang
Thứ Tư, ngày 31 tháng 12 năm 2008
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2008/20081231_04.htm
Cuối năm, từ tổ chức lớn đến tổ chức nhỏ, đều đua nhau làm bản tổng kết về tình hình trong năm qua. Các nhà bình luận chính trị, các nhà phân tích, các nhà báo... thì tổng kết tình hình thế giới, tình hình Hoa Kỳ, tình hình Việt Nam, v.v. Mỗi người chú ý đến những sự kiện, những khía cạnh... khác nhau và có cách nhìn không giống nhau.
Một vài bản phân tích về tình hình cộng đồng người Việt hải ngoại cũng vừa được công bố, nhưng thường viết theo kiểu “vo tròn”, nghĩa là cái gì cũng tốt, cái gì cũng “thắng lợi” !
Chúng tôi nghĩ rằng ngày cuối năm, cần phải kê khai những cái bế tắc đang gặp phải để rút kinh nghiệm và từ đó tìm ra một lối thoát.

NHÌN QUA CỘNG ĐỒNG

Quả thật viết về tình hình của cộng đồng người Việt tỵ nạn rất khó, nhất là về phương diện “đấu tranh chính trị”. Đa số chỉ muốn viết theo những điều họ ước muốn thay vì viết theo sự thực. Nhưng mỗi người lại có những “ước muốn” khác nhau và từ “ước muốn” đến “sự thực” cũng cách nhau khá xa!
Người Việt tỵ nạn có nhiều kinh nghiệm “đấu tranh” với người Hoa Kỳ hơn bất cứ sắc tộc thiểu số nào trên đất nước này. Người Việt chống cộng đã từng chiến đấu với người Mỹ 20 năm và sống trên đất Mỹ 33 năm..., nhưng cho đến bây giờ chỉ có một số ít nhận ra rằng nếu có “thắng lợi” thì đó là thắng lợi về phía Mỹ chứ người Việt chống cộng gần như chẳng có thắng lợi nào.
Trong vụ đấu tranh của giáo dân Thái Hà, nếu cuộc đấu tranh này xẩy ra đúng lúc người Mỹ cần làm áp lực với Hà Nội về bất cứ vấn đề gì đó, thì cuộc đấu tranh này đã được biến thành một cuộc đấu tranh lớn cho tự do tôn giáo. Nhưng lúc này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang coi chế độ CSVN hiện tại như một thứ “example” (gương mẫu) và khuyến cáo Bắc Hàn cũng như Miến Điện bắt chước, nên Toà Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội đã nói rằng đó không phải là một cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo mà chỉ là một cuộc tranh chấp về đất đai giữa chính quyền và giáo hội! Luận điệu phũ phàng này đã giúp chúng ta hiểu được tại sao Toà Thánh Vatican đã chọn một con đường khác để đưa giáo hội Trung Hoa và giáo hội Việt Nam đi lên.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã có một chiến dịch nhằm làm cho cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng tan rã dần. Mỗi ngày mở email ra, gần nhưng lúc nào cũng có người này hay nhóm nọ tố người kia hay nhóm kia là “tay sai cộng sản” hoặc “đặc công cộng sản nằm vùng”. Cứ hễ ai nói, viết hay làm cái gì khác với định kiến, sự suy nghĩ hay việc làm của họ đều bị tố cáo là “tay sai cộng sản” hay “đặc công cộng sản nằm vùng”.
Tiếp đến là nạn “sáng tác” những chuyện bịa đặt để vu khống. Một số người hễ thấy ai có những quan điểm khác với họ hay làm được việc gì nổi bật hơn họ, là bịa ra những chuyện vớ vẫn rồi đưa lên các diễn đàn hay websites lá cải để bôi nhọ.
Một cô viết hồi ký về cuộc đời tù tội của mình được nhiều người khen thưởng, một số người đồng cảnh ghen tức, đã phịa ra những chuyện rất vớ vẩn để bêu xấu, chẳng hạn như cô ta đã tổ chức vượt biên giả để lường gạt vàng của người khác, có chồng và hai con mà nói rằng chưa có gia đình, là người Quảng Nam sao viết văn bằng giọng Bắc, v.v.
Cuối năm 2006, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết Định số 1568/QĐ chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu Nghĩa Trang Quân Đội VNCH sang sử dụng vào mục đích dân sự. Sau đó, ông Võ Văn Cư, Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Bình Dương tuyên bố “đang lập kế hoạch để quản lý khu đất này như một nghĩa trang dân sự". Một số Thiếu Sinh Quân VNCH ở Mỹ đã vội vàng góp tiền túi, về Việt Nam xin nhà cầm quyền cho phép họ được làm vệ sinh và sơn quét lại nghĩa trang này. Thế là nhiều người đã viết bài tố cáo nhóm này là thân cộng hay tay sai cộng sản!
Trong thực tế, họ thừa biết nhóm Thiếu Sinh Quân làm chuyện này vì nhớ đến công lao của cha anh chứ không vì lý do gì khác, nhưng họ chống là vì cho rằng “đám con nít” này phỏng tay trên hay qua mặt họ, và cái vinh dự đó phải là của họ chứ không phải của “đám con nít”. Ai cho chúng nó được phép làm? Nhưng họ chỉ muốn chút danh chứ không muốn bỏ ra đồng xu nào và cũng không biết cách vận động để có thể tân trang lại khu nói trên. Bị chửi quá, “đám con nít” bỏ đi, thế là vụ này coi như chìm xuồng!
Hiện nay, đang có một chiến dịch đánh phá Liên Thành, tác giả của tác phẩm “Biến Động Miền Trung” cũng với những sự kiện và luận diệu vu vơ như thế.

Những người khôn ngoan thường không trả lời hay cãi chính những lời vu khống đó, vì biết rằng đa số độc giả đã biết đâu là chính đâu là tà rồi. Elbert Huddard đã từng nói: “Đừng phân bua cũng đừng bày giải. Bạn thân đã hiểu bạn dư rồi. Còn kẻ thù họ không chịu tin bạn đâu.”

Quan trọng hơn, trong nhiều năm qua, Việt Thường (tên thật là Trần Hồng Văn) ở Anh đã giả mù pha mưa, thuê các chương trình phát thanh hay vào PalTalk đưa ra một số sự kiện đáng nghi ngờ để tố cáo các nhân vật cộng sản, nhưng trọng tâm là bôi nhọ các nhân vật ly khai ở trong nước, làm cho mọi người nghi ngờ rằng họ là những kẻ “chống cộng cuội” hay “chống cộng cò mồi”, câu các thành phần đối lập nhập cuộc cho công an bắt.
Tại Cali, hầu hết các cơ quan truyền thông và ký giả đều biết tên Nguyễn Thạch (tên ở Việt Nam) với các bút hiệu Bạch Long, Chu Sa, Triệu Lan..., thường tung ra những tài liệu giả để bôi nhọ các nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng và các lãnh tụ GHPGVNTN. Tên này thường tự xưng là FBI, CIA, Detective Undercover, Chuyên viên cố vấn chiến lược cho White House, v.v.

Mới đây, trong một bài với đề tựa “Hãy Tố Cáo Bọn Việt Gian Nằm Vùng” đăng trên hon-viet.co. uk ở Anh (cùng nhóm Việt Thường) đã tố cáo đích danh những người và tổ chức nổi tiếng sau đây là “bọn Việt gian nằm vùng”: Mạng Lưới Nhân Quyền, Đài Truyền Hình SBTN và ASIA, đảng Việt Tân, Nam Lộc, Việt Dũng, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Khanh, Đinh Quang Anh Thái, Đoàn Viết Hoạt, Minh Võ Vũ Đức Minh, Nguyễn Văn Canh, Nguyễn Chí Thiện, Phan Nhật Nam, Võ Văn Ái, Lại Thế Hùng (Pháp), Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Khải, Vũ Bình Nghi, Nguyễn Phạm Trần, Chu Tất Tiến, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Thanh Trang, Nguyễn Hữu Thống, Lý Kiến Trúc, Bùi Pín (Tín), Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương, Nguyễn Xuân Ngãi, Phan Dũng, Hoàng Trọng Tuệ, Hoàng Trọng Thụy, Phan Tấn Hải, Phạm Thông, Trần Bảo Trần, Ngô văn Hiếu, Lâm Thu Vân, Nguyễn Tường Bách, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Nguyễn Bá Long, Krall Dung, Phạm Thư Đăng, Đỗ Hoàng Điềm, các tên nằm trong Mạng Lưới Nhân Quyền, v.v.
Tên này đã doạ sẽ cho FBI theo dõi và bắt những tên “Việt gian nằm vùng” nói trên!
Điều đáng tiếc là một số người và cơ quan truyền thông đã nhân danh “chống cộng” để yểm trợ cho những chiến dịch nói trên.

Dĩ nhiên là đa số đồng bào tỵ nạn không tin vào những lời vu khống như thế, nhưng những người có khả năng, uy tín và thiện chí đã chán nản, không muốn tham gia vào công việc đấu tranh nữa. Chính tôi đã nghe một bà vợ bảo chồng: “Anh nghỉ đi, đừng dây với hủi làm gì.” Đây là một thành công lớn của địch.

TIẾNG GỌI LƯƠNG TÂM

Các nhà nghiên cứu về các sắc tộc di dân của Mỹ đã kết luận rằng thế hệ di dân thứ nhất rất khó thay đổi những suy nghĩ và hành động cũ của họ. Chỉ có một số nhỏ, thường là giới trí thức, biết hoà nhập vào cuộc sống mới, còn đa số thường ôm chặt quá khứ cho đến khi xuống thuyền đài.
Trước một tình trạng như trên, rất nhiều người và tổ chức đã tìm ra phương thức riêng của họ để cứu những đồng bào bất hạnh ở trong nước và đưa đất nước ra khỏi cảnh áp bức và nghèo đói. Khi họ làm như vậy, thường bị những nhóm cực đoan tố cáo là tiếp tay cho chế độ độc tài trong nước tồn tại lâu hơn!

Nhưng chúng ta đã biết, các cường quốc, các tổ chức kinh doanh và nhân đạo trên thế giới đã đổ vào Việt Nam hàng chục tỷ Mỹ kim. Riêng Liên Hiệp Quốc cũng đã viện trợ cho Việt Nam hàng tỷ Mỹ kim để xóa đói giảm nghèo. Khi hành động như vậy, đâu có phải là họ muốn cho chế độ độc tài trong nước tồn tại lâu hơn đâu? Các cường quốc và LHQ tin tưởng rằng khi cuộc sống và dân trí được nâng cao, chế độ độc tài sẽ không còn đất để dụng võ. Nhưng chiến dịch “diễn biến hoà bình” này phải kéo dài trong nhiều thập niên mới thấy được kết quả. Chúng ta có kháng cự, LHQ và các cường quốc vẫn đi theo con đường của họ.

Một số người Việt hải ngoại tin rằng họ có thể góp phần vào việc giải thoát một số đồng bào bất hạnh ở trong nước. Họ nghĩ: “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”.

Tuần trước, khi bài “Câu chuyện Thiên Nga” của chúng tôi được phổ biến rộng rãi, Linh mục Martino Nguyễn Bá Thông đã gởi cho chúng tôi một bài về Giáng Sinh với đề tài “Để ước mơ được hoàn thành – Bình an dưới thề cho người long ngay”, và mời chúng tôi vào website hayyeuthuongnhau. org để đọc những gì ngài đã ghi lại và tim cách cứu giúp những kẻ bất hạnh. Bài thứ nhất mà tôi chú ý là bài “Bên Đống Rác - Dưới Chân Cầu”, Đây là câu chuyện linh mục gỉa vờ đi bán vé số, ăn xin và lượm rác với các em nhỏ để biết thân phận của các em như thế nào và tìm cách cải thiện đời sống của các em. Linh mục kể:

Tôi bừng tỉnh và như quên đi cái hôi thối, tôi lao vào trong đống rác như bao đứa trẻ khác. Khoảng hơn hai tiếng, chúng tôi đã “quần nát” cái đống rác. Tôi lượm cũng gần đầy cái bao bố.
Thế là tôi đã lẽo đẽo theo các em để bán vé số và ăn xin trên các đường phố Sài Gòn được hai ngày! Không biết bao nhiêu lần giở khóc giở cười. Có lẽ giờ này nếu bạn bè hay gia đình có gặp tôi thì họ cũng không thể nào nhận ra được. Tôi đã biến thành một người nghèo nàn, đen đủi, đơ dáy và hôi hám như những mảnh đời bất hạnh lê lết hết từ quán ăn này đến quán ăn khác.
Để được theo các em đi ăn xin và bán vé số không phải là dễ. Tôi đã phải lân la làm quen và giúp các em rất nhiều, tôi đã lấy được niềm tin của các em và gia đình các em. Tôi đã ăn và ở chung với họ. Tôi đã cho họ thấy được tôi thực sự muốn sống cảnh màn trời chiếu đất với họ để có thể hiểu và cảm thông nỗi khổ của họ!
Tối hôm nay là tối cuối cùng tôi theo các em, như dự tính ban đầu, hôm nay tôi sẽ không ngủ trong các ngôi nhà bằng giấy, trong thế giới của kẻ chết, mà tôi đã chia xẻ ở trên (Bài “Tôi Đến Thăm Em”) nhưng tôi sẽ theo một nhóm trẻ mồ côi lang thang về ngủ ở khách sạn “ngàn sao” toạ lạc dưới chân cầu Chữ Y bên Khánh Hội. Chiều hôm đó tôi đã được phép theo nhóm trẻ mồ côi lang thang. Dẫu tôi cũng đã biết các em từ trước qua hai ngày đi bán vé số và ăn xin, tuy nhiên trước khi tôi đi cụ trưởng làng dặn tôi:
- “Cháu cẩn thận nhé, tụi nó không có hiền giống như tụi nhỏ bên này đâu”!
Khoảng 3 giờ chiều, tôi hoà nhập với các em tại công viên bên cạnh nhà Thờ Đức Bà. Tôi nhập ngay vào với bọn nó một cách dễ dàng. Bọn trẻ đang bàn kế hoạch cho tối hôm nay, chúng quyết định sẽ không đi ăn xin nữa mà sẽ đi lượm ống lon, và ve chai tại đống rác bên quận 4. Nghe chúng nói đến đó tôi đã rùng mình run sợ, tôi thật sự sợ cái mùi hôi thối bốc lên từ rác, nhất là tim tôi thì yếu, không biết có thể sống nổi không. Tôi ngước lên nhìn tượng Mẹ trước nhà thờ đọc một kinh Kính Mừng xin mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con.
Trong bóng đêm, cảnh đống rác thật hãi hùng, cao như dãy núi. Tiếng người cười nói, tiếng cãi nhau, tiếng chửi rủa hoà lẫn vào nhau, cả hàng trăm người cứ như là những bóng ma di động. Mùi hôi thối nồng nặc, tôi rùng mình run sợ. Lại đọc thêm một kinh Kính Mừng. Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại, con bé đứng cạnh tôi thét lên:
- “Nhảy vô đi cha nội, đứng đó là đói, lấy gì ăn.”!
Tôi bừng tỉnh và như quên đi cái hôi thối, tôi lao vào trong đống rác như bao đứa trẻ khác. Khoảng hơn hai tiếng, chúng tôi đã “quần nát” cái đống rác. Tôi lượm cũng gần đầy cái bao bố.
Bọn trẻ đã tập họp lại với nhau và bắt đầu khoe những thứ mà chúng đã lượm được. Ngoài những cái bọc nylông thông thường, có đứa khoe lượm được cái chân gà, hay một món đồ ăn được gói kỹ. Bỗng dưng có con bé khoảng 10 tuổi la to:
- “Hôm nay nhà tao không phải đói rồi.”!
Nói xong nó lôi trong cái bao của nó ra một cái đầu chó! Tôi đứng đó mà nước mắt tuôn trào, cứ như là trong mơ. Đến phiên tôi, tôi không kể gì mà chỉ đưa cho thằng bé “trưởng nhóm” cái bao bố và nói là cho hết tụi nó.
Em vẫn cười tươi bên... rác

Chắc cũng khoảng nửa đêm, khi chúng tôi trở lại chân cầu chữ Y bên Khánh Hội. Các em chắc mệt mỏi, lăn ra ngủ ngay. Riêng tôi không biết vì quá mệt mỏi hay là quá xúc động không tài nào ngủ được. Tôi cứ nằm nhìn trăng chiếu xuyên qua các khe hở của thành cầu. Trăng đêm nay sáng quá, nhưng đời các em thì thật tối! Đêm nay là đêm đầu tiên trong đời tôi hiểu được ý nghĩa của “màn trời chiếu đất.” Tôi trằn trọc, nước mắt cũng không còn để mà rơi. Tôi muốn thét lên, thét lên thật to, nhưng lại dằn lòng đau xót.
Sáng hôm sau, tôi thật sự mỏi mệt và kiệt sức. Tôi đứng dậy, lê từng bước nặng nhọc ra khỏi gầm cầu, đón taxi để quay về Khách Sạn, nhưng không một chiếc nào ngừng. Nỗi mệt mỏi và đau nhức trong thể xác tôi, không tài nào so sánh với nỗi đau tinh thần, nước mắt tôi cứ tuôn trào. Nếu như mọi khi, tôi ăn mặc lịch sự thì Taxi đã nối dài thành hàng để chào mời tôi rồi, nhưng hôm nay tôi tiều tụy và nghèo nàn. Cũng chẳng trách gì được những anh lái Taxi, vì họ cũng làm thuê cả mà. Cuối cùng tôi cũng đã thuyết phục được một cụ già chạy Honda ôm chở tôi về.
Honda dừng trước cửa khách sạn, tôi vừa bước xuống đã bị anh bảo vệ xua đuổi, nhưng khi nhận ra tôi là khách quen, anh ta cười bẽn lẽn và xin lỗi. Cụ già đứng ngoài chờ tôi vào Khách Sạn lấy tiền. Tôi đến bàn tiếp tân, xin chìa khoá phòng 205. Cô tiếp tân mọi ngày niềm nở với tôi lắm, bỗng dưng hôm nay cáu gắt lạ thường, cô nói và liếc nhìn tôi thật khó chịu:
- “Ông tìm ai! Chủ nhân phòng 205 đi ra ngoài rồi!”!
Tôi giở chiếc mũ lụp xụp ra, mùi hôi bốc lên, và mỉm cười nói với cô bé,
- “Thưa cô, tôi là chủ nhân của căn phòng 205 đây!”!
Cô nhìn tôi, tí nữa thì té lăn ra khỏi ghế, cô đứng bật giậy và hỏi tôi:
- “Anh Thông, anh có sao không? Bị cướp giật à?”!
Tôi nói cho cô biết tôi không sao, chỉ mệt mỏi và muốn lên phòng nghỉ. Cô cầm chìa khoá phòng và còn dẫn tôi lên đến tận cửa. Tôi nhờ cô lấy 50 ngàn trả cho cụ già chạy xe ôm. Tôi lao vào phòng cởi quần áo và lăn ra ngủ! Một giấc ngủ bình yên và hạnh phúc!
Lạy Chúa, không có khoảng cách nào lớn hơn giữa lòng người với người, giữa các con tim của nhân loại. Cái hố sâu ngăn cách giữa giàu sang và nghèo đói đã làm cho lòng người chai đá, làm cho con tim họ dửng dưng trước những đau khổ và bất hạnh của người khác. Xin Chúa hãy thay thế quả tim bằng đá khô cằn của chúng con bằng quả tim bằng da bằng thịt, trái tim với những vòng chảy không ngừng của những giọt máu yêu thương. Xin cho chúng con biết chia xẻ với anh em những ân huệ chúng con lãnh nhận từ Chúa, Amen.

***

Hôm 19.12.2008 LM Martino Nguyễn Bá Thông đã viết cho độc giả:
“Cùng qúy bạn thân mến, thế là kỳ nghỉ hàng năm của tôi lại đến! Ngày 12 tháng 1 tôi lại lên đường đi Việt Nam, Campuchia và một số nước khác. Nếu bạn đang "đi nghỉ" ở VN mà muốn tham gia thì nhớ "hú" tôi một tiếng nhé. Các em sẽ rất vui mừng vì có thêm một trái tim yêu thương chia sẻ của bạn đó! Email của tôi fathermartino@ gmail.com. Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó!”

***

Chúng tôi nhớ lại, trong Sứ Điệp Sứ Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi đọc vào trưa 25.12.2008 tại quảng trường thánh Peter, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã nói:
“Nơi nào phẩm giá và quyền lợi của con người bị chà đạp; nơi nào tính ích kỷ cá nhân hay tập thể đang lấn át công ích, nơi nào cảnh huynh đệ tương tàn và cảnh khai thác bóc lột con người có nguy cơ trở thành thói quen; nơi nào những cuộc nội chiến đã chia rẽ các bộ tộc và phá tan cuộc chung sống; nơi nào thiếu thốn lương thực cần thiết để sống; nơi nào người ta đang lo ngại khi nhìn về tương lai bấp bênh: ước mong cho ánh sáng lễ Giáng Sinh hãy chiếu sáng, và khuyến khích mỗi người hãy góp phần của mình trong tinh thần liên đới. Nếu mỗi người chỉ nghĩ tới ích lợi riêng tư của mình, thì thế giới sẽ đi tới chỗ diệt vong mà thôi...”

Lữ Giang
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào
www.motgoctroi.com , mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.


ĐẢNG DÂN CHỦ NHÂN DÂN RẢI TRUYỀN ĐƠN

Chào Mừng Năm 2009 - Đảng DCND Rải Truyền Đơn
31/12/2008
http://ddcnd.org/main/index.php?option=com_content&task=view&id=518&Itemid=9

Chào Mừng Năm 2009 - Đảng DCND Rải Truyền Đơn
Kêu Gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam Chiếm Lại Trường Sa - Hoàng Sa


Truyền Đơn Dấu Trong Bút Bi Rải Tại Trường Đại Học Tp. Sài Gòn Đầu Năm 2009
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEieWZkHEiIp02ea6icCAXEmBtGQl7xmEtxIM2X9AsKZ_K69-X3-vgdhZxu6LkkvpJye223DhxkTBZZ7eZHWTIo2ZITBNrlvckv6jTW5SPbdDmRSonx7P0makDrlAQ5SlsYxWRhmUZn79cU/s400/TruyenDon04_1_09.jpg

Ngày 1 tháng 1 năm 2009 - Đêm 31 tháng 12 năm 2008, bước qua năm 2009, nhằm chào mừng Năm Mới trước những thử thách của Phong trào Dân chủ Việt Nam và sự kiện Trường Sa - Hoàng Sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm. Đảng viên Đảng Dân chủ Nhân dân đã đồng loạt rải nhiều truyền đơn tại các nơi thuộc Quận Phú Nhuận và khu vực Trường Đại Học thuộc Tp. Sài Gòn. (để truyền đơn không bị an ninh thu hồi và gây khó khăn cho sinh viên, chúng tôi tạm không nêu đích danh tên đường và trường Đại Học nào)

Truyền Đơn Rải Đầu Năm 2009 Cảnh Báo Trung Quốc Chiếm Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhdqTE4UCiGq7LHHXvigeltokq3KdxwiMp47cXd2JRdQqIl6UjJbS4tt92eLAbmIISaPNHjdtdUISP8xqHpMSejkNZuUp5OA_I61XB20BULfuzQnvKHSTSElvGgkxXrfRZ1QriMjFW_HDc/s400/TruyenDon03_1_09.jpg
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgIUlz5i2bqClngCpNKaluJImfHgkA_MCVugxJ4zdOd1Qzrjytvlx0LmSkuSzRQPiHdeHW44jw7wVurfywSliqlMr1M312-u7ZjmkHUDl3apsQD7PB3wqIGnP3WlJHBUa-eyJ0n3zAr8to/s400/TruyenDon05_1_09.jpg

Truyền đơn kêu gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam phải dũng cảm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lên án đảng CSVN đã hèn nhát trước ngoại xâm. Nội dung của truyền đơn giống như lần rải bằng bong bóng ngày 22 tháng 12 năm 2008 tại Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, tại Phú Nhuận truyền đơn rải công khai trên đường thì tại Trường Đại Học thuộc Tp. Sài Gòn, truyền đơn đã được đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân dấu trong cây viết bút bi, để bảo đảm truyền đơn đến tay sinh viên đang học tại trường Đại Học này.

Truyền Đơn Rải Bằng Bong Bóng 22/12/2008 Kêu Gọi Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Bảo vệ Trường Sa-Hoàng Sa
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi5vmqnFDP9YUyxkSZZPEarpYBK_cjXqCrBVtMBN1ZnqQ7GItz9nGAzrQAB54-5acS-ONDXi8WqWXtr9aIKmDY0ewHWUfSHjIFDJjXLWbUa3pgkUqWhBwc6tu-DxaXYEtzEb-8QmYZQfkA/s400/toroibongbong22.jpg

Việt Nam đang bị cai trị bởi một chánh quyền vô cảm trước vấn nạn của dân tộc, hèn nhát và nhu nhược trước kẻ xâm lược. Một đất nước bị độc tài kềm hãm nên kinh tế thua kém, suy đồi. Một đảng cầm quyền chỉ biết tham nhũng, hà hiếp nhân dân, bị nhân dân nước láng giềng khinh bỉ, ví như là "giòi bọ". Vì vậy, ngày nào đảng CSVN còn nắm giữ chính quyền, ngày đó dân tộc và đất nước còn suy vong. Năm 2009 sẽ là năm thử thách đối với Dân tộc Việt Nam nói chung và Phong trào Dân chủ nói riêng.

Nhân dịp đầu năm 2009, thay mặt Đảng DCND, xin cảm tạ sự yễm trợ của ân nhân và bè bạn đối với chúng tôi trong thời gian qua và trân trọng sự hy sinh, đấu tranh dũng cảm, chấp nhận tù đày của đảng viên Đảng DCND; dù ở trong hay ngoài nước, đang hoạt động công khai hay ngầm. Hiện nay, vì đấu tranh cho Dân chủ, Tự do, Nhân quyền và Toàn vẹn Lãnh thổ, nhiều đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân đã bị bắt, có người đã bị tuyên án những bán án nặng nề như Bác sĩ Lê Nguyên Sang, Luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, Trần Quốc Hiền, Ký giả Huỳnh Nguyên Đạo, anh Đoàn Văn Diên, chị Trần Thị Lệ Hằng v.v.. Dù vậy, vì sự tồn vong của dân tộc, vì tương lai của đất nước, đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân sẽ nổ lực hơn nữa, vượt qua mọi gian khó và thử thách; để cùng với Nhân dân và các Lực lượng Dân chủ đấu tranh cho mục tiêu: Tất cả vì một Việt Nam Tự do, Dân chủ và Toàn vẹn Lãnh thổ.

T.M. Đảng DCND
Trần Nam

www.ddcnd.org


MỘT ĐÊM Ở BẾN XE HÀ ĐÔNG

Một đêm ở bến xe Hà Đông
Hoa Mộc Miên
Đăng ngày 31/12/2008 lúc 02:00:41 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3410
Tôi và Vũ Phong có lẽ chẳng bao giờ biết nhau nếu không có cuộc chiến tranh ở Biên giới phía Bắc năm 1979. Khi những người lính sơn cước ở phía bên kia biên giới ào ạt tràn qua thì Vũ Phong lúc đó đang là học sinh giỏi văn của trường PTTH thị xã với bao mơ mộng về một đời cầm bút. Tôi vì hoàn cảnh gia đình nên đã chấm dứt đèn sách ngay từ ngày tốt nghiệp PTCS trường làng. Cái khốc liệt của cuộc chiến tranh giữa những con người mà hôm trước vẫn còn là “răng với môi”, hôm trước vẫn còn “hảo hảo!” mà hôm sau đã là “tả tả!”… đã xô đẩy chúng tôi đến với nhau, nằm cùng nhau dưới hầm hào ở Thán Phún, Pò Hèm, Đồng Đăng… cùng trồi lên thụt xuống trong những ngày bão lửa. Thực ra những ngày tôi cùng ở với Vũ Phong không nhiều. Một thời gian sau tôi và Vũ Phong mỗi người đi một mặt trận và cũng từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Không biết lúc này ở nơi đâu đó Vũ Phong có còn nhớ đến tôi, một thằng bạn nhà quê năm nào! Còn tôi làm sao tôi quên được hình ảnh một Vũ Phong hào hoa, lịch lãm đã từng làm bao sơn nữ thổn thức khi Vũ Phong vừa ôm đàn vừa hát:
“Mộc Miên hoa ơi!
Mỗi khi qua cầu biên giới quê ta,
thấy hoa Mộc Miên nở lòng bỗng bồi hồi …”
Sau này để ghi nhớ mãi hình ảnh đó tôi tự nhận bút danh là Mộc Miên.

Hôm qua con gái lớn của tôi nay đã là một cô giáo dạy trường thị xã về thăm bố mẹ với một tin mừng làm tôi bất ngờ. Con tôi bảo: Con đọc báo mạng thấy bài viết ký tên Vũ Phong - Cựu chiến binh đoàn Chi Lăng, người mà bố vẫn kể chuyện với chúng con từ ngày chúng con còn nhỏ. Tôi giật mình hỏi vội: thế bài viết nào? Con tôi xuống giọng bí mật: Bố phải bình tĩnh đã, bài đó còn nhắc tới cả ông thủ trưởng cũ của bố nữa đấy. Đây này, bố xem đi, có đúng là đồng đội năm xưa của bố không?

Tôi giở tập giấy đọc liền một hơi rồi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tâm trạng bồi hồi như ngộp thở. Đúng rồi, đúng giọng Vũ Phong đoàn Chi Lăng năm nào rồi! Đúng thủ trưởng Lộc Hà Đông năm xưa đây rồi! Vũ Phong ơi, giờ đây mày ở đâu? Thủ trưởng Hà Đông ơi, làm sao mà thủ trưởng lại đến nông nỗi như thế? Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam về hưu mà bị đối xử như thế thì thằng binh nhì như tôi về đất đó mà sinh sống, có lẽ chết mất ngáp từ lâu rồi.

Suốt mấy ngày sau tôi cứ đi ra đi vào như thằng mất hồn. Vợ tôi bảo: Rõ khổ, ông bạn Vũ Phong của ông ở đâu thì chưa rõ, còn ông thủ trưởng của ông có đầy đủ địa chỉ đấy. Dạo này rỗi rãi rồi ông tranh thủ về thăm ông ấy chứ còn cứ thẫn thờ thế này tôi rối cả ruột. Tôi bảo vợ tôi: Phải đấy, tôi nghe bà ngày mai tôi đi thăm thủ trưởng cũ và cũng hỏi han về Vũ Phong, bà chuẩn bị cho tôi ít quần áo vật dụng để tôi lên đường.

***

Chuyến ô tô Cao Bằng – Hà Đông vào bến thì đã 22 giờ. Bến xe Hà Đông đập vào mắt tôi là một sự hỗn độn thật khó chịu nổi. Vừa bước xuống xe là hàng chục xe ôm đã nhào ra vây chặt số khách vừa đến. Chẳng mấy chốc người thì về Thanh Xuân, người thì ngược lên Chương Mỹ, người thì xuôi phía Vân Đình… Còn lại mỗi mình tôi bơ vơ, lạc lõng giữa một chốn náo nhiệt. Tôi không biết nên đi đâu vào giờ này, tay giữ chặt miệng chiếc ba lô lộn cũ mèm trong đó là mấy bộ quần áo và bài viết của Vũ Phong có ghi đầy đủ địa chỉ của thủ trưởng Lộc ở La Khê – Hà Đông.

Tôi bước vào quán nước bên đường gọi một chén nước và ngẫm nghĩ: mấy chục năm ròng bặt tin tức giờ bộ dạng mình thế này đến nhà thủ trưởng lúc đêm hôm thật là bất tiện. Tôi quyết định đành vạ vật nơi bến bãi này vậy. Sáng mai tìm đường vào thăm thủ trưởng sau. Không biết tướng tá tôi nó bặm trợn thế nào mà bà hàng nước cứ ngó tôi lom lom như phải cảnh giác với một thằng bất hảo. May quá một lúc sau có một ông xe ôm có lẽ mới kết thúc chuyến vét, dựng xe bước vào ngồi bên tôi hút thuốc lào vặt. Tôi buột miệng hỏi anh ta: “Đường vào La Khê xa mấy nỗi ông bạn?”. Ông xe quay sang tôi chép miệng: “Bác ở xa đến à? Đường vào La Khê cũng gần thôi. Đêm hôm tối tăm thế này Bác vào nhà ai ở đấy?”. Tôi thành thật khẩn khoản: “Tôi là dân Cao Bằng lần đầu về đây chẳng biết mô tê đường xá ngược xuôi thế nào, tôi tìm đến cái địa chỉ của thủ trưởng cũ của tôi trong bài báo này, ông làm ơn chỉ bảo giúp tôi.”

Ông xe đang kéo dở một chầu thuốc vừa ho sặc sụa vừa giương mục kỉnh lên đọc nghiến ngấu bài
“Thanh tra thành phố Hà Nội có đi vào vết xe đổ của thanh tra thành phố Hà Đông – Hà Tây cũ!” của tác giả Vũ Phong - Cựu chiến binh đoàn Chi Lăng. Đọc xong, ông xe bảo tôi: “Tôi biết bác là người đàng hoàng, đêm hôm thế này vật vã thế này không ổn đâu. Bác theo tôi về nhà tôi ở ngay gần đây thôi. Nhà tôi tuy chật chội nhưng tấm lòng luôn rộng mở với những người đồng đội.”

Tôi mừng quá liền líu ríu theo anh ta vào một ngõ nhỏ sâu hút sau bến xe, bước vào một gian nhà trọ tồi tàn. Vừa sửa soạn chỗ ngủ, ông xe vừa buồn buồn kể lể:

***

Quê tôi ở phía Ngã Tư Vác – Thanh Oai. Tôi vốn là thầy giáo. Càng dạy học lâu tôi càng buồn vì nghề thầy bây giờ không còn thanh cao như thời bố tôi và ông tôi đã từng trải. Năm ngoái vì đấu tranh chống gian dối trong thi cử, chống những việc làm sai trái của lãnh đạo giáo dục mà tôi bị người ta trù dập hành hạ tôi đến tàn tệ. Cuối cùng người ta đi đến cuộc bỏ phiếu kỷ luật tôi ở mức cảnh cáo ghi lý lịch và bắt đi đánh trống trường như một lao công. Tôi uất quá mang tất cả sách vở, giấy khen… đến trả và tuyên bố: Rửa tay! trả phấn! để bảo toàn khí tiết ông đồ. Tôi dắt xe ra đường và hành nghề xe ôm chạy dọc tuyến Ngã Tư Vác bến xe Hà Đông. Đây là “tư dinh” của tôi lúc này. Càng hành nghề này tôi càng thấy khoẻ ra ông ạ. Tuy người đời nhìn mình như nhìn một kẻ thất bại mà trong lòng tôi lại thấy thanh thản vì tôi không phải nói dối nữa. Dạy học thời này nhất là dạy các bộ môn xã hội như văn, sử, địa, giáo dục công dân… nhiều lúc tôi ngượng lắm vì học sinh nó thừa biết là nói dối. Bản thân mình cũng biết là mình nói dối, thế mà vẫn cứ phải nói dối. Nói dối leo lẻo. Mình nói dối là để lĩnh lương, trò ghi vào sách vào vở cái dối trá đó là để được điểm cao, để được đỗ đạt… Thế là cả một cộng đồng nói dối. Người ta nói dối mãi thành quen, nghe lời dối trá mãi cũng thành quen. Ông có biết không, người ta đang rầm rộ mở ra cuộc vận động “học tập đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhưng thực ra họ có học tập gì đâu! Họ đoạ đày cụ Hồ đấy chứ. Tôi nhờ hành nghề xe ôm này mà tôi biết được quá nhiều những gì dối trá vô luân đang tràn ngập xã hội chúng ta. Đấy thôi, ông: ở Văn Phú, Phú La, nhà lưu niệm cụ Hồ toạ lạc trên diện tích 1600 m2 đã bị Bí thư chi bộ ở đó đấu thầu 10 năm trong khi luật đấu thầu Hợp tác xã chỉ được phép 5 năm. Cậy chức cậy quyền ông này lại bán thầu cho người khác để hưởng chênh lệch ngon ơ. Khu Đồng La cũng bị ông Bí thư cùng một đảng viên khác nhận khoán, hơn một năm sau diện tích nhận khoán đã mòn đi hơn 1000 m2 vì chiếm đoạt. Nhận khoán 8 sào nay đo đạc trên thực địa và cả trên bản đồ chỉ còn 4 sào! Còn quá nhiều các quan tham ở Văn Phú, Văn La, La Khê, Vạn Phúc…tay các quan đã nhúng chàm nhưng nhờ giỏi luồn lách lại ra là người “Trong sạch”!

Tôi rất cảm động trước tình cảm của Bác với thủ trưởng cũ, chỉ mới đọc báo biết tin thủ trưởng cũ bị quan chức Hà Đông cậy thế cậy quyền toan cưỡng chiếm hơn 17 m2 ngõ đi mà bác đã vội về chia sẻ! Bác có biết không, cả cộng đồng dân Văn Phú bị “Dự án mở rộng đường 6”, đoạn đi qua thị xã Hà Đông “làm thịt” hơn 25.000 m2 đất nông nghiệp của tổ tiên mà chẳng được một xu bồi thường đấy bác ạ. Có ông cựu chiến binh ở đó nhiều năm dám đối đầu, đối diện để đòi quyền lợi cho dân, tất cả chứng lý đều đúng cả. Công an điều tra xét hỏi, thanh tra các kiểu từ Trung ương đến địa phương đều công nhận phát hiện của ông cựu binh già là đúng, vụ này còn nghiêm trọng hơn cả vụ Đồ Sơn, vậy mà cuối cùng cũng là chìm xuồng bác ạ. Trong khi hàng nghìn hàng vạn người dân Văn Phú, La Khê, Văn La, Vạn Phúc … bị ăn chặn đất đai, bị bắt chẹt đất 5%... Bác có biết bị bắt chẹt là gì không? Bắt chẹt là áp giá đền bù một cách cưỡng bức. Tất tật đất nông nghiệp, đất đã vào hợp tác, đất không vào hợp tác… đều ép vào cái khung 250.000 đồng cộng với 20.000 đồng tiền chuyển đổi nghề thành 270.000 đồng/m2. Đến nay sau khi đổ cát, làm đường phân lô… lòi chuôi ra là dự án treo. Bản chất là mua của nông dân rẻ như cướp rồi phân lô rao bán với giá trên trời 20 đến 22 triệu đồng một mét lúc sốt đất. Người dân Văn Khê kêu trời, trời xa quá, trời cao quá, trời còn bận việc của “Chợ nhà trời” nên bà con Văn Khê đành chịu thua, thua cay, thua đắng.

Quan tham phó chủ tịch phường La Khê – Hà Đông hôm nay, ngày các bác ra trận thì ông ta lúc đó mới tròn 10 tuổi, tuổi đánh đinh đánh đáo. Vậy mà hôm nay nghênh ngang toạ lạc trên dưới 400 m2 đất ở, trong khi diện tích được phép sở hữu chỉ là 180 m2! Các quan tham bây giờ kinh lắm bác ơi! Nhố nhăng rửng mỡ lắm bác ơi!

Vẫn nói về quan tham phó chủ tịch đó bác nhé. Quan xuất thân trong một gia đình phải nói là tứ đại bần cố thế mà hôm nay nhà cách dinh phường (UBND phường) cỡ 300 m mà ô tô đời mới nghênh ngang như vua con, như đại gia. Tiền ở đâu ra mà gớm thế? Tiền của nhân dân, tiền của đất đai của công chứ còn tiền ở đâu!

Hôm vừa rồi tôi có cuốc xe chở một bà đầm vào Vạn Phúc mua lụa, thấy dân HTX thủ công ở đó đang kêu trời. Họ bị phân biệt đối xử, bị thiệt thòi, bị bỏ rơi, thậm chí đang bị lừa đảo một cách độc ác quá ông ạ. Tình hình chuyển nhượng, thu hồi đất ở đó bất công cũng chẳng khác gì ở Phú La, La Khê. Khi vào HTX người ở HTX thủ công chẳng khác gì người ở HTX nông nghiệp thế mà đến lúc này người bên thủ công thiệt thòi quá. Năm 1962, Vạn Phúc phân làm hai HTX, người ở HTX nông nghiệp được hai thước đất 5% thì người ở thủ công chỉ được một thước đất 5%! Nay các quan đang thu hồi đất 5% vẫn áp cái giá cưỡng bức 270.000 đồng và cả hai HTX cùng phải chịu cái tỷ lệ giành cho đất dịch vụ đồng loạt là 10% diện tích thu hồi. Ông hai thước hưởng 10% thì ông một thước cũng chỉ 10% ông ạ.

Chưa hết đâu bác ạ, đất chưa thu tiền chưa đến, chẳng cần họp hành thảo luận gì hết, chẳng cần biết ý nguyện của dân là thế nào người ta đang bắt dân Vạn Phúc kê khai vào giấy in sẵn rằng: “Gia đình tôi tự nguyện giao đất theo tỷ lệ % đất bị thu hồi”. Đây là cái ngón nguy hiểm để vô hiệu hoá khả năng thắc mắc, khiếu nại của người nông dân Vạn Phúc sau này. Chỉ có ngồi hàng nước chờ chở bà đầm mua lụa xong, tôi đã thấy tình hình đất cát ở Vạn Phúc cũng đang rối như canh hẹ.

Một lần khác tôi chở khách vào HTX nông nghiệp Văn La lại thấy người dân ở đây bị đối xử tồi tệ theo kiểu khác. Ai đời đất bờ ao của 17 hộ gia đình người ta là đất chưa vào HTX, là đất của tổ tiên người ta để lại, hàng năm người ta đóng thuế nhà đất rành rành thế mà dự án định cướp nốt của người ta với lý do lừa bịp là đất nông nghiệp xen kẽ với khu dân cư. Nếu cướp được chắc chắn cũng chỉ 270.000 đồng một mét thôi à. Nếu dự án nuốt trôi cả phần đất đó thì 17 hộ gia đình này chắc chắn thiệt thòi tiền tỉ mỗi hộ vào lúc sốt đất ông ạ. Nghe đâu có một ông nhà giáo về hưu ở đó đã giám giúp 17 hộ này giữ được phần đất bờ ao thì đã bị những kẻ xấu nhiều lần khủng bố bằng truyền đơn, bằng những cách đánh đê hèn mang phân người, trứng gà ung tới ném trước cửa. Thật rõ khổ cho nhà ông giáo ở Văn La ấy ông ạ.

***

Tôi như mê đi trước những gì mà ông xe ôm ào ào như bắn liên thanh. Lựa lúc ông xe còn đang mải kéo thuốc, tôi bộc bạch:
Tôi người miền núi sống xa cách chốn đô hội nên ít thực tế lắm. Nghe những gì ông vừa kể tôi thấy nản quá. Thật là buồn cho nơi chốn gọi là cửa ngõ thủ đô, là “Địa linh nhân kiệt”.

Ông xe ôm vừa ôm điếu cày vừa ho khùng khục vì phải nói vội:
Cửa ngõ cái gì đâu khi Hà Nội người ta tiến bộ ầm ầm, còn bước vào đến Hà Đông một bước là một bước buồn. “Địa linh nhân kiệt” gì đâu ngoài sự chụp giật, tham ô, tham nhũng, tranh cướp và đội sổ trong các thang bậc xếp loại đối với các tỉnh khác ở trong nước. Ông nào ông ấy hết thời hạn tại nhiệm đều vinh thân phì gia về tiền bạc, về đất đai nhà cửa cũng “vinh thân” vì tiếng xấu này tiếng xấu nọ rồi được đá lên!. Còn dân chúng ngày càng chán nản, ngày càng thất vọng, ngày càng thua thiệt mọi bề. Người tốt bị bức hại, kẻ xấu như gặp thời. Ông thấy đấy đến vụ ông giáo Đỗ Việt Khoa, anh hùng chống tiêu cực trong GD & ĐT Hà Tây cũ nay đang bị cả một dây kẻ xấu từ Sở đến trường, từ tỉnh đến xã hãm hại là một dẫn chứng quá đắt giá ông ạ.

Sau một tuần trà đặc sánh, ông xe ôm như vẫn chưa ra khỏi những bức bối mà ông đã thu nhận được trong những ngày ông hành nghề khắp chốn cùng quê. Ông xe bất ngờ:
Biết ông là người miền núi mới về tôi tin lắm, cảm động lắm khi phải sống giữa cảnh đời đen bạc thế này mà ông cất bước đi tìm người thủ trưởng cũ thì thật quý hoá quá ông ạ. Nhưng tôi nói thật với ông nhé, ngay lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố nơi đây họ cũng đã “Ăn cháo đá bát” từ lâu rồi. Cái ngõ của ông thủ trưởng cũ của bác có là cái gì so với những người đã hy sinh, đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vinh quang và đau khổ vừa qua. Mấy tháng trước tôi chở một chuyến từ thiện một bà cụ 96 tuổi từ Mỹ Đức ra Hà Đông. Cụ có tên gọi là cụ Rối, là vợ liệt sĩ chống Pháp chết trận năm 1952, là mẹ một liệt sĩ chống Mỹ con giai duy nhất chết trận 1974. Thế mà sau bao nhiêu năm xoen xoét nói “uống nước nhớ nguồn”, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã, lãnh đạo thành phố Hà Đông vẫn để bà cụ sống vất vưởng vạ vật bên quán nước trước cửa nhà người con gái có tên là bà Giáo ở đường Tô Hiệu. Bà Giáo nay cũng là một bà già 65 tuổi sống cô đơn không con cái, cửa nhà là một gian cấp bốn tuềnh toàng mà cơ quan cũ (Hội nông dân tập thể Hà Tây) phân cho, lại đang bị các ông lớn đe doạ cưỡng chế chỉ vì gian nhà đó nằm trên một vị trí thật đắc địa. Người ta đang tìm cách đuổi khéo mẹ con mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ ra mảnh đất ngoài đồng Văn Phú ông ạ. Bà cụ không chịu, đầu đơn đi khắp nơi, báo chí bênh vực ầm ầm thế mà sau nhiều năm rồi sự việc vẫn cứ thế cứ thế. Không biết từ ngày xoá sổ tỉnh Hà Tây, các quan tham của Hà Tây về Hà Nội có còn nghĩ đến mẹ con họ nữa không!
Tôi nghĩ với hoàn cảnh này lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố phải thực tâm phân đất nơi nào để họ có thể sống được, phải xây nhà tình nghĩa cho người ta mới phải! Sao lại có thể đối xử với gia đình chính sách như thế?

***

Trong trạng thái mệt mỏi sau một ngày vật vã trên ô tô lại phải thu nạp những bức xúc của ông xe ôm, tôi như rơi vào trạng thái quá tải vì dồn nén. Thế mới biết cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với cỏ cây ở nơi tôi thật đáng quý biết bao. Thế mới biết khi đã ngấp ngó lục thập rồi mà tôi vẫn chưa hề “Tri thiên mệnh!”. Bên tôi ông xe ôm đã thở đều đều, ông ta đang đi vào giấc ngủ sau một ngày vất vả để ngày mai, ngày mai ông sẽ lại đi lại đến lại gặp, lại biết, lại nghe, lại thấy những cảnh đời, những thân phận đang tả tơi vì thời cuộc, những bi kịch đang đón chờ bất cứ ai!

Ngày mai mình sẽ ra sao giữa đất này có trời mà biết được! Vì sao cộng đồng dân cư Hà Tây cũ phải sống trong những bất trắc, bất công và thiệt thòi đến thế! Ngày mai tôi cũng sẽ chia tay ông xe. Tôi sẽ hỏi đường và tự lang thang trên những con đường của cửa ngõ Thủ đô để cũng được nghe, được biết, được thấy, được nhìn, được suy ngẫm tất cả mọi điều. Có thể người thủ trưởng cũ của tôi không còn nhận ra tôi được nữa, điều đó lúc này không còn là quan trọng vì thủ trưởng cũ của tôi đâu là một trường hợp đặc biệt đối với cộng đồng dân cư nơi này.

Thời gian năm tháng có thể làm vụn nát bao bảng vàng bia đá, làm mờ nhạt đi bao giá trị… riêng thái độ “Biết đau nỗi đau người khác”, thái độ “Nỗi đau này không của riêng ai” mãi mãi là trơ gan cùng tuế nguyệt và đời nào cũng có. Đó chính là những gì mà cha Lạc Long và mẹ Âu Cơ để lại, đó là những gì đảm bảo để dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn. Ngày mai! Ngày mai! Ngày mai nữa sẽ đến với ông xe, đến với tôi, đến với thủ trưởng cũ của tôi, đến với mọi người đồng bào của tôi thật giản dị và vô hại như vậy. Điều đó, hỡi các quan tham đang ở Hà Tây hay ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Việt Nam còn nhiều đau khổ này! Các quý vị làm sao mà hiểu được.

Hoa Mộc Miên
Cựu chiến binh đoàn Chi Lăng - Tháng 12/2008


TRÊN THỀM MỘT NĂM ĐẦY THỬ THÁCH

Trên thềm một năm đầy thử thách
Báo Tổ Quốc

Đăng ngày 31/12/2008 lúc 03:53:41 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3411
Số báo đầu năm này là dịp để Tổ Quốc gửi đến độc giả và thân hữu lời chúc một năm 2009 an khang. Và cũng để báo một tin mừng: Tổ Quốc vẫn tiếp tục.

Những tháng cuối năm đã rất khó khăn. Tháng 10, hai thành viên ban biên tập -Nguyễn Xuân Nghĩa và Nguyễn Văn Tính- và một số thân hữu đóng góp cho tờ báo bị bắt giam. Họ vẫn còn bị giam giữ. Cuối tháng 11 đến lượt Phạm Hồng Đức. Rồi Nguyễn Thanh Giang bị khám nhà, bị câu lưu máy vi tính và tịch thu tài liệu, sau đó bị thẩm vấn liên tục trong nhiều ngày. Các cộng sự viên khác cũng bị sách nhiễu thường xuyên. Tờ báo đã phải tạm ngừng một số.

Trong ba tháng vừa qua nhiều người khác cũng đã và còn đang bị giam giữ và truy tố, có khi chỉ giản dị là vì đòi hỏi một chút công lý.

Tại sao chính quyền lại cần hành động như vậy? Tại sao phải bắt giam những người ôn hoà không đe doạ một ai? Tại sao huy động đến ba chục công an để bao vây, lục soát nhà Nguyễn Thanh Giang trong khi các băng đảng trộm cuớp, buôn lậu, lâm tặc mặc sức hoành hành? Tại sao phải đàn áp Tổ Quốc, một tập san chỉ phát hành một cách hạn chế hai tuần một lần trong khi nhà nước có trong tay cả nghìn báo và tạp chí đủ loại? Hơn nữa Tổ Quốc chỉ là một tờ báo ý kiến; nó không làm công việc thông tin và do đó không thể xuyên tạc về bất cứ gì đối với bất cứ ai. Nó cũng phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn nhưng trang trọng, không hề sử dụng lời lẽ quá đáng hoặc xúc phạm, trái ngược hẳn với những bài báo xuyên tạc hạ cấp trên những báo chí nhà nước đối với những người dân chủ, cụ thể là những bài bôi nhọ Nguyễn Thanh Giang và các cộng sự viên Tổ Quốc gần đây. Rõ ràng chính quyền này ngoan cố ngăn cấm sự phê phán và những ý kiến độc lập, trong khi kỷ nguyên này là kỷ nguyên của tri thức trong đó ý kiến và sáng kiến quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của mỗi dân tộc. Bưng bít, ngôn luận một chiều là những kẻ thù độc hại của mọi quốc gia muốn tiến lên để có thể tồn tại.

Chúng tôi đã không cô đơn. Sự kiện một số đông trí thức và cách mạng lão thành nhanh chóng ký tên chung trong một bản lên tiếng phê phán cách đối xử rất thiếu văn hóa đối với báo Tổ Quốc của đảng và nhà nước cộng sản là một bằng chứng.

Chúng tôi xúc động và phấn khởi. Tổ Quốc rất cần những hỗ trợ như thế trên ngưỡng cửa một năm 2009 đầy thử thách nhưng cũng có thể là một khúc quanh lớn của đất nước.

Ban biên tập

Nguồn: báo Tổ Quốc, số 55 (01/01/2009)


TÌNH YÊU VAY MƯỢN

Tình yêu vay mượn
Hoàng Cúc
Đăng ngày 30/12/2008 lúc 16:22:48 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3409
Tối 28-12-2009, sau trận hoà với đội tuyển Thái Lan ở trận lượt về, đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vô địch trong một giải đấu dành cho các đội túc cầu Đông Nam Á, sau rất nhiều năm mỏi mòn chờ đợi. Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, từng đoàn người gầm rú trên các đường phố, phóng xe bạt mạng, gào thét như lên đồng. Kết quả là số vụ tai nạn giao thông tăng khoảng 20 %, cũng có nghĩa là có thêm mấy chục mạng Việt nhập đoàn rước mừng chiến thắng với Diêm Vương, cùng với vài trăm kẻ bỗng dưng thành phế nhân giữa một xã hội mà sự khốn cùng đã quá nhiều. Mặt sau tấm huân chương không chỉ là mầu đồng úa rỉ, mà là mầu máu Việt. Thiết tưởng đó là cái giá quá đắt đối với một trận túc cầu, một trò chơi, dù nó mang tầm vóc khu vực. Vậy nên chăng người Việt chúng ta dành vài phút quan sát và lí giải đôi chút hiện tượng kì quái này?

Máy lọc tình yêu


Những ngày đầu tiên, khi đứa trẻ Việt Nam vừa bập bẹ tập nói, nó tới trường mẫu giáo và được dạy hát rằng: “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh, ai yêu bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng? Ơ, có bác Hồ đời em được ấm no, chúng em kính dâng ngàn đoá hoa lên bác Hồ.”

Con trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng, những chữ đầu tiên những nhà giáo dục viết lên đó sẽ góp phần định hướng cho cuộc sống tương lai của con trẻ. Và những nhà đào tạo tại nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã không ngần ngại viết những dòng nồng nàn yêu thương như thế. Con trẻ sẽ sống mãi với tình yêu đó, một loại tình yêu rất mơ hồ và phù phiếm. Trong tương lai, nó sẽ còn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng loại á phiện này và hầu như vĩnh viễn không còn khả năng nghĩ khác đi, hoặc đặt lại vấn đề về bác Hồ của nó.

Cứ như thế, cái lẽ đơn giản trong đời sống của một con người là “Yêu ai thì bảo rằng yêu / Ghét ai thì bảo rằng ghét” đã trở thành chuyện hoang đường đối với rất đông người trẻ Việt Nam. Tình yêu của bao thế hệ học trò Việt Nam đã chỉ còn một lựa chọn duy nhất là “theo định hướng XHCN”, là chỉ còn biết vè vè “theo lề bên phải”. Thử hỏi một kẻ không yêu nổi ngay cả con mình sinh ra, hoặc cứ cho là kẻ đó có yêu con mình tha thiết lắm như ai đó đang gân cổ lên bảo vệ, nhưng với uy tín và quyền lực ở “đỉnh cao chói lọi”, ngàn lần hơn bao nhiêu người cha Việt Nam khác, lại chẳng làm được gì hay chẳng muốn làm gì cho con mình, kẻ đó liệu có thể yêu thương được con cái người khác hay không? Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng dường như có thứ người còn khủng khiếp hơn hổ dữ nhiều lần. Tôi luôn cho rằng đối với kẻ không biết cách yêu thương ngay cả con mình, đừng nên mất công phí sức nói đến những chuyện trừu tượng cao xa như “lòng yêu nước thương nòi”.

Nhưng ở đời cũng chẳng thiếu những người coi cuộc đời như một sân khấu để mình mặc sức diễn đủ trò hỉ nộ và lạ thay, rất nhiều kẻ lại thích để mình khóc cười buồn vui theo ánh nhìn thôi miên của gã diễn viên bậc thầy.

Yêu hộ

Thời bao cấp đã lùi xa vài chục năm. Bây giờ trong lúc trà dư tửu hậu, kẻ từng nếm mùi khủng khiếp của cuộc sống thời đó kể lại cho con cháu nghe, như chuyện cổ tích của một thời xa xưa lắm. Nghĩ ra thật cũng còn may cho người Việt lắm, chứ nếu đảng và nhà nước cứ “kiên trì trước sau như một” đường lỗi cũ, tức là từ chiếc kim sợi chỉ, từ bao diêm chai dầu, tất tần tật đều do nhà nước “lo” cho dân theo kiểu quản lí và phân phát qua chế độ tem phiếu, thì không biết sẽ còn bao nhiêu mạng Việt chết oan khi đất nước đã im tiếng súng!

Dù sao, bao cấp về hàng hoá tiêu dùng là điều người ta rất dễ thấy, tác hại kinh khủng nó gây ra cho đời sống người dân khá rõ ràng. Còn có những thứ bao cấp khác, tinh tế hơn, tác hại cũng không kém phần khủng khiếp, nhưng đảng và nhà nước nhất định không chịu nhả ra, cứ một mực quyết tâm “trước sau như một”, đó là bao cấp về suy nghĩ, bao cấp cả tình yêu.

Thử nghĩ mà xem, khi hệ thống giáo dục chỉ biết theo một lối dối trá, chỉ biết nhai đi nhai lại những thứ không còn chút sinh khí, không khuyến khích và vun trồng cách suy nghĩ, nhân cách và lối làm việc độc lập, trái lại, khi thầy hay trò làm điều gì khác với những bài tủ bài vẹt liền bị đấu tố, hạ độc thủ, triệt tiêu, nghĩa là mọi chuyện đều đã có cấp trên nghĩ thay, làm thay, cấp dưới chỉ còn là những chiếc máy vô hồn với những trái tim tham lam đến vô sỉ, hệ thống đó phải được gọi tên là gì, nếu không phải là trò bao cấp về mặt tư tưởng? Hậu quả là bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập, chỉ còn biết ra rả những điều đã được mớm sẵn, quanh quẩn với những trò tráo đổi của đám lưu manh và phồng mang trợn mắt gào thét vì những điều huyễn hoặc.

Hơn thế nữa, khi chỉ một nhóm thiểu số trong cộng đồng dân tộc có cái quyền yêu nước, ai không thuộc nhóm này hoặc không yêu nước giống như nhóm này, nhưng lại muốn làm chút gì đó cho quê hương đất nước mình, liền bị gán cho cái nhãn “thế lực thù địch”, hay “có âm mưu diễn biến hoà bình”, điều đó là gì nếu không phải là kiểu độc quyền yêu nước hoặc bao cấp về lòng yêu nước. Chỉ mình ta mới có quyền yêu nước, còn cả đám xấp xỉ tám chục triệu dân chỉ có cái quyền là yêu nước “theo định hướng XHCN”, dẫu kiểu yêu đó có phũ phàng đến mức biên giới và hải đảo máu thịt của cha ông có lần lượt rơi vào tay “bạn bè tốt đồng chí tốt”, cũng không ai được lên tiếng. Tại sao đất mẹ bị kẻ kia cắn xé, thanh niên sinh viên biểu tình phản đối lại bị công an quân đội của chính nước mình ngăn chặn bắt bớ? Tại sao trong một cuộc chơi gồm hai mươi mấy kẻ mặc quần đùi chạy nhong nhong trên sân cỏ, húc huých tranh giành để đưa được một trái bóng vào tấm lưới, xong rồi cả trăm ngàn người xuống đường phóng xe gào thét quên chuyện sống chết lại được mặc sức tung hoành, nếu có bị ngăn chặn đôi chút, thì phạm vi và cách thức rõ ràng hoàn toàn khác với kiểu ngăn chặn biểu tình chống xâm lược?

Các người sẽ trả lời là sợ “các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục”. Nhưng thế lực thù địch là ai, nếu không phải kẻ đang manh tâm đớp từng mảng biên giới và hải đảo của đất mẹ Việt Nam? Rõ ràng các người tự ban cho mình cái độc quyền yêu nước, các người muốn bao cấp lòng yêu nước. Các người đã tự ban cho mình cái quyền yêu hộ cả dân tộc. Gần tám chục triệu con dân Việt Nam đã bị tước mất cái quyền được thông tin về thực trạng biên giới và hải đảo của đất mẹ, được lên tiếng hay góp công góp máu bảo vệ đất mẹ. Hậu quả của món bao cấp này là bao thế hệ thanh niên rất ít, hoặc không còn quan tâm đến vận mệnh tổ quốc, chỉ còn biết hò hét và chạy theo những món hàng mã, những niềm vui của món vinh quang không khẳng định được gì nhiều. Bổn phận và quyền yêu nước của tám chục triệu dân đã được nhóm nhỏ của đảng “quang vinh” làm thay mất rồi, bất kể đó là chuyện bán đất bán biển hay cam tâm quỳ lạy ngoại bang!

Những van xả an toàn

Thật ra, người ưu thời mẫn thế không khó nhận ra một thực tế xót xa trong trò tráo đổi này. Độc giả hãy tìm kiếm thông tin trên báo đài của chính nhà nước, chỉ cần tìm những con số công khai về chi phí cho an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, người nghèo và đặc biệt là chi phí cho các giải thể thao quốc tế và khu vực. Sau đó, độc giả hãy đặt các con số đó bên cạnh nhau và hãy thử tìm cách trả lời câu hỏi rằng tại sao đảng và chính phủ lại bận tâm đến chuyện thắng thua trong các cuộc chơi thể thao đến thế.

Ngẫm ra mới hay đó vẫn là chủ trương tuyên truyền, chủ trương “định hướng” nhằm giải toả những uất ức, bất công hiện quá nhiều trong xã hội. Với những kẻ ngay từ nhỏ đã được một hệ thống mớm cho một mớ tư tưởng hỗn tạp, đã phó mặc cho người khác suy nghĩ hộ, việc tự suy nghĩ nhìn nhận các sự kiện thời sự là rất khó. Đó là những kẻ “cạn nghĩ”, theo cách nói dân dã. Những kẻ này rất dễ nổi sung, đôi khi thành hung dữ, khi ai đó đụng chạm tới mình, rất dễ sung sướng xúc động đến trào nước mắt khi được cấp trên vuốt ve mơn trớn chút xíu, cũng rất dễ gào thét rầm trời trong những cơn phấn khích. Họ sẽ tự hài lòng với vài niềm vui nhỏ nhoi, được tra thêm chút gia vị kích động “theo định hướng”. Đó có lẽ là lí do thời gian gần đây ta thấy xuất hiện nhan nhản đủ loại trò chơi trên các đài truyền hình địa phương và quốc gia, các cuộc vung vít tiền thuế vô tội vạ cho các trò chơi thể thao đủ loại. Bởi vì với ai đó, những trò đó chỉ là trò chơi, nhưng với đảng và nhà nước, đó thực sự là những chiếc van xả, khi cần họ sẽ cho mở hết mức.

Những ai đang gắng sức làm việc cho một quê hương Việt Nam tốt đẹp hơn nên nghĩ đến điều này: với những thế hệ thanh niên đã quen để người khác nghĩ hộ và yêu hộ, việc giúp họ có thể tự yêu, tự sống bằng cái đầu và trái tim của chính mình, tự đứng trên đôi chân của chính mình là hết sức khó khăn, đòi hỏi một quá trình đào tạo và giáo dục lâu dài. Đừng đòi hỏi những người đó phải vươn vai thành những chàng trai Phù Đổng trong một thời gian ngắn ngủi.

Nếu độc giả có ai nghe bà Bảy Vân, vợ ông Lê Duẩn,
trả lời phỏng vấn phóng viên đài BBC, hẳn quý vị cũng hiểu thế nào là lối suy nghĩ lộn xộn, tự mâu thuẫn của những người đã quen sống với lòng yêu nước và lối suy nghĩ vay mượn của món tình yêu và suy nghĩ bao cấp. Vậy nên, nói về chuyện biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa, bà ta khuyên là chỉ nên theo ý chính quyền, không theo là không tốt đâu, trong khi chính miệng bà cũng nhắc đến việc ông Phạm Văn Đồng đã kí văn bản gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này!

Than ôi, với rất đông người Việt Nam hiện tại, yêu nước nghĩa là gào thét điên loạn vì một quả bóng, nhưng lại câm nín trơ mắt nhìn đảng quang vinh cắt đất dâng biển cho lũ xâm lược tham lam. Từng trăm ngàn người say sưa sung sướng đến lú lẫn mụ mị vì một chút vinh quang cũng chẳng thật hơn những vương miện áo mão bày ở phố Hàng Mã, đồng thời không màng quan tâm đến những sự thật khủng khiếp là bao tấc đất tổ tiên đã giữ gìn bằng máu, bao dặm biển tổ tiên để lại giờ đây đã lọt vào tay kẻ khác.

Nếu lòng yêu nước là có thật ở trên đời, tôi sẽ phải khóc thương đưa tiễn nó, vì ở Việt Nam, lòng yêu nước thật sự đã bị tráo đổi, thay vào đó là thứ bong bóng xà phòng phù phiếm, rất đẹp dưới ánh mặt trời, nhưng sẽ tan tành trong vài giây ngắn ngủi.

Hiện tượng cuồng nhiệt sau một trận túc cầu không chỉ xảy ra vào ngày 28-12 vừa rồi. Thói quen cuồng loạn này đã có từ cả hơn chục năm, khoảng thời gian cần thiết để nhận diện thực sự nó là một loại van xả có lợi cho đảng và nhà nước, nhưng đồng thời nó cũng lại có thể là thứ bùa mê thuốc lú chôn vùi vận mệnh tổ quốc.
Hoàng Cúc
© Thông Luận 2008