Monday, January 31, 2011

LỊCH SỬ PHÁN XÉT (Trần Gia Phụng)

(Trình bày trong Lễ Tưởng Niệm do Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Ontario tổ chức tại Toronto ngày 29-1-2011)

TRẦN GIA PHỤNG(Toronto, 29-1-2011)

Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Tuy gia đình khó khăn, nhưng nhờ học giỏi, nên sau khi đỗ bằng thành chung (diplôme d'études primaries supérieures indochinoises) tại trường Trung học Mỹ Tho, ông ra Hà Nội theo học trường Cao đẳng Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về dạy tại Trung học Mỹ Tho, rồi làm đốc học Tây Ninh năm 1945. Khi Việt Minh (VM) cướp chính quyền, VM cử ông Hương làm chủ tịch Ủy ban hành chánh Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, ông từ chức, không hợp tác với VM và cũng không hợp tác với Pháp. Sau đó, Trần Văn Hương đến Sài Gòn sinh sống, bán thuốc cho “Pharmacie Kim Quan”, gần chợ Bến Thành. (Tài liệu của Hứa Hoành)

Sự nghiệp chính trị của Trần Văn Hương có thể tóm lược như sau:
Hai lần làm đô trưởng Sài Gòn. Lần thứ nhất ngày 27-10-1954 dưới thời thủ tướng Ngô Đình Diệm. Lần thứ hai ngày 9-9-1964 dưới thời thủ tướng Nguyễn Khánh.
Hai lần làm thủ tướng VNCH. Lần thứ nhất, từ ngày 4-11-1964 đến 27-1-1965, dưới thời quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Lần thứ hai làm thủ tướng từ ngày 25-5-1968 đến 1-9-1969 dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong nền Đệ nhị Cộng hòa.
Phó tổng thống VNCH. Ngày 29-8-1971, Trần Văn Hương ứng cử phó tổng thống trong liên danh của Nguyễn Văn Thiệu. Liên danh nầy độc diễn, được tuyên bố đắc cử ngày 3-10-1971 và nhận chức ngày 31-10-1971.
Tổng thống VNCH. Ngày 21-4-1975, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay theo hiến định.
Khi nhận chức, tổng thống Trần Văn Hương 73 tuổi. Ông biết tình hình đang hết sức khó khăn, hầu như không giải quyết được, nên tổng thống Thiệu phải từ chức. Ngoài ra, tổng thống Hương cũng biết rằng ông chỉ là con cờ đệm; vai trò của ông chỉ có tính cách tạm thời theo hiến định, để chuyển giao cho một nhân vật khác mà lúc đó người ta lầm tưởng là có thể đứng ra thương thuyết với phía CSVN. Đó là đại tướng Dương Văn Minh. Vì vậy, tổng thống Hương trao quyền cho quốc hội quyết định việc chọn lựa người thay thế và tối 27-4-1975, quốc hội quyết định chọn đại tướng Dương Văn Minh lên làm quyền tổng thống VNCH.  Cuối cùng, như ai cũng biết, lúc 10 G. 24 phút sáng 30-4-1975, quyền tổng thống Dương Văn Minh đọc nhật lệnh cho QĐVNCH buông súng, ngưng chiến đấu. Thế là hết.

Đúng như Trần Văn Hương nói trước, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CSVN bắt giam vô thời hạn, đày ải hàng triệu quân nhân, công chức lên miền rừng thiêng nước độc. Riêng về phần Trần Văn Hương, CSVN sợ dư luận thế giới, nên đề yên cho ông về sống tại căn nhà cũ của ông trong một con hẻm trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn cho đến khi từ trần ngày 27-1-1982, nhằm ngày Mồng 3 Tết Nhâm Tuất, thọ 82 tuổi.

Ngày 30-4-1975 là ngày tang chung của dân tộc Việt Nam, ngày QUỐC HẬN cho cả nước. Trong cái tang chung của đất nước, người Việt Nam, nhất là cựu quân nhân Quân đội VNCH, không bao giờ quên những người đã hy sinh thân mạng, chết theo vận nước đen tối, nhất là những vị tướng lãnh, sĩ quan theo gương của danh tướng Trần Bình Trọng, “thà làm quỷ nước Nam, không thà làm vương đất Bắc”. Nổi tiếng nhất, chúng ta được biết là đại tá Hồ Ngọc Cẩn, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, chuẩn tướng Lê Văn Hưng, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, thiếu tướng Phạm Văn Phú, chuẩn tướng Trần Văn Hai.

Đại tá Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24-3-1938, học Trường Thiếu sinh quân Gia Định năm 1951, rồi Liên trường Võ khoa Thủ Đức năm 1961. Rời trường Thủ Đức, chuẩn úy Hồ Ngọc Cẩn học tiếp khóa huấn luyện Biệt Động Quân, và về phục vụ tại Tiểu đoàn 42 BĐQ, thăng dần lên trung úy và làm tiểu đoàn phó TĐ nầy. Lên đại úy năm 1966, Hồ Ngọc Cẩn được chuyển đi làm tiểu đoàn trưởng TĐ 1 Trung đoàn 33, SĐ 21 BB. Sau vụ Tết Mậu Thân (1968), ông thăng thiếu tá, rồi lên trung tá năm 1970. Ông được cử giữ trung đoàn trưởng TĐ 15, SĐ 9 BB. Trong chức vụ nầy, ông đã hành quân giải cứu An Lộc năm 1972. Cuối năm 1973, ông giữ chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện.

Khi đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng, đại tá Hồ Ngọc Cẩn vẫn tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng tại tiểu khu Chương Thiện. Ông bị CS bắt và đưa ra xử bắn tại Sân vận động Cần Thơ ngày 14-8-1975.

Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ sinh ngày 22-8-1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Năm 1951, ông theo học khóa 2 Trường Võ Bị Địa Phương ở Huế (đóng ở Đập Đá), và tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy. Dần dần, ông thăng lên thiếu tá năm 1965. Sau cuộc tử thủ An Lộc trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972, đại tá Lê Nguyên Vỹ được cử làm tư lệnh phó sư đoàn 21 Bộ Binh, dưới quyền chuẩn tướng Lê Văn Hưng.

Sau đó, đại tá Vỹ được cử đi tu nghiệp khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp tại tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ. Trở về Việt Nam, đại tá Vỹ được thăng chuẩn tướng và giữ chức tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh.

Ngày 30-4-1975, sau khi nghe nhật lệnh của đại tướng Dương Văn Minh, quyền tổng thống VNCH, kêu gọi quân đội buông súng, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ ra lệnh cho binh sĩ giải tán. Phần ông, ông dùng súng tự sát tại sân cờ Bộ Tư Lệnh SĐ 5 BB ở Lai Khê, Bình Dương.

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng sinh ngày 27-3-1933 tại Hóc Môn (Gia Định). Ông tốt nghiệp khóa 5 (khóa Vì Dân) Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức vào tháng 1-1955. Ông rất nổi tiếng trên chiến trường đồng lầy miền tây nam, thăng thiếu tá năm 1966, lên trung tá năm 1967 và đại tá năm 1968. Năm 1970, ông được bổ nhiệm là tỉnh trưởng Phong Dinh (Cần Thơ), rồi tư lệnh Sư đoàn 5 BB năm 1971.

Năm 1972, Lê Văn Hưng cương quyết tử thủ tại An Lộc và cuối cùng đẩy lui cuộc tấn công của CSVN. Ông được thăng chuẩn tướng, giữ chức tư lệnh phó Quân khu III. Năm sau, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh SĐ 21 BB, rồi thăng tư lệnh phó Quân đoàn IV, dưới quyền thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Dầu CSVN đã vào đến Sài Gòn, chuẩn tướng Lê Văn Hưng và thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam cố gắng lập mặt trận miền Tây chống CSVN, nhưng thất bại. Lê Văn Hưng dặn dò vợ con, từ biệt thuộc cấp, rồi vào văn phòng tự sát lúc 8G 45 phút tối 30-4-1975.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, nguyên quán làng An Cựu, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, sinh tại Đà Nẵng ngày 23-9-1927. Năm 1953, sau khi rời Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, ông gia nhập binh chủng Nhảy Dù tháng 10-1953.

Năm 1965, Nguyễn Khoa Nam thăng thiếu tá và giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 ND. Năm 1967, ông lên trung tá và được bổ nhiệm lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 ND. Cuối năm 1967, ông lên đại tá. Năm 1969, Nguyễn Khoa Nam được chuyển làm tư lệnh Sư đoàn 7 BB. Tháng 11 cùng năm, ông được thăng chuẩn tướng. Năm 1972 Nguyễn Khoa Nam thăng thiếu tướng. Tháng 11-1974, ông được cử giữ chức tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng IV Chiến thuật.

Khi Sài Gòn bị CSVN tràn ngập, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam cùng chuẩn tướng Lê Văn Hưng dự tính lập phòng tuyến chống cộng tại miền Tây, nhưng thất bại. Cuối cùng, trong lễ phục trắng của QĐVNCH, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát tại bộ chỉ huy lúc 7:30 sáng 1-5-1975.

Thiếu tướng Phạm Văn Phú sinh năm 1925, tại Hà Đông, tốt nghiệp khóa 6 Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt năm 1953 và gia nhập binh chủng Nhảy Dù. Trong trận Điện Biên Phủ, ngày 15-4-1954, trung úy Phạm Văn Phú được thăng đại úy tại mặt trận.

Sau trận Điện Biên Phủ, đại úy Phú bị VM cầm tù và được trao trả sau hiệp định Genève (20-7-1954). Đại úy Phú tiếp tục phục vụ trong QĐVNCH. Năm 1962, Phạm Văn Phú thăng thiếu tá, giữ chức Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quan sát 77 Lực lượng Đặc biệt. Năm 1964, ông thăng trung tá, giữ chức tham mưu trưởng LLĐB. Hai năm sau, ông thăng đại tá và chuyển qua là tư lệnh phó Sư đoàn 2 BB, rồi tư lệnh phó Sư đoàn 1 BB. Năm 1968, đại tá Phú được cử giữ chức tư lệnh Biệt khu 44 gồm các tỉnh biên giới Việt Miên. Năm sau ông được thăng chuẩn tướng. Năm 1970, ông trở về làm tư lệnh LLĐB, rồi làm tư lệnh SĐ 1 BB và thăng thiếu tướng năm 1971. Tháng 11-1974, thiếu tướng Phạm Văn Phú thay tướng Nguyễn Văn Toàn giữ chức tư lệnh Quân đoàn II Vùng II Chiến thuật.

Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ vào tháng 3-1975, ông được lệnh rút quân từ cao nguyên về đồng bằng. Cuộc lui quân bị thảm bại. Ngày 29-4-1975, thiếu tướng Phú uống thuốc độc quyên sinh và tuẫn tiết vào trưa hôm sau.

Chuẩn tướng Trần Văn Hai sinh năm 1929 tại Cần Thơ, tốt nghiệp khóa 7 Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt năm 1951, cấp bậc thiếu úy. Năm 1960, đại úy Trần Văn Hai được gởi tu nghiệp khóa Tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ. Năm 1963, ông được thăng thiếu tá, giữ chức chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ. Năm 1965, ông Hai lên trung tá và làm tỉnh trưởng Phú Yên.

Sau biến cố Tết Mậu Thân (1968), Trần Văn Hai lên đại tá và được cử giữ chức tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia thay thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. Năm 1970, Trần Văn Hai lên chuẩn tướng và được cử giữ tư lệnh Biệt khu 44, rồi năm sau, làm chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Động Quân. Năm 1972, Trần Văn Hai phụ trách tư lệnh phó hành quân của Quân đoàn II đặc trách biên phòng. Năm 1973, ông trở thành chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn kiêm chỉ huy trưởng Huấn khu Dục Mỹ Quân đoàn II. Năm 1974, ông thay thế thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, làm tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh.

Chiều ngày 30-4-1975, được lệnh của quyền tổng thống Dương Văn Minh, chuẩn tướng Trần Văn Hai cho binh sĩ trở về đời sống dân sự, ông vào phòng chỉ huy ở Mỹ Tho, uống độc dược quyên sinh lúc 5G.

Trên đây là tóm lược sự nghiệp của tổng thống Trần Văn Hương và sáu sĩ quan cao cấp đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975. Thật ra, trong suốt cuộc chiến vừa qua, không biết bao nhiêu người đã hy sinh vì lý tưởng tự do dân chủ. Ngay trong ngày 30-4-1975, rất nhiều người đã tuẫn tiết, từ hàng binh lên tới cấp tướng, mà càng ngày người ta càng phát hiện, như mới đây vụ ở Quy Nhơn, ở Huế...

Những vị nầy đã chọn cái chết, hoặc ở lại chịu đựng với đồng đội mà không ra đi khi CS tràn vào, dầu họ có điều kiện để ra đi. Ví dụ trường hợp tổng thống Trần Văn Hương. Trước khi Sài Gòn sụp đổ, ngày 28-4-1975, đại sứ Pháp cho người mời tổng thống Hương di tản. Tổng thống Hương trả lời: “Nếu trời hại, nước tôi mất, tôi xin thề là sẽ ở lại đây và mất theo nước mình.”

Sau đó, ngày 29-4-1975, đích thân đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, cùng một viên tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp, đến gặp và mời Trần Văn Hương ra đi. Hai bên nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ông Hương trả lời: “Thưa Ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông Đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cảm ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và dứt khoát ở lại với nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng Cộng sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ, nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau khổ tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước. Cảm ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.” Sau khi nghe Trần Văn Hương trả lời, trong đó có câu “Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó” (Les États Unis ont aussi leur part de responsabilité…), , đại sứ Martin nhìn trân trân vào ông Hương, rồi ra đi mà chẳng bắt tay nhau. (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tt. 352-355.).

Đó là tư cách và khẩu khí một tổng thống, một nhà lãnh đạo. Về phía các quân nhân, có lẽ nhiều người đã đọc những bài tường thuật về sự tuẫn tiết của các vị anh hùng nầy. Ở đây, xin nhắc lại những lời cuối cùng của đại tá Hồ Ngọc Cẩn.

Sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị bắt tại bộ chỉ huy tiểu khu Chương Thiện. Ngày14-8-1975, ông bị CS đưa đi xử tử tại Sân vận động Cần Thơ. Trước khi hành hình, quân CS hỏi ông có nhận tội không, thì đại tá Hồ Ngọc Cẩn trả lời như sau: “Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không hạ nhục các anh như ác anh bôi lọ tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Các anh không có ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phán xét các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, các anh cứ giết đi. Không cần phải bịt mắt.” Sau đó, đại tá Hồ Ngọc Cẩn hô lớn: “Đả đảo cộng sản! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!” (Theo lời kể của hai nhân chứng: cựu trung tá Bùi Văn Địch (Berlin, Đức) và bà Vũ Thị Quỳnh Chi (Marseille, Pháp). (đại tá)

Tưởng niệm những anh hùng đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975, cũng là cơ hội cho chúng ta ôn lại lịch sử những ngày tháng đen tối trên đất nước chúng ta. Chế độ chúng ta sụp đổ không phải vì lãnh đạo hay vì quân đội chúng ta bất lực hay bất tài như nhiều người đổ lỗi. Phải công bình mà thấy rõ rằng, sau khi người Mỹ và Đồng minh rút quân vào năm 1972, quân đội VNCH đơn độc chiến đấu chống CSVN rất hữu hiệu trong các năm 1972, 1973, 1974 nhờ lúc đó hỏa lực còn đầy đủ. Chỉ khi bị cắt viện trợ, thiếu đạn dược, quân đội VNCH mới bắt đầu lúng túng và thất thế.

Có thể nói chế độ chúng ta bị bức tử từ cả hai thế lực tư bản và CS. Ai cũng biết trong khi Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ, thì CSQT giúp đỡ tối đa cho Bắc Việt để Bắc Việt tấn công chúng ta.

Chúng ta nhìn lại quá khứ không phải để trách cứ quá khứ, hay để đổ tội cho ai, mà nhìn lại quá khứ để từ đó rút ra kinh nghiệm cho tương lai. Sau năm 1975, bản chất độc tài toàn trị, phản dân, bán nước của CSVN đã lộ quá rõ trước mắt toàn dân. Ai ai cũng thấy rõ điều nầy. Ngay cả những cán bộ CS cũng sáng mắt ra vì điều nầy. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã nói đúng: “Lịch sử sẽ phán xét các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy.”

Ngày nay, tuy chỉ mới hơn 35 năm, LỊCH SỬ ĐÃ PHÁN XÉT. Chân lý đứng về phía lý tưởng Quốc gia Dân tộc. Chân lý đứng về phía Tự do Dân chủ. Bởi vì không bao giờ dân tộc Việt Nam chấp nhận một chế độ phản quốc như chế độ CSVN hiện nay, cam tâm bán đứng đất đai, biển cả mà tiền nhân đã tốn bao nhiêu xương máu tạo dựng và bảo vệ. Trước tình hình hiện nay, xin mọi người hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, để cùng nhau tiếp tục cuộc tranh đấu cho tương lai.

Có người hỏi, thời còn binh hùng tướng mạnh mà chúng ta không thành công, bây giờ làm sao mà tranh đấu? Câu trả lời rất đơn giản: Có người nào muốn CS ngự trị mãi trên đầu trên cổ dân tộc Việt Nam hay không? Nếu không muốn, thì chúng ta phải tiếp tục tranh đấu. Dĩ nhiên cuộc tranh đấu ngày nay không phải bằng võ khí đạn dược, mà bằng văn hóa và chính trị, bằng dân chủ pháp trị. Cuộc tranh đấu bằng văn hóa và chính trị chắc chắn cũng cam go và lâu dài không kém bằng cuộc tranh đấu võ lực trong thời gian trước năm 1975. Có thể còn chậm chạp hơn là đàng khác. Chúng ta phải tiếp tục tranh đấu để làm ngắn bớt đời sống của CSVN, để làm giảm tuổi thọ của CSVN trên quê hương chúng ta. Chuông không gõ không kêu, đường không đi không đến. Đời chúng ta không thành công thì đời con cháu chúng ta sẽ thành công.

Xin tất cả hãy tiếp tay với những người trong nước, đòi hỏi xóa bỏ độc tài, đòi hỏi dân chủ, bởi vì dân chủ là con đường duy nhất để xây dựng tương lai đất nước. Chắc chắn lẽ phải sẽ tất thắng. Chắc chắn dân chủ sẽ tất thắng.

Trên bước đường tranh đấu cho tương lai dân chủ Việt Nam, các Hội Cựu Quân Nhân Hải ngoại giữ một vai trò rất quan trọng, không kém gì quân đội VNCH trước năm 1975. Xin hết lời ca ngợi các Hội CQN Hải ngoại đã giữ lửa trên 35 năm nay. Xin chúc các Hội CQN vững tin nơi chính mình, nơi lý tưởng của mình, đừng mệt mỏi vì đường dài hun hút, đừng chao đảo vì những tuyên truyền xuyên tạc của CSVN. Đồng ý rằng trong cuộc sống mới tại quê hương mới, mọi người đều cần có thời gian thư giản sau những ngày làm lụng mệt nhọc, nhưng bên cạnh những cuộc vui chơi thư giản, xin đừng quên mình là cựu quân nhân, đừng quên mình đã từng mang trên người 6 chữ vàng TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM.

Vâng, 6 chữ vàng TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM là tiếng gọi thiêng liêng cao cả, suốt đời hướng dẫn chúng ta đi tới mục đích cuối cùng, làm tròn nhiệm vụ với đất nước, với sự tin tưởng của quần chúng, với sự hy sinh anh dũng của tiền nhân, nhất là sự hy sinh của những người đã tuẫn tiết ngày 30-4-1975.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 29-1-2011)
.
.
.

MẬU THÂN 1968, ANH CÒN NHỚ hay ANH ĐÃ QUÊN ? (Huy Phương)

Huy Phuong January 31, 2011

Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, Phan Văn Tuấn là một thiếu niên ở tuổi 16, đang là học sinh lớp Đệ Tam, trường tư thục Nguyễn Du, Gia Hội Huế, nhà ở khu Chợ Xép, sát cửa Đông Ba. Rạng sáng ngày mồng hai Tết, anh cũng như toàn thể dân chúng thành phố Huế nghe nhiều tiếng nổ chát chúa liên hồi, tiếng đạn pháo kích vào thành phố và tiếng súng giao tranh càng lúc càng nhiều. Lúc đầu, họ chợt choàng tỉnh dậy, và tưởng như nghe tiếng pháo mừng xuân của ai đó chợt nổ giữa khuya, nhưng sau đó vài phút, trưởng thành trong chiến tranh, người dân đều biết rằng thành phố đang bị tấn công và những cuộc giao tranh đang xẩy ra, bây giờ đang ở ngay trong thành phố. Tất cả đều xuống hầm trú ẩn hoặc ẩn nấp sát dưới sàn nhà, được che chở bởi những chiếc giường hay những chiếc “phản ngựa” bằng gỗ, và lo lắng theo dõi động tĩnh, từ đó cho đến sáng với niềm lo âu, giữa tiếng súng lớn nhỏ khi dồn dập khi thưa thớt trải dài trong đêm tối, giữa một đêm Huế mùa Xuân khá lạnh. Việt Cộng phản bội lệnh hưu chiến để đem quân tấn công nhiều thành phố và thị trấn miền Nam.

Mộ chôn 300 nạn nhân vô danh bị thảm sát tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968

  
 Vào tờ mờ sáng, từng đoàn dân chúng từ phía ngoài hớt hải chạy vào thành nội theo ngõ cửa Đông Ba và loan tin Việt Cộng đã về thành phố, ít lâu sau những toán Việt Cộng khác đã hiện diện trong vùng của Phan Văn Tuấn. Việt Cộng có hai thành phần, theo trang bị, cán bộ với dép râu, nón cối, quần dài màu olive, áo sơ mi trắng, đeo xắc cột và mang K.54., đứng tuổi, binh lính Việt Cộng với đầu trần hay nón tai bèo, dép râu, hầu hết mặc quần ngắn, áo đủ loại, mang ba lô, trang bị AK 47, lựu đạn, bộc phá. Ngay trưa mồng hai Tết, Phan Văn Tuấn chạy theo đám trẻ, chứng kiến cảnh xử bắn năm người dân tại ngay cửa Đông Ba, nạn nhân bị trói tay, đứng dựa lưng vào vách thành. Trong số thường dân này, có người đang mặc áo quần ngủ, có người còn đi chân đất, Phan Văn Tuấn chỉ nhận ra một người quen, đó là một viên chức cảnh sát trong thành phố đã về hưu. Chỉ huy toán võ trang và ban lệnh hành quyết năm người dân này là ông thầy dạy Việt Văn trước đây tại trường Nguyễn Du của Phan Văn Tuấn: Tôn Thất Dương Tiềm. Năm người bị bắn phơi xác giữa trời nắng, đầy kiến, ruồi và mãi mấy hôm sau gia đình mới lén lút mang về chôn cất. 

Ba ngày sau, khi phi cơ của VNCH và Đồng Minh bắt đầu can thiệp bắn vào các mục tiêu của Cộng Sản, thì gia đình Phan Văn Tuấn quyết định chạy về phía đồn Mang Cá tức là bộ Tư Lệnh SĐ1BB. Họ tránh đi theo các con đường lớn và đi băng qua những khu vườn nhà dân, nhưng đến giữa đường thì bị Việt Cộng chặn lại, Phan Văn Tuấn  bị tách khỏi gia đình và bị bắt dẫn đi cùng với một toán thiếu niên khác khoảng 10 người trở lại vùng chiếm đóng của Việt Cộng tại chùa Diệu Đế, Gia Hội. Toán thiếu niên này, dưới sự canh gác cẩn mật của những tên lính Việt Cộng, tuổi cũng còn rất nhỏ, được dùng trong việc khiêng vác những nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm , mì gói từ các hiệu buôn trong thành phố về bộ chỉ huy. Năm ngày sau, toán dân công thiếu niên của Phan Văn Tuấn, vào mỗi đêm, được lệnh mang cuốc đi đào những giao thông hào trong vùng Gia Hội. Toán thiếu niên này đứng theo chiều dọc, đào những chiếc hố bề ngang khoảng hai thước, bề sâu một thước.

Thoạt đầu Phan Văn Tuấn nghĩ đây chỉ là những công sự cho bộ đội Việt Cộng tránh bom đạn trong thời gian VNCH bắt đầu phản công chiếm lại Huế, nhưng đến đêm giữa ánh đèn chập chờn, Việt Cộng bắt đầu dẫn ở đâu về từng toán người, cũng như năm người bị giết trong những ngày đầu tại cửa Đông Ba, đều mặc thường phục, có người mang dép, có người đi chân đất. Tất cả đều bị trói tay quặt ra sau lưng và được cột nối liền với nhau như những xâu người bằng những sợi giây điện thoại, giây kẽm hay lạt tre. Phan Văn Tuấn bắt đầu kinh hoàng khi thấy bọn lính Việt Cộng, giọng miền Bắc, ra lệnh cho hàng người đứng sát và xoay lưng về phía giao thông hào. Một tên cán bộ bắt đầu đọc bản án tử hình, đại khái cho rằng những người này là “phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân”. Sau một cái khoát tay, một tràng AK chát chúa nổ, nhưng Việt Cộng chỉ nhắm bắn vào người đứng ở đầu hàng, trước sức mạnh của loạt đạn bắn gần, ông già bị hất ngữa ra, chới với trong mấy giây và lăn xuống hố. Sức nặng kéo theo người bên cạnh, người tiếp theo cũng đổ nhào, và cứ như thế kéo theo những người khác, tất cả đều ngã xuống giao thông hào. Giữa tiếng la khóc, van xin, não lòng vang cả một góc trời, bọn Việt Cộng bắt đầu thúc giục đám dân công của Phan Văn Tuấn: “Nấp, nấp nhanh lên, nhanh lên! Địt mẹ, nhanh lên!” Tiếng báng súng AK dọng vào vai, vào đầu, khi toán đào hố ngần ngừ, chậm tay. Phan Văn Tuấn sững sờ, một lưỡi lê đâm sát vào sườn, máu chảy đầm vạt áo. “Nấp đi mày”. Tiếng khóc la, những cái đầu muốn ngẩng cao hơn, những cái miệng đầy đất cát, nhưng đôi mắt trợn trừng, tức giận, tuyệt vọng, u uất. Những cú nện vào đầu nạn nhân đang vùng vẫy dưới hố, những tiếng chửi rủa tục tằn, thêm một tràng AK tiếp theo. “Nấp nhanh lên”. Tiếng ồn ào, kêu gào than khóc. Rồi tất cả trở lại im lặng như địa ngục. Hố sâu đã trở thành mặt bằng, nhưng đất còn cựa quậy, có nơi  bỗng sụp xuống. Những người dân Huế dưới hầm mộ kia chưa chết hẳn, trừ ông già xếp hàng đầu, may mắn hưởng tràng AK đầu tiên. 

Những lần sau, có lúc sợ ánh sáng từ họng súng khai hỏa sẽ bị phi cơ trinh sát phát giác, không cần dùng đến một viên đạn, tên lính Việt Cộng chỉ cần trở cán cuốc lại, đánh thẳng vào đầu nạn nhân đứng đầu hàng, người này ngã ngửa ra đằng sau, cứ tuần tự như thế, bị chôn sống từng hố từng hố một. Dưới áp lực của lưỡi lê, báng súng và sự canh gác cẩn mật, Phan Văn Tuấn và bạn bè đã trải qua những giây phút kinh hoàng, đào hố, lấp đất chôn đồng bào ruột thịt của mình 

Đó là nỗi đau đớn mà  Phan Văn Tuấn phải chịu đựng, mục kích trong hơn chục lần trên mười hố chôn sống người như thế trong vùng đất quê hương hiền lành của Tuấn. Cuối cùng, Phan Văn Tuấn và hai người bạn đồng lứa khác đã trốn thoát được, chạy về phía phòng tuyến quốc gia, ôm chặt lấy người lính đầu tiên mà khóc nức nở. Sau khi quân đội VNCH chiếm lại Huế, Phan Văn Tuấn và hai người bạn đã đi tìm lại những giao thông hào chôn người cho chính quyền địa phương cải táng. Tất cả những người khác trong toán  “dân công” cùng với Phan Văn Tuấn đều đã bị bị Việt Cộng thủ tiêu trước khi rút ra khỏi thành phố. 

Phan Văn Tuấn lớn lên, vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và trở thành  một sĩ quan Pháo Binh, năm 1975, bị tập trung trong trại Cộng Sản và cuối cùng vượt biển sang Úc. Nhưng từ những ngày xẩy ra vụ thảm sát Mậu Thân, anh không bao giờ muốn trở lại Huế, quê hương của mình, không muốn nhìn lại cảnh Huế, nghe tiếng Huế, thưởng thức một dòng nhạc Huế với nỗi ám ảnh và mặc cảm khôn nguôi. Có ai lại ghê sợ chính với quê hương mình. Phan Văn Tuấn giấu cả với vợ con của anh những gì đã xẩy ra tại vùng Gia Hội trong những ngày tết Mậu Thân tại Huế. Anh muốn quên đi nhưng cơn ác mộng vẫn vò xé tâm hồn anh qua nhiều năm tháng, anh nhớ lại những cái đầu cọ quậy, những cái miệng đầy đất cát, những đôi mắt trợn trừng, van xin hay tuyệt vọng của đồng bào anh. 

Năm ngoái, nhân dịp nhớ lại vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế, sau gần 40 năm im lặng, Phan Văn Tuấn đã dành cho nhà văn Nam Dao trong chương trình phát thanh “Tiếng Dân Tôi” ở Adelaide, Úc một cuộc phỏng vấn mà qua đó, không những Phan Văn Tuấn đã xúc động vì hồi tưởng, khóc nức nở, mà chính người phỏng vấn cũng nghẹn ngào khóc theo. Nhắc lại vụ chôn người ở Huế, Phan Văn Tuấn như bị đưa vào một trạng thái mê sảng, điên cuồng, đau đớn như đang ở trong chính cơn ác mộng. Anh hứa rằng anh sẽ không bao giờ nhắc lại câu chuyện này một lần nữa với bất cứ ai, vì không chịu đựng nỗi đau đớn, dày vò đang hành hạ tâm hồn anh khi phải vận dụng trí não để hồi tưởng những câu chuyện cũ. 

Không, anh Phan Văn Tuấn ơi, anh phải can đảm để sống và nhớ lại những gì anh đã trải qua, không phải riêng để cho những bà con xứ Huế, cho đồng bào mình, mà cả nhân loại cần có những nhân chứng như anh, để nói lên sự độc ác của con người, trong đó có sự độc ác từ bản chất, không thể tha thứ được của những con người Cộng Sản, mà ngày nay chế độ này đang còn ngự trị, làm tình làm tội  cả dân tộc của chúng ta. Những con người này không còn lương tri, sống trong dối trá, nên Huế ngày nay mới có những con đường tủi nhục mang tên Mậu Thân, 68, để chúng cười cợt như lũ quỷ đói trên những linh hồn oan khuất của hàng nghìn đồng bào Huế vô tội của chúng ta. 
Xin đừng bao giờ quên vụ thảm sát Mậu Thân! 

Huy Phương
.
.
.

TẠI SAO PHẢI THAY ĐỔI ĐƯỜNG LỐI TRANH ĐẤU? (Đinh Lâm Thanh)

Đinh Lâm Thanh
31 Janvier 2011

Nhiều người, trong đó có những vị trí thức cũng như các bạn trẻ thường nói với tôi rằng cuộc tranh đấu chống cộng sản của người Việt Quốc Gia Hải Ngoại đã trên 36 năm nhưng vẫn chưa đi đến đâu ! Chúng ta cần xét lại và phải thay đổi đường lối tranh đấu cho thích hợp với tình thế hiện tại. Trước lời khuyên nầy, thật tình tôi cũng ghi nhận và để tâm suy nghĩ về những gì tôi đã làm trong thời gian qua. Và ngày hôm nay, nhân tiện đọc bài "Xuân Hòa Giải Dân Tộc" phổ biến ở trên net, tôi xin mượn bài viết nầy để bày tỏ thiển ý của một người tranh đấu chống cộng, không ngoài mục đích trả lời những người đã trực tiếp nói chuyện với tôi cũng như với tác giả bài  kêu gọi hãy từ bỏ quá khứ và bắt tay hòa giải với cộng sản trên các diễn đàn.

Để đi vào vấn đề, xin tóm tắt thành 3 điểm chính mà nhiều người đã đặt ra với tôi :

1. Trước đây, tranh đấu chống cộng sản xem như có lý tưởng nhưng bây giờ thì đã lỗi thời ! Vì một khi Tàu cộng xâm chiếm Việt Nam thì cộng đồng người Việt Quốc Gia phải bắt tay với cộng sản để chống lại ngoại xâm.

2. Bây giờ không còn là thời điểm tranh đấu quyết liệt nhằm giải thể hay xóa bỏ đảng cộng sản, mà phải xem cộng sản là một thành phần của dân tộc. Cần phải mở một lối thoát bằng cách hòa giải hòa hợp để hàn gắn những đau thương giữa người quốc gia với cộng sản.

3. Cộng đồng người Việt Quốc Gia đã làm được gì sau trên 36 năm chống cộng sản bằng mồm và tranh đấu một cách "quá khích" ? Chính hình thức chống cộng nầy đã làm cho giới trí thức cũng như thành phần trẻ hải ngoại chán nản và xa lánh !

Qua các lời khuyên trên tôi hình dung được những người đã liên hệ với tôi thuộc thành phần nào và họ đang làm gì để cổ võ cho âm mưu hòa giải hòa hợp. Mục đính của nhóm người nầy là chữa cháy và chạy tội cho Hà Nội đồng thời cứu nguy cho tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản đang lún dần xuống vực thẳm.

Xin trả lời từng điểm một :

1.
Viện cớ Tàu cộng xâm chiếm Việt Nam để kêu gọi bắt tay với đảng cộng sản Việt Nam chống Tàu là hình thức tuyên truyền không công cho cộng sản. Thật vậy, mới nghe qua thật chí tình chí lý, vì một khi giặc đến nhà thì tất cả mọi người phải gác qua một bên những bất đồng chính kiến để cùng chung sức chống kẻ thù. Nhưng nghĩ lại thì đúng là một nghịch lý, nhất là khi đế cập đến tình trạng đất nước hiện nay. Lý do thật đơn giản, trước tiên phải hiểu tại sao Tàu Cộng vào xâm chiếm Việt Nam một cách quá dễ dàng qua âm mưu nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á. Có phải do cộng sản Hà Nội vừa nhượng, vừa bán, vừa dâng từ đất đến biển cho quan thầy của chúng. Thì tại sao người Việt Quốc Gia không hỏi tội bọn bán nước rước voi về giày xéo quê hương mà phải bắt tay với chúng để chống Tàu ? Thằng ăn trộm trong nhà đập vách, lấy gạch, bán trâu, bưng đồ đạc trong nhà đen dâng, đem bán cho người ngoài thì phải nọc thằng ăn trộm nhà ra mà đánh mới phải. Lý do nào không đá động đến thằng ăn trộm nhà mà ra đường gào lên chửi bới người được dâng biếu hay kẻ bỏ tiền ra mua đồ trộm, rồi kêu gọi mọi người hợp tác biểu tình chống người thụ hưởng ! Đồng ý rằng việc chống Tàu cộng, kẻ thù tryuền kiếp của dân tộc Việt Nam, là cần thiết và cấp bách. Nhưng không thể mù quáng nghe lời những tên cò mồi tại hải ngoại để rồi người Việt Quốc Gia cong lưng đi đỡ đạn cho tập đoàn cộng sản. Lá bài hợp tác với cộng sản để chống Tàu là một âm mưu ấu trĩ của cộng sản mà chỉ có những người vô ý thức hay bọn cò mồi đón gió cũng như nằm vùng tung ra và cổ võ rầm rộ trong thời gian qua.

Tàu cộng càng ngày càng xâm lấn vào nội bộ Việt nam qua nhiều mặt, không những việc chiếm cứ lãnh hải, lãnh thổ, khai thác bauxite mà còn rất nhiều phương diện khác… từ chính trị, quân sự, văn hoá, thương mãi và nhất là gây giống. Chừng vài tháng hoặc một năm nữa những đứa con hai dòng máu Tàu-Việt sẽ chào đời ào ạt và một ngày rất gần đây chúng sẽ lan tràn từ ải Nam Quan đến đến mũi Cà Mau. Lúc đó thì việc đồng hóa dân tộc Việt Nam sẽ xem như đã xong một đoạn đường dài.

Một điều cần phải ghi nhớ nằm lòng : Ngày nào đảng cộng sản còn trên đất nước Việt Nam thì ngày đó Tàu cộng vẫn là quan thầy và xem Việt Nam như một chư hầu hay chỉ là một tỉnh nhỏ. Như vậy, qua lời kêu gọi hợp tác với cộng sản Việt Nam để chống Tàu có nghĩa là đám cò mồi đang hướng dẫn người Việt Quốc Gia hãy duy trì sự sống còn đảng cộng sản Việt Nam để cho Tàu dễ dàng đô hộ. Đây là một âm mưu mà thành phần cò mồi đã lập lờ đi khi chúng đề cập đến việc chống Tàu.

Chúng ta cần sáng suốt để ghi nhận : Tàu cộng không thấy khó chịu cũng như quan tâm khi chúng ta chống chúng nó. Nhưng bí ẩn bên trong là làm thế nào để người Việt Quốc Gia hải ngoại không được đụng đến đảng cộng sản Việt Nam ! Đây là điểm then chốt. Vì Tàu cộng biết rằng chúng ta hô hào chống chúng nó thì cũng như nước đổ lá môn. Nhưng một khi chế độ Hà Nội bị giải thể, nước Việt Nam sau nầy đi theo con đường không cộng sản thì Tàu cộng sẽ hỏng chân, đồng thời chắc chắn bị chận đứng con đường xâm lăng và âm mưu thanh toán luôn cả vùng Đông Nam Á. VẬY CHỈ HÔ HÀO CHỐNG TÀU CỘNG MÀ KHÔNG ĐÃ ĐỘNG GÌ ĐẾN VIỆC CHỐNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÀ ĐI VÀO ÂM MƯU CỦA BỌN GIẶC TÀU. Nếu còn nghe theo việc cổ võ bắt tay hòa giải hòa hợp với cộng sản nữa thì đúng là chúng ta đã đem nước Việt Nam dâng hai tay cho bọn Tàu cộng. Chính hành động nầy là hình thức giúp cho Tàu cộng duy trì và biến mảnh đất thân yêu của chúng ta trở thành một tỉnh nhỏ của kẻ thù truyền kiếp. Hãy nghĩ lại hỡi những ông trí thức cò mồi mất gốc, những ông bà đối lập cuội VT và những anh chị em trẻ ăn phải bã của cộng sản !

2.
Kết quả đại hội đảng vừa qua cộng sản đã tuyên bố thẳng thừng là không đa nguyên đa đảng, mà chỉ có độc nhất một đảng cộng sản mà thôi. Vậy người Việt Quốc Gia hải ngoại nghĩ gì về các cò mồi chính trị hay nằm vùng cứ gào ngày gào đêm đa nguyên đa đảng và hòa giải hòa hợp với cộng sản ? Nhiều nhân vật lịch sử, kể cả các tay trùm cộng sản đã nói "Cộng sản không thể thay đổi mà phải thay thế". Nhưng tại sao một số trí thức cũng như thành phần trẻ hải ngoại lại lên tiếng phải xét lại đường lối tranh đấu và bắt tay với cộng sản để xây dựng đất nước ? Không kể thành phần trí thức đỏ, mà trong đó gồm một số trí thức du học từ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Họ là những người nhờ ân huệ của các chính phủ Miền Nam trước, ra nước ngoài du học để mai sau về giúp nước. Chúng tôi là những người ở lại buộc phải bỏ đời sống dân sự, bỏ lỡ công danh nữa chừng để cầm súng chiến đấu bảo vệ cha mẹ và tài sản gia đình họ. Chúng tôi vui lòng hy sinh xương máu và tính mạng để những người được chế độ, thế lực và tiền bạc ưu đãi được yên tâm ra nước ngoài học cái hay cái tốt xứ người. Nhưng không ngờ, vừa ra đến hải ngoại thì đã làm tay sai cho cộng sản Hà Nội, đắc lực phá nát chế độ tự do tại quê nhà trong đó có gia đình dòng họ của thành phần du học. Tưởng rằng những người trí thức tương lai nầy lầm lẫn lúc đầu, nhưng không ngờ đến ngày nay họ vẫn còn chạy theo chiếc bánh vẽ của cộng sản. Đến giờ nầy, nếu nói rằng họ là thành phần trốn quân dịch ngày trước thì cũng còn nhẹ hơn những danh từ khác mà người Việt Quốc Gia hải ngoại có thể gán cho họ.

Đến giờ phút nầy những ai còn ca bài hòa giải hòa hợp với cộng sản thì thật là người không có mắt. Có thể ví dụ để cho những người đui dễ hiểu : Cộng sản xem như là một loại vi trùng vô cùng độc hại. 56 năm qua chúng ta đã diệt trừ chúng bằng những viên trụ sinh cực mạnh. Ngay nay đã thấy hiệu quả vì những con vi trùng gian manh cứng đầu đó đang từ từ đi vào cõi chết. Tại sao lại hô hào đổi bằng các loại thuốc bổ để chúng bình phục trở lại. Quan niệm của tôi, Việt Nam muốn đạt đến tự do dân chủ dân quyền và no ấm hạnh phúc cho người dân thì chế độ  cộng sản thì PHẢI BỊ THAY THẾ hay PHẢI BỊ TRIỆT TIEU chứ không thể vực chúng nó dậy để bắt hoà giải hay van lơn cộng sản chấp nhận đa nguyên đa đảng… Tranh đấu là một mất một còn, không thể quỳ lạy van xin như chủ trương của con rối cò mồi Nguyễn Tiến Trung quỳ dưới bệ rồng đỏ để van xin một chút ân huệ cho tự do dân chủ.

Ngoài ra cần biết thêm một điều nữa : Kết quả của đại hội đảng cộng sản vừa rồi đúng là một hình thức thay phiên nhau để cai trị và chúng bắt đầu đưa con cháu là những tên ăn hại đái nát xã hội Việt Nam vào trung ương bộ chính trị nhằm tiếp tục con đường sắt máu của chúng. Ngoài ra đại hội cộng sản đã khẳng định Không Đa Nguyên Đa Đảng mà vẫn tiếp tục con đường cộng sản độc nhất để cai trị thì đúng là một cái tát vào mặt những tên cò mồi cứ kêu réo đa nguyên đa đảng, hòa giải hoà hợp … Hãy mở mắt ra những ông trí thức "đang mê ngủ" những bà "chống bạo động" và những bạn trẻ "đòi thay đổi" !!!

3.
Vấn đề "chống cộng bằng mồm" thì Luật Sư Lê Duy San đã viết một bài thật hay. Đây là câu trả lời thật thấm thía cho thành phần lếu láo và bôi bác người Việt Quốc Gia hải ngoại. Trong phần thứ 3 nầy, tôi xin trả lời về vấn đế chống cộng quá khích và bất bạo động của một số người như đã nói ở trên.

Cả thế giới vừa chứng kiến ngọn lửa bạo động từ Tunisie đã hạ bệ tên tổng thống độc tài một cách quá dễ dàng và tổn thất xương máu không đáng quan tâm. Kết quả đem lại chiến thắng vẻ vang cho riêng dân Tunisie đồng thời chứng minh cho thế giới việc vùng dậy của người dân trong một nước, dù ở dưới chế độ nào, là một sức mạnh phi thường không một thế lực nào có thể ngăn cản. Sự vùng dậy của người dân Tunisie qua hình thức bạo động đã gây thành một giây chuyền lan từ Bắc Phi qua Trung Đông và sẽ tiếp tục ở Âu và Á Châu. Hà Nội đã thấy hiểm họa nầy trước sau gì cũng sẽ xảy ra cho tập đoàn cộng sản cầm quyền nên chúng đã chỉ thị cho thành phần nằm vùng, hòa giải hòa hợp phải ra mặt lên tiếng vừa bào chữa vừa đánh trống lảng, hầu xoa dịu và chuyển hướng tranh đấu của các phong trào trong nước cũng như hải ngoại nên đi theo con đường ru ngủ cố hữu của chúng. Trong 36 năm nay cũng vì tranh đấu bất bạo động mà mầm mống cộng sản càng ngày càng mạnh. Trong quá khứ chúng ta đã vuột mất nhiều cơ hội, chẳng qua là vì chúng ta sợ sệt, trùm chăn để xin hai chữ bình an. Xin  nhớ rằng không có một cuộc tranh đấu nào, không có một cuộc cách mạng nào không mà đổ máu, không có chết chóc… Muốn thay đổi một chế độ, nhất là một chế độ sắt máu, ù lì như cộng sản thì không thể chờ phép lạ, chờ Mỹ, chờ Âu-Châu can thiệp hoặc…nằm ngữa há miệng ra để đợi trái chín rơi vào cổ họng. Tranh đấu là phải dấn thân, phải đổ mồ hôi, đổ nước mắt và đổ máu thì may ra mới đánh thức được khối đa số quần chúng đang sợ sệt cũng như các nhà dân chủ salon, các nhà trí thức mê ngủ, các nhà tranh đấu trùm chăn ! Chủ trương "bất bạo động" là chủ trương của VT, là một đảng với cái vỏ bên ngoài chống cộng, đóng vai đối lập cuội. Những người lãnh đạo đảng VT đã đi đêm hợp tác để mưu đồ chia cái bánh vẽ cầm quyền với cộng sản trong tương lai. Đảng nầy cũng là con cờ của Mỹ mà Mỹ sẽ xử dụng với hai mục đích : Một là dùng đảng VT làm áp lực răn đe cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn chống cộng trên một vài điểm nào đó. Hai là xử dụng đảng VT làm thành phần hòa giải trong giải pháp chính trị với cộng sản Việt Nam một khi thời cơ chín mùi. Như vậy chúng ta đã thấy, trong quá khứ Mỹ vì quyền lợi, họ đã xử sự một cách "đểu cáng" với một đồng minh ưu tú, là tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á. Nay Mỹ lại âm thầm "nuôi" VT trong chương trình thương thuyết với một vài giải pháp với Hà Nội, nếu "lợi thì ăn không lợi thì chạy làng" trong danh dự. Nếu vậy thì thật là một đại họa cho Dân Tộc và Đất Nước Việt Nam !

Từ lâu tôi đã khẳng định một điều rằng chế độ cộng sản sẽ bị giải thể tại nội địa và bằng con đường độc nhất do sức mạnh của người dân trong nước. Nay với những luồng gió bạo động ảnh hưởng từ những nước bị áp bức thì chế độ cộng sản cũng phải lãnh lấy những hậu quả tương tương tự. Cả dân tộc đang chờ một cuộc tự thiêu giống như hành động của người thanh niên Tunisie (hy vọng chuyên viên đạo diễn tuồng tự thiêu dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa tái xuất hiện biểu diễn vài màn để tạo khí thế !). Đây chính là ngòi nổ, là phát súng lệnh cho toàn dân đứng dậy. Đến thời kỳ chín mùi, cuộc tranh đấu chống cộng sản phải xảy ra và sẽ thành công. Chỉ cần vài giọt máu, một xác người thì trang sử sẽ lật qua.

Điều tối cần thiết là thanh niên phải can đảm đừng sợ, trí thức trùm mền phải tỉnh giấc, các nhà dân chủ sẵn sàng ra khỏi "salon" và giáo hội không còn cấm cản con chiên xuống đường. Cộng sản có thể đàn áp một người, mười người, trăm người … nhưng chúng không thể ra tay sát hại khi hàng vạn hàng triệu người dân xuống đường đồng loạt. Tôi đoan chắc luồng gió bạo động từ Bắc Phi và Trung Đông sẽ thổi đến Việt Nam trong nay mai và cuộc chiến lật đổ đảng cầm quyền cộng sản cũng xảy ra và sẽ hoàn tất tốt đẹp trong một vài ngày gần đây mà thôi.

Đinh Lâm Thanh

31 Janvier 2011

.
.

ÚC : THÀNH PHỐ BANKSTOWN ĐỔI TÊN KHU OLD TOWN PLAZA THÀNH SAIGON PLACE

Tin và hình: Nguyễn Vi Túy từ Sydney
Jan 31st, 2011

Vào sáng Thứ Bảy 29 tháng 1 năm 2011, trong dịp mừng Tết Nguyên Đán với Cộng đồng người Việt, nữ Thị trưởng thành phố Bankstown, bà Tania Mihailuk đã chính thức công bố và xác nhận: “Kể từ nay, khu thương mại Old Town Plaza sẽ được đặt tên và gọi là “Saigon Place”. Lời phát biểu của bà Tania Mihailuk đã nhận được những tràng pháo tay ủng hộ của hàng ngàn người đến tham dự buổi Hội Chợ Tết.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW trong phần đáp từ đã nói: “Cộng Đồng Người Việt tại NSW và cả Úc châu, rất vui mừng trước việc Hội Đồng Thành Phố Bankstown đặt tên cho khu thương mãi này là “Saigon Place”. Việc đặt tên này là sự ghi nhận những đóng góp trong quá trình định cư của người Việt tị nạn vào lịch sử của thành phố”.

Ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: “Quả là một biến cố lịch sử!” Vì đây là lần đầu tiên trên nước Úc xảy ra một việc như vậy. Ông Thanh còn nói thêm: “Sài Gòn là tên của thủ đô và là một biểu tượng tinh thần của người Việt tị nạn. Chính vì thế, việc đặt tên cho khu thương mãi này là Saigon Place sẽ là cơ hội tốt nhất để giới thiệu thành phố Bankstown đến toàn thế giới”.

Bankstown là nơi có đông người Việt sinh sống (đứng hàng thứ nhì sau Cabramatta) và các dịch vụ làm ăn, buôn bán ngày càng phát triển. Trong những năm gần đây, nhiều khu thương xá do người Việt làm chủ được xây dựng, đã biến đổi khu vực này thành một thủ phủ có màu sắc văn hóa riêng biệt. Chính vì thế Hội đồng Thành phố Bankstown đã có một quyết định, được đa số Nghị viên tán thành, và các thương gia trong vùng ủng hộ.

Quyết định trên chỉ là bước khởi đầu cho những công trình khác, nhằm biến khu trung tâm thương mãi của người Việt ở Bankstown trở thành một quần thể giống như các khu China Town của người Hoa ở Úc. Trong những ngày sắp tới, Cộng đồng NVTD tại NSW sẽ còn phải dồn nỗ lực để hoàn thành “cổng chào” dẫn vào khu “Saigon Place”, và “Tượng đài Thuyền Nhân” đã được Hội đồng Thành phố Bankstown chấp thuận.

Nói về dự án Cổng Chào của khu Saigon Place, ông Thanh nói: “Có lẽ mô hình cổng của Lăng Ông Bà Chiểu, sẽ là một lựa chọn thích hợp”, bởi nhiều người Việt trong vùng không muốn nó giống như chiếc cổng đã được xây dựng tại thành phố Cabramatta. Ông Nguyễn Ngọc Phách, một thương gia trong vùng cũng phấn khởi: “Nếu khu này được mở thêm giờ, thu hút thêm du khách, chắc chắn nó sẽ sầm uất hơn nhiều”.

Trước đó, Hội Đồng Thành Phố Bankstown đã đưa ra 3 vị trí để Cộng Đồng chọn, nhằm thiết lập “Tượng đài Thuyền Nhân”, và BCH Cộng Đồng đã chọn miếng đất ở gần trạm xe lửa Bankstown nơi có đông người qua lại. Ông Thanh, Chủ tịch CĐNVTD tại NSW cho biết: “Bà Thị trưởng đã hứa là sẽ trợ giúp công trình này trên căn bản, mỗi bên chịu một nửa. Có nghĩa là, nếu Cộng Đồng bỏ ra 1 đồng, thì họ sẽ bỏ thêm 1 đồng”. Sự lựa trọn vị trí để xây dựng “Tượng đài Thuyền Nhân” này, nay đã tỏ ra thích hợp, bởi nó được “gói trọn” trong “Saigon Place”, nơi có cả Cổng Chào lẫn bảng tên đường được ghi trên các bản đồ cũng như các tài liệu hướng dẫn dành cho du khách.

Bác sĩ Liêu Vĩnh Bình, Chủ tịch Hội Thương Gia, kiêm Chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại Sydney, người vừa tổ chức thành công bữa tiệc gây quỹ giúp các nạn nhân bão lụt ở Queensland (với số tiền thu được lên tới trên 100 ngàn Úc kim) tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hợp tác với BCH Cộng Đồng NVTD tại NSW, trong bất cứ công tác nào, nhằm đưa “Saigon Place” trở thành một địa điểm tốt đẹp về mọi mặt”. Ông Nguyễn Văn Thuất, Hội Trưởng Hội Hướng Đạo tại NSW, người từng đảm nhận tổ chức Tết Nhi Đồng cho vùng Bankstown cũng đồng quan điểm khi nói: “Trên thế giới này, ở California có “Little Saigon”, và nay Úc châu có “Saigon Place”. Đây là niềm hãnh diện, và chúng ta hãy góp phần quảng bá tên gọi này đến mọi người”.

Cần biết, Hội Chợ Tết chính thức của Cộng Đồng Người Việt tại Sydney sẽ diễn ra vào 3 ngày cuối tuần này (4, 5 và 6 tháng 2) tại Fairfield Showground. Dự kiến sẽ có khoảng từ 50 đến 60 ngàn lượt người đến tham dự Hội Chợ này. Lần đầu tiên, hai ca sĩ của Trung tâm Asia là Nguyên Khang và Y Phương cũng sẽ có mặt để hát mừng xuân, và yếu tố này cũng sẽ thu hút được thêm nhiều người nữa đến thưởng thức các đêm ca nhạc miễn phí do Cộng đồng tổ chức.
--------------------

Chú thích hình: http://nguoivietboston.com/wp-content/uploads/2011/01/P1010064-225x300.jpg
(H1) Ông Nguyễn Văn Thuất, Ông Nguyễn Văn Thanh, Thị trưởng Tania Mihailuk, bà Kim Nguyễn và Bs Liêu Vĩnh Bình đứng dưới cờ được in tên “Saigon Place” do Hội Đồng Thành Phố Bankstown thực hiện, trong ngày công bố.
(H2) Bà Thị trưởng Tania Mihailuk chỉ cho nhà báo Nguyễn Vi Tuý thấy dòng chữ “Saigon Place” được in trên cờ treo khắp khu thương mãi của người Việt tại Bankstown.
(H3) Quang cảnh buổi lễ công bố quyết định đổi tên khu Old Town Plaza thành Saigon Place, tại Sydney.
(H4) Người Việt tại Bankstown ăn Tết sớm, vì Hội Chợ Tết chính thức của Cộng Đồng sẽ được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần này (4, 5 và 6 tháng 2) tại Fairfield Showground.
.
.
.

CHIẾN DỊCH CỨU CỒN DẦU BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN 4 (BPSOS)

Mạch Sống
Sunday, January 30 @ 01:26:23 EST

Phát động cuối tháng 7 năm ngoái, chiến dịch Cứu Cồn Dầu đã chuyển qua 3 giai đoạn: thông tin, quốc tế vận, và đòi công lý. Chiến dịch đã bắt đầu giai đoạn 4, là giai đoạn đòi hỏi chính quyền Việt Nam tôn trọng các nguyên tắc quốc tế.

Qua chính sách tịch thu đất và trong cuộc đàn áp vừa qua, chính quyền Đà Nẵng đã vi phạm ba nguyên tắc quốc tế căn bản có tính cách ràng buộc đối với chính quyền trung ương: tịch thu tài sản của công dân nước ngoài, vi phạm quyền lợi của công dân nước ngoài, và sử dụng các hình thức tra tấn.

Chính quyền trung ương Việt Nam đang vận động để được hưởng quy chế Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát (Generalized System of Preferences, hoăc GSP). Nếu được hưởng quy chế này, Việt Nam sẽ không phải đóng thuế nhập cảng trên một số mặt hàng đưa vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một trong những điều kiện căn bản để được hưởng quy chế này là không được tịch thu tài sản của công dân hay công ty Hoa Kỳ mà không qua một thể thức công bằng và minh bạch. Có những công dân Hoa Kỳ hiện có quyền sử dụng đất và sở hữu bất động sản ở Cồn Dầu, trong khu vực mà chính quyền Đà Nẵng muốn giải toả trắng. Chúng tôi đã báo động cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhiều dân biểu Hoa Kỳ, và Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ sự vi phạm điều kiện căn bản này để được hưởng quy chế GSP.

Chính quyền Đà Nẵng ra lệnh cho giáo dân Cồn Dầu phải bốc mộ ông bà, tổ tiên và thân nhân ra khỏi khu nghĩa trang của xứ đạo. Chính quyền Đà Nẵng quên rằng việc bốc mộ phải được sự đồng ý của những người Cồn Dầu hiện định cư ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác vì đó cũng là mộ ông bà, tổ tiên và thân nhân của họ. Đây là vấn đề giữa quốc gia với quốc gia nên chính quyền trung ương Việt Nam cần ngồi xuống để thương thảo và điều đình với đại diện của những công dân ngoại quốc bị vi phạm quyền lợi. Nhiều người Cồn Dầu đang sinh sống ở Hoa Kỳ đã lên tiếng với các vị dân cử liên bang đại diện cho họ để yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm trung gian cho cuộc thương thảo ấy. Chúng tôi cũng đã nêu vấn đề này trực tiếp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Điều vi phạm thứ ba là việc công an đã sử dụng các biện pháp tra tấn đối với trên 60 giáo dân Cồn Dầu, kể cả phụ nữ và trẻ em. Năm ngoái, khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thăm viếng Việt Nam, chính quyền Việt Nam yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giúp đỡ và hướng dẫn để Việt Nam hội đủ tiêu chuẩn để tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn. Việc đầu tiên mà chính quyền trung ương của Việt Nam cần thực hiện là điều tra và truy tố tất cả thủ phạm liên quan đến vụ tra tấn các giáo dân Cồn Dầu, như Thượng Tá Mưu, Trung Tá Hiếu, Trung Tá Phúc, Đại Uý Minh, Trung Uý Thành, v.v. về tội ra lệnh hay đích thân tra tấn. Chúng tôi cũng đã cung cấp một số thông tin về các cuộc tra tấn này đến Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ.

Trên đây là ba trọng tâm của giai đoạn 4 trong chiến dịch Cứu Cồn Dầu.

Nhắc lại, chiến dịch Cứu Cồn Dầu được BPSOS (Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển) đề xướng vào cuối tháng 7 năm ngoái, với 3 mục đích:

(1) Bảo vệ quyền tị nạn cho các đồng bào Cồn Dầu đang lánh nạn ngoài Việt Nam;
(2) Đẩy lùi sự đàn áp của chính quyền địa phương nhắm vào giáo dân Cồn Dầu trong nước;
(3) Bảo vệ sự vẹn toàn của Xứ Đạo Cồn Dầu.

Trong 6 tháng qua, chiến dịch này đã đi qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn một là thông tin: báo động cho cộng đồng quốc tế, trong đó có cộng đồng Việt ở hải ngoại, về cuộc đàn áp đẫm máu đã diễn ra từ tháng 5 năm ngoái và còn tiếp tục. Chính quyền Đà Nẵng nghĩ rằng rất dễ giải toả trắng xứ đạo Công Giáo nhỏ bé, xa xôi và hiền hoà này. Họ không ngờ rằng Cồn Dầu đã trở thành một tên quen thuộc trên các diễn đàn quốc tế, và đã được nhắc đến trong hầu hết các bản phúc trình nhân quyền trong thời gian gần đây.

Giai đoạn hai là quốc tế vận: vận động sự lên tiếng và can thiệp của các chính quyền trong khối tự do và các tổ chức nhân quyền có bề thế. Đến nay vụ Cồn Dầu đã được quốc tế hoá: một bộ phận của Quốc Hội Hoa Kỳ đã tổ chức điều trần; Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã cử nhân viên cao cấp đến Thái Lan để lấy thông tin từ các nạn nhân đang lánh nạn; Toà Đại Sứ Hoa Kỳ đã cử phái đoàn đến tận Cồn Dầu; Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nêu vấn đề Cồn Dầu trong bản phúc trình thường niên về nhân quyền; và ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế lên án cuộc đàn áp.

Giai đoạn ba của chiến dịch là hỗ trợ cho nạn nhân đứng lên đòi công lý. Những người Cồn Dầu đang sống ở Hoa Kỳ đã dõng dạc lên tiếng, đòi hỏi Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp. Điều này tạo nên sự phấn chấn và tự tin nơi người Cồn Dầu ở trong nước. Hàng trăm người đã ký đơn tố cáo chính quyền Đà Nẵng vi phạm luật và nhất quyết không rút tên mặc dù bị công an hăm doạ. Ngay cả những người đã bị tù đày, tra tấn, và tuyên án cũng quyết tâm kháng án bất chấp sự hù doạ của công an. Tại phiên toà phúc thẩm họ đã công khai tố cáo việc công an dùng tra tấn để ép cung. Nhiều nạn nhân của sự tra tấn cũng đã can lên tiếng trên các diễn đàn công luận.

Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn 4, các giai đoạn 1-3 vẫn tiếp tục được phát huy một cách song hành.

Cùng lúc, chiến dịch Cứu Cồn Dầu tiếp tục lo đời sống và tranh đấu bảo vệ quyền tị nạn cho gần 60 người Cồn Dầu đang lánh nạn ngoài Việt Nam.

Chúng tôi kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại tiếp tục yểm trợ chiến dịch Cứu Cồn Dầu.
.
.
.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẮNG CON BỆNH NGHIỆN VIDEO GAMES & GAMES ONLINE ? (Trịnh Thanh Thủy)

Trịnh Thanh Thủy
Jan 30th, 2011

Để trả lời câu hỏi này quả thực không phải dễ nhưng nó cũng không quá khó đối với những người trưởng thành có quyết tâm và kiên trì. Tuy nhiên với các trẻ nhỏ hay thiếu niên thì khó hơn nhiều.

Đối với các trẻ nhỏ và thiếu niên, sự giúp đỡ các em cai nghiện phải ở các phụ huynh. Thời đại này máy điện toán đã trở thành một phần trong đời sống con người. Sự tiện dụng của nó khiến không ai là không phải xử dụng nó. Trong học đường, ngoài công sở, tại nhà riêng, computer và internet đã chiếm hữu một vị trí rất quan trọng. Các công sở đã dùng máy điện toán trong cả lãnh vực giảng dạy và huấn luyện kỹ thuật chuyên môn cho nhân viên của mình. Trong ngành giáo dục ở Mỹ, học đường đã dùng internet để các phụ huynh và học trò có thể xem điểm hay kết quả các kỳ thi trong lớp. Nhà trường còn dùng mạng làm phương tiện truyền thông giữa thầy giáo và các học sinh bằng cách cho bài tập hoặc bài làm, hay nộp bài qua mạng.

Vì vậy việc cai nghiện game giống như “sống với lũ” vậy. Nó tựa bệnh nghiện ăn, tức là “sống với thực phẩm”. Vì các game thủ sống với máy điện toán, các em khó tránh hay không thể xa máy điện toán nên các em cần phải ý thức được mình đang làm gì và dùng máy một cách khôn ngoan. Nghĩa là đừng để chơi game hay có chơi game thì chơi ít thôi, biết tự kềm chế ước vọng “muốn chơi nữa” của mình. Các phụ huynh cần phải nhắc nhở và kiểm soát các em. Cái khó nhất trong việc cai nghiện là người nghiện không thấy cái hại của việc mình nghiện và xem thường việc mình đang lún sâu vào vì họ nghĩ rằng “có hề gì đâu, nghiện game có bị bỏ tù đâu mà sợ”.Tựa như người nghiện rượu khi vừa uống một chai bia “Chỉ một chai bia, có gì đâu” Nhưng nhiều chai bia trong một ngày thành một cơn nghiện.

Ngừa bệnh còn hơn chữa bệnh. Với các em nhỏ, các vị nên tránh cho các em chơi game quá sớm. Kiểm soát và giới hạn giờ chơi game nếu cho các em chơi. Không cho các em ngồi trước máy quá 2 tiếng mỗi ngày. Giữ máy điện toán nơi mọi người qua lại, để dễ trông chừng, tránh đừng cho các em dùng trong phòng riêng rất dễ gây nghiện và khó kiểm soát. Giữ các em bận rộn với các môn chơi lành mạnh như thể thao, âm nhạc, võ thuật, hướng đạo. vv…Khi các em dùng máy phải quan sát xem các em đang làm bài tập hay đang chơi game. Nếu các em nói rằng làm bài tập ở trường giao, phải xem thời lượng là bao nhiêu tiếng. Ở Mỹ, nhà trường khi giao bài tập cho các em có thông báo về thời lượng được ước đoán trên mạng. Các phụ huynh có thể liên lạc với các thầy cô qua email hay mạng để biết rõ bài tập nào họ đã cho các em làm. Cha mẹ cần phải tự mua và kiểm tra loại game nào thích hợp cho các em chơi. Khi các vị nghi ngờ hay có dấu hiệu chứng tỏ các em bị nghiện phải sửa sai ngay, tìm kiếm sự trợ giúp của những người chuyên môn lập tức, đừng để quá trễ.

Nếu các em chưa bị nghiện lắm, các vị nên giảm giờ chơi của các em từ từ hơn là cắt cái rụp, sẽ gặp phản ứng mạnh của các em. Tìm các trò chơi lành mạnh khác thay thế giúp các em bận rộn. Các vị bỏ nhiều thì giờ cho các em hơn, đừng để máy điện toán giữ vai trò “trông em” khi mình quá bận rộn. Có nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con mình ngồi bên máy vẫn an toàn hơn chúng lêu lỏng ngoài đường.

Nếu tất cả nỗ lực của các vị giúp các em cai nghiện không thành công, nên tìm các bác sĩ chuyên môn hoặc các trung tâm cai nghiện ngay.

Đối với các game thủ trưởng thành, việc cai nghiện vấp phải những vấn đề tâm lý.

Bác sĩ tâm thần Jerald Block, ở Portland, Oregon, đặc trị nghiện game tin rằng ngành tâm thần cần phải để ý nhiều hơn trong việc tìm hiểu tại sao người ta vướng vào những trò chơi như Warcraft. Nhiều game thủ vì mắc cở và mặc cảm muốn cai nghiện mà không dám tìm tới những bác sĩ tâm thần mà tự đi hỏi những người không chuyên môn hoặc các game thủ khác vòng vòng trên mạng.

Ông kể những bệnh nhân khi tìm tới ông như mang một mặc cảm phạm tội còn nặng nề hơn cái mặc cảm coi hình ảnh khiêu dâm nữa. Coi phim ảnh khiêu dâm xã hội còn chấp nhận vì mọi người đều làm như thế và khi đi tìm một bác sĩ tâm thần chữa trị, bệnh còn có thể chữa được. Tuy nhiên, nghiện game nó khó diễn tả hơn bất cứ việc gì khác, vì những người này không biết cắt nghĩa tình trạng của họ ra sao bởi thế giới của trò chơi ảo cực kỳ phức tạp.
Tỷ như một người dính vào trò chơi Eve Online, anh ta thủ một trong những vai trò có quyền lực nhất trong thế giới trò chơi này. Anh chơi trong nhiều năm và tích tụ được một tài sản to lớn trị giá 17 ngàn đô la nếu anh bán vai trò của anh ta và tất cả tài sản ảo của anh trên Ebay. Nhưng trong một đêm ngắn ngủi, nếu có game thủ nào kết thúc mạng sống của anh ta trên game, và bị phản bội bởi một tay chơi trên đó, anh sẽ mất hàng chục ngàn đô, mất luôn bản thân của anh. Làm sao anh ta có thể diễn tả kinh nghiệm đó cho bạn bè biết và ai hiểu được anh nếu họ không chơi trò chơi đó? Nó quá kỳ quái và khó tả đến nỗi nhiều bác sĩ tâm thần không muốn bước vào.

Tuổi trung bình của các game thủ là 34 nhưng hầu hết các nghiên cứu đều dành cho trẻ em và thiếu niên vì quần chúng quan niệm game dành cho trẻ em hay thiếu niên. Do đó, người ta có thể chấp nhận được trẻ em nghiện game vì có thể chúng chưa đủ trưởng thành để suy nghĩ điều phải quấy, hay kiểm soát được hành vi của chúng. Bác sĩ Block thêm, “Nhưng một người trưởng thành mà nghiện game họ sẽ cảm thấy xấu hổ. Vì thế nhiều người lớn nghiện game đã giữ kín điều này. Bảo họ nói về nghiện tình dục còn dễ hơn nói về nghiện game dành cho trẻ em”
Nếu bạn là người từng chơi video game và game online, bạn nhận biết mình đã chơi quá nhiều giờ, đang và sẽ rơi vào vòng tay mê đắm của trò chơi ảo. Bạn cần phải làm gì?

Nhận biết và thức tỉnh là bước hành động đầu tiên của sự tỉnh thức trong ý định làm lại cuộc đời với những chọn lựa tích cực cho cuộc sống của bạn.

Nếu bạn là một người có ý chí, tự ái cao, không dám hỏi ý kiến bạn bè hoặc tìm đến các bác sĩ tâm thần hay trung tâm cai nghiện thì đây là một vài lối tự điều trị bệnh nghiện, bạn hãy thử áp dụng xem:

Đầu tiên bạn phải ngừng chơi game. Ít nhất là lần đầu. Sau đó cố gắng giảm giờ chơi, hoặc chỉnh đốn lại thời khoá biểu chơi làm sao để giờ chơi giảm từ từ. Nhưng nếu bạn nghiện nặng, việc giảm giờ chơi hay ngừng chơi rất khó thực hiện. Phương pháp tốt nhất là ngừng chơi hoàn toàn, và dẹp bỏ hết tất cả các loại trò chơi ảo. Sau khi hoàn toàn hết nghiện, bạn có thể thử chơi lại để trắc nghiệm.

Bạn phải tìm người giúp đỡ nếu bạn ngấm quá sâu vào chất độc game ảo này. Đừng e ngại nếu bạn không thể tự trói mình để bỏ game, bạn phải cầu cứu tới sự giúp đỡ của người khác. Không có gì là mắc cở, hèn yếu trong việc tìm kiếm người khác giúp đỡ, ngược lại đó là sức mạnh của sự tự quán chiếu, tự nhìn thấy yếu điểm của mình để tìm tha nhân giúp đỡ.

Tìm một thú vui tiêu khiển lành mạnh khác hay trở về với những thú vui cũ mà bạn vì mê game đã bỏ quên chúng. Nếu bạn bỏ game bạn cần phải có hoạt động gì đó để lấp chỗ trống của game để lại.

Tim hiểu căn nguyên của vấn đề-đó là lý do tại sao bạn để căn bệnh nghiện game phát triển và chiếm ưu thế hơn tất cả các thứ khác. Thông thường nó xảy ra nhanh chóng và những lần khác thì nó rón rén đi vào khiến bạn khó nhận thức được nó đã xảy ra như thế nào. Đắm chìm trong thế giới trò chơi ảo giúp bạn tránh phải trực diện với thực tế của điều bạn không giải quyết được hoặc không biết cách giải quyết. Hãy tìm cội rễ của vấn đề.

Giải quyết căn nguyên của vấn đề. Một khi bạn tìm ra bộ mặt của vấn đề, bạn cần phải đi những bước thích hợp để tìm ra giải pháp. Rồi bạn có thể trở lại với game sau đó khi bạn không còn cảm thấy nghiện nó nữa. Nếu bạn không giải quyết vấn đề mà nhảy sang một thú vui khác dù bạn bỏ được game bạn sẽ nghiện trò chơi mới ấy lập tức bởi game không phải là nguyên nhân chính của vấn đề.

Có người nói khi họ ngừng chơi game, họ cảm giác rằng họ đã bị game vật như thuốc phiện vật. Đừng nghĩ là bị game vật, bạn hãy nghĩ là bạn đang bị game ép buộc bạn chơi. Bạn bị sự lôi kéo, ám ảnh của game khiến bạn cứ nghĩ rằng bạn phải tiếp tục chơi hoài. Tất cả chỉ là do bạn biến thành nô lệ phụ thuộc vào game mà thôi.

Với những phương pháp trên bạn có thể học thêm về game và cách tự điều trị lấy bệnh của mình. Vấn đề quan trọng là sự nhận thức được mình có nghiện hay không. Cái khó của hầu hết mọi người là không nhìn thấy chính họ và cơn nghiện làm mờ mắt mất rồi.

Nếu bạn có người thân hay chính bạn đã thử cai nghiện và không kết quả hãy tìm đến các chuyên viên tâm lý, hay bác sĩ tâm thần chuyên lo về vấn đề này. Để tích cực và nhiều hiệu quả hơn nữa hãy đến với các trung tâm cai nghiện chuyên môn, các game thủ sẽ được chữa trị đúng cách với khung cảnh cùng môi trường thích hợp.
Chúng ta thử viếng thăm vài nơi cai nghiện xem họ chữa trị thế nào?

Đầu tiên chúng ta vào một dưỡng đường cai nghiện Broadway Lodge ở Anh quốc. Nơi này được thành lập từ năm 1974 cho những bệnh nhân nghiện rượu, sau đó vì nhu cầu nó thành nơi cai nghiện ma túy và nghiện Video game&game online. Đời sống ở đây được tổ chức rất chặt chẽ theo mô hình đoàn thể và sự kiêng khem được áp dụng triệt để. Toàn dưỡng đường chỉ có một máy truyền hình, giờ ăn theo thời khoá biểu, điện tắt lúc 11:45 mỗi đêm và mọi người đều phải thức dậy vào 6:45 mỗi sáng theo tiếng chuông rung của người y tá. Những game thủ đều được giao những công việc để làm như một phương pháp chữa bệnh, tỷ như, quét nhà, dọn rác, lau chùi bàn ghế v..v.. Các nhiệm vụ được giao phó có khi theo cá nhân hoặc từng đội. Bác sĩ tâm thần, y tá hoặc các cố vấn đều có mặt túc trực 24 tiếng một ngày.

Người bệnh nhân đầu chúng ta thấy là một thiếu niên vào tuổi hai mươi. Em đã nghiện game và ngồi bên máy tính 15 giờ mỗi ngày. Em rất gầy, dáng vẻ hốt hoảng, bồn chồn, dễ xúc động, thiếu tự tin và có dấu hiệu bị trầm cảm.
Có nhiều người đã được chữa lành ở đây như thiếu niên này và con số bệnh nhân chắc chắn sẽ gia tăng. Bởi vì cả một thế hệ lớn lên bị bao vây bởi những kỹ thuật ảo tinh vi. Bây giờ chúng ta bắt đầu thấy nhiều người bước vào những trung tâm y tế với triệu chứng nghiện game như sụt cân, mất sự giao tiếp với người chung quanh, và kể cả vấn đề tài chánh cũng bị rắc rối.

Ngoài ra bệnh viện tư Capio Nightingale Hospital do bác sĩ tâm thần Richard Graham ở LonDon có chương trình trị bệnh riêng cho các game thủ vị thành niên. Khoảng 5 hay 6 em một lần được điều trị chung với nhau trong vòng 1 tháng. Phương pháp điều trị tập trung trên 3 điểm chính: Vệ sinh, giao tiếp xã hội, kỹ năng đời sống và sức khoẻ. Một nhóm chuyên viên và những y tá chữa bệnh bao gồm các lãnh vực, nhận thức, thể dục, sinh lý học. Các bộ phận chuyên trị này được kết hợp với nhau giúp các game thủ nhận ra được vấn đề của họ và có nhiều hy vọng hướng tới một đời sống vui vẻ hạnh phúc tràn đầy.

Những chuyên gia về vệ sinh sẽ theo tuần tự dạy các phương pháp vệ sinh, thở, thiền định, kể cả kỹ thuật hít vào phổi các hương thơm cây cỏ tự nhiên để kích thích óc tiết ra các hoá chất khiến con người thư thái và dễ chịu. Điều này giúp bệnh nhân rời bỏ tình trạng gắn liền với máy điện tử thường trực. Chuyên gia về giao tiếp xã hội thúc đẩy các game thủ nhận rõ các lý do tại sao các em tránh những giao tiếp mặt đối mặt mà tìm vào sự giao tiếp trong thế giới ảo. Bệnh nhân được cho bài thực tập giao tiếp với người khác trong đời sống thật. Việc này giúp các em nhận thức được những quan hệ online mà các em thích không hay và tốt bằng những quan hệ mặt đối mặt hay các hoạt động ngoài đời như gặp nhau uống cà phê, trò chuyện, nấu ăn, bơi thuyền, đi trại.

Có nhiều trung tâm cai nghiện quảng cáo khoác lác về những phương pháp trị bệnh dứt hẳn hoặc hay vào bậc nhất. Sự thực thì trị cai nghiện game còn khó hơn trị nghiện ma túy. Có những bệnh nhân vừa nghiện ma túy vừa nghiện game. Có em dự những lớp cai nghiện ma túy và game và sau đó bỏ được ma túy nhưng với game thì bị nghiện lại.

Có em tâm sự “Em không chơi game nữa, khoảng vài tháng nhưng em cảm thấy không có nó, khó chịu kinh khủng. Khi chơi game, em không phải nghĩ hay lo lắng chuyện gì giờ ngưng không chơi nữa, em không biết làm gì. Em có một lap top và làm việc với máy tính cả ngày, em luôn luôn thèm được chơi lại”

Trong một trung tâm cai nghiện ở Amsterdam, Netherlands, những game thủ khi được đưa vào thường đã kiệt sức qua thời gian chơi game. Họ được giải đôc(detox) giống như phương pháp 12 bước trong tiến trình cai nghiện rượu hay ma túy tức là dùng những thứ khác thay thế cho game và giảm giờ chơi để chống lại thói quen tùy thuộc vào game.

Nếu bạn biết tiếng Anh bạn có thể vào trang web “Online Gamers Anonymous” còn gọi tắt là OLGA. (http://www.olganon.org/). Đây là một tổ chức mạng bất vụ lợi do những chuyên gia, những người từng nghiện game hay những người đang nghiện lập ra với mục đích chia sẻ và giúp đỡ nhau trị bệnh nghiện. Trong thời khoá biểu của họ có những buổi thảo luận về cách dùng “Phương pháp 12 bước trị game” này. Ngoài ra họ còn liệt kê danh sách những bác sĩ chuyên môn hay các trung tâm cai nghiện ở từng địa phương hay từng tiểu bang ở Mỹ hay vài nơi trên thế giới như Anh, Gia Nã Đại, Trung Quốc hay Hoà lan…v..v… Đây là một website rất hữu ích.

Đường vào những trò chơi ảo thật đẹp, đầy màu sắc, nhiều thử thách, lắm đam mê. Thế mà đường ra lại hiểm trở, đầy hầm chông, mìn bẫy khiến các game thủ lạc hoài không tìm nổi lối ra. Chơi game như người nếm viên kẹo ngọt. Ai biết được vị ngọt rất ngon miệng nhưng đằng sau nó là bao nhiêu thứ bệnh, nếu ăn quá nhiều chất đường. Chơi những trò chơi ảo giúp con người tiêu được thì giờ, mang lại thư giãn và phản ứng nhanh nhạy cũng như giàu óc tưởng tượng. Nhưng chơi nhiều quá không biết dừng lại, game sẽ là thứ thuốc độc hủy diệt con người. Ngày xưa đọc Kim Dung, ai cũng tấm tắc khen ngợi Lục Mạnh Thần Kiếm của Đoàn Dự. Làn kiếm khí ảo đó một khi xuất ra là có người gục ngã. Ngày nay các game thủ không khéo léo, đã thực sự tự gây thương tích cho chính mình bằng những thanh kiếm bén của trò chơi ảo. Đừng coi thường cõi ảo nhé bạn, nó thẳng tay tàn phá cõi thật con người không nương tay đấy.


Trịnh Thanh Thủy

-------------------------

Tài liệu tham khảo :
Do online games trigger a new psychiatric disorder? http://www.boston.com/bostonglobe/ideas/articles/2008/06/08/craft_addicts/ How best to treat gaming addiction
http://www.bukisa.com/articles/322488_how-to-cure-yourself-from-a-video-game-addiction#ixzz1ArTke0S9 How can you cure serious video game addiction http://wiki.answers.com/Q/How_can_you_cure_serious_video_game_addiction#ixzz1ArTLN3WV
.
.
.