Friday, January 31, 2020

THƯỢNG VIỆN MỸ BÁC BỎ ĐÒI THÊM NHÂN CHỨNG, TT TRUMP COI NHƯ 'TRẮNG ÁN' (Người Việt Online)





NỘI DUNG :

Người Việt Online
.
Cali Today
.
Cali Today  (Theo Louisville Courier Journal) 
.
================================================
.
Người Việt Online
January 31, 2020

WASHINGTON, D.C. (AP) – Thượng Viện Hoa Kỳ vào chiều Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, bác bỏ đòi hỏi có thêm nhân chứng ra khai trước phiên luận tội Tổng Thống Donald Trump, một điều coi như sẽ giúp ông được tuyên bố là “trắng án.”

Yêu cầu có thêm nhân chứng bị phía Cộng Hòa đánh bại với tỉ số 51 phiếu chống và 49 phiếu thuận, với hai thượng nghị sĩ phía Cộng Hòa bỏ phiếu cùng với phía Dân Chủ là bà Susan Collins (Maine) và ông Mitt Romney (Utah).

Dù rằng tất cả các thượng nghị sĩ phía Dân Chủ đều muốn có thêm nhân chứng ra khai trước Thượng Viện, phía Cộng Hòa ở thế đa số đã bác bỏ đòi hỏi này, khiến đây là lần đầu tiên có phiên luận tội trong lịch sử Hoa Kỳ mà không có nhân chứng.

Ngay cả việc có thêm các tiết lộ hôm Thứ Sáu của cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc, ông John Bolton, về can dự của Tổng Thống Donald Trump trong vụ áp lực Ukraine cũng không khiến phía Cộng Hòa thay đổi quan điểm, nói rằng họ đã “nghe đủ rồi.”

Dân Biểu Val Demings (Dân Chủ, Florida), một trong số các công tố viên của Hạ Viện, nói rằng hành động không gọi nhân chứng này khiến việc tuyên bố Tổng Thống Donald Trump “trắng án,” sẽ chỉ có giá trị “trên danh nghĩa” mà thôi.

Phía Dân Chủ rất muốn gọi ông Bolton ra làm nhân chứng, vì cuốn sách sắp xuất bản của ông cho thấy Tổng Thống Trump có liên hệ trực tiếp đến việc áp lực Ukraine phải điều tra đối thủ chính trị của ông Trump.

Tuy nhiên, ông Bolton sau cùng không được gọi ra để có lời khai trước Thượng Viện. Các quan sát viên cũng tin rằng cho dù ông Bolton có xuất hiện đi chăng nữa thì cũng sẽ không thay đổi được quyết tâm ủng hộ Tổng Thống Trump của các thượng nghị sĩ Cộng Hòa, đang ở thế đa số tại Thượng Viện.

Hiện chưa rõ chương trình làm việc của Thượng Viện sẽ như thế nào. Tuy nhiên, trước đó Trưởng Khối Đa Số Cộng Hòa, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, đưa đề nghị sẽ tái nhóm hôm Thứ Hai, 3 Tháng Hai, để có các cuộc tranh luận sau cùng. Sau đó sẽ dành hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba để các thượng nghị sĩ có lời phát biểu về lập trường của họ. Cuộc bỏ phiếu sau cùng sẽ diễn ra vào ngày Thứ Tư. (V.Giang)

-------------------------------------------
.
Cali Today
January 31, 2020

(Tổng hợp) – Thượng viện vào thứ Sáu phản đối trát đòi nhân chứng và tài liệu, dọn đường cho cuộc bỏ phiếu phán quyết, sớm kết thúc xét xử luận tội Tổng thống Donald Trump. 

Kết quả bỏ phiếu thỉnh nguyện nhân chứng chủ yếu theo lằn ranh đảng phái với 51 phiếu chống và 49 phiếu thuận như đã dự báo, chỉ có hai Thượng nghị sĩ Cộng hoà Susan Collins (Maine) và Mitt Romney (Utah) đứng về phía Dân chủ, ủng hộ gọi nhân chứng ra khai. 

Dân chủ muốn có lời khai từ 4 viên chức, trong đó có cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, và tạm quyền Đổng lý Toà Bạch Ốc Mick Mulvaney, những người từ chối ra khai trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Dân chủ. Dân chủ sau đó đưa ra 4 nghị quyết hiệu đính đòi Bolton, Mulvaney và 2 viên chức khác ra khai, để được ghi vào hồ sơ. Kết quả bỏ phiếu xướng danh các hiệu đính tương tự với kết quả bỏ phiếu nhân chứng. Ngoài ra, Dân chủ cũng đưa ra nghị quyết yêu cầu Chánh thẩm John Roberts ra phán quyết về trát đòi nhân chứng và sự khẳng định đặc quyền hành pháp. 

Lãnh tụ Đa số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà – Kentucky) và Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ – New York) thương lượng các điều khoản kết thúc phiên xét xử. Thượng viện sẽ nghỉ cuối tuần, và quay trở lại thủ tục xét xử luận tội vào 11h sáng thứ Hai với phần trình bày kết thúc kéo dài 4 tiếng đồng hồ, chia đều cho mỗi bên công tố và biện hộ. 4h chiều thứ Tư ngày 5 tháng 2, Thượng viện sẽ bỏ phiếu phán quyết xét xử cuối cùng. 

Schumer tố cáo cuộc bỏ phiếu “là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất mà Thượng viện từng trải qua. Nước Mỹ sẽ nhớ mãi ngày hôm nay, thật không may, nơi Thượng viện không đáp ứng tiêu chuẩn trách nhiệm, quay lưng lại sự thật và đồng hành cùng giả tạo.” 

Trong tuyên bố gởi ra sau cuộc bỏ phiếu, McConnell cho rằng họ, không có nhu cầu tái mở lại cuộc điều tra. “Chưa bao giờ trong  lịch sử Thượng viện, cơ quan này lại ngưng xét xử luận tội để theo đuổi thêm nhân chứng với những câu hỏi không được giải quyết về đặc quyền hành pháp mà sẽ dẫn đến tranh tụng kéo dài,” McConnell ghi trong thông báo. “Chúng tôi không quan tâm đến việc đặt ra tiền lệ mới, đặc biệt đối với những người mà Hạ viện đã chọn không theo đuổi.” 

Toà Bạch Ốc hoàn toàn dự tính kết quả bỏ phiếu nhân chứng sẽ như vậy, và muốn Thượng viện khép lại phiên xét xử càng sớm càng tốt. Toà Bạch Ốc chưa cho biết sẽ phản ứng như thế nào nếu phiên xét xử kéo dài vào thời gian diễn văn Thông điệp Liên bang của Trump diễn ra vào thứ Ba tuần sau. 

Thượng nghị sĩ Lamar Alexander (Cộng hoà – Tennessee) – một trong những lá phiếu thay đổi trước đó – là người đầu tiên bỏ phiếu với phiếu chống. 

Nhiều giờ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, New York Times loan tin làm gia tăng sự chú ý vào nhân chứng vì cuốn sách sắp xuất bản của Bolton kể về việc Trump yêu cầu cựu Cố vấn An ninh Quốc gia dọn đường cho luật sư tư Rudy Giuliani gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhưng Trump phủ nhận việc này, cho biết ông ta có thể dùng đặc quyền hành pháp để ngăn chặn Bolton ra khai. 

Hương Giang (Tổng hợp) 

-------------------------------------
.
Cali Today  (Theo Louisville Courier Journal) 
January 31, 2020

(Louisville Courier Journal) – Lãnh tụ Đa số Thượng viện Mitch McConnell đang cân nhắc đưa ra nghị quyết kết thúc phiên xét xử luận tội Tổng thống Donald Trump vào thứ Tư tuần sau. 

McConnell tìm cách thúc đẩy bỏ phiếu luận tội lần cuối cùng cho đến sau bài diễn văn Thông điệp liên bang của ông Trump sẽ diễn ra vào thứ Ba tuần sau. 

Với cấu  trúc hiện tại, sau khi thỉnh nguyện gọi nhân chứng thất bại vào thứ Sáu, McConnell sẽ yêu cầu thỉnh nguyện chuyển sang khép lại các tranh cãi. Sau khi thỉnh nguyện này được thông qua, Thượng viện sẽ quay trở lại thủ tục xét xử luận tội vào thứ Hai tuần sau. Vào ngày đó, hai bên sẽ có phần trình bày kết thúc. Sang thứ Ba, các thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc, và có cơ hội đưa ra đưa ra tuyên bố giải thích họ đưa ra quyết định tha bổng ông Trump như thế nào. Bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra vào thứ Tư. 

Những kế hoạch này có thể thay đổi, vì theo một nguồn tin thông thạo sự việc chia sẻ với CNN, hiện nay Toà Bạch Ốc đang thúc đẩy bỏ phiếu cuối cùng sớm hơn, vào thứ Ba. 

Cho dù dự tính của McConnell như thế nào, Lãnh tụ Thiểu số Hạ viện Chuck Schumer (Dân chủ – New York) vào chiều thứ Sáu cho truyền thông hay, “không có thoả thuận nào giữa lãnh đạo McConnell và bản thân tôi.” 

“Chúng tôi không muốn thủ tục vội vã,” Schumer nói. “Chúng tôi không muốn nó trong đêm tối.” 

Tin tức về thoả thuận loan ra bên ngoài vài tiếng đồng hồ sau khi McConnell thông báo đã kiếm đủ phiếu Cộng hoà để có thể ngăn chặn trát đòi thêm nhân chứng luận tội Tổng thống. 

Hương Giang (Theo Louisville Courier Journal) 







KỶ NIỆM 3 THÁNG 2, ÔNG TRỌNG RA THÔNG ĐIỆP GÌ VỀ VỤ THẢM SÁT ĐỒNG TÂM? (Gió Bấc)




Gió Bấc
31/01/2020

Theo thông lệ, kỷ niệm 90 năm thành lập đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc hẳn sẽ có bài phát biểu quan trọng về đường lối chủ trương của đảng, Thế nhưng từ lâu rồi, người dân Việt quá hiểu khoảng cách quá xa giữa lời nói và việc làm của đảng và các lãnh tụ đảng nên điều người ta cần thẩm định là thái độ và cách hành xử của đảng cầm quyền trong những vấn đề kinh tế, chính trị. Cụ thể người ta muốn ông Trọng tự minh thị là kẻ thủ ác hay chỉ là người mắc lừa.

Hình minh họa. Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trá), đảng viên gần 60 năm tuổi đảng Lê Đình Kinh (phải), người vừa bị giết chết trong vụ công an tấn công vào Đồng Tâm hôm 9/1/2020.  Courtesy of AFP, Facebook, RFA edit

Nhìn lại hai nhiệm kỳ TBT của ông Trọng, sau cuộc chiến một mất một còn với Ba X (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và cuộc thâu tóm quyền lực một thân hai ghế (Tổng bí thư, Chủ tịch nước), công cuộc đốt lò của ông Trọng diễn ra suôn sẻ. Nhiều củi đã vào lò có cả Ủy viên Bộ Chính trị, đây là điều mà tất cả các TBT khác chưa ai làm được. Nhiều người ngưỡng mộ tôn xưng ông Trọng như vị minh quân.

Công cuộc đốt lò, dân chưa tin

Tuy nhiên, hầu hết những thanh củi vào lò đều quá trễ. Những hành vi sai phạm bị xử lý đều đã xảy ra từ một hai nhiệm kỳ trước, những kẻ vi phạm đều thăng quan tiến chức ở vị trí cao hơn hoặc đã về hưu theo tuổi tác. Hậu quả tham nhũng, thất thoát đã chồng chất thành khối nợ công khổng lồ, thành sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có thể khắc phục.

Hơn thế nữa, số củi vào lò vẫn còn quá ít so với số cần được vào lò. Ngay trong bộ máy lãnh đạo đương chức hiện nay nhung nhúc những kẻ đáng gọi là sâu, là củi với những quyết sách phản nước hại dân vẫn đang ung dung tác quái. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hàng chục BOT bẩn như những mụn ghẻ trên thịt da đất nước, những nhà máy nhiệt điện than đang phủ mây ô nhiễm vẫn đang tiếp tục triển khai. Một nền giáo dục xuống cấp cả hai mặt trí dục, đức dục. …Một TP Hà Nội chất chồng những phe cánh sân sau ăn chặn nguồn sống, môi trường sống của người dân từ nước sông Tô Lịch, sông Đà, sông Đuống …TP HCM với vết thương Thủ Thiêm mưng máu hàng ngàn hộ dân từ hàng chục năm qua…

Lịch sử nhân loại với sự sụp đổ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, sự nổi dậy theo kiểu người khổng lồ trên đôi chân đất sét của Trung Quốc đã cho thấy cội nguồn tham nhũng chính là thể chế độc tài, độc đảng. Duy trì thể chế ấy, dùng quyền lực độc tài để chống tham nhũng chỉ là lấy tay che mặt trời. Công cuộc đã hổ diệt ruồi của ông Tập cũng chỉ là cuộc chiến mượn danh chống tham nhũng để tranh giành quyền lực, quyền lợi giữa các phe nhóm.

Gần đây nhất là cuộc thảm sát Đồng Tâm. Một cụ già 84 tuổi, một đảng viên 58 năm tuổi đảng từng bị đánh gãy chân, lại được chính quyền huy động trên dưới 3000 quân đang đêm bao vây, ném lựu đạn cay, đánh đập tàn nhẫn, bị bắn chết và bị vu cáo cho là khủng bố. Tài sản, tài liệu bị thu giữ, chiếm đoạt, không theo một trình tự thủ tục nào.
Về luật pháp, hành vi giết người, cướp của tàn bạo này không thể là hành vi của một nhà nước văn minh, do dân, vì dân.

Tàn tệ hơn nữa là theo đạo lý người Việt, nghĩa tử là nghĩa tận. Khi người đã chết thì bao hận thù cũng nên xóa bỏ, thế nhưng thi thể ông Kình bị mổ xẻ, bị đem lượng giá với con gái ông Kình để ký vào những biên bản vu khống cha mình. Tiền phúng điếu lễ tang ông Kình cũng bị phong tỏa chiếm đoạt.

Đảng viên bị công an giết không có lý do

Về đảng tính, theo điều lệ đảng, xử lý đảng viên phải theo trình tự kiểm điểm, xử lý kỷ luật của đảng từ chi bộ, đảng ủy cấp trên, ban kiểm tra đảng. Đảng viên còn có quyền khiếu nại…. Sau khi xử lý đảng viên mới xử lý theo chính quyền, luật pháp.

Nhiều đảng viên như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy tham nhũng tiền bạc ngàn tỉ vẫn đươc hưởng theo trình tự này và có điều kiện trốn ra nước ngoài. Dù cuộc đấu tranh, khiếu nại bảo vệ đất nông nghiệp ở Đồng Sên diễn ra từ nhiều năm nhưng đảng viên lão thành Lê Đình Kình phạm tội gì chưa ai biết, chưa hề bị kỷ luật đảng. Thậm chí sau lần gãy chân trước đây, ông còn được tướng công an đến thăm tại bệnh viện. Trong mọi lần phát biểu của mình, ông Kình luôn trung thành và tin cậy, hưởng ứng tham gia vào công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng. Trước sau ông Kình luôn chứng minh là ông và tổ Đồng Thuận ổ Đồng Tâm thực hiện theo lời kêu gọi chống tham nhũng của TBT.

Cần lưu ý rằng: Hành vi công an cấp trung ương hành xử với đảng viên lão thành Lê Đình Kình đã chà đạp lên điều lệ đảng. Người ta nói đánh chó phải kiêng chủ nhà, lẽ nào Tổng Bí Thư đảng cầm quyền lại cho phép công an giết đảng viên của mình một cách phi pháp. Ông Hồ đã dạy, đảng viên phải giữ sự đoàn kết trong đảng như giữ con ngươi của mắt mình, thế mà cán bộ công an đều là đảng viên, đều học tập ông Hồ mỗi năm sao lại có thể giết đồng chí của mình man rợ như thế.

Không rõ vì thiếu thông tin hay vì sức khỏe hoặc vì lý do nào đó, ông TBT Trọng hoàn toàn không có ý kiến gì về cái chết thảm thương, oan khốc của đảng viên lão thành gần 60 năm tuổi đảng. Ngược lại, ông Chủ tịch nước Trọng lại ký quyết định trao huân chương cho ba cán bộ công an chết khi tham gia vào cuộc bắn giết ông Kình.

Trọng bị Tô Lâm và Phúc lừa?

Với cách xử lý này, một số người như nhà báo Lưu Trọng Văn,  …. đưa ra giả thiết ông Trọng bị lừa trong vụ Đồng Tâm. Người ta cũng chỉ ra đích danh kẻ đầu têu của cú lừa này là Bộ trưởng Tô Lâm đã về phe với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đẩy ông Trọng vào thế tay phải nhúng chàm, đồng thời họ cũng đạt mục tiêu chiếm đoạt 59 ha đất của Đồng Sên.

Người ta còn nhớ ông Trọng từng nhắc đến từ nhân đạo khi tạm dừng công cuộc đốt lò trước tết Kỷ Hợi để cho các thanh củi gộc được ăn tết trước khi vào lò. Lẽ nào lần này ông lại nhẫn tâm giết cụ Kình ngay ngày trước tết.

Mới đây, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án giết người ở Bưu Điện Cầu Voi với tử tù Hồ Duy Hải sau 12 năm oan khốc. Vụ án đươc các luật sư và chính đoàn giám sát của Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội cho rằng có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của cả ba ngành tố tụng. Hai nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang đã từng có ý kiến chỉ đạo xem xét, nhưng với áp lực của Tô Lâm, Trương Hòa Bình nên những ký kiến này đã bị dìm đi. Việc khai quật, giám đốc thẩm vụ án phải có áp lực từ cao lắm. Người ta đoán là có thể từ ông Trọng.

Vấn đề là tham gia vào vụ Đồng Tâm không chỉ có công an, ngân hàng, mà còn có cả bộ máy tuyên truyền từ hơn 700 tờ báo, hệ thống đài phát thanh, truyền hình, đội ngũ dư luận viên nhất hô bá ứng đưa tin theo nguồn Bộ Công An cung cấp.

Bộ Ngoại Giao hoặc hưởng ứng hoặc thụ động tham gia nhưng cũng có góp phần khi im lặng né tránh không cấp phép cho báo chí quốc tế tham gia điều tra, đưa tin về sự việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng tăng cấp hàm, phong liệt sĩ và cùng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự lễ tang theo nghi thức nhà nước với ba cán bộ công an đã chết do trượt té khi tấn công vào Đồng Tâm. Những động thái này khẳng định việc giết ông Kình, đàn áp người dân Đồng Tâm là đúng.

Vụ thảm sát Đồng Tâm đã gây tiếng vang rất xấu cho bộ mặt của Đảng và nhà nước với dư luận quốc tế, tạo hệ quả xấu cho quan hệ đối ngoại.

Điều quan trọng hơn là trong đối nội, người dân trong nước càng mất niềm tin, càng phẫn uất hơn với đảng, chính quyền cai trị trước hành vi tàn ác, bất nhân, bất chấp pháp lý, đạo lý.

Phải trả lời bằng hành động

Quan trọng hơn nữa là quan hệ trong đảng. Thân phận đảng viên cấp thấp như cụ Kình là thân phận của số đông trong hơn 3 triệu đảng viên hiện nay. Họ là những người phải trực tiếp làm những công việc cụ thể do đảng và chính quyền giao và trực tiếp quan hệ với người dân. Cái chết thảm của người đảng viên cao niên, trung thành như cụ Kình đã làm tan vỡ nốt chút niềm tin cuối cùng vào đảng, vào ông Trọng.

Nếu TBT Trọng thật sự bị lừa thì nhân kỷ niệm 90 năm thành lập đảng ông phải làm được điều gì đó để rửa mặt cho oan hồn cụ Kình. Nếu ông Trọng không làm đươc điều gì cụ thể mà chỉ im lặng né tránh thì niềm tin của các đảng viên cấp thấp với ông Trọng hoàn toàn sụp đổ. Hoặc họ buộc phải nghĩ rằng TBT và cả đảng cộng sản là loại tham lam khát máu có thể thanh toán, giết chết đồng chí của mình không gớm tay chỉ vì những quyển lợi nhỏ nhoi. Sau ông Kình sẽ có thêm người khác và lần hồi có thể xảy ra với họ.

Có thể họ sẽ sợ chết, sợ đảng, sợ ông Trọng hơn, nhưng niềm tin thì không có. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ ra sao khi chỉ còn lại những kẻ nhút nhát chỉ có sự sợ hãi mà thiếu lòng tin?

Ông Trọng liệu có còn hãnh diện tự hào là một minh quân thế thiên hành đạo? Ông Trọng có thể còn hãnh diện khi lãnh tụ của đảng, nhà nước các quốc gia khác nhìn ông như một tên độc tài khát máu đang dẫn dắt một đảng gồm một ít con sói và cả đàn cừu?

Có rất nhiều điều người dân cần đến tinh thần cải cách thể chế, nội dung và quan hệ ứng xử của Việt Nam với nước lạ để thể hiện chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc. Nhưng điều đó còn quá xa xôi. Thông điệp cần nhất mà người dân còn le lói chờ ông Trọng là Đồng Tâm. Phải sửa sai, phải xin lỗi, minh oan cho gia đình ông Kình và người dân Đồng Tâm, phải xử lý thích đáng những hành vi phạm pháp bất cứ giá nào.

VIDEO :

----------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do






AI & FLD : VIỆT NAM SIẾT TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ TẤN CÔNG MẠNG TẠO RA MỐI NGUY CHO NHÂN QUYỀN (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
31 tháng 1 2020

Việt Nam lại bị chỉ trích đích danh trong báo cáo năm 2019 của tổ chức nhân quyền 'Amnesty International' (Ân Xá Quốc Tế).

Tổ chức nhân quyền 'Ân xá quốc tế' dẫn chứng trường hợp ông Trương Duy Nhất trong báo cáo năm 2019. GETTY IMAGES

Ân xá quốc tế nêu bật vấn đề quyền tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm, bị chết trong khi bị giam giữ hay việc lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong khi đó báo cáo công bố trung tuần tháng 1 của 'Front Line Defenders' thì nhận đình rằng, việc các nhà hoạt động nhân quyền bị tấn công trên mạng là những thách thức với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.

Ân Xá Quốc Tế: VN siết tự do ngôn luận

Báo cáo "Quyền con người khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Nhìn lại năm 2019" được tổ chức nhân quyền Ân xá quốc tế công bố hôm 30/1 tại Bangkok, Thái lan, nêu ra một loạt các vấn đề có liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam gồm việc gia tăng số lượng các lương tâm tù nhân; đàn áp quyền con người căn bản; ban hành luật an ninh mạng; các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa…

Liên quan đến tự do ngôn luận, báo cáo cho hay, trong năm 2019, chính quyền đã bắt và truy tố ít nhất 23 người.

Hầu hết những người này chỉ thể hiện quan điểm của họ liên quan đến những vấn đề như tham nhũng, môi trường và nhân quyềnv và sử dụng Facebook như một nền tảng để thể hiện các quyền trên. Có người trong họ sau đó đã bị kết án tù lên đến 11 năm.

Theo Ân xá quốc tế, chính quyền cũng đàn áp Nhà xuất bản Tự do, nơi ấn hành những cuốn sách thể hiện những quan điểm không 'vừa ý' chính quyền.

Theo tổ chức này, an ninh Việt Nam đã tra hỏi ít nhất 100 người trên toàn quốc do nghi ngờ có liên quan đến Nhà xuất bản nói trên.

Về vấn đề tù nhân lương tâm, báo cáo của Ân xá quốc tế cho rằng, việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và sau đó, tiến hành các vụ bắt giữ đã dẫn đến gia tăng số lượng tù nhân lương tâm của Việt Nam.

Theo đó, đến tháng 5, tại Việt Nam có 118 tù nhân. Một vài tù nhân lương tâm đã được thả tự do sau thời gian thụ án, nhưng bù lại, số tù nhân lương tâm bị bắt cao hơn.

Báo cáo viết rằng, các thành viên gia đình và các nhóm nhân quyền cho thấy, trong năm 2019, tù nhân lương tâm tiếp tục chịu đựng nhiều hình thức đối xử tệ hại trong tù, kể cả biệt giam, không được tiếp cận với dịch vụ y tế, bị lạm dụng tinh thần và thể chất…

Nhiều giám thị trại giam còn khuyến khích các tù nhân bị giam giữ vì các tội hình sự khác hăm dọa, hành hung tù nhân lương tâm. Thậm chí, thành viên gia đình hai tù nhân lương tâm còn nói rằng, thân nhân của họ bị dọa giết.

Sau khi bị kết án, tù nhân lương tâm thường bị chuyển đến các cơ sở giam giữ xa địa phương nơi gia đình họ đang sống, khiến các thành viên gia đình khó khăn nếu muốn đến thăm họ.

Báo cáo cũng viện dẫn trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất.
Ông Nhất đã mất tích tại Bangkok, Thái Lan, khi đang tìm cách xin tị nạn tại đây. Các nhân chứng nói rằng, vụ mất tích của ông Nhất liên quan đến lực lượng an ninh Việt Nam. Sau đó, chính quyền thừa nhận đang giam giữ ông Nhất ở Hà Nội với cáo buộc tham nhũng.

Báo cáo cũng nói là trong năm 2019, có Ít nhất 11 người tại Việt Nam đã thiệt mạng trong khi đang bị giam giữ. Và chính quyền vẫn ngăn chặn các cuộc điều tra độc lập với những trường hợp tử vong như vậy.

FLD: Rủi ro với các nhà nhân quyền trên mạng

Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2019, đầu tháng 1/2020, báo cáo của tổ chức nhân quyền "Front Line Defenders" (FLD) đưa việc Việt Nam đưa Luật An ninh mạng vào hiệu lực trong năm 2019 như một mối nguy cho những người hoạt động về nhân quyền.

Theo tổ chức này, Luật An ninh mạng được sử dụng nhằm buộc những nhà hoạt động nhân quyền phải im lặng.

FLD cũng viện dẫn Việt Nam bên cạnh nhiều nước khác như Algeria, Bahrain, Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Jordan, Lebanon mà tổ chức này cho rằng, là những nơi mà những người hoạt động nhân quyền đối mặt với nhiều rủi ro do các tấn công trên mạng.

Các hình thức tấn công trên mạng phổ biến nhất nhắm vào họ là phỉ báng, quấy rối và truy cập trái phép vào các tài khoản mạng xã hội của họ để lấy cắp thông tin, sau đó dùng những thông tin này để phá hoại danh tiếng và sự an toàn của họ.

Ở một số nước, mà theo báo cáo này là có Việt Nam, chính quyền còn tổ chức chiến dịch khiếu nại lên các công ty truyền thông xã hội để khóa tài khoản của các nhà hoạt động nhân quyền.

FLD cho biết năm 2019, có 304 nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại tại 31 quốc gia. Việt Nam không có tên nằm trong danh sách các quốc gia này.

VN xếp hạng thấp về dân chủ, nhân quyền

Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của The Economist Intelligence Unit, công bố hôm 22/1, xếp Việt Nam thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được xếp hạng, với 3.08 điểm.

Với điểm số này, thứ hạng của Việt Nam về dân chủ năm 2019 có cải thiện nhẹ so với thứ hạng 139 của năm 2018, nhưng điểm số không thay đổi.

Còn theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.

Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.

VN: Sai lầm về phương pháp luận

Việt Nam luôn cho rằng, việc dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.

Trong bài viết "Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam" đăng trên tờ Quân đội nhân dân, TS Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, "không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân...

"Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội", ông Thái viết.

*
*
Tin liên quan
.
.
.
.





VIRUS CORONA VÀ NHẬN DIỆN CƠ HỘI SINH TỒN THỜI THỔ TẢ (Đồng Phụng Việt)




Thứ Sáu, 01/31/2020 - 08:47 — DongPhungViet

Sự lây lan chủng mới của virus Corona – đại dịch mới gây viêm đường hô hấp cấp đang cung cấp thêm ví dụ để người Việt nhận diện cơ hội sinh tồn của chính mình và con cháu mình trong thời thổ tả - thời xứ sở và dân tộc được đặt dưới “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của “đảng CSVN quang vinh”…

                                                             ***

Người bình thường ắt sẽ có kiến thức tối thiểu để hiểu thế nào là dịch bệnh, từ đặc điểm cho đến cách thức ứng phó nên người bình thường ắt sẽ hoang mang khi nghe một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN đang giữ vai trò Chủ tịch thành phố Hà Nội tuyên bố: Phấn đấu để không có trường hợp nào nhiễm virus Corona (1)!

Xưa nay trong lịch sử nhân loại có bao nhiêu cá nhân ở vị trí lãnh đạo dám tuyên bố như vậy? Nếu có thể “phấn đấu” để không có bất kỳ ai trong mười triệu dân đang cư trú trên phạm vi có diện tích khoảng 3.300 cây số vuông mắc dịch, ông Chung sẽ trở thành người đủ tư cách vứt tòan bộ kiến thức về dịch tễ học của loài người vào sọt rác!

Tất nhiên với nhận thức như thế, ông Chung không có khả năng ghi tên mình vào lịch sử nhân loại, cũng không có khả năng nhận những giải thưởng cao quý nhất của loài người vì đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống công quyền “phấn đấu” theo kiểu nào đó mà có thể loại trừ sự lây nhiễm của virus gây đại dịch đe dọa toàn cầu một cách tuyệt đối.

Trong mắt loài người, yêu cầu “phấn đấu” của ông Chung chỉ vừa đáng thương, vừa đáng ngại, song cơ hội sinh tồn trước một đại dịch của dân chúng Hà Nội nói riêng và dân chúng trên toàn Việt Nam nói chung đang được đặt trong tay những người như ông Chung – dám nghĩ, dám nói những điều vượt khỏi tầm hiểu biết chung của nhân loại!

Cơ hội sinh tồn của một cộng đồng trước một đại dịch, rộng hơn là cơ hội sinh tồn trong tương lai của nhiều thế hệ sẽ lớn hay nhỏ khi nằm trong tay những cá nhân “dũng cảm” không cần tri thức như thế? Nếu “phấn đấu” bất thành và chắc chắn bất thành, đối tượng nào sẽ bị tước bỏ cơ hội sinh tồn? Chắc chắn không phải là những người như ông Chung!   

                                                           ***   

Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp ở Trung Quốc đã tròn một tháng, không phải tự nhiên mà nhiều người thuộc nhiều giới liên tục kêu gọi cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức (2) rằng hãy đóng cửa biên giới với Trung Quốc, song công dân Trung Quốc vẫn lũ lượt đổ đến Việt Nam vui Xuân.

Chỉ trong mười ngày từ 15 tháng Giêng đến 25 tháng Giêng, có tới 400.000 công dân Trung Quốc ra vào Việt Nam bằng đường hàng không (5), trong đó có 218 du khách đến từ Vũ Hán – thành phố đang bị Trung Quốc cô lập vì là tâm của ổ dịch (6). Đó là chưa kể những công dân Trung Quốc sang thăm Việt Nam bằng đường bộ.

Ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, chủng mới của virus Corona là đại họa đe dọa toàn cầu, ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng vẫn cho rằng chưa thể đóng cửa biên giới Việt – Trung! Chuyện không đóng cửa biên giới không phải vì dịch viêm đường hô hấp cấp không nguy hiểm mà vì... một hiệp ước Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam không có quyền đơn phương đóng cửa biên giới, kể cả khi xảy ra tình huống khẩn cấp về an ninh, dịch bệnh (5).

Nếu khả năng đóng cửa biên giới phụ thuộc vào Trung Quốc, phải chờ Trung Quốc… đồng ý, việc ngăn chặn virus lây lan, bùng phát thành đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam là do Trung Quốc chủ động cấm công dân du lịch (6),… thì rõ ràng, cơ hội sinh tồn của người Việt trước dịch bệnh, nguy cơ an ninh, không do người Việt quyết định!

Cho đến giờ này, nếu xem kỹ những tuyên bố, nhận định của các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam về đại dịch viêm đường hô hấp cấp, có thể nhận ra, các viên chức hữu trách này chỉ nhắm vào hai mục tiêu: Không để dân chúng hoang mang và không gây xáo trộn sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng. Bởi cơ hội sinh tồn của từng cá nhân trong cộng đồng không phải là mục tiêu nên một Thứ trưởng Y tế mới trấn an: Virus Corona lây lan hạn chế (7)!     

Đó cũng là lý do các ngành ở đủ mọi cấp phối hợp truy tìm, xử lý những cá nhân dám nêu ý kiến hay chia sẻ thông tin nhằm cảnh báo cộng đồng về cơ hội sinh tồn nếu dịch bệnh bùng phát. Sau sự phối hợp giữa Sở Du lịch và cảnh sát cơ động để răn đe một khách sạn tại Đà Nẵng dám từ chối tiếp nhận du khách Trung Quốc (7) là Khánh Hòa triệu tập “một số facebooker” vì “tung tin thất thiệt” (8), là Bà Rịa - Vũng Tàu phạt một facebooker 30 triệu đồng vì “cảnh báo” dịch bệnh gây thiệt hại cho du lịch (9)!

                                                       ***

Ngày 31 tháng 1, sau khi nhận được báo cáo từ hãng hàng không Vietjet, Sở Y tế Hải Phòng và Công an thành phố Hải Phòng chủ động cung cấp cho hệ thống truyền thông chính thức thông tin, bà Cao Thị Thu Thủy, 38 tuổi, nghi viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nhưng không hợp tác với giới hữu trách (11).

Từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp lơ lửng trên đầu người Việt, đây là lần đầu tiên hệ thống công quyền phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thông chính thức chứng tỏ nỗ lực… “minh bạch thông tin về dịch bệnh”, cho dù các tình tiết liên quan đến nỗ lực này cho thấy, chúng xâm phạm các quyền riêng tư của công dân, vốn được luật pháp bảo vệ!

Nhiều người vốn đã chưng hửng vì tại sao hệ thống công quyền bất chất luật pháp, bạch hóa tên, tuổi, địa chỉ cư trú của một công dân chỉ mới “nghi ngờ” bị bệnh truyền nhiễm… đã nghĩ ngay đến số phận của chính họ nếu chẳng may bị nhiễm chủng mới của virus Corona khi bà Thủy lên tiếng…

Hóa ra chuyến bay của bà Thủy (từ Tân Sơn Nhất về Cát Bi) trễ ba tiếng rưỡi, thay vì cất cánh lúc 21:15 thì 00:45 mới khởi hành. Chờ đợi nhiều giờ, đói, bà Thủy được một bác sĩ đi cùng chuyến bay xác định bị tụt huyết áp. 02:30 sáng, khi máy bay hạ cánh, bà bị đưa đến chỗ tiếp nhận bệnh nhân nghi mắc dịch. “Phòng bệnh” ở phi trường không có giường, không có mền, không có nhân viên y tế và cũng không ai cho ăn, uống. Chờ đến 04:00 sáng, kiệt sức vì mệt và lạnh, bà Thủy được thân nhân đưa về nhà. Vài tiếng sau bà trở thành nổi tiếng vì được các cơ quan hữu trách dùng làm bằng chứng chứng minh cho cả nỗ lực phòng – ngừa dịch bệnh lẫn cam kết “minh bạch thông tin về dịch bệnh” (12).

Đừng nhìn trường hợp bà Thủy như một cá nhân chẳng may gánh chịu búa rìu dư luận do bị chọn làm… phương tiện chứng minh, cũng đừng nhìn sự kiện mới được công chúng phát giác: Đường dây nóng do Bộ Y tế thiết lập để tiếp nhận những thông tin liên quan đến dịch bệnh, trong đó có dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang đe dọa cộng đồng, đang tính cước đến… 5.000 đồng/phút (13) như một cách tận dụng đại họa để kiếm chác. Hãy nhìn rộng hơn…

Cơ hội sinh tồn của từng cá nhân sẽ như thế nào nếu đại dịch  viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát tại Việt Nam? Hoạt động phòng ngừa của hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã được triển khai như thế nào mà ngay cả tại những nơi được xem là có nguy cơ cao như phi trường lại tắc trách đến mức không thể tưởng tượng như phi trường Cát Bi? Giới hữu trách sẽ ứng phó ra sao trên diện rộng với những người chẳng may nhiễm dịch hoặc chỉ bị nghi nhiễm dịch, khi trong một phạm vi hẹp và chỉ với một vài cá nhân như bà Thủy đã thể hiện rất rõ yếu tố bất nhân, vô trách nhiệm tới mức như vậy?    

Với nhận thức, thái độ, cách hành xử kiểu như đã xảy ra với bà Thủy, hay với cách tổ chức – vận hành đường dây nóng của Bộ Y tế, nếu tình thế buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phải tiến hành cô lập một khu vực để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona lây lan rộng hơn, làm sao có thể tin các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương có đủ cả tâm lẫn tài để chăm sóc, điều trị, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người bị giam lỏng trong vùng dịch? Làm sao có thể tin khả năng sinh tồn của từng cá nhân sẽ được hỗ trợ bảo vệ như một cơ hội không để cho vuột mất? 

--------------------

Chú thích 























CHỨNG NHÂN CỦA NHỮNG ĐIỀU BẤT KHẢ (Tuấn Khanh)





Thứ Sáu, 01/31/2020 - 11:56 — tuankhanh

Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch ngày 30-1-2020, mang theo mình một phần lịch sử của Phật giáo chân chính Việt Nam, cũng như mang theo một phần đời biểu trưng cho rất nhiều người, trước một bước ngoặt trầm luân của người dân miền Nam Việt Nam. Tại ngôi chùa Phước Bửu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi mà ngài đã tìm đển để nương náu, chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ từ năm 2002 đến nay, ngài chống chọi với đủ các vết tích hằn thù trên thân thể mình, và cả những âm mưu hiểm độc của một thời kỳ đen tối sau năm 1975 mà nhà nước cộng sản Việt Nam nhắm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và các nhân sĩ, tăng sĩ Phật giáo.

Hòa thượng Thích Thanh Tịnh

Lần cuối cùng mà hòa thượng Thích Thanh Tịnh lên tiếng, xuất hiện trước truyền thông đại chúng là vào năm 2006, lúc đó, chùa Phước Bửu, một trong những chùa hiếm hoi còn lại, trung kiên và sừng sững với danh hiệu cơ sở thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự tồn tại của nơi này, và cả việc cho hòa thượng Thích Thanh Tịnh nương nhờ đã là cái gai trong mắt nhiều người có quyền thế. Hai lần trong đêm của năm 2006, chùa Phước Bửu bị đốt nhưng may sao cứu được. Là người luôn thức từ 2 giờ sáng để tụng kinh, hòa thượng Thích Thanh Tịnh nhận biết rõ sự kiện nên đã tham gia lên tiếng tố cáo âm mưu này, thành một trong những hồ sơ quan trọng được chuyển ra thế giới.

Cũng như nhiều tu sĩ, trí thức, thương gia… của miền Nam, mà cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được là vì sao mình phải chịu kiếp nạn, phải chịu tù đày, hòa thượng Thích Thanh Tịnh cũng đã bị biệt giam nhiều năm, rồi bị kết án 15 năm tù vì tội danh chống chính quyền. Nhưng năm 2000 rồi ông được thả ra sớm vì lúc đó ngài sống như đã chết, thương tật và yếu ớt. Nhưng may sau, ông lại hồi sinh với đời.

Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo nhà nước, hay được người dân gọi là Phật giáo quốc doanh, được thành lập, các chuỗi kế hoạch nhằm xóa sổ các nhân sĩ, tăng già diễn ra quyết liệt. Trước tháng 9/1988, ngày mà nhà nước cộng sản Việt Nam kết án tử hình với các ngài Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… đã có hàng loạt các cuộc bắt bớ, tra tấn và ép cung để ngụy tạo chứng cứ Giáo hội Phật giáo Thống nhất âm mưu lật đổ chính quyền. Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một trong những đích ngắm cho việc tra tấn, ép cung như vậy. Có lẽ những kẻ chủ mưu thấy sự hiền lành và cam chịu của ngài là một yếu tố dễ hoàn thành hồ sơ. Thế nhưng nhiều tháng liền, với hình thức tra tấn hàng đêm, treo đèn cao áp cách đầu có vài mươi phân, đánh đập để buộc nhận rằng Giáo hội Phật giáo Thống Nhất có tàng trữ vũ khí, âm mưu liên kết các nhóm phục quốc để lật đổ chính quyền cộng sản, hòa thượng Thích Thanh Tịnh vẫn nhất định không chịu khai gian. Dẫn đến khi ngài được trả tự do, mắt đã lòa, mọi hoạt động cần đến hệ thống thần kinh đều khó khăn.

Chỉ mới mùa thu năm ngoái, khi ngồi nắm tay Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, hỏi về chuyện xưa, ông gật, và nói bằng tiếng nói đã bị vặn vẹo không rõ do trải qua quá nhiều cơn thập tử nhất sinh “Đúng rồi, con”. Ông hướng đôi mắt nhìn về một khoảng xa xăm nào đó của ký ức, rồi nói “buồn lắm”. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy những vết hằn, mà tôi tự hỏi không biết là tuổi già hay những khổ nạn đã khắc dấu muôn lối trên mặt ông.   

Chỉ thị số 20 của ông Lê Duẩn, dù được ký từ năm 1960, với sự thù ghét tôn giáo và chủ trương tiêu diệt tín ngưỡng, nhưng vẫn là tinh thần nòng cốt của các hoạt động thanh trừng, tiêu diệt sau 1975. Chùa chiền bị tịch thu, kinh sách bị đốt, các hòa thượng như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ bị bắt giam, những người bất phục như Tuệ Sỹ thì bị tuyên án tử hình. Tương tự như hòa thượng Thích Thanh Tịnh, nhưng kém may mắn hơn là hòa thượng Thích Thiện Minh, đã bị tra tấn đến chết tại Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, nay là Bộ Công An. Ông Đỗ Trung Hiếu, người nhận nhiệm vụ giải quyết số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, theo lệnh của Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân Vận, vì không chịu nổi gánh nặng này nên về sau, năm 1994, đã kể lại mọi thứ trong cuốn “Thống Nhất Phật Giáo” của ông ta.

Như các hòa thượng Thích Quảng Độ hay Thích Không Tánh, việc không có một mảnh giấy tờ tùy thân nào để chứng minh mình là một công dân trên đất Việt, cũng là tình trạng của hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Viện vào các chi tiết pháp lý để gây khó, để không cấp cho bất kỳ loại giấy tờ nào cho việc an sinh, vốn vẫn thường thấy ở các hệ thống chính quyền địa phương lẫn trung ương, như một cách trả thù hèn mọn luôn dành cho các vị hòa thượng của Phật giáo không muốn bị thế quyền giam cầm tinh thần.

Ngày hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch, việc chứng tử cho ngài khởi đầu đã gặp không ít khó khăn do toàn bộ chính quyền địa phương nơi chùa Phước Bửu từ chối, bởi ngài không được cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi bị đẩy ra khỏi nhà giam với tình trạng thoi thóp.

Những lúc ngồi hầu chuyện hòa thượng Thích Thanh Tịnh, ông hay rơi nước mắt, và cười khi nghe kể về bạn bè, ngày xưa, và cuộc đời khi chưa phải qua kiếp nạn cộng sản. Tôi cứ hay nghĩ về một con người dễ mềm lòng và yếu đuối như vậy, sao lại có thể chịu đựng ngày qua ngày, vô vọng với những đòn tra tấn tàn bạo như vậy mà không ngã quỵ.

Buổi chiều lần cuối cùng gặp ngài, sau khi ngồi một lúc lâu im lặng ngắm nhìn, tôi từ biệt ra về. Chợt ông nắm tay tôi, hỏi “cộng sản còn ác với dân không con?”. Không phải ông, mà tôi, nước mắt cứ chảy xuống, mà tôi sợ ông biết.

Tôi cứ định viết về ông, và những lần gặp mặt hữu duyên đó, nhưng không kịp. Khi nghe tin ông mất, thì chỉ còn biết viết vài dòng, kể lại những gì mình biết về hòa thượng Thích Thanh Tịnh như một lạy chào. Mà không chỉ lạy riêng ông, còn là lạy một phần lịch sử và khổ nạn của đất Việt, người Việt đã bước qua những chương bất khả tư nghị không bao giờ cũ.


------------------------------------------

XEM THÊM
.
.
Ỷ Lan, Phóng viên RFA, Paris
2015-04-27
.
Võ Văn Ái
Gửi cho BBC từ Paris, Pháp
19 tháng 4 2015
.
27/03/2019






PALESTINE 🇵🇸 & ISRAEL 🇮🇱 (Mai Vũ Phạm)





Hôm nay, Trump vừa tuyên bố Peace Plan (Kế sách Hòa bình giữa Palestine 🇵🇸 & Israel 🇮🇱 ) với thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tại Nhà Trắng.

Không thể không nhắc đến “thành tích” của hai nhân vật này: Trump - Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, tiếp Netanyahu - thủ tướng Israel ĐẦU TIÊN bị bộ Tư pháp buộc tội gian lận, bội tín, hối lộ, và lừa đảo. Một số người cho rằng, Peace Plan này chỉ là một màn kịch chính trị, được cả Trump và Netanyahu vẽ ra, để kéo sự chú ý của những người ủng hộ họ khỏi những bê bối chính trị mà cả hai đang đối mặt.

“Peace Plan” của Trump kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine, nhưng kế hoạch này không đạt được yêu cầu tối thiểu của người Palestine, cũng như vẫn cho phép Israel chiếm giữ phần lớn khu vực West Bank. (Yêu cầu tối thiểu của Palestine là sở hữu lại phần đất ở West Bank và phía đông Jerusalem vốn bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 để trở thành một quốc gia độc lập). Kế hoạch này cũng được cho là áp đặt với Palestine vì phía Palestine đã KHÔNG được mời tham dự.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lập tức bác bỏ kế hoạch này: “Chúng tôi nói 1.000 tiếng KHÔNG” với kế hoạch này. “Chúng tôi sẽ không quỳ xuống và sẽ không đầu hàng. Người Palestine sẽ chống lại kế hoạch này bằng các phương tiện ôn hòa và phổ biến”.

Hàng ngàn người Palestine đã biểu tình tại Gaza trước tuyên bố của Trump, đốt những bức ảnh của Trump và Netanyahu, cũng như giương cao biểu ngữ “Palestine không phải để bán.”


LỊCH SỬ XUNG ĐỘT PALESTINE & ISRAEL

Mặc dù cả người Do Thái và người Hồi giáo Ả Rập đều có những yêu sách đối với vùng đất vài nghìn năm lịch sử, nhưng cuộc xung đột chính trị giữa Palestine & Israel bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, cụ thể là qua hai cuộc chiến tranh năm 1947 & 1967. Từ năm 1896 đến 1948, hàng trăm ngàn người Do Thái tái định cư từ châu Âu đến vùng Palestine do Anh kiểm soát.

Nhiều người Ả Rập đã xem dòng người Do Thái lúc đó là một phong trào thuộc địa của châu Âu, và hai dân tộc đã chiến đấu rất dữ dội và đẫm máu. Nước Anh không thể kiểm soát bạo lực, nên đã giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel thông qua LHQ.

Hình trong post này bao gồm 4 bản đồ nhỏ mô tả chi tiết vùng đất thuộc sở hữu của Palestine & Israel thay đổi theo giời gian.

Nguồn Canadians for Justice and Peace in the Middle East https://www.cjpme.org/maps

** Bản đồ 1: Sau Thế chiến II, 6% đất đai thuộc quyền sở hữu của Israel và 94% thuộc sở hữu của Palestine.

** Bản đồ 2: Kế hoạch phân vùng (UN Partition Plan) của Liên hợp quốc năm 1947 đã phân bổ 53% đất đai cho Israel và 47% đất đai cho Palestine. Vào thời điểm này, người Do Thái chỉ chiếm 33% dân số Israel-Palestine. Các nước phương Tây đã bỏ phiếu ủng hộ Kế hoạch này, trong khi hầu hết các nước châu Á và châu Phi đã bỏ phiếu chống lại nó.

** Bản đồ 3: Trong cuộc chiến năm 1948 với Palestine, Israel đã đánh bại Palestine và đồng minh, chiếm giữ một lượng lớn đất đai ở Palestine. Ít nhất 700.000 người Palestine đã trở thành người tị nạn trong khoảng thời gian 1947-1949, nhưng Israel chưa bao giờ cho phép họ được trở về Palestine. Trong cuộc chiến năm 1967, Israel xâm chiếm West Bank và Gaza, và đã kiểm soát các khu vực này kể từ đó.

Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án hành động không cho phép người tị nạn Palestine quay trở về quê hương: https://www.amnesty.org/…/israels-refusal-to-grant-palesti…/

** Bản đồ 4 – HIỆN TẠI: Với sự chiếm đóng quân sự ở West Bank, Israel tiếp tục chiếm, tịch thu đất của người Palestine. Người Palestine bị tách khỏi nơi sinh sống, trường học, dịch vụ y tế và các cộng đồng Palestine lân cận. Một số người gọi điều này “ma trận kiểm soát” của Israel.

Ngày 30/3 được người Palestine chọn là “Land Day” để tưởng nhớ ngày bị Israel dùng vũ lực chiếm đất. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, vào ngày “Land Day” đầu tiên tổ chức năm 1976, công dân Palestine sinh sống tại Israel đã biểu tình phản đối chính phủ Israel, tước quyền sở hữu 2.000 ha đất xung quanh các ngôi làng của người Palestine ở Galilee. 6 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương khi lực lượng Israel đè bẹp các cuộc biểu tình.

Các quốc gia không theo đạo Hồi đều công nhận tính chính đáng của Israel và duy trì quan hệ ngoại giao với nước này. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ trích cách Israel đối xử với người Palestine và chiếm đóng West Bank. Dư luận nhiều nơi nhìn chung có thiện cảm hơn với số phận “không tổ quốc” của người Palestine.

Có thể nói quan điểm của nhiều người trên thế giới đối với Israel là không thiện cảm. Theo thăm dò gần đây của BBC, Israel là một trong những quốc gia bị ghét nhiều nhất (bị ghét hơn cả Bắc Hàn).



Nguyên nhân chính là do sự chiếm đóng liên tục của Israel ở vùng West Bank. Phần lớn cho rằng việc Israel tiếp tục kiểm soát West Bank (Bờ Tây) là một sự chiếm đóng quân sự bất hợp pháp và vi phạm Công ước Geneva (Fourth Geneva convention). Mặc dù quan điểm này được hậu thuẫn bởi hầu hết các học giả pháp lý, nhưng tất nhiên Israel và thân hữu phản đối quan điểm này.

mvp