Sunday, April 30, 2023

CHẾT KHÔNG NHẮM MẮT (Tưởng Năng Tiến)

 



Chết không nhắm mắt   

Tưởng Năng Tiến

30/04/2023

https://www.danchimviet.info/s-t-t-d-tuo%cc%89ng-nang-tien-chet-khong-nham-mat-6/04/2023/28685/

 

Tôi tình cờ “nhặt” trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông “chớp” được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ.

 

HÌNH : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/Obraz1-9.png

 

Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của FB Nguyễn Hoàng : “Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi.”

 

Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.

 

Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc/Nam đã được “nối vòng tay lớn” – theo như cách nói của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất “toả khói trắng hai bên đường,” những đám “trẻ thơ đi hát đồng dao” khắp ngõ, và “mọi người ra phố mời rao nụ cười.”

 

Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người cùng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày “Nam/Bắc hoà lời ca” thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt.

 

Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về :

 

“Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ … ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là … họ được quy là công thần gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác.” (Vi Đức Hồi – Đối Mặt, Chương II).

 

Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao?

 

“Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường.” (Tô Hoài. Chiều Chiều. Phương Nam, Hà Nội: 2014).

 

Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại mà trải chiếu “đéo nhau huỳnh huỵch” thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng.”

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/Obraz2-9.png

Ảnh : Hà Nội Mới

 

Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh (“từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn VN, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học”) đến cuối đời cũng đành chép miệng : “Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút Đời Người. Phương Nam, Hà Nội: 2002).

 

Vâng, đúng thế. Còn sống là “may mắn hơn khối người” rồi!

 

Theo thống kê (chắc không khả tín) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm :

 

“Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.”

 

Có bà bị lọt sổ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online :

 

“Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.

 

Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)… Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

 

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” – bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”

 

Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH TP.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!

 

HÌNH : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/04/Obraz3-6.png

           Ảnh : PNVN

 

Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ “chui rúc” ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế :

 

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…

 

Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.

 

Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày.

 

Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.

 

Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về giấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi :

 

– Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đứa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001).

 

Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.

 

Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!






1954 ĐẾN 2005 : "50 NĂM DI CƯ - 30 NĂM DI TẢN" (Trần Giao Thủy)

 



 

1954 đến 2005: “50 năm Di cư — 30 năm Di tản”

Trần Giao Thủy

POSTED ON APRIL 29, 2023   

https://dcvonline.net/2023/04/29/1954-den-2005-50-nam-30-nam-di-tan/

 

Hãy cùng nhau nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam không ai có thể chối bỏ, xóa bỏ, hay tránh né vì lịch sử không thể và không chỉ do bên thắng cuộc viết lại. Lịch sử không bao giờ quên.

 

Mùa Hè năm 2005, Cơ sở Truyền Thông Commmunications đã phát hành CD/DVD “50-30” hay “50 năm – 30 năm Di tản”; Trần Giao Thủy, Chủ biên Truyền Thông Số 16, thu thập hình ảnh và biên tập. Sau đây là Lời bạt do Chủ nhiệm Cơ sở Truyền Thông viết cho tài liệu hình ảnh “50 năm – 30 năm Di tản”.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/04/DVD50-30.jpg

CD/DVD “50 năm Di cư– 30 năm Di tản”.

 

 

Lời bạt

 

Văn học Trung Hoa có áng thơ Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm (365-427) kể truyện một người đánh cá đất Vũ Lăng, đời nhà Tấn, ngược dòng suối đỏ cánh hoa đào, qua một hang hẹp, tới một thung lũng có nhà cửa khang trang có ruộng tốt so sâu, có bóng trúc, có vườn dâu, tiếng gà kêu, tiếng chó sủa đều nghe rõ. Dân tình sung túc, giả trẻ, đàn ông đàn bà đều hớn hở vui vẻ. Hỏi ra mới hay là đám người này chạy trốn nạn Tần Thủy Hoàng, đốt sách, chôn học trò mà tới đất này sinh sống, cách biệt hẳn với người bên ngoài, khiến không còn biết là đất nước, đã qua ba triều Hán, Ngụy, và Tần. Họ vẫn giữ tục lệ cũ, quần áo kiểu xưa. Họ mời người đánh cá về nha khoản đãi. Nghe người đánh cá kể lại mọi chuyện thay đổi bên ngoài, họ tỏ vẻ đau xót mà thở than. Ngày người đanh cá trở ra về, họ dặn người đánh cá đừng kể cho người ngoài hay chuyện họ tại đất nguồn đào này, Về tới nhà, người đánh cá trình quan, kể lại sự tình. Quan cho đi tìm đất nguồn đào nhưng không kiếm ra.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2018/08/phamhuutrac1-1-200x250.jpg

Phạm Hữu Trác (1934-2018)

 

Người Việt Nam, theo sử cổ, vốn sinh sống ở trung tâm đất Trung Hoa ngày nay, Nhưng vì chữ tự do, không muốn bị đồng hóa với người Hán mà di tản về phương nam, để giữ gìn truyền thống ông cha cùng tiếng mẹ đẻ. Năm 1954, nhờ chữ ký của Chu Ân Lai, người cộng sản làm chủ miền Bắc đất nước Việt Nam, không những chỉ đốt sách, giết dân mà họ còn phá hủy chùa chiền, nhà thờ, khiến một triệu người, đa số là người nghèo khổ, theo gương người xưa, bỏ làng mạc nhà cửa di cư vào Nam tìm tự do. Hai mươi nắm sau, 1975, một lần nữa, nhờ biến chuyển cục diện chính trị thế giới, , người cộng sản đã nhân cơ hội tiến chiếm miền Nam. Một lần nữa người Việt Nam tự do lại bỏ làng mạc đất nước ra đi. Đa số vẫn là người dân nghèo khó, không ngại nguy hiểm, vượt biên, vượt biển tìm đất sống tự do mới. Cuộc vượt biển di tản của người Việt Nam này như những nhát búa đầu tiên góp phần đập đổ bức tường ô nhục Bá Linh, mà trước đó người dân Ba Lan, Hung Gia Lợi, và Tiệp Khắc đã hy sinh mà chưa thành công.

 

Giữ lại chút hình ảnh về hai cuộc di cư 1954-1955 và cuộc di tản sau 1975 là mục tiêu và chủ đề của Truyền Thông số 16.

 

                                                            *

 

“50-30” hay “50 năm – 30 năm Di tản” là tập hợp một số hình ảnh tiêu biểu của cuộc Di cư 1954-1955 từ Bắc vào Nam của gần 1 triệu người đã phải rời bỏ xóm làng vì chế độ cộng sản, và của cuộc Di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam sau 30 tháng 4, 1954, một lần nữa cũng vì hai chữ tự do.

 

Phần nhạc trình bầy trong CD/DVD “50-30” là ba ca khúc Nỗi lòng người đi — Anh Bằng (1954-1965), Sài Gòn niềm nhớ không tên — Nguyễn Đình Toàn (1979), Hướng về Hà Nội — Hoàng Dương (1953) qua giọng hát của ca sĩ Mưa Thủy Tinh, một người tị nạn cộng sản trở thành công dân Canada tại Montréal, Québec, Canada.

 

Tháng 4, 2023, DCVOnline phát hành YouTube “50-30”, bổ túc thêm một số hình ảnh và phim về  Cuộc Di cư 1954-1955 và cuộc Di tản sau 1975 — hai cuộc di cư, đổi đời lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

 

Hãy cùng nhau nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam không ai có thể chối bỏ, xóa bỏ, hay tránh né vì lịch sử không thể và không chỉ do bên thắng cuộc viết lại. Lịch sử không bao giờ quên.

 

1954 đến 2005: 50 năm Di cư, 30 năm Di tản. DCVOnline  

https://www.youtube.com/watch?v=cWhEo_ueET8

 

© 2023 DCVOnline

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: CD/DVD “50-30”, Cơ sở Truyền Thông Commmunications, Số 16, Hè 2005.







GS VŨ TƯỜNG : VIỆT NAM CỘNG HÒA CHỈ THUA VỀ QUÂN SỰ, NHƯNG "THẮNG HẦU HẾT" CÁC LĨNH VỰC KHÁC (Quốc Phương, RFA)

 


GS Vũ Tường: VNCH chỉ thua về quân sự nhưng "thắng hầu hết" các lĩnh vực khác

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html/@@images/a6889cc6-fa4b-4173-85b0-a0f90a124fa1.jpeg

Cuốn sách "Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975 - Những Góc Nhìn của người Việt Nam về Xây dựng Đất nước" (tạm dịch), do Tường Vũ và Sean Fear chủ biên, Xuất bản của Chương trình Đông Nam Á, một ấn phẩm của NXB Đại học Cornell, Ithaca & London, in tại Hoa Kỳ, năm 2019. Quốc Nguyễn/ RFA

 

Nhìn lại 48 năm biến cố lịch sử 30/4/1975, có thể thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa chỉ thua về mặt quân sự nhưng đã “thắng hầu hết” trên các lĩnh vực khác; và di sản của Việt Nam Cộng Hòa mặc dù qua năm thập niên bị đàn áp, vẫn trường tồn và phát triển, đó là ý kiến của một học giả chuyên về khoa học chính trị nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa từ Mỹ.

 

“Có thể thất bại về mặt quân sự, nhưng rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng phe Cộng Sản Bắc Việt trên hầu hết các mặt trận khác, và thất bại về mặt quân sự cuối cùng đó mặc dù vậy, chỉ là một thất bại trên mặt quân sự mà thôi,” nhà nghiên cứu chính trị học, Giáo sư Vũ Tường, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon của Hoa Kỳ trong dịp này nói với Đài Á Châu Tự Do.

 

“Qua sự nghiên cứu về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, nghệ thuật v.v…, chúng tôi thấy câu hỏi phải đặt ra là tại sao Việt Nam Cộng Hòa lại chiến thắng về những mặt đó?

Tức là tất cả những mặt đó, Việt Nam Cộng Hòa đều hơn phe cộng sản cả, và di sản của Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn đang phát triển, mặc dù sau bao nhiêu năm bị đàn áp, như vậy câu hỏi đã hoàn toàn lật ngược lại.”

 

Câu hỏi mới mở ra cách nhìn mới 

 

Theo Giáo sư Vũ Tường, người cũng được biết tới là đồng chủ biên của nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu, biên khảo về chính trị Đông Nam Á, Chiến tranh Lạnh ở Châu Á, Việt Nam Cộng hòa (1955-1975), chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam, chính trị và kinh tế Việt Nam đương đại, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt v.v…, đây là cách nhìn mới trong giới nghiên cứu Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa học ở Mỹ hiện nay, ông cho biết:

 

“Cách nhìn mới này đã dẫn đến câu trả lời hoàn toàn khác so với cách nhìn cũ, bởi vì nếu không có cách nhìn mới, mà cứ nhìn vào cách nhìn cũ thì sẽ chỉ nói rằng: ‘Ồ, rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa đã thua trong trận 30/4/1975, dẫn tới mất nước’.

Cách nhìn như thế thì còn gì phải bàn cãi nữa, và cứ xoay đi xoay lại thì kết cục thua quân sự là một kết cục rồi, thành ra câu hỏi tiếp tục sẽ đi tới là ‘Ồ, thua, nhưng thua theo kiểu nào?’

Còn bây giờ, chúng ta đặt câu hỏi với cách nhìn mới, không phải tập trung vào mặt quân sự, mà tập trung vào những khía cạnh khác, thì rõ ràng là Việt Nam Cộng Hòa không thua, mà còn thắng nữa. Thành ra câu hỏi này dẫn đến một sự thay đổi hoàn toàn!”

 

Về những lĩnh vực được cho là ưu thắng này của Việt Nam Cộng Hòa so với phe Cộng sản Bắc Việt, như một di sản lịch sử để lại mà vẫn còn có giá trị cho ngày nay cũng như cho tương lai, Giáo sư Vũ Tường nói:

 

“Hãy nói về từng mặt một, thứ nhất về chính trị, Hiến pháp 1967 là Hiến pháp dân chủ, tự do nhất của Việt Nam từ trước đến nay, hơn cả Hiến pháp 1946 nữa.

 

Và Hiến pháp đó thực sự là kết quả của một quá trình tranh đấu rất khó khăn, từ thời chống thực dân cho đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những đảng phái, những phong trào tôn giáo, những phong trào sinh viên v.v… chống lại chế độ và gia đình ông Ngô Đình Diệm và sau đó chống lại các tướng lãnh, như là tướng Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Cao Kỳ v.v…, thành ra mới ra được Hiến pháp đó, bản Hiến pháp đó để lại một văn bản mà chúng ta cần nghiên cứu để hiểu thêm; và Hiến pháp đó thực sự được thi hành, chứ không phải chỉ là mấy tờ giấy thôi, mà nó thực sự được thi hành trong những năm sau đó. 

 

Và nó có sức sống tương đối là mạnh, mặc dù cuối cùng nó thất bại cùng với cái chết của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nó để lại một tài liệu rất quan trọng, để cho chúng ta có thể nghĩ là trong tương lai, nếu Việt Nam muốn hướng đến dân chủ, mà thực ra dân chủ này không phải là do phương Tây áp đặt, mà dân chủ này rõ ràng chúng ta thấy là những tranh đấu của những phong trào, đảng phái mà nhờ đó có được, thành ra dân chủ đó là dân chủ thực sự, là nguyện vọng của dân chúng, chứ không phải do nước ngoài áp đặt; và trong tương lai, khi Việt Nam có được điều này, Việt Nam có thể học hỏi từ những thành công hay thất bại của Hiến pháp đó, vì Hiến pháp đó không phải hoàn toàn hoàn thiện, hay toàn bích gì cả.

 

Bởi vì Hiến pháp nào, như Hiến pháp Mỹ, cũng vậy thôi, nó là văn kiện phản ánh thế lực chính trị, quan điểm chính trị của thời điểm được soạn thảo, thành ra đương nhiên, nó là Hiến pháp dân chủ và tự do nhất trong lịch sử của Việt Nam, nhưng nó cũng có những điểm yếu mà chúng ta có thể tham khảo để mà sửa đổi, v.v… đó là về mặt chính trị.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html/ap7504280335.jpg/@@images/71c29e65-4761-4dec-a4b7-0f892513f4db.jpeg

Phiên họp hỗn hợp của Quốc hội miền Nam Việt Nam biểu quyết vào Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 1975 để yêu cầu Tổng thống Trần Văn Hương chuyển giao chức vụ của mình cho Tướng Dương Văn Minh. Ảnh: AP/Errington

 

Rất nhiều chính sách, kinh nghiệm, bài học hữu ích

 

Theo Giáo sư Vũ Tường, tác giả của cuốn sách được nhiều người trong giới nghiên cứu biết tới là cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ (tạm dịch: ‘Những con đường phát triển ở Châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia’ do Nhà xuất bản Cambridge xuất bản năm 2010), về mặt kinh tế Việt Nam Cộng Hòa cũng có nhiều chính sách phát triển kinh tế rất tốt, ông nói:

 

“Mặc dù ngày nay nó không còn được thích hợp lắm do quy mô kinh tế của Việt Nam đã phát triển lớn hơn nhiều và thời đại kinh tế cũng thay đổi, nhưng cũng vẫn còn có những bài học về kinh tế có giá trị, như là quản lý khu vực tư, về quản lý những cơ sở kinh doanh của người Hoa, về quản lý đất đai v.v…

 

Nó là những bài học còn rất giá trị với Việt Nam hôm nay, chúng ta thấy ở Việt Nam ngày nay có những vụ xung đột, như là vụ xung đột đẫm máu ở Đồng Tâm chẳng hạn, cái đó có thể tránh được, nếu như chế độ quản lý ruộng đất tốt đẹp hơn, đó là về kinh tế và quản lý xã hội.”

 

Nhìn sang một số lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, nghệ thuật v.v…, thì những ưu thắng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa theo sử gia Vũ Tường là hiển nhiên, ông nói:

 

“Những mặt đó thì chúng ta thấy là quá rõ rồi, và cũng đã có nhiều người nói đến, đó là chính sách tự do cho văn, nghệ sỹ được tự do sáng tác, đặc biệt dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, và được tự do tiếp cận và du nhập các trường phái tư tưởng văn hóa, nghệ thuật từ nước ngoài. 

 

Kể cả tôn giáo v.v…, kể cả những xu hướng mà chính quyền không ưa thích, nhưng vẫn được thoải mái tiếp nhận và sáng tạo, nhờ đó mới phát huy được văn học, nghệ thuật của nước nhà, còn nhiều khía cạnh khác nữa mà có thể nói đến.”

 

Về một lĩnh vực mà Việt Nam Cộng Hòa cũng được cho là đã đạt được trình độ phát triển ưu so với chế độ ở miền Bắc cộng sản, đó là về dân chủ pháp trị và xây dựng nhà nước trên nền tảng này, Giáo sư Vũ Tường nói:

 

“Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một quá trình dài, nó chưa có được kết quả rõ ràng như là Hiến pháp 1967, nhưng hệ thống tòa án ở miền Nam Việt Nam tương đối độc lập với chính quyền và có khả năng đưa ra những phán quyết mà ngược lại với chính quyền. Ví dụ như vụ chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt ông Trần Ngọc Châu chẳng hạn, mà đã bị Tòa án tối cao của miền Nam Cộng Hòa phủ quyết v.v… Đó là những thí dụ, mặc dù nó không phải là nhiều, vì trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng nó cho thấy đã có nhiều kinh nghiệm thực tế trong xây dựng nhà nước pháp quyền, mà thực ra hồi đó người ta gọi là pháp trị, tức là quyền cai trị của pháp luật trên cả nhà nước.” 

 

Ông Trần Ngọc Châu là Tổng thư ký Hạ viện Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1968-1969 và là một người tích cực chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo một bài báo của tờ Washington Post vào năm 2020 cho biết, ông Châu bị bắt vào năm 1970 vì “những hoạt động có lợi ích cho Cộng sản.”

 

Ông bị kết án 10 năm tù giam trong một phiên tòa quân sự, mặc dù sau đó Tối cao Pháp viện miền Nam phán quyết rằng phiên tòa đã vi hiến và hủy bỏ bản án của ông, ông Châu vẫn phải ở tù bốn năm trước khi được thả ra để quản thúc tại gia.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/professor-vu-tuong-the-republic-of-vietnam-lost-only-militarily-but-won-most-in-other-areas-04302023105918.html/ap281077562598.jpg/@@images/08252bf1-4238-42e6-838e-4338f23b2cd1.jpeg

Cảnh sát Quốc gia và thường phục xô đẩy các nhà báo nước ngoài từ một hành lang đông đúc bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Sài Gòn, nơi Tổng thư ký Hạ viện Trần Ngọc Châu đợi cảnh sát đến bắt ông sau khi ông bị tòa án quân sự kết án về tội hoạt động thân Cộng, ngày 26 tháng 2, 1970. Ảnh: AP/Nick Út

 

Kế hoạch nghiên cứu VNCH và quan hệ Việt – Mỹ tới đây

 

Nhân dịp này, Giáo sư Vũ Tường cũng chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về kế hoạch nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa trong nghiên cứu Việt Nam học giai đoạn cận, hiện đại tại Mỹ, ở nơi mà ông và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu và đào tạo, ông nói:

 

“Thứ nhất, chúng tôi vừa ra một số sách xong, thành ra còn trong giai đoạn quảng cáo sách; thứ hai, về mặt nghiên cứu chúng tôi đã có một số đề tài sắp tới mà chúng tôi tiếp tục hướng tới như nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống chính trị của nó, ví dụ nghiên cứu về Chủ nghĩa Tự do, tức là dịch của chữ ‘Liberalism’ của tiếng Anh.

 

Chủ nghĩa tự do đó trong thời Pháp nó đã có một ít ở Việt Nam, nhưng đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì nó mới phát triển mạnh và có những quan điểm mới về tự do, đặc biệt là tự do trong kinh tế, tự do trong văn hóa và tự do trong chính trị đa nguyên. 

 

Đây là những tư tưởng mà những nhà tư tưởng và những nhà hoạt động của Việt Nam Cộng Hòa đã du nhập từ phương Tây và họ còn đang trong quá trình sàng lọc thì quá trình đó chấm dứt và bị cộng sản thâu chiếm tất cả, và không cho nó phát triển nữa, nhưng mà hiện nay nó đang phát triển trở lại, thành ra xu hướng về chủ nghĩa tự do đó là một đề tài khá hứng thú.

 

Còn một số đề tài khác, chẳng hạn về kinh tế, chính sách người cày có ruộng là một chính sách rất hay và tiến bộ mà chúng ta có thể tham khảo, bên cạnh những chính sách khác.

Và đặc biệt, nhân dịp 50 năm đánh dấu kết thúc cuộc chiến Việt Nam, sắp tới đây, trước mắt vào tháng 10/2023, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về ‘50 năm cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhìn lại lịch sử và hướng tới tương lai’.

 

Hội thảo này sẽ là khá lớn, giống như hội thảo năm 2019 mà chúng tôi tổ chức, và sẽ có khoảng chừng 40-50 người chủ chốt tham gia, còn những người khác thì không kể, họ gồm có một nửa trong đó là những nhà hoạt động, các lãnh đạo trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

 

Chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc đối thoại và trình bày những quan điểm khác nhau để có thể đưa đến những suy nghĩ sâu sắc về sự hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, về những khó khăn đã gặp phải, những khó khăn trong tương lai, ví dụ như xung đột giữa những thế hệ với nhau, vấn đề về bảo tồn ký ức và di sản lịch sử. 

 

Tại vì một trong những mảng mà chúng tôi ở trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ ở Đại học Oregon nhắm vào là cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và chúng tôi cũng vừa xuất bản một cuốn sách về đề tài đó xong, dựa trên cuốn sách đó và dựa trên quan hệ của chúng tôi trong cộng đồng, chúng tôi hy vọng sẽ có được những cuộc thảo luận rất bổ ích trong cộng đồng, dựa trên đó chúng tôi có thể viết được những báo cáo và thu được tư liệu để làm một bộ phim tài liệu dựa trên những thảo luận và những vấn đề quan trọng trong cộng đồng.”

 

Hội thảo này theo Giáo sư Vũ Tường là một trong những hội thảo chính mà ông và các đồng nghiệp sắp tổ chức, có sự hợp tác của Viện Hòa Bình thuộc chính phủ Mỹ với Đại học Oregon, ngoài ra trong dịp đánh dấu quan hệ Việt – Mỹ sau 50 kết thúc chiến tranh, về kế hoạch tới đây mà ông đề cập cũng có một hội thảo quan trọng khác nữa:

 

“Sau đó, chúng tôi cũng dự định tổ chức một hội thảo về quan hệ Việt – Mỹ sau 50 năm, kể từ ngày 30/4/1975, khi mà cộng sản Việt Nam trở thành chủ nhân của cả đất nước Việt Nam, thì quan hệ đó rất là thù địch và trải qua một quá trình thù địch như vậy, nó trở nên bình thường hóa, và cho đến ngày nay nó vẫn còn có nhiều vấn đề mà hy vọng chúng tôi có thể đi sâu vào và có những nghiên cứu có giá trị về đề tài đó,” từ Hoa Kỳ, Giáo sư Vũ Tường nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp đánh dấu 48 năm biến cố lịch sử 30/4.

 

Giáo sư Vũ Tường hiện là Chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, ông bắt đầu nghiên cứu và giảng dạy tại khoa này với tư cách giảng viên từ năm 2008. Ông cũng từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời giảng dạy tại Trường Sau đại học Hải quân ở Monterey, California. Nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Vũ Tường liên quan chính trị học so sánh về hình thành và phát triển nhà nước, chủ nghĩa dân tộc và các cuộc cách mạng, đặc biệt tập trung vào Đông Á, cùng với một số quan tâm khác nữa như hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản và Đông Nam Á học.

 

 



CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM : 48 NĂM VẪN CẦM QUYỀN NHƯ "LỰC LƯỢNG CHIẾM ĐÓNG" (Quốc Phương, RFA)

 



Chính quyền VN: 48 năm vẫn cầm quyền như "lực lượng chiếm đóng"

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-48-years-still-wielding-power-as-an-occupying-force-04302023025314.html

 

Kể từ biến cố 30/4/1975, bốn mươi tám năm đã qua, thế nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn ứng xử với đất nước “như một lực lượng chiếm đóng”, theo một nhà phân tích chính trị và hoạt động dân chủ, đa nguyên từ châu Âu.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-48-years-still-wielding-power-as-an-occupying-force-04302023025314.html/@@images/ca6961ee-98fd-4d7b-8200-a128ff5cb59e.jpeg. AP

Lực lượng an ninh đặt bảng cấm quay phim, chụp hình ở gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong khi có cuộc biểu tình nhỏ chống Trung Quốc diễn ra ngày 18/5/2014.  AP

 

“Chính quyền cộng sản ứng xử như một lực lượng chiếm đóng, tất cả những chức vụ dù rất nhỏ như là phó phòng, như là hạ sỹ quan, đều chỉ dành cho người cộng sản,” từ Paris, Pháp quốc, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người từng làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức, Sài Gòn rồi giữ cương vị phụ tá Bộ trưởng kinh tế chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhị Cộng hòa với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30/4/1975, nói với đài Á Châu Tự Do tuần này trên quan điểm riêng, trong dịp nhìn lại và đánh dấu tròn 48 năm biến cố lịch sử đối với đất nước Việt Nam.

 

“Chúng ta đang có cả một thế hệ mới có kiến thức, hiểu biết, một thế hệ đã từ bỏ được di sản Khổng giáo để nhìn chính trị một cách đúng đắn như là một phương thức điều hành quốc gia mang lại phúc lợi cho người dân, một thế hệ rất là lớn.

Đảng cộng sản Việt Nam có bao nhiêu người? Tôi nghĩ rằng họ có 5 triệu đảng viên, nhưng mà thực ra, bỏ ra những vị đã về hưu rồi, thì còn lại khoảng 3 triệu đảng viên, họ là một thành phần rất là nhỏ. Nhưng mà họ chiếm lĩnh hết.

Vậy thì chúng ta có một thành phần trí thức trẻ có hiểu biết, đã rũ bỏ được văn hóa nhân sỹ của Khổng giáo, thành phần đó có kiến thức, có khả năng, rất nhiều anh em bây giờ đi du học tại Âu châu, hoặc du học tại Mỹ. Họ có những kiến thức dân chủ và tự do, nhưng họ bị gạt ra ngoài lề xã hội.”

 

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, thành viên sáng lập Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, một tổ chức tập hợp nhiều trí thức, nhân sỹ Việt Nam ở Pháp quốc, châu Âu và hải ngoại vốn có chủ trương vận động cho dân chủ và dân chủ hóa Việt Nam hậu 30/4/1975 bằng đường lối bất bạo động và trong tinh thần hòa giải dân tộc, đồng thời cổ súy cho các đối thoại chính trị đa nguyên, đưa ra một lời cảnh báo với chính quyền cộng sản Việt Nam ngày hôm nay, ông nói: 

 

“Những chức vụ dù nhỏ nhất cũng dành cho những người cộng sản, và tôi sợ rằng nếu đảng Cộng sản và những người cộng sản Việt Nam không ý thức được điều đó, nó có thể là một trái bom nổ chậm và không tránh khỏi thảm kịch đã xảy ra ở Romania, thảm kịch ở Indonesia.”

 

Tại Romania trước đây, chính phủ của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Romania khi đó, ông Nicolae Ceaușescu bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính vào tháng 12 năm 1989, theo trang Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia phiên bản tiếng Việt, mà trong biến cố đó, ông Ceaușescu và vợ là Elena đã trốn khỏi thủ đô bằng trực thăng, nhưng họ đã bị quân đội bắt giữ và bị kết án với hình phạt cao nhất bởi các lực lượng đảo chính trong cuộc cách mạng này.

 

Còn tại Indonesia trước đây, những vụ thanh trừng tại đây trong giai đoạn hai năm 1965-1966 được cho là một cuộc thanh trừng chống cộng sản, sau một cuộc đảo chính không thành ở thủ đô Jakarta mà sau này cuộc đảo chính này bị đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Indonesia (PKI). Và vẫn theo trang mạng Wikipedia phiên bản tiếng Việt, một ước tính được chấp nhận rộng rãi nhất là hơn nửa triệu người đã thiệt mạng. Các cuộc thanh trừng là một sự kiện quan trọng trong quá trình chuyển đổi các "trật tự mới" với đảng Cộng sản Indonesia (PKI) đã bị loại bỏ như là một lực lượng chính trị và các biến động dẫn đến các sự sụp đổ của Tổng thống Sukarno, và bắt đầu thời kỳ cầm quyền 30 năm của tổng thống Suharto.

 

Và ông Nguyễn Gia Kiểng, vẫn trên quan điểm cá nhân, nói tiếp:

 

“Điều đó là điều mà không ai muốn, bởi vì đất nước Việt Nam, trên cơ thể Việt Nam, đã có quá nhiều vết thương rồi, và chúng ta không có quyền tạo ra một vết thương nào mới nữa. 

Chúng ta phải cố gắng một mặt phải giảng giải để cho các anh em cộng sản hiểu rằng tương lai nào bắt buộc phải có đối với Việt Nam; và mặt khác, chúng ta cũng phải giải thích cho những người tự coi là nạn nhân của chế độ hiểu rằng nếu chúng ta tiếp tục trong tinh thần thù hận, chúng ta sẽ còn tiếp tục là nạn nhân nữa. Con đường và lối thoát duy nhất, là lối thoát của sự quảng đại, của tình cảm dân tộc, của tình anh em.”

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-48-years-still-wielding-power-as-an-occupying-force-04302023025314.html/sach-nguyen-gia-kieng.jpg/@@images/813ecff0-0476-4627-9d27-a12859cfcf36.jpeg

Cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn - Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới" của tác giả Nguyễn Gia Kiểng xuất bản tại Paris năm 2004 và cuốn "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai - Dự án chính trị dân chủ đa nguyên" do tác giả Nguyễn Gia Kiểng tham gia chấp bút, xuất bản và được in năm 2015 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Quốc Phương/RFA

 

Khi được hỏi liệu một lực lượng chính trị nào đó lâu nay cầm quyền và củng cố quyền lực đã nắm được đó qua suốt nhiều thập niên liên tục, có thể nào dễ dàng và tự nhiên hay là không, làm một sự thay đổi mà có thể hiểu theo cách Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng đã đề cập, hay gợi ý như trên ở Việt Nam, cựu thành viên nội các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho đến tận ngày 30/4/1975 và người đã từng có thời gian bị đi tù ‘học tập cải tạo’ dưới chính quyền cộng sản sau biến cố này, nói:

 

“Theo tôi, việc này dễ chứ không khó. Nếu chúng ta đọc lại chính những con số, những báo cáo của đảng Cộng sản Việt Nam, họ nói rằng trong 10 năm qua, họ đã kỷ luật 8.300 người về tội ‘tham nhũng’ mặc dù chiến dịch chống tham nhũng là một chiến dịch rất lớn, nhưng mà bên cạnh đó họ đã kỷ luật 25.000 người vì ‘suy thoái tư tưởng’, vì ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’.

Tức là tôi nghĩ rằng phong trào lớn nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay là phong trào hướng về dân chủ; và ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ chính là một cụm từ để chỉ những người có khuynh hướng dân chủ. 

Tôi nghĩ chống tự diễn biến, tự chuyển hóa sự thực là một điều vô lý. Một mặt thì kêu gọi ‘đổi mới’, chủ trương ‘đổi mới’, một mặt lại chống ‘diễn biến’. Đổi mới là gì? Đổi mới là tự diễn biến chứ còn là gì nữa?

Nhưng mà họ muốn đổi mới mà không thay đổi và họ luẩn quẩn ở trong sự bế tắc của chủ nghĩa Marx-Lenin mà ngày nay cả thế giới nhận định là không những là sai lầm, mà còn độc hại nữa.

Thành ra tôi nghĩ họ không thể ngăn cản phong trào và tâm lý tự diễn biến, tự chuyển hóa được đâu. Và trong số 25 ngàn người mà bị quy là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ đó, phải có những người trong đó mà có tư tưởng, tức là những người trung cao cấp mà như thế.

Tôi nghĩ ngày hôm nay, niềm tin, niềm lạc quan chính là tinh thần dân chủ và tình cảm dân tộc đã xâm nhập vào đảng Cộng sản Việt Nam, và có những anh em ở trong đảng cộng sản đã nhận ra được rằng tương lai của họ không phải là với đảng cộng sản, mà là với dân tộc.”

 

Khi được hỏi liệu Việt Nam nói chung tới nay đã sẵn sàng hay chưa cho một sự đổi thay, hay cải tổ triệt để thể chế chính trị - xã hội mà có thể được toàn xã hội và nhân dân cùng các giới kỳ vọng, mong đợi, ông Nguyễn Gia Kiểng nói:

 

“Để trả lời câu hỏi trên, tôi nghĩ rằng chúng ta nhìn vào vấn đề, chúng ta nhìn vào thực tại, nhìn vào những vụ án như là vụ xử mới đây xử 6 năm tù giam mà lại xử kín với một người như là Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, bởi vì anh bị cho là đả kích cố Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng hạn, nhìn vào đó, chúng ta thấy chế độ này còn tàn bạo, còn dữ dằn lắm.

Nhưng mà thực ra, nếu chúng ta bình tĩnh nghĩ lại, nhìn lại toàn cảnh của đất nước, chúng ta thấy rằng dân chủ hóa là không xa và tôi nghĩ hạn kỳ dân chủ hóa là tương đối gần. 

Tất cả vấn đề là tất cả chúng ta có quyết tâm hay không mà thôi, mà nếu chúng ta chủ trương phải dân chủ hóa trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng đường lối gạt bỏ tất cả những âm mưu, những ý tưởng về bạo lực, có thể hạn kỳ dân chủ sẽ rất là gần và không những chỉ là gần mà nó còn đẹp nữa,” ông Nguyễn Gia Kiểng nêu quan điểm với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng từ Lognes, thuộc Île-de-France, miền bắc nước Pháp trong dịp này.

 

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng sinh năm 1942 tại Thái Bình, miền Bắc Việt Nam, trong một gia đình mà cha và các chú bác đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, theo trang Wikipedia tiếng Việt. Năm 1954, ông di cư vào miền Nam cùng với gia đình. Nguyễn Gia Kiểng học hết trung học năm 1961 và được học bổng đi du học Pháp. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại trường École Centrale de Paris, ông học thêm cao học kinh tế rồi làm việc tại Pháp 5 năm và về nước năm 1973. Về nước, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức Sài Gòn rồi làm phụ tá Bộ trưởng kinh tế với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30/4/1975. 

 

Sau ngày này, ông bị đưa đi tập trung cải tạo trong hơn ba năm rồi được sử dụng làm chuyên viên dưới chế độ mới cho đến khi được đi Pháp do sự can thiệp của chính phủ Pháp năm 1982. Năm 1982, trở lại Pháp, Nguyễn Gia Kiểng hành nghề kỹ sư và doanh nhân. Ông trở thành Chủ tịch, Tổng giám đốc một công ty tư vấn cho đến khi nghỉ hưu năm 2005, để dành toàn thời gian cho hoạt động chính trị, trong đó ông có thành lập một tổ chức chủ trương đối thoại chính trị đa nguyên, bất bạo động, mang tên gọi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông là tác giả của cuốn sách chính luận bằng tiếng Việt “Tổ quốc ăn năn – Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới” (Paris, 2004), mà đã được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề “Whence… Whither… Viêtnam?). Năm 2015, ông cũng tham gia chấp bút một cuốn sách khác có tựa đề “Khai sáng kỷ nguyên thứ hai – Dự án chính trị dân chủ đa nguyên”.

 

 

 


48 NĂM SAU NGÀY 30/4 : CUỘC CHIẾN LẦN HAI ĐANG TỪ TRONG KÝ ỨC? (BBC News Tiếng Việt)

 



48 năm sau ngày 30/4: Cuộc chiến lần hai đang từ trong ký ức?

BBC News Tiếng Việt 

30 tháng 4 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9rxkvlevqxo

 

BBC News Tiếng Việt hôm nay trao đổi với Giáo sư Nguyễn Xuân ThuGiáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hai cựu thuyền nhân đang sống tại Úc về vấn đề hòa giải dân tộc, 48 năm sau ngày 30/04/1975.

 

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu và Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đều có những đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục tại Việt Nam và ở nước ngoài sau một quá trình gian nan với tư cách một thuyền nhân Việt Nam đến Úc.

 

Nhìn lại sau 48 năm, nhiều tiếng nói đối lập ở Việt Nam vẫn bị 'bịt miệng' với Điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Một số nhà quan sát xem Việt Nam như một quốc gia 'xuất khẩu tù nhân chính trị' khi nhân quyền mang yếu tố đổi chác trên bàn cờ ngoại giao với các cường quốc.

 

Báo chí Việt Nam tránh né câu chuyện thuyền nhân của diễn viên Quan Kế Huy trên sân khấu Oscars 2023.

 

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời, hay nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino-Del-Duca 2023 vắng bóng trên truyền thông trong nước là những câu chuyện mới nhất cho thấy vết thương này vẫn tiếp tục 'rỉ máu' sau 48 năm.

 

30/04: Việt Nam hoà giải chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?

Bình luận: Mỹ bế tắc trong nghị trình nhân quyền với Việt Nam

 

'Phải làm lành vết thương'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/e950/live/aaca9d60-e73d-11ed-aff1-ef7ffc727e0e.jpg

Từng là một thuyền nhân vào năm 1980, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu không thể quên chuyến hải trình giông bão từ Rạch Giá (Kiên Giang) để đến trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào giữa tháng 7/1980

 

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu, 88 tuổi hiện đang sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc.

Ông đặc biệt được nhớ đến với những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam như giúp RMIT mở đại học tại Việt Nam, thành lập Quỹ học bổng Việt Nam (Vietnam Scholarship Foundation)...

 

Ngày 27/5/1975, một tháng sau ngày chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo sư Xuân Thu theo những "ngụy quân", "ngụy quyền" khác lên đường đi học tập cải tạo tại trại cải tạo Long Thành, với "Công việc chủ yếu hàng ngày của chúng tôi là học tập chính trị. Những bài học thường nêu lên tội ác của Mỹ, Ngụy đối với nhân dân, Mỹ không có sức mạnh đáng kể... Đó là những bài học hết sức đau đầu và sau những bài học như thế chúng tôi được yêu cầu phải viết những bài "thu hoạch". Ngoài ra, điều khó khăn nhất của chúng tôi là phải viết đi viết lại các bản "Tự khai báo", tố cáo và lên án tội ác đối với Cách mạng, với nhân dân của tất cả những ai, kể cả ông bà, cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè và cả chính bản thân mình", ông nhớ lại.

 

Từng là một thuyền nhân vào năm 1980, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu không thể quên chuyến hải trình giông bão từ Rạch Giá (Kiên Giang) để đến trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào giữa tháng 7/1980.

 

"Trong lúc thời tiết đang có bão, tôi liều chết lại vượt biên lần thứ hai. Sáng ấy tôi ra khỏi nhà trong lúc các con của tôi còn đang ngủ. Lần này tôi cũng xuất phát từ Rạch Giá. Sau ba ngày và bốn đêm lênh đênh trên biển, con tàu nhỏ chở 63 người chúng tôi may mắn cập bến tại một tỉnh ở phía Nam của Thái Lan, cách trại tị nạn Songkhla của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc khoảng một giờ lái xe.

 

Trong thời gian trên biển, chiếc thuyền của chúng tôi bị cướp biển người Thái Lan đến lục soát, lấy tiền của, vàng bạc năm lần. Nhưng may mắn là đàn bà con gái không bị hãm hiếp như nhiều con tàu khác."

 

Và ông không bao giờ quên được hình ảnh của mình cách đây 43 năm.

 

"Chúng tôi được đưa đến trại tị nạn Songkla lúc ấy khoảng giữa trưa, trời nắng nóng. Chúng tôi bị các trại viên trong trại đến bao vây thăm hỏi. Trong người tôi lúc ấy chỉ vỏn vẹn mặc một chiếc áo thun và một cái quần xà lỏng và trên tay chỉ cầm một cái túi nhỏ đựng kem dánh răng và một vài cái quần lót. Đó là tất cả gia tài của tôi mang theo trên con đường tị nạn và một ý chí quyết sống để lo cho vợ và năm đứa con của tôi còn ở lại quê nhà."

 

Về trại tị nạn Songkhla, Giáo sư Xuân Thu mô tả "Từ ngày ra đời làm việc tôi chưa bao giờ phải chung đụng với đủ hạng người và nhiều vấn đề quá phức tạp như tại trại tị nạn Songkhla."

 

"Nhiều người vì tư thù hay ganh tị tố cáo nhau lên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, hoặc trực tiếp nộp đơn lên các phái đoàn xét hồ sơ định cư. Bản thân tôi cũng bị tố cáo là cộng sản."

 

30/04 nghĩ về hoà giải và tự do tư tưởng

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/89f4/live/b727db50-e73c-11ed-a142-ab0e42bfd9c3.jpg

Cảnh một gia đình thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào tháng 10/1981

 

Từ sau chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 1991 cho đến lúc quyết định xin nghỉ việc tại trường Đại học RMIT vào đầu tháng 4 năm 1994, Giáo sư Xuân Thu đã về Việt Nam nhiều lần mỗi năm.

 

"Năm 1994, tôi là cố vấn cho Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian này, tôi không được liên lạc với công an. Chỗ tôi ở, quán ăn trước nhà thì luôn có công an ngồi ở đó. Tôi đi đâu thì họ luôn đi theo dõi. Từ năm 1994 đến 2000 thì năm nào (có thể mỗi năm ít đi một chút) thì công an bảo chúng tôi đừng có đi đâu vào những ngày 30/4 đó. Vào những ngày 30/4 hằng năm, thì trên đài phát thanh, truyền hình cứ phát sóng về lòng căm thù Mỹ..." Giáo sư Xuân Thu nhớ lại.

 

"Vào những tháng Tư thì lòng tôi rất buồn và tê tái, vì nhà nào cũng treo cờ. Khi công an đến thì tôi phải tìm cờ mà treo. Khi đó lá cờ Việt Nam là lá cờ xa lạ của tôi nhưng tôi phải làm theo thôi. Theo tôi nếu chính phủ Việt Nam có ý muốn hòa giải thì họ sẽ phải có chính sách."

 

"Chúng ta không thể sống mãi trong men rượu chiến thắng, hay mãi mãi ôm ấp vết thương hận thù. Điều cả dân tộc Việt Nam cần phải làm là hãy tự làm lành vết thương của mỗi người, mỗi gia đình để cuộc sống của chúng ta được thanh thản hơn và để có đủ sức mạnh xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phát triển thực sự", Giáo sư Xuân Thu nói với BBC News Tiếng Việt.

 

'Người vuông' và 'người tròn'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/fa55/live/a40907f0-e73d-11ed-aff1-ef7ffc727e0e.jpg

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được trao Huân chương Australia vì những đóng góp cho nghiên cứu y khoa, phòng chống loãng xương, và giáo dục đại học vào ngày 26/1/2022

 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales kể lại hành trình tị nạn đến Úc vào năm 1981.

 

"Ngày 16/4/1981 một chếc ghe đi sông chở 23 người (trong đó có tôi) từ Rạch Giá. Sau ba ngày lênh đênh trên biển thì ghé bờ biển Budi ở miền Nam Thái Lan. Budi là một làng chài, giáp ranh giới với Mã Lai. Chiếc ghe không có la bàn, đã rong rủi sang tận miền Nam Thái Lan. Phải nói sự sóng sót là một phép lạ. Đó cũng là thời điểm khởi đầu của một hành trình tị nạn của tôi, một cái "mốc" lịch sử không bao giờ phai nhòa trong kí ức", Giáo sư Tuấn viết về ký ức chuyến hải trình.

 

Ông mô tả cảm giác buồn vời vợi khi nghe một đoạn nhạc của Nguyệt Ánh và Việt Dũng "Nắng nơi đây vẫn là nắng ấm; Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương" tại trại tị nạn Songkhla.

 

"Ngày đầu tiên nhập trại Songkhla, tôi tưởng mình lạc vào một thành phố ở Việt Nam. Người ở đâu mà đông đúc ghê, mật độ dân số ở đây chắc phải cao nhất nhì thế giới! Nhìn qua cách ăn mặc, thấy người nghèo nhiều hơn người giàu, và điều này cũng dễ hiểu. Đại đa số người nhập trại là đã bị cướp bóc trên biển, nên họ chẳng còn gì. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyến may mắn, nên bà con còn giữ vàng và tiền đến đây.

 

Tranh cãi Quan Kế Huy 'gốc Việt', 'gốc Hoa' hay 'gốc Á' nói lên điều gì?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f7a0/live/25405db0-e73d-11ed-a142-ab0e42bfd9c3.jpg

Thuyền nhân Việt Nam đang được kéo lên một tàu hải quân của Mỹ vào ngày 24/3/1975 tại Đà Nẵng

 

Bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Tuấn cho rằng 'hoà giải' ở đây là xoá bỏ hận thù, còn 'hòa hợp' là đoàn kết dân tộc.

 

"Không thể nào có đoàn kết dân tộc khi mà hai bên vẫn còn thù hằn với nhau. Do đó, hoà giải phải có trước hoà hợp. Làm gì để hoà giải dân tộc? Theo tôi, điều cần làm trước hết là hoà giải với người ở trong nước. Hãy bắt đầu bằng những chánh sách đối xử tốt và công bằng với những người từng phục vụ trong thể chế Việt Nam Cộng hòa trước đây, tôn trọng những người đã khuất vì lí tưởng của họ, và thay đổi những ngôn ngữ và cách diễn đạt sao cho không gây tổn thương đến cảm xúc của những người từng ở bên kia chiến tuyến."

 

Qua tiếp xúc và làm việc với những người ở hai bên chiến tuyến, Giáo sư Tuấn thấy hình như ở một số người đã bị chi phối bởi những yếu tố mang tính lịch sử và cá nhân quá nặng nề nên khó gần được với nhau.

 

"Tôi hay nói đùa rằng họ là những 'người vuông' để phân biệt với những 'người tròn'. Tôi làm quản lý khoa học và từng được dạy rằng tất cả chúng ta nên là những 'người tròn' (rounded person), tức là người có khả năng chấp nhận những dị biệt để thích ứng với mọi tình huống. Do đó, hoà giải có thể cũng bắt đầu từ giáo dục sao cho học sinh lớn lên biết yêu thương nhau thay vì gieo vào họ những hận thù mang máu sắc chánh trị."

 

"Tôi rất thích câu văn của Nguyễn Thanh Việt (tác giả tiểu thuyết ‘Người tị nạn’) mỗi cuộc chiến diễn ra hai lần, lần đầu trên chiến trường, và lần hai là trong kí ức. Hoà giải và hoà hợp dân tộc là một cuộc chiến trong kí ức", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt.

 

VNCH - VN Cộng sản: Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/16f7/live/873b7f60-e740-11ed-a142-ab0e42bfd9c3.jpg

Quan điểm của Hà Nội về hòa hợp, hòa giải dân tộc như sau "Việt Nam luôn là bên chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, kỷ niệm ngày chiến thắng thống nhất non sông đương nhiên là ngày vui của cả dân tộc và việc lớn sau chiến tranh trong lịch sử cho thấy luôn là hòa hợp, gồm cả hòa giải, xóa bỏ hận thù trong nội bộ dân tộc và cả xoá bỏ hận thù với kẻ xâm lược"

 

Tin liên quan

 

30/04: Việt Nam hoà giải chưa xong nên vẫn phải cấm đoán, kiểm duyệt?

24 tháng 4 năm 2023

.

VNCH - VN Cộng sản: Mỗi cuộc chiến phải nhiều lần chảy máu

9 tháng 2 năm 2023