Wednesday, September 25, 2019

GRETA THUNBERG, DOALD TRUMP & CÂU CHUYỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
26/09/2019

Greta Thunberg và Donald Trump

Cô bé Greta Thunberg có bài diễn văn đầy cảm xúc tại Liên Hiệp Quốc, buộc tội các nguyên thủ quốc gia, trong đó có ông Trump, đã chẳng làm gì để cứu lấy trái đất.


Bài diễn văn của em đã gây ra tranh cãi, xỉ vả, hoan hô,… suốt mấy ngày nay. Đương nhiên phe hoan hô em là những người đấu tranh vì môi trường hiện nay, cho rằng trái đất đang nóng lên vì người ta xài xăng dầu nhiều quá, đốt rừng nhiều quá. Mà trái đất nóng lên thì nước biển dâng lên, bão tố mạnh lên, con người ta sẽ rất khốn khó.

Xỉ vả em cũng có các nhóm khác nhau. Nhóm ủng hộ ông Trump có lẽ cho là em đã đụng tới lãnh tụ của họ.

Nhóm không ủng hộ ông Trump, nhưng cho rằng em còn bé, biết gì mà nói, bị đám người lớn nào đó lợi dụng.

Nói chung là phe xỉ vả dùng nhiều từ ngữ dữ tợn lắm để mắng cô bé, cha mẹ cô bé, cho họ là thế này thế kia, thậm chí là cộng sản nữa.

Trên trang tin về kinh tế CNBC có một bài phân tích của tác giả Jake Novak, mang tựa đề: Coi chừng chuyện em Greta lên nổi lên như vậy lại có tác dụng ngược cho mong muốn của các nhà hoạt động môi trường.

Tác giả đặt vấn đề là, việc đưa em Greta ra mang quá nhiều tính chính trị. Tác giả đặt câu hỏi, nếu như ông Trump, các vị dân biểu Cộng hòa, các công ty dầu lửa lớn không còn nữa thì liệu việc đấu tranh vì môi trường của những nhà hoạt động môi trường có còn hăng hái nữa hay không?

Tôi nghĩ là ông Novak có lý chứ chẳng phải không. Thoạt đầu, các tổ chức môi trường (mà Greenpeace là một ví dụ) xuất hiện, thì tôi nghĩ họ đều mang tính lý tưởng, nhưng sau đó đụng chạm với cuộc đời thực sự, phải có mưu ma chước quỉ, dần dần họ có những toan tính chính trị.

Ông Novak nêu lên một chuyện tôi thấy cũng đúng phần nào, đó là thị trường sẽ góp phần giải quyết chuyện biến đổi khí hậu, chẳng hạn như khí đốt rẻ hơn xăng thì đâu có ai xài xăng nữa cho tốn tiền, mà gây hại môi trường?

Và nói thì dễ hơn làm. Tôi có một anh bạn cũng rất ý thức chuyện đừng xài nhiều quá vì như vậy chúng ta xài nguồn tài nguyên của trái đất một cách phí phạm. Nhưng tôi thấy anh ấy rất lỉnh ca lỉnh kỉnh nhiều món đồ mà tôi chẳng bao giờ xài, mà toàn bằng nylon, cái thứ vật chất rất hại môi trường.

Một chuyện nữa, ông Novak không nêu ra nhưng tôi nghĩ ai cũng thấy, là phải giàu có chút đỉnh thì mới quan tâm tới môi trường được.

Và ông Trump đã khai thác điều đó khi nói với dân đào than ở West Virginia rằng ông ấy sẽ ưu tiên công việc đào than của họ hơn là nghĩ tới chuyện môi trường. Dân miền này do mỏ than bị đóng cửa, cuộc sống vất vả, đâu có đầu óc đâu mà nghe chuyện bảo vệ môi trường, họ nghe Donald Trump thôi. Cũng nhờ vậy mà ông Trump đã thắng lớn tại West Virginia.

Trái đất nóng lên?

Nhưng câu hỏi lớn hơn câu chuyện của ông Novak là có biến đổi khí hậu hay không? Hay nó chỉ là một cái trò Tàu (Chinese Hoax) mà ông Trump lặp đi lặp lại hồi tranh cử 2016.

Trái đất có một lớp khí quyển bảo vệ chúng ta mọi thứ nguy hại từ vũ trụ, trong đó có cả nhiệt lượng, phải trả về vũ trụ một phần chứ nếu không thì quá nóng. Nhưng khi mà khí CO2 bốc lên nhiều quá do đốt nhiên liệu, phá rừng,… thì nó lại tạo thêm một lớp vỏ như một cái nhà kiếng (greenhouse) giữ lại nhiệt lượng, làm cho trái đất nóng lên. Lớp CO2 này đóng vai như cái kiếng xe hơi, ta mà kéo lên kín mít trong ngày nóng bức thì bên trong nó trở nên hầm hập nóng.

Nhưng giải thích thế nào khi lịch sử trái đất lại có những giai đoạn gọi là băng hà, lạnh đi rất nhiều?

Người ta giải thích rằng khi khói bụi mù mịt (thời xưa khi chưa có con người, nhưng cũng có khói bụi là do núi lửa phun) thì nhiệt lượng lại bị bắn ngược ra ngoài không có ở trên mặt đất nữa, làm cho trái đất lạnh đi, gọi là hiệu ứng Albedo.

Như vậy ta có hai hiệu ứng Greenhouse và Albedo trái ngược nhau làm trái đất nóng lên, lạnh xuống trong quá khứ.

Thế thì có vẻ như nhũng người quan niệm rằng nóng lạnh là chuyện của Chúa là đúng rồi? Bây giờ nó nóng lên, sau đó nó lại lạnh xuống có sao đâu?

Tôi nghĩ là họ có thể đúng, nhưng quên tính tới một điều là chuyện nóng lên lạnh xuống đó tính bằng thời gian cả triệu năm, trong khi chỉ cần nóng lên vài độ, đại dương dâng lên ào ào thì con người mất tích rồi, còn đâu mà chờ tới khi trái đất lạnh xuống.

Khi ông thầy tôi giảng những chuyện greenhouse và albedo cho tôi nghe (ông là một người Do Thái chính thống, rành Thánh Kinh) nói cái gì quá đáng cũng không được, làm ăn kinh tế kiểu cao bồi đỏ rực, khai thác tối đa tài nguyên thì chắc là không tốt rồi, nhưng mà bảo vệ môi trường kiểu xanh lè, thì đâu có việc nữa đâu mà làm. Mà hơn nữa, thị trường, như ta đã thấy cũng góp phần giải quyết chuyện môi trường.

Nhìn em Greta đọc diễn văn, tôi nghĩ có thể các nhà môi trường phe của em là quá xúc động, nhưng sự xúc động đó cũng có thể gây nên ảnh hưởng, làm cho người ta ý thức hơn, từ đó mới thúc đẩy cái cách người ta tiêu xài, các công ty mới chạy theo cách tiêu xài ấy, tạo điều kiện cho thị trường giải quyết chuyện môi trường.

Vấn đề của chính quyền ông Trump hiện nay là không tạo nên một thị trường thân thiện với môi trường như thế, mà lại dẹp bỏ nhiều luật không cho phép những nhà sản xuất xâm hại môi trường được đưa ra dưới thời ông Obama. Một thị trường như vậy vẫn tạo nên được việc làm, nhưng ông Trump lại cho phép các nhà sản xuất cắt chi phí bằng cách thải chất bẩn ra môi trường nhiều hơn.

Ông đã dành … 15 phút đến dự thượng đỉnh môi trường ở New York vừa qua, không biết ông làm thế là có thực tâm lắng nghe các nhà môi trường hay không?

Vâng, có thể chuyện nóng lạnh là chuyện của Chúa, nhưng cả triệu năm, còn đời con người ta chưa đầy trăm năm, em Greta và thế hệ của em đâu thể chờ cả triệu năm ấy của Chúa!

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco


----------------------------------

CÙNG CHỦ ĐỀ

VOA Tiếng Việt
24/09/2019

Gần đây, thế giới đã phải bật dậy, chú ý lắng nghe tiếng nói của một cô gái trẻ, vừa kêu gọi vừa trách móc người lớn, đặc biệt là các lãnh đạo thế giới, đã thoái thác trách nhiệm bảo vệ trái đất và gìn giữ môi trường sinh sống cho các thế hệ tương lai.

Nhà đấu tranh chống biến đổi khí hậu Greta Thunberg, tại thượng đỉnh Hành động chống BDKH tại trụ sở LHQ ngày 23/9/2019.

Phát biểu của cô bé 16 tuổi vang lên tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm 23/9, khi cô thẳng thừng phê phán các nhà lãnh đạo thế giới là không làm tròn trách vụ, và chỉ nói lời đãi bôi trước nguy cơ đang ập đến, có thể tiêu diệt cả nhân loại.

“Quý vị đã thất bại, không bảo vệ chúng tôi. Lẽ ra tôi không nên có mặt ở đây, lẽ ra giờ này tôi phải cắp sách tới trường ở bên kia bờ đại duong. Thế mà quý vị lại đặt hy vọng vào giới trẻ chúng tôi. Sao quý vị cả gan làm như vậy? Sao quý vị dám cướp đi ước mơ và tuổi thơ của chúng tôi bằng những lời sáo rỗng?”

Chưa hết, Greta Thunberg nói tiếp:
“Qúy vị nói quý vị lắng nghe chúng tôi, và quý vị hiểu tính cấp bách của vấn đề… Tôi không muốn tin điều đó, bởi vì nếu quý vị thực sự thấu hiểu tình hình mà vẫn nhất mực không hành động, thì quý vị phải xấu xa lắm. Tôi từ chối, không muốn tin như vậy.”

Cuối bài phát biểu, Greta kết luận:
“Quý vị đã thất bại, nhưng những người trẻ tuổi đang bắt đầu hiểu ra sự phản bội của quý vị. Tất cả mọi con mắt của các thế hệ tương lai đang đổ dồn về hướng quý vị. Nếu quý vị chọn tiếp tục làm ngơ, không thực thi nghĩa vụ đối với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ qúy vị.”

Cô bé tuổi teen đưa ra những lời đanh thép ấy là ai?

Greta ra đời ngày 3/1/2003 tại Stockholm, mẹ là một danh ca opera nổi danh, Malena Ernman, cha là Svante Thunberg, một diễn viên. Bà Ernman đã xuất bản một quyển sách, viết về những phấn đấu của gia đình vì cả hai cô con gái, Greta và em gái Beata, đều mắc bệnh tự kỷ.

Greta mang Hội chứng Asperger, một hình thức bệnh tự kỷ có chức năng cao. Những người bị Asperger nghe, nhìn và cảm nhận mọi thứ xung quanh khác so với người bình thường, nhưng một số có khả năng vượt trội về toán, ngôn ngữ biểu hiện từ nhỏ. Nhiều trẻ tự kỷ biết đọc sớm và có sự ham thích kỳ lạ với chữ và con số, và có khả năng tập trung cực cao khi ham thích, tìm hiểu hày nghiên cứu một đề tài nào đó.

Einstein, Mozart và Michelangelo, những vĩ nhân của thế giới, đều được cho là có những dấu hiệu của hội chứng Asperger, khiến có người cho Asperger là ‘hội chứng của những thiên tài’.

Mới lên 16 tuổi, Greta Thunberg đã có một ‘quá trình’ tranh đấu chống biến đổi khí hậu đáng nể.

Một đài truyền hình gọi Greta là một “chiến sĩ vì môi trường” đã có công nâng cao nhận thức trên khắp thế giới về những nguy cơ của biến đổi khí hậu, và tính cấp bách của cuộc khủng hoảng này.

Trong một bài phát biểu trên diễn đàn TED vào năm ngoái, 2018, cô bé mới 15 tuổi đã đưa ra những lập luận hùng hồn, phân tích rõ ràng và khúc chiết về nguy cơ của biến đổi khí hậu, và vì sao cô dấn thân hành động.

“Nếu sống qua 100 tuổi, thì vào năm 2103 tôi còn sống. Tới năm 2050 tôi chỉ mới đi được nửa đoạn đường. Tới năm 2078, tôi sẽ mừng sinh nhật thứ 75. Có thể con cháu tôi sẽ nhắc tới quý vị, những người sống thời năm 2018, và có lẽ chúng sẽ đặt câu hỏi tại sao quý vị đã không làm gì khi mà hãy còn thì giờ để hành động. Điều mà chúng ta làm, hoặc không làm bây giờ sẽ tác động tới cả cuộc đời tôi và cuộc đời của con cháu tôi. Điều mà chúng ta làm, hoặc không làm ngay tại thời điểm này, tôi và thế hệ của tôi không thể lật ngược trong tương lai. Thế cho nên tới tháng 8 năm 2018, tôi quyết định tôi đã chịu hết nổi. Vì thế khi đến ngày tựu trường, tôi quyết định bỏ học, tới trước quốc hội biểu tình.”

Nhận thức về mối nguy ‘sống chết’ đối với các thế hệ tương lai đã thôi thúc Greta hành động.

Greta mang tấm bảng ghi dòng chữ “Bỏ học để chống biến đổi khí hậu”, tọa kháng bên ngoài quốc hội Thụy Điển để đòi các nhà lãnh đạo hành động chống biến đổi khí hậu, và yêu cầu chính phủ Thụy Điển thi hành nghĩa vụ theo hiệp định khí hậu Paris.

Sang ngày thứ nhì, Greta không còn đơn độc, và tới tuần lễ thứ nhì, phong trào phản kháng lan nhanh trên các mạng xã hội. Chỉ trong vòng vài tháng, cô bé tuổi teen đã đứng trước các bậc trưởng thượng, phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Ba Lan.

Greta Thunberg phát biểu tại cuộc tuần hành chống BDKH 2019 tại New York ngày 20/9/2019. REUTERS/Lucas Jackson

Một tháng sau, Greta mang biểu ngữ, đi xe lửa tới Davos, Thụy Sĩ, cắm trại trong một căn lều, đánh động lương tâm của những nhân vật quyền lực của các nước giàu có nhất trên thế giới về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Greta nói tại Davos:
“Người lớn vẫn nói họ có trách nhiệm đem lại hy vọng cho giới trẻ. Tôi không cần hy vọng của quý vị. Tôi muốn quý vị phải hốt hoảng.”

Đối với những người chỉ trích phong trào bãi khóa, khuyên cô bé nên đi học để trở thành một nhà khoa học môi trường hầu có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cô bé đã có sẵn câu trả lời trong bài phát biểu trên diễn đàn TED:

“Vấn đề biến đổi khí hậu đã được giải quyết rồi, khoa học đã cung cấp cho chúng ta tất cả những chứng cớ và những giải pháp. Điều duy nhất mà chúng ta phải làm ngay bây giờ là tỉnh dậy và thay đổi. Tại sao tôi lại phải học hành cho một tương lai mà nay mai sẽ không còn nữa? Khi mà không một ai động một ngón tay để làm bất cứ điều gì hầu bảo vệ cái tương lai đó? Và đi học để làm gì, khi mà những kiến thức quan trọng nhất do nền khoa học tiên tiến nhất cung cấp, rõ ràng chẳng có nghĩa lý gì đối với các chính khách của chúng ta, hay xã hội của chúng ta”.

Lời nói đi đôi với hành động, nhất quyết không đi máy bay vì những nguy hại đối với môi trường, cô bé được hoàng gia Monaco cho mượn một thuyền buồm để tới Hoa Kỳ phát biểu trước Liên Hiệp Quốc. Những hình ảnh tự chụp của cô trong cuộc hành trình trên thuyền buồm đã lôi cuốn thêm hàng ngàn fan theo dõi.

Sự dấn thân của Greta đã gợi hứng cho các bạn đồng trang lứa ở nhiều nước tổ chức các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu, từ đó dấy lên phong trào bãi khóa để đòi phải có hành động chống biến đổi khí hậu. Phong trào này được gọi là Fridays for Future – bãi khóa mỗi Thứ Sáu cho Tương Lai.

Ngày 15 tháng Ba năm 2019, gần 1,5 triệu trẻ em tại 112 quốc gia trên thế giới bãi khóa để xuống đường biểu tình đòi hành động chống biến đổi khí hậu.

Một số nhà lập pháp Thụy Điển đã đề cử Greta Thunberg cho Giải Nobel Hòa Bình, vì sự dấn thân của cô, dẫn đầu phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu trong giới trẻ toàn cầu.

Dân biểu Freddy André Øvstegård, một trong những nhà lập pháp đề cử Greta cho Giải Nobel, nói:
“Greta Thunberg đã phát động một phong trào quần chúng mà tôi cho là một đóng góp rất lớn cho hòa bình.”

Tháng Năm 2019, Greta đã lên trang bìa của tạp chí Time, và được giới thiệu là “lãnh đạo của thế hệ kế tiếp”. Mới đây, Greta cũng được đề cử cho Giải Prix Liberté – Giải Tự Do của Pháp và Giải Đồng hồ vàng của Đức. Chắc chắn là trong những ngày sắp đến, và xa hơn nữa, chúng ta sẽ còn được nghe rất nhiều về nhà tranh đấu chống biến đổi khí hậu tuổi teen này.

(TED Talk, Reuters, New Yorker, Wikipedia, CNN)





No comments: