Wednesday, September 25, 2019

HOÀNG ĐẾ ĐỎ TẬP CẬN BÌNH (Hoàng Thủy Ngữ)




Hoàng Thủy Ngữ
25/09/2019

Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình. Nguồn: Todd Penson

15 tháng Giêng năm 2017 là ngày đáng nhớ trong lịch sử thế giới. Lần đầu tiên, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Đây là một sự kiện rất đặc biệt do sự có mặt của người lãnh đạo một quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới. Ông ta đã cho giới tinh hoa kinh tế thế giới một bài học về thị trường tự do. Tập tuyên bố: ”Chúng ta phải mở rộng tự do mậu dịch và đầu tư toàn cầu và thúc đẩy tự do kinh tế”.

Đây là biến cố lớn vì Trung Quốc luôn có cái nhìn tiêu cực về thị trường tự do. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với quan điểm bảo hộ và bà Angela Merkel, người được coi là trụ cột chính của Âu châu không tham dự diễn đàn lần này. Do đó, nó tạo cơ hội cho Trung Quốc “củng cố vị thế của mình như một cường quốc trưởng thành, đáng tin cậy, cởi mở và gần gũi hơn với các mối quan hệ song phương cũng như mở rộng vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế”, theo nhận xét của giáo sư Eswar Prasad tại đại học Cornell, Ithaca, New York, Hoa Kỳ.

Tập là chính khách rất lão luyện và có sức lôi cuốn của một nhà lãnh đạo. Ông ta chụp ngay những cơ hội có được. Ông ta giành được mọi sự chú ý tại Liên Hiệp Quốc và tại những quốc gia ông đến thăm, đặc biệt ở Phi Châu. Và nhân dịp này, Tập đã đưa ra mục tiêu của mình. Trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 Trung Quốc, Tập tuyên bố “ Chúng ta sẽ cải tạo hệ thống kiểm soát toàn cầu”.

Tháng Ba 2018, Tập bất ngờ thông báo là ông ta không rời bỏ quyền lực, nhưng sửa đổi hiến pháp để trở thành chủ tịch trọn đời. Lần đầu tiên Trung Quốc có một nhà lãnh đạo có quá nhiều quyền lực và đầy bí ẩn. Theo Francois Bougon, ký giả của tờ báo Le Monde, “Đây là sự kết hợp giữa một hệ thống độc tài với Silicon Valley”. Và Kerry Brown, chuyên gia về lịch sử Trung Quốc viết: ”Tập Cận Bình là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền khổng lồ và vô cùng hiệu quả của đảng cộng sản”.

Trước kia, Trung Quốc chưa bao giờ có uy thế mạnh mẽ và đầy tham vọng như vậy. Quốc gia này hiện đang tìm cách khuynh đảo cán cân quyền lực trên thế giới.

Như vậy, Tập Cận Bình là ai và xuất thân từ đâu? Ông ta muốn làm đảo lộn thế giới như thế nào? Và Tập có những kế hoạch gì ẩn giấu sau mối quan hệ đôi bên cùng có lợi (win-win situation)?

Để hiểu được Tập, chúng ta cần đào sâu vào đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với Tập, trở thành đảng viên đảng Cộng sản giống như một phần của giáo hội. Sau khi được bầu làm lãnh đạo đảng, ông ta đến Đại Lễ Đường Nhân Dân để tuyên thệ nhậm chức như vào một thánh đường: ”Tôi hứa bảo vệ các bí mật của đảng. Tôi hứa đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản”. Theo Tân Hoa Xã, đây là lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc thề trung thành với Hiến Pháp khi tuyên thệ nhậm chức.

Kerry Brown nói: ”Tập Cận Bình là người phục vụ cho chính sách của đảng, gần giống như một linh mục công giáo. Vì vậy ông ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông ta là một phần của hệ thống, được đào tạo để sẵn sàng làm công việc này”.

Yu Jie, tác giả và là người đấu tranh cho dân chủ nói rằng “Tập Cận Bình đã nói rõ chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất của sự thật, chủ nghĩa này phải lan rộng khắp thế giới chứ không chỉ ở Trung Quốc”.

Tập Cận Bình là nhân vật số một, cầm đầu một đảng cộng sản lớn nhất thế giới với trên 90 triệu đảng viên. Họ phải tuyệt đối trung thành với đảng và với chính cá nhân Tập – trên tất cả mọi thứ.

Vài tháng sau ngày nhậm chức, vào cuối năm 2012, những cái mặt nạ đầu tiên bị rơi xuống. Các đối thủ chính trị lén giao cho báo chí một tài liệu nhạy cảm liên quan đến học thuyết của Tập. Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Hongkong Baptist University, cho biết “ngay sau khi lên cầm quyền Tập đã bí mật đưa ra ‘Tài liệu số 9’ (Document No.9). Chúng tôi nghe đến nó vào mùa xuân 2013. Đó là cuộc tấn công toàn diện vào các giá trị tự do. Tài liệu cho thấy Tập lo lắng về các thế lực thù địch nước ngoài và liệt kê bảy ý tưởng của phương Tây gây nguy hiểm nhất cho Trung Quốc như dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí…”. Điều này có nghĩa Tập xem Tây phương như mối hiểm họa.

Cũng theo Yu Jie, “Tài Liệu số 9” là cái nhìn đầu tiên về cương lĩnh của riêng Tập. Nó dập tắt ảo tưởng của một vài người đã dành cho ông ta”.

Căn nguyên tư tưởng chiến tranh và nhân cách của Tập xuất phát chính từ lý lịch bản thân ông ta trong bối cảnh chung của lịch sử Trung Quốc.

Cũng như xã hội cộng sản trước kia, thời niên thiếu của Tập đầy sóng gió. Ông ta từng được gọi là “thái tử đỏ”. Tập là con của một quan chức hàng đầu trong đảng. Cha ông, Tập Trọng Huân, là đồng chí thân thiết của Mao Trạch Đông và cùng với Mao thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Những năm đầu, Tập sống chung với giới tinh hoa cộng sản ở Tử Cấm Thành và được đi học ở một trong ba trường nổi tiếng nhất Bắc Kinh. Nhưng cha Tập rất nghiêm khắc và độc đoán, chẳng hạn như bắt Tập tắm với nước lạnh vào mùa đông.

Năm 1962, khi Tập lên 9 tuổi, Tập Trọng Huân bị thất sủng. Ông bị Mao kết tội âm mưu chống đảng. Đợt thanh trừng toàn diện trong cuộc cách mạng văn hóa bắt đầu. Ông bị đánh đập và phải tự kiểm điểm trước quần chúng. Giờ đây Tập không còn là “thái tử đỏ” nữa mà là kẻ phản bội. Ông ta phải kết tội cha mình trong các buổi họp tự kiểm điểm và chính bản thân cũng bị vệ binh đỏ hành hạ. Một cơn ác mộng sẽ mãi mãi ám ảnh Tập, mặc dù nó chỉ được nhắc qua loa trong phần tiểu sử của ông ta.  

Vào năm 2000, trong cuộc phỏng vấn do một tạp chí Trung Quốc thực hiện, Tập kể lại: “Vệ binh đỏ nói hàng trăm lần họ sẽ bắn tôi. Họ đe dọa xử tử tôi. Rồi bắt tôi đọc những câu trích dẫn của Mao cả ngày”.

Li Datong, một nhà báo Trung Quốc nói: “Khi đó ông ta mới 9 tuổi. Cha ông bị kết tội phản cách mạng. Để sống còn, ông ta phải chứng tỏ mình còn cách mạng hơn những người khác. Để chứng minh mình là ‘đứa con ngoan của Mao’, ông ta học tập rất cần mẫn tất cả những lời nói của Mao. Vì vậy, di sản của Mao luôn khắc sâu trong tâm trí ông. Khi ông ta phát biểu, đó là những lời của Mao tuôn ra”.

Tập đã đứng trước một sự chọn lựa khó khăn: hoặc tránh xa người cha để sống còn hay quay lưng với đảng rồi bị thanh toán.

Francois Bougon, ký giả của Le Monde nhận xét: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đánh giá quá cao chuyện cha ông ta bị hạ nhục đã tác động đến Tập nhiều như thế nào. Người ta tin rằng Tập căm thù đảng Cộng sản, nhưng ông ta đã không làm như vậy. Có hai loại con cái: những đứa muốn tìm cách trả thù và những đứa muốn làm tốt trở lại. Tập muốn sửa chữa những gì đã xảy ra, xóa bỏ sự nhục nhã”.

Cũng theo Yu Jie, “Cha ông ta đã bị hành hạ tàn nhẫn trong cuộc cách mạng văn hóa và Tập đã quyết định sẽ không bị kết thúc như ông bố. Mao trở thành tấm gương để ông noi theo. Ông ta không muốn chịu chung số phận với cha mình”.

Ít năm sau, Tập lại phải nếm cay đắng mùi đời thêm một lần nữa dưới cuộc cách mạng văn hóa. Cùng với hàng triệu thanh thiếu niên có học vấn, ông ta bị đẩy đi cải tạo lao động ở vùng quê. Mao muốn họ phải biết thế nào là công việc đồng áng khổ cực của nông dân. Lúc đó, Tập mới 15 tuổi nhưng sốt sắng ra đi. Tập thuật lại là gia đình đã theo tiễn ông tại sân ga và mọi người đều khóc, nhưng ông thích đi vì muốn thoát khỏi cái không khí chính trị đầy thù hận.

Tập bị đày một mình về làng Lương Gia Hà. Đó là một vùng quê hẻo lánh nghèo khổ, trên cao nguyên hoàng thổ màu vàng, nơi người dân đào xuống đất để làm nhà, được gọi là nhà hang (cave home). Tiếng xấu của người cha cũng bay theo đến đó và Tập bị gọi là “kẻ thù của nhân dân”, liệt vào danh sách đen – những kẻ cần phải theo dõi quản lý và sử dụng vào công việc lao động. Tập đã cố chạy trốn nhiều lần.

Francois Bougon cho biết thêm: “Tập không thích ứng được. Ông ta đuối sức trên ruộng đồng và trong cuộc sống ở thôn quê. Suốt 7 năm góp phần vào công việc nặng nhọc cùng những nông dân nghèo khổ, ông ta sống trong một cái nhà hang tối tăm không điện nước và đi lao động mỗi ngày”.

Nhà sử học Kerry Brown nói: “Dưới cuộc cách mạng văn hóa, Tập đa phần sống như một tù nhân trong nhà giam. Người ta như không còn bản sắc riêng. Họ làm việc theo chỉ thị và thường bị đối xử tàn bạo. Tôi tin rằng có thể thấy ở Tập và nhiều người cùng thế hệ với ông ta một dạng hiệu ứng muộn, sau khi bị tổn thương tâm lý”.

Trong thời gian đó, hàng triệu nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa chết vì đói, kiệt lực hay bệnh dịch.

Người chị cả của Tập tự tử nhưng Tập sống sót.

Tập trở về từ kiếp lưu đày, quyết chí trả thù và phục hồi danh dự cho gia đình. Nay Tập đã 22 tuổi và nuôi một tham vọng: sự nghiệp chính trị. Và để không trở thành nạn nhân thêm một lần nữa, Tập phải nắm được quyền lực bằng cách áp dụng các phương pháp của Mao. Có thể nói Tập là một mini Mao Trạch Đông.

Một người bạn đã giúp Tập “tô son điểm phấn” lý lịch cá nhân và xóa bỏ cái quá khứ phản động của cha mình ra khỏi hồ sơ. Nhờ đó, Tập được kết nạp vào đảng, sau 9 lần bị từ chối.

Tập thuật lại: “Khi đặt chân đến ‘vùng đất hoàng thổ màu vàng’, lúc mới 15 tuổi, tôi đã sững sờ và sợ hãi. Khi trở về, năm tôi 22 tuổi, mục tiêu đời tôi đã rõ ràng và tràn đầy tự tin”.

Năm 1979, Tập Trọng Huân được Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao, thả và cho phục chức. Tập được cha mình giúp bước chân lần đầu vào con đường chính trị. Ông ta trở thành thư ký riêng của một tướng lãnh cao cấp, là bộ trưởng bộ quốc phòng.

Nhưng ở tuổi 29 Tập đã biết rằng kinh nghiệm lao động thực tế là yếu tố quyết định nếu muốn xóa  hẳn hình ảnh thái tử. Vì vậy, để thuyết phục cấp lãnh đạo, ông ta đã áp dụng chiến lược: bắt đầu từ nấc thang thấp nhất rồi leo lên dần, từng bước một, từ các địa phương. Đó là bước khởi đầu của sự nghiệp chính trị và nó sẽ đưa ông đến đỉnh cao quyền lực.

Zhang Lifan, một sử gia Trung Quốc nói: “Cấp lãnh đạo đảng không thích những nhân cách mạnh mẽ bởi vì, theo quan điểm của giới lãnh đạo già, họ khó bị kiểm soát hơn. Do đó họ thích chọn những người bình thường. Và họ đã chọn Tập, một người không hề có tì vết nào trong sự nghiệp chính trị”.

Để tách mình ra khỏi đám đông và được đảng tín nhiệm, Tập luôn tuyệt đối trung thành.
Tập cưới Bành Lệ Viện, nữ ca sĩ nổi tiếng của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc. Nhờ vậy, ông được nhiều người biết đến hơn. Trong một cuộc phỏng vấn, bà ta đã nói đùa là mình nổi tiếng hơn chồng vì đã là ca sĩ của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc. Theo Xia Ming, một cựu đảng viên đảng Cộng sản: “Bà ấy là người mở cánh cửa cho Tập. Bà ấy đã giúp ông ta có được hình ảnh dễ thiện cảm hơn. Mỗi khi họ đi ra ngoài, chính bà ấy bảo ông ta sẽ làm gì. Khi nào ông ta phải cười, khi nào vỗ tay v.v… Người ta có thể thấy bà ấy ra dấu”.

Tập tạo cho mình hình ảnh hoà nhã, cấp tiến và tự do để thu hút lòng người. Do đó, vào năm 2008, khi đảng Cộng sản Trung Quốc tìm người kế vị Hồ Cẩm Đào, Tập là người xứng đáng nhất để được chọn.

Đây là sự nghiệp chính trị điển hình trong guồng máy đảng Cộng sản, cả về mặt chiến thuật, đấu đá tranh giành quyền lực và lòng trung kiên với ý thức hệ.

Ngày 15 tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình đã loại được mọi đối thủ và tận hưởng chiến thắng. Hiện nay, ông ta là Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc và là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tập đã trả được thù nhà và đang muốn trả thù cho dân tộc, đồng thời nỗ lực thực hiện mục tiêu to lớn của đảng.

Tạo chính danh và Giấc mơ Trung Hoa

Tập muốn kết hợp lịch sử của đế chế Trung Hoa với chủ nghĩa Cộng sản. Ông ta cố gắng tạo ra chính danh mới cho chế độ cộng sản. Chính danh ưu việt của đảng Cộng sản đã bị mất dưới thời Mao, sau cuộc Cách mạng Văn hóa và chiến dịch Đại Nhảy vọt. Giờ đây Tập phải tìm một chính danh mới cho đảng bằng cách khai thác chủ nghĩa dân tộc và thổi phồng sự vĩ đại của đất nước.

Để đoàn kết nhân dân, Tập lập ra chương trình “Giấc mơ Trung Hoa”. Đến năm 2049, khi nền Cộng hòa Nhân dân tròn 100 tuổi, ông ta muốn Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới, cả về kinh tế và quân sự. Tập kêu gọi: “Tất cả con dân trai gái của quốc gia Trung Quốc sẽ cùng cộng tác để hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc, đổi mới quốc gia. Trung Quốc sẽ chiếm vị trí trung tâm trên thế giới và cống hiến nhiều hơn cho nhân loại”.

Tập khích động tự ái dân tộc bằng cách nhắc lại tất cả những nỗi nhục mà người Trung Quốc đã gánh chịu trong thế kỷ 19. Cuộc chiến tranh nha phiến do Tây phương gây ra đã làm sụp đổ đế chế Trung Hoa, dẫn đến bao tủi nhục cho người Trung Quốc. Mặc cảm ăn rất sâu trong tâm hồn dân tộc này. Nay họ muốn làm Trung Quốc vĩ đại trở lại. Tập đã yêu cầu toàn dân gác bỏ mọi chống đối, nhắm mắt tin tưởng tuyệt đối vào ông ta, như tin một đấng tiên tri, cùng đồng hành tiến về “Giấc mơ Trung Hoa”, chinh phục thế giới.

Kerry Brown nói: “Tập muốn trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại thực hiện được việc này. Đôi mắt Tập biểu hiện một người có niềm tin lớn vào định mệnh và rất đáng sợ. Câu chuyện lịch sử này chỉ nói đến một thứ về ông: Trung Quốc sẽ không thất bại”.

Con đường tơ lụa

Tập đề ra một dự án vô tiền khoáng hậu: con đường tơ lụa. Đây là dự án của một pharao, sẽ bao phủ trái đất với những con đường thương mại của Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc cho tiến hành một dự án khổng lồ ngoài nước.

Tập phê chuẩn chi 1000 tỷ dollars để xây dựng hệ thống hỏa xa và đường hàng hải – ưu tiên trước cho châu Á thiết lập cơ sở hạ tầng. Sau đó đến lượt châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Mục đích đơn giản chỉ để gia tăng thương mại, bán thật nhiều sản phẩm Trung Quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Theo Jean – Pierre Cabestan: “Dự án con đường tơ lụa nhằm vượt mặt Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương khác, dần dần sẽ làm suy yếu chỗ đứng của Tây phương trên khắp thế giới – trước tiên ở Trung Á, sau đó Pakistan và Đông Phi”.

Cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, ông Max Baucus nói: “Một vành đai, một con đường. Đây là tầm nhìn quan trọng của chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một kế hoạch trường kỳ. Ở Hoa Kỳ, chúng ta không có kế hoạch dài hạn nào. Các quốc gia phương Tây khác cũng không, cho dù Trung Quốc có trỗi dây hay không”.

Bài học Sri Lanka

Tập sẵn lòng cho các quốc gia nghèo vay tiền để xây dựng cơ sở mậu dịch hạ tầng. Hơn 60 quốc gia bị cám dỗ do ước muốn hiện đại hóa. Sri Lanka là một trong những quốc gia đầu tiên đã hớn hở vay tiền của Trung Quốc để xây dựng một cảng thương mại khổng lồ ở phía Nam hòn đảo. Một viễn cảnh tốt đẹp trước mắt. Nhưng khi quốc gia này không có khả năng trả món nợ kếch xù với khoản tiền lãi cắt cổ, Trung Quốc đề nghị một hợp đồng mới, dựa vào việc tái cơ cấu nợ. Thay vì nhận tiền, Bắc Kinh sẽ làm chủ hải cảng trong 99 năm. Đây là ví dụ một quốc gia từ bỏ chủ quyền của mình để đổi lấy cơ sở hạ tầng quan trọng.

Giấc mơ của Tập đã biến thành cơn ác mộng cho Sri Lanka. Quốc gia này mất cả chì lẫn chài: một hải cảng trong 99 năm và tất cả chỗ làm trong khu vực kỹ nghệ rộng 100.000 mẫu.

Tiến vào Âu châu

Tập tiếp tục tiến bước sang Âu châu với các hợp đồng và chiến thuật khác.

Ông ta bắt đầu mua các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng Pireás của Hy Lạp và phi trường Toulouse ở Pháp và đề nghị mọi hình thức trao đổi. Lúc ban đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu rất hứng khởi và thường xuyên gặp Tập để lôi kéo Trung Quốc đầu tư. Trong chuyến thăm Pháp vào tháng 3/2014, Tập đã ký 50 hợp đồng trị giá 18 tỷ dollar với nước chủ nhà.

Francois Holland, tổng thống Pháp (2012 – 2017) nhấn mạnh: “18 tỷ dollar nghĩa là tạo việc làm và tăng trưởng”. Đổi lại, Trung Quốc và Pháp hợp tác chế tạo 1000 chiếc trực thăng, tập đoàn Đông Phong Trung Quốc góp vốn vào hãng xe hơi Pháp PSA Peugeot Citroen. Tập thông báo ông ta đã ký được nhiều hợp đồng và thỏa thuận với Âu châu về nguyên tử, hàng không, kỹ nghệ xe hơi, năng lượng, tài chính… trong chuyến đi của mình.

Phản ứng tốt xấu của các quốc gia Âu châu nhiều ít khác nhau. Một vài quốc gia tích cực ủng hộ và tin rằng họ sẽ có lợi trong việc hợp tác và nếu nó giúp sự phát triển toàn cầu được cân bằng thì cũng là điều tốt.

Đức là quốc gia đầu tiên đánh chuông báo động, vào tháng 9/2016, sau khi Trung Quốc mua Kuka, một hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai vạch mặt Con Đường Tơ Lụa.

Sigmar Gabriel, cựu bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức (2017 – 2018) nói trong Hội nghị an ninh thường niên lần thứ 54 tại Munich, ngày 16 tháng 2 năm 2018, như sau: “Không như một số người đã nghĩ, Con Đường Tơ Lụa không phải là một dự án tình cảm Marco Polo. Trung Quốc nỗ lực thiết lập một hệ thống toàn cầu để phục vụ quyền lợi của họ. Nó không chỉ thuần túy về kinh tế. Trung Quốc phát triển một hệ thống toàn diện, không giống như mô hình của chúng ta vốn dựa vào tự do, dân chủ và nhân quyền”.

Năm 2018, Trung Quốc đã kiểm soát 10% hoạt động của các hải cảng Âu châu. Đó là 1 trong 10 hải cảng.

Đối với những quốc gia có kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc như Hy Lạp, Hungary và Serbia, đường lối chính trị của họ cũng không thể thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc. Những quốc gia này phá vỡ mối liên hệ với Âu châu và ngả về Trung Quốc nhiều hơn.

Hy Lạp là trường hợp điển hình. Đây là con ngựa thành Troy đầu tiên của Tập ở Âu châu. Năm 2018, lần đầu tiên Liên Minh châu Âu (EU) không thể đệ trình báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì Hy Lạp phủ quyết.

Ủy ban châu Âu (European Commission), ngày 23 tháng 6 năm 2017 tại Bruxelles, đã thông qua đạo luật không cho phép Trung Quốc mua các doanh nghiệp chiến lược.

Bước sang Úc châu

Trung Quốc đầu tư rất mạnh ở Úc, tập trung chính vào các lãnh vực xã hội. Úc và New Zealand là hai phòng thí nghiệm giúp cho Trung Quốc xâm nhập vào quốc gia dân chủ, bằng một chiến lược hoàn hảo đã được nghiên cứu kỹ để gây ảnh hưởng chính trị.

Jean-Pierre Cabestan nhận định: “Chiến lược của các đảng Cộng sản là huy động các thế lực không cộng sản bằng cách vô hiệu hóa họ và mua chuộc để họ trở thành đồng minh. Người Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện để tác động đến chính sách đối nội của quốc gia đối tác”.

Cuối năm 2017, nước Úc rúng động vì một vụ bê bối chính trị khi một thượng nghị sĩ phải từ nhiệm vì đã nhận hối lộ của Trung Quốc. Trung Quốc đã có thể hối lộ thành công các chính trị gia để họ có quan điểm tích cực đối với các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc.

Sau cơn địa chấn chính trị này, nước Úc đã thông qua một đạo luật cấm người Trung Quốc đầu tư vào các đảng phái chính trị và các cơ sở kinh doanh chiến lược.

Chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc rất có hiệu quả trong xã hội dân sự, thương trường và giới khoa bảng. Nó tác động đến cộng đồng người Trung Quốc ở các quốc gia khác và hỗ trợ tài chính cho các cuộc tranh cử của các ứng cử viên có quan điểm thân Trung Quốc”…“Trung Quốc có thể dùng sức mạnh kinh tế để ngăn cản những chỉ trích về chế độ mình. Cái họ muốn xuất khẩu là ảnh hưởng và đặt ưu tiên hàng đầu là sự im lặng. Họ không muốn nghe những gì trái tai. Họ muốn các nước phải chấp nhận đường lối chính trị quốc tế của mình”, theo ông Stein Ringen, nhà khoa học chính trị và xã hội học.

Châu Phi và tham vọng bá quyền
Giấc mơ Trung Hoa của Tập có nhiều triển vọng nhất ở châu Phi. Con đường tơ lụa mới hiện đã chạy khắp nửa lục địa. Ông ta thường bay đến đây để rao giảng giấc mơ chính trị của mình. Ông ta gọi đây là “giải pháp của Trung Quốc”, một kế hoạch trong đó sự phát triển kinh tế là quan trọng nhất cho nhân quyền.

Ý tưởng của Tập được Francois Bougon giải thích như sau: Chỉ sau 30 năm, Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Trung Quốc không làm theo cách của phương Tây. Hệ thống chính trị không mở cửa cho dân chủ nhưng quốc gia giàu có và phát triển. Vì vậy hệ thống tồn tại. Đây là giải pháp của Trung Quốc. Các nước khác nên học hỏi và thực hiện giống như vậy.

Trung Quốc đã đi bước trước. Họ đứng sau và xây dựng hầu hết các dự án hạ tầng ở Phi châu, từ 30 đến 50 phần trăm. Để bảo đảm cho việc trao đổi mậu dịch với Phi châu và tiến hành đầu tư, Tập bạo gan hơn những người tiền nhiệm: ông ta thiết lập một căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, tại Djibouti. Quốc gia Đông Phi này có vị trí chiến lược, ngay cạnh một trong những con đường thương mại tấp nập nhất thế giới. Ngày 1 tháng 8 năm 2017, cả thế giới sửng sốt khi Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự này. Chuyện xảy ra quá nhanh. Căn cứ được hoàn thành chưa đến một năm. Từ lâu Trung Quốc vẫn thường xuyên bác bỏ tin đồn là họ sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Họ sẽ không làm giống người Mỹ.

Jean-Pierre Cabestan cho biết thêm: “Mọi người đều ngạc nhiên vì Djibouti nhỏ và quân đội Tây phương đã có mặt từ trước ở đó: Mỹ, Pháp, Ý, Nhật. Có quá nhiều người tập trung tại một nơi nhỏ và để mắt đến nhau. Tập gửi 10.000 quân đến đó, gấp đôi số lượng quân nhân Mỹ. Ông ta tuyên bố có vai trò giữ an ninh cho lục địa Phi châu”.

Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây là một biến chuyển quan trọng vì chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục những kế hoạch như vậy. Họ sẽ theo bước Hoa Kỳ mặc dù luôn chỉ trích chính sách quân sự Mỹ.

Tập dự trù đến năm 2049, Trung Quốc sẽ có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, hơn cả Hoa Kỳ. Cũng như Mao, ông ta tin rằng quyền lực đến từ nòng súng. Trong vòng 4 năm, số lượng tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc đã nhiều bằng nước Pháp. Tập luôn phô trương sức mạnh quân sự trong những dịp lễ lớn. Hải và không quân Trung Quốc đã diễn tập ở Biển Đông và Thái Bình Dương, gần các khu vực Mỹ đã xây dựng căn cứ quân sự từ sau thế chiến thứ Hai.

Trung Quốc yêu sách lãnh hải và các hòn đảo thuộc chủ quyền của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Brunei và Philippines. Họ chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012. Với tấm bản đồ đường chín đoạn, bất chấp phán quyết của toà án trọng tài quốc tế tại The Hague, Tập tuyên bố có chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi gần 90% Biển Đông. Ông ta đã âm thầm cho bồi đắp, xây dựng căn cứ quân sự, phi đạo, hải cảng trên các hòn đảo, bãi đá nổi chiếm được của Việt Nam, gửi quân đội, điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu đến đó. Những tháng giữa năm 2019, tình hình trở nên rất căng thẳng và có thể xảy ra xung đột. Tập đặt thế giới vào sự đã rồi.

Trật tự mới

Bây giờ Tập đã sẵn sàng dọn đường cho một trật tự mới trên thế giới. Để tiến đến mục tiêu đó, ông ta dùng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation – SCO) của mình. Đây là tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh liên chính phủ Âu – Á gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan.

Tháng 6/2018, hội nghị thượng đỉnh của Tập diễn ta cùng thời điểm với G7 của các cường quốc dân chủ. Dự án con đường tơ lụa của Trung Quốc giờ được liên minh chính trị và quân sự SCO hỗ trợ. Tập chủ trì hội nghị thượng đỉnh SOC, bên cạnh là Vladimir Putin, người đã bị trục xuất khỏi G7, sau khi xâm chiếm Crimea của Ukraine. Ngoài bốn quốc gia thành viên khác, lần này, Tập đã mời và hoá giải được mối hận thù giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia nguyên tử này gia nhập SOC. Tập tuyên bố “đây là hội nghị lịch sử vì lần đầu tiên tám nhà lãnh đạo cùng tham dự và SOC sẽ lớn mạnh”. Nhiều quốc gia Âu-Á khác như Israel, Saudi Arabia, Egypt, Ukraine, Turkey… cũng quan tâm tìm hiểu hay muốn gia nhập tổ chức này.

Jean-Pierre Cabestan nhận định: “Chiến lược của Tập Cận Bình là thành lập một trật tự mới, theo cách ‘đi nước đôi’ như Mao từng nói. Điều này có nghĩa là tạo nhiều ảnh hưởng hơn trong các tổ chức đa phương hiện có và thành lập các tổ chức đa phương phi Tây phương mới, lấy cảm hứng từ Trung Quốc – ở cấp độ ý thức hệ phản ánh lợi ích và giá trị của Trung Quốc. Cách tốt nhất để vô hiệu hóa một tổ chức lớn là thành lập những tổ chức mới và gây ra một sức ép nhất định”.

Tập mơ tái tạo trật tự toàn cầu. Ông ta muốn tập hợp cả thế giới – với Trung Quốc là trung tâm. Phía sau những lời hứa hẹn về một tương lai huy hoàng là âm mưu vô cùng thâm hiểm của đảng Cộng sản. Ngay từ thời Mao, Trung Quốc đã mơ một thiên đường cộng sản trên khắp thế giới. Thiên đường này sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của một đảng Cộng sản toàn năng. Nó đóng vai trò nhà nước và có toàn quyền sinh sát, đưa ra đường lối chính sách, luật lệ mà không ai được chỉ trích chống đối. Đó là một thế giới mà các ý tưởng dân chủ, tự do, nhân quyền không có cùng ý nghĩa như ở phương Tây. Và chuyện này cũng không cần phải đợi lâu. Nó đã đang diễn ra ở những nơi chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam là trường hợp điển hình.

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tập đã thanh toán hàng loạt đối thủ chính trị. Ba cơ quan truyền thông lớn nhất ở Trung Quốc giờ có tên chung là The Voice of China. Francois Bougon kể: “Ông ta nói với các nhân viên: Họ của các đồng chí là đảng. Đảng Cộng Sản! Đừng quên là các đồng chí đang ở đó để phục vụ gia đình này, đó là đảng Cộng sản”.

Tập đã đập tan mọi hy vọng về dân chủ ở Trung Quốc. Tự do báo chí, ngôn luận, tôn giáo, internet, mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ. Chỉ trích đảng là phạm pháp. Một sai phạm nhỏ nhất cũng bị xử phạt. Để nắm vững quyền lực, Tập loại bỏ các đối thủ bằng cách nhân danh chiến dịch bài trừ tham nhũng.

Kerry Brown nhận xét: “Về mặt đạo đức, đảng theo chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism). Điều này có nghĩa 99% người dân được xem là OK và 1% phải biến mất trong cái hố đen. Trong xã hội chúng ta, đây là vấn đề. Chúng ta bị phê phán do cách chúng ta đối xử với kẻ xấu hay với những người phải bị cách ly như thế nào. Đối với đảng, chuyện đó không quan trọng và những người này bị đối xử rất tàn nhẫn”.

Để thiên đường cộng sản sẽ được hoàn hảo và duy trì sự ổn định của chế độ, Tập theo dõi và xếp hạng công dân bằng một hệ thống có tên là “tín dụng xã hội”. Với sự trợ giúp của công nghệ nhận diện khuôn mặt và hệ thống tín dụng xã hội, thông tin cá nhân của tất cả mọi người trong nước đều bị lưu trữ. Hệ thống camera – con mắt của nhà nước – theo dõi họ suốt ngày đêm và ở khắp mọi nơi. Khởi đầu mỗi công dân được cấp 1000 điểm. Số điểm này tăng hay giảm tùy vào cách cư xử của họ trong cuộc sống riêng tư hay ngoài xã hội. Điểm tăng được thưởng. Điểm giảm bị phạt.

Đây là một hệ thống kiểm soát toàn hảo giúp nhà cầm quyền quyết định vận mệnh của con người. Tương lai cá nhân nằm trong tay nhà nước. Trung Quốc đang hiện đại hóa thế giới của Orwell.

Vấn đề này sẽ quyết định số phận thế giới. Các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập các quốc gia khác. Yu Jie cho biết, Facebook thông báo đóng tài khoản của ông 24 tiếng, sau khi ông đăng một bài viết chỉ trích đảng Cộng sản, mặc dù ông đang sống ở Mỹ. Facebook đã theo chỉ thị của Bắc Kinh. Chuyện này cho thấy bàn tay lông lá của Bắc Kinh đã thò vào lòng các quốc gia dân chủ. Nó đang tìm cách lũng đoạn quyền tự do ngôn luận trên khắp thế giới.

Hiện nay, rất nhiều người Trung Quốc đang ôm chung giấc mộng vàng sẽ đến vào năm 2049 cùng với Tập. Từ đây đến năm đó, Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu.

Một câu hỏi được đặt ra: Các quốc gia dân chủ phải làm gì trước một Trung Quốc độc tài và đầy tham vọng như vậy? Bài học của Hitler vẫn còn đó.
_____

Tham khảo


----------------------------------------

XEM THÊM

Nguyễn Thái Nguyên
25/09/2019








No comments: