Mai V. Phạm
28/09/2019
Sau khi bản báo cáo của Công tố viên Mueller trình
bày bằng chứng thuyết phục, chứng minh Trump đã cản trở công lý (obstruction of
justice), đông đảo đoàn thể đã kêu gọi Hạ viện điều tra luận tội Trump
(impeachment inquiry). Hơn 1,000 cựu công tố viên liên bang uy tín, từng
phục vụ dưới thời Tổng thống Cộng hòa lẫn Dân chủ, đã đồng ký tên vào một tuyên
bố chung, luận rằng nếu Donald J. Trump không phải là Tổng thống, thì ông đã bị
buộc tội cản trở công lý.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, một bê bối khác được
đánh giá nghiêm trọng hơn cuộc điều tra của Mueller. Một quan chức chính phủ đã
bí mật gửi đơn khiếu nại cho Tổng Thanh tra chính phủ (Inspector General), tố
cáo trump đã dùng tiền viện trợ cho Ukraine như một “đòn bẩy” gây áp lực lên
Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, yêu cầu ông Zelensky điều tra cựu Phó Tổng
thống Joe Biden.
Điều đáng nói, nguyên tổng công tố Ukraine, Yuriy
Lutsenko, là người từng điều tra về công ty liên quan mà con trai ông Biden làm
việc, cho biết, ông này đã không hề vi phạm pháp luật. Bởi thế,
“cuộc điều tra” mà Trump muốn Ukraine nhúng tay vào chỉ là thủ đoạn nhằm gây bất
lợi cho Biden, bởi Trump xem Biden là đối thủ chính trong cuộc chạy đua vào tòa
Bạch Ốc, kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020.
Sau khi nhận được bản khiếu nại vào ngày 12/8/2019,
Tổng Thanh tra Michael Atkinson – là người được Trump tuyển chọn – đã dành khoảng
2 tuần điều tra mức độ uy tín của đơn khiếu nại. Vào ngày 26/8/2019, ông
Michael Atkinson đã gửi bản khiếu nại tới Giám đốc Tình báo Quốc gia, Joseph Maguire,
xác định có đủ cơ sở để tin rằng đơn khiếu nại “rất đáng tin cậy”.
Theo luật
pháp, ông Maguire có 7 ngày để chuyển đơn khiếu nại đến các ủy ban tình báo Quốc
hội trong Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã chỉ đạo ông Maguire
không chuyển đơn khiếu nại đến Quốc hội. Vào ngày 9/9/2019,
Tổng Thanh tra Atkinson đã gửi một lá thư đến Hạ viện, thông báo rằng, có một
đơn khiếu nại được đánh giá ở mức “quan tâm khẩn cấp” (“urgent concern”), nghĩa
là “một vấn đề nghiêm trọng, lạm quyền, hoặc vi phạm pháp luật”.
Theo bài báo của Washington Post, Trump đã yêu cầu nội
các ngưng chuyển cho Ukraine số tiền viện trợ khoảng 400 triệu Mỹ kim – được Quốc hội Mỹ
thông qua, nhằm giúp nước này chống lại Nga, trước cuộc đàm thoại với Tổng thống
Ukraine. Hành vi của trump là lạm quyền nghiêm trọng: sử dụng quyền
lực của văn phòng Tổng thống để làm lợi cho bản thân và phá hoại nguyên tắc nền
tảng của dân chủ – bầu cử công bằng. Bởi thế, sự việc này đã khiến đông đảo dân
biểu, chuyên gia và cử tri giận dữ, lên tiếng yêu cầu Hạ viện điều tra luận tội
ông Trump.
Trước đó, Chủ
tịch Hạ viện là bà Nancy Pelosi, đảng Dân chủ, đã không ủng hộ điều tra luận tội
Trump. Tuy nhiên, áp lực rất lớn từ các thành viên nổi bật
trong đảng Dân chủ, đông đảo cử tri, cũng như hành vi ngăn chặn đơn khiếu nại đến
Hạ viện của Nhà Trắng, đã khiến bà Pelosi không còn lựa chọn nào khác. Bởi thế,
vào ngày 24/9/2019, bà Pelosi đã chính thức tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội ông
Trump.
Ngay sau đó, Trump vội vã thông báo trên Twitter rằng
sẽ cho công khai bản ghi nhớ cuộc nói chuyện với Tổng thống Ukraine vào ngày
25/9/2019. Nhiều người nghĩ bản ghi chép này có thể chứng minh được sự vô tội của
Trump. Nhưng thật ngạc nhiên khi nó lại là bằng chứng sắt thép tố cáo sự lạm
quyền trắng trợn của Trump.
Bản ghi nhớ dài khoảng 4
trang, chứng minh Trump đã yêu cầu Tổng thống Zelensky điều tra ông Biden và
con trai. Câu nói then chốt chứng minh được lạm quyền nghiêm trọng của Trump
là: “I would like you to do us a favor though”.
(Dù vậy, tôi muốn ngài [Tổng thống Zelensky] giúp tôi một ân huệ.) Ân
huệ mà Trump nói với Tổng thống Zelensky là gì? Là đẩy
mạnh hợp tác với Mỹ chống Trung Quốc? Hoặc là hợp tác an ninh mạng để chống
Nga? Đáng tiếc không phải là những điều nói trên. “Ân huệ” mà Trump mong ông Zelensky giúp, chính là tìm
thông tin bẩn về Biden để Trump có thể sử dụng trong trường hợp phải đối mặt với
Biden trong tranh cử bầu cử Tổng thống năm 2020.
Nói cách khác, thông điệp của Trump với Tổng thống
Zelensky là: Nếu ông muốn nhận tiền viện trợ để chống Nga, thì phải giúp tôi
tìm thông tin bẩn về Joe Biden. Nghĩa là, Trump đặt lợi ích cá nhân lên
trên lợi ích quốc gia, bằng cách dùng tiền viện trợ cho
Ukraine để đổi lấy thông tin bẩn, nhằm hãm hại đối thủ chính trị. Thử tưởng
tượng nếu cựu Tổng thống Obama cũng yêu cầu lãnh đạo nước khác “điều tra” đối
thủ chính trị Mitt Romney, trong khi ông Mitt Romney không hề vi phạm pháp luật,
để thấy được mức độ nghiêm trọng như thế nào.
Vì sao phải luận tội Trump?
Hiến pháp yêu cầu Tổng thống “bảo đảm luật pháp
phải được thi hành một cách đúng đắn” và tuyên thệ “giữ chức vụ Tổng thống
với lòng trung thành và tận dụng hết khả năng để duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến
pháp Hoa Kỳ”. Nghĩa là, một Tổng thống không chỉ bảo đảm công dân tuân thủ
pháp luật, mà chính bản thân phải có tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Tuy nhiên, từ khi nhậm chức Tổng thống cho đến nay, Trump đã liên tục lạm quyền,
đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích quốc gia.
Công tố viên Mueller đã tìm
thấy “nhiều hành vi thực hiện bởi Tổng thống Trump” để “tạo
ảnh hưởng không đáng có đối với các cuộc điều tra”. Mueller nhấn mạnh, các
hành vi của Trump là “để đe dọa các nhân chứng hoặc để thay đổi lời khai
của họ”và khiến “sự liêm chính của tư pháp bị đe dọa”. Nếu
thực sự vô tội, tại sao Trump lại liên tục tìm cách thay đổi kết quả điều tra?
Đơn khiếu nại và bản ghi nhớ cuộc đối thoại cũng vạch
trần bộ mặt lạm quyền và vô pháp trắng trợn của Trump. Cụ thể, người viết đơn khiếu nại cho hay: “Tổng thống [Trump] đã sử dụng
quyền lực văn phòng Tổng thống để chào mời sự can thiệp từ một quốc gia khác
trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020” và có rất nhiều quan chức cấp cao bày tỏ “lo
ngại sâu sắc” về hành vi này.
Người viết
đơn khiếu nại còn cho hay các quan chức cấp cao của Nhà Trắng được chỉ đạo phải
chuyển bản copy cuộc trò chuyện của Trump với Tổng thống Ukraine từ một hệ thống
máy tính thường lưu trữ, sang một hệ thống được sử dụng cho các bí mật quốc
gia. Nếu cuộc trò
chuyện là “tuyệt vời”, không có gì ghê gớm như Trump đã liên tiếp khẳng định,
thì tại sao phải cất giấu ở hệ thống khác?
Liệu Trump và đội ngũ thân tín đã che giấu bao nhiêu cuộc nói chuyện với các
nguyên thủ quốc gia khác?
Nhóm những nhà Lập quốc từ xưa khẳng định, các thế lực
nước ngoài tuyệt đối không thể can thiệp, gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử hoặc
quá trình hoạch định chính sách bởi nó sẽ tạo ra các hiểm họa to lớn đối
với chủ quyền nước Mỹ. Bởi thế, nhóm Lập quốc đồng thuận rằng, một
Tổng thống chào mời sự ca thiệp của nước ngoài vào bầu cử vì lợi ích cá nhân phải
bị luận tội. Luận tội (impeachment) là một giải pháp quan trọng để kiểm
soát và xử lý những Tổng thống sai phạm như thế.
Một trong những nghĩa vụ quan trọng của Hạ viện là “luận
tội các quan chức” theo Điều 1, Khoản 2. Hạ viện đã từng luận tội 16
quan chức liên bang, trong đó có hai Tổng
thống là Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Sau khi
Hạ viện luận tội, Thượng viện có trách nhiệm xét xử các vụ luận tội theo Điều
1, Khoản 3.
Với một chuỗi sai phạm nguy hiểm, không tiến hành luận
tội Trump là cho phép ông ta tiếp tục vi phạm pháp luật, chà đạp Hiến pháp, và
tạo nên tiền đề nguy hiểm cho các Tổng thống sau này. Như vậy chẳng khác nào để
Trump phá nát nền dân chủ và hệ quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Phải luận tội Trump bởi đó là nghĩa vụ của Hạ viện
nhằm kiểm soát một Tổng thống cản trở công lý, lạm quyền trắng trợn, và hủy hoại
an ninh quốc gia. Thêm nữa, có nhiều cử tri độc lập không nắm rõ các hành
vi vô pháp của trump. Tiến hành điều tra luận tội trump, bao gồm các phiên điều
trần công khai, để báo chí liên tục đưa tin về những sai phạm của Trump, giúp
các cử tri độc lập thấy rõ được bộ mặt vô pháp và nguy hiểm của Trump.
Vẫn có ý kiến cho rằng, Hạ viện không nên “mất thời
gian” luận tội Trump vì Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không xử truất
phế Trump. Rõ ràng, người bày tỏ quan điểm như thế, hiểu “luận tội” như một giải
pháp loại bỏ một Tổng thống. Tuy nhiên, luận tội nên được hiểu như một giải
pháp cuối cùng, nhằm kiểm soát quyền lực, bảo vệ Hiến pháp, và nền pháp trị, và
dân chủ trước các Tổng thống “phản quốc, nhận hối lộ, hoặc phạm những tội
nghiêm trọng khác”. Hãy để lịch sử ghi lại những kẻ bao che cho Trump – kẻ đặt
lợi ích cá nhân lên trên an ninh quốc gia.
Tính đến thời điểm này đã có 223 Dân biểu tại Hạ viện ủng hộ điều tra luận tội Trump.
Con số này đủ để Hạ viện thông qua các điều khoản luận tội đối với Trump
(Articles of Impeachment) nếu tiến hành bỏ phiếu. Sau khi bản khiếu nại tố cáo
Trump được dư luận biết đến, tổng số cử tri ủng hộ luận tội Trump tăng
nhanh đáng kể. Theo 3 bản thăm dò mới nhất của các tổ chức uy
tín, phần lớn cử tri Mỹ ủng hộ Hạ viện luận tội Trump.
Cơ hội Trump trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử
nước Mỹ bị Hạ viện luận tội là cao nhất từ trước đến nay. Trump có thể noi
gương cựu Tổng thống Nixon từ chức, để tránh bị Hạ viện luận tội. Tuy nhiên, với
bản chất không bao giờ nhận lỗi và xem mình đứng trên pháp luật, thì cơ hội
Trump từ chức là rất thấp. Như thế, xem ra lịch sử Mỹ sẽ sớm ghi tên Donald J.
Trump vào danh sách Tổng thống bị luận tội vì lạm quyền và vô pháp nghiêm trọng.
No one is above the law. – Không ai có quyền đứng trên pháp luật.
-------------------------------------------------
CÙNG CHỦ ĐỀ
Ba ủy ban của Hạ viện yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo xuất trình các tài liệu liên quan đến thỏa thuận của chính quyền Trump với
Ukraine.
BBC
28/09/2019
.
Đến lượt bộ Ngoại Giao Mỹ bị chất vấn về cuộc điện
đàm giữa hai tổng thống Hoa Kỳ và Ukraina. Ngày 27/09/2019, Hạ Viện yêu cầu ngoại
trưởng Mike Pompeo cung cấp tất cả những tài liệu cần thiết cho cuộc điều tra về
khả năng Donald Trump đã gây áp lực với Kiev "nhờ" tổng
thống Ukraina giúp triệt hạ đối thủ chính trị là cựu phó tổng thống Joe Biden.
RFI
28/09//2019
.
Nhật báo Washington Post ngày 27/09/2019 tiết lộ Nhà
Trắng đã can thiệp để giữ kín nội dung các cuộc trao đổi giữa tổng thống Trump
với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, cũng như với hoàng thái tử Ả Rập Xê Út
Mohammed Ben Salman.
RFI 28/09/2019
.
Phe Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ, hiện đang theo đuổi
một cuộc điều tra luận tội nhắm vào Tổng thống Donald Trump, xúc tiến cuộc điều
tra này vào ngày thứ Sáu với việc ra trát buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo giao nộp
các tài liệu liên quan đến chính phủ Ukraine.
VOA 28/09/2019
No comments:
Post a Comment