Sunday, November 30, 2008

KẺ GIẾT CẢNH SÁT VIÊN NHƯNG LẠI LÀ NGƯỜI HÙNG

The New York Times
Kẻ giết hại các cảnh sát viên, nhưng là người hùng đối với một số dân chúng Trung Quốc, đã bị hành quyết
DAVID BARBOZA
Ngày 26-11-2008
http://www.nytimes.com/2008/11/27/world/asia/27shanghai.html?_r=1
THƯỢNG HẢI -- Một người đàn ông 28 tuổi bị kết tội giết hại sáu nhân viên cảnh sát đã bị xử tử hình bằng cách tiêm thuốc độc vào sáng thứ Tư, theo tin từ truyền thông nhà nước, kết thúc vụ án từng lôi cuốn một số lượng lớn đáng kinh ngạc về sự đồng cảm của công chúng đối với anh ta.

Tòa án Nhân dân Tối cao Thượng Hải - Dương Gia trong quá trình xét xử anh vào tháng Mười tại Thượng Hải về tội đã giết sáu nhân viên cảnh sát (hình: AFP)
http://f3.yahoofs.com/blog/46e3bbe0z25f93a82/73/__sr_/e67f.jpg?mggD3MJBLd8CfiWk

Bản án tử hình đã được thi hành nhanh chóng sau khi tòa tối cao quốc gia, gọi là Tòa án Nhân dân Tối cao tại Bắc Kinh, đã không chấp nhận một đề nghị kháng án nhân danh người đàn ông Bắc Kinh thất nghiệp, anh Dương Gia, từng lao vào một đồn cảnh sát ở Thượng Hải ngày 1 tháng Bảy và đâm sáu nhân viên cảnh sát cho tới chết.
Anh Dương cho biết mình bị buộc tội oan là đã ăn cắp một chiếc xe đạp, rồi bị cảnh sát Thượng Hải đánh đập vào tháng Mười năm 2007; cảnh sát thừa nhận rằng họ đã hỏi anh ta về việc anh sử dụng một chiếc xe đạp không đăng ký song lại phủ nhận là đã đánh đập anh. Anh Dương đã gửi thư cho cảnh sát Thượng Hải và đòi có sự đền bù những tổn thất về tâm lý. Cuối cùng anh đã coi cuộc tấn công của mình vào đồn cảnh sát là một hành động báo thù.
Đối với nhiều người Trung Quốc, anh đã trở thành một biểu tượng về một kẻ tầm thường mà đã dám đứng lên chống lại thói quấy rối của cảnh sát và sự bất công của chính quyền. Trong thời gian diễn ra hai phiên toà, những người ủng hộ anh đã tập họp thành những đám đông bên ngoài phòng xử án tại Thượng Hải. Một số người đã mặc những chiếc áo phông có hình ảnh anh Dương; một số khác đã gọi anh là một người anh hùng.
Bên ngoài Thượng Hải, một số tờ báo đã cho đăng tải những bức chân dung của Dương với vẻ mặt dễ mến.
Các luật sư bảo vệ cho anh Dương nói là anh đã không ổn định về tinh thần và không đủ sức khỏe để ra tòa. Thế nhưng các công tố viên đã liệt anh vào loại sát nhân có máu lạnh, kẻ đã phạm tội ác với "bản tính hiểm độc có dự tính trước và chuẩn bị kỹ lưỡng." Anh đã bị tuyên là có tội vào ngày 1 tháng Chín và bị kết án tử hình.
Vào hồi 9 giờ hôm thứ Tư, sau khi ăn một ít cháo đặc, anh Dương đã bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc, theo tin từ báo chí của nhà nước cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tối thứ Tư, cha anh Dương, ông Dương Phú Sinh, cho biết ông căm giận hệ thống luật pháp của đất nước Trung Quốc và đã choáng váng trước bản án tử hình đứa con trai của mình.
"Tôi đã có những nỗ lực lớn nhất để giúp cho con trai tôi, để cứu lấy cuộc sống của nó, thế nhưng tôi đã thất bại, Tôi có thể nói gì bây giờ?" ông giãi bày qua điện thoại. "Đó là một trải nghiệm cay đắng đau buồn suốt bốn tháng này, là quãng thời gian khắc nghiệt và tối tăm nhất trong cuộc đời chúng tôi. Tôi sẽ nghi nhớ sâu đậm trong trái tim mình mọi giây phút đau đớn, mọi nỗ lực và mọi lời khẩn cầu mà tôi đã cố gắng; tôi hứa là sẽ không bao giờ quên nó. Và giờ đây tôi đã mất con trai rồi. Tôi nhận ra là những người dân bình thường đã phải bất lực đến thế nào."
Một ngày sau khi anh Dương Gia bị cáo buộc đã giết các nhân viên cảnh sát, mẹ anh, bà Vương Tinh Mỹ, đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh và bị đưa tới một bệnh viện tâm thần địa phương. Gia đình bà kể là họ đã không hề được ai nói cho biết nơi bà bị giam giữ hoặc ai đã giam giữ bà; họ chỉ biết rằng bà đã biến mất. Bà được thả ra hôm Chủ nhật tuần trước, họ kể, và được phép tới thăm con hôm thứ Hai.
Cha của anh Dương nói là ông chỉ được tới thăm con trai mình một lần, vào hôm 16 tháng Mười, và anh đã không được phép có cuộc thăm viếng nào khác. Bản miêu tả của báo chí nhà nước về cái chết của con trai ông đã không giải đáp được những điều nghi vấn nhất của ông.
"Tôi vẫn không biết nơi mà nó bị hành hình, cách họ hành hình nó, nó chết nhẹ nhàng hay đau đớn, nó muốn nói với tôi và mẹ nó điều gì," cha anh Dương than thở. "Thật là vô nhân đạo khi chính quyền đã tước đi cái quyền của tôi được nhìn thấy con trai tôi; điều này đã dạy cho tôi bài học cay đắng, là cán cân công lý và luật pháp luôn luôn nghiêng về phía những kẻ có quyền lực, về phía một chính quyền hùng mạnh như thế."
Trần Dương đã bổ sung thông tin từ Bắc Kinh.

Hiệu đính:
Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
Saturday November 29, 2008 - 11:58am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2689

-----------------------
Shanghai Higher People's Court, via Agence France-Presse — Getty Images
Yang Jia during his trial in October in Shanghai on charges of killing six police officers.


The New York Times
Police Officers’ Killer, Hero to Some Chinese, Is Executed
By
DAVID BARBOZA
Published: November 26, 2008
http://www.nytimes.com/2008/11/27/world/asia/27shanghai.html?_r=1
SHANGHAI — A 28-year-old man convicted of killing six police officers was executed by lethal injection on Wednesday morning, according to state media, ending a case that drew a surprising amount of public sympathy for the man.
The execution came shortly after the nation’s highest court, the Supreme People’s Court in Beijing, rejected an appeal on behalf of the unemployed Beijing man, Yang Jia, who stormed a Shanghai police station on July 1 and stabbed six officers to death.
Mr. Yang said he had been wrongly accused of stealing a bicycle and been beaten by the Shanghai police in October 2007; the police have acknowledged that they questioned him about riding an unlicensed bicycle but denied beating him. Mr. Yang wrote to the Shanghai police and demanded compensation for psychological damage. He eventually called his assault at the police station a revenge attack.
To many Chinese, he became a symbol of the little guy standing up against police harassment and government injustice. During his two trials, supporters gathered in crowds outside the courthouse in Shanghai. Some wore T-shirts with Mr. Yang’s image; some called him a hero.
Outside of Shanghai, some Chinese newspapers published sympathetic portraits of Mr. Yang.
Lawyers for Mr. Yang said he was mentally unstable and not fit to stand trial. But prosecutors labeled him a cold-blooded murderer who had committed the crime with “ premeditated malice and thorough preparation.” He was convicted Sept. 1 and sentenced to death. The courts rejected several appeals.
At 9 a.m. on Wednesday, after eating some porridge, Mr. Yang was executed by lethal injection, according to the state-run news media.
In a telephone interview Wednesday evening, Mr. Yang’s father, Yang Fusheng, said he was outraged at
China’s judicial system and devastated by his son’s execution.
“I’ve tried my best to help my son, save his life, but failed, what can I say?” he said by phone. “It was a bitterly sad experience for these four months, the hardest and darkest time in our life. I’ll remember firmly and deeply in my heart every minute of suffering, every attempt and every appeal that I tried; I promise I will never forget it. And now I lost my son. I’ve realized how powerless common people are.”
A day after Mr. Yang was accused of killing the officers, his mother, Wang Jingmei, was detained in Beijing and sent to a local mental hospital. Her family said they were never told where she was held or by whom; they knew only that she had disappeared. She was released last Sunday, they said, and allowed to visit her son on Monday.
Mr. Yang’s father said that he visited his son once, on Oct. 16, and that he was not allowed another visit. The state media account of his son’s death did not answer his deepest questions.
“I still don’t know where he was executed, how they executed him, if he died calmly or painfully, what he wanted to say to me and to his mother,” Mr. Yang’s father said. “It’s inhuman that the government deprived my right to see my own son; it taught me bitterly, that the scale of justice and law is always leaning toward to the one who has the power, toward so mighty a government.”


Chen Yang contributed research from Beijing.

PHÁP MỪNG CLAUDE LÉVI-STRAUSS TRĂM TUỔI

Nước Pháp mừng nhà nhân học Claude Lévi-Strauss trăm tuổi
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 28/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 29/11/2008 11:15 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1730.asp
Là một nhà triết học chọn một lối đi không có sẵn, một thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, Claude Lévi-Strauss đã từng tuyên bố : chưa bao giờ ông muốn thay đổi thế giới này về mặt chính trị.
Khi ta nhìn sát vào cuộc đời và cuộc chiến đấu của Claude Levi -Strauss, nhan đề cuốn sách của Gabriel Garcia Marquez đột ngột hiện lên trong đầu ta : "Trăm năm cô đơn". Một cuộc đời thế kỷ đã đi hết cái thời của mình. Đi ngược lại mọi thứ mốt, dường như cuối cùng ông đã không yêu cái thế kỷ này. Thế kỷ thuộc về ông là thế kỷ 19 và 18. Những tác giả quan trọng của ông là Jean Jacques Rousseau, François-René de Chateaubriand.
Ông đã giữ lại từ các bậc thầy tư tưởng này sự nhạy cảm vô cùng lớn đối với mọi sinh linh, mọi vật thể, đối với thế giới tự nhiên, và các phong cảnh của thế giới nội tâm. Để rồi sau đó, ông cũng sẽ tiến hành mô tả cái hiện thực sống sượng, nhưng là với một phong cách thơ. Nhân vật Đông-ki-sốt trong dân tộc học này xuất thân từ một dòng họ Do Thái vùng Alsace.
Cha ông là họa sĩ, ông nội là rabbin – một chức sắc trong đạo Do thái. Levi-Strauss kể rằng, ông đã chứng kiến được ngay từ sớm phong trào bài Do thái trong giờ chơi tại trường học, và cũng đã sớm phát hiện ra một cách đột ngột rằng mình đã bị cả một cộng đồng, mà bản thân ông trước đó vẫn tin mình là một thành viên khăng khít, chống lại.
Thực tế này đã dẫn chàng thanh niên đến chỗ giữ một khoảng cách với hiện thực đương thời. Phải chăng chính cái khốc liệt của thực tế vốn đã dẫn ông đến với các thổ dân châu Mỹ ở vùng Amazone ấy, đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng về sứ mệnh để khiến ông trở thành một nhà nhân học quan trọng nhất của thế kỷ XX?
Không có thể nói được gì chính xác về điều này. Là một nhà triết học chọn một lối đi không có sẵn, một thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, Claude Levi-Strauss đã từng tuyên bố : chưa bao giờ ông muốn thay đổi thế giới này về mặt chính trị. Nếu tôi viết, ông nói, và tôi chụp các bức ảnh này, chính là để bảo tồn lại những ký ức về cái thế giới đang biến đổi trước mắt chúng ta, một di sản mênh mông thấm đẫm hương vị của tha nhân.

Quy tắc cấm loạn luân

Trong các tác phẩm lớn của Levi-Strauss, có quyển Các cấu trúc cơ bản của quan hệ thân tộc (Structures élémentaires de la parenté) hay các quyển mang tên Nhân học cơ cấu 1 và 2 (Anthropologie structurale) trong đó, ông nêu bật những hình thức bất biến ví dụ như quy tắc cấm loạn luân.
Claude Levi-Strauss coi việc cấm loạn luân như là nền móng của sự phân chia giữa thiên nhiên và văn hóa. Thiên nhiên tuân theo các qui luật mà không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào. Các hành tinh trong vũ trụ đi theo các lộ trình tuân thủ các qui luật do nhà vật lý thiên văn Kepler phát hiện ra, ngược lại, văn hóa cấu thành nên một thế giới với các qui tắc có thể điều chỉnh được : ví dụ mầu trắng là cái tượng trưng cho việc tang ở Nhật Bản, trong khi ở phương Tây, lại được tượng trưng bởi mầu đen. Tuy vậy, trong tất cả các xã hội, đều tồn tại một quy luật chung, đó là việc cấm loạn luân. Chúng ta có thể luôn luôn tìm thấy các qui tắc cấm một số quan hệ liên minh hôn nhân trùng với một số các quan hệ mà chúng ta gọi là các quan hệ máu mủ.
Việc cấm loạn luân như vậy đối lập với sự quần hôn của thế giới động vật. Việc cấm lọan luân này là chung đối với tất cả các xã hội, nhưng nó lại biến thiên tùy theo từng nhóm khác nhau : ở châu Âu theo Thiên chúa giáo, việc cấm loạn luân này chủ yếu liên quan đến những thế hệ tiền bối và các hậu duệ trực tiếp, và các thành viên của một tộc họ, trong các xã hội khác, nó liên quan đến tất cả các thành viên của một gia đình rất rộng, trong một xã hội khác nữa, việc nghiêm cấm loạn luân lại đi kèm với một nghĩa vụ hôn nhân với một hôn hay hôn phụ thuộc vào một nhóm khác của dòng họ.
Như vậy, một cậu con trai phải cưới một cô gái, ra đời từ cuộc hôn nhân của người anh em với cha mình – gọi là "người em họ song song" – trong khi cuộc hôn nhân với một người con gái xuất thân từ cuộc hôn nhân của chị em của cha mình – một "người em họ giao chéo" - lại bị cấm. Hôn nhân, vả lại, theo Levi-Strauss, không phải là để đáp ứng các nhu cầu của đời sống tình dục, mà là các nhu cầu kinh tế : "Chính là nhờ sự phân chia lao động giữa hai giới mà việc hôn nhân trở nên có thể thực hiện được" (trích trong tiểu luận « Gia đình », trong Cái nhìn cách biệt, Nxb Plon, 1983).
Đối với Levi-Strauss việc cấm kỵ lọan luân này là một trong ba hình thức trao đổi cấu thành nên xã hội : trao đổi các phụ nữ, trao đổi các biểu trưng, và trao đổi các tài sản.
Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, học thuyết cấu trúc và can quan niệm của Claude Levi-Strauss ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nghệ thuật, văn học, chính trị và triết lý.

Đền tháp Bharut ở Ấn Độ tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử Phật giáo
http://www.rfi.fr/actuvi/images/107/bharut432C432C.jpg

Ngay tại Việt Nam, học thuyết này của Claude Lévi-Strauss đã hấp dẫn nhiều học giả. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, trong tập sách tôn vinh Nguyễn Từ Chi, một nhà văn hoá xuất sắc của Hà Nội, đã kể lại rằng : Có lần đã lâu, khi học thuyết cấu trúc Levi-Strauss còn mới lạ với giới khoa học Việt Nam, không nề hà, ông Từ Chi đã trình bày liền 4 buổi cho một số nhà nghiên cứu của Viện Dân Tộc học Hà Nội và các viện bạn. Kết quả gây nên rắc rối với ông ông Từ Chi.

Tác phẩm "Miền Nhiệt đới Buồn"

Đây là kể một câu chuyện đã xưa. Nhưng với bạn đọc, khi cầm các tác phẩm của Levi-Strauss trong tay, chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều điều mới lạ. Đối với quảng đại đọc giả ở Pháp thì thân thuộc nhất trong các tác phẩm của Claude Levi-Strauss là tập ký sự mang tên : Tristes Tropiques - Miền Nhiệt đới Buồn - xuất bản năm 1955.
Xin tiết lộ với những ai muốn đọc Levi-Strauss, sự ngạc nhiên thú vị của bản thân tôi, và niềm say mê với tác phẩm này khi khám phá dưới ngòi bút của ông tính vượt trội của Phật giáo, so với Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, bởi vì theo Levi-Strauss, trong đạo Phật không có thiên đàng hay điạ ngục.
Ông viết, trang 489, như sau : ''Con người đã 3 lần nổ lực xây dựng 3 tôn giáo lớn để tự giải phóng khỏi nổi ám ảnh của hình bóng những kẻ đã lià đời, của cái xấu, cái ác hiện về từ cỏi âm, và để thoát lên trên nổi sợ hãi ma thuật.
Con người đã thiết kế theo trình tự thời gian, Phật giáo, rồi Thiên Chúa giáo và cuối cùng là Hồi giáo. Mỗi tôn giáo này nẩy sinh cách nhau khoảng 500 năm. Thật vô cùng ngoạn mục, quan sát thấy mỗi chặng đường tiếp nối này, thay vì đánh dấu một bước tiến so với chặng đường trước, lại bộc lộ một sự thụt lùi !
Đối với Phật giáo, không có Thiên Đàng, không có sự sống sau cái chết. Bởi vậy Phật giáo thể hiện sự phê phán triệt để nhất và loài người sau này, đã không thể đi xa hơn. Trong Phật giáo, nhà Hiền triết tìm thấy sự giải thoát trong việc chối từ ý nghiã của vạn vật và của con người. Hành vi này đã xóa bỏ vũ trụ và cũng xóa bỏ luôn cương vị tôn giáo của mình.
Đến sau Phật giáo, Thiên Chúa giáo đã sa vào nỗi sợ, Thiên Chúa giáo tái lập thế giới bên kia cuộc sống, với những niềm hy vọng, những mối đe dọa và ngày phán xét cuối cùng.
Đạo Hồi, sau Thiên Chúa giáo đã nối tiếp chặng đường này và hoà nhập cõi đời với đạo giáo. Trật tự xã hội được tân trang với sức mê hoặc của điều siêu nhiên, chính trị trở thành thần học.''

"Thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong"


Sau cả một chương dài tôn vinh Phật giáo như trên, Claude Levi-Strauss kết luận : Con người chỉ sáng lập được điều kỳ vĩ ở thuở ban đầu. Ngày nay, thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong được dự báo : ông thốt rằng : '' thế giới này đã khởi đầu khi chưa có bóng dáng con người và thế giới này cũng sẽ tàn lụi khi không còn con người".
Dường như đối với ông, khoáng vật, thảo vật và động vật hiện hữu một cách ngang bằng với con người. Đối với những ai còn đa nghi ông nói : "Hãy chiêm ngưỡng một thạch thể đẹp hơn mọi công trình sáng tạo. Hãy chiêm ngưỡng mùi hương thơm toát lên từ một đoá huệ, tinh tế hơn tất cả những quyển sách chúng ta từng thảo ra. Hãy tìm đến cái nháy mắt đồng cảm, nhưng không chủ tâm, với một chú mèo, đậm tính nhẫn nại, thanh thản và bao dung''.
Tristes Tropiques, Miền Nhiệt đới Buồn chấm dứt với lời an ủi kể trên.

CÁC THÁCH THỨC ĐÓN CHỜ OBAMA

Các thách thức to lớn đón chờ tổng thống tân cử Barack Obama
Mai Vân
Bài đăng ngày 30/11/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 30/11/2008 20:01 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1750.asp
Ngay sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống, mọi người đã ký thác vào ông rất nhiều mong ước, Những kỳ vọng rất lớn đã trở thành những thách thức đặt ra cho vị Tổng thống tân cử Mỹ, trải rộng từ lãnh vực kinh tế, xã hội, cho đến ngoại giao, môi trường. Giới phân tích đặc biệt chú ý đến việc cải thiện tình hình nền kinh tế là đầu tàu của thế giới, giải quyết hệ quả của cuộc chìến tranh Irak, điều chỉnh đưòng lối ngoại giao để tôn cao trở lại uy tín của Hoa Kỳ.
Chưa bao giờ một tổng thống đươc bầu lên ở Hoa Kỳ lại làm dấy lên một làn sóng hân hoan như thế trên cả thế giới, và cũng chưa bao giờ một nguyên thủ nhà nước Mỹ lại đứng trước nhiều thách thức nặng nề như những gì đang chờ đợi nguời thừa kế ông G. W. Bush. Một số nhà quan sát đã ví công việc của ông Barack Obama sắp tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng giêng tới đây với các công trình của thần Hercule, trong huyền thoại Hy Lạp.
Niềm tin to lớn mà dân Mỹ cũng như toàn thế giới đặt vào vị Tổng thống tân cử Hoa Kỳ rốt cuộc càng làm cho ông Obama cảm thấy gánh càng nặng hơn, vì phải làm thế nào để không gây thất vọng. Ông đã báo trước là con đường sẽ khó khăn, nhưng người ta vẫn chờ đợi phép lạ.

Mười thách thức đối với ông Obama

Ngay từ khi ông Barack Obama chiến thắng trong cuộc bấu cử ngày 04/11/2008, giới truyền thông, các chuyên gia phân tích cũng như các viện nghiên cứu đã nhất loạt liệt kê những công việc mà ông phải thực hiện trong cương vị lãnh đạo cường quốc số một trên hành tinh. Khái niệm ''10 thách thức đón chờ Barack Obama'' đã trở thành phổ biến, cho dù nội dung hay thứ tự các việc cần phải làm có khác nhau đôi chút.

Báo cáo của Viện Brookings Institution (Hoa Kỳ) nêu bật 10 thách thức chờ đón tổng thống mới của nước Mỹ. (Ảnh : Brookings Institution)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/107/topten_RC_brookings_200_2008_11_30.jpg

Tầm vóc quốc tế của những thách thức đối với Tổng thống tân cử Mỹ đã được Viện Nghiên cứu Brookings Institution ở Hoa Kỳ nêu bật ngay vào đầu tháng 11 trong bản báo cáo mang tựa đề ''Mười thách thức toàn cầu về mặt kinh tế đối với Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ''.
Theo viện nghiên cứu này, 10 công việc mà ông Barack Obama phải sắn tay áo để giải quyết có thể tóm tắt như sau :
1. Tái lập ổn định tài chánh
2. Phát huy bảo vệ môi trường
3. Sử dụng ''Sức mạnh thông minh'' (Smart Power) để cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế.
4. Củng cố thương mại toàn cầu
5. Lèo lái Trung Quốc, thế lực đang lên, vào quỹ đạo quốc tế
6. Thúc đẩy nước Nga hợp tác và tôn trọng các chuẩn mực quốc tế nhiều hơn.
7. Lôi kéo Ấn Độ vào nền kinh tế toàn cầu
8. Thiết lập quan hệ mới với Châu Mỹ Latinh
9. Yểm trợ cho châu Phi tăng trưởng
10. Theo đuổi một chương trình hành động tích cực đối với vùng Trung Đông.

Dù được mệnh danh là kinh tế, nhưng 10 thách thức nêu trên bao hàm mọi lãnh vực từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đã đưa ra nhiều bản liệt kê 10 thách thức đối vớI ông Obama trong các lãnh vực cụ thể hơn là kinh tế hay ngoại giao.
Trong lãnh vực này, mọi ngườI đều nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới, từ bỏ chủ nghĩa đơn phương thời ông Bush để lưu tâm hơn tớI chủ nghĩa đa phương trong bang giao quốc tế. Về các hồ sơ cụ thể, đó là các thách thức liên quan đến việc chấm dứt ổn thỏa cuộc chiến tranh tại Irak, xử lý đúng đắn cuộc chiến tại Afghanistan, giải quyết hệ quả cuộc chiến chống khủng bố do người tiền nhiệm George Bush khởi động trong đó có hồ sơ nhạy cảm là nhà tù Guantanamo, hoá giải nguy cơ vũ khí hạt nhân đến từ Iran. Tất cả các hồ sơ đó sẽ góp phần hỗ trợ cho việc thúc đảy trở lại tiến trình hoà bình Trung Cận Đông đang bế tắc. Hồ sơ Nga, Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc cũng là những vấn đề mà tổng thống tân cử Mỹ phải tiếp tục xử lý.
Tuy nhiên, theo tất cả các nhà quan sát, thách thức quan trọng hàng đầu đang chờ đợI ông Barack Obama chính là làm sao kéo được kinh tế Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

Thách thức quan trọng hàng đầu là chấn hưng kinh tế

Phép lạ trưóc tiên mà mọi người mong chờ ông Obama thực hiện là làm sao vực dậy nền kinh tế Mỹ, nâng cao cuộc sống người dân, như ông đã hứa trong cuộc vận động tranh cử.
Tổng thống tân cử của Hoa kỳ đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính đưọc đánh giá là thảm hại nhất từ năm 1929 đến nay, tác động nặng nề đến kinh tế.
Theo các chỉ số công bố vào hạ tuần tháng 11/2008, tăng trưởng Hoa Kỳ đã tụt giảm 0,5% vào quý 3 năm nay, mạnh hơn dự kiến 0,3% trước đây.
Một ví dụ về hoạt động kinh tế khó khăn, đó là ngành chế tạo xe hơi, được xem là cột sống kinh tế Hoa Kỳ đang bị thua lỗ đến mức phải cầu cứu Nhà nước giúp đỡ.
Hậu quả trên bình diện xã hộI rất lớn : thất nghiệp lên đến 6,5%, tỷ lệ cao nhất từ 14 năm qua. Theo kết quả điều tra của Reuters và Đại học Michgan, tinh thần các hộ gia đình đã sa sút, chỉ số tin tưởng giảm xuống mức thấp nhất từ 28 năm qua. Cũng dễ hiểu là mức độ tiêu xài mua sắm liên tục giảm sụt ở mức kỷ lục : 3,7% trong quý 3 này, và có thể giảm đến 5% ở quý tư năm 2008, trong khi mà mức đầu tư của các xí nghiệp cũng tuột dốc.
Phải nói là chính khủng hoảng kinh tế tài chính là một trong những yếu tố quyết định cho thắng lợi của ông Obama, do đó, người ta rất mong đợi ông trong lãnh vực này.
Trong thờI gian qua, ông đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có kế hoạch giúp đỡ người thất nghiệp, với chủ trương bơm tiền, giảm thuế để kích cầu, bảo hiểm xã hội cho mọi ngườI (hiện có 45 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế), tạm hoãn việc tịch biên nhà cửa của nạn nhân trong vụ subprime...
Tuy nhiên, thách thức đối vớI ông Obama là chính quyền tìm đâu ra tiền để thực hiện các cam kết, khi mà mức bội chi nhà nước đã lên khá cao : 455 tỷ đô la. Theo giới quan sát, thâm thủng ngân sách Hoa Kỳ trong tài khoá 2009 có thể vượt mức 1000 tỷ.
Theo bà Maya MacGuineas thuộc một hiệp hội giám sát ngân sách mang tên Comittee for a Responsible Federal Budget, với khoản thâm thủng tăng vọt thì ông Obama rất khó thực hiên đãy đủ những lời cam kết lúc tranh cử.
Hiện nay, số nợ của Nhà nước Hoa Kỳ, qua công trái phiếu là 10.000 tỷ đô la. Với kế hoạch cưú vãn ngân hàng đã thông qua, trị giá cả ngàn tỷ đô la, và bây giờ thực hiện lời hưá lúc tranh cử, (riêng mạng lưới bảo hiểm xã hội sẽ ngốn hàng ngàn tỷ đôla), nợ hiển nhiên sẽ chồng chất ngày càng cao, tiền lãi cũng vậy.

Thách thức đến từ Irak, Afghanistan và Iran

Thế giới chờ đợi nhiều nơi Obama trên mặt đối ngoại giải quyết những hồ sơ nóng, trong lúc ngườI Mỹ cũng chờ đợi nơi tổng thống mới một mặt để cải thiện hình ảnh nước Mỹ, và đặc biệt là giải quyết một vấn đề thiết thân với họ : hồ sơ Irak.
Đây là vấn đề ngay từ lúc ban đầu đã gây xích mích giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống. Ông Bush đơn phương hành động, dẫn đến nhũng hậu quả tai hại kéo dài đến hiện nay, và làm cho hình ảnh nước Mỹ xấu đi một cách tệ hại. Thách thức đối vơí ông Obama là thay đổi hình ảnh này, tăng cường vai trò của Hoa Kỳ, nhưng cũng chứng minh được là nước Mỹ của ông biết lắng nghe những đồng minh của mình nhiều hơn, tôn trọng phương thức đa phương giải quyết các vấn đề thế giơí. Thế giới đang chờ đợi xem bản lĩnh của ông Obama trong việc giải quyết 2 thách thức lớn là vấn đề Irak và Afghanis tăng.
Ông Obama đã hứa rút quân ra khỏi Irak. Kế hoạch của ông là rút phần lớn binh sĩ Mỹ trong vòng 16 tháng, kể từ ngày ông nhậm chức. Rút quân như ông nói trong ''tinh thần trách nhiệm'', tức là dành thờI gian cho chính phủ Irak củng cố lực lượng vũ trang của họ. Hiện nay số lính Mỹ đóng tại Irak là 150 000. Một số ít sẽ ở lại để chống khủng bố. Dĩ nhiên việc rút quân như thế là công việc phức tạp không đơn giản, tuy nhiên cái khó khăn nhất trong việc rút quân theo giới phân tích, không phải do Irak, mà là liên quan đến Iran.
Theo chuyên gia George Friedman, thuộc cơ quan tham vấn chính trị Stratfor, việc Mỹ rút quân sẽ mở cửa cho Iran vốn luôn muốn kềm chế Irak, họ xem đây là vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu. Sự hiên diện của Hoa kỳ ở Irak, buộc Iran phải chấp nhận một chính quyền trung lập ở Bagdad. Do đó Hoa Kỳ rút quân đi, Teheran sẽ tìm cách đưa lên một chính phủ thân họ ở Bagdad. Sự việc tất nhiên sẽ gây bất bình nơi các đồng minh trong khu vực của Hoa Kỳ. Â rập Xeút, vôn rất e ngại Iran, Jordani cũng sẽ không hài lòng, và đặc biệt là Israel. Do đó ông Obama sẽ phải thương thuyết với Iran. Nếu không đạt đươc những bảo đảm từ phiá Iran, việc rút quân khỏi Irak sẽ có những hậu quả tai hại.
Nói chuyện vớI Iran, là một thách thức lớn khác đối với ông Obama vì theo Stratfor, ông Obama không có chủ bài trong tay để thuyết phục, hay đánh đổi vơí Iran, sao cho hai bên cùng có lợi lâu dài.
Obama sẽ lâm vào thế lưỡng nan, rút đi thì để lại hậu quả khó lường trong vùng, nếu để một số quân ở lại thì sẽ bị cử tri của ông chỉ trích. Điều chắc chắn ông sẽ làm nhiều ngườI thất vọng.
Với phân tích trên, rõ ràng là thế đứng của ông Obama khá tế nhị. Vì trên hồ sơ hạt nhân Iran hiện nay, cũng không thấy ông Obama có thể đề nghị gì hơn những nỗ lực hiện nay. Ông tuyên bố sẽ tiếp xúc vớI Iran không cần điều tiên quyết nào, nhưng vấn đề là dứt khoát Iran sẽ không từ bỏ việc làm giàu uranium. Câu hỏi đặt ra là họ có đang tăng cướng việc làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân hay không.
Bên cạnh Irak, Iran, hồ sơ gai góc khác là Afghanistan, tình hình ngày càng nguy hiểm hơn. Lực lương liên minh bị nhiều tổn thất. Ông Obama tuyên bố rút quân khỏi Irak để tập trung vào Afghanistang, đưa thêm quân đến đây, dẹp căn cứ Al Quaeda ở vùng biên giới với Pakistan.
Không kể hiệu quả các chiến dịch quân sự vãn hồi trật tự, vấn đề đặt ra cũng là vấn đề tài chính, nhân lực. Hoa Kỳ có thể nào cáng đáng hết hay không về nhân lực và tài lực ? Ong Obama sẽ phải kêu gọi đến các đồng minh Châu Âu và NATO, vốn cho đến giờ vẫn không mặn mà lắm với việc đua quân qua Afghanistan. Dân châu Âu không muốn con em họ bị chết ở Afghanistan. Thách thức đối với ông Obama do đó là làm sao thuyết phục được các đồng mình giúp đỡ Hoa Kỳ một tay ở Afghanistan.

Trở thành vị Tổng thống của tất cả người Mỹ


Tất cả các thách thức nêu trên quả là lớn lao. Theo giới phân tích, hiện nay ông Barack Obama đang có một lợi thế là Đảng Dân Chủ của ông nắm được đa số ở cả hai viện Quốc Hội Mỹ, giúp cho các chủ trương mà chính quyền của ông đề ra có thể được thông qua một cách dễ dàng hơn.
Tuy vậy, nói theo kiểu phương Đông, để thành công, tổng thống tân cử Mỹ cần phải có ''nhân hòa'' tức là được mọi người tại Mỹ ủng hộ.
Đây chính là một trong những thách thức to lớn cho ông Obama vì lẽ trong cuộc bấu cử vừa qua, dù đã chiến thắng áp đảo trên bình diện phiếu đại cử tri, tổng thống tân cử Mỹ chỉ thu được 52% số phiếu của dân chúng. Nói cách khác, vẫn còn có gần một nửa người dân Mỹ không tín nhiệm ông.
Việc điều hành việc nước chỉ với 50% dân chúng ủng hộ không phải là một điều mới tại Mỹ. Thế nhưng riêng đối với ông Obama, vấn đề còn khó khăn gấp bội vì ông là một người da màu. Trong cuộc bầu cử vừa qua, chỉ có 46% người da trắng bầu cho ông. Do vậy, trong các biện pháp đề ra trong thời gian sắp tới đây, ông Obama cần phải chứng tỏ rằng ông là tổng thống của mọi người. Các quyết định của ông sẽ luôn luôn bị soi rọi xem có thiên vị bên này hay bên kia hay không. Đây quả là một thách thức mà những người tiền nhiệm của ông Barack Obama không gặp phải.
Cơ quan tham vấn chính trị Stratfor tại Hoa Kỳ, trong một bài nghiên cứu công bố hôm mồng 5 tháng 11 đã nêu bật yếu tố kể trên thành một thách thức quan trọng mà ông Obama phải ứng phó.
''Tổng thống George Bush đã chứng minh rằng một nhiệm kỳ tổng thống có thể bị hủy hoại nhanh chóng do việc không hiểu được cách thức cũng như các giới hạn trong việc sử dụng quyền hành. Niềm phấn khởi to lớn của những người ủng hộ ông Obama có thể xoá mờ thực tế là cũng như ông Bush trước đây, ông Obama cũng phải điều hành một đất nước bị chia đôi một cách sâu rộng.
Bài trắc nghiệm đầu tiên đối với ông Obama sẽ rất đơn giản : Liệu ông có thể vừa duy trì hậu thuẫn lớn lao của các ủng hộ viên truyền thống, vừa chinh phục thêm các thành phần khác để mở rộng nền tảng chính trị của mình hay không ? Hay là ông sẽ làm như hai ông Bush và Cheney trước đây vào năm 2001, nghĩa là cho rằng có thể điều hành quốc gia mà không cần lưu tâm đến phân nửa còn lại của đất nước chỉ vì mình đã kiểm soát được cả hành pháp lẫn lập pháp ?
Ông Obama và những người ủng hộ ông có thể cho rằng tái lập lại những gì ông Bush đã làm không có gì là nguy hiểm cả. Vào khi ấy, ông Bush cho rằng hoàn toàn có thể vừa thực hiện các chủ trương mình đề ra, vừa mở rộng nền tảng chính trị của mình. Thế nhưng ông đã không thành công bởi vì việc mở rộng địa bàn chính trị đòi hỏi phải thay đổi đướng lối chính sắch, mà khi một lãnh đạo trở nên thực dụng, ông ta sẽ bắt đầu mất đi những người ủng hộ cố hữu. Nếu ông Obama thu được 60% số phiếu cử tri trong cuộc bấu cử vừa qua, thì vấn đề không đặt ra. Thế nhưng ông chỉ thắng với tỷ lệ nhỉnh hơn một chút so với ông Bush vào năm 2004 mà thôi. Tóm lại sắp đến lúc mà ta sẽ thấy là liệu ông Obama còn tài ba trong tư cách tổng thống như ông đã từng chứng tỏ trong tư cách ứng cử viên hay không ?''.

Giới quan sát lạc quan thận trọng

Theo đánh giá của ông Louis Balthazar, chủ tịch Viện Quan sát Hoa Kỳ, thuộc đại học Quebec, ở Montreal, những điểm thuận lợi có thể giúp ông Obama trong thời gian tới đây, là ông có thể tranh thủ, ít ra là trong giai đoạn đầu, tâm lý phấn khởi của mọi người sau khi ông đắc cử, với tỷ lệ đi bầu 64,1%, điều chưa từng thấy từ một thế kỷ nay tại Hoa Kỳ.
Theo ông Balthazar : ''Ông Obama có tính chính đáng và uy tín đạo đức rất lớn trong dân chúng. Do đó ông có khả năng yêu cầu ngườI dân chấp nhận hy sinh, kiên nhẫn trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn''. Ông Balthazar tỏ ra tin tưởng vào bản lĩnh của tổng thống Hoa Kỳ tân cử trong việc đối phó với các thách thức : ''Người Mỹ đã bầu lên một tổng thống có bản lĩnh đáng khen, rất thông minh, bình tĩnh trước mọi tình huống. Một ưu điểm khác là Obama biết tham khảo ý kiến. Ông sẽ không có những quyết định vội vã. Dù đắn đo kỹ lưỡng, nhưng ông sẽ lấy những quyết định cần thiết.''
Một yếu tố thuận lợi khác hiện nay, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Simon Laing, trả lời tạp chí Pháp Capital, là người Mỹ đã thực sự thấy được những khó khăn to lớn hiện nay. Điều này cho phép ông Obama có một chính sách dài hạn và thỏa đáng hơn ngưòi tiền nhiệm. Theo ông Laing, trong hai năm tới, có thể dự kiến là kinh tế Mỹ thoát ra khỏi suy thoái, thị trường tín dụng lắng diụ hơn và khi ấy thì Đảng Dân Chủ có thể thực sự đề ra những công trình dài hơi đánh dấu nhiệm kỳ tổng thống Obama. Ưu tiên lúc đó sẽ được dành cho những hồ sơ bảo đảm an sinh xã hội rất tốn kém.
Đối vớI ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS ở Paris, thì bên cạnh niềm hy vọng đổI thay lớn lao vớI vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, thế giớI nên tỉnh táo nhìn nhận hai vấn đề :
''Trước hết, dù tài ba đến đâu, ông Obama không phải là thần thành. Ông không thể nào bằng một phép mầu làm tan biến vố số các vấn đề quốc nộI và quốc tế đang đặt ra. MọI ngườI không nên đặt hy vọng quá cao để rồi thất vọng não nề khi không được toại nguyện.
Vấn đề thứ hai là ông Obama không phải là Tổng thống của thế giớI mà là của nước Mỹ. Chương trình hành động của ông xuất phát từ lợI ích quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải là từ việc mang lại hạnh phúc cho tất cả. Chúng ta không nên hoài nghi về tính thần yêu nước của ông, và mục tiêu của ông chính là khôi phục lại hào quang và uy thế vượt trội của Hoa Kỳ đã bị tổng thống Bush làm lu mờ.
Có điều là quan điểm của ông Obama về quyền lợi quốc gia ít trái ngược với quyền lơị của nước khác hơn lập trường của ông Bush. Quan điểm của ông Obama về các giá trị của nước Mỹ cũng không đối địch với nước khác''.


GỢI Ý TỪ GIÁO DỤC MỸ BẬC TIỂU HỌC

Gợi ý từ Giáo dục Mỹ bậc tiểu học
Thứ Bảy, 29/11/2008, 09:56
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=144897&ChannelID=71
TP - Giáo dục phổ thông của Mỹ được gọi là K-12, (K-viết tắt của từ kindergarten, có nghĩa là nhà trẻ, mẫu giáo) bao gồm giáo dục từ nhà trẻ, mẫu giáo đến hết lớp 12.

Bậc tiểu học (elementary school) bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 5, có nơi từ lớp 1 đến lớp 6. Bài viết này về giáo dục tiểu học, lấy ví dụ một trường tiểu học tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Một buổi sinh hoạt âm nhạc của HS tiểu học Mỹ
http://www.tienphong.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=184747

Một ngày bình thường của học sinh trường tiểu học Thompson (thành phố Arlington, Massachusetts) bắt đầu từ 8 giờ 10 đến 14 giờ 15. Học sinh thường đến trường lúc 7.30 khi căng-tin mở cửa phục vụ bữa ăn sáng cho các em.
Từ sáng sớm đã có hai nhân viên cảnh sát giao thông (thường là phụ nữ) mặc đồng phục đứng chặn xe hơi qua lại quãng đường đó, để các em qua đường an toàn, nở nụ cười tươi tắn, chào đón các em và chúc các em cùng phụ huynh một ngày mới tốt lành.
Sau khi ăn sáng, các em học đến 14 giờ 15. Giờ học đa dạng không chỉ vì các em học các môn khác nhau như toán, tiếng Anh, vẽ, hát nhạc… mà các em còn thay đổi vị trí, đến thư viện đọc sách vào một số giờ nhất định hoặc ra sân tập thể thao, đá bóng, chơi các trò chơi ngoài trời.
Hết giờ học, nếu ai muốn cho con em mình tham gia "Câu lạc bộ làm bài tập ở nhà" thì đăng ký, các em sẽ ở lại tự học đến 4 giờ chiều, trong hội trường lớn, do một giáo viên phụ trách. Phụ huynh nào có thời gian có thể giúp giáo viên quản lý các em, chuẩn bị bánh kẹo, nước ngọt và thu dọn sau khi các em học xong.
Nếu làm xong bài trước 4 giờ, cô giáo cho phép các em chơi trong phòng tập thể thao, hoặc đọc sách tự chọn, hoặc dùng máy vi tính với sự giám sát của cô giáo. Về đến nhà, các em đã hoàn thành hầu hết bài tập, nên có thể chơi, đọc sách, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà… và đi ngủ đúng giờ, đảm bảo sức khỏe.
Trong lớp học, mỗi em có một hộp thư đề tên như trong văn phòng ở Việt Nam. Bài tập về nhà, thông báo của nhà trường gửi đến phụ huynh được giáo viên để vào hộp thư. Hàng ngày, học sinh phải "lấy thư" của mình mang về làm bài hoặc đưa cho cha mẹ. Mỗi học sinh đều có trách nhiệm giúp giáo viên chia tài liệu đặt vào hộp thư cho cả lớp.
Ngày nghỉ, giáo viên thường giao ít bài tập về nhà. Thay vào đó, nhà trường khuyến khích các em tham gia hoạt động xã hội để tăng thêm hiểu biết và kỹ năng giao tiếp xã hội. Hoạt động này có thể là "Ngày phòng cháy chữa cháy" do thành phố tổ chức.
Ngày này giống như một ngày hội, mọi người đến xem các nhân viên cứu hỏa hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy, thực hiện trên các thiết bị mô phỏng, hoặc những công cụ dùng trong thực tế.
Học sinh có thể xem, cầm nắm những dụng cụ, quan sát cách thức chữa cháy và biết cách phản ứng nếu phát hiện ra hỏa hoạn. Bài tập của các em là phải đưa ra ý kiến, cảm nhận cá nhân về những hoạt động xã hội mà các em tham gia…

Điều gì chỉ đạo và chi phối mọi hoạt động của nhà trường theo cách mô tả ở trên (thoạt nhiên là rất khác ở ta)? Có lẽ phải kể đến "sứ mạng" của nhà trường, hay gọi là "triết lý giáo dục" mà ai cũng có thể nhìn thấy khi bước chân qua cổng trường: "Sứ mạng của trường Thompson là tạo cho học sinh mọi cơ hội giáo dục để các em trở thành con người khỏe mạnh, hạnh phúc và là thành viên hữu ích cho xã hội". Sứ mạng này được chi tiết hóa như sau:
1) Nhà trường khuyến khích học sinh tìm hiểu và phát hiện thế giới xung quanh; tham gia tích cực vào các hoạt động để khai thác mọi tiềm năng của chính mình;
2) Nhà trường cam kết tạo dựng một môi trường lành mạnh có thể phát huy thế mạnh của học sinh, phát triển những kỹ năng, cung cấp những khái niệm cần thiết cho học sinh trở nên sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề hàng ngày trong một thế giới đầy thách thức và đổi thay hàng giờ;
3) Nhà trường có trách nhiệm nuôi dưỡng lòng tự trọng của mỗi học sinh, giáo dục các em những giá trị đạo đức như chân thành, nhân hậu, có trách nhiệm, tôn trọng mọi người, và hướng tới những giá trị tốt đẹp.

Triết lý này thể hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, từ chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, đến thái độ của giáo viên đối với học sinh. Ngay từ bậc tiểu học các em đã được rèn luyện kỹ năng đọc và viết có phân tích, phê phán (critical reading, critical writing).
Những kỹ năng này hoàn toàn xa lạ đối với học sinh phổ thông ở Việt Nam, trừ phi các em học thi TOEFL hoặc SAT. Đọc là một trong những kỹ năng quan trọng cần thiết sau này khi các em học lên đại học và cũng là công cụ để tiếp cận với tri thức của nhân loại. Vì thế, hàng ngày, trong giờ chính khóa, các em được đến thư viện tìm đọc những cuốn sách mà các em ưa thích.
Bài tập về nhà cũng vậy: mỗi ngày đọc 30 phút bất cứ cuốn sách nào các em lựa chọn. Sau 2-3 tuần, các em phải viết một đoạn văn hay một bức thư về cảm nhận của mình qua cuốn sách đã đọc ở nhà. Có lẽ kỹ năng phê bình một cuốn sách hình thành từ những bài tập như thế này.
Bài tập môn tiếng Anh thường có phần được gọi là "biên tập" (Proofreading): Bài đọc đưa ra một số lỗi chính tả, cách dùng từ, lối hành văn, học sinh phải tìm những lỗi đó và sửa lại cho đúng.
Tiếp theo là viết một đoạn văn mô tả, hoặc so sánh các hiện tượng, hoặc viết một đoạn hội thoại giữa hai con vật, hoặc hai nhân vật do các em tự sáng tạo, rồi áp dụng kỹ năng biên tập trong đoạn văn đó. Rõ ràng rằng, các em đã được rèn luyện kỹ năng viết của một nhà văn, một nhà phê bình ngay ở bậc tiểu học…
Ngoài kỹ năng đọc, viết qua bài tập, các em còn được rèn luyện kỹ năng làm dự án như đã nêu trên. Hàng loạt kỹ năng được hình thành bắt đầu từ những công việc rất nhỏ ở trường tiểu học.

Với triết lý khuyến khích học sinh phát huy mọi khả năng sẵn có, khám phá những khả năng còn tiềm ẩn, giáo viên không thể coi học sinh là những cái thùng rỗng (empty vessel) để ních đầy kiến thức, rồi có thể mắng mỏ các em khi các em làm bài chưa đúng.
Ở đây, giáo viên có trách nhiệm gợi mở thiên hướng của học sinh, tìm hiểu những điểm mạnh nhằm khích lệ và điểm yếu để khắc phục, đồng thời tìm các biện pháp thích hợp cho từng cá nhân. Vì thế, giáo viên không bao giờ phê phán học trò, trái lại, họ khen ngợi, động viên các em mỗi khi các em đạt được thành tích cho dù rất nhỏ.
Thái độ hòa nhã, cử chỉ ân cần trở thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được ghi trong các quy định của nhà trường, nếu ai vi phạm đương nhiên sẽ có những xử phạt hành chính, chứ không thể xảy ra chuyện quát mắng, sỉ nhục học trò và đánh đập các em đến mức báo chí đã nhiều lần lên tiếng như ở ta.

Guồng máy hoạt động của nhà trường có trơn tru hay không phụ thuộc vào "Hội phụ huynh và giáo viên". Khác với ở ta, hội phụ huynh học sinh chủ yếu bàn về thu chi tài chính, mua quà cho giáo viên trong các dịp lễ tết hoặc mua phần thưởng cho các em học sinh xuất sắc, tham gia "Hội phụ huynh và giáo viên" ở trường Thompson là tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, và cả ý tưởng để xây dựng trường.
Hoạt động của Hội là gây quỹ dưới nhiều hình thức: Tổ chức làm bánh, bán bánh và các mặt hàng thủ công trong các ngày lễ như ngày bầu cử tổng thống; khuyến khích học sinh đem giấy vụn, chai lọ đến nộp cho nhà trường.
Hội gây quỹ để hỗ trợ các hoạt động như tổ chức dã ngoại cho học sinh, mua sách cho thư viện, mua sắm thiết bị giảng dạy và tổ chức các hoạt động văn hóa làm giàu tri thức của các em và trợ giúp các chương trình giáo dục đặc biệt cho các em học sinh có những hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều người cho rằng học phổ thông ở Mỹ quá dễ dàng, nhẹ nhàng vì các em học rất ít, vừa học vừa chơi. Trong khi đó, ở Việt Nam có những trường, trẻ em học tối ngày, hết học bán trú ở trường, về đến nhà đã 5-6 giờ chiều, lại gục đầu vào làm bài đến đêm chưa xong, ngày lễ ngày nghỉ lại đi học thêm.
Mùa hè được nghỉ 3 tháng thì đi học thêm mất 2 tháng. Cuối tháng Tám đã học trước chương trình của năm học bắt đầu từ tháng Chín! Thực tế này quá rõ, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ em học quá nhiều mà vẫn không giỏi, trái lại luôn bị áp lực về tâm lý và sợ đến trường?
Có lẽ điều chúng ta thiếu, như nhiều người đã nói, là chưa có một triết lý giáo dục. Vì không có một triết lý giáo dục rõ ràng, nên chương trình học chưa tập trung vào mục đích cụ thể, vì vậy học sinh học nhiều mà không bao giờ đủ.

Nhiều người thấy hệ thống giáo dục của Mỹ thật hoàn hảo, thường tặc lưỡi: "Họ giàu có nên mới làm được như vậy. Mình mà có tiền, mình làm tốt hơn họ". Tôi thấy điều này không hẳn đúng. Thứ nhất, giáo dục của Mỹ không phải là hoàn hảo, nhưng họ luôn luôn tự đánh giá, xem xét những thành công, thất bại, để tìm ra những giải pháp làm cho nền giáo dục hoàn hảo hơn.
Thứ hai, có phải có tiền là có thể thay đổi được nền giáo dục không? Tôi nghĩ đến những năm tháng chiến tranh, bom đạn, trường học phải đi sơ tán, thầy trò phải đào hầm trú ẩn, lao động tăng gia sản xuất, ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Vậy mà hồi đó, trẻ em vẫn háo hức đến trường, họ đâu có học thêm, đâu phải làm bài ngày đêm.
Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, không có điện, họ vẫn tổ chức thi văn nghệ, cắm trại, đốt lửa trại cho dù phải dập tắt ngay khi có báo động… Điều quan trọng là họ vẫn thành người.
Ngày nay, Nhà nước có điều kiện đầu tư vào giáo dục, nhưng kết quả lại chưa được như mong muốn. Giáo dục tiểu học vô cùng quan trọng, theo lời giáo sư Hồ Ngọc Đại "là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất.
Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác". Liệu chúng ta có cần tiền để có được thái độ yêu thương trẻ em, không để chúng sợ hãi khi đến trường, để đừng biến chúng thành những chiếc máy làm toán và thiếu những kỹ năng cần thiết trong một thế giới đầy thách thức?
Tôi cho rằng, những kỹ năng phải được hình thành qua cách giáo dục ở tiểu học bằng tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc chuyên nghiệp mà chúng ta có thể học được qua nền giáo dục tiểu học của Hoa Kỳ, đâu cần phải có nhiều tiền.


Boston, tháng 10/ 2008
TS Nguyễn Minh Phương


XÓM TRỌ SINH VIÊN

Xóm trọ sinh viên: "Tê liệt" đời sống văn hoá
08:28' 29/11/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/11/815979/
Không ti vi, không sách báo, không hoạt động tập thể - đời sống văn hoá, tinh thần của sinh viên ở các xóm trọ hiện rất nghèo nàn.

Sau giờ lên lớp...
Hà Văn Chung (SV ĐH Xây dựng Hà Nội) thú thật là dành nhiều thời gian để ngủ và chơi game.
Khu Hoàng Văn Thái (nơi Chung ở - giáp khu đô thị mới Định Công) là nơi trú ngụ của nhiều SV đến từ các trường Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế, Y, … nhưng chỗ vui chơi thì đỏ mắt tìm cũng không ra! “Nơi duy nhất SV khu này có thể ra chơi là bãi bóng của doanh trại Quân đội phía bên trong Học viện Phòng không – Không quân”, Chung nói.
Chỗ chơi tập thể miễn phí xung quanh nhà trọ gần như không tồn tại, nếu có cũng dành cho trẻ em. Ngay cả sở thích đi đá bóng, muốn được thỏa mãn, Chung cũng phải mất tiền thuê sân thì mới được đá. Mà giá thuê sân cũng không hề rẻ.
Cho nên, khi được ai rủ đi đá bóng lúc bị thiếu người là Chung mừng lắm: “Khỏi phải lo trả tiền mà lại được xả hơi”, Chung cho biết. Một cách giải bí khi thiếu chỗ chơi là Chung cùng các bạn... ra đường đá bóng!
Chuyện giải trí cá nhân thiếu thốn là vậy. Chuyện giải trí tập thể ở xóm trọ cũng không khá hơn. Chung lắc đầu: “SV bọn mình có nhu cầu sinh hoạt tập thể ở xóm trọ khá cao, vì đây là nơi mình sống nhiều nhất sau giờ học, nhưng thực tế các hoạt động tập thể ở đây gần như tê liệt”.
Xóm trọ của Chung, có người ở cạnh phòng nhau, ra - vào gặp mặt nhưng không ai biết ai. Hoạ hoằn có dịp sinh nhật thì cả xóm mới có dịp chạm mặt.
Ngay cả bản thân Chung, có hôm gặp “hàng xóm” ngoài đường mà không biết, đi chơi game ngồi cạnh nhau cũng không hay, chỉ “ngờ ngợ, quen quen”. “Kiểu này, có khi đánh nhau ngoài đường rồi về nhà trọ gặp lại mới biết nhau cũng là chuyện dễ xảy ra lắm!”, Chung đùa.

Nguyên nhân khiến các xóm trọ rời rạc thế này, theo Chung, là vì ở các xóm trọ, mỗi người một xuất xứ, ở chung với nhau khá phức tạp, khó có lòng tin như ở với người thân quen hoặc cùng quê quán. Đó là chưa kể đến các xóm trọ không “thuần” SV, có cả người đi làm, sinh hoạt, cách sống khác khiến mọi người khó gắn bó, không quan tâm đến nhau là điều dễ hiểu.
“Tâm lý ở tạm, sẽ chuyển nay đây mai đó cũng khiến các SV dù có ở chung với nhau cũng không hướng tới quan hệ lâu dài, bền vững. Hơn nữa, SV sinh hoạt trong các xóm trọ khi thân thiết quá lại dễ lợi dụng nhau nên họ ngại quan hệ thân mật. Nhất là khi nảy ra chuyện tình cảm thì sẽ rất khó tiếp tục sống cùng”, Chung nhấn mạnh.
“Vì thế, nên thường là họ chọn cách sống cho riêng mình, dễ làm quen bắt chuyện nhưng giao lưu có chừng mực, quan hệ lỏng lẻo, xã giao là chính”, Chung khẳng định
Cuộc sống tinh thần của SV nghèo nàn, ở xóm trọ nào, khu vực nào cũng có, không riêng gì nơi Chung ở. Hầu hết SV khi được hỏi đều than là về nhà trọ rất chán, vì không có một trò gì để chơi, đời sống văn hoá khô khan.
Nguyễn Thị Phương, SV ĐH Lao động Xã hội, trọ trong khu Dịch Vọng Hậu cho biết: “Nơi em ở không có một phương tiện gì để tiếp cận thông tin: Ti vi không, radio không, sách báo tạp chí không, mạng Internet cũng không nốt. Nếu nói về mặt này thì có thể khẳng định là bọn em gần như bị cô lập”.

Bùng nổ dịch vụ giải trí quanh xóm trọ
Nhu cầu giải trí cao, nhưng đời sống sinh hoạt trong các khu trọ không thể đáp ứng. Từ sự mất cân bằng này, dịch vụ giải trí quanh xóm trọ SV bùng nổ và có cơ hội phát triển nhanh chóng.
Mọc lên nhiều nhất chính là các quán Internet, mà trò chơi được SV “mê” nhất chính là Game Online. Các con hẻm trong phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị khu Bách khoa (quận Hai Bà Trưng), quán Internet tốc độ cao mọc lên nhan nhản. Xuôi xuống khu Nguyễn Trãi, Triều Khúc hay vòng lên phố Tô Hiệu (gần chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy) mới thấy nhu cầu sử dụng các trò chơi giải trí trên mạng của tầng lớp SV cao đến đâu.
Cửa hàng Internet trên phố Tô Hiệu chật ních, người ngồi kín các máy. Màn hình nhấp nháy chuyển động với các trò chơi, mắt các cậu SV căng lên, tập trung cao độ, thỉnh thoảng lại vang lên tràng chửi thề tục tĩu vì thua cuộc. Khói thuốc lá nghi ngút, đầu lọc vứt đầy dưới sàn nhà, nước chè và đầu mẩu bánh ngọt bắn khắp mặt đất.
Chị Ngà - chủ quán net cho biết: “Có đứa mê game, ngồi cày cả ngày cả đêm ở đây, quên ăn quên học”.
Còn anh Sơn - quản lý một quán Internet nằm sâu trong phố Tạ Quang Bửu không thiếu những câu chuyện về SV nam “nghiền” Game Online, còn nữ SV thì “nghiện” Audition. “Tôi bán cả đồ ăn nước uống, kèm cả ghế ngả lưng miễn phí cho khách hàng chơi lâu”, anh nói.

Một dịch vụ đắt hàng không kém là các quán nhậu dân dã trên vỉa hè. Các bãi cỏ trải chiếu từ chiều đợi “thượng đế” tan học. Theo quan sát, cứ bắt đầu từ 5h chiều cho đến tận 11h đêm, các quán trà đá, rượu ốc nườm nượp khách “ét-vê”. Có nhóm SV, ngồi nhậu chỉ độc có chai rượu vàng khè với vài quả dưa chuột cũng lai rai đến đêm khuya.
“Đó là cách giải trí phù hợp nhất với SV đấy, vì vừa hết ít tiền, lại không phải đi xa, gặp bạn bè nói chuyện thoải mái, còn hơn ngồi bó gối ở nhà, chả có trò gì chơi”, Chung nói. Đây cũng là cách mà Chung hay “xả hơi” sau khi ngủ chán chê và chơi game mệt nghỉ.
“Thời gian rảnh rỗi ở nhà trọ quá nhiều khiến SV dễ buồn chán, không ít người từ đây mà nảy ra thói quen như đánh lô đề như một trò giải trí. “Nhàn cư vi bất thiện” mà!”, Chung cười.

Nguyễn Đức Chính – Sinh viên (SV) lớp Báo in K26A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Phòng nào biết phòng đó”
Tuy chỉ cách nhau vài mét nhưng mọi người trong xóm trọ em thường không chơi với nhau nhiều, tên tuổi, quê quán, trường lớp các bạn em cũng không biết hết. Mỗi người có một việc, một hoàn cảnh, mục đích và cách sống riêng.
Ngay cả bác chủ nhà em cũng không biết tên. Chỉ biết hàng tháng đóng tiền nhà đầy đủ, chấp hành nghiêm túc các quy định. Nếu làm tốt những điều này thì chủ nhà cũng không hỏi đến mình làm gì.
Trong xóm trọ cũng tồn tại các nhóm nhỏ chơi riêng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức biết nhau, chứ thường ít có mối quan hệ sâu sắc, gắn bó.

Nguyễn Thị Phương – SV lớp K43KT3, ĐH Lao động Xã hội: “Không có điều kiện xem ti vi, mua sách báo”

Một tuần, em sử dụng Internet khoảng 2 lần, nhiều là 3 lần. Các kênh giao tiếp hạn chế nên việc cập nhật thông tin, kiến thức mới đối với việc học tập của em cũng như các bạn cùng đi ở trọ đương nhiên là chậm. Nói ra có thể khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng cách “bồi” thông tin xã hội nhanh nhất và hiệu quả nhất của em bây giờ là lên lớp và ngồi buôn dưa lê với các bạn!
Để bỏ tiền ra mua báo, đối với SV là chuyện khá hiếm hoi! Vì khả năng kinh tế bị hạn chế, trong khi có nhiều thứ khác trong sinh hoạt hàng ngày là điều thiết thực hơn, cấp bách hơn là việc bỏ tiền ra mua sách, báo, tạp chí. Nếu có thì hầu như cũng là đi mượn hoặc đọc báo cũ!

Hoàng Thị Bích Hợp – SV lớp KT31D, ĐH Luật Hà Nội: “Càng ngày em càng sống khép kín”
Em cũng như các bạn SV khác, đều có nhu cầu giao lưu và vui chơi khi trở về xóm trọ. Bởi đây là nơi bọn em có mặt thường xuyên nhất sau giờ lên lớp. Nhưng thực tế là các hoạt động giải trí ở xóm trọ gần như không tồn tại.
Nhu cầu giải trí cá nhân, em có thể tự thoả mãn phần nào. Nhưng với giải trí chung ở xóm trọ thì quả là nghèo nàn.
Em cũng không bao giờ biết đến hoạt động tập thể nào do phường nơi em trọ tổ chức. Sau giờ lên lớp, hoạt động chủ yếu của em ở xóm trọ chỉ gói gọn ở việc nấu nướng, ngủ nghỉ và tự học, ngoài ra, không có gì! Từ sự nghèo nàn trong sinh hoạt tinh thần tập thể như thế này, càng ngày em càng sống khép kín.

Cẩm Quyên

TIN LIÊN QUAN
Sinh viên “đại gia” ở trọ như thế nào?
Sinh viên ở trọ và "tình yêu thời thổ tả"...
Sống chung với "sống thử"
Nhà trọ sinh viên: Hỗn tạp quán nhậu, sòng bạc và...cave

VỆ SINH THỰC PHẨM TẠI VIỆT NAM

Vệ sinh thực phẩm: Những con số đáng lo
Chủ Nhật, 30/11/2008, 18:26 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=290278&ChannelID=3
LTS: An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất đáng được quan tâm, đặc biệt là ở đô thị và các khu công nghiệp vì ngày càng có nhiều tác nhân độc hại bị phát hiện trong thực phẩm (gần đây nhất là melamine trong sữa, trứng và aldehyde trong rượu). Mặt khác, môi trường dịch vụ ăn uống, nhất là các quán xá xập xệ, gánh hàng ngay trên vỉa hè cũng chứa đựng nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Cho dù Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT nhưng đã qua ba năm, dường như tình trạng yếu kém về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn không được cải thiện. Thực trạng đó được minh chứng bởi liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể, còn số các ca cá nhân bị ngộ độc thực phẩm thì khó đếm xuể.
Chuyên đề An toàn vệ sinh thực phẩm trong số này cung cấp cho độc giả một số thông tin tổng hợp qua các bài viết và hình ảnh do nhóm phóng viên chuyên đề thực hiện.

Theo số liệu thống kê từ trang web của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (www.vfa.gov.vn), năm 2007, cả nước xảy ra 248 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 7.329 người mắc, trong đó 55 người tử vong. So với năm 2006, tuy số lượng tử vong giảm 3,5% nhưng tổng số người mắc lại tăng 2,7%.

Từ đầu năm đến hết tháng 9-2008, cả nước xảy ra 150 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.724 người mắc, trong đó tử vong 49 người. Riêng trong tháng 10/2008, có ít nhất 12 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước với khoảng 300 người mắc, trong đó đáng lưu ý nhất là tình trạng ngộ độc rượu tại TP.HCM (bảy vụ với 12/30 bệnh nhân tử vong).

Hiện có 40 tỉnh, thành phố trong nước xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuyên. Số ca ngộ độc thực phẩm phải nhập viện tập trung cao nhất ở miền Đông Nam bộ (chiếm 51,91%). Nguyên nhân là do khu vực này đang phát triển nhiều khu công nghiệp và chế xuất nhưng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các bếp ăn tập thể chưa được đảm bảo.

Thế nhưng số ca tử vong do ngộ độc lại tập trung nhiều ở các vùng núi phía Bắc (55,81%) và nguyên nhân thường do người dân vô tình sử dụng nấm độc, bánh ngô chứa độc tố nấm mốc và rượu không đảm bảo vệ sinh an toàn.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm nước ta có tới hơn tám triệu người bị ngộ độc và tiêu chảy do ăn uống. Đáng nói là do tập quán ăn uống mất vệ sinh nên tỷ lệ nhiễm giun sán ở Việt Nam chiếm khoảng 80% dân số.

Tại hội nghị toàn quốc về VSATTP lần II năm 2008 (ngày 9-4-2008), các số liệu thống kê đã khiến không ít người phải nghi ngờ về khả năng quán xuyến của các nhà quản lý trong việc kiểm tra VSATTP. Ban Chỉ đạo quốc gia về VSATTP có hơn mười bộ, ngành tham gia, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách về thanh kiểm tra VSATTP.

Năm 2007, một xã trung bình chỉ có 0,73 lượt đoàn đi thanh kiểm tra VSATTP. Hiện nay, lực lượng và số lần thanh tra y tế quá mỏng khiến những người kinh doanh ăn uống dễ dàng tìm cách đối phó với sự kiểm tra. Đơn cử như tại một thành phố lớn như TP.HCM, trong khi tổng cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm ở các tuyến phường xã có gần 25.000 điểm, ở quận, huyện là hơn 10.140 cơ sở thì cấp thành phố quản lý chỉ có gần 1.500 cơ sở.

Toàn ngành y tế thành phố chỉ có 36 nhân viên chuyên trách và năm kiêm nhiệm về việc thanh tra VSATTP, tuyến quận huyện là 50 cán bộ chuyên trách và 36 cán bộ kiêm nhiệm, còn tuyến phường xã có 317 nhân viên vệ sinh an toàn thực phẩm cũng hoạt động kiêm nhiệm nhiều chức năng. Nghĩa là bình quân mỗi cán bộ quản lý khoảng 450 cơ sở, chưa kể các vụ dịch theo mùa như cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, dịch tiêu chảy cấp… Với khối lượng công việc quá tải như thế, việc kiểm tra thiếu sâu sát và hiệu quả cũng là lẽ đương nhiên.

Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất VSATTP xảy ra nhiều trong thời gian qua là do việc xử lý các vụ việc vi phạm còn nhẹ, chưa kiên quyết và quá qua loa, khiến nhiều người kinh doanh thực phẩm “lờn thuốc”.

Trên thực tế, trong năm 2007, số cơ sở vi phạm chiếm hơn 14% số cơ sở được thanh tra. Tuy nhiên, 61% số cơ sở vi phạm được hưởng “án treo” (cảnh cáo), 25,9% số cơ sở bị phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 2,33 tỉ đồng, mức độ tiêu hủy sản phẩm chỉ chiếm 8,67% và mức độ đóng cửa cơ sở vi phạm còn kiêm tốn hơn, chỉ 0,44%.

Riêng tại TP.HCM, trong tháng 5-2008, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã kiểm tra 414 cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm tại các quận huyện. Kết quả là có đến 232 cơ sở vi phạm về vệ sinh môi trường, kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không tập huấn VSATTP và khám sức khỏe cho nhân viên (chiếm tỷ lệ 56,04%).

Trong một lần trao đổi với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý VSATTP (Sở Y tế) cho biết hiện nay, toàn thành phố có hơn 28 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó 70% có điều kiện vệ sinh ở mức trung bình và kém. Bốn quận huyện có tỷ lệ các cơ sở vi phạm VSATTP cao nhất theo thứ tự là Thủ Đức (61,5%), Nhà Bè (51,9%), Phú Nhuận (48,8%), Bình Tân (43,1%), kế đó là các quận 10 (41,4%), 6 (40,6%) và 2 (40,1%).

Năm 2007, Sở Y tế thành phố triển khai xây dựng 24 khu thức ăn đường phố điểm trên 22 quận huyện. Theo báo cáo tổng kết hoạt động, thực tế chỉ có 20 khu có thể triển khai xây dựng, trong đó 5/20 khu đạt tiêu chuẩn (25%), các khu còn lại tuy chưa đạt như quy định nhưng lại… không để xảy ra ngộ độc thực phẩm!?

Toàn thành phố năm 2007 đã xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 21% so với năm 2006. Điều đáng nói là số lượng các vụ ngộ độc tập thể trên 30 người lại tăng vọt và chiếm phần lớn (14/19 vụ). Cũng cần biết rằng TP.HCM có số vụ ngộ độc chiếm 20% so với cả nước.

Bao giờ mới sạch được đây?
Đến thời điểm này, nhiều người cho rằng quy định của Sở Y tế về bắt buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (kể cả hàng rong) trên địa bàn TP.HCM phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (dưới đây gọi tắt là giấy chứng nhận) là bất cập, tính khả thi vô cùng thấp.
Gần một năm trôi qua kể từ giờ “G” - ngày 1-1-2008, mốc cuối cùng để tiến hành xử phạt những cơ sở, hàng quán… không chấp hành quy định trên, nhìn ở góc độ ẩm thực, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố đã có chuyển biến gì?

Những điều trông thấy
Chị Hồng, một người bán bún bò buổi sáng ở một vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Lương, quận 7, vừa dùng tay trần bốc hết bún đến thịt, rau cho vào tô, vừa cười thật thà giải thích cho cách bán hàng mất vệ sinh của mình: “Khách ăn đông có chút buổi sáng, không làm cho nhanh người ta bỏ đi thì sao? Ở đó mà bao tay với kẹp gắp!”. Nói xong, chị thản nhiên chùi tay vào vạt áo và thối tiền cho khách. Đó cũng là hình ảnh chung của những quán ăn vỉa hè có thể gặp bất cứ đâu trong thành phố hiện nay.
Dù không thực sự là “quán”, nồi bún của chị Hồng vẫn có một vị trí cụ thể để khi ai ăn chẳng may bị... ngộ độc thì còn có nơi để yêu cầu các cơ quan chức năng đến kiểm tra. Những xe đẩy hàng rong thì chịu! Buổi sáng họ bán ở quận này, buổi chiều đã “rong” qua quận khác.
Nguy hiểm ở chỗ là loại hàng rong này thường nhắm tới học sinh. Đảo một vòng qua những cổng trường học quanh thành phố sẽ thấy điểm chung của những thực phẩm đang bán cho học sinh thường có màu sắc lòe loẹt, bắt mắt, điển hình là bánh kẹo, nước giải khát tự chế…
Chủ nhân của xe cá viên chiên đang tất bật trước một cổng trường trung học cơ sở trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) là một chàng trai trẻ. Xung quanh anh ta là một nhóm hơn chục nữ sinh sau giờ tan học đang háo hức chờ đến lượt mua. Đợi cho các khách hàng đã theo ba mẹ về nhà gần hết, anh ta mới trả lời về giấy chứng nhận mà chúng tôi đã hỏi: “Đó là giấy gì vậy? Mua ở đâu?”.
Trò chuyện với nhiều người bán hàng rong như anh ta ở các cổng trường mới biết tất cả họ đều lấy hàng làm sẵn ở những “cơ sở không tên” và không biết thứ cá viên mà nữ sinh thường ăn làm từ cá gì. Vì thế, thỉnh thoảng đây đó lại xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn, uống trước cổng trường.
Tại khu vực ăn uống ở chợ Bến Thành, dù đa số người bán hàng đã biết tuân theo những quy định căn bản như mang găng tay, dùng kẹp gắp khi chế biến thức ăn, đồ uống, nhưng việc rửa bát đĩa ba lần như quy định của Bộ Y tế thì khó mà thực hiện.
Những quán hàng ăn, những tủ heo quay, vịt quay che đậy sơ sài bên lề các con đường bụi bặm ở trên nhiều đường phố thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ, vệ sinh, nhưng hầu như mọi người bán hàng đều dùng bàn tay trần bốc thức ăn rồi đếm tiền của người mua và xung quanh, dưới chân họ đầy rác rưởi. Những gánh hàng rong, xe đẩy, hủ tiếu gõ… kém vệ sinh vẫn rong ruổi trên khắp các con đường, tiến về các cổng trường…

Tại, bởi, vì, do…
Ngoài nguyên nhân khách quan như đường sá chật hẹp, bụi bặm, thử điểm qua những giải thích của người bán hàng để thấy rõ hơn nguyên nhân tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm không được cải thiện.
Các yêu cầu của Bộ Y tế đặt ra cho các nơi buôn bán hàng rong trên thực tế khó thực hiện được nghiêm túc, phần do ý thức, phần do điều kiện sinh hoạt cụ thể. Chẳng hạn, do đặc tính “vừa bán vừa chạy”, các gánh hàng rong thường chỉ dự trữ một đến hai xô nước (từ 15 đến 30 lít) để dùng cả ngày. Những người bán hàng ăn vỉa hè thường là nghèo, ít vốn, lấy đâu ra tiền thuê quán, mướn nhân viên, nói chi chuyện đi khám sức khỏe định kỳ và dự các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn ẩm thực?
Những người có nhiệm vụ cấp phát và kiểm tra các loại giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì đưa ra lý do không thể cấp các loại giấy này cho các hàng quán vỉa hè, xe đẩy hàng rong… bởi như thế thì vô tình hợp pháp hóa hình thức kinh doanh đang bị cấm.
Chẳng ai dám khẳng định đến khi nào thành phố chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng những quy định của Bộ Y tế, dù đều biết rằng giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm chính là cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng và còn thể hiện nếp sống văn minh đô thị hiện đại.
MẠNH THĂNG

Đề phòng và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Nhằm giúp bạn đọc bổ sung thêm những kiến thức cần thiết để kịp thời sơ cứu các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chúng tôi đã nêu một số câu hỏi và được bác sĩ Vũ Lâm (Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM) trả lời.
* Trước tiên, xin bác sĩ chỉ ra các triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm.
- Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp có đặc điểm chung là bị rối loạn tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy (có khi ra cả máu) kèm sốt cao và rối loạn thần kinh mà biểu hiện là nhức đầu, mệt lả, thậm chí hôn mê, liệt chi. Có người còn bị thay đổi huyết áp, bí tiểu…
Riêng những triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện khá đột ngột, khác với dấu hiệu của chứng viêm dạ dày là mức độ khó chịu và đau tăng dần cho tới khi bệnh bộc phát.

* Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc thực phẩm?
- Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là người bị ngộ độc đã hấp thu phải thực phẩm độc hại, ví dụ ăn thức ăn đã bị ôi thiu, thức ăn chế biến không hợp vệ sinh, không đạt yêu cầu hoặc do bảo quản không tốt. Khi đó, các loại vi sinh vật (vi khuẩn, virus), nấm mốc và ký sinh vật có điều kiện hoành hành.
Cũng xin lưu ý rằng nếu tủ lạnh gia đình, không đảm bảo được nhiệt độ cần thiết là dưới 4 độ C thì các thức ăn giữ trong tủ tưởng an toàn lại trở thành mối nguy khôn lường vì đã hư hỏng mà vẫn được ăn. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị ngộ độc do chất hóa học độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng, phân bón, các chất tạo màu, tạo mùi, tạo độ kết dính, độ ngọt, chất bảo quản, chất chống oxy hóa và cuối cùng là các chất độc phát sinh trong quá trình chế biến, nhất là chiên.
Cũng có trường hợp bị nhiễm độc do các độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm như trong cá nóc, cá cóc, măng, đậu mèo, khoai mì, khoai tây hoặc chất gây dị ứng trong một số loài hải sản. Hãn hữu hơn là trường hợp bị nhiễm độc do chất dioxin, chất phóng xạ, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, cadimi… Gần đây còn có tình trạng bị nhiễm độc melamine trong sữa và có thể cả trong trứng của Trung Quốc.

* Xin bác sĩ phân biệt rõ hơn các trường hợp bị ngộ độc do vi sinh vật.
- Vi sinh vật là yếu tố cơ bản gây ra ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm và có tới gần 50% trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật. Trong nhóm vi sinh vật nguy hiểm thì các vi khuẩn chủng Salmonella, Staphylococcus Aureus, Clostridium Botulinum, E. Coli và Listeria là đáng sợ nhất.
Những loại vi khuẩn trên bị tiêu diệt ở nhiệt độ từ 63 độ C trở lên, do đó nên dùng thức ăn chín (nấu lâu ít nhất là mười phút). Tất nhiên, dù ăn chín vẫn cần cẩn thận vì vi khuẩn có thể tiếp tục xâm nhập vào thực phẩm khi thức ăn nguội đi do điều kiện vệ sinh không tốt (chén dĩa, thìa đũa bẩn, dùng tay không sạch bốc thức ăn).

* Còn nguyên nhân do nấm mốc và ký sinh vật gây ra?
- Nấm mốc luôn phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Chúng thường xuất hiện trong các loại ngũ cốc, quả, hạt có dầu, làm hư hỏng lương thực, thực phẩm và còn sinh ra nhiều độc tố nguy hiểm. Các ký sinh vật thường gặp trong thực phẩm là giun sán.
Chúng có thể gây ra ngộ độc cấp, ví dụ khi ăn thịt tái, nem thịt sống, tiết canh có ấu trùng độc, đồng thời còn phát triển những chứng bệnh lâu dài như thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa nếu bị nhiễm sán dây bò, sán heo hoặc bị tổn thương gan, mật do nhiễm sán lá gan (khi ăn cá nước ngọt chưa chín), bị viêm phế quản, đau ngực, khạc ra máu vì bị nhiễm sán lá phổi (khi ăn tôm, cua sống).

* Nếu bị ngộ độc thực phẩm, cần áp dụng ngay các biện pháp xử trí nào, thưa bác sĩ?
- Khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, trước hết cần giữ lại thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân để chuyển cho cơ quan y tế gần nhất xác minh nguyên nhân ngộ độc. Cố gắng làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết những gì đã ăn để ngăn cản sự hấp thu các chất độc vào ruột, đồng thời để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Đơn giản nhất là cho ngón tay vào móc họng để kích thích nôn. Sau đó dùng nước ấm hay nước muối sinh lý để rửa dạ dày. Nếu thời gian bị ngộ độc lâu hơn sáu giờ thì nên dùng thuốc tẩy magie sulphat, natri sulphat, sau đó gây bài niệu bằng cách truyền dịch.

* Bác sĩ có những lời khuyên nào cho mọi người để chủ động tránh được ngộ độc thực phẩm?
- Hãy tập thói quen rửa tay trước khi ăn, nhất là khi dùng tay để tự tạo món ăn (cầm, cuốn, xé…). Cảnh giác với thịt sống, cá sống, rau sống và các loại thực phẩm có màu lòe loẹt, không rõ nguồn gốc. Cần chủ động tránh sự lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thức ăn chín bằng cách không để chung chúng với nhau ngay từ khâu chuẩn bị chế biến, rửa rau thật kỹ trước khi dùng, không nên ăn trứng sống, không dùng đồ hộp bị phồng cứng ở hai đáy.
Các thức ăn đã nấu chín nên dùng ngay, không nên để lâu quá hai giờ, nếu dùng sau hai giờ thì phải nấu chín lại. Trái cây nên được gọt vỏ trước khi ăn. Nồi xoong, chén dĩa, thìa đũa phải vệ sinh sạch sẽ và để ở chỗ thoáng mát, có ánh nắng là tốt nhất.

* Xin cảm ơn sự tư vấn của bác sĩ!
HOÀNG PHAN thực hiện
--------------------------------------------

Theo HẢI YẾN

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

CON LU NHÀ TÔI (truyện ngắn)

Con Lu nhà tôi (1)
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
29-11-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5756
Trong ba chú chó mới sinh, bà dì ở Ðà Lạt cho tôi một con và được chọn ưu tiên. Cả ba đều là chó đực nên chỉ cần lựa con nào có bộ lông đẹp nhất là đủ. Khi tôi ngồi sà vào ổ của ba chú chó chưa mở mắt, chợt con có màu lông xám, hai đốm vàng trên lưng ngúc ngoắc đầu đánh hơi bò về phía tôi. Nó đưa cái mõm mũm mĩm, ươn ướt ủi vào bàn chân của tôi. Cái đuôi cũn cỡn ngoe nguẩy như loài chuột xạ...
Hai tuần lễ sau tôi ghé thăm dì. Bầy chó đã mở mắt đang ngậm vú mẹ. Khi nghe tiếng tôi trốc trốc, chú chó lông xám ấy bỏ vú mẹ bò vào lòng tôi. Dù màu lông không nổi bật như hai con kia nhưng tôi thích cái tính thân thiện của nó ngay từ giờ phút đầu.
Mang chó về nhà, con tôi chê màu lông nhớp nhem rồi tự động đặt tên là Lu. Dù mới một tháng tuổi, nhưng khi rời chó mẹ về nhà tôi, Lu ít khi kêu đêm như những chú chó con khác. Ban đầu cho Lu bú bằng bình sữa, rồi cho ăn sữa đặc đổ vào đĩa. Chỉ ba tháng sau là Lu lớn như thổi.
Lai lịch của dòng họ nhà Lu cũng ly kỳ lắm. Jolie là tên mẹ của Lu, giống chó xù Nhật Bản, nhỏ con, chân thấp, dáng đi lũn cũn. Nó hay qua nhà láng giềng đùa giỡn với anh chàng berger to con, tai vểnh, đôi chân sau vạm vỡ. Một hôm, lũ trẻ đến trước nhà Dì tôi kêu giật giọng rằng là con Jolie bị con chó berger của ông Tư Ðợi tha đi khắp khu vườn. Dượng tôi hốt hoảng chạy sang. Những tưởng con berger đã cắn chết con xù của nhà dượng. Nào ngờ cảnh tượng lạ lùng rất khó tin đã xảy ra: Con berger lẹo với Jolie nhỏ hơn nó gấp mấy lần. Vì là phần kết thúc sau “cuộc mây mưa” của loài chó, cho nên hắn tha con cái còn mắc cứng phía sau đuôi. Hai chân sau của con Jolie bị treo hỏng trên cao chỉ còn cái mõm và đôi chân trước bị kéo lê trên đất. Nàng kêu toáng lên khiến chàng đâm hoảng na chạy khắp vườn như na cái đuôi của mình trở nên nặng chình chịch. Kết quả cuộc tình giữa hai “chủng tộc”, nàng Jolie đẻ ra ba chú chó lai. Nhờ vậy mà đời con của nàng không còn mang dáng dấp thấp lè tè của loài chó xù nữa.
Con Lu lớn lên bộ lông ngày càng đẹp. Màu xám của mẹ pha màu vàng của bố mướt mượt như nhung. Hai đốm vá màu vàng đậm nằm hai bên hông, thoạt trông như yên ngựa. Dù không to con lớn xác như bố nhưng con Lu cũng vượt trội hơn đám chó nhà. Chân cao, dáng đi oai vệ như loài hổ. Hai vai rộng, u thịt nổi vồng lên khi nó bước đi. Cặp mắt ánh lên màu lửa như có thần lực. Ðàn chó hàng xóm gặp Lu là cụp đuôi chạy dài. Sau này, những lần đi săn giải trí loanh quanh ở những khu đồi còn an ninh, tôi mới nhận biết loài chồn, loài thỏ thấy Lu là hồn xiêu phách lạc, đứng chôn chân tại chỗ. Mỗi lần con tôi đi học về là dành nhau ôm Lu vào lòng. Tình cảm giữa chó và người không hề phân biệt. Ngoài cái khứu giác bẩm sinh độc đáo của loài chó có thể đánh hơi hàng mấy dặm, thính giác con Lu còn phân biệt được tiếng xe quen thuộc của tôi từ xa. Nó nghểnh mõm, ve vẩy đuôi chạy ra trước sân. Nhìn cử chỉ đó là nhà tôi đoán biết tôi sắp về đến nhà. Lu cạ vào chân tôi từ lúc xuống xe đến khi tôi vỗ về âu yếm nó mới chịu đi nơi khác. Lu cũng cảm nhận khá nhạy bén lúc tôi buồn bực hay giận hờn. Những lúc ấy nó nằm khoanh tròn nhìn tôi với ánh mắt buồn xo. Ðến khi tôi vui vẻ trở lại là Lu chạy đến cạ lưng vào người và liếm tay tôi như để hòa đồng niềm hân hoan với chủ.

*

Sau ngày “gẫy gánh 75”, tôi lên đường trình diện ban Quân quản thị xã. Tôi mang theo mười ngày gạo cùng ít đồ dùng, từ biệt vợ con với bao âu lo trong lòng. Khi bước ra khỏi cửa, con Lu cứ luấn quấn cản bước chân, tôi trực nhớ đến nó liền cúi xuống ôm Lu vào lòng. Ánh mắt ươn ướt buồn thiu của nó nhìn tôi chẳng khác gì đôi mắt của vợ tôi rươm rướm lệ. Lu liếm vào mặt tôi như quyến luyến từ biệt chủ phải đi xa lâu ngày. Trong tù, nhớ lại ánh mắt con Lu, tôi hiểu ra rằng loài chó còn có một giác quan đặc biệt, cảm tính rất nhạy bén về thái độ và tâm trạng của người gần gũi nó . Những tưởng mười ngày nửa tháng rồi quay về, nào ngờ cách biệt gia đình với thời gian dài hun hút. Tôi nhớ con Lu cũng tương tự như nhớ các con tôi. Nỗi lo ngại của tôi là lương thực ngày một khó khăn làm sao vợ tôi chạy đủ bữa cho đàn con bốn đứa lại thêm miệng ăn con chó.
Một ngày nọ, nhà tôi lên trại tù thăm, cho biết chú Dương Thái Lân, con của bà cô Út tôi từ Bắc về Nam có ghé thăm gia đình. Chú ấy bảo con Lu có cốt tướng nòi săn, muốn xin nó về đơn vị nuôi để săn mồi cải thiện thịt tươi. Lân là vai em nhưng lớn tuổi hơn tôi nhiều. Ði bộ đội từ trước 1954, sau tập kết ra Bắc được sang Tiệp Khắc học ngành cầu đường. Hiện là thủ trưởng đơn vị Công binh sửa đường ở Cao nguyên. Vợ tôi nhất quyết không cho con chó, lấy lý do phải qua ý kiến của chồng.

Một hôm, quản giáo trại gọi tôi lên văn phòng ban giám đốc. Một anh bộ đội mặc áo quần đại cán ngồi trong phòng tiếp khách tay cầm một tờ tạp chí cuốn tròn. Anh cán bộ thấy tôi vào, liền hỏi :
- Nguyễn Tấn đấy à?
Tôi ngập ngừng :-Thưa vâng.
-Tôi là Dương Thái Lân.

Tôi à lên một tiếng để tỏ rằng mình biết hắn là ai. Thực ra, qua 21 năm ở Bắc và mấy năm đi bộ đội Vệ Quốc Ðoàn làm sao tôi nhớ nỗi cái khuôn mặt ngày xưa của thằng em con bà cô Út. Ðưa tờ báo cuốn tròn cho tôi, hắn bảo:
- Ngày trước anh cũng viết sách, làm báo dữ dằn đấy nhỉ?

Tôi mở cuộn báo thì ra là tờ Bán nguyệt san Quyết Tiến. Ðó là tạp chí do tôi trách nhiệm biên tập trước 75 do cơ quan USAID của Hoa Kỳ yểm trợ ngân khoản để in ấn phân phát cho các đơn vị Ðịa phương quân và Nghĩa quân.

Lân bảo:
- Tôi có đọc trong đó truyện dài “Nhật Ký Bích Phương” của anh viết đăng nhiều kỳ về Tết Mậu Thân 68. Viết bạo đấy chứ, theo đúng sách lược tuyên truyền chống cách mạng của Mỹ Ngụy.

Tôi giật mình và cảm thấy bất an. Hắn đưa tay ra hiệu lấy lại cuốn tạp chí rồi lên tiếng:
- Tôi có ghé nhà thăm chị Tấn. Giai đoạn này mà trong nhà còn nuôi con chó kiểu tiểu tư sản. Anh không sợ cặp mắt của quần chúng hay sao?

Tôi than thở:
- Thời gạo châu củi quế, nhà tôi phải chạy gạo cho bốn miệng ăn, nhưng vì nuôi nó từ lúc mới sinh nên tình cảm gắn bó như thành viên trong gia đình.

Hắn ngắt lời:
- Tôi có đề nghị với chị cho tôi mang con chó đó về đơn vị để đỡ bớt khẩu phần ăn cho gia đình nhưng chị bảo phải qua ý kiến anh. Mới nhìn là tôi biết nó thuộc giống chó săn quý hiếm và có thể chống lại cả thú dữ.

Tôi bực mình trước cái lối điếm lỏi, nhưng cố nén giọng:- Nếu chú thích con chó thì về hỏi nhà tôi, quyền quyết định ở bà ấy.
Tôi đứng lên chào hắn rồi đi thẳng xuống trại.

*

Ðến kỳ thăm nuôi sau, bà xã tôi báo tin chú Lân đến nhà bắt con Lu đi rồi. Bỗng dưng mắt tôi như nhòa sương, lòng xót thương con Lu vô hạn. Từ ngày vào tù, tôi nghi ngờ tất cả những gì người ta nói. Giờ đây Lân bảo đem Lu về nuôi hay ăn thịt chỉ có trời biết. Thấy mắt tôi rưng rưng ngấn lệ, vợ tôi an ủi:
- Lũ con mình cơm không đủ ăn mà phải nhường cho chó một ít, lòng em cũng xót xa lắm. Nó thiếu ăn nên cả đêm chạy rông kiếm mồi đến sáng mới về nhà. Lông nó ướt nhớp nháp, đầy bùn. Biết đâu có cơm bộ đội dư thừa thân nó sẽ mập ra. Mình có giữ lại một thời gian sau cũng bị người ta đập chết làm thịt thôi. Xã hội bây giờ thiên hạ ghiền thịt chó lắm, anh có biết không?

Hết giờ thăm nuôi, tôi đứng vào hàng. Nhìn đôi mắt nhòa lệ của vợ khiến lòng tôi xót xa vô cùng. Cả đêm hôm đó hình bóng con Lu cứ chập chờn trong giấc ngủ. Tôi mơ thấy đôi mắt buồn rười rượi của Lu nhìn tôi trong ngày ra đi như báo hiệu rằng nó không còn dịp gặp chủ nữa. Cái cảm giác man mác êm êm của lưỡi nó liếm vào mặt, vào cổ, giờ đây tôi vẫn không quên. Niềm tin gắng gượng nhỏ nhoi vào lời hứa của thằng em con bà cô là xin con Lu để canh chừng thú dữ và săn mồi. Vả lại, cái công khó của Lân đã lặn lội đường xa đến trại cải tạo để gặp tôi nên cũng an ủi phần nào.

Ba tháng sau, vợ tôi với khuôn mặt hớn hở báo với tôi con Lu không còn ở với chú Thái Lân nữa. Tôi ngạc nhiên hỏi dồn. Nàng kể:
- Cách đây một tuần lễ, chú ấy bất thần đột nhập vô nhà mình không giữ kẽ như những lần trước. Chú dáo dác nhìn trước nhà, nhìn sau nhà, cả cái phòng ngủ của vợ chồng mình chú cũng ghé mắt quan sát. Ðột nhiên Lân hỏi:
- Con Lu có chạy về đây không chị?
Em sững sờ hỏi:
- Nó ở với chú mà?
- Tức lắm chị ơi, Lân ngồi vào cái ghế đặt ngoài hiên, nói tiếp: "Trước khi đi công tác Hà Nội, tôi gởi Lu cho chị nuôi lo ăn hàng ngày. Không ngờ các đồng chí trong đơn vị lợi dụng lúc tôi vắng nhà, bắt con Lu làm thịt đánh chén. Chúng bỏ con chó vào bao bố dìm xuống nước. Khi mở bao ra con chó không còn thở nữa. Họ yên chí ngồi chờ nồi nước đang nấu cho thật sôi để cạo lông. Ca nước sôi đầu tiên tưới vào lưng con Lu, bất ngờ nó vùng dậy chạy đi mất dạng. Lập tức các đồng chí ấy cầm súng lùng sục các ven rừng nhưng chẳng thấy nó đâu nữa. Tôi yên chí con Lu sẽ trở lại nhà chị vì nó vừa khôn vừa có sức mạnh khác thường. Tôi đánh giá thành tích săn bắt mồi của con Lu rất cao. Nó thường xuyên bắt được chuột đồng, thỉnh thoảng chồn hoặc thỏ. Mình có chất tươi thêm vào bữa ăn nên tôi quý nó lắm. Kể xong, Lân đi ra xe xách vào một bao cát đựng đầy gạo, bảo:
- Ðây là số gạo tiêu chuẩn tôi đi công tác còn thừa, chị nhận cho các cháu bồi dưỡng và thêm phần cho con Lu. Nếu nó có trở về đây xin chị báo tin cho tôi biết.

Lân ra đi được một ngày.
Hôm sau, lúc chạng vạng tối, cả nhà đang ăn cơm, con Lu không biết từ đâu chạy xồng xộc vào nhà, mình nó ướt đẫm mồ hôi. Trên lưng một vết phỏng to bằng bàn tay lột hết lớp lông và đã bắt đầu làm mủ. Lũ con mình ôm con Lu vào lòng mừng rơi nước mắt. Cả nhà phải nhịn một phần cơm cho nó. Loáng cái là nó vét sạch đĩa cơm độn sắn. Lu ve vẩy đuôi, đưa lưỡi liếm từng người trong gia đình như để điểm lại những người thân. Mấy đứa con mang Lu ra giếng chà xát xà phòng, tắm rửa, bắt sạch ve vắt bám vào da. Em khui bình thuốc Peniciline rắc lên vết phỏng. Chờ đến tối, bọn em mang Lu về gởi cho ông bà ngoại vì biết thế nào chú Lân cũng trở lại tìm chó. Ðêm đó, Lu cứ theo chân em đòi về, thằng Doãn phải ngủ nhà ngoại để giữ con Lu ở lại. Em vuốt ve vỗ về:
- Con phải ở lại đây với ngoại. Lu không được theo mẹ về nhà, người ta sẽ đến bắt con đi, biết hông?”. Lu vểnh tai nghe lời em dặn nên ngoan ngoãn nằm trong lòng của Doãn mà không còn hậm hực đòi về nữa.”

Từ đó, hễ thấy người nào mặc áo quần xanh lá cây vào nhà là Lu chui dưới gầm giường chìa đầu ra, nhe răng gầm gừ. Chỉ cần một cú giậm chân là đủ để nó phóng ra vồ ngay. Sau lần thoát chết, con Lu nghi ngờ hầu hết mọi người, chỉ trừ gia đình tôi và ông bà ngoại. Tính thân thiện của con Lu giờ đây không còn nữa. Loài chó rất trung thành với chủ nhưng khi bị một lần đối xử tàn nhẫn với nó là bỏ nhà đi luôn.

Gia đình ông bố vợ tôi tuy ở thị trấn nhưng vì là vùng đất đai đã tạo mãi từ trước khi trở thành thị tứ nên nhà cửa vườn tược rộng thênh thang. Tiếp giáp với vườn cây ăn trái là cánh đồng mía, nay thuộc hợp tác xã nông nghiệp. Lu không bao giờ ra trước đường phố mà chỉ lùng sục trong vườn cây, ruộng mía sau nhà tha hồ bắt chuột, chim chóc, rắn rít. Nó sống như một tử tù thoát ngục. Nó biết ngoài xã hội loài người đang nhìn nó một cách thèm thuồng. Họ chỉ chờ cơ hội là biến thân xác nó thành miếng nhừ, miếng mận.

Ngày ra tù, tôi vào thăm ông bà nhạc gia. Khi vợ chồng tôi vừa đến cổng nhà, con Lu đánh hơi được từ trong nhà phóng ra chồm lên người tôi. Với sức nặng của nó đã khiến tôi té ngồi xuống đất. Người nhà ngỡ con Lu tấn công kẻ lạ mặt nên vội la lên : “Bố đấy Lu, tránh ra!” Nhưng không. Nó xoải hai chân trước đứng trên đùi tôi rồi đưa lưỡi liếm trên khắp mặt mày, tai cổ của tôi. Qua cơn hốt hoảng vì cú ngã bất ngờ, tôi hiểu ra con Lu đang mừng chủ. Tôi liền ôm chầm lấy nó rồi người và chó lăn lộn trên nền sân xi-măng. Cha mẹ vợ tôi vui mừng thấy con rể được ra tù. Hàng xóm đứng nhìn cảnh người vật ôm nhau, họ không tránh khỏi xúc động trong lòng.

Sáu tháng sau, nhà tôi sắp xếp cho tôi và thằng con trai lớn một chuyến vượt biển. Tôi phải xin hộ khẩu ở nhà bà dì tận làng An Vĩnh gần mũi Ba-Tâng-Gâng. Tôi có tên trong tổ hợp đánh bắt cá bằng lưới mành với ông dượng và mấy người em bà con. Tôi dắt con Lu theo để tránh cặp mắt của láng giềng và tránh luôn chú Lân bất thần đến nhà bắt gặp nó. Trước một ngày tới điểm hẹn, vợ tôi dẫn thằng Doãn, con trai đầu lòng của tôi xuống nhà bà dì để chuẩn bị lên đường. Sáng hôm sau, nhà tôi mang con Lu lên xe lam trở về nhà.

Ðêm 30 tháng hai âm lịch, trời không trăng nhưng rừng sao trên trời đủ soi rõ đường đi trên bãi cát trắng lờ mờ. Hơi nước biển mát lạnh cùng với ngọn gió tây thổi lồng lộng làm cho đám người trốn trong các bờ bụi rét run cầm cập. Họ cố dõi mắt về hướng biển. Mười giờ... mười một giờ... đến mười hai giờ ba mươi khuya, ánh đèn pin từ gành đá chợt nháy sáng báo hiệu ghe con đã đến. Tốp đầu tiên gồm bốn người lần lượt tiến ra gành đá. Tiếp theo là hai cha con tôi cùng hai người ở cánh bắc cũng xuất hiện. Cuộc “ra quân” âm thầm nhưng đúng theo thứ tự ấn định. Còn mười phút nữa mới đến tốp cuối cùng. Bỗng, phía sau làng có tiếng chân người chạy rầm rập rồi tiếng súng nổ loạn xạ. Toán đầu quay trở lại chạy tản mác vào xóm. Hai người cánh bắc cũng thế. Riêng tôi chạy băng qua gành rồi luồn vào lùm cây đước. Thằng Doãn, trước khi đi tôi đã dặn dò kỹ lưỡng. Nếu họ bắt được là cứ khai đi một mình đừng để liên lụy đến Ba. Toán du kích chia nhau chạy lùng trong xóm. Một du kích đuổi theo Doãn, đến gần bìa làng hắn chộp được cổ con tôi. Thằng bé la toáng lên: “Thả tôi ra, thả tôi ra”. Anh du kích xách thằng bé lên cao. Tay chân nó không ngừng giẫy giụa. Chợt, một bóng đen từ trong hàng dừa phóng ra nhảy chồm lên bám vào cổ anh du kích. Con chó! Tôi thầm kêu lên. Nó tấn công khá bất ngờ khiến anh ta đánh rơi cây súng và buông thằng nhỏ để đánh vật với con chó. Anh ôm đầu con chó nhưng răng chó càng lúc càng lún sâu vào cổ như con quỷ Dracula đang hút máu người. Hắn kêu cứu. Một lúc sau mới có đồng đội đến tiếp sức. Con chó cũng vừa nhả ra chạy vào trong xóm. Một loạt súng của người mới đến bắn đuổi theo. Tôi nghe tiếng ăng ẳng của chó từ trong xóm vọng ra. Một nghi ngờ thoáng qua, chẳng lẽ con Lu ? Nhưng tôi yên tâm ngay bởi con Lu đã được vợ tôi dẫn về nhà trong ngày hôm trước. Núp trong đám cây đước tôi quan sát đầy đủ cảnh chó và người vật nhau. Con chó xuất hiện trong bóng đêm chớp nhoáng như loài sói vồ mồi. Hình ảnh con chó ngoạm cổ anh du kích, tôi liên tưởng đến ma cà rồng đội lốt chó để hút máu người. Nhưng dù ma hay chó tôi cũng thầm cảm ơn nó đã giải cứu cho con tôi và giải thoát được bao nhiêu người.

Tôi về đến nhà lúc tờ mờ sáng nhờ chiếc xe Honda thồ đi kiếm khách sớm. Tắm rửa thay áo quần xong, chợt nhớ đến con chó. Tôi hỏi vợ:
- Con Lu đâu?
Bà ấy bảo:
- Khi xe lam vừa đến ngả ba quốc lộ, con Lu vọt xuống xe chạy ngược theo con đường về hướng biển. Em nghĩ nó trở lại với anh và con. Nếu có điều gì không may xảy ra cho nó thì em biết làm sao bây giờ. Tôi nhìn vợ buông tiếng thở dài :
- Thôi rồi!
Tôi nghĩ ngay đến tiếng kêu đau đớn của chó vang lên sau tiếng súng. Con Lu có thể chết vì loạt đạn bắn theo. Tôi cảm thấy đau xót vô cùng.
Chờ trời tối hẳn, dì tôi mướn xe Honda thồ đưa Doãn về với chúng tôi. Vợ tôi ôm con vào lòng, khóc thút thít:
- Giờ con đã thoát được về đây với mẹ cùng các em. Từ nay trở đi, đói no, chết sống mẹ nhất quyết không để gia đình ta chịu cảnh phân ly.
Doãn nhìn tôi hỏi:
- Ba có thấy con Lu không?
Chẳng đợi tôi trả lời, Doãn quả quyết:
- Lúc ông du kích buông con ra, trước khi chạy trốn, con có quay lại nhìn thấy con Lu đang ngoạm cổ ông ấy.
- Như vậy là con Lu đã chết vì loạt đạn, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi kết luận . Các con tôi đứa nào cũng rưng rưng nước mắt. Tôi an ủi:
- Dù sao thì mình đã dành tình thương và chăm sóc Lu như con trong gia đình. Nó có chết cũng là cái chết có ý nghĩa, một nghĩa cử vô cùng cao quý của loài chó không khác gì con người.

*

Cả nhà đang say ngủ. Ðột nhiên, tôi nghe tiếng cào sột soạt vào cánh cửa trước. Im ắng một hồi lâu, tiếng cào lại nổi lên lần nữa. Ghé mắt nhìn ra ngoài, tôi chẳng thấy gì cả. Chỉ có bóng đêm bao trùm và sương mù dày đặc phủ đầy trời. Tôi thiếp đi một chốc. Tiếng sột soạt nổi lên lần thứ ba. Lần nầy lâu hơn và ở ngay cánh cửa hông. Tôi vội bật đèn lên, hé cửa nhìn ra. Hốt hoảng, tôi kêu lên:
- Em ơi, con Lu trở về.
Cửa mở toang, Lu đi khập khiễng vào nhà. Tôi ôm Lu vào lòng và nước mắt tôi tuôn trào. Tôi khóc vì vui mừng và khóc vì thương nó quá đỗi. Bầy con tôi xúm vào quấn quýt bên Lu. Máu khô bê bết trên mông và đùi trái của nó. Một viên đạn ghim vào đùi sau, rất may là không đụng xương. Tôi rửa sạch vết thương bằng rượu cồn, xoa thuốc đỏ rồi băng kín vết thương lại.

Từ năm 1986 chính sách đổi mới, thị trấn quê tôi bắt đầu có sinh khí trở lại. Chẳng bao lâu sau, nơi đây buôn bán sầm uất. Cửa hàng tư nhân được mở ra tranh đua cùng với cửa hàng quốc doanh. Ðời sống có phần dễ thở hơn.
Sau trận chiến biên giới Việt Trung năm 1979, Dương Thái Lân và cả đơn vị công binh được điều động đến vùng thượng du Bắc Việt. Vì thế con Lu sống thoải mái với chúng tôi không còn lo lắng gì nữa.
Ðến tháng 7 năm 1991, gia đình tôi lên đường đi Mỹ theo diện tỵ nạn HO8. Con Lu cũng vừa tròn 18 tuổi. Nó đã quá già chỉ lẩn quẩn trong nhà. Nhưng khi có khách đến là nó vẫn không quên chạy vào gầm giường.

Ngày gia đình tôi vào Sài Gòn để lên máy bay, tôi cho Lu theo đến ga xe lửa cùng với bà con đưa tiễn. Khi còi tàu hụ từ xa, Lu đứng dậy sủa vang cả khu vực nhà ga. Trước khi lên tàu, mỗi người trong gia đình chúng tôi đều thay nhau ôm Lu vào lòng, rưng rưng, lưu luyến. Khi tiếng còi báo hiệu tàu chuyển bánh, con Lu nhìn đoàn tàu rồi tru lên một tràng dài. Ðây là tiếng tru lần đầu tiên trong cuộc đời 18 năm của nó. Tôi rùng mình. Tiếng tru thật áo não tưởng chừng như lời trối trăng vĩnh biệt của Lu nhắn gởi.
Khi qua Mỹ rồi, chúng tôi được thư nhà cho biết, con Lu không chịu về nhà nữa. Nó lẩn quẩn ở khu vực nhà ga cho đến một ngày vào mùa Ðông rét buốt, Lu nằm chết bên đường rầy xe lửa, nơi mà chúng tôi đã ôm hôn nó trước khi bước lên tàu.

Hay tin Lu chết, con tôi ôm nhau khóc. Nước mắt chảy ròng ròng như khóc thương một người thân đã ra đi vĩnh viễn. Riêng tôi thầm nghĩ : “Cũng may là nó đã quá già yếu, thân chỉ còn da bọc xương nên được chết toàn thây. Dù muốn dù không nhân viên nhà ga cũng phải chôn xác Lu ở một nơi nào đó trong lòng đất. Ðất mãi mãi ấp ủ thân xác nó và ngàn vạn năm sau biết đâu bộ xương của Lu sẽ hóa thạch tồn tại mãi trên mảnh đất Việt Nam.”Tôi khóc âm thầm trong đêm như khóc cho đứa con của tôi còn để lại quê nhà nay không còn nữa. Suốt mấy đêm liền tôi nghĩ về Lu như nghĩ về một con người quả cảm và thủy chung.DCVOnline
-----------------------------
Nguồn:
(1) Bài do tác gỉa gởi. DCVOnline trình bày và minh họa.


TRUNG HOA VỚI MỘNG CƯỜNG QUỐC

Trung Hoa với mộng cường quốc lục địa hay đại dương
Phạm Hồng Tân
29-11-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5757
Đứng trước sự thách đố của thế kỷ canh tân với môt nước Trung Hoa sau nhiều ngàn năm luôn tự thỏa mãn bằng tư tưởng cai trị quân chủ chuyên chế độc tôn lên tất cả nhũng phần đất mà Hán tộc đã xâm chiếm được. Gọi vắn tắt đó là chính trị đại lục, kéo dài sau thời chiến quốc cho tới Thanh triều và đến hết thế kỷ 20. Hiện tại Trung Hoa đang tỉnh mộng, vươn vai và bước dần ra đại dương.

Cưộc xâm chiếm cùa Hán tộc khởi đi mạnh bạo nhất có thể lấy mốc điểm từ thời Tần Thủy Hoàng đánh tan sáu nước Yên, Ngụy, Sở , Tề, Hàn, Thục để từ đó đế chế chuyên chính độc tôn được thiết lập và truyền đời mãi qua các triều đại về sau. Đồng lúc tư tưởng cũng như đời sống con ngưòi càng bị gò ép hơn trong nền chính trị và tư tưởng đạo đức Khổng giáo. Độc tài phong kiến trong triều đại Tần Thủy Hoàng đã đốt hết sách vở và chôn sống giới trí thức học trò. Cho dù nhà Tần cai trị thật ngắn ngủi nhưng thể chế quân chủ độc tài chuyên chế qua những triều đại khác về sau vẫn luôn buộc con người sống theo khuôn khổ sáo mòn với những tư tưởng chết động từ chương trong tứ thư ngũ kinh, chỉ để biết ca tụng cổ nhân mà không được quyền có những tư tưởng sáng kiến hành động khai phóng nào vượt qua lễ giáo tập quán chứ đừng nói chi là vượt qua thời đại đang sống. Thiếu sự hợp tác liên đới và bình đẳng trong thân phận, con người thời phong kiến mặc nhiên âm thầm chứa đựng sự phảng kháng nằm sâu trong cấu trúc hạ tầng xã hội. Những cuộc nổi loạn ầm ỉ dâng cao và bộc phát liên tục đó đây chỉ vì muốn bước ra khỏi vòng kềm tỏa những ràng buộc lễ giáo phong kiến, với một hệ thống chính trị đầy tôn ti và khắt khe chỉ cốt để phục vụ cho thiểu số dòng họ vua chúa.

Mất tự do tư tưởng nên suốt lịch sử Trung Hoa sau thời chiến quốc đến sau này không sản sinh thêm những tư tưởng triết học cao siêu nào khác, chỉ nhai đi nhai lại các tư tưởng đã có sẵn như Khổng, Lão, Mặc; nhất là Khổng học luôn áp đảo và được giới vua chúa quan lại đưa lên hàng độc tôn nên mọi học thuyết khác đều phải bị lùi bước. Khổng giáo độc tôn trở nên ngất ngưởng như một sự trấn áp, khiến tư tưởng văn học Trung Hoa suốt trên 20 thế kỷ chỉ đứng khựng trong sự lụi tàn dần mà không có tiến hóa khai phóng vì đánh mất sự tự do cần thiết, đánh mất sự bình đẳng liên đới và chia sẻ với mọi tư tưỏng học thuật khác. Nếu có thì chỉ là những sự nhỏ giọt không khác các quốc gia độc tài và nhất là cộng sản ngày nay cho dù có thay đổi phần nào cấu trúc kinh tế theo hướng thị trường tự do nhưng tư tưởng và mọi học thuật chính trị vẫn luôn bị thể chế kềm tỏa trong vòng độc tài toàn trị.

Một lục đia rộng lớn Trung Hoa trong qúa khứ đã chia làm hai miền Hoa Nam và Hoa Bắc, các tỉnh phía nam như Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây đều thuộc đất Bách Việt ngày xưa và có giòng huyết thống Sở, Việt, Thái. Phía Nam nhiều mưa và nhiều sông ngoài luôn ngập nước nên người dân nơi đây xử dụng các phương tiện giao thông bằng thuyền bè rất tài tình. Trái lại người Hoa Bắc rất dở về đi thuyền mà chỉ giỏi về cỡi ngựa, một sở trường mà phần lớn tổ tiên người Hoa Bắc có chung huyết thống du mục như dân Mông Cổ nên họ có biệt tài chiến đấu trên lưng ngựa rất giỏi. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu “Bắc nhân kỵ mã, Nam nhân thừa thuyền” là nhắc đến sở trường Bắc Nam là thế.

Vua chúa các triều đại Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Đường đều là người Hoa Bắc nên hẳn nhiên phải sở trường về mọi kỷ thuật chiến đấu trên lưng ngựa, Nói như Hán Cao Tổ “Ta đây ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ”. Sơ lược qua như thế để thấy rõ những nét tổng quát về nguồn gốc và qúa trình lịch sử của chế độ quân chủ chuyên chế Trung Hoa luôn đi cùng với ý hướng bành trướng sự cai trị trên đất liền hơn là mạo hiểm ra ngoài biển khơi, mở rộng ngành ngư nghiệp, hàng hải và chú trọng vào sự phát triển Hải quân.

Tâm lý sợ biển và sợ sóng cúa người Hoa Bắc rất rõ nét qua chứng minh suốt lịch sử nước Tàu mà chi có mỗi một nhân vật Trịnh Hoà dưới triều Minh Thành Tổ là thấy được tầm quan trọng việc thám hiểm đại dương. Trịnh Hoà là tên gọi được Hoàng tử Chu Đệ, tức vua Minh Thành Tổ sau này đặt cho trong lúc còn làm người hầu cận trong nhà. Trịnh Hòa rất có công giúp Chu Đệ đoạt được ngôi vua của người cháu là Chu Doãn Văn. Tuy đoạt được ngôi nhưng đã để vua Doản Văn đào thoát, nghe đồn đã chạy về hướng các nước Đông Nam Á, nên Minh Thành Tổ mới sai Trịnh Hòa chỉ huy các binh thuyền đi về hướng đó tìm kiếm tung tích vua Doản Văn. Theo các sử liệu Tây Phương thì xa nhất là chuyến đi lần thứ 7 sau cùng đến đảo Zanzibar (CH Tanzania) và ghé thăm các nước nằm dọc bờ biển Đông Phi Châu, nói chung trong bảy chuyến hải trình các vùng duyên hải lớn như Ấn Độ Dương, vịnh Ba Tư (Persan Gulf), Hồng Hải (Red Sea) đều đã đi qua và cũng đã từng hành hương đến thánh địa Hồi giáo Mecca. Ngoài ra không có chuyến hải trình nào đến châu Mỹ cả như một số người Tàu lắm tưởng tượng vẻ vời, tự đề cao bằng những chuyện không có (1). Chỉ nhìn vào dấu vết lịch sử để lại trong những cuộc hải trình cũng như những phương tiện di chuyền, thời gian và những thế biển hiểm nghèo không thể khắc phục được khi muốn vưọt Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương đến châu Mỹ bằng hai ngã đều không phù hợp với thời gian, phương tiện và khả năng lúc đó.

Hải trình của Trịnh Hòa? Nguồn: Wikipedia
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/mecca.jpg

Sau những hải trình xa xôi của Trịnh Hòa 1433, nước Tàu lại trở về ngủ yên với giấc mơ đại lục, để lại sự ngẩn ngơ kinh ngạc cho mọi người, không hiểu vì sao lại ngưng bặt hẳn những chuyến thám dương khác. Những yếu tố rõ rệt nhất về việc ngưng bặt này không có gì khó hiểu cả.

Vì Trung Hoa là một nước lớn luôn có sự tranh chấp nội loạn kỳ thị phân chia giữa nhiều sắc tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều địa phương mà vua chúa các triều đại Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Đường đều là người Hoa Bắc nên nỗi bận tâm chính vẫn là tìm cách thiết lập một đế chế trung ương tập quyền lên mọi phần đất mà Hán tộc đã chiếm đưọc, với sở trường “Bắc nhân kỵ mã” luôn là một việc chính yếu nhất, nên tư tưởng chính trị đại lục luôn là một sách lược không thay đổi qua nhiều triều đại trong suốt lịch sử bành trướng của Hán tộc.

Tâm lý sợ sóng gió biển khơi của đa số người Hoa Bắc qua các triều đại cho thấy việc thám hiểm đại dương không phảii là sở trường và cũng không có những chính sách khuyết khích người dân đến lập nghiệp tại các hải đảo xa xôi. Trái lại triều đình luôn coi các hải đảo là nơi tụ tập của các nhom giang hồ cướp biển, cộng tác với các bang hội phản loạn bị truy nã trong lục địa, chạy ra hải đảo chiêu tập binh sĩ tìm cách lật đổ triều đình.

Tiếp đến là tư tưởng văn hóa Khổng giáo gò bó quanh chữ hiếu khi cha mẹ còn thì con cái không được đi lập nghiệp ở nơi xa, đã tạo nên tâm lý nhút nhát, bó buộc mọi thế hệ thanh niên quanh quẩn trong pham vi gia đình, sống bám vào cha mẹ, không tự lập và lòng can đảm đi khai phá những chân trời, thế giới có những phần đất hứa hẹn nơi xa, nói chi là ra đến biển khơi muôn trùng sóng gió. Chữ nhân, chữ hiếu trong đạo Khổng chỉ để đề cao đức sáng trong nội tâm con người mà không cần phải tìm kiếm đâu xa. Khi nghe tiếng nhân ái, hiếu đức thì mọi người nơi nơi sẽ tìm tới kết bạn, bái sư… Như thế là thu phục được nhân tâm. Về đời sống người thường muốn trở thành thánh nhân là như thế, còn một ông vua nếu có đức sáng thì bá quan văn võ đều thần phục, các nước nhỏ nơi xa đều lần lược sẽ kéo tới xin phong Vưong và làm chư hầu. Việc này được thể hiện qua câu nói trong văn hóa cung đình, “Tọa pháp trung cung triều Tứ Di.”

Tư tưởng chính tri đại lục kéo dài nhiều ngàn năm, ngoại trừ một thời gian ngắn dưới triều Minh Thành Tổ, Trung Hoa lại luôn thu mình trở về truyền thống đại lục cố hữu cho đến hết cuối thế kỷ 19. Nhất là dưới triều đại nhà Thanh, Trung Hoa phải chịu những ô nhục khi các cường quốc thực dân bành trướng về mặt đại dương tại châu Âu kéo bầy tới yêu sách Thanh triều mở cửa giao thương, giới hạn quyền cai trị của triều đình và thiết lập các tô giới dưới quyền cai trị của họ về mặt đại dương này. Ngay đến nước Nhật mà Trung Hoa luôn coi như Di Dịch da vàng ngoài mặt biển đã sớm canh tân hóa đất nước, hiện đại hóa quốc phòng, quân đội và Hải quân cũng đã nhảy vào dự phần chiếm đóng Trung Hoa.

Nhiều thế kỷ phát triển hàng hải, bành trướng sức mạnh hải quân để làm chủ mặt biển đã giúp cho các nước Tây Phương trở thành cường quốc. Sự việc xâm chiếm thuộc đia khởi đi sau thời kỳ Magellan vào đầu thế kỷ 16, người Portugal nhận chức thủy sư Đô đôc dưới triều vua Tây Ban Nha, dẫn 4 chiến hạm khởi hành từ cửa biển Seville đi vòng quanh thế giới qua khắp các đại dương. Đó cũng là lúc các cường quốc Tây Phương với sức mạnh hải quân đã thay phiên nhau qua nhiều thế kỷ đi xâm chiếm thuộc đia và tranh quyền bá chủ khắp nơi kéo dài cho đến sau thế chiến thứ 2 chấm dứt mới dần trao trả độc lập lai cho các quốc gia đã bị đô hộ.

Trung Hoa, một nưóc nhiều dân, đất rộng và có một nền văn hóa ảnh hưởng rộng khắp Á Đông, suốt thế kỷ 19 và 20 cũng đã phải chịu những ô nhục như các nước nhỏ khác đã từng bị các cường quốc đến xâu xé, đô hộ. Ngày hôm nay Trung Hoa đã biết mở mắt nhìn ra đại dương. Người Tàu chắc hẳn chưa được tiếng là những người có tài đi biển, bởi vì lịch sử truyền thống chính trị đại lục đã cho biết như thế.

Phần Việt Nam chúng ta thì sao? Tài chèo thuyền, đi biển, đánh trận trên mặt nước có phải là sở trường của dân ta không. Mở đầu thời kỳ tự chủ Ngô Quyền đã đánh trận trên sông Bạch Đằng. Thời nhà Trần cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, tầm quan yếu vẫn là đối trận với quân Nguyên trên mặt sông cũng như trên mặt biển, cắt đứt quân lương và dụ địch vào trận thủy chiến Bạch Đằng. Đến thời vua Quang Trung thì thủy quân lại được vua rất coi trọng. Hàng vạn quân Xiêm đã bị chôn vùi ở các dòng sông Rạch Gầm, Xoai Mut, Rạch Dừa… Những lần nam chinh bắc chiến, thủy quân vẫn là chủ lực chính trong cuộc đổ quân và tiếp viện, những danh tướng như Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Văn Dũng, Trương Văn Đa v.v… Ngoài tài chỉ huy đánh trận địa chiến, còn chỉ huy cả những trận thủy chiến. Không phải vô cớ mà danh từ Đô Đốc được trân trọng gắng liền với danh xưng của các vi tướng. Nghĩa quân Tây Sơn xuất phát từ Bình Định là vùng tiếp giáp với núi rừng An Khê và vùng duyên hải Quy Nhơn ngày nay. Trong trận đánh mở màn đầy ly kỳ độc đáo trong việc chiếm thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc đã tự trói mình đầu hàng trong lòng khung củi lớn, để đến nữa đêm phá củi, mở thành cho nghĩa quân tràn vào chiếm thành là điều khó ai có can đảm và mưu trí có thể làm được như thế. Quy Nhơn có một gía trị chiến lược quan trong vì đó là nơi “tranh địa”. Nhà Tây Sơn dựng nghiệp khi Quy Nhơn còn, và mất nghiệp khi Quy Nhơn mất. Một vùng biển trọng yếu như thế chắc hẳn các danh tướng thời Tây Sơn đều phải thông thạo thủy chiến và trân trọng với danh xưng Đô Đốc.

Từ Quảng Ngải đến Quy Nhơn, Đà Nẵng hay Nha Trang đều tương xứng với tầm nhìn ra Hoàng Sa và Trường Sa, trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn ghi Hoàng Sa và Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngải. Trong Đại Nam Thống Nhất Toàn Đồ hoàn thành năm 1838 đều vẽ hai quần đảo này thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhiều cuộc khảo sát địa lý và tài nguyên ở thế kỷ 17 đều đã ghi chép trong các bản đồ cổ. Dựa theo những bằng chứng lịch sử cùng với những hiệp ước ký kết giữa Việt Nam với nhà Thanh, Pháp đã đại diện cho VN trong những chính sách đối ngoại bang giao quốc tế và đã hành xử chủ quyền trên các quần đảo này, như thế đủ xác định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngoài những dữ kiện lịch sử, Việt Nam còn hội đủ cả mọi điều kiện về chủ quyền hải phận và các đảo dựa theo công ước quốc tế về nguyên tắc thềm lục đia của Liên Hiệp Quốc.

Trở lại hiện tình đất nước Việt Nam đang có cuộc tranh chấp với Trung Cộng về chủ quyền hải phận và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là cuộc tranh chấp an nguy lên chiến lược quốc phòng, kinh tế với ngư nghiệp, hải sản và tài nguyên dầu khí, số tổng sản lượng quốc gia (GDP) này đã chiếm trên phân nữa và còn vượt cao hơn nữa với đà kỹ nghệ hóa. Nhưng khốn thay quốc phòng và kinh tế mặt biển sẽ không bao giờ đạt kết qủa tốt đẹp khi Trung Cộng không bao giờ rời bỏ tham vọng chiếm cứ Biển Đông trừ khi Trung độc đảng độc tài chuyên chế và toàn trị hiện tại bị bại trận hay bị tan rã vì bị quốc tế cô lập như Nhật, Đức trong qúa khứ vì tham vọng đế quốc thực dân muốn thống trị thế giới.

Từ ngữ “hợp tác toàn diện” không có nghĩa gì trong liên hệ bang giao quốc tế. Hợp tác là vấn đề có qua có lại chứ có phải nhắm mắt lìa đời rồi viết di chúc giao hết gia tài lại cho người khác đâu, thế mà giới cầm quyền như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết… đi tới đâu cũng nhắc đi nhắc lại từ ngữ “hợp tác toàn diện.” Từ ngữ này Bắc Kinh đã nặn ra “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hưóng tới tương lai”. Với chính sách thực dân đế quốc kiểu mới, Bắc Kinh muốn chiếm lĩnh biển Đông vì đói nguồn dầu khí cung cấp cho nền kỹ nghệ hiện tại thì làm gì có chuyện đẹp như trong mơ, khuôn đúc ra 16 chữ vàng kể trên rồi đem treo đầu gường ngắm chơi mà tưỏng chừng như thực! Trừ khi nước Tàu gom mọi cơ sở kỹ nghệ sản xuất lại bỏ xó thành những đống sắt vụn, một việc làm không hề có được. Hơn nữa tham vọng trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự thì việc kiểm soát Biển Đông với những hải trình mà Trịnh Hòa ngày xưa đi qua, nay đang trở thành huyết mạch cho nguồn dầu khí từ Trung Đông vận chuyển qua eo bể Melaka(Malacca, Malaysia) về lục địa Trung Hoa mới nuôi sống kinh tế, và vũ trang quân sự. Thế thì dù trời có sập, Bắc Kinh cũng không từ bỏ tham vọng này. Riêng những người cầm quyền hiện tại ở Việt Nam nghĩ gì mà cứ lập lại câu “hợp tác toàn diện” thay vì biết tự trọng chỉ nên nói những câu như hợp tác nhiều mặt, hợp tác chân thành, v.v… Ngây thơ đến mức lập lại lời Bắc Kinh đã viết ra cho giới cầm quyền các nước nhược tiểu đọc để đặt họ vào qũy đạo kiểm soát của Bắc Kinh. Thậm chí chính phủ hiện tại ở Việt Nam có thể bị lừa giao “toàn diện” tài sản quốc gia, trong đó có Biển Đông vào tay con khủng long đói khát.

Chính trị bang giao quốc tế không phải là di chúc để lại gia tài của kẻ hấp hối. Mong rằng những người cầm quyền Việt Nam hiện tại biết tự trọng và có đủ dũng khí coi nhẹ tấm thân ô trọc của mình mà đứng thẳng không luồn cúi Bắc Triều.

Tàu chiến Trịnh Hòa cặp bến Đà Nẵng từ ngày 18 đến 22-11 vừa qua có phài là sự răn đe giới cầm quyền Hà Nội hiện tại không? Có phải họ muốn nhắc khéo với Hà Nội rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Hoa? Người biết chuyện thì đau lòng nhưng không hề sợ hãi. Trái lại, kẻ ươn hèn có tư tưởng thần phục ngoại bang thì hí hởn vui mừng vì nhờ quan thầy Bắc Kinh bảo chứng mà uy danh quyền hành của họ được thêm vững chắc. Người Tàu chịu ảnh hưởng tư tưởng thần quyền rất nặng. Bởi thế họ tưởng tượng đến những cảnh giới thiên đường địa ngục mà tưởng chừng như thực rất tài tình. Những chuyện như tề thiên , ngọc hoàng thượng đế nơi có cảnh sống hoan lạc không khác cung đình có vua quan cai trị như ở trần thế, sự tưởng tượng này tạo nên rất nhiều các tiểu thuyết dã sử Trung Hoa đầy mập mờ hư thực. Điều này phải kể đến lịch sử những chuyến hải trình của Trịnh Hòa. Người Tàu cũng đã tưởng tượng thêm việc đến châu Mỹ, tưởng tượng đến Hoàng Sa và Trường Sa, và còn vẽ ra bản đồ lưỡi bò hay lưỡi rồng gì đó với những tài liệu lịch sử đầy mơ hồ chỉ làm lộ ra thực chất ngụy tạo. Bởi vì ai nguyên cứu qua lịch sử Trung Hoa đều biết các vua chúa qua nhiều triều đại không hề rời xa truyền thống chính trị lục địa. Thực ra thì trong 7 chuyến hải trình của Trịnh Hòa, với kỹ thuật đi biển vào thế kỷ 15 phần lớn phải dựa vào hải lưu và gió mùa cốt sao cho thuận buồm xuôi gió, để phòng tránh mọi rủi ro bảo tố, Trịnh Hòa đã mon dọc theo bờ biển mà đi thôi, cho dù có đi qua Hoàng Sa và Trường Sa (tưởng tượng thôi!) hay cả ngàn quần đảo tại Sumatra mà Trịnh Hòa thực sự có ghé qua nhiều nơi, nếu như đều bắt quàng cho là thuộc chủ quyền Trung Hoa thì chắc mọi người sẽ chỉ ngã lăn ra cười khi nhắc tới… Từ việc ghé qua đến việc thiết lập chủ quyền hoàn toàn khác xa.

Trung Hoa hiện tại không mạnh như nhiều người lầm tưởng. Trong qúa khứ qua nhiều triều đại luôn giữ truyền thống chính trị đại lục là vì mâu thuẫn chủng tộc, ngôn ngữ cộng với những vua chúa đều là người Hoa Bắc. Họ chỉ mong áp đặt nền cai trị trung ương tập quyền và Hán hóa mọi sắc dân khác, tìm cách dẹp tan mọi sự chống đối cũng đã làm cho triều đình khốn đốn, nên mọi sách lược dài lâu đều phải dồn vào việc “bình thiên hạ” ở chính ngay nội địa, thế thì còn lòng dạ đâu tính đến chuyện hải ngoại, mở rộng bờ cỏi ra các hải đảo. Nội loạn luôn âm ỉ ngấm ngầm trong xã hội Trung Hoa, cho đến thế kỷ 21 này chắc vẫn còn đó. Những vấn nạn chủng tộc về sự áp đặt, Hán hóa luôn bị các sắc dân như Mông, Mãn, Hồi, Tạng v.v… khước từ. Nền chính trị độc tài toàn trị, mất dân chủ, tự do và nhân quyền cũng là nguồn gốc bất ổn xã hội. Rồi đây Trung Hoa có trở thành cường quốc lục địa và đại dương không? Hay lại như Trịnh Hòa khi xưa, chấm dứt sau mấy mươi năm xiển dương uy thế của Hán tộc ra hải ngoại. Sau đó Trung Hoa lại quay về lại truyền thống chính trị đại lục cố hữu vì những bất ổn xã hội, kinh tế suy thoái, văn hóa sơ cứng với nền chính trị độc tài. Những cơ chế đang phá hủy nhân quyền, đánh mất sự tự do và bình đẳng cùng với mọi cơ hội để người Trung Hoa xây dựng phát triển trong hòa bình, tiến theo trào lưu tiến hóa chung của nền văn minh nhân loại.

--------------------------------------------------------------------
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, chú thích và minh hoạ.

(1)Theo Jin Wu -Ts Cơ học và Thủy lực học, ĐH Iowa, Mỹ - cựu Bộ trưởng Giáo dục Cộng hòa Trung Hoa (Taiwan), khoa học gia về đại dương học - trong buổi thuyết trình về Zheng He ngày 12 tháng 4, 2004 tại UCLA cho hay chuyến hải hành lần cuối (lần thứ 7) vào năm 1430, Zheng He đã đi xa nhất và đến Mũi Good Hope ở cực Nam Phi châu. (Trích "Zheng He's Voyages of Discovery" của Richard Gunde