Friday, September 27, 2019

NHÀ TRẮNG BỊ TỐ XÓA DẤU VẾT CUỘC ĐIỆN ĐÀM TRUMP - ZELENSKY (tổng hợp)




Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 27-09-2019

Tổng thống Donald Trump đã nhờ Ukraina « can thiệp » vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky. Sau đó, Nhà Trắng đã tìm cách để cuộc điện đàm trên được giữ bí mật.

Theo báo chí Mỹ, thông tin này được nêu rõ trong bức thư báo động từ một người làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), gửi đến Hạ Viện và được công bố ngày 26/09/2019.

Tại sao Nhà Trắng tìm cách xóa dấu vết cuộc điện đàm trên giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraina ? Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salve giải thích :

« Đó là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump nhanh chóng hiểu ngay mức độ nghiêm trọng của cuộc trao đổi này, theo nội dung bức thư của người tiết lộ thông tin. Trong bức thư dài 9 trang, người này cho biết nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã ra lệnh rằng nội dung, từng từ một, của cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và đồng nhiệm Zelensky phải được xóa hết khỏi máy tính và phải được xếp vào hồ sơ mật.

Bà Nancy Pelosi bình luận : « Nhà Trắng đã cố tìm cách bóp nghẹt sự việc ». Người đứng đầu đảng Dân Chủ ở Hạ Viện đã tiến hành thủ tục phế truất tổng thống sau khi có thông tin ông Donald Trump từng yêu cầu tổng thống Ukraina điều tra về đối thủ Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ.

Trong thư, người tiết lộ thông tin cho biết « rất bối rối », « vô cùng băn khoăn » vì yêu cầu của tổng thống Mỹ. Người này viết tiếp là tổng thống Hoa Kỳ sử dụng chức vụ của mình để yêu cầu nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2020 và như vậy gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

Lời cảnh báo này từng bị cấp trên của người tiết lộ ngăn chặn. Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia đã bị Hạ Viện chất vấn sau khi bị cáo buộc ngăn cản việc công bố lời báo động. Việc nội dung bức thư được tiết lộ đang đẩy ông Donald Trump vào loạt khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ».

----------------------------------

Người Việt Online
Septeember 27, 2019

WASHINGTON, D.C. (AP) – Tòa Bạch Ốc vào sáng Thứ Sáu, 27 Tháng Chín, xác nhận rằng bản tóm tắt lại cuộc điện đàm hôm 25 Tháng Bảy giữa Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có lúc đã được đưa vào trong hệ thống điện toán lưu trữ các tài liệu mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, theo như chỉ thị của các luật sư Tòa Bạch Ốc.

Lý do và thời điểm có chỉ thị này hiện chưa được biết rõ ràng.

Đơn tố giác, vốn một yếu tố chính trong cuộc điều tra chính thức trong tiến trình luận tội Tổng Thống Donald Trump, nói rằng việc “khóa” các chi tiết liên quan đến cuộc điện đàm cho thấy rằng “các giới chức Tòa Bạch Ốc hiểu rõ mức độ trầm trọng của những gì thảo luận trong cuộc gọi này.”

Tổng Thống Trump nói rằng cuộc điện đàm của ông là bình thường, không có gì sai trái.

Cũng theo nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc cũng xác nhận rằng các luật sư nơi đây đã biết về mối quan tâm liên hệ tới các phát biểu của ông Trump, trước khi người cáo giác gửi đơn tới văn phòng chánh thanh tra.

Sự xác nhận về chi tiết quan trọng này được đưa ra trong lúc Tổng Thống Trump đang gia tăng các nỗ lực tấn công kẻ cáo giác cũng như những “giới chức Tòa Bạch Ốc” được nêu lên trong cáo giác, khiến Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi phải lên tiếng cảnh cáo là không được có hành động trả thù.

Hôm Thứ Năm, Tổng Thống Trump gọi kẻ tố giác “cũng giống như gián điệp” và nói rằng lúc trước những kẻ “làm gián điệp, phản quốc” bị trừng trị theo “cách khác hơn” là ngày hôm nay.

Ông Trump cũng nói rằng các chi tiết trong bản cáo giác “được chứng tỏ là không chính xác,” dù rằng cho tới nay chưa có một điều nào trong văn bản này được cho thấy là không đúng.

Khi xuất hiện trên chương trình truyền hình “Morning Joe” của MSNBC, bà Pelosi nói rằng “Tôi lo ngại về một số phát biểu của tổng thống liên quan tới người tố giác.”

Bà nói các ủy ban Hạ Viện đang tiến hành cuộc điều tra chính thức của tiến trình luận tội sẽ bảo vệ cho những người cung cấp tin tức để họ không bị trả thù. Hôm Thứ Năm, các chủ tịch ủy ban ở Hạ Viện gọi lời phát biểu của ông Trump là “đe dọa nhân chứng,” nói rằng nếu ông Trump tìm cách ngăn cản các nhân chứng thì điều đó sẽ là điều bất hợp pháp.

Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói rằng nay cuộc điều tra sẽ nhắm vào vấn đề Ukraine, thay vì là một loạt các vấn đề khác đang có.

“Chúng ta phải chú trọng vào vấn đề mà người dân đang quan tâm, đó là sự việc tổng thống Mỹ dùng tiền thuế của dân để áp lực lãnh đạo một quốc gia khác nhằm làm lợi cho mục đích chính trị của cá nhân ông,” theo bà Pelosi hôm Thứ Sáu. (V.Giang)

---------------------------------------

Người Việt Online
September 26/09/2019

WASHINGTON, D.C. (NV) – Sau vụ xì căng đan liên quan đến việc Tổng Thống Donald Trump (Cộng Hòa) nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, mà trong đó, nhà lãnh đạo Mỹ bị tố cáo sử dụng quyền lực gây áp lực với lãnh đạo nước ngoài để có lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2020, Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), chủ tịch Hạ Viện, thông báo bà bắt đầu cho mở cuộc điều tra để tiến đến việc luận tội ông Trump, trước khi chuyển qua Thượng Viện để truất phế nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

Đây là một bước ngoặt lớn trong chính trường Hoa Kỳ, và hiện chưa biết mọi việc sẽ diễn tiến ra sao, và Tổng Thống Trump sẽ phải đối đầu với sự việc như thế nào.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, luận tội tổng thống chỉ mới xảy ra hai lần, một với Tổng Thống Andrew Johnson năm 1868, và một với Tổng Thống Bill Clinton năm 1998. Vì thế, không có nhiều chi tiết lắm liên quan đến việc luận tội tổng thống.

Cho tới nay, chưa có tổng thống Mỹ nào bị truất phế.

Luận tội do Hạ Viện thực hiện, và phải được trên 50% dân biểu đồng ý. Hạ Viện có 435 dân biểu, và phải đạt con số 218 phiếu.

Sau đó, sự việc sẽ được chuyển sang Thượng Viện để làm thủ tục truất phế, và phải được 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý. Thượng Viện có 100 thượng nghị sĩ, nghĩa là phải được 67 phiếu.
Nói cách khác, trong thủ tục này, các dân biểu hành động giống như các công tố viên và các thượng nghị sĩ đóng vai bồi thẩm viên.

Cả hai tổng thống Johnson và Clinton đều bị Hạ Viện luận tội, nhưng không bị Thượng Viện truất phế.

Sau đây là những điều cần biết liên quan đến truất phế:

Truất phế là gì? 
Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép Quốc Hội truất phế một tổng thống đương nhiệm nếu người này “phản bội tổ quốc, hối lộ, hoặc phạm các tội ác khác, và có các hành vi sai trái.”

Hồi năm 1868, Tổng Thống Johnson bị Hạ Viện luận tội qua 11 điều khoản, hầu hết liên quan đến việc sa thải các thành viên nội các để ngăn chặn họ ra điều trần trước Quốc Hội.

Năm 1998, Tổng Thống Clinton bị Hạ Viện luận tội qua hai điều khoản, một liên quan đến việc nói dối đại bồi thẩm đoàn trong việc ông có quan hệ tình dục với cô Monica Lewinsky, một thực tập viên trong Tòa Bạch Ốc, và một liên quan đến việc cản trở công lý để che giấu bằng chứng liên quan đến vụ quan hệ tình dục.

Truất phế bắt đầu ra sao? 
Về nguyên tắc, trước hết, Hạ Viện bỏ phiếu cho phép Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện bắt đầu thủ tục luận tội. Sau khi ủy ban bỏ phiếu thông qua, sự việc sẽ được đưa ra phiên khoáng đại Hạ Viện bỏ phiếu chính thức luận tội.

Tuy nhiên, Quốc Hội là cơ quan tự đưa ra quy định cho chính mình, nên tùy theo lãnh đạo chọn phương thức nào.

Trong trường hợp Tổng Thống Donald Trump, bà Nancy Pelosi chọn cách khác.

Hôm Thứ Ba, 24 Tháng Chín, bà Pelosi ra lệnh cho sáu ủy ban Hạ Viện đang điều tra Tổng Thống Trump bắt đầu “thủ tục luận tội” ông.

Các ủy ban này là Tư Pháp, Tình Báo, Thuế, Tài Chính, Giám Sát, và Ngoại Giao.

Sau khi các ủy ban này hoàn tất điều tra, mỗi ủy ban sẽ đưa ra đề nghị nên luận tội dựa vào yếu tố nào, nếu có.

Sau đó, Ủy Ban Tư Pháp sẽ quyết định một cách chính thức đề nghị nào để bỏ phiếu thông qua, và đưa ra phiên họp khoáng đại Hạ Viện bỏ phiếu chuẩn thuận.

Liệu Hạ Viện có luận tội ông Trump? 
Về lý thuyết, câu trả lời là “có,” vì hiện nay đảng Dân Chủ chiếm 235 ghế và đảng Cộng Hòa chiếm 198 ghế tại Hạ Viện.

Theo tính toán của nhật báo The New York Times hôm Thứ Tư, 25 Tháng Chín, hiện có 203 dân biểu đồng ý luận tội ông Trump, 88 người phản đối hoặc chưa quyết định gì cả, và 144 người chưa cho biết sẽ bỏ phiếu ra sao.

Như vậy, chỉ cần 15 phiếu nữa là đủ 218 phiếu luận tội Tổng Thống Trump.

Chuyển qua Thượng Viện 
Sau khi luận tội, Hạ Viện chuyển sự việc sang Thượng Viện để tiến hành thủ tục truất phế tổng thống.

Thượng Viện hiện do đảng Cộng Hòa nắm đa số, và người đứng đầu là Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Kentucky), và ông có thể không tiến hành xét xử gì ông Trump.

Thậm chí, Thượng Viện có thể bỏ phiếu bác bỏ luận tội của Hạ Viện, nếu cần, bất chấp chuyện gì xảy ra sau đó.

Tuy nhiên, nếu Thượng Viện tiến hành xét xử ông Trump, trong khi các thượng nghị sĩ là bồi thẩm phiên, chủ tọa “phiên xử” sẽ là ông John Roberts, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện.

Hạ Viện sẽ bỏ phiếu chọn một số dân biểu làm “manager,” những người sẽ “truy tố” tổng thống trước “bồi thẩm đoàn” Thượng Viện, và sau đó các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu.

Thượng Viện hiện có 53 thượng nghị sĩ Cộng Hòa, trong khi chỉ có 47 người là Dân Chủ.
Chỉ cần 34 thượng nghị sĩ “tha bổng” là ông Trump “thoát nạn.”

Cho nên, gần như rất khó để truất phế Tổng Thống Donald Trump. (Đ.D.)





No comments: