Tuesday, May 31, 2011

TUYÊN CÁO PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM



Nhóm Truyền Thông Facebook và Nhóm Truyền Thông Liên Mạng
01/06/2011

Kính gởi:

Ông Ban Ki-moon Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Ông Barack Obama Tổng thống Hoa Kỳ
Ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ông Hồ Cẩm Đào chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Thưa quý vị,

Hòa bình và ổn định là mục tiêu của Liên Hiệp Quốc đã đề ra để Phát triển Thiên niên kỷ. Ngoài ra, năm nay LHQ còn tổ chức kỷ niệm 30 năm bản “Tuyên ngôn về Xóa bỏ Mọi hình thức Bất bao dung và Kỳ thị vì lý do Tôn giáo và Tín ngưỡng”.

Thiết nghĩ, tất cả những thành viên của Liên Hiệp Quốc đều có bổn phận theo đuổi mục tiêu hòa bình, ổn định và công bằng xã hội mà tổ chức quốc tế này đã chủ xướng.

Tuy nhiên, vào lúc 5g58 sáng ngày 26/05/2011, ba tàu chiến Trung quốc, còn gọi là Hải giám mang số 17, 72, và 84 đã ngang nhiên xâm nhập lãnh hải Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Cho dù phía Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo sự xâm nhập trái phép này. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Thiết nghĩ, Trung quốc hiện đang có triển vọng là một cường quốc kinh tế, đồng thời lại là một thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Do đó, Trung quốc có bổn phận góp phần cùng LHQ duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới, cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Sự xâm lấn nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, và vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Do sự xâm nhập trái phép cũng như có những hành động vượt qua mức độ của một quốc gia có trách nhiệm đã dấy lên sự quan ngại của các nước lân cận trong khu vực nói chung, và người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước nói riêng. Nhóm Truyền Thông Facebook và Nhóm Truyền Thông Liên Mạng đòi hỏi phía Trung quốc phải lên tiếng xin lỗi với dân tộc Việt Nam và bồi thường thích đáng cho sự vi phạm này. Mong rằng những hành động xâm nhập trái phép như trên sẽ không xảy ra trong tương lai.

Đồng thời chúng tôi cũng phản đối lịnh cấm đánh cá bất hợp lệ đối với luật pháp quốc tế từ ngày 16/05 đến ngày 01/08/2011 trong vùng biển Việt Nam đưa ra từ phía Trung quốc.

Sau khi đã gây hấn cắt cáp của tàu Bình Minh 02 vào lúc 5g58 phút sáng ngày 26/05, theo tin cho biết, lúc 19g tối ngày 27/05/2011 Trung quốc tiếp tục gây hấn bằng cách đưa 30 thuyền chụp mực vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam và gây khó khăn cho sự hành nghề của ngư dân Việt Nam.

Cũng vì lý do này, các tổ chức, cũng như cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước bày tỏ sự quan ngại này đến Ông Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng như ông Barack Obama tổng thống Hoa Kỳ, xin quý vị lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền Trung quốc phải giữ chừng mực trong việc giao tế với các nước lân cận và tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam phù hợp với vị thế là một trong những thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Việc nhà cầm quyền Trung quốc phản đối việc Việt Nam thăm dò dầu khí tại vùng biển thuộc quyền pháp lý của Trung Quốc ngày 28/05 là hoàn toàn vô lý.

Người Việt Nam ở trong và ngoài nước rất bức xúc, vì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không có hành động thích đáng để bảo vệ chủ quyền dân tộc đứng trước sự xâm lấn này của Trung quốc. Cho dù Công ty Petro Việt Nam có cực lực phản đối. Nhưng phía bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Việt Nam không có một phản ứng thích đáng.

Báo Quân đội nhân dân online ngày hôm nay (29/05/2011) mới đăng tải bản tin nêu trên.

Người Việt Nam trong và ngoài nước lên án hành động vi phạm lãnh thổ Việt Nam cũng như vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Chúng tôi mong mỏi rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hãy thể hiện một cách mạnh dạn chức năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu chuộng tự do và hòa bình hãy lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Trung quốc đã ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 27/05/2011

Nhóm Truyền Thông Facebook và Nhóm Truyền Thông Liên Mạng thiết tha kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước bằng những phương tiện có được trong tay hãy quyết liệt phản đối hành động xâm lấn vùng biển Việt Nam vào các ngày 26 và 27 tháng 5 năm 2011.

Chúng tôi xin đề nghị:

1/ Phổ biến Tuyên cáo này đến tất cả người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

2/ Biểu tình phản đối hành vi xâm lấn Việt Nam trước sứ quán Trung quốc địa phương nơi đồng bào, đồng hương cư ngụ.

3/ Biểu tình phản đối sự nhu nhược yếu hèn của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

4/ Gởi tuyên cáo này đến
Ông Ban Ki-moon Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Ông Barack Obama Tổng thống Hoa Kỳ
Ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ông Hồ Cẩm Đào chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

5/ Vận động các chính giới địa phương lên tiếng phản đối sự xâm lấn Việt Nam của Trung quốc.

6/ Gởi Tuyên cáo này đến tất cả sứ quán Trung quốc bằng đường bưu điện hoặc bằng email.

7/ Tiến hành tẩy chay hàng hóa made in china trên phạm vi toàn thế giới.

8/ Ký tên ủng hộ Tuyên Cáo Của Nhóm Truyền Thông Facebook và Nhóm Truyền Thông Liên Mạng.

Nhóm Truyền Thông Facebook đồng ký tên.
Hạnh Dương, Đường Đời Sỏi Đá, Hoàng Việt, Việt Dzũng, Tuấn Nguyễn, Châu Xuân Nguyễn,Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc.
.
.
.

TRUNG QUỐC MUỐN BIẾN BIỂN ĐÔNG THÀNH VÙNG TRANH CHÁP (TS Nguyễn Toàn Thắng)



THẾ DŨNG thực hiện
Thứ Tư, 01/06/2011 06:51

Đó là nhận định của TS Nguyễn Toàn Thắng, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội, người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Luật Biển tại Trường ĐH Tự do Brussels - Bỉ


. Phóng viên: Thưa ông, từ góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về việc 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Việt Nam và Trung Quốc là thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (công ước) nên cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của công ước. Điều 57 của công ước quy định mỗi quốc gia ven biển đều có quyền xác định vùng đặc quyền kinh tế với chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Bên cạnh đó, điều 76 của công ước quy định mỗi quốc gia có một thềm lục địa với chiều rộng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Từ điểm A8 (một trong 11 điểm đường cơ sở) - mũi Đại Lãnh (Phú Yên) ra 120 hải lý, nơi tàu hải giám Trung Quốc gây hấn nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Việt Nam có quyền chủ quyền và các nước phải tôn trọng. Hành vi của tàu hải giám Trung Quốc là vi phạm các quy định của công ước và các nghĩa vụ thành viên của công ước.

. Phóng viên: Phải chăng Trung Quốc muốn biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thành vùng tranh chấp?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Những hành động vừa qua cho thấy Trung Quốc đang thực hiện mục đích biến biển Đông thành vùng tranh chấp. Trung Quốc muốn tạo cho dư luận hiểu rằng đang tồn tại một vùng tranh chấp, chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là chiến lược củng cố cho lập luận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trước nguy cơ này, Việt Nam cần thể hiện rõ quan điểm một cách kiên quyết và nhất quán trong việc không bao giờ tồn tại vùng tranh chấp và chồng lấn.

. Phóng viên: Có đủ chế tài xử lý 3 tàu hải giám Trung Quốc không?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Hành vi của tàu hải giám Trung Quốc là vi phạm các quy định của công ước nên có thể sử dụng quy chế theo công ước. Cụ thể, điều 287 của công ước cho phép các quốc gia lựa chọn các cơ quan giải quyết tranh chấp gồm Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội đồng Trọng tài thành lập phù hợp với phụ lục 7 của công ước và Hội đồng Trọng tài đặc biệt phù hợp với phụ lục 8 của công ước.
Việt Nam có thể chọn phương án đơn phương đưa vụ việc ra Hội đồng Trọng tài. Sau đó, Hội đồng Trọng tài sẽ căn cứ vào các quy định của luật pháp quốc tế và công ước để đưa ra phán quyết về trách nhiệm của Trung Quốc.
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa đưa bất cứ tranh chấp nào ra cơ quan tài phán quốc tế mà thường giải quyết thông qua con đường ngoại giao nhưng vụ việc này có thể là điểm khởi đầu để tạo ra tiền lệ cho mai sau.

. Phóng viên: Câu chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có thể tái diễn ở các quốc gia khác trong ASEAN vì “người khổng lồ” này lộ rõ âm mưu biến biển Đông thành “ao nhà”. Vậy các quốc gia trong khối ASEAN cần phải làm gì?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Hành động vừa qua của 3 tàu hải giám Trung Quốc hoàn toàn có thể tái diễn ở các quốc gia khác trong ASEAN vì “đường lưỡi bò” không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan đến tất cả các quốc gia trong khu vực. Có điều Trung Quốc sẽ không làm ngay một lúc ở nhiều quốc gia vì “bước tiến” của họ là luôn tiến hành một cách song phương, chia rẽ ASEAN để thực hiện mưu đồ.
Do vậy, ASEAN cần sử dụng hiệu quả nhất cơ chế và tiếng nói chung của hiệp hội này. Đây là vấn đề của tất cả các nước thành viên ASEAN và các nước trong tổ chức này cần sử dụng triệt để các diễn đàn quốc tế. Tiếp đó, sử dụng cơ chế của Liên Hiệp Quốc để các quốc gia trên thế giới nắm được tình hình biển Đông hiện nay, biết rõ sự leo thang của Trung Quốc.

THẾ DŨNG thực hiện
.
.
.

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC NGỤY BIỆN, VU CÁO (PLTP)


PLTP
01/06/2011 - 00:39

Sự kiện tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược xâm phạm thềm lục địa - vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sáng 26-5 đã tạo phản ứng mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân Việt Nam.


Hôm qua (31-5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tiếp tục đưa ra tuyên bố theo kiểu đổi trắng thay đen, phủ nhận chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. Thái độ trịch thượng này một lần nữa thách thức lòng yêu nước của người Việt Nam. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận những ý kiến phản đối của các giới.
Không vì lý anh mạnh lên, nhiều tàu, lực lượng của anh lớn mà anh lấn át người khác. Cách xử sự như thế không phải là của một nước lớn...

Ông LÊ KẾ LÂM, Chủ tịch BCH Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM:
Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật quốc tế
Những động thái ngày càng leo thang làm phức tạp tình hình trên biển Đông của Trung Quốc có thể giải thích bằng nhiều nguyên do, trong đó phải kể đến nguyên do dầu mỏ. Trung Quốc có nhu cầu về dầu mỏ rất cao, năm 2010 họ tiêu thụ gần 500 triệu tấn dầu, trong đó nhập khẩu khoảng 260 triệu tấn. Họ mua dầu từ các nước Trung cận Đông, Bắc Phi nhưng gần đây tình hình khu vực này có những bất ổn. Trung Quốc đã tìm nhiều cách để xâm nhập vào khu vực này và lấy lòng nhiều nước ở châu Âu nhưng việc tranh thủ các nước Pháp, Anh, Ý là không dễ vì đó là những nước ở xa.
Trong khi đó, biển Đông vừa ở gần, vừa có trữ lượng dầu mỏ rất lớn, theo phân tích của các nhà địa chất thế giới và dự kiến của Trung Quốc là 19 tỉ thùng. Họ lại muốn khai thác dầu ở vùng tranh chấp trước, còn của họ thì vẫn giữ đó! Từ đó đẩy lên vấn đề biển Đông hết sức căng thẳng.
Chúng tôi cho rằng để bảo vệ quyền lợi của nhân dân Việt Nam nói chung và ngư dân Việt Nam nói riêng, các nước phải tôn trọng Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng quyền làm ăn vừa lâu đời vừa có tính chất truyền thống ở trên biển của các nước. Không vì anh mạnh lên, nhiều tàu, lực lượng của anh lớn mà anh lấn át người khác. Cách xử sự như thế không phải là của một nước lớn, nhất là trong khi họ luôn nói là không có tư tưởng bá quyền, bành trướng.
Nhân danh Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam theo Luật Biển quốc tế!

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU:
Phải đồng lòng bảo vệ chủ quyền đất nước
Việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế - thềm lục địa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một bước leo thang rõ ràng trong việc thể hiện bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Hành động ấy là biểu hiện việc Trung Quốc đang cố tình hợp thức hóa “đường lưỡi bò” phi lý và ngang ngược của mình. Họ không thắng được Việt Nam về chứng lý lịch sử - địa lý; họ không thuyết phục được luật pháp quốc tế bằng căn cứ pháp lý thì họ sử dụng sức mạnh để thực thi điều phi lý ấy.
Với vấn đề to lớn, thiêng liêng này, ngoài vai trò cầm trịch, Nhà nước cần huy động mạnh mẽ sức mạnh toàn diện của dân tộc Việt Nam, làm sao đó để ai nấy đồng lòng ra sức bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đó phải kiên trì và kiên quyết đấu tranh dựa trên luật pháp quốc tế và tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam để giải quyết vấn đề trên một cách hợp lý, hợp pháp, đúng sự thật.

Ông LÊ HƯNG QUỐC, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM:
Đừng làm tổn thương quan hệ hai nước
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ hữu nghị lâu đời đã được các thế hệ cả hai nước cùng nhau vun đắp. Sự kiện ngày 26-5 đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân hai nước, vi phạm vào thỏa thuận cấp cao của hai Đảng và Chính phủ hai nước về việc giữ gìn đoàn kết hữu nghị, giải quyết các vấn đề bằng thương lượng hòa bình.
Ở góc độ là một tổ chức Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP, vốn có truyền thống hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, chúng tôi hy vọng nhân dân Trung Quốc sẽ nhận thức những vấn đề chưa đúng từ hành động vừa rồi của các tàu hải giám Trung Quốc và cần có những tiếng nói để ngăn chặn ngay những hành động làm tổn thương tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước. Việc bất kỳ một bên nào đơn phương có những hành động trái với Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông đều là không nên.

NHÓM PV
.
.
.