Sunday, September 29, 2019

DÂN CHỦ TRANH LUẬN KỲ 3 & BÃI NHIỆM (Cổ Lũy)




Cổ Lũy
September 25, 2019

Giữa tháng, với năm ứng viên đã rút lui và năm không đủ ủng hộ chính trị và tài chính của dân chúng để tham dự sau hai kỳ tranh luận trước, mười ứng viên Dân Chủ tranh cử sơ bộ đủ điều kiện lên danh sách lần thứ ba để tranh luận ở Texas.

Với nhân số thu hẹp, hai khuynh hướng chính trị Dân Chủ khác nhau đã cho thấy rõ ràng: Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden đứng đầu danh sách thuộc khuynh hướng “ôn hòa/moderate”; Nghị Sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders, thay nhau đứng hàng thứ nhì và ba, theo đường lối “cấp tiến/progressive.”

Lạ lùng thay, dù phía Dân Chủ thường “hướng về tương lai” và “đổi mới,” ba ứng viên dẫn đầu tuổi lại từ 70 đến 77 tuổi, và hoàn toàn da trắng. Hàng bốn và năm: Nghị Sĩ Kamala Harris, da đen, và Thị Trưởng đồng tính Pete Buttigieg, mới 37 tuổi, ngả lần về ôn hòa.

Giới quan sát cho thấy từ mở đầu tranh cử sơ bộ tới giữa năm, ứng viên phía Dân Chủ bị áp lực người trong đảng hăng say “đối đầu” với ông Trump, để chú mục vào hướng “tiến bộ”: Bãi nhiệm tổng thống bằng mọi giá, y tế cho mọi người, nới lỏng di trú cho người da nâu, đền bù cho người nô lệ da đen, thay đổi môi trường Xanh.

Ứng viên ở vị trí thấp hai tranh luận đầu hứa “cho” cử tri miễn nợ đi học, bải bỏ cử tri đoàn, hạn chế khai dầu, hợp pháp hóa cần sa, y tế cho cả di dân bất hợp pháp – rồi bị ông Trump dán ngay cho nhãn hiệu “xã hội chủ nghĩa” mà người Mỹ khá “dị ứng.” Giới chính trị thực tế lo tìm cách thắng cử lo sợ vô cùng vì đây chẳng khác gì nhường Tòa Bạch Ốc cho ông Trump, nhất là theo ông chỉ “người da màu” hưởng lợi từ các chương trình “xã hội chủ nghĩa” vô cùng đắt giá. Trước luồng sóng cấp tiến lên cao ông Biden ôn hòa, dù giữ vị trí hàng đầu, vẫn thận trọng vào cuộc mới nửa năm nay.

Kỳ tranh luận này là lần đầu tiên hai ứng viên hàng đầu, ông Biden và bà Warren với hai khuynh hướng đối chọi đứng cùng nhau trên sân khấu với cơ hội tranh luận được xem là gắt gao, nhất là về đề tài bảo hiểm sức khỏe cho dân chúng mà phía Dân Chủ xem là ưu điểm của mình. Hai người chưa trực tiếp tấn công nhau, có lẽ hiểu rằng làm như vậy chỉ có lợi cho đối thủ Trump; ông Biden xem đây là một “xa xỉ” đảng Dân Chủ không có trong khi chú tâm vào đánh bại ông Trump.

Báo giới nhắc lại khác biệt giữa hai ứng viên: Ông Biden muốn “khôi phục/restore” những gì ôn hòa, bình thường và tiệm tiến, khác với bà Warren hăng say muốn làm “cách mạng/revolution” thay đổi tận gốc rễ để đi đến công bằng xã hội.

Trả lời ông Biden bà nói, “Những người đứng hàng chóp bu, cá nhân giầu nhất, công ty lớn nhất sẽ phải đóng góp nhiều hơn và gia đình trung lưu sẽ bớt đóng góp” vào Medicare. Suốt mùa Hè mức ủng hộ bà đi lên liên tục, thành cái đà đẩy bà vượt qua ông Sanders và tiến gần tới ông Biden.

Bà Warren cũng thận trọng không nhắm vào những đối thủ của mình; hai lần tranh luận trước, bà không trực tiếp hay gắt gao tấn công ông Biden, hoặc không vạch rõ khác biệt giữa mình với ông Sanders; ông Sanders thì không ngần ngại cho thấy khác biệt giữa mình và ông Biden về bảo hiểm y tế và tiền bạc trong chính trị. Trong khi ông Biden nhận ủng hộ từ các giới đại kỹ, thương, tài chính như những ứng viên khác, bà Warren và ông Sanders từ chối ủng hộ từ các giới này và dựa vào “dân chúng.”

Nhiều người, nhất là phía Cộng Hòa đã đặt câu hỏi về chính sách quan trọng của bà “đánh thuế tài sản” ngoài việc “tăng thuế lợi tức” của giới chóp bu: Làm sao có thể thực hiện những điều này mà không vi phạm Hiến Pháp; hay thực tế hơn, phía Dân Chủ không nắm đa số ở hai viện trong Quốc Hội làm thế nào để làm luật hợp pháp hóa “công bằng trong xã hội?” Sau tranh luận, thăm dò dư luận cho thấy ông Biden dẫn đầu với 31% (với lợi thế vững chãi 42% ủng hộ của người da đen), bà Warren với 25%; ông Sanders xuống 14% ủng hộ, rồi vội đưa ra chương trình “nhà cửa cho mọi người.”

Về phía Cộng Hòa 

Ông Trump chỉ có ba người cùng đảng cạnh tranh chưa chính thức; đảng bộ Cộng Hòa cũng cẩn thận dẹp bỏ tranh cử sơ bộ ở một số tiểu bang nhằm ngăn cản những người có thể chia phiếu của ông trong tranh cử “sát nút” 2020. Nhưng ông vẫn bị những vấn đề nội trị nguy hiểm lẫn ngoại giao bế tắc đeo đẳng,và nhất là quá nhiều vấn đề pháp lý, cộng với với mức ủng hộ quá thấp (69% dân chúng “không ưa” ông).

Về mặt pháp lý, ông cho thấy rõ rệt việc chọn lựa đường “mượn quyền lực công làm phúc lợi tư” cho mình, vi phạm Hiến Pháp mà mọi tổng thống tuyên thệ phải tuân theo và bảo vệ triệt để. Với không một kiến thức và kinh nghiệm công quyền, ông thành tổng thống như một người chuyên làm ăn kiếm lời với cái nhìn thực tiễn nhưng méo mó; ông xem chức vụ và quyền lực công của mình như phương tiện hữu hiệu để thâu tóm phúc lợi về mặt chính trị, cá nhân, và tài chính cho mình và gia đình. Ông công khai và không ngại ngần làm những trao đổi “áp-phe” bất kể công, tư, không biết hoặc không cần biết luật lệ.

Tuần trước Tòa Kháng Án New York đã đồng ý cho phép một số chủ nhân và công nhân khách sạn ở New York và thủ đô tiến hành vụ kiện tổng thống về những mâu thuẫn quyền lợi giữa “những làm ăn rộng lớn, phức tạp và bí mật” và chức vụ đầy quyền lực của ông. Những phái đoàn đại diện quốc gia khắp thế giới bỏ những món tiền kếch sù sử dụng cơ sở của gia đình Trump như ở New York và thủ đô; họ không ngần ngại cho biết làm như vậy dễ “ân huệ” với chính quyền – như ngân hàng Hoa thuê văn phòng ở Trump Tower $2 triệu mỗi năm.

Những phát giác mới đây: Ông Trump “mời” họp thượng đỉnh G7 2020 ở khu nghỉ mát Florida thiếu khách; phái đoàn Phó Tổng Thống Mike Pence phải dùng khu đánh cù ở Ireland lỗ lã, xa nơi họp 200 dặm; nhiều phi đoàn Mỹ phải “nghỉ chân” ở sân cù hiếm khách Scotland thay vì căn cứ không quân cận kề – tất cả phải trả tiền thuê và mọi phí tổn “làm giàu” cho Trump Organization.

“Chuyện dài” vi phạm luật Hiến Pháp nhưng tổng thống vẫn chưa bị bãi nhiệm!

Giữa tuần trước tin lại nổ bùng từ tờ Washington Post, New York Times và Wall Street Journal rồi nối tiếp với ti vi đưa ra một khủng hoảng mới. Một người “tố cáo nội bộ/whistleblower” thuộc An Ninh Quốc Gia (DNI) báo cáo về một cú điện thoại mật, nay đã rõ là của tống thống Trump cho tống thống Ukraine tám lần áp lực ông này điều tra về con ông Biden làm ăn ở Ukraine nhằm triệt hạ ứng viên ông Biden – đây giống như ông đã nhờ Nga giúp “rác rưởi” triệt hạ ứng viên Clinton năm 2016, và vi phạm việc nhận “những gì có giá trị” từ ngoại bang ảnh hưởng vào chính trị Mỹ và an ninh quốc gia.

Nghiêm trọng hơn đi lại với Nga, tổng thống đã chủ động “lạm dụng chức vụ và quyền lực của mình/abuse of power” làm “áp lực đòi Ukraine những lợi điểm chính trị/extortion, public corruption,” chưa nói gì đến “âm mưu,” theo lời cựu chánh văn phòng Quốc Phòng và CIA Jeremy Bash.

Tờ Post ghi nhận ghê gớm hơn nữa, ông dùng tiền thuế ($400 viện trợ quốc phòng giúp Ukraine mà Quốc Hội đã chuẩn chi) vào việc ép buộc người nhận phải cung cấp lợi thế tranh cử cho mình. Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ) viết cho Quốc Hội, nếu tổng thống ngăn cản tố cáo đi tới Quốc Hội, có thể “ông đã vi phạm nhiệm vụ Hiến Pháp nghiêm trọng, và mở thêm một chương về bất hợp pháp, đưa tới cả một đợt điều tra hoàn toàn mới.”

Báo chí hiểu rằng bà đưa tín hiệu “bãi nhiệm” sẽ xảy ra – một điều mà bà cố tránh vì nó sẽ gây chia rẽ và hỗn loạn cho cả hai đảng năm tới. Chiều Thứ Ba, 24 Tháng Chín, bà công bố chính thức hóa tiến trình luận tội. (Cổ-Lũy)





No comments: