Monday, September 30, 2019

HAI THẾ GIỚI, HAI NGUỒN TIN (Lê Phan)




Lê Phan
September 29, 2019

Xóm tôi ở gần Luân Đôn là một trong những địa phương với số phiếu ủng hộ ở lại với Âu Châu hàng đầu trên toàn quốc với gần 70% ủng hộ “remain.” Nhưng dĩ nhiên vẫn có những người ủng hộ Brexit.

Hồi Tháng Năm năm nay khi Anh quốc đã bị bắt buộc tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội Âu Châu, đã có một cuộc đấu khẩu của hai người hàng xóm. Bình thường xóm tiểu tư sản hiền lành này rất tử tế với nhau. Nhiều người đã ở với nhau nhiều chục năm, xóm giềng qua lại, không bao giờ có chuyện khó chịu. Nhưng hôm đó chỉ vì Brexit một cuộc cãi vã đã xẩy ra.

Bà cụ đối diện nhà tôi, một trong những niên trưởng trong xóm vì cụ ở đây từ khi khu này được xây lên từ thời thập niên 1930. Cụ gần 100 tuổi rồi nhưng vẫn khỏe mạnh. Cụ đã ra can thiệp bảo hai người hàng xóm “Hai ông không biết xấu hổ à. Hàng xóm với nhau mấy chục năm mà chỉ vì cái chuyện Brexit đến nỗi cãi nhau ồn cả lên.” Rồi cụ chỉ vào một ông bảo “Brexit có gì là quan trọng. Ông không nhớ John đã chở vợ ông đi cấp cứu khi bà ấy bị stroke sao?” Rồi bà quay sang ông John “Remain thì cũng chẳng có gì mà làm ồn lên. Ông không nhớ Graham đã canh nhà, tưới cây lan và nuôi con mèo mỗi khi vợ chồng ông đi du lịch sao?”

Tôi không chứng kiến nhưng sau đó bà hàng xóm kế bên kể lại “Hai anh chàng đang gân cổ lên cãi bỗng bẽn lẽn cười gượng. Cụ bảo bắt tay nhau đi. Họ bắt tay.” Nhưng từ đó xóm tôi đã có cái luật “Để giữ tình hàng xóm, không nói chuyện Brexit.”

Nhưng trên toàn nước Anh, cũng như ở Hoa Kỳ, chuyện không dễ giải quyết như vậy. Vấn đề theo các nhà chính trị học là vì chúng ta đang sống trong cái thời đại mà ngay cả truyền thông cũng chia rẽ. Ở nước Anh này, người mà đọc tờ Daily Express sẽ không đời nào đọc tờ Daily Mirror. Những được cái may mắn là ở Anh hệ thống đài BBC chế ngự ngành phát tuyến và ngay cả những đài thương mại không có đài nào quá cực đoan.

Ở Hoa Kỳ, sự chia rẽ còn tệ hại hơn nữa.

Tờ Christian Science Monitor kể: “Bà Paula Blasik đang đọc tin trên một cái tablet ở food court của Mall of New Hampshire khi một phóng viên hỏi bà về việc Washington đột ngột đâm đầu vào một cuộc điều tra đàn hạch Tổng Thống Donald Trump. Cư dân lâu đời này của tiểu bang Đá Hoa Cương nói bà chống. Bà nói: “Từ khi ông ta thắng cử, đã nghe nói đến đàn hạch.” Bà thêm là những người Dân Chủ trong Quốc Hội “đã tiêu tốn thời gian và tiền bạc không làm việc của họ.”

Khi được hỏi thế bà đọc tin tức về chính trị Hoa Kỳ ở đâu? Bà Blasik, một cử tri độc lập đã bỏ phiếu cho ông Trump, nói bà xem tin tức ở nhiều channels nhưng luôn quay trở lại với Fox News, bởi bà cảm thấy họ giúp bà tốt nhất trong việc quyết định.

Ông Ed Thomas có lập trường khác hẳn. Chuẩn bị mồi để câu cá ở cầu tầu của Đảo Tybee, Georgia, ông nói lâu nay ông dụ dự về việc liệu có nên đàn hạch tổng thống hay là để dân chúng quyết định về số phận của ông vào ngày bầu cử. Nhưng sau khi thấy những tin nảy lửa mới nhất ông nói nay đang ngả sang luận tội một ông tổng thống mà ông bảo là “xấu xa và chia rẽ”. Cư dân của Daytona, Florida, ông Thomas nói “Tôi nghĩ đuổi ông ta đi.” Nguồn tin của ông về tin tức chính trị là MSNBC.

Đó là bầu không khí cho điều mà tờ Monitor gọi là “Mùa thu đàn hạch, 2019”.

Trong khi Washington đang chật vật trong một màn bi kịch đầy nguy cơ, công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có vẻ như phân chia ra làm hai phe vốn nhìn tình hình qua những ống kính khác nhau. Sự chia rẽ này được định hình một phần bởi đảng phái, hay là khuynh hướng đến từ bản tính từng người. Nhưng nó cũng là vì sự việc là hai bên đối lập trong cuộc tranh luận này ít khi sử dụng cùng một nguồn tin.

Với vấn đề đàn hạch, sự chia rẽ giữa những truyền thông bảo thủ như Fox News hay chương trình radio của ông Rush Limbaugh và cái mà lâu nay người ta vẫn gọi là truyền thông ngành chính, đã chia rẽ đến mức chúng ta có cảm tưởng họ sống ở hai thế giới khác hẳn nhau.

Sự chia rẽ đó có thể giúp cho Tổng Thống Trump. Truyền thông bảo thủ đa số đã hăng hái bênh vực Tòa Bạch Ốc chống lại phe Dân Chủ trong Hạ Viện. Đó là một điều đã không xảy ra trong thời Watergate. Giáo Sư Brian Rosenwald, tác giả của cuốn sách “Talk Radio’s America: How an Industry Took over a Political Party That Took Over the United States,” nói là nếu ông ta có Fox: “Tôi thực sự nghĩ là ông Richard Nixon có thể không phải từ chức.”

Cho đến tuần rồi, những cuộc thăm dò dư luận cho thấy nói chung cử tri Hoa Kỳ không thích đàn hạch. Nhưng tiết lộ là trong một cú điện thoại Tổng Thống Trump đã thúc đẩy lãnh tụ Ukraine điều tra cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, và cáo buộc là ông đã giữ không cho giải ngân viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine để buộc một cuộc điều tra như vậy, đã bắt đầu thấy có một sự thay đổi đáng kể trong dư luận Hoa Kỳ.

Một cuộc thăm dò của NPR/PBS Marit hồi đầu tuần cho thấy 49% người trả lời ủng hộ một cuộc điều tra đàn hạch của Hạ viện, và 46% chống. Kết quả của một cuộc thăm dò của Politico/Morning Consult cho cùng giai đoạn đó cho thấy 43% ủng hộ và 43% chống.

Truyền thông Hoa Kỳ cũng phản ảnh hưởng phân chia đó. Bản tin sáng 27 Tháng Chín trên website của CNN dẫn với tựa “Pelosi nói bộ trưởng Tư Pháp đã ‘lạc đường làm bậy.’ Cũng hôm đó, website của Fox News thì viết “Trump, đồng minh leo thang tấn công về sự ồn ào liên quan cú điện thoại Ukraine.” Còn ông Rush Limbaugh thì thẳng thừng hơn “Nói láo hoàn toàn.” Với độc giả của ông, ông không cần nói ai nói láo.

Giáo Sư Rosenwald, vốn là một sử gia chuyên về chính trị của Viện Đại Học Pennsylvania, thì giải thích “Trong thế giới truyền thông bảo thủ, scandal đều tụ tập ở Ukraine.”

Phe bảo thủ lâu nay vẫn tố cáo, mà không đưa ra bằng cớ, là ông Biden đã chặn cuộc điều tra về hoạt động của con trai ông, ông Hunter Biden. Một lý thuyết âm mưu còn duy trì là Ukraine chứ không phải Nga, đứng đằng sau vụ đột nhập vào Ủy Ban Quốc Gia đảng Dân chủ và các computer của các viên chức ban vận động của bà Clinton. Đó là lý do tại sao tổng thống đã hỏi ông tổng thống Ukraine điều tra cho ông cả hai việc đó. Cái vụ computer có vẻ đã khiến ông tổng thống Ukraine ngơ ngác.

Truyền thông ngành chính đã không thấy những cáo buộc này có bao nhiêu điều đáng tin. Nhiều cơ quan truyền thông có lẽ còn cảm thấy là họ đã chú ý quá mức vào emails của bà Hillary Clinton, và không đủ đào sâu về ông Donald Trump hồi năm 2016. Kết quả là họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cố gắng của bên Cộng Hòa tìm cách đưa ra tình hình Ukraine như là một cái gì hoàn toàn là về ông Biden, con trai ông, và những hành động đen tối ở đó.

Thành ra giữa truyền thông bảo thủ và ngành chính, theo Giáo Sư Rosenwald “sẽ thấy còn chia rẽ hơn nữa.” (Lê Phan)






No comments: