Chủ nghĩa dân tộc
Nga, Trung Quốc và Mỹ trong kỷ nguyên xung đột toàn cầu
Linh’s Substack
Jul 5, 2025
https://vhlinh.substack.com/p/quoc-gia-nhu-la-inh-menh
Khi
Francis Fukuyama công bố luận đề “Sự cáo chung của lịch sử” (The End of
History and the Last Man, 1992), ông tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô và chiến
thắng của mô hình dân chủ tự do phương Tây là điểm kết thúc của lịch sử theo
nghĩa triết học Hegel: không còn đối thủ hệ tư tưởng nào có thể cạnh tranh với
dân chủ tự do và kinh tế thị trường. Fukuyama viết:
“Điều
chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh hay của
một giai đoạn lịch sử hậu chiến tranh, mà là sự chấm dứt của lịch sử như một tiến
trình phát triển ý thức hệ nhân loại.”
Ba
thập niên sau, thực tại toàn cầu cho thấy lịch sử không hề cáo chung, mà đang
trở lại – dữ dội, phức tạp, và u ám hơn. Không chỉ các nền dân chủ phương Tây
đang bị thách thức từ bên trong bởi sự phân hóa xã hội, chủ nghĩa dân túy và khủng
hoảng bản sắc, mà ngay cả các cường quốc chuyên chế như Nga và Trung Quốc cũng
đang xây dựng một hình thái chủ nghĩa dân tộc mới – kết hợp giữa kiểm soát
chính trị và hồi sinh bản sắc văn hóa – để thách thức vị thế toàn cầu của
phương Tây.
Trong
bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc không chỉ quay trở lại – mà trở lại trong hình
thái mạnh mẽ, cứng rắn, thô bạo và mang tính toàn trị cao hơn. Ba cường quốc –
Nga, Trung Quốc và Mỹ – đang hình thành ba mô hình dân tộc chủ nghĩa cạnh
tranh: mỗi mô hình phản ánh một cấu trúc tư tưởng khác nhau, một lịch sử đặc
thù, và một lãnh đạo tiêu biểu: Vladimir Putin, Tập Cận Bình, và Donald Trump.
Nga,
dưới thời Putin, đang vận hành một mô hình dân tộc chủ nghĩa văn minh (civilizational
nationalism) – nơi bản sắc dân tộc được gắn chặt với lịch sử đế chế, tôn
giáo Chính thống, và tinh thần hy sinh tập thể. Việc xâm lược Ukraine được biện
minh không chỉ bằng địa chính trị, mà bằng huyền thoại lịch sử về “thế giới
Nga” (Russkiy mir) như một không gian thiêng liêng mà nhà nước có sứ mệnh
“thu hồi”.
Trung
Quốc, dưới sự lãnh đạo ngày càng tập trung của Tập Cận Bình, đang theo đuổi một
dạng chủ nghĩa dân tộc hiện đại hóa, Hán tâm (Han-centric nationalism),
gắn liền với khẩu hiệu “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Sự kết hợp giữa phục
hồi lịch sử (phản ứng với “thế kỷ ô nhục”) và kiểm soát chính trị chặt chẽ đã tạo
nên một mô hình độc tài dân tộc chủ nghĩa mang dáng dấp toàn cầu.
Trong
khi đó, Hoa Kỳ, dù là quốc gia dân chủ, cũng không đứng ngoài làn sóng. Sự trỗi
dậy của Donald Trump đánh dấu một sự đảo chiều trong diễn ngôn dân tộc Mỹ: từ bản
sắc hiến định đa nguyên sang một hình thái dân tộc da trắng, biệt lập, hoài cổ.
Slogan “Make America Great Again” là lời kêu gọi vừa chống toàn cầu hóa, vừa
tìm lại bản sắc văn hóa bị cho là đang mai một bởi di dân, tự do xã hội và toàn
cầu hóa kinh tế.
Học
giả Francis Fukuyama, trong cuốn sách sau đó (Identity: The Demand for
Dignity and the Politics of Resentment, 2018), thừa nhận rằng chính sự xem
nhẹ vai trò của bản sắc dân tộc và nhu cầu về phẩm giá (dignity) là một thiếu
sót nghiêm trọng trong các lý thuyết chính trị tự do hậu Chiến tranh Lạnh.
Trong khi đó, nhiều học giả hiện đại cho rằng hiện tượng đang lan rộng này là sự
xuất hiện của chủ nghĩa dân túy dân tộc cánh hữu (right-wing nationalist
populism) – kết hợp giữa cảm thức mất mát, tinh thần bài ngoại, và bất tín nhiệm
với các thiết chế dân chủ tự do.
Tuy
nhiên, cần nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc không đơn tuyến. Trong khi Mỹ được
xây dựng trên nền tảng của “ý chí chính trị” – tức bản sắc quốc gia được hình
thành dựa trên quyền công dân, luật pháp và tự do cá nhân – thì Nga và Trung Quốc
đang khôi phục mô hình dân tộc dựa trên văn hóa lịch sử, huyết thống và thiên mệnh
chính trị. Chủ nghĩa dân tộc Nga và Trung là dạng chủ nghĩa bản sắc toàn trị,
trong đó nhà nước đóng vai trò “người kể chuyện”, “người định nghĩa lịch sử”,
và “người gác cổng ký ức dân tộc”.
1.
Khung lý thuyết: Dân tộc là gì, ai định nghĩa nó?
Không
có khái niệm nào trong khoa học xã hội vừa phổ quát, vừa trơn tuột và dễ bị lạm
dụng như khái niệm “dân tộc” (nation). Trong những thời điểm khủng hoảng bản sắc
hoặc cạnh tranh quyền lực, từ ngữ này thường được triệu hồi như một chân lý tuyệt
đối, một thực thể tồn tại sẵn từ thuở hồng hoang, đứng bên ngoài lịch sử và
chính trị. Nhưng trên thực tế, “dân tộc” không phải là một đơn vị sinh học,
không phải là một định mệnh thiêng liêng, mà là một kiến tạo lịch sử và chính
trị, được hình thành, định nghĩa và tái thiết không ngừng thông qua diễn ngôn,
huyền thoại, bạo lực và ký ức tập thể.
Trong
truyền thống tư tưởng châu Âu, hai khuynh hướng định nghĩa dân tộc lớn đã được
xác lập từ thế kỷ XIX: chủ nghĩa dân tộc sắc tộc (ethnic nationalism) và chủ
nghĩa dân tộc công dân (civic nationalism). Trong mô hình đầu tiên – tiêu biểu ở
Đức và các quốc gia Đông Âu – dân tộc được hình dung như một cộng đồng tự nhiên
gắn kết bằng huyết thống, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và lịch sử chung. Johann
Gottlieb Fichte và Johann Herder, những triết gia lãng mạn Đức, đã nhấn mạnh
khái niệm “tinh thần dân tộc” (Volksgeist) như một thực thể siêu cá
nhân, siêu thời gian, cư ngụ trong ngôn ngữ và truyền thống. Ngược lại, trong
mô hình thứ hai – phát triển mạnh tại Pháp và Mỹ sau Cách mạng 1789 – dân tộc
được định nghĩa như một cộng đồng của những con người tự nguyện gắn bó với nhau
trên cơ sở pháp lý, quyền công dân và cam kết chính trị chung.
Tuy
nhiên, cả hai mô hình trên – dù khác biệt – đều chia sẻ một tiền đề chung: “dân
tộc” là một dạng cộng đồng tưởng tượng (imagined community), như
Benedict Anderson đã phân tích sâu sắc trong tác phẩm cùng tên (1983), đã được
xuất bản ở Việt Nam năm 2023. Theo Anderson, không ai có thể gặp mặt tất cả các
thành viên trong một dân tộc, nhưng qua truyền thông đại chúng, lịch sử học,
giáo dục phổ thông và nghi lễ quốc gia, mỗi cá nhân đều hình dung rằng mình thuộc
về một thực thể chung. Dân tộc, vì vậy, không nằm trong máu hay đất – nó nằm
trong ký ức, biểu tượng và các cấu trúc diễn ngôn được thiết lập bởi nhà nước
hiện đại.
Tư
tưởng của Anderson nối liền với các quan điểm của Ernest Gellner và Anthony D.
Smith – hai học giả lớn trong lý thuyết về chủ nghĩa dân tộc. Gellner cho rằng
dân tộc chủ nghĩa là sản phẩm của hiện đại hóa và công nghiệp hóa: khi xã hội
chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình công nghiệp, nhu cầu chuẩn hóa ngôn
ngữ, giáo dục, hành chính đã thúc đẩy sự hình thành của các “quốc gia tưởng tượng”.
Ngược lại, Smith nhấn mạnh vai trò của các yếu tố tiền hiện đại – như ký ức lịch
sử, tôn giáo, biểu tượng thiêng liêng – trong việc cấu thành cái mà ông gọi là
“cốt lõi sắc tộc” (ethnie) của dân tộc. Dù có những bất đồng, cả ba đều
đồng thuận rằng: “dân tộc” không phải là thực tại bất biến, mà là thực thể
chính trị được kiến tạo qua thời gian.
Bước
sang thế kỷ XXI, cùng với sự gia tăng của các hình thái chuyên chế và chủ nghĩa
dân túy bản sắc, một khái niệm mới đã nổi lên mạnh mẽ: chủ nghĩa dân tộc
văn minh (civilizational nationalism) – nơi bản sắc quốc gia không chỉ
gắn với biên giới pháp lý hay văn hóa dân tộc, mà với toàn bộ di sản lịch sử,
tôn giáo và vai trò siêu việt của “nền văn minh” mà quốc gia ấy đại diện. Trong
mô hình này, quốc gia không còn là cộng đồng cư dân hiện tại, mà là “thân thể
thiêng liêng” kéo dài xuyên qua các thời đại. Nga trở thành “nước Nga lịch sử”
từ thời Kievan Rus đến Liên Xô và ngày nay; Trung Quốc trở thành “Trung Hoa
vĩnh cửu” từ thời Tần đến Đảng Cộng sản; Mỹ, trong diễn ngôn dân túy của Trump,
là “nước Mỹ xưa cũ vĩ đại” mà hiện tại cần phục hồi.
Chính
trong ngữ cảnh này, ta chứng kiến sự nổi lên của một hình thái đặc biệt: chủ
nghĩa dân tộc chuyên chế (autocratic nationalism) – tức sự kết hợp giữa
dân tộc chủ nghĩa với hệ thống chính trị tập quyền, nơi nhà nước đóng vai trò tối
cao trong việc định nghĩa và kiểm soát bản sắc dân tộc. Đây không đơn thuần là
tình cảm yêu nước quá khích, mà là một cấu trúc quyền lực triệt để, trong đó
người lãnh đạo không chỉ là người cầm quyền, mà còn là người gìn giữ linh hồn
dân tộc. Putin tự xem mình là người phục hồi di sản vĩ đại của Nga hoàng và
Stalin; Tập Cận Bình trở thành “hạt nhân” của Đảng trong khi Đảng là hiện thân
của dân tộc và dân tộc là trung tâm của nền văn minh Trung Hoa. Trong các mô
hình này, dân tộc chủ nghĩa không chỉ là công cụ tuyên truyền – nó là cơ chế
chính danh hóa quyền lực, một vũ khí mềm để kiểm soát tâm trí và ký ức tập thể.
Vì
vậy, để hiểu sự cạnh tranh giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ hiện nay không chỉ là cạnh
tranh địa chính trị, công nghệ hay kinh tế, mà là cạnh tranh giữa ba mô hình kiến
tạo bản sắc quốc gia khác nhau – ta cần nắm rõ những tầng nghĩa sâu sắc và biến
động phức tạp của khái niệm “dân tộc”.
2.
Nga: Chủ nghĩa dân tộc văn minh, đế chế và người bảo hộ lịch sử
Trong
ba mô hình chủ nghĩa dân tộc đang định hình lại bản đồ địa chính trị toàn cầu,
Nga là trường hợp tiêu biểu cho một hình thái đặc biệt: chủ nghĩa dân tộc văn
minh (civilizational nationalism) kết hợp với mô hình đế chế phục hưng. Tại
đây, dân tộc không chỉ là tập hợp những người mang quốc tịch Nga, mà là một thực
thể siêu cá nhân và siêu thời gian – một nước Nga lịch sử trải dài từ Kiev thời
Rus đến Moscow thời Sa hoàng, Petrograd thời Bolshevik và Kremlin thời Putin.
Chủ nghĩa dân tộc Nga vì thế không thể tách rời khỏi các yếu tố tôn giáo, lịch
sử đế chế, ký ức chiến tranh, và vai trò của nhà nước như người gìn giữ linh hồn
dân tộc.
Để
hiểu cấu trúc tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc Nga hiện đại, cần nhìn lại nguồn gốc
triết học từ thế kỷ XIX. Hai dòng tư tưởng lớn hình thành trong nội giới trí thức
Nga thời kỳ hậu Napoléon: một bên là Slavophile – đề cao bản sắc
riêng biệt của Nga, coi phương Tây là tha hóa; bên kia là Westernizer –
chủ trương cải cách theo mô hình châu Âu. Các nhà tư tưởng Slavophile nhấn
mạnh rằng nước Nga không phải là một phần của châu Âu, mà là một thế giới
riêng, mang tính thiêng liêng, với Chính thống giáo là trụ cột bản sắc. Trong
khi đó, nhóm Westernizer như Herzen, Turgenev, và Belinsky nhìn nhận dân tộc
Nga như một xã hội lạc hậu cần cải tổ bằng lý tính và khoa học. Cuộc đối thoại
giữa hai dòng tư tưởng ấy vẫn còn vang vọng đến tận ngày nay, nhưng hiện tại
bàn cân đã nghiêng mạnh về phía Slavophile và chủ nghĩa phục cổ.
Trong
thế kỷ XX, hai nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc tới hình hài chủ nghĩa dân tộc Nga
thời Putin là Ivan Ilyin và Aleksandr Dugin. Ilyin, một nhà tư tưởng bảo thủ
Chính thống bị Lenin trục xuất, đã để lại một di sản tư tưởng lớn về nhà nước
toàn trị đạo đức – nơi lãnh tụ được nhìn như sự hiện thân của ý chí dân tộc.
Trong bài viết Về nhiệm vụ của chúng ta (1948), ông khẳng định
rằng nước Nga không cần dân chủ kiểu phương Tây, mà cần một “trật tự thiêng
liêng” được dẫn dắt bởi một lãnh đạo có tầm nhìn tâm linh. Ilyin viết:
“Tổ
quốc không phải là cái để tranh luận – đó là cái để phục tùng và hy sinh.”
Vladimir
Putin không chỉ phục hồi tư tưởng của Ilyin mà còn đưa hài cốt ông về chôn cất
tại Nga, trích dẫn ông trong nhiều bài diễn văn và yêu cầu các quan chức đọc tư
tưởng của ông. Trong khi đó, Aleksandr Dugin – nhân vật cực hữu với lý thuyết
“Địa chính trị Á-Âu” – đề xuất mô hình đế chế Á-Âu mà Nga là trung tâm, đối trọng
với “đế quốc Đại Tây Dương” của Mỹ và NATO. Với khẩu hiệu “Chúng ta không cần
hiện đại hóa – chúng ta cần bản sắc”, Dugin truyền cảm hứng cho tầng lớp tư tưởng
thân Putin, đặc biệt sau các cuộc chiến tại Crimea (2014) và Ukraine (2022).
Chủ
nghĩa dân tộc Nga dưới thời Putin không chỉ là tư tưởng – nó đã trở thành kịch
bản huyền thoại, trong đó Putin đóng vai người bảo hộ lịch sử, chiến đấu chống
lại sự quên lãng và xuyên tạc của phương Tây. Trong các bài phát biểu của mình,
ông thường nhắc đến “thế giới Nga” như một không gian văn hóa – lịch sử không
giới hạn trong biên giới nước Nga hiện tại, bao gồm Ukraine, Belarus và các
vùng có người Nga cư trú. Trong bài diễn văn ngày 21 tháng 2 năm 2022 – ba ngày
trước khi xâm lược Ukraine – ông tuyên bố:
“Ukraine
là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần của
chúng ta… Họ không phải là quốc gia thực sự.”
Chính
trong tuyên bố ấy, chủ nghĩa dân tộc Nga bộc lộ rõ hình thái từ chối tính chính
danh của quốc gia khác, khi những biên giới hiện đại bị bác bỏ bởi “biên giới
linh thiêng” của lịch sử. Đây là mô hình chủ nghĩa dân tộc không chấp nhận trật
tự quốc tế hiện hành, mà tìm cách thiết lập lại trật tự từ ký ức lịch sử, với sự
dẫn dắt của nhà nước và lãnh tụ.
Một
thành tố không thể thiếu của chủ nghĩa dân tộc Nga là vai trò của Chính thống
giáo Nga. Sau thời kỳ Xô Viết bài tôn giáo, Putin đã tích cực phục hồi vị thế của
Giáo hội như đối tác ý thức hệ và biểu tượng đạo đức. Liên minh giữa Nhà nước –
Giáo hội – Quân đội tạo thành tam giác thiêng liêng của nước Nga mới. Thượng phụ
Kirill nhiều lần gọi Putin là “phép màu của Thượng Đế ban cho nước Nga thời kỳ
hỗn loạn”. Trong các nghi lễ quốc gia, biểu tượng Kitô giáo và biểu tượng Sa
hoàng được đặt cạnh nhau – như thể Putin là sự tiếp nối giữa hai truyền thống
tưởng như đối lập.
Tuy
nhiên, chủ nghĩa dân tộc này không chỉ hướng nội. Nó là chủ nghĩa dân tộc bành
trướng, với hệ quả cụ thể là các cuộc chiến tại Gruzia (2008), Crimea (2014),
Donbas và Ukraine (2022). Việc sử dụng dân tộc như lý do can thiệp quân sự đặt
ra một tiền lệ nguy hiểm cho trật tự quốc tế. Đồng thời, nó củng cố quyền lực nội
trị cho Putin, khi ông tự dựng mình như người “bảo vệ người Nga ở khắp mọi
nơi”.
Từ
đó, có thể thấy rõ: chủ nghĩa dân tộc Nga hiện đại không chỉ là tình cảm tập thể,
mà là kiến trúc quyền lực – nơi lịch sử được sử dụng như vũ khí chính trị, bản
sắc được sản xuất bởi nhà nước, và lãnh đạo trở thành hiện thân của lịch sử quốc
gia. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay, Nga không chỉ đối đầu bằng vũ
khí, mà bằng toàn bộ huyền thoại dân tộc được vũ trang hóa.
3.
Trung Quốc: Chủ nghĩa dân tộc Hán hóa, phục hưng văn minh và nhà nước kiểm soát
bản sắc
Trong
khi chủ nghĩa dân tộc Nga mang sắc thái huyền thoại đế chế và ký ức tôn giáo,
thì ở Trung Quốc, nó vận hành như một công cụ nhà nước hóa bản sắc, phục vụ mục
tiêu kép: chính danh hóa sự thống trị tuyệt đối của Đảng Cộng sản và biện minh
cho quá trình phục hưng đại dân tộc Hán như trung tâm của nền văn minh Á Đông.
Đây không đơn thuần là chủ nghĩa dân tộc sắc tộc, càng không phải dân tộc công
dân kiểu phương Tây, mà là một mô hình phức hợp – nơi bản sắc dân tộc được lập
trình bởi nhà nước, được duy trì bằng bộ máy an ninh, và được nuôi dưỡng qua
huyền thoại phục hưng lịch sử sau một thế kỷ bị làm nhục.
Trong
diễn ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Trung Hoa” không phải là một
quốc gia hiện đại bình thường, mà là một nền văn minh liên tục – một “quốc
gia–văn minh” trải dài suốt 5000 năm, vượt lên trên biên giới quốc gia, thể chế
chính trị hay thành phần sắc tộc. Dưới thời Tập Cận Bình, khái niệm này được phục
dựng và khuếch đại như nền tảng tư tưởng cho “Giấc mộng Trung Hoa”, khẩu hiệu
trung tâm trong diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa hiện đại. Trong diễn văn năm 2013 tại
Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Trung Quốc, Tập tuyên bố:
“Giấc
mộng Trung Hoa là giấc mộng của toàn dân tộc. Đó là sự phục hưng vĩ đại của
Trung Hoa – một dân tộc từng trải qua khổ nhục và giờ đây phải phục hồi vị thế
trung tâm của mình trong thế giới.”
Tư
tưởng phục hưng này bắt nguồn từ thế kỷ XIX, khi Trung Quốc bị buộc phải ký các
hiệp ước bất bình đẳng sau Chiến tranh Nha phiến (1839–1842). Giai đoạn kéo dài
hơn một thế kỷ – từ đó đến khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền năm 1949 – được gọi
là “thế kỷ bị làm nhục”, trở thành ký ức tập thể trung tâm trong hình ảnh dân tộc
Trung Hoa hiện đại. Điều đáng chú ý là dù Mao Trạch Đông từng phá vỡ nhiều biểu
tượng truyền thống, thì sau 1989 – đặc biệt từ thời Tập – nhà nước Trung Quốc
đã “tái phong thánh” cho lịch sử văn hóa Trung Hoa, kết hợp giữa Tống Nho, Hán
Học và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Tư
tưởng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc hiện nay có ba tầng kết cấu rõ rệt.
Thứ
nhất, tầng sắc tộc Hán tâm (Han-centrism). Mặc dù chính thức công nhận 56 dân tộc
thiểu số, nhà nước Trung Quốc ngầm định một bản sắc chuẩn là Hán hóa. Mọi sự
khác biệt về ngôn ngữ, tín ngưỡng, tập tục – đặc biệt ở Tân Cương, Tây Tạng và
Nội Mông – đều bị quy về nguy cơ chia rẽ dân tộc. Chính sách “cộng đồng vận mệnh
dân tộc Trung Hoa” do Tập đề xuất từ 2014 đã khẳng định mục tiêu “hòa nhập” và
“thống nhất bản sắc quốc gia”, thực chất là một quá trình đồng hóa cưỡng bức
mang tính thể chế.
Thứ
hai, tầng quốc gia–văn minh. Khác với mô hình nhà nước hiện đại phương Tây – vốn
dựa trên khế ước pháp lý và quyền công dân – Trung Quốc mô tả mình như một
chính thể vĩnh cửu, nối liền từ Tần Thủy Hoàng đến Mao Trạch Đông, từ Khổng Tử
đến Tập Cận Bình. Sử học chính thống được chỉnh sửa để xóa bỏ ranh giới giữa
các triều đại và chế độ, nhằm tạo nên cảm giác về một dòng lịch sử liên tục,
không gián đoạn, trong đó Đảng Cộng sản là hiện thân hiện đại nhất của một
Thiên triều đạo đức.
Thứ
ba, tầng chủ quyền dân tộc toàn vẹn – chống phương Tây. Sau các biến cố như
phong trào Thiên An Môn (1989), sự kiện Hồng Kông (2019) và đại dịch COVID-19,
nhà nước Trung Quốc càng nhấn mạnh yếu tố “bị phương Tây bao vây, xuyên tạc và
kìm hãm”. Trong bối cảnh đó, dân tộc chủ nghĩa trở thành một lá chắn bảo vệ
tinh thần – vừa để đàn áp đối lập trong nước, vừa biện minh cho chính sách cứng
rắn bên ngoài, như với vấn đề Đài Loan, Biển Đông và phương Tây.
Nhưng
có lẽ điểm then chốt của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hiện đại là: nó không
hình thành một cách tự phát từ xã hội, mà được lập trình từ trên xuống bởi bộ
máy Đảng – Nhà nước. Khác với Mỹ hay thậm chí cả Nga, nơi có truyền thống tư tưởng
dân tộc tự phát và đa nguyên, bản sắc Trung Quốc được sản xuất, kiểm duyệt và
duy trì bởi cả một hệ thống tuyên truyền, giáo dục, an ninh và kiểm soát thông
tin. Trong tác phẩm The Rise of China’s Propaganda State, scholar
David Shambaugh đã gọi đây là “nationalism by design” – một dạng
dân tộc chủ nghĩa có chủ đích, được nhà nước phát động có kiểm soát, không vượt
khỏi “lằn ranh đỏ” của Đảng.
Vì
thế, khi Tập Cận Bình nói rằng “dân tộc Trung Hoa là một khối đá vững chắc”,
thì điều đó không chỉ là ẩn dụ chính trị – nó còn phản ánh tham vọng của một chế
độ độc đảng muốn kiểm soát toàn diện ký ức, bản sắc và tương lai của cộng đồng
dân cư khổng lồ 1,4 tỷ người.
Khác
với chủ nghĩa dân tộc Nga mang sắc màu tôn giáo và ký ức đế chế, chủ nghĩa dân
tộc Trung Quốc là một hệ điều hành mang tính quản trị – trong đó Đảng là nhân vật
chính, dân tộc là sân khấu, và các giá trị truyền thống được tuyển chọn, gia cố
và tái hiện để phục vụ tính chính danh chế độ. Nó không mềm mại, nhưng cực kỳ
linh hoạt; không cần đến huyền thoại thần bí, nhưng lại tạo ra cảm giác định mệnh
chính trị vững chắc cho hàng triệu người Trung Quốc.
4.
Hoa Kỳ: Chủ nghĩa dân tộc hiến định và khủng hoảng bản sắc
Trong
ba cường quốc được phân tích, Hoa Kỳ là trường hợp đặc biệt: vừa là quốc gia đại
diện cho mô hình dân tộc chủ nghĩa hiến định, vừa là nơi đang diễn ra cuộc khủng
hoảng bản sắc sâu sắc nhất. Khác với Nga và Trung Quốc – nơi nhà nước kiến tạo
dân tộc như một thực thể thiêng liêng – Hoa Kỳ hình thành từ một hợp đồng chính
trị giữa những con người xa lạ, đoàn kết không bởi huyết thống hay truyền thống
chung, mà bởi các nguyên tắc hiến định: tự do, bình đẳng, pháp trị và mưu cầu hạnh
phúc. Trong mô hình này, quốc tịch không phụ thuộc vào màu da hay tổ tiên, mà dựa
trên ý chí gia nhập cộng đồng công dân – điều mà học giả Benedict Anderson gọi
là “cộng đồng tưởng tượng pháp lý”.
Chính
vì vậy, chủ nghĩa dân tộc Mỹ từ thế kỷ XVIII đã mang một đặc điểm độc đáo: tính
phổ quát chính trị. Hoa Kỳ không chỉ tự định nghĩa mình là một quốc gia, mà là
một ý tưởng, một “city upon a hill” – thành phố mẫu mực của nhân loại,
theo cách nói của John Winthrop- một mục sư Thanh giáo ở Massachusett thế kỷ
17. Abraham Lincoln, trong Diễn văn Gettysburg (1863), đã tuyên bố rằng nước Mỹ
được “thai nghén trong tự do, và tận hiến cho mệnh đề rằng mọi con người sinh
ra đều bình đẳng”. Đây không phải là dân tộc theo nghĩa sắc tộc hay văn hóa, mà
là dân tộc như một lý tưởng đạo lý.
Tuy
nhiên, thực tế lịch sử Mỹ chưa bao giờ là hiện thân hoàn hảo của lý tưởng đó.
Nô lệ, diệt chủng thổ dân, phân biệt chủng tộc, đàn áp chính trị – tất cả đều
là phần tối của lịch sử Hoa Kỳ. Chủ nghĩa dân tộc Mỹ, từ thế kỷ XIX đến nay,
luôn nằm giữa hai cực: một bên là chủ nghĩa đa nguyên hiến định, bên kia là chủ
nghĩa dân tộc da trắng – nơi bản sắc Mỹ bị đồng nhất với người Anglo-Saxon Tin
Lành, bảo thủ, bản địa. Sự đối đầu giữa hai hình thái này chưa bao giờ dữ dội
như hiện nay.
Sự
trỗi dậy của Donald Trump không phải là nguyên nhân, mà là hệ quả của một quá
trình dài tái cấu trúc bản sắc Mỹ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa làm gia tăng bất
bình đẳng, di dân thay đổi nhân khẩu học, chủ nghĩa chính trị đúng đắn (political
correctness) trở thành quy chuẩn ngôn ngữ công cộng, một bộ phận người Mỹ
da trắng – đặc biệt ở các vùng nông thôn và công nghiệp hóa bị bỏ lại – cảm thấy
bị mất vị trí, mất tiếng nói, và mất cả “quê hương” của mình. Trump đã khéo léo
chạm vào cảm thức đó bằng khẩu hiệu “Make America Great Again” – một lời hiệu
triệu không rõ ràng về thời kỳ nào, nhưng chắc chắn không dành cho tất cả.
Dưới
thời Trump, chủ nghĩa dân tộc Mỹ được định hình lại theo hướng bài ngoại, bài
di dân, và chống toàn cầu hóa. Từ việc rút khỏi các hiệp định quốc tế (Paris
Climate Accord, TPP) đến chính sách hạn chế người Hồi giáo nhập cư, rào thuế với
Trung Quốc và nhấn mạnh bản sắc Cơ Đốc giáo, chính quyền Trump đã đặt lại câu hỏi:
Ai mới thực sự là người Mỹ? Trong khi đó, những biểu tượng đa nguyên như Black
Lives Matter, quyền LGBTQ+, hay tranh luận về nhập cư trở thành chiến tuyến văn
hóa. Trong không khí đó, nước Mỹ không còn là một cộng đồng tưởng tượng thống
nhất, mà là một chiến trường bản sắc dai dẳng.
Tư
tưởng học thuật Mỹ cũng phản ánh điều này. Trong tác phẩm The Fractured
Republic (2016), Yuval Levin mô tả sự tan rã của đồng thuận hậu chiến
và sự nổi lên của các cộng đồng tưởng tượng đối lập. Trong khi đó, tác giả Jill
Lepore, trong These Truths: A History of the United States (2018),
cảnh báo rằng nếu nước Mỹ không thể xây dựng một ký ức chung, nó sẽ mất cả khả
năng định nghĩa chính mình. Và như Fukuyama phân tích trong Identity (2018),
cuộc chiến bản sắc tại Mỹ là một hình thái “chính trị của sự công nhận”, nơi mỗi
nhóm thiểu số đòi quyền được nhìn thấy, nhưng đồng thời dẫn tới sự chia nhỏ khối
cộng đồng thành các mảnh ghép rời rạc.
Vì
vậy, nếu Nga đang củng cố bản sắc dân tộc như một cơ chế chính danh độc tài,
Trung Quốc đang sản xuất bản sắc như một hệ điều hành kiểm soát, thì nước Mỹ lại
đang đấu tranh để bảo vệ bản sắc như một không gian tranh luận dân chủ. Điều
đáng lo là: sự phân mảnh bản sắc tại Mỹ đang làm suy yếu khả năng tập hợp ý chí
quốc gia, làm rối loạn chính sách đối ngoại, và khiến nước Mỹ mất dần vai trò
lãnh đạo trong một thế giới nơi bản sắc đang trở thành vũ khí chiến lược.
Chủ
nghĩa dân tộc Mỹ, nếu không tìm lại được cân bằng giữa tính đa nguyên và tính cố
kết, sẽ không còn là ngọn hải đăng cho thế giới dân chủ – mà là một quốc gia lạc
lối trong chính cội nguồn lý tưởng của mình.
5.
So sánh ba mô hình dân tộc chủ nghĩa và tác động toàn cầu
Dưới
bề mặt các chiến lược địa chính trị, các liên minh quân sự, hay các cuộc chạy
đua công nghệ, thế giới hiện nay đang chứng kiến một dạng xung đột khác – tinh
vi và sâu sắc hơn: xung đột giữa các mô hình kiến tạo dân tộc. Nếu chiến tranh
lạnh thế kỷ XX là cuộc đấu giữa tư bản và cộng sản, thì cuộc cạnh tranh thế kỷ
XXI dường như xoay quanh câu hỏi bản sắc: Quốc gia là gì? Dân tộc là ai? Và ai
có quyền định nghĩa nó?
Bảng
1: So sánh ba mô hình dân tộc chủ nghĩa (Nga – Trung Quốc – Hoa Kỳ)
6.
Quốc gia là định mệnh, hay một lựa chọn đạo lý?
Lịch
sử hiện đại là lịch sử của các quốc gia. Nhưng từ đầu thế kỷ XXI đến nay, chúng
ta đang sống trong một thời kỳ mà câu hỏi “quốc gia là gì?” – tưởng như đã được
giải quyết – lại trở thành một điểm nóng tư tưởng và chính trị. Không chỉ các
đường biên giới vật lý bị tranh chấp, mà cả biên giới biểu tượng, đạo lý và bản
sắc đang bị kéo căng. Trong thế giới ấy, chủ nghĩa dân tộc – từng bị xem là lỗi
thời, là di sản của thế kỷ XX – nay lại trở thành ngôn ngữ chính trị chủ đạo,
không chỉ để cai trị, mà để tồn tại. Nga, Trung Quốc và Mỹ đại diện cho ba mô
hình dân tộc chủ nghĩa đang định hình lại trật tự thế giới. Mỗi mô hình có điểm
mạnh riêng, nhưng cũng mang trong mình những giới hạn nguy hiểm.
Nga
tạo ra một cộng đồng tưởng tượng xuyên thời gian, nơi lãnh tụ là hiện thân của
quá khứ thiêng liêng. Nhưng chính mô hình ấy lại giam cầm quốc gia trong những
huyền thoại không thể tự phản tư, và mở đường cho chiến tranh dưới danh nghĩa
“thu hồi lịch sử”.
Trung
Quốc xây dựng một nhà nước dân tộc toàn trị kỹ trị, nơi bản sắc được sản xuất
theo chỉ đạo chính trị, và sự hòa nhập được định nghĩa như sự quy thuận. Mô
hình ấy có hiệu quả trong huy động năng lượng quốc gia, nhưng đi kèm là rủi ro
của sự nghẹt thở văn hóa, đàn áp thiểu số, và thiếu hụt tính tự điều chỉnh đạo
lý.
Hoa
Kỳ, khác hẳn, đặt nền móng trên niềm tin vào lý tưởng phổ quát: tự do, pháp trị,
bình đẳng. Dân tộc Mỹ được định hình trên cơ sở những niềm tin được chia sẻ đó,
chứ không phải là sắc tộc hay di sản quá khứ. Nhưng nước Mỹ hiện nay lại chính
là nơi bản sắc bị chia cắt sâu sắc nhất – giữa các chủng tộc, tầng lớp, hệ giá
trị. Chủ nghĩa dân tộc Mỹ không chết, nhưng đang hoang mang: nó không biết mình
là giấc mơ nào nữa.
Vậy,
quốc gia có phải là định mệnh? Phải chăng mỗi dân tộc bị ràng buộc vào một
khuôn bản sắc vĩnh viễn – được tạo ra từ lịch sử, dân tộc hay tôn giáo? Hay dân
tộc là một “cuộc trưng cầu ý chí mỗi ngày”, tức là một lựa chọn đạo lý, nơi các
cá nhân đồng thuận xây dựng một tương lai chung, vượt qua cả quá khứ lẫn chia rẽ?
Nếu
nhìn lại lịch sử một cách không huyền thoại, ta thấy rằng: mọi bản sắc dân tộc
đều là kiến tạo chính trị, và vì thế, chúng có thể – và cần – được đặt lại một
cách có trách nhiệm. Quốc gia không cần là nhà tù của ký ức, mà có thể là ngôi
nhà của cam kết chung. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu các quốc gia chấp nhận
rằng bản sắc không phải là tài sản độc quyền của nhà nước, và Nhà nước là người
diễn ngôn duy nhất, mà là cuộc đối thoại sống động giữa ký ức, khát vọng và đạo
lý.