Thursday, November 30, 2023

NIỀM TIN KHÔNG THỂ BỊ XÓA BỎ BỞI SỨC ÉP BÊN NGOÀI (Nguyễn Xuân Thọ)

 



Niềm tin không thể bị xóa bỏ bởi sức ép bên ngoài  

Nguyễn Xuân Thọ

30-11-2023   06:43   

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid02WQMqqjYNng2njw5JEyi9qmHMYg93jUMufjMKaJnxMHLhcayP3VPabu8hKMsovLVLl

 

Cái chết của hòa thượng Tuệ Sỹ tuy không được báo chí nhà nước nói đến nhiều, nhưng nó đã tạo ra niềm xúc động lớn trong lòng người Việt, dù ở đâu.

 

Đối với nhiều người, Thích Tuệ Sỹ không chỉ là một vị chân tu đầy lòng vị tha, một người đấu tranh bất khuất vì lý tưởng của mình, mà còn là một trí thức uyên bác. Không thể kể hết những lời ca ngợi, lòng thương nhớ dành cho ông.

 

Đối với số đông khác thì cái chết của ông là một phát hiện mới. Từ đó, họ mới biết là ở Việt Nam còn có một Phật giáo khác. Đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) của các hòa thượng Tuệ Sỹ, Huyền Quang, Quảng Độ... Tất cả các ông đều trải qua tù đày, quản thúc và bạc đãi, nhưng không chịu phản bội GHPGVNTN. Giáo hội này khác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) không chỉ ở chỗ nó không rầm rộ với khẩu hiệu: „ Đạo Pháp, Dân tộc và CNXH“ mà còn bởi các ngôi chùa thanh bạch, luôn bị cô lập. Chúng khác hẳn những ngôi chùa sơn son thếp vàng, luôn đình đám, khói hương nghi ngút, người ra vào nườm nượp, tiền chảy như nước mà xưa nay dân chúng vẫn ngỡ là cửa phật.

 

Không đi đạo, không hiểu biết nhiều về Phật giáo tôi không dám viết gì về ông, chỉ xin tỏ lòng ngưỡng mộ một con người ý chí sắt đá, một trái tim nhân từ và trí tuệ vô biên. Hôm nay sau khi tang lễ của của ông đã hoàn tất, tôi mới viết những điều tôi cảm nhận từ bên này trái đất .

 

- Đám tang của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được tổ chức rất trang nghiêm nhưng đơn giản, theo đúng di chúc của Người. Điều này chứng tỏ GHPGVNTN vẫn hoạt động hiệu quả, qui củ mặc dù bị khống chế, cô lập từ suốt mấy chục năm qua. Thật không ngờ.

 

- Số người đến viếng rất đông mặc dù đám tang bị theo dõi, giám sát chặt chẽ. Điều này chứng tỏ uy tín của của các vị chân tu và của GHPGVNTH trong dân chúng rất lớn. Quốc tế cũng quan tâm đến cái chết của hòa thượng. Bộ ngoại giao Mỹ đã tuyên bố chia buồn.

 

- Trong các hoạt động nghi lễ luôn xuất hiện hình ảnh các thanh niên Gia đình Phật tử (GĐPT) phục vụ tăng lễ. Họ ăn mặc giống„Hướng đạo sinh“ (Scout, Pfadfinder) khiến tôi nghĩ đến Hướng đạo sinh. Hướng đạo là một sinh hoạt xã hội phổ biến trên toàn cầu. Hướng đạo giúp thanh thiếu nhi phát triển tâm trí và kỹ năng sống. Phong trào này du nhập vào Việt Nam quãng 1930. Bố vợ tôi luôn kể về những kỷ niệm của ông khi còn là hướng đạo sinh. Sau 1975 phong trào này không được hoạt động ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, lẻ tẻ ở nhiều địa phương đã xuất hiện các nhóm hướng đạo. Mong rằng các hoạt động Hướng đạo và GĐPT sẽ phát triển ở VN.

 

- Mặc dù ông Tuệ Sỹ bị bắt hai lần, chịu 17 năm tù và từng bị tuyên án tử hình, được trả tự do bới sức ép quốc tế, nhưng truyền thông nhà nước vẫn đưa tin về cái chết của ông (Giác Ngộ, Tuổi Trẻ, Lao Động, Báo Mới) [1]. Tuy các báo đều đưa tin theo một kiểu khiến người đọc không rõ ông Tuệ Sỹ là người của GHPGVN hay GHPGVNTN, nhưng điều này chứng tỏ truyền thông nhà nước đã thấy rõ ảnh hưởng của hòa thượng trong giới Phật giáo và trong toàn xã hội.

 

Tôn giáo là niềm tin. Niềm tin không thể bị xóa bỏ bởi sức ép bên ngoài, nó chỉ mất đi khi bị phản bội.

---

Tái bút: Vì không có thực tế về Phật giáo ở Việt Nam nên tôi đã nhầm lẫn trang phục của tổ chức „Gia đình Phật tử“ với Hướng đạo. Xin vẫn để nguyên bài viết để bạn đọc khỏi ngạc nhiên bởi những lời bình luận. Tôi vẫn mong muốn các sinh hoạt hướng đạo ở Việt Nam được phát triển.

 

[1] https://giacngo.vn/hoa-thuong-thich-tue-sy-vua-vien-tich...

 

.

59 BÌNH LUẬN  






TIỀN GIANG : CHÀNG THANH NIÊN BÁN TRUYỆN TRANH BỊ TRUY NÃ ĐẶC BIỆT VÌ "TỘI HỒNG PHÚC" (Nguyễn Văn Miếng)

 



Tiền Giang: Chàng thanh niên bán truyện tranh bị truy nã đặc biệt vì “tội hồng phúc”  

Nguyễn Văn Miếng

30/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/30/tien-giang-chang-thanh-ban-truyen-tranh-nien-bi-truy-na-dac-biet-vi-toi-hong-phuc/

 

Chuyện xưa kể lại…

 

Tôi biết bạn trẻ Lê Quốc Anh từ khi cậu còn là một người bán truyện tranh trên mạng. Cậu có một đam mê không gì cưỡng lại nổi với những tranh vẽ cho thiếu nhi. Cậu đã đi học để trở thành một kỹ thuật viên đồ họa vi tính.

 

Cậu đi làm cho một công ty gần nhà với lòng đam mê này. Tối về, cậu ở nhà đọc sách, xem tin tức, vẽ tranh và bán truyện tranh online. Chính vì vậy mà ba mẹ cậu chẳng thấy cậu có cô bạn gái nào.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/2-1.webp

Lê Quốc Anh bị cơ quan công an ra quyết định truy nã đặc biệt – Ảnh: A.X

 

Ngày 8/3/2023, thứ tư, như thường lệ cậu đi làm, công an khu vực đem giấy mời đến nhà mời cậu đi “làm việc”. Không có cậu ở nhà, công an khu vực lại đem giấy mời lên công ty bắt cóc cậu về Công an Phường 9, thành phố Mỹ Tho và sau đó đem đi đâu không rõ.

 

Ngay chiều hôm đó, một đám công an, an ninh sắc phục, thường phục, ập vô nhà khám nhà mà không có một quyết định khám xét. Máy vi tính, iPad, điện thoại di động, sổ sách bị công an “mượn” mà không lập biên bản.

 

Cha mẹ cậu suốt ngày bán hàng ngoài chợ, không quan tâm đến chính trị, bất ngờ bị một cơn lốc oan khuất đổ ập xuống nhà mình, cuốn đi thằng con trai duy nhất hiền lành, chăm chỉ.

 

May cho ông bà trong lúc bán hàng ở chợ có nghe được đâu đó trên Long An cũng có một vụ án oan gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” nhưng ông bà không quan tâm, nay đến “phiên” mình, ông bà bèn dò dẫm tìm hiểu và rón rén liên lạc với tôi.

 

Nhận định đây có thể là một vụ án oan, nạn nhân bị bắt đã 15 ngày mà không có một mảnh giấy lộn, tôi lập tức thu xếp công việc hậu “Tịnh thất Bồng Lai” đang nóng lên từng giờ để thuê xe xuống Tiền Giang tìm hiểu vụ việc và làm thủ tục luật sư cho vụ án Lê Quốc Anh.

 

Ba Quốc Anh cảnh báo trước nguy hiểm có thể xảy ra đối với luật sư vì nhà ông trong hẻm sâu chỉ có thể đi bộ vào dưới những ống kính camera an ninh và những đôi mắt giấu sau những cặp kính râm của những người uống cà phê suốt ngày ở đầu hẻm.

 

Sáng 23/3/2023, tôi đích thân đến Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang đăng ký bào chữa cho Lê Quốc Anh nhưng không ai tiếp. Cậu cảnh sát bảo vệ cổng nhẫn nại gọi điện thoại vào trong, nhưng họ trả lời họ không bắt giữ ai tên như vậy và chỉ đạo cho cậu cảnh sát gọi qua phòng khác, một phụ nữ trả lời họ cũng không biết. Tôi yêu cầu được nộp thủ tục đăng ký bào chữa và trả lời tôi bằng văn bản, họ liền từ chối đây đẩy. Cuối cùng tôi đành phải ra bưu điện cách vài trăm mét để gửi thư đăng ký bào chữa qua đường bưu điện.

 

Khi tôi còn đang tranh luận với nhân viên an ninh qua điện thoại nội bộ của họ, an ninh đã điện thoại cho ba Quốc Anh đe dọa và yêu cầu ông đầu giờ chiều lên Cơ quan An ninh điều tra làm việc.

 

Chiều hôm đó, ba của Quốc Anh vui mừng điện thoại báo tin: “Lê Quốc Anh được phóng thích”. An ninh Tiền Giang yêu cầu ông ký giấy bảo lãnh cho Quốc Anh về nhà, sau khi tra hỏi, lục lọi điện thoại, Facebook của ông và vào xem Facebook của luật sư. Họ bắt ông hủy kết bạn với luật sư và không được liên lạc với luật sư vì “ông ấy là luật sư phản động”. Tôi chỉ kịp dặn ông, nói Quốc Anh cẩn trọng, vì giống như trường hợp của nhạc sĩ Việt Khang cũng do An ninh Tiền Giang bắt, anh được thả về để an ninh giăng bẫy bắt thêm người, sau đó sẽ bắt lại.

 

Ít ngày sau, vì hoàn cảnh riêng, tôi không thể tiếp tục tham gia vụ án này.

 

… Và câu chuyện của ngày hôm nay:

 

Ngày 28/11/2023, thứ ba, truyền thông trong nước đồng loạt dội bom tin Quyết định truy nã đặc biệt Lê Quốc Anh.

 

Báo Tuổi Trẻ ngày 28/11, viết“Ngày 28-11, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định truy nã đặc biệt Lê Quốc Anh (32 tuổi, ngụ phường 9, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) để điều tra về hành vi “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.”

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-35.jpeg

Quyết định truy nã của Công an tỉnh Tiền Giang đối với Lê Quốc Anh. Ảnh trên mạng

 

Không một bản ảnh Quyết định Truy nã nào được đăng nguyên vẹn trên báo chí, tất cả đều bị cắt đầu, cắt đuôi, mất cả số quyết định.

 

Tôi vào trang của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra thì tìm thấy thông tin của Quyết định này:

 

Quyết định Truy nã số 262/QĐTN-ANĐT ngày 25/8/2023 của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang.

 

Lạ một điều là: Tại sao một Quyết định Truy nã “đặc biệt” ký ngày 25/8 mà mãi 3 tháng sau mới công bố? Mà lại huy động tổng lực để công bố nó?

 

Có gì đó khuất tất, mờ ám trong việc này. Phải chăng Lê Quốc Anh đã “mất tích” trong quá trình điều tra của Cơ quan An ninh điều tra và đây chỉ là thủ thuật để phủi tay?

 

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tiền Giang có Quyết định khởi tố bị can số 20/QĐ-ANĐT ngày 5/7/2023 đối với Lê Quốc Anh về hành vi làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Quyết định này được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

 

Như vậy, hồi tháng ba Lê Quốc Anh bị bắt giam 15 ngày là tùy tiện, phi pháp.

 

Thông thường, trước một Quyết định khởi tố bị can, an ninh chìm nổi được tung ra để canh giữ “con mồi”. Đằng này họ ung dung khởi tố bị can, một tháng rưỡi sau ra Quyết định truy nã đặc biệt và ba tháng sau dội bom công bố.

 

Lê Quốc Anh đang ở đâu? Còn sống hay đã chết?





ĐÃ UỐNG RƯỢU THÌ KHÔNG LÁI XE (Võ Xuân Sơn)

 



Đã uống rượu bia thì không lái xe

Võ Xuân Sơn

29/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/29/da-uong-ruou-bia-thi-khong-lai-xe/

 

LGT của Tiếng Dân: Ở Mỹ và các nước phương Tây, luật cấm lái xe khi say rượu, bia, hoặc các chất kích thích khác (Tiếng Anh gọi là DUI – Driving Under the Influence) đã có hơn 100 năm trước. Chẳng hạn như, ở tiểu bang California, luật này có từ năm 1911, với các hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe những người lái xe bị DUI.

 

Về nồng độ cồn trong máu cao bao nhiêu thì phạm luật DUI, hiện DMV (Nha Lộ Vận) bang California quy định như sau: Nồng độ cồn 0,08% hoặc cao hơn nếu người lái xe trên 21 tuổi; 0,01% hoặc cao hơn nếu người lái dưới 21 tuổi; 0,01% hoặc cao hơn ở mọi lứa tuổi nếu người lái đang trong thời hạn bị quản chế do vi phạm DUI trước đó; 0,04% hoặc cao hơn nếu người lái xe yêu cầu phải có bằng lái xe thương mại; 0,04% hoặc cao hơn nếu một người đang lái xe chở khách thuê.

 

Để tránh lặp lại chuyện “sai – sửa, sửa – sai” như luật Căn cước và các luật khác, cũng như tiết kiệm tiền của dân qua các phiên họp Quốc hội, các nhà lập pháp Việt Nam có thể mượn luật (của California hoặc các tiểu bang khác, thậm chí các nước khác) về nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh trong nước.

 

Sau đây là bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn, bàn về chuyện lái xe khi say rượu bia ở trong nước:

 

                                                         ***

Tôi đọc được nhiều ý kiến phản đối sự quyết liệt trong việc đo nồng độ cồn của cảnh sát. Gần đây, còn nhiều ý kiến viện dẫn sự sụp đổ của hệ thống quán nhậu, và qui kết sự sụp đổ này là do sự quyết liệt của cảnh sát trong việc đo nồng độ cồn ở người lái xe.

 

Tôi là người đã từng phản đối việc qui định cứ có nồng độ cồn là phạt. Tôi từng đề nghị, cần có một tỉ lệ cho phép ở mức tối thiểu, dành cho các trường hợp có nồng độ cồn tự nhiên do thức ăn mà không phải do bia rượu. Đó là một ý kiến về mặt kĩ thuật. Còn tôi tuyệt đối ủng hộ chủ trương ngăn chặn quyết liệt người uống bia rượu rồi mà vẫn lái xe.

 

Tôi đã có 20 năm làm công việc cấp cứu chấn thương sọ não, mà đại đa số là chấn thương liên quan đến việc uống rượu bia rồi mà vẫn lái xe. Tôi từng làm việc dưới tư cách bác sĩ tập sự, bác sĩ chính thức, và bác sĩ trưởng tua trực (người chịu trách nhiệm chuyên môn cao nhất trong thời gian trực). Nếu kể thêm 3 năm đi theo các đàn anh khi còn là sinh viên, thì tôi đã tham gia cấp cứu chấn thương sọ não trong tất cả các vị trí mà một bác sĩ có thể tham gia như một người làm chuyên môn.

 

Còn nhớ một đêm Mùng Hai Tết nào đó, tôi đã phải mổ liên tục, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ sáng hôm sau, hơn chục ca chấn thương sọ não. Trên vai trò là trưởng tua trực, tôi còn phải xem xét và quyết định hàng chục ca mổ khác nữa, và phân công người mổ, người khám bệnh, sàng lọc ở phòng cấp cứu, người khám và theo dõi bệnh nhân ở lầu trại. Đó là còn chưa kể các cú điện thoại tham vấn về chuyên môn ở một số tỉnh từ Đà Nẵng trở vô.

 

Ca mổ cuối cùng của tôi lúc 5 giờ sáng là một người say xỉn chạy xe gắn máy. Anh ta đã tông vô một chiếc xe có hai vợ chồng chở đứa con nhỏ, mà trước đó tôi đã phải mổ cho đứa con ấy. Cho tới lúc tôi mổ, anh ta vẫn là vô danh (không biết danh tính, tên tuổi). Trong sự mệt mỏi và cực kì chán nản vì mình phải vắt kiệt sức ra để phục vụ cho những kẻ ăn nhậu xong rồi ngang nhiên lái xe, bất chấp sinh mạng của họ và người khác, tôi đã có những lời lẽ thật không hay với người bệnh nhân của mình.

 

Tôi đã nguyền rủa anh ta sao nhậu xong không chết luôn đi, mà còn gây tai nạn cho người khác, rồi làm khổ cho cả tôi và nhân viên y tế. Các bạn có thể tưởng tượng, là vào lúc 5 giờ sáng của ngày Mùng 3 Tết, tôi chưa được ăn bữa tối của ngày Mùng Hai. Trước khi tôi mổ cho cái anh chàng bị tôi nguyền rủa, có một ca khác cần phải mổ sớm, là người nhà của một người bạn của một bác sĩ trong khoa.

 

Bác sĩ này trực ngày Mùng Một, sáng Mùng Hai ra trực. Biết là bác sĩ ấy đã được ngủ, nên 5 giờ sáng Mùng Ba, tôi đã gọi cho anh ấy, nhờ anh ấy vô mổ cho người nhà của bạn anh ấy. Thực ra thì lúc ấy chúng tôi cũng không còn ai khác, mà nếu chờ tôi mổ xong cho anh chàng bị tôi nguyền rủa, thì ca này có thể đã không còn hi vọng. Tức quá thì chửi rủa xả stress thôi, chứ đâu có thể bỏ mặc anh ta, để mổ cho người nhà của bạn của đồng nghiệp mình được.

 

Nếu các bạn đã trải qua như tôi, thì tôi tin rằng các bạn sẽ rất ủng hộ việc các anh cảnh sát quyết liệt đo nồng độ cồn cho người lái xe. Tôi còn nghe, cảnh sát rất quyết liệt với việc uống bia rượu xong vẫn lái xe, đến mức không thể hối lộ cho họ được. Nếu đúng vậy thì thật mừng, là ít ra còn có một mảng mà cảnh sát quyết tâm thực hiện.

 

Tôi nghĩ rằng, những người đang phản đối việc đo nồng độ cồn cho người lái xe, và những người đang tỏ ra lo lắng cho các chủ quán nhậu và nền kinh tế bị giảm thu do quán nhậu đóng cửa, sao không nhìn thấy cái cốt lõi của việc kiểm soát nồng độ cồn ở người lái xe, là “đã uống rượu bia thì không lái xe”, để mà vận động người nhậu xong thì đi xe công cộng về. Taxi, xe ôm công nghệ đang đầy ra kia, họ đang rất mong có người gọi để chở về.

 

Tại sao cứ phải lái xe ra quán nhậu, nhậu xong thì lại leo lên xe lái về, để gây tai nạn cho chính mình và người khác? Nếu đã chủ đích đi nhậu, thì để xe ở nhà hoặc gởi ở cơ quan, hoặc chỗ nào giữ xe, đi xe buýt, taxi hay xe ôm đến quán, và đi về cũng bằng phương tiện công cộng. Có ai phạt người nhậu mà không lái xe đâu, ngoại trừ nhậu xong đập phá hay đâm chém nhau mà thôi.

 

Bỏ tiền nhậu thì được, còn bỏ tiền đi xe công cộng thì tiếc. Coi rẻ mạng mình và mạng người khác, làm phiền, gây khổ cho nhân viên y tế và người thân. Đó là cái văn hóa nhậu tệ hại, cần loại bỏ. Đừng viện cớ giảm thu thuế để bao biện cho việc nhậu xong lái xe về.

 

 




BI HÀI CHUYỆN "ĐÈN CÙ" về CÁI TÊN THẺ (Mạc Văn Trang)

 


Bi hài chuyện “đèn cù” về cái tên thẻ

Mạc Văn Trang

29/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/29/bi-hai-chuyen-den-cu-ve-cai-ten-the/

 

 

Đó là chuyện Quốc hội họp bàn nát ra, rồi quyết định đổi tên “Thẻ Căn cước Công dân” vừa mới làm, sẽ đổi thành tên “THẺ CĂN CƯỚC”. Chuyện tên cái Thẻ tưởng nhỏ, nhưng nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý Nhà nước của CHXHCNVN.

 

Hầu như từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi cái đều theo quy luật “đèn cù”, tít mù nó chạy vòng quanh rồi lại về cái ban đầu!

 

Ví dụ cái tên Thẻ căn cước là vui nhất:

 

– Thời Pháp thuộc, trước 1945 gọi là THẺ CĂN CƯỚC

 

– 1946, VNDCCH gọi là THẺ CÔNG DÂN

 

– 1957, VNDCCH đổi thành GIẤY CHỨNG MINH

 

– 1964, VNDCCH lại đổi là GIẤY CHỨNG MINH/ GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC

 

– 1976, CHXHCNVN đổi là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN

 

– 1999, CHXHCNVN… CHỨNG MINH NHÂN DÂN (9 số)

 

– 2012, CHXHCNVN… CHỨNG MINH NHÂN DÂN (12 số)

 

– 2014, CHXHCNVN… THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

 

– TỪ 11/2023, CHXHCNVN… THẺ CĂN CƯỚC.

 

(Đáng chú ý: Thời Việt Nam Cộng hoà 1955-1975 vẫn giữ tên THẺ CĂN CƯỚC).

 

Thế là cái tên THẺ CĂN CƯỚC từ thời Pháp thuộc, thời Việt Nam Cộng hoà, sau gần một thế kỷ chạy lòng vòng tốn bao nhiêu trí não, họp hành, giấy mực, tiền bạc của “chế độ mới” lại được “trả lại tên cho em”!

 

Như vậy cũng có cái vui, là những cái gì người Pháp hay Việt Nam Cộng hoà đã dùng mà thấy đúng, tốt thì nay cứ lấy mà dùng, không “Tự ái cách mạng”, đừng SỢ MẤT LẬP TRƯỜNG nữa nhé. Quốc hội chấp nhận việc nhỏ này, nhưng tỏ ra có tiến bộ.

 

Vậy thì dùng Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hoà “DÂN TỘC, NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG” đúng quá, có gì phải lăn tăn. Mấy ông Bộ trưởng giáo dục cứ ấp úng “Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng”.

 

Mà Quốc hội mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của VNDCCH là hợp lý, hợp tình; hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp VNCH khỏi phải đi lòng vòng!

 

Mà người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại, mà đi sao chép của Tây, của Tàu? Lạ thật đấy!

 

Vì sao có chuyện “đèn cù” như trên là một đề tài khoa học Nhà nước hấp dẫn, đáng nghiên cứu.

 

Đó có phải vì, những cái gì thời Pháp, thời đầu VNDCCH hay VNCH đặt ra đều do các quan chức trong bộ máy nhà nước được đào tạo bài bản, họ thạo Hán Việt, tiếng Pháp, họ nghĩ cái gì, làm cái gì đều theo chuẩn mực quốc gia, quốc tế và làm việc cẩn trọng.

 

Còn khi quan chức là “công – nông” lên nắm quyền, ít học lại thích ra oai; càng dốt càng “dám nghĩ, dám làm liều”! Làm liều mà không phải chịu trách nhiệm nên tha hồ nghĩ bậy, làm bậy. “Tân quan tân chính sách”, ông nào lên lãnh đạo một đơn vị dù to hay nhỏ, nhất định là phải tổ chức lại, đổi tên cái này cái nọ.

 

Chuyện lớn như đổi tên nước, thay Hiến pháp, thay Luật, tách nhập tỉnh, tách nhập các Bộ, cứ làm như chơi. Nghĩ lại kinh hãi quá!

 

Nói ngay Bộ Giáo dục của tôi. Thời trước là Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, rồi nhập làm một, gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên thế giới không biết có nước nào có cái tên Bộ như vậy?

 

Viện Khoa học giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được xây dựng rất công phu, bài bản; đến thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đổi luôn thành Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục; trong viện chuyển các Ban nghiên cứu thành các Trung tâm; cán bộ nghiên cứu đưa đi các nơi loạn hết cả lên. Sau mấy năm, cán bộ Viện đấu tranh mãi, lại tái lập Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Nhưng cán bộ nghiên cứu đầu đàn đã tan rã hết cả!

 

Các đơn vị nghiên cứu khoa học mà cứ tách nhập, xáo trộn xoành xoạch thì còn mong làm được cái gì ra hồn!






THỂ CHẾ CÓ CHẤP NHẬN MUA BÁN BẰNG CẤP? (Chu Mộng Long)

 



 

Thể chế có chấp nhận mua bán bằng cấp?

Chu Mộng Long  

29/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/29/the-che-co-chap-nhan-mua-ban-bang-cap/

 

Ngay sau khi tôi vạch trần tệ nạn viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của giới có học hàm, học vị mà vẫn còn có trí thức đổ lỗi do thể chế. Tôi hỏi thể chế được cụ thể bằng quy định, quy chế, vậy có chỗ nào trong quy định, quy chế cho phép hoạt động viết thuê luận văn, luận án? Họ bảo do luật không rõ ràng! Ơ hay, luật không rõ ràng thì mọi cá nhân cứ lợi dụng cái sự không rõ ràng ấy mà làm càn?

 

Trong khi không cần tra quy định, quy chế, ngay tại trang đầu tiên của mọi luận văn, luận án đều có lời cam kết: “Tôi xin cam kết đây là công trình nghiên cứu của riêng cá nhân tôi…”. Cam kết vậy mà người học đi thuê người khác làm luận văn, luận án và chính các giáo sư, tiến sĩ ngồi các hội đồng chấm luận văn, luận án lại chắp bút làm thay thì khác gì kẻ không có tự trọng tối thiểu và trắng trợn lừa đảo, lừa những người trung thực trong hội đồng và lừa cả thiên hạ?

 

Thuê người viết luận văn, luận án để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, và người chấp nhận làm thuê cho dịch vụ này ắt phạm tội to hơn vụ mua bán bằng của Trường Đại học Đông Đô. Nếu thể chế cho phép thì sao Bộ Công an lại khởi tố Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô?

 

Và nếu thể chế cho phép sự mua bán như vậy thì tôi miệt mài lên lớp dạy học, chấm luận văn, đọc và nhận xét luận án làm gì nữa? Người học cũng đâu cần học, thi và bảo vệ đề tài tốt nghiệp chi cho mất công? Tôi có học vị, chỉ cần ngồi tại nhà nhận tiền và viết thuê, người học chỉ cần chi tiền là có mọi bằng cấp, dạy và học làm gì cho mệt?

 

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao có không ít lần tôi chỉ ra sai sót của luận văn, luận án và cho điểm thấp thì tác giả luận văn, luận án không nói gì, nhưng chính giáo sư, tiến sĩ, người hướng dẫn, lại nhảy dựng đứng lên, thù tôi, như thể tôi nhận xét và chấm điểm luận văn, luận án của họ vậy!

 

Và tôi cũng không ngạc nhiên khi trên trang các giáo sư, tiến sĩ mặt dày đó có vô số “thằng con con” khen thầy của chúng tuyệt vời!

 

Tôi khẳng định, việc giáo sư, tiến sĩ đã từng đứng trong cuộc mua bán này mà lớn tiếng đổ lỗi do thể chế, thì đó là miệng của con đĩ!

 

Giả định có một thể chế cho phép sự buôn gian bán lận như vậy thì một trí thức đúng nghĩa phải đấu tranh quyết liệt với cái thể chế ấy, chứ không thể đồng loã hay lợi dụng thể chế để làm tiền như một đứa vô học hay con đĩ mạt hạng!

 

Xem ra, ở đất nước này không còn chút tin cậy gì vào giới trí thức nữa. Trong vụ này, họ đã tự xếp họ vào hàng cặn bã chứ không phải tinh hoa như thiên hạ nhầm tưởng. Ban đầu thấy họ cũng chia sẻ chống tiêu cực, đòi tự do, khai phóng, tôi đã đặt niềm tin vào họ, rằng phải nhờ trí thức mới có thể làm đổi thay đất nước, đưa dân tộc đến tiến bộ, văn minh. Nhưng rồi té ra, họ chỉ lên tiếng để, hoặc đánh bóng tên tuổi, hoặc để chống điều bất lợi với cá nhân họ. Còn những gì có lợi, có danh cho cá nhân họ, thì dẫu là buôn gian bán lận, trộm cướp hay đĩ điếm, họ đều có thể làm. Làm từ lén lút đến công khai và khi bị tố thì lại mặt dạn mày dày biện bạch… do thể chế!

 

Có kẻ còn dùng khổ nhục kế, rằng do thiếu tiền, nhà nước chi trả chất xám thấp nên tôi phải bán để kiếm thêm. Biện bạch như vậy thì đứa ăn trộm cũng nói được là do nó thiếu tiền. Trí thức mà không có khả năng phản tỉnh, tức không chống được mình, thì còn có tư cách để đòi chống ai? Giáo sư, tiến sĩ tham ít nên đố kị với quan tham tham nhiều à?

Trí thức mà như vậy thì giáo dục ngày một bệnh hoạn hết thuốc chữa!

 





BIỂN ĐÔNG : HOA KỲ TUYÊN BỐ THÁCH THỨC CÁC HẠN CHẾ 'PHI PHÁP' CỦA TRUNG QUỐC, VIỆT NAM và ĐÀI LOAN (BBC News Tiếng Việt)

 



Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế 'phi pháp' của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan

BBC News Tiếng Việt

29 tháng 11 năm 202

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cnlpw2qr24go

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/e461/live/e47921e0-8e6c-11ee-835e-0ff56f3659b0.png

Tàu chiến USS Hopper ở cảng Sydney vào năm 2004

 

'Thông qua việc di chuyển vào tuyến đường vô hại mà không thông báo trước hoặc không cần phải xin phép bất kỳ quốc gia tuyên bố chủ quyền nào, Mỹ thách thức những hạn chế phi pháp do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt [trên Biển Đông]," tuyên bố ngày 25/11 của Hạm đội 7 của Mỹ nêu.

 

Hải quân Mỹ tuyên bố tàu chiến USS Hopper đã thực thi hoạt động vì nền tự do hàng hải (viết tắt từ Operational challenges against excessive maritime claims - FONOP) trên Biển Đông gần quần đảo Paracel, mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa.

 

Tuyên bố phía Mỹ nêu, "Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền liên quan đến quần đảo Paracel [Hoàng Sa]. Tất cả ba bên đều yêu cầu phải được thông báo hoặc cho phép trước khi một tàu quân sự hoặc tàu chiến đi vào "lộ trình vô thưởng vô phạt [innocent passage] này" thông qua vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, điều này vi phạm luật pháp quốc tế."

 

Hạm đội Mỹ cũng viện dẫn về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, trong đó nêu tàu của tất cả các quốc gia - bao gồm tàu chiến của họ - đều có quyền di chuyển qua những lộ trình 'vô thưởng vô phạt' này, và việc ngăn chặn là "bất hợp pháp".

 

Quân đội Mỹ cũng lặp lại tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 bảo vệ các quyền tự do hàng hải và hợp pháp cho tất cả các quốc gia, nhấn mạnh tự do hàng hải giữ vai trò rất quan trọng đến nền an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

 

"Những tuyến bố chủ quyền bất hợp pháp và có quy mô sâu rộng trên Biển Đông tạo nên một mối đe dọa nghiêm trọng đến nền tự do hàng hải, bao gồm quyền tự do di chuyển và bay trên vùng trời, nền thương mại tự do và giao thương không bị can thiệp, và tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven biển trên Biển Đông", theo tuyên bố.

 

Philippines thuyết phục Việt Nam, Malaysia soạn thảo quy tắc riêng về Biển Đông

 

Trước đó, quân đội Trung Quốc đã tiến hành "truy vết, theo dõi và cảnh báo xua đuổi" tàu chiến Mỹ, theo một bài đăng trên mạng xã hội WeChat chính thức của Quân khu miền nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hôm thứ Bảy 25/11.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết trên Biển Đông, khu vực có giá trị thương mại trên biển trị giá hơn 3.000 tỷ USD, bên cạnh đó Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ.

 

Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration "PCA") ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Tuyên bố của tòa là "không có cơ sở pháp lý" cho việc Trung Quốc đòi hỏi "quyền lịch sử" trên những tài nguyên ở các vùng biển nằm trong bản đồ "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.

 

Trung Quốc tuyên bố vụ tàu chiến USS Hopper di chuyển qua Biển Đông, "minh chứng rằng Mỹ là một 'quốc gia tạo rủi ro an ninh' triệt để trên Biển Đông".

 

Philippines và Úc đã bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển và trên không vào thứ Bảy 25/11, vài ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc Manila cho các lực lượng nước ngoài cùng tham gia tuần tra trên Biển Đông, ám chỉ đến cuộc tuần tra chung do quân đội Mỹ và Philippines tiến hành.

 

Trung úy Kristina Weidemann, phó phát ngôn viên của Hạm đội 7, trong một tuyên bố được email đến Reuters nêu: "Mỹ thách thức các tuyên bố hàng hải vượt mức cho phép trên khắp thế giới bất chấp quốc gia tuyên bố là ai."

 

Việt Nam tăng cường bồi đắp 'ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông'

 

Các chuyên gia bình luận về triển vọng Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ

 

---------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Philippines thuyết phục Việt Nam, Malaysia soạn thảo quy tắc riêng về Biển Đông

21 tháng 11 năm 2023

·         

Việt Nam tăng cường bồi đắp 'ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông'

17 tháng 11 năm 2023

·         

Đại Dương Xanh: EU với Trung Quốc và vấn đề đánh bắt cá biển

13 tháng 11 năm 2023

·         

Các chuyên gia bình luận về triển vọng Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ

29 tháng 10 năm 2023







NƯỚC MỸ CHỈ CÒN CÁCH MỘT NHỊP TIM TRƯỚC MỘT CUỘC CHIẾN MÀ NÓ CÓ THỂ THUA (A. Wess Mitchell | Foreign Policy)

 



Nước Mỹ chỉ còn cách một nhịp tim trước một cuộc chiến mà nó có thể thua

A. Wess Mitchell | Foreign Policy 

DCVOnline dịch thuật

POSTED ON NOVEMBER 23, 2023 

https://dcvonline.net/2023/11/23/nuoc-my-chi-con-cach-mot-nhip-tim-truoc-mot-cuoc-chien-ma-no-co-the-thua/


Chiến tranh toàn cầu không phải là một tình cảnh ngẫu nhiên về mặt lý thuyết cũng không phải là giấc mơ gây sốt của những người chủ chiến và những người theo chủ nghĩa quân phiệt.

 

https://foreignpolicy.com/wp-content/uploads/2023/11/us-war-defense-GettyImages-1479647193-e1700130769181.jpg?w=800&h=497&quality=90

USS Nimitz, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản và những tầu chiến của Hải quân Nam Hàn đi theo đội hình trong cuộc tập trận hải quân chung ngoài khơi bờ biển Nam Hàn vào ngày 4 tháng 4. Bộ Quốc Phòng Nam Hàn via Getty Images

 

Chiến tranh toàn cầu không phải là một tình cảnh ngẫu nhiên về mặt lý thuyết cũng không phải là giấc mơ gây sốt của những người chủ chiến và những người theo chủ nghĩa quân phiệt.

Hoa Kỳ chỉ cách một nhịp tim trước một cuộc chiến tranh thế giới mà nước này có thể thua. Có những xung đột nghiêm trọng cần có sự chú ý của Hoa Kỳ ở hai trong số ba khu vực chiến lược quan trọng nhất thế giới. Nếu Trung Hoa quyết định tấn công Đài Loan, tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu trên ba mặt trận, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến Hoa Kỳ. Giờ đã muộn và mặc dù có nhiều lựa chọn để cải thiện vị thế của Mỹ nhưng tất cả đều đòi hỏi nỗ lực nghiêm túc và những đánh đổi không thể tránh khỏi. Đã đến lúc phải thực sự khẩn cấp huy động Hoa Kỳ, lực lượng phòng thủ và những đồng minh của mình cho những gì có thể trở thành cuộc khủng hoảng thế giới trong thời đại chúng ta.

Việc mô tả tình trạng khó khăn của Hoa Kỳ bằng những thuật ngữ rõ ràng như vậy có thể khiến nhiều độc giả coi đó là gieo hoang mang. Hoa Kỳ từ lâu đã là quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất. Nước này đã thắng hai cuộc chiến tranh thế giới, đánh bại Liên Xô và vẫn có một quân đội hàng đầu thế giới. Trong một năm rưỡi qua, Hoa Kỳ đã áp đặt những tổn thất khổng lồ cho Nga bằng cách hỗ trợ Ukraine—đến mức tác giả này dường như có thể hình dung được rằng Hoa Kỳ có thể sắp xếp những cuộc cạnh tranh của mình bằng cách gây ra một thất bại ủy quyền đối với Nga trước khi chuyển sự chú ý chính sang việc củng cố sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Nhưng chiến lược đó ngày càng trở nên kém khả thi hơn. Khi Nga huy động cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine và một mặt trận mới mở ra ở Levant, sự cám dỗ sẽ ngày càng lớn đối với một Trung Hoa có vũ trang nhanh chóng để tiến tới Đài Loan. Bắc Kinh hiện đang nắn gân Washington ở Đông Á khi biết rõ rằng Hoa Kỳ sẽ phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng địa chính trị thứ ba. Nếu chiến tranh xẩy ra, Hoa Kỳ sẽ nhận thấy một số yếu tố rất quan trọng bất ngờ xuất hiện để chống lại nó.

 

Một trong những yếu tố đó là địa lý. Như hai Chiến lược phòng thủ quốc gia gần đây nhất của Hoa Kỳ đã nêu rõ và Ủy ban tư thế chiến lược của Quốc hội mới nhất đã xác nhận, quân đội Hoa Kỳ ngày nay không tổ chức để tiến hành những cuộc chiến chống lại hai đối thủ lớn cùng một lúc. Trong trường hợp Trung Hoa tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy lùi cuộc tấn công trong khi vẫn duy trì dòng hỗ trợ cho Ukraine và Israel.

 

Ở đây không phải vì Hoa Kỳ đang suy thoái. Đó là vì không giống như Hoa Kỳ, cần phải mạnh ở cả ba nơi này, mỗi đối thủ của Mỹ – Trung Hoa, Nga và Iran – chỉ cần mạnh ở khu vực sân sau để đạt được mục tiêu của họ.

Hoa Kỳ nên căng thẳng cân não để chuẩn bị cho kịch bản này với hy vọng ngăn chặn xung đột nhưng phải bảo đảm được người Mỹ sẵn sàng ứng phó nếu nó xẩy ra. Sự chuẩn bị hiệu quả là con đường nâng cao sức răn đe; những bước tăng cường sẵn sàng cho chiến tranh gửi một tín hiệu rõ ràng đến đối thủ rằng mưu toan xâm lược có nguy cơ gây rủi ro cho chính họ hơn là ổn định và hòa bình.

 

Trường hợp xấu nhất là một cuộc chiến tranh leo thang tại ít nhất ba chiến trường xa xôi, mà trách nhiệm chiến đấu thuộc một quân đội Hoa Kỳ mỏng manh cùng với những đồng minh được trang bị kém, hầu hết không thể tự bảo vệ mình trước những cường quốc kỹ nghệ lớn bằng quyết tâm, tài nguyên và sự tàn nhẫn để chống lại những cường quốc kỹ nghệ lớn. duy trì một cuộc xung đột lâu dài. Tiến hành cuộc chiến này sẽ đòi hỏi mức độ đoàn kết dân tộc, huy động tài nguyên và sẵn sàng hy sinh mà người Mỹ và những đồng minh của họ chưa từng thấy trong nhiều thế hệ.

 

Hoa Kỳ đã từng tham gia ở những cuộc chiến tranh đa mặt trận trước đây. Nhưng trong những cuộc xung đột trước đây, nó luôn có khả năng vượt trội hơn đối thủ. Điều đó không còn xẩy ra nữa: Hải quân Trung Hoa đã lớn hơn của Hoa Kỳ về số tầu và nó đang tăng lên tương đương với toàn bộ Hải quân Pháp (khoảng 130 tầu, theo tham mưu trưởng hải quân Pháp) mỗi bốn năm. Để so sánh, Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch tăng thêm 75 tầu trong mười năm tới.

Một bất lợi liên hệ là tiền bạc. Trong những cuộc xung đột trước đây, Washington có thể dễ dàng chi tiêu nhiều hơn đối thủ. Trong Thế chiến thứ hai, tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP của Mỹ gần như tăng gấp đôi, từ 61% GDP lên 113%. Ngược lại, ngày nay Hoa Kỳ sẽ bước vào một cuộc xung đột với khoản nợ đã vượt quá 100% GDP.

 

Giả sử nợ tăng tương tự như Thế chiến thứ hai, không phải là không có lý khi kỳ vọng rằng khoản nợ có thể tăng lên 200% GDP hoặc cao hơn. Như Văn phòng Ngân sách Quốc hội và những nguồn khác đã lưu ý, gánh nặng nợ ở tầm mức đó sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

 

Một cuộc xung đột toàn cầu sẽ mang đến những mối nguy hiểm khác. Hai đối thủ của Mỹ – Nga và Iran – là những nước sản xuất dầu lớn. Một báo cáo gần đây cho thấy việc đóng cửa eo biển Hormuz kéo dài trong lúc xung đột ở Trung Đông lan rộng hơn có thể đẩy giá dầu vượt quá 100 USD/thùng, làm áp lực lạm phát tăng đáng kể. Trung Hoa là chủ nợ lớn của Mỹ và việc Bắc Kinh bán tháo liên tục có thể làm tăng lãi suất trái phiếu Mỹ và gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế. Thật hợp lý khi cho rằng người Mỹ sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ đồ điện tử đến vật liệu xây nhà.

 

Tất cả những điều đó mờ nhạt khi so với cái giá phải trả về con người mà Hoa Kỳ có thể phải gánh chịu trong một cuộc xung đột toàn cầu. Một số lớn quân nhân Hoa Kỳ có thể sẽ chết. Một số đối thủ của Hoa Kỳ có năng lực hạt nhân và thông thường có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ; những nước khác có khả năng truyền cảm hứng hoặc chỉ đạo những cuộc tấn công khủng bố kiểu Hamas trên đất Hoa Kỳ, việc này có thể dễ dàng thực hiện hơn do tình trạng lỏng lẻo ở biên giới phía nam Hoa Kỳ.

Ưu tiên trước mắt của Hoa Kỳ phải là cần bảo đảm rằng Ukraine, Israel và Đài Loan có vũ khí mà họ cần để tự vệ. Đây là những quốc gia có nhiều rủi ro nhất hiện nay. Hy vọng tốt nhất để tránh một cuộc xung đột chung là những quốc gia ở tiền tuyến này sẽ rất may mắn và gai góc đến mức sự xâm lược sẽ bị ngăn chặn hoặc dập tắt trước khi nó có thể lan rộng.

 

Điều đó sẽ không thể thực hiện được trừ khi Hoa Kỳ ổn định được cơ sở kỹ nghệ-quốc phòng. Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Nga-Ukraine, tổng sản lượng quốc phòng của Hoa Kỳ chỉ tăng 10%—ngay cả khi cuộc chiến chứng tỏ mức tiêu thụ đạn dược cao đáng kinh ngạc trong một cuộc xung đột lớn giữa những cường quốc kỹ nghệ so với những hoạt động chống nổi dậy hạn chế của thời kỳ gần đây.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Washington có thể cần phải viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng và bắt đầu chuyển đổi một số ngành kỹ nghệ dân sự sang mục đích quân sự. Ngay cả khi đó, chính phủ Hoa Kỳ có thể phải đi những bước khắc nghiệt—gồm cả việc định lại ưu tiên những nguyên liệu dành cho nền kinh tế tiêu dùng, mở rộng cơ sở sản xuất và sửa đổi những quy định về môi trường khiến việc sản xuất vật liệu chiến tranh trở nên phức tạp—để cơ sở kỹ nghệ Hoa Kỳ chuẩn bị sẵn sàng cho việc huy động cho chiến tranh.

 

Rõ ràng là Washington sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng. Việc chính quyền Biden không tăng chi tiêu quốc phòng, đưa những khoản chi tiêu trong nước vào ngân sách quốc phòng và nhất quyết khớp từng đô la chi cho quân đội với một đô la cho chính sách về biến đổi khí hậu hoặc chi tiêu xã hội là một cách giải quyết sai lầm. Để chuẩn bị cho chiến tranh mà không làm khoản nợ bùng nổ, Washington sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho những chương trình xã hội được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

 

Không ai trong Quốc hội Hoa Kỳ muốn nói với giới cử tri lớn tuổi rằng phúc lợi của họ đang bị cắt giảm. Nhưng giải pháp thay thế là một ngày nào đó sẽ nói cho những cử tri đó biết lý do tại sao con cháu của họ lại bị đưa đến những nơi nguy hiểm mà không có đủ vũ khí khi chiến tranh bùng nổ.

Những đồng minh của Mỹ cũng sẽ phải đóng góp đáng kể theo những cách mới. Chiến tranh Ukraina đã thúc đẩy những thành viên NATO ở châu Âu, đặc biệt là 
Đức, phải nghiêm túc hơn về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, chưa đến một phần ba trong số đó thực hiện cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Những thành viên lớn của Tây Âu vẫn chưa thực hiện lời hứa mà họ đã đưa ra hơn một năm trước tại hội nghị thượng đỉnh của khối Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương ở Madrid về việc triển khai những đơn vị cấp lữ đoàn ở sườn phía đông của NATO.

 

Khắp phương Tây, chính phủ và người dân sẽ phải đánh giá lại những ưu tiên khiến đất nước của họ gặp bất lợi trong cuộc chiến tranh sắp tới. Thật vô nghĩa khi người Mỹ buộc mình phải tuân theo những chính sách khí hậu vội vàng và rất tốn kém, làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế vào thời điểm Trung Hoa đang xây dựng những nhà máy điện đốt than với tốc độ hai nhà máy mỗi tuần. Người châu Âu sẽ phải suy nghĩ lại về ác cảm của họ đối với năng lượng hạt nhân; Những người cấp tiến ở Mỹ sẽ phải suy nghĩ lại về những hạn chế tự áp đặt nhằm hạn chế khả năng tăng cường sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ.

 

Không có gì trong những điểm đã nêu là việc dễ dàng. Nhưng Hoa Kỳ và đồng minh đang bước vào thời kỳ phải có những quyết định khó khăn. Những gì đang xẩy ra ở Ukraine và Israel dường như không thể tưởng tượng được thậm chí chỉ cách đây vài năm, và nhiều việc khác có thể sẽ xẩy ra trong những ngày tới. Người Mỹ và đồng minh của họ cần bắt đầu sắp xếp công việc của mình ngay từ bây giờ để họ không thấy mình chưa chuẩn bị cho một cuộc xung đột toàn cầu nếu nó xẩy ra.

 

Tác giả | A. Wess Mitchell, một chủ nhân của Marathon Initiative và là cựu phụ tá ngoại trưởng phụ trách Châu Âu và Á-Âu.

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn : America Is a Heartbeat Away From a War It Could Lose | A. Wess Mitchell | Foreign Policy | NOVEMBER 16, 2023






BIÊN PHÒNG PHẦN LAN NÓI 'NGA GIÚP NGƯỜI NHẬP CƯ' TRỐN SANG NƯỚC HỌ (BBC News Tiếng Việt)

 



Biên phòng Phần Lan nói ‘Nga giúp người nhập cư’ trốn sang nước họ

BBC News Tiếng Việt

29 tháng 11 năm 2023  19:39 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72qlw82xxwo

 

Trả lời BBC, đại tá Matti Pitkaniitty của lực lượng Biên phòng Phần Lan nói họ có “bằng chứng rõ rệt là quan chức Nga giúp người nhập cư trốn vào Phần Lan”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/56ea/live/c389b990-8eb2-11ee-835e-0ff56f3659b0.jpg

Cửa khẩu Raja-Jooseppi sẽ được đóng trong hai tuần kể từ nửa đêm thứ Năm, 30/11.

 

Phần Lan đã quyết định đóng toàn bộ các cửa khẩu trên đường biên giới dài với Liên bang Nga để ngăn dòng người xin tỵ nạn đổ tới.

 

Chỉ trong tháng 11, đã có trên 900 người, đa số là từ Morocco, Pakistan và Syria, vào Phần Lan từ Nga.

 

Ông Pitkaniitty nói những lo ngại về trách nhiệm với người xin tỵ nạn mà Phần Lan phải tuân thủ, theo luật quốc tế, là lý do để nước ông đóng các trạm biên giới với Nga.

 

Phía Nga đã đóng các cửa khẩu để ngăn không cho những người đã sang Phần Lan có thể quay lại, đại tá Pitkaniitty nói.

 

Trên thực tế, trong tháng này, Phần Lan đã đóng 7 cửa khẩu, và vào thứ Năm tuần này sẽ đóng nốt một cửa khẩu cuối cùng ở Vòng Bắc Cực trong thời gian hai tuần.

 

Thủ tướng Petteri Orpo đã phát biểu rằng Phần Lan "phải chấm dứt tình trạng vượt biên trái phép" đang xảy ra.

 

Giới chức Phần Lan tuy thế cho hay những người tới bằng thuyền sẽ vẫn có quyền nộp đơn xin tỵ nạn.

 

Cùng lúc, bà Pia Lindfors, giám đốc điều hành Trung tâm Tỵ nạn Phần Lan nói với đài BBC bà sợ rằng việc đóng các cửa khẩu trên bộ chỉ đẩy người xin tỵ nạn tới các lối đi sâu trong rừng núi, xuyên qua sông, nằm trên các vùng rộng hàng trăm cây số.

 

Với mùa đông đang tới, việc đi lại đó “sẽ có thể nguy hiểm hơn” và bà cho rằng chính quyền Phần Lan cần tiếp tục giúp người cần được giúp ở bên kia biên giới với Nga, chứ không nên đẩy họ quay trở lại Nga bất hợp pháp.

 

Phần Lan có đường biên giới dài nhất trong số các nước EU với Nga: 1.340km.

 

Việc bảo vệ đường biên này là vấn đề an ninh cho Phần Lan, quốc gia đã quyết định gia nhập Nato tháng 4 năm nay sau khi Nga đánh Ukraine tháng 2/2022.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b639/live/1a706dd0-8eb3-11ee-835e-0ff56f3659b0.png

Đường biên giới Phần Lan-Nga dài trên 1.300 km

 

Trước đây, một quốc gia thuộc EU và Nato khác là Ba Lan cũng cáo buộc Belarus “trợ giúp hàng nghìn di dân từ Trung Đông, châu Á, châu Phi” vượt biên ồ ạt vào lãnh thổ Ba Lan.

 

Ba Lan sau đó đã cho xây hàng rào cao có dây thép gai để bảo vệ một số tuyến biên giới với Belarus.

 

Sau đó, hình ảnh trên truyền thông cho thấy những người đàn ông là di dân phá rào, dùng thang mà Ba Lan nói là do phía Belarus cung cấp trèo vào lãnh thổ EU.

 

Chính phủ Ba Lan đã điều quân đội ra bảo vệ biên giới và nói những ai muốn xin tỵ nạn cần đi vào các cửa khẩu chứ không nên phá hàng rào, vượt biên trái phép.

 

Tuy thế, các tổ chức nhân quyền ở Ba Lan đã phê phán chính phủ và yêu cầu quân đội tạo điều kiện cho họ triển khai công tác trợ giúp người tỵ nạn đã vào Ba Lan không phải trú ngụ trong rừng sâu khi trời giá lạnh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c2d1/live/f1012ba0-8eb3-11ee-833d-0f8d294ddc97.jpg

Cuối năm 2021 tại biên giới Ba Lan-Belarus xảy ra khủng hoảng di dân với số đông người từ bên ngoài châu Âu đã tới Nga, Belarus rồi tìm cách vào Ba lan, quốc gia thuộc EU

 

----------------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Phần Lan chính thức gia nhập liên minh quân sự Nato

4 tháng 4 năm 2023

·         

Đức muốn học Anh cách đưa người xin tỵ nạn sang Rwanda?

7 tháng 11 năm 2023

·         

EU muốn tăng biện pháp hồi hương người nhập cư trái phép

27 tháng 1 năm 2023

·         

Đan Mạch 'hạn chế dân không phải gốc Âu' ở 15 khu dân cư

22 tháng 3 năm 2021

·         

Vụ 39 tử thi ở Anh: ‘Ông trùm’ người Việt bị tòa Bỉ tuyên 15 năm tù

20 tháng 1 năm 2022

·         

BBC Tiếng Việt cùng cảnh sát Pháp giải cứu 'người rơm Việt trong xe tải đông lạnh'

28 tháng 9 năm 2023