Monday, January 31, 2022

LUẬT KHOA TẠP CHÍ RA MẮT ẤN PHẨM TẾT 2022 (Luật Khoa Tạp Chí)

 



 

Luật Khoa ra mắt ấn phẩm Tết 2022

LUẬT KHOA TẠP CHÍ

31/01/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/01/luat-khoa-ra-mat-an-pham-tet-2020/

 

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, Luật Khoa xin tặng bạn ấn phẩm báo Tết đầu tiên, cũng là sản phẩm định dạng PDF đầu tiên của chúng tôi. Đây là một nỗ lực mới của Luật Khoa nhằm mang những thông tin và kiến thức bổ ích tới độc giả.

 

Dù đội ngũ thực hiện đã cố gắng cẩn trọng hết sức có thể, chắc chắn không tránh khỏi những lỗi sai hoặc thiếu sót. Chúng tôi hy vọng nhận được sự góp ý của quý độc giả để các số báo tương lai ngày càng hoàn thiện hơn.

 

Mọi góp ý xin gửi về: bbt@mail.luatkhoa.org.

 

Link tải miễn phí: bit.ly/lktet2022

 

TẢI VỀ

 

Nếu bạn thích ấn phẩm này, hãy ủng hộ cho Luật Khoa qua donorbox.org/luatkhoa.

Chúc các bạn có một kỳ nghỉ ấm cúng bên người thân và hứng khởi trong tri thức.

 

Trân trọng,

Đội ngũ Luật Khoa tạp chí





TƯNG BỪNG HỘI CHỢ XUÂN VĂN HÓA và TẾT NHÂN QUYỀN Ở SAN JOSE (Người Việt)

 



Tưng bừng hội chợ Xuân Văn Hoá và Tết Nhân Quyền ở San Jose

Người Việt

January 31, 2022   

https://www.nguoi-viet.com/nvtv-phong-su/nvtv-phong-su-cong-dong/tung-bung-hoi-cho-xuan-van-hoa-va-tet-nhan-quyen-o-san-jose/

 

Phóng sự cộng đồng 31/1/2022
Đông đảo cư dân khắp nơi rộn ràng tham dự khai mạc hội chợ Xuân Văn Hoá và Tết Nhân Quyền, ở bảo tàng Viet Museum tại San Jose, trong khuôn viên công viên History Park, hôm thứ Bảy 29 Tháng Giêng.

XEM VIDEO >>>>>  





ĐỌC "TÂM LÝ NGÀY TẾT" CỦA PHẠM QUỲNH, NGHĨ VỀ NGÀY TẾT VIỆT NAM (Tuấn Khanh)

 



Đọc “Tâm Lý Ngày Tết” của Phạm Quỳnh, nghĩ về ngày Tết Việt Nam

Tuấn Khanh  -  Saigon Nhỏ
31 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/doc-tam-ly-ngay-tet-cua-pham-quynh-nghi-ve-ngay-tet-viet-nam/

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/viet-cau-doi.jpg

 

Những thời khắc quan trọng nhất đón năm mới đã đến. Cái Tết thật sự của người Việt bùng lên vào trước giờ phút đón giao thừa làm ấm lòng người, dù mọi thứ có phôi phai bởi những khó khăn của đời sống, hiểm nguy của dịch bệnh và những câu chuyện xã hội đầy chê chán. Nhìn Huế, Sài Gòn, Hà Nội tựa nhau gượng đón xuân về, chợt nhớ đến bài tiểu luận “Tâm Lý Ngày Tết” của học giả Phạm Quỳnh viết vào năm 1930 mà ngậm ngùi.

 

“Tết, cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn của họ đã phải chịu đựng suốt năm qua, và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui!”, bài viết có đoạn ghi như vậy.

 

Quả vậy, người Việt thường chọn những ngày đón năm mới, như một cách để tạm thanh tẩy những sân hận, loại bớt ưu phiền và hứa hẹn với nhau về một tương lai khác tươi đẹp hơn những ngày mình đang sống. Dân tộc ngàn năm gắn liền với văn minh lúa nước, chọn những ngày nghỉ ngơi thích nghi với khí hậu, thời vụ và dần biến mọi thứ thành tập quán tự nhiên, hội tụ mọi con người về cùng một niềm vui.

 

Đọc Tâm Lý Ngày Tết của học giả Phạm Quỳnh, mới biết chuyện tranh cãi muốn bỏ ngày Tết Âm lịch, để chỉ ăn Tết theo Dương lịch đã nổi lên từ những năm 1930. Mà khởi nguyên, chính các nhà cải cách ở Trung Hoa cũng muốn vận động chỉ nên ăn Tết Dương lịch, bởi chính quyền thì dùng lịch Tây để quản lý hành chính và ngày lễ. Thế nhưng nhân dân thì chỉ muốn ăn Tết theo lịch cổ truyền. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo phong trào này – và một khi đã có ý muốn bãi bỏ, thì lúc nào người ta cũng sẽ tạo ra rất nhiều lý do.

 

Trong một xã hội muốn kiểm soát triệt để, Tết dân gian sẽ là thứ chướng tai gai mắt. Bởi mọi thứ diễn ra, được coi là vô chính phủ, nếu không có sự thỏa hiệp từ chính quyền. “Nhưng ta có thể đoán trước được rằng tập tục rồi sẽ mạnh hơn luật pháp”, học giả Phạm Quỳnh viết, “cái Tết nhà nước (lịch Tây) nó sẽ không phải Tết thật, và cái Tết thật không còn là Tết nhà nước, nhưng sẽ không vì thế mà không vượt hơn hẳn cái Tết kia về mọi mặt uy tín và mọi vẻ rực rỡ vốn gắn liền với truyền thống nhiều ngàn năm”.

 

Những người muốn bỏ cái Tết cổ truyền, phần lớn được coi là “thành phần cấp tiến”, còn phía muốn giữ, thường bị gọi là “thủ cựu”. Nhưng với những quốc gia vẫn tự hào ngày Tết truyền thống của mình như Tây Tạng, Thái Lan, Campuchia thì họ có sai lầm hay thủ cựu không? Thậm chí đa dạng hơn như ở Ấn Độ, thời điểm đón năm mới khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Miền Bắc chào đón năm mới vào tháng 4; trong khi miền Nam vào trung tuần tháng 3; ở bang Kirala vào tháng 6; ở miền Tây Ấn tháng 11-12… thì họ có cần chủ trương xóa bỏ tất cả, so với việc chỉ ăn Tết Dương Lịch chính thức hay không?

 

Khoảng vài thập niên gần đây, lời kêu gọi bỏ Tết Âm lịch ở Việt Nam cũng ngày càng rộ lên. Bên cạnh lời phàn nàn về chuyện lạc hậu, hủ tục… quan trọng nhất là song hành với tâm lý ghét Trung Quốc Cộng sản, và không muốn dính líu đến một Trung Quốc Cộng sản. Nhưng điều đáng nói, là những nhà thiên văn cổ của Trung Hoa hàng ngàn năm trước, tạo ra bộ lịch này, họ hoàn toàn không biết gì về – hoặc dính líu gì – đến chế độ Cộng sản tồi tệ hôm nay.

 

Giáo sư Võ Tòng Xuân, được coi là một người danh tiếng trong việc đi đầu chuyện bỏ Tết Ta. Câu nói hay được nhắc tới của ông là “phải bỏ Tết âm lịch thì đất nước mới giàu được”. Nhưng liệu điều đó có tự nhiên ập tới sau khi đất nước ngừng ăn tết âm lịch, bất chấp một thể chế lèo lái kinh tế kém cỏi, chỉ có thể tạo ra của cải bằng truyền thống bán sức cần lao của nhân dân – cách thức cũ kỹ không khác gì bộ lịch Trung Hoa? Và nếu dứt khoát là vậy, thì lý giải ra sao Trung Hoa vẫn ăn Tết âm lịch và vẫn là quốc gia giàu có hàng đầu thế giới hiện nay?

 

“Tết là gì? Tết là tiếng gọi mênh mông của tất cả những con người của nước Nam, trong dịp đổi mới toàn bộ của đất trời và của muôn vật, gài lên niềm tin vào cuộc sống cùng niềm khát khao hạnh phúc và an vui của mình”, học giả Phạm Quỳnh viết, và ông còn nhấn mạnh “Tết không những là ngày lễ của người sống; nó còn là, chủ yếu ngày lễ của những người chết thật sự tham dự vào cuộc sống của gia đình và con cháu mình. Ngày hôm trước đó bằng một lễ nhỏ người ta thỉnh rước tất cả họ về cùng dự Tết với gia đình. Rồi mỗi ngày hai hai lần người ta mời họ dùng hai bữa ăn chính, chưa kể là các cuộc cúng dâng trà, hoa quả, bánh trái. Cuối ngày thứ ba hay thứ tư, là lễ lớn tiễn đưa, và các linh hồn được coi như trở về thế giới bên kia, mang theo những lời chúc tụng và những lời tâm sự của người thân mà họ vừa chia sẻ cuộc sống trong mấy ngày và bây giờ họ để lại ở thế giới bên này, nhưng vẫn luôn theo dõi, ban phúc bảo bọc”.

 

Quả vậy, Tết Ta của Việt Nam ngàn năm nay, không chỉ là niềm vui của người đang sống, mà còn là sự kết nối quá khứ với tương lai. Là sự nối tiếp truyền thống gia đình và kính trọng những người già, những người đã khuất.

 

Tôi có lẽ đã cũ kỹ, và không đủ sự quyết liệt để dứt khoát từ bỏ Tết Ta như nhiều người đang kêu gọi. Tôi luôn ám ảnh trong tâm trí mình những cái Tết Ta với mùi hương trầm trên bàn thờ ông bà và đêm giao thừa, những lời nguyện cầu thầm lặng gửi đến một thế giới khác và khát vọng với tương lai. Khi đứng trước tổ tiên và ngày tháng mà ngàn đời đã chọn, tôi nghe mình là người Việt. Tôi tin rằng một đất nước tốt đẹp hơn, là con người và hệ thống chính trị tự sửa mình trước khi đòi thay đổi những điều đã thành nếp, thành cảm nhận tự nhiên với mùa màng, và nhất là của tiền nhân đã chọn.

 

Nếu Phạm Quỳnh còn sống, vị học giả Tây học uyên bác này chắc cũng sẽ nhất định đứng về phía những người muốn giữ gìn một hình thái văn hóa Việt xưa, mà vốn ông đã viết “Nếu một ngày nào đó phải bỏ phiếu xóa bỏ nó đi, thì mặc tất cả những lý lẽ hay ho người ta có thể đưa ra để biện minh, tôi tin rằng tôi sẽ bỏ phiếu chống, dù có phải mang tiếng là một kẻ bảo thủ ngoan cố hay hỗn xược”.

 

Tôi đã chứng kiến những người Việt ở Mỹ, Úc, Canada… đón Tết Dương lịch, rồi sau đó vẫn hối hả kiếm cho mình cặp bánh chưng, đôi phong bao lì xì, chút chè mứt… cho cái Tết Âm lịch cận kề giữa thế giới không ai cùng chung suy nghĩ với họ. Dù không muốn bỏ Tết âm lịch, nhưng họ vẫn như không còn có thể đón Tết như ở quê nhà, mà chỉ có thể ngồi lại chút ít giờ với nhau, cùng tấm lòng rung động chung theo thời khắc đến, tựa như hồn sông núi, tổ tiên thúc giục họ hướng về quê mẹ.

 

Mà bỏ gì nữa, những ngày nghỉ Tết Ta ở Việt Nam giờ đâu còn như xưa. Chẳng còn lê thê như lời chỉ trích, cũng chẳng còn hủ tục hay tiêu xài xa xỉ. Rất nhiều người già ở Việt Nam hôm nay cô đơn ngồi nhà đêm giao thừa và mồng Một, vì con cháu đã rộn rã lên lịch du xuân đâu đó. Đám trẻ nhỏ giờ cũng không còn nhiều đứa đòi hỏi lì xì như một tệ nạn ngày xưa. Có chăng là những người làm việc quần quật quanh năm, dành dụm được chút ít và tất tả chạy được về với gia đình mình ở thôn quê, thong thả sum vầy đôi bữa. Hay Tết giờ đây chỉ còn mùi nhang trầm gợi nhớ về một cái Tết Việt Nam ngàn xưa, giờ đã lắm nhạt nhòa.





TÌNH XUÂN QUA NHẠC XUÂN (Vĩnh Chánh)

 



Tình Xuân Qua Nhạc Xuân

Vĩnh Chánh

30/01/2022

https://vietbao.com/p301409a311002/tinh-xuan-qua-nhac-xuan

 

Khi Tết gần kề, như hiện tại, các diễn đàn thân hữu thường thả cho nghe vài bản nhạc Xuân. Và cứ lập lại khoảng mươi bài quen thuộc, không đủ để khích động tình xuân đang khuấy động trong lòng người chờ đón Xuân. Nhân cơ hội này mình vào lục soạn, tìm thấy quá nhiều bản nhạc về Xuân. Cả một kho tàng văn học nghệ thuật của Miền Nam Việt Nam – loại nhạc Vàng mà CS muốn giết nhưng vẫn sống mạnh và làm thay đổi hướng cảm nhận tình quê hương và lòng người lan rộng từ Nam ra Bắc.

Nhạc của Tết Dương Lịch hay còn gọi là Tết Tây ít hơn và bị choàng bởi nhạc Giáng Sinh. Chẳng qua vì New Year xẩy ra trong mùa Đông lạnh lẽo (ở Miệt Dưới lại vào mùa Hạ khô nóng) và hai lễ lớn này cách nhau có một tuần, và Tết Tây chỉ quan trọng trong đêm Countdown với bản nhạc Ce N’est Qu’un Au Revoir (Auld Lang Syne) và sau khi trái táo rơi, nhảy qua ngày New Year, thiên hạ ôm nhau hát ngay với bản Happy New Year. Tết Ta, hay Tết Âm Lịch, còn gọi là Tết Nguyên Đán, mang dấu hiệu của cả mùa Xuân và một bừng vui trong lòng mọi người, từ già đến trẻ, vì tinh thần vui chơi hội hè không chỉ trong các ngày Mùng của đầu Tết, mà còn nguyên cả tháng Giêng gọi là tháng ăn chơi, kéo theo tháng Hai cờ bạc rồi tháng Ba rượu chè. Do đó, mùa Xuân là biểu tượng của Tết. Và những bản nhạc về mùa Xuân được xem như những bản nhạc hát trong mùa Tết.

Khi nghe những bản nhạc Xuân, những lời hát vang lên, trong âm điệu trang nhã, người người đều cảm thấy hân hoan, rạo rực, tâm hồn xao xuyến, như có cái gì thôi thúc dẫn đến sự hoan lạc êm dịu của một không khí hiền lành thanh bình, của một mái ấm gia đình chờ đón Xuân. Một chút gió Xuân, một chút hương tình, một chút nôn nao, một chút rộn ràng, ôi những cảm nhận mùa Xuân đang bên ta. Là những tiếng đồng ca tươi thắm của mừng Xuân, mừng hoa cỏ xanh mướt, mừng cây lá tốt tươi, mừng tình yêu chứa chan, mừng tình quê hương đậm đà thắm thiết. Hay là những nỗi buồn vơ vẩn khi người thân còn nơi biên cương, khi tình yêu chưa trọn mà nay Xuân đã về. Hoặc để thầm mơ một mùa Xuân hội ngộ, một ước mơ cho hoa nở mãi không già, hay mong xuân đi xuân đến hãy còn xuân…

Đúng không nhỉ khi mùa Xuân luôn là hình ảnh của sức sống, của vạn vật đâm chồi nẩy lộc, mang theo tinh thần vươn lên của một bình minh chan hòa ánh sáng, của một chặng đường chưa vấp ngã, của một cuộc tình e ấp đang lên ngôi!!? Đúng chăng khi Tết đến mọi gia đình quay quần hạnh phúc sum họp, con nít vui đùa trong nắng mới, làng xóm bừng dậy bên cạnh những chậu Mai Vàng, chậu Cúc, chậu Thủy Tiên, hay những luống hoa Vạn Thọ, Thược Dược… sắc màu rực rỡ.

“Hoa Xuân say đắm hồn thơ

                     Bướm Xuân quanh quẩn như chờ nụ hôn” (Kiều Mộng Hà)

 

          Nghe nhạc Xuân để cho mình cảm thấy lòng phơi phới, đón chờ Tết trong một tinh thần hoan lạc, mừng Xuân đến trong lời ca tiếng nhạc. Còn gì vui thú cho bằng! Còn món chơi nào tao nhã hơn! Giờ đây, bất cứ khi nào, bất cứ nơi nào - lúc tờ mờ sáng khi vừa thức giấc, trong buổi điểm tâm bên cạnh ly cà phê hay tách trà, khi thư thả đi dạo, khi tư lự trong xế chiều, hoặc ru cho giấc ngủ đầy mộng đêm - mời quý bạn thưởng thức những bản nhạc Xuân từng làm chúng mình mê mẩn từ thuở thanh xuân, và nay vẫn làm tim chúng mình rung động – như là một chứng tích thăng hoa khi nắng đang dần xa, một chứng từ cho cuộc tình mãi trong xanh. Mình không có ý định sắp xếp các bản nhạc, từ thuở tiền chiến hay sau này tại Miền Nam VN rồi qua đến hải ngoại, vì quá khó và vượt khả năng nếu chấm điểm theo thứ tự hay dở - vì rõ ràng nhạc Xuân gồm toàn những tuyệt tác từ nhiều nhạc sĩ tên tuổi để lại cho thế hệ sau, qua tiếng hát của những ca sĩ được yêu thích.

 

          Bài đầu tiên, thường được hát hợp ca, không hề vắng mặt trong bất cứ buổi liên hoan, họp mặt nào của các hội đoàn, nhóm bạn trong mùa Tết, dù là Tất Niên hay Tân Niên. Với người hát chính trên sân khấu, khách mời cũng hát theo với bản nhạc được in cầm trên tay. Để khi hát xong, tất cả đều nâng cao ly rượu chúc mừng nhau năm mới, người người hạnh phúc.  Bài Ly Rươu Mừng là bản xuân ca với lời ca thánh thót, tươi vui trong thể nhạc Valse, do nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác. Sau 1975, bản nhạc này bị chính quyền CS cấm hát, có lẽ vì lời hát không diễn tả về tình yêu đôi lứa hay ca ngợi tình xuân mà lại vang lên những lời chúc hòa bình đến với non sông, cho những ngày máu xương thôi tuôn, chúc binh sĩ lên đường quên mình để chiến đấu thành công… Trước sự bất chấp của quần chúng, cuối cùng chính quyền cũng đành chịu thua, thả lỏng chính thức cho tự do hát từ năm 2016.

                             https://youtu.be/0Ca2bzAkZxw

 

          Nhân đọc được một câu thơ “Nụ hoa vàng ngày Xuân” của nhà thơ Kim Tuấn, nhạc sĩ Nguyễn Hiền sáng tác Anh Cho Em Mùa Xuân chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Đơn giản: khi ta có tình yêu, đó là mùa Xuân. Mãi mãi bên nhau là mùa Xuân bất tận. “Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào  nhung nhớ - Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn hè phố, mắt buồn vin ngọn cây. Anh cho em mùa xuân, trẻ nô đùa khắp trời - Niềm yêu đời phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt, giải đất hiền chim hót, mái nhà xinh kề nhau”…

Đây là một bản nhạc để đời, làm rung động người nghe và được mọi tầng lớp dân chúng yêu mến vì lời thơ 5 chữ rất đơn giản, chân thật và hiền hòa.

                             https://youtu.be/hudtCBcBRE0

 

          Có đôi khi, dù bên ngoài nắng ấm, dù xác pháo đỏ trải đầy trên đường làng,  trong nhà gia đình sum họp chơi đổ Tam Hường, vẫn có người cảm thấy cô đơn, rảo bước một mình đi tìm một hình bóng nào đó. “Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm một tình thương nơi… phương trời cũ – Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá, chiều tàn dần phai trên ngàn lá – Tìm đâu bóng… hình ai?” Phải chăng đó là hình ảnh của anh lính chiến về thăm quê mình, nhận ra người mình thầm yêu nay đã về nhà chồng. Vì trong tiếng thì thầm của tình yêu thời chiến đã có sẵn chữ hy sinh. Vì khi tình yêu vừa len nhẹ vào đời người lính nó đã mang theo mầm mống của lo sợ tan vỡ, của mất mát chia ly và chết chóc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã mang tâm sự người lính qua sáng tác Nhớ Một Chiều Xuân.

https://youtu.be/EOJmcHk-RIM

 

Bản nhạc Xuân Đã Về của nhạc sĩ Minh Kỳ là một bản nhạc không thể thiếu trong bất cứ buổi tiệc mừng Xuân nào, và thường được chọn trình diễn trong phần đầu khi nhập tiệc vui. “Xuân đã về, Xuân đã về. Kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông. Trên cánh đồng chim hót mừng, đang thướt tha từng đàn tung bay vui say- Xuân đã về, Xuân đã về, ta hát vang chào mừng Xuân sang… Xuân sang”. Lời ca đậm đà tình quê hương, nhạc nhanh tươi vui.

https://youtu.be/JPms0CGbGxs    

 

Xuân rồi lại Xuân! Có những đôi tình nhân giữ lời hẹn gặp nhau mỗi khi giao thừa đến. “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa, hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa. Em đứng chờ anh dưới song thưa. Anh qua đầu ngõ, hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa.” Nhưng lần Xuân này, thì hỡi ôi “Mong tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ - Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ.” Tiếng nhạc buồn làm người nghe cảm thông với nỗi buồn của nam nhân. Đó là tâm sự trong bản Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa của nhạc sĩ Châu Kỳ & Anh Châu.

                             https://youtu.be/LSEwP8F4edE

 

Là một bản nhạc mừng Xuân với điệu nhạc nhanh, vui tươi sống động, nhạc sĩ Văn Phụng bày tỏ niềm vui khi “Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng. Trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang. Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng. Trong gió ngàn mừng đón xuân sang.” Cũng vì vậy nhạc bản XUÂN HỌP MẶT không bao giờ thiếu trong các liên hoan mừng Xuân.

                             https://youtu.be/K94VRuojJ78

 

          Vào tháng 3 mỗi năm, khi mùa Xuân đến, từng đoàn chim én (Swallows), sau 3 tháng trốn lạnh tại vùng Mexico, hợp đàn bay trở về đậu lại trên mái nhà thờ Mission San Juan Capistrano, không xa với nơi mình cư ngụ, và được dân thị xã và du khách phương xa mừng rỡ đón chào, với nhiều đội diễn hành, nhiều đoàn ca nhạc Mariachi, hội chợ, gian hàng bán đồ ăn… Trong một bản nhạc về Xuân, mình cũng từng nghe “Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời – Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo” với thể điệu Valse vui tươi, hân hoan và trữ tình của bản nhạc Xuân và Tuổi Trẻ  của nhạc sĩ La Hối phổ nhạc từ bài thơ của Thế Lữ.

                             https://youtu.be/sT1E8kvix6Q

 

          Bản nhạc bắt đầu với câu “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước- Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân” nghe qua thật lãng mạn. Như báo trước Em và Tôi sẽ không tìm gặp nhau lần thứ hai. Ca khúc Bến Xuân là một bản nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Văn Cao với lời nhạc của Phạm Duy mang đến cho người nghe nỗi buồn man mác, thầm nhớ khi “nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác – Em vắng tôi một chiều – Người đi theo mưa gió xa muôn trùng.” Đây cũng là câu chuyện tình thật sự của người nhạc sĩ tài ba khi ấy trong lứa tuổi 20.

                             https://youtu.be/R0AzKTuU-qc

 

Một bản nhạc hân hoan, réo gọi Nàng Xuân bằng những lập lại “Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi – Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi” được bắt đầu từ khi cha mẹ lấy nhau “một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về”, lớn lên đi tìm mùa Xuân qua tình yêu “tình Xuân là Xuân, có khi mừng vơi, có khi sầu đầy.” Rồi cuối “thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.” Đó là nỗi niềm của nhạc sĩ Phạm Duy gởi qua bản nhạc Xuân Ca hay còn có tên Xuân Trong Tôi.

                             https://youtu.be/uRJtZb4MAFM

 

Bản Hoa Xuân, cũng của nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy, lần này có lời nhạc và điệu nhạc vui tươi, sống động hơn. Lời mở đầu dẫn ngay người thưởng thức nhạc vào ngay vườn địa đàng tươi thắm trong mùa Xuân “Xuân vừa về trên bãi cỏ non – Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn” với lời chúc cuối thật thân huyền mơ “Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa – Có một vài tóc trắng thầm mơ, ước cho hoa nở mãi không già.”

                             https://youtu.be/na5kAZOOEFk

 

          Một cách tài tình, người nhạc sĩ thả hồn theo gió Xuân, cảm nhận được “Xuân reo khắp nơitrời ngát hương trầm, lòng mang vấn vương. Hồn say mộng ước cùng những đóa hoa, ấp ủ trái tim hưởng những phút say mơ.” Bản Gió Mùa Xuân Tới của Hoàng Trọng được người nhạc sĩ làm ra để tặng cho chúng ta “reo hát ca vang mừng trời Xuân.” Qua bản nhạc người nghe có thể mường tượng một bức tranh thủy mạc “muôn sắc khoe tươi / thắm cho đời muôn màu”, vẽ mùa Xuân thật tuyệt đẹp, mang theo những cảnh vật màu sắc rực rỡ thân thuộc, làm xao xuyến lòng người nghe.  

                             https://youtu.be/x-Ac68r5ykg

 

Khúc Nhạc Ngày Xuân, một sáng tác của nhạc sĩ Nhật Bằng, đưa chúng ta vào hồn Xuân, lòng Xuân ngay liền phần mở đầu “Ngàn hoa thắm tươi hé môi mừng cháo đón Xuân – Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang.” Càng nghe càng bị mê hoặc bởi điệu nhạc tươi sáng, nhẹ nhàng allegra quấn quit.

                             https://youtu.be/5-HQofP-EhA

 

          Đọc biết, khi tìm tập thơ Mây Tần của Nguyễn Bính, nhạc sĩ Từ Vũ dừng lại trên bài Gái Xuân với một cảm xúc đặc biệt. Hà Đông, nơi nhạc sĩ từng lớn lên, là xứ sở của nghề làm lụa có con sông Vân chảy qua, và qua những giòng thơ tuyệt vời “Lòng Xuân lơ đãng, ý Xuân nồng – Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng – Đôi tám Xuân đi trên mái tóc – Đêm Xuân cô ngủ có buồn không,” người nhạc sĩ đã sáng tác ngay một bản nhạc để đời – cho dù về sau, sông Vân đã khô cạn, chỉ còn lại một rãnh nước bẩn. Xin được nhắc là trong bản nhạc Gái Xuân, chỉ có 2 câu “Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân – Cô gái trông Xuân biết bao lần” là của nhạc sĩ Tô Vũ, phần còn lại hoàn toàn từ bài thơ của Nguyễn Bính.

                              https://youtu.be/as1yqa_h1LE

 

          Tết đến, mọi gia đình đều chộn rộn, chợ búa đông người mua sắm. Bến xe náo nhiệt với những người con tìm về thăm nhà. Xuân về với những cánh đồng lúa chín vàng trĩu nặng và dân làng kêu gọi giúp nhau trong vụ gặt mùa, hy vọng cho một năm mới sung túc hơn. Người thương gia với niềm vui nhìn gian hàng Tết của mình có nhiều khách mua đông đúc. Ở tiền đồn xa xôi, người lính vẫn ghìm tay súng canh giữ cho địa phương an toàn vui Xuân. Và ngay trong tâm thức từng người, gác tay nghĩ lại chuyện đời năm vừa qua, rồi chuyện tương lai năm tới – cầu nguyện, xin lộc, xin xăm, cúng ông bà – Chỉ khi nào tránh xa được mê hoặc phù phiếm, biết sinh tử là quy trình của trời đất, sống hài hòa và chấp nhận, tự thấy hạnh phúc và bình an của tâm hồn. Xin “Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi Xuân. Có một lần vui thôi em, đừng cho chết hương tình ngọt ngào. Đỉnh bình yên trên non cao xin em giữ kín cho lâu dài một mùa Xuân đã thắm trong tôi.  Đó là chính là Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên thật sư của mỗi chúng ta. Cám ơn nhạc sĩ Từ Công Phụng.

                             https://youtu.be/FC2HeL-X5HM

 

Có một thời, những lời chúc đầy mỹ từ của thân bằng quyến thuộc viết vào những thiệp chúc Tết từ xa gởi đến được trân trọng treo trên cành cây Mai mang lại niềm vui cho gia đình. Nhìn những thiệp Xuân có đủ cỡ lớn nhỏ, đủ màu sắc, ảnh hoa, pháo nổ hay đồng tiền, hình con Giáp tượng trưng cho năm, lòng con nít chúng tôi thật rộn ràng thích thú. Đọc lời viết bên trong cánh thiệp lại càng thú vị hơn. “Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này, Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai. Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm Trong khi xuân ấm mới tô đẹp tháng năm”. Mời bạn thân lắng nghe bản nhạc Cánh Thiệp Đầu Xuân của nhạc sĩ Minh Kỳ - Lê Dinh.

                              https://youtu.be/gPqByrOJiek

 

Bài Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc sĩ Tuấn Khanh có dòng nhạc buồn hơn, tha thiết hơn mang lời tâm sự của một chinh nhân trở về nhà sum vầy bên vợ hiền “Đâu ngời bến bờ hạnh phúc là đây.” Do đó bản nhạc của Tuấn Khanh đã được sự đồng cảm của đông đảo quần chúng biết thưởng thức nhạc. Bài mở đầu với “Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy, anh trở về thăm em. Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến. Em ơi hoa thắm rơi ngập đường, trời nắng xế vương vương. Lòng nhớ đến em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn.

                             https://youtu.be/9perW4O3apI

 

          Từ một bản nhạc không lời sáng tác khi chỉ 11 tuổi, là lúc nhạc sĩ Quốc Dũng đang học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, Quốc Dũng đã soạn lại, viết lời. Em Đã Thấy Mùa Mùa Xuân Chưa ra đời lúc nhạc sĩ chỉ 17 tuổi. Tiếng nhạc nghe réo rắt, lời nhạc ủy mị, chuyện tình buồn gãy đổ, tuyệt hay với điệp khúc “Vì mình xa nhau nên em chưa biết Xuân về đấy thôi.”

                             https://youtu.be/e-5uAESQ6N8

 

Bản Tình Khúc Mùa Xuân có 2 nhạc sĩ sáng tác. Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, chuyện tình như qua 4 mùa. Vào Xuân, lòng người phơi phới, vội đến tìm em “Một hôm gió Xuân sang, Mây lang thang cài tóc em mang, đến thăm em chiều nắng miên man.” Nhưng vào Đông, tình biến mất. Để vào Xuân tới, tự hỏi “Mùa Xuân đến chưa em? Bước chân ai dìu tiếng mưa đêm.” Đây là một trong những bản nhạc Xuân có chút tình buồn, âm điệu quyến rũ khiến nhiều người thích nghe và cũng thích… hát.

                             https://youtu.be/MqflHiBqOq0

 

          Người thứ hai sáng tác bản nhạc Tình Khúc Mùa Xuân là bác sĩ kiêm nhạc sĩ Phạm Anh Dũng. Anh từng phục vụ trong Quân Y VNCH trong thời chiến. Từ hải ngoại cũng như tại VN, dòng nhạc của anh được nhiều người ái mộ, mà cá nhân tôi là một. Khi sáng tác bản nhạc này, có lẽ tâm trạng của người nhạc sĩ vui và thoải mái, nên giai điệu của bản nhạc này nhẹ nhàng, du dương, duyên dáng, vui và mang trọn ý nghĩa của Xuân đoàn tụ, của Xuân yêu đương, của tình yêu thành tựu “Người yêu dấu, xin đến với anh trong nắng Xuân vàng- Cùng nhau hãy vui Xuân thắm tươi, hát khúc tương phùng.” Để “Và đôi ta, như bướm với hoa, ngạt ngào trao hôn” - Mình đặc biệt thích từ “trao hôn” hơn trao duyên, nghe nhẹ nhàng trong trắng làm sao – Bản nhạc này còn có thêm một chút để “nâng niu” vì người trình bày là em gái của BS Phạm Hiếu Liêm, cũng một quân y sĩ thuộc Không Quân VNCH, là một bạn học với mình từ thuở Tiểu Học trường Đồng Khánh, Huế. Tuy là amateur, giọng hát ngọt ngào của Hiếu Trang còn hay hơn cả ca sĩ chuyên nghiệp.

https://www.youtube.com/watch?v=9bCjb5mo5UU 

 

Bản nhạc sau đây được xem như một bản nhạc kinh điển cho mình trong những năm còn miệt mài trên ghế đại học, qua tiếng hát dặt dìu thanh nhã trong điệu luân vũ làm mình không ngừng say mê. “Ngày ấy khi Xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui. Có lứa đôi, yêu nhau rồi, hẹn rằng còn mãi không nguôi” Rồi “Rồi nắm tay cùng nói vui, Những câu êm êm không rời vai. Rồi lả lơi, hình dáng ai, khuất xa biến vào nẻo khơi”. Bản nhạc Khúc Hát Thanh Xuân được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác rất tài tình từ một bản nhạc ngoại quốc.

https://a.msn.com/07/vi-vn/BB1dna7P?ocid=se

 

Bản nhạc Đón Xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với một giai điệu vui tươi, nhịp beats rung cảm, không bao giờ vắng mặt trong trình diễn nhạc Xuân. Đôi khi ngay trong phần mở đầu chương văn nghệ. “Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đem trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối. Ánh Xuân đem vui với đời”. Nghe xong bản nhạc này cảm thấy yêu đời thêm.

                             https://youtu.be/mAMpS3PejlE

 

Ba bản nhạc liên tiếp sau đây không bao giờ thiếu trong những liên hoan mừng Xuân, nhất là của những hội đoàn cựu quân nhân. Được xem như nỗi niềm tâm sự của lính chiến khi mùa Xuân là mùa sum họp gia đình, nhưng với những chiến sĩ trong các tiền đồn, dọc theo biên giới, trong rừng núi xa xôi, nơi vùng chiến trận, họ vẫn làm nhiệm vụ trấn giữ biên cương chống quân thù. “Đầu Xuân năm đó, anh ra đi. Mùa Xuân này đến anh chưa về - Mùa hoa năm đó ta chung đôi, mùa hoa này nửa xa nhau rồi.” “Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa”. Mãi cho đến khi thấy mai rừng nở mới biết Xuân về, người lính đành “đón giao thừa một phiên gác đêm”, ước mong nhận được một cánh thư Xuân đầy thương nhớ. Nay mời bạn nhạc của mình thưởng thức :

 

Phiên Gác Đêm Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

                             https://youtu.be/o8HDz34ifyg

 

ĐỒN VẮNG CHIỀU XUÂn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

                             https://youtu.be/oUHhu4ghmM8

 

 XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân

                             https://youtu.be/TTwJs2slH7w

 

Hầu như những bản nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng mang âm hưởng vui tươi, trong sáng, nặng tình người tình quê hương dân tộc. Sau đây là bản nhạc Xuân Miền Nam của ông, “Từ phương xa, đêm nay Xuân về duyên dáng, bên đôi môi nàng thiếu nữ thấm nét sống.” Và “Miền Nam! Niềm vui chan chứa   đêm mơ hồ. Miền Nam! Tình Xuân sưởi ấm thêm đôi bờ. Giờ đây, mùa Xuân đang xóa tan mây mờ. Quên đi đau thương sầu nhớ. Vui ca tung gieo nguồn sống. Đắp xây Tư Do”. Tiếc thay cho sự thể không như ước muốn!!

                             https://youtu.be/K94VRuojJ78

 

Bài nhạc nghe qua có âm điệu như một bản nhạc dân ca Miền Nam. “Xuân ôi! Xuân vẫn muôn đời yêu mến Xuân – Nhấp chén vui ta chúc nhau ly rượu mừng. Ngày đầu năm hạnh phúc phát tài. Người người gặp nhiều duyên may. Xuân thắm tươi, Xuân nồng say”. Mời bạn thích nhạc Xuân thưởng thức bản Đoản Xuân Ca, một sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn.  

                             https://youtu.be/mMobsXN6SPY

 

Bài nhạc Mùa Xuân Không Còn Nữa của nhạc sĩ Lam Phương có thể nói là một trong những bản nhạc Bolero được yêu thích nhất tại Miền Nam VN. Dù mang một đề tựa rất ư về mùa Xuân, nhưng chỉ có một chữ Xuân trong nguyên bài “Anh biết em hững hờ, để rồi mùa Xuân không còn nữa” và đây là một bài nhạc buồn, than khóc, nước mặt lưng mi “Anh tiếc thương vô cùng lời xưa ước muốn chung đường, niềm vui nỗi nhớ chia đôi, giờ đây mỗi người một nơi.” Và “Mặc anh đếm bước lang thang, nghìn năm mối sầu còn mang.”

https://youtu.be/4hHQ7ixJ9WU

 

Cũng như bài nhạc trên, bản nhạc Lạc Mất Mùa Xuân, do nhạc sĩ Lữ Liên sáng tác từ một bản nhạc ngoại quốc, là một bản nhạc u buồn về mất nhau trong đời, khóc cho cuộc tình trắng bay khi tàn cơn say. Để “Xuân về cho cây xanh lá, có riêng mình anh lạc mất mùa Xuân.” Tuy bản nhạc không mang âm hưởng của vui Xuân, nhưng mình vẫn nhận thấy bản nhạc này vẫn được hát trong những dịp vui Xuân, với các nhóm thân hữu nhỏ, và cũng làm xao xuyến con tim.

                             https://youtu.be/2hZkT9cV2H4

 

Em Còn Nhớ Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên rất được cộng đồng người Việt tỵ nạn mến chuộng, và trình diễn cho nhau nghe quanh năm chứ không chờ chỉ đến mùa Xuân. Chỉ cần nghe 2 câu nhập “Em có bao giờ còn nhớ mùa Xuân – Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ,” là đã cảm nhận sự nhức nhối xao dộng trong lòng với bao hình ảnh, kỷ niệm vui buồn, ê chề đau khổ khi còn sống trong nhà tù lớn tại VN CS. Để nhớ đến quê hương, nhớ đến một Saigon “Nhưng có đâu bằng Saigon hôm qua – nhưng có đâu bằng Saigon mai sau – Em có mơ ngày hát câu hồi hương.” Ông đã cho chúng mình niềm tin.

                             https://youtu.be/gPlRrWFX05k

 

TÌNH TỰ MÙA XUÂN của nhạc sĩ Từ Công Phụng đúng là một bản tình ca đón mừng mọi người yêu nhau, trong bối cảnh “khi mùa Xuân khẽ sang, chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng.” Này em hỡi “Tay, này tay nắm tay, nhìn nhau đắm say như chưa bao giờ. Nghe chừng trong mắt nâu, hồn anh đã tan thành mùa Xuân, ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta.” Để sau đó “Em, lại đây với anh, ngồi đây với anh trong cuộc đời này”. Cả hai chúng tôi đều mê thích bài này, chỉ cần thay đổi ngôi vị khi hát (anh thành em, hay ngược lại) là cảm thấy lâng lâng trong “hạnh phúc mênh mang.”  Cũng vì vậy, xin giới thiệu bản nhạc nầy với ý nghĩa save the best for last – Như chỉ muốn dành cho riêng mình.  

                             https://youtu.be/brZIE4kOzVM

 

Cho phần kết nhạc mùa Xuân, bản nhạc Hơi Thở Mùa Xuân, một sáng tác của nhạc sĩ DươngThu, chiếm cảm tình của trọn gia đình mình. Âm hưởng bản nhạc mang chút gì của dân tộc thiểu số miền núi; lời nhạc diễn tả niềm hạnh phúc trung thực và thanh tao, nghe thật dễ thương “Cho em nắm tay, nắm tay anh khi mùa Xuân về - Cho em khát khao, khát khao anh khi mùa Xuân về.” Người ấy vừa ê a hát vừa trong chừng con gái Bồ Câu, lại vừa nấu nướng. Nên xin các bạn độ lương khi mở nghe.

                            Hơi Thở Mùa Xuân

 

Ba mươi hai bản nhạc Xuân chọn lọc vừa được gởi đến quý bạn nhạc. Mình mong các bạn chọn nghe một vài bài. Vậy là đã thỏa mãn lắm rồi. Nhiều hơn nữa thì quá quý. Nghe hết tất cả là trên tuyệt vời. Có vậy mới thấu hiểu giá trị một thời của nền âm nhạc Miền Nam VN như thế đó.

Trước thềm năm Nhâm Dần, thân mến chúc quý bạn nhạc cùng gia đình một năm mới thân tâm an lạc, vạn sự cát tường.

 

Vĩnh Chánh, cận Tết Nguyên Đán Nhâm Dần





VIỆT NAM ĂN TẾT VỚI THAM NHŨNG (Phạm Trần)

 



Việt Nam Ăn Tết Với Tham Nhũng

Phạm Trần

31/01/2022

https://vietbao.com/a311006/viet-nam-an-tet-voi-tham-nhung

 

https://vietbao.com/images/file/Xo06liXl2QgBADFB/pham-tran.jpg

Phạm Trần.

 

Chưa bao giờ Tết nhất ở Việt Nam lại có nhiều tham nhũng cùng vui Tết với người dân như măm Nhân Dần 2022 khiến Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phải than: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”

Chúng cứ trơ mặt thớt ra giữa công chúng vì chúng là cán bộ, đảng viên có chức và có quyền trong hệ thống cai trị. Chúng là những kẻ tham ô có tổ chức từ trên xuống dưới, từ thành thị về thôn quê, cả hàng dọc lẫn hàng ngang dầy đặc trong cơ chế. Chúng cũng vênh mặt lên cao từ ngay trong các cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, và thi hành luật pháp.

Ngay cả trong ngành Ngoại giao và Y tế cũng tham nhũng đầy người. Vì vậy, Tổng bí thư Trọng, đồng thời là Trưởng “ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” đã kết luận tại phiên họp thứ 21, ngày 20/01/2022: “Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn (như báo cáo các đồng chí đã nêu rất đầy đủ). Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...”  (báo điện tử Đảng CSVN, ngày 20/01/2022).

LIÊN KẾT-LIÊN THÔNG

Nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, từ Khóa đảng XI (2011-2016), đã trực thuộc Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu, đồng thời đích thân chỉ huy cuộc hành quân “đốt lò” mà sao những kẻ tham nhũng vẫn cứ trơ ra như đá?

 

Phải chăng chúng đã có chỗ dựa an toàn, và được chống lưng vững vàng trong guồng máy cầm quyền nên mới tự do tung hoành như lời một thành viên Ban Chỉ đạo đặt vấn đề: “Lò đầu tranh chống tham nhũng, tiêu cực "phừng phừng" như thế, nhưng hành vi tham nhũng, tiêu cực vẫn ngang nhiên, trắng trợn, quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng, có tổ chức thì có ai chống lưng, có ai là chỗ dựa không?” (theo báo Thanh Tra, ngày 20/01/2022).

Sự cấu kết liên thông của bè phái tham nhũng cũng đã được ông Trọng thừa nhận: “Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng.”

Vì vậy, ông Trọng bảo: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý…Về tiến độ, chất lượng xử lý một số vụ án, vụ việc, việc giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn còn chậm tiến độ; hiệu quả chưa cao...Tình hình tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, có mặt còn phức tạp, tinh vi hơn.”

NHỮNG CON SỐ

Tuy vậy, theo báo cáo của Thanh tra, trong năm (2021) : “Đảng đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 bí thư tỉnh uỷ, 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; 3 nguyên phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; 13 sĩ quan đương chức cấp tướng trong lực lượng vũ trang.”

 

Ngoài ra cũng đã: “Thi hành kỷ luật đối với 223 tổ chức đảng và 20.257 đảng viên (tăng 36 tổ chức đảng, 2.188 đảng viên so với năm 2020), trong đó có 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Ngành Thanh tra, Kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 81.290 tỉ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân (tăng 175 tập thể so với năm 2020).”

 

Như vậy rõ ràng tình trạng tham nhũng năm sau đã cao hơn năm trước, lan rộng và càng ngày càng phức tạp khiến ông Trọng phải khuyến cáo toàn đảng:  “Không được chủ quan, thoả mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được, mà phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái.

THỂ CHẾ ĐÂU?

Người đứng đầu đảng còn chỉ thị phải: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng"; cụ thể hoá, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả.”

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đã nói về việc xây dựng thể chế để "không thể tham nhũng" từ hơn 10 năm rồi, bắt đầu từ Khóa đảng XI năm 2011. Đến nay, ông đã cầm quyền qua Khóa XIII, từ năm 2021, mà chưa thấy cái thể chế này được thành hình nên tham nhũng mới sinh sôi nẩy nở tinh vi và nghiêm trọng nhiều như thế.

Vì vậy, theo giải thích của  Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thì: “Nói tham nhũng vẫn nghiêm trọng vì qua những vụ án, vụ việc thấy tài sản thất thoát rất lớn, thiệt hại rất lớn. Nếu như trước đây, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Mobifone gây thất thoát 7-8 nghìn tỷ là rất lớn rồi thì các vụ án gần đây, số tiền thất thoát, thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần.” “Thêm vào đó”, ông Học nói tiếp,”trong nhiều vụ án, có nhiều cán bộ, đảng viên đóng vai trò “tiếp tay, bảo kê, giúp sức, thậm chí đồng phạm”, cho thấy trong đội ngũ cán bộ có nhiều người suy thoái, biến chất. 

"Nói tinh vi bởi có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, giữa các lực lượng. Có vụ việc, vụ án, doanh nghiệp, những người làm công tác khoa học, những người làm công tác quản lý liên kết với nhau để trục lợi nên thủ đoạn che đậy, tạo vỏ bọc để ngụy trang đối phó với các cơ quan chức năng càng ngày càng tinh vi hơn.” (Thanh Tra, ngày 20/01/2022).

Y TẾ VÀ NGOẠI GIAO

Đáng chú ý là khi diễn ra cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng ngày 20/01/2022 thì các cuộc điều tra tham nhũng lớn đang diễn ra tại hai Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao. Vụ Bộ Y tế có liên quan đến “Kit xét nghiệm nhanh”  Covid-19 (SARS-CoV-2) của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nhập từ Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2021.

Giá khai báo mỗi Test Kit của Việt Á là 0,955 USA (khoảng 21.560 đồng. Nhưng Việt Á, được sự thông đồng của một số viên chức Bộ Y tế và 7 Bệnh viện đã nâng khống giá lên để tham nhũng

Những Bệnh viện này gồm:  Bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Nhi trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất. Theo báo cáo của Công an thì: “Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt khai nhận đã móc ngoặc với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng.”

 

Công an nói tiếp: “Kết quả điều tra đến nay xác định doanh thu bán kit xét nghiệm cho các tỉnh thành gần 4.000 tỉ đồng và riêng Công ty Việt Á thu về trong vụ này trên 500 tỉ đồng.”

Trong khi đó, báo Quân đội Nhân dân cho biết: “Thời gian qua, liên tiếp có một số cán bộ ngành y tế bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra, xử lý do những sai phạm trong thực hiện công vụ. Điển hình nhất là các vụ việc liên quan đến ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh); trước đó là vụ án của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã bị đưa ra xét xử. Trong những vụ việc này, nhiều cán bộ liên quan cũng bị khởi tố để điều tra hoặc đã phải vào tù.

Sai phạm của họ do liên quan đến mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; cấp số đăng ký lưu hành nhiều tân dược giả...” (báo Quân đội Nhân dân, ngày 15/11/2021).

Chuyện này nhắc ta nhớ lại những mẩu chuyện cán bộ tham nhũng “ăn không từ một cái gì” thời 2013. Hồi  đó,  Phó Chủ tịch Nước, bà Nguyễn Thị Doan từng nói với Ủy ban Thường vụ Quốc hội:” Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”. (theo báo Tuổi Trẻ Online ngày 11/09/2013).

 

Trong lĩnh vực Bảo hiểm Y tế, bà Doan tố cáo: “Hiện nay số kết dư quỹ bảo hiểm y tế 13.000 tỷ. Số này chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. Người có thẻ bảo hiểm kêu là được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực. Đa phần người có bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn.”

Bà nói tiếp: “Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra. Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”

 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn cũng lên tiếng tại buổi họp: “Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền là mệt, cô y tá chích vào người cũng đau hơn.”

 

Ngoài ra có tin từ Bộ Ngoại giao cho biết “Bộ đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự để phục vụ công tác điều tra. Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cá nhân nêu trên về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.” (báo Người Lao Động (NLĐ), ngày 29/01/2022).

Vụ này  xẩy ra trong năm 2021 khi “Nhà nước có chủ trương tổ chức những chuyến bay “giải cứu” người Việt Nam đang bị kẹt lại ở nước ngoài về nước”, theo báo NLĐ.

Nhưng một số viên chức Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam, theo báo này, đã “Nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.”

 

NLĐ viết tiếp: “Ai cũng hiểu, vé một chiều từ Mỹ về Việt Nam lên đến 5.000 - 6.000 USD; từ Singapore về nước cũng phải mất 40 triệu đồng, là vô lý.” 

 

Vì vậy, ngày 28-1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết: “Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao”, theo NLĐ.

“Nhưng người liên quan đến vụ án gồm: Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh; Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) Lưu Tuấn Dũng”. (báo Người Lao động, ngày 30/01/2022)

Ngoài những vụ tham nhũng có tổ chức, người dân còn phải hàng ngày đối phó với nạn tham nhũng đường phố của lực lượng cảnh sát; lực lượng cảnh sát kinh tế, cán bộ thuế quan, các trạm kiểm soát lưu thông đường bộ, đường sông và đường biển. Đấy là không kể những ông Kẹ từ Thôn lên Xã, trên Huyện và ở  Tỉnh, Thành phố vẫn hàng ngày coi dân là chỗ để làm giầu phi pháp.

 

Như vậy, xem ra người dân sống trong thời Cộng sản cai trị đã phải ăn ngủ chung với Tham nhũng quanh năm, kể cả vào dịp Tết Nguyên Đán.

 

– Phạm Trần

(Đầu năm Nhâm Dần, 2022)





NGƯỜI NAM BỘ XƯA ĂN TẾT QUA BÀI VIẾT CỦA HỌC GIẢ VƯƠNG HỒNG SỂN (Trầm Thanh Tuấn)

 



Người Nam bộ xưa ăn tết qua bài viết của học giả Vương Hồng Sển 

Trầm Thanh Tuấn

20:59 | Thứ sáu, 28/01/2022

https://nguoidothi.net.vn/nguoi-nam-bo-xua-an-tet-qua-bai-viet-cua-hoc-gia-vuong-hong-sen-33516.html

 

Vương Hồng Sển (1902-1996), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ Việt Nam. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Khi qua đời ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân đường phủ) và toàn bộ sưu tập đồ cổ của mình cho Nhà nước.

 

Trên Tập san Sử Địa số 05, 30.1.1967, tòa soạn đã đăng bài viết “Cảm tưởng về Tết trong Nam” của cụ Vương (viết ngày 13 tháng 12 năm 1966). Với cái nhìn hoài niệm về Tết khoảng thập niên 30 – 40 của thế kỷ trước, tác giả đã đề cập đến những chi tiết rất cụ thể về những cổ tục mà một số bây giờ đã biến đổi hoặc không còn nữa.

 

Cũng như miền Bắc, miền Trung người miền Nam bắt đầu đón tết từ việc quét tước dọn dẹp nhà cửa sau một năm làm ăn tất bật, tay lấm chân bùn “Mấy chục năm về trước, Miền nam gồm toàn người củi lụt làm ăn, đầu tắt mặt tối, quanh năm chơn lấm tay bùn, lặn lội eo sèo trong sình lầy nước thúi, chỉ có mỗi lần Tết đến mới có dịp nhớ đến ngôi nhà đang ở và ra công quyét tước dọn dẹp từ trên trang thờ đến bếp núc ông Táo ông Vôi, một năm chỉ có một lần ấy mà thôi”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b5a0e0bb-bbbb-4069-aa29-7c35e6fb1fdf.jpg

 

Người miền Nam xưa vẫn giữ lệ trồng cây nêu “Nhà nào có vườn có sân thì đốn tre trồng nêu để nhắc lại cổ tục chầu xưa, nhà nào ở chợ búa phố xá hẹp hòi thì cũng treo cờ trước cửa cho gió bay mấp máy thấy đủ vui mắt”. Cây nêu ở đây là cây tre dài khoảng 5-6m, được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân chầu Trời. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai.

 

Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…

Trong những ngày Tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/e631bc77-52db-4b4e-94ac-4e789656d437.jpg

 

Người miền Nam xưa vẫn giữ tục dán liễn đối vào hai bên cột, nơi bàn thờ gia tiên với những câu đối mang ý nghĩa giáo huấn, ca tụng công đức của tiên tổ. “nhà nhà bất luận sang hèn, dẫu ọp ẹp bằng tre lợp lá chằm lá khíu, cũng có đôi liễn mới dán đỏ cột”.

 

Trên bàn thời gia tiên ở miền Nam thường có chưng lộc bình và bộ lư hương. Năm hết tết đến nhà nhà đem bộ lư hương xuống làm sạch gọi “chùi lư”. Khi “chùi lư” phải chùi thật sạch để bộ lư sáng loáng “trên bàn thờ tổ tiên sao sao cũng có lộc bình, quả tử, nhứt là phải có bộ lư đồng và cặp chưn đèn thau o bế chùi bóng nhoáng rất nên thơ”.

 

Thế nên trong cái nhìn hoài niệm, cụ Vương cảm thán khi hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ: “Nhớ đến phong tục chùi lư mà tiếc hối buổi xuân thời: lúc nào còn bé thơ, mãi sợ nạn chùi lư vì mỏi tay thêm mất dịp đi xin bánh và đi lượm pháo tịt ngòi. Nay đã khôn già thì người lớn đã khuất hết, tiếc cho mình nay không còn cha mẹ để được bắt chùi lư!”. Những đoạn tiếp theo cụ Vương Hồng Sển thể hiện sự tiếc nuối của mình vì chiến tranh tao loạn mà gia đình đã để mất đi bộ lư hương quý.

 

Giờ có tiền muốn mua lại cũng không được vì chỉ có “đồ hàng” không sắc sảo như những bộ lư xưa: “Lối năm 1920, bộ lư đồng năm tấc bề cao, giá độ năm chục đồng bạc lớn, nhưng năm chục đồng bạc ấy lớn thật, có bao nhiêu ấy mua sắm lung tung và giá trị năm chục đồng bạc 1920 còn lớn hơn năm ngàn bạc ngày nay xa lắc! Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên chóp đỉnh có đặt con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười “cầu phúc”, có thứ lư gồ ghề rất khó chùi cho bóng, vì lư làm theo kiểu “lư mắt tre”, lư “trúc hóa lân”. Lư trơn láng thì phải lựa thứ kiểu thật rôm, xứng trái xứng bề cao. Lư mắt tre thì phải lựa cho được thật hùng vĩ, bặm trợn, cân xứng y gốc tre già cỗi đã biến hình thành con thú, con lân”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/7ac3eebc-b809-46e5-8483-712f750f35ac.jpg

 

Kế đến tác giả đã tỉ mỉ thuật lại quá trình “chùi lư” của người miền Nam xưa “Muốn chùi lư cho bóng, lọ là phải có dầu bóng hiệu Tây-u cho thêm tốn nhiều tiền. Miễn có khế chua đập giập lấy nước chua chấm với tro bếp thật mặn, chấm với “c.. bần” cọ xát thật mạnh thì bao nhiêu ten rỉ cũng sạch. Lư khéo chùi là đến khi nào bóng sáng đến ngó thấy mặt tỏ rõ, nhưng bóng lộn không chưa đủ, thuở ấy con mắt mỹ thuật còn kén thi nhau khoe khéo khoe tài. Giỏi chùi và biết “trau lư” là nhà nào lư bóng như kiếng soi thêm toàn trên da đồng, tìm không thấy lằn gạch lằn trầy, lằn rễ tre vằn sọc”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/1d8a560a-c430-444e-a811-333f5fbdb546.jpg

 

Người Nam bộ xưa quan niệm nhà cửa sau một năm thì dọn dẹp cho quang quẻ thì con người cũng thế. Sau một năm tối mắt tối muỗi với ruộng đồng thì họ cũng sẽ sắm sanh áo mới và việc ấy cũng lại rất thiêng liêng: “Xưa muốn cắt áo phải tra lịch lựa ngày, và trẻ nít phải đợi đến Tết mới có dịp cha mẹ may cho cái quần lãnh Bắc Thảo hay cái áo lá liễu bằng củng xá hay hàng lụa Tứ Xuyên bền chắc”.

 

Do chỉ đến cuối năm mới có áo mới, nên đó chính là niềm mong đợi của trẻ con tuy nhiên khi đời sống vật chất được nâng lên, người ta có thể mua đồ mới cho con trẻ bất cứ khi nào thấy cần thì niềm vui chờ đợi áo tết lại không còn vẹn nguyên như xưa “Ngày nay đâu còn hạnh phúc mừng xuân đến “không nhắm mắt được” và tục chờ mau đến Tết để được bận đồ mới!”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/aa0bf625-1987-4da2-922c-2e0de9d4cec3.jpg

 

Chơi trò đổ Tam Hường chỉ cần có bộ hột xúc xắc (còn gọi là hột xí ngầu) và bộ thẻ, có được một tô sứ to, sâu lòng để bung hột xúc sắc nữa thì tốt. Các thẻ trong bộ Tam Hường được mang tên những học vị đạt được trong thi cử thời xưa. Cách chơi chỉ cần bung vào tô sứ 6 hột xúc xắc, qua các mặt xúc xắc hiện lên, theo quy định mà người chơi giật được thẻ Trạng nguyên, thẻ Bảng nhãn hay Thám hoa, hay Tiến sĩ… Tên gọi các thẻ xăm phần nào đã thể hiện khát vọng đạt được khoa bảng của sĩ tử ngày xưa, phần nào đó cũng thể hiện được tính thanh tao của một trò chơi nho nhã.

 

Trẻ con Nam bộ xưa cũng đã chơi trò này như một thú tiêu khiển vào những ngày Tết: “Tượng trưng “ăn Tết” đối với trẻ con buổi ấy là mỗi lần cận Tết, đêm nào cũng nghe cô bác “đỗ Tam Hường” tiếng hột lút lắt ngà nhảy bồng trong tô da kiểu, tiếng xu bạc khua khi chung tiền, tiếng cười giòn khi đổ được Trạng Nguyên, Bảng Nhãn hoặc khiêm tốn chỉ đỗ “Ngũ tử phò tứ”, tức là sáu hột có năm mặt chữ “Ngũ” và một mặt tứ màu hồng”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ff3f7610-a01f-44c2-9c3d-e21be1ce1024.jpg

 

Đến chiều ba mươi Tết, người Nam bộ cũng cúng kiến để rước gia tiên về xum vầy bên con cháu mà Vương hồng Sển gọi là cúng “vào Khem”. Cũng kể từ đây những cử chỉ hành vi của mỗi người trong gia đình phải thủ lễ kiêng khem vì người Nam bộ quan niệm ”Cứ từ chạng vạng tối bắt đầu phải giữ gìn cho trong nhà bình tịnh, không nên cười lớn và khi nói phải lựa lời, cử chỉ phải thanh bai lễ giáo vì hiểu rằng vào khem trong nhà có rước vong ông bà quá vãng về sống chung ba ngày xuân nhựt với con cái, nên phải thủ lễ. Lại nữa cũng tin tưởng, tin rằng đêm ba mươi rạng mồng một Tết, có ông Hành cũ và mới đến nên trong nhà nhỏ lớn đều kiêng không “động đất”. Và cũng từ quan niệm trên đã hình thành nên mỹ tục đẹp trong văn hóa Tết của người Nam bộ “nhiều gia giáo ngày nay còn giữ được lệ cấm nói tục tĩu ba ngày Tết và bớt rầy la con cháu khi lâm lỗi buổi đầu xuân, ý tốt muốn giữ là mong năm mới và suốt năm ăn nói thanh bai thì sẽ trọn năm không xúi quảy”.

 

Người Nam bộ xưa còn có những tục thú vị trong đêm trừ tịch như xem tim đèn cháy, nghe tiếng con vật đầu tiên kêu trong năm mới để báo điềm lành: “Tết đến lại có dịp vặn máy hát thức xem đèn dầu, tim bằng cỏ bấc trổ bông báo điềm lành và nhờ đêm thanh tịnh không tiếng súng nổ mà cũng không tiếng máy bay rầm rầm, nên cổ nhân canh chừng mới biết được “con thú gì ra đời”: gà gáy đem lại thăng bình hay chuột túc con bày điềm sang năm sung túc”.

 

Về ăn uống, với hương vị những loại bánh trái đặc trưng của Nam Bộ như bánh phồng, bánh tét cũng gợi ra trong học giả Vương Hồng Sển biết bao kí ức đẹp. Đó cũng chính là những nét đẹp của văn hóa Tết Nam bộ “tiếng chày giòn quen tai cận Tết giã gạo làm bánh phồng dịp dầu Xuân và khói lửa chiến chinh đã dập tắt lửa cuối năm nấu bánh tét bánh chưng. Ngày nay muốn ăn những bánh khiêu gợi Tết, đã phải nhờ quán khách làm sẵn, chớ còn đâu lửa reo vui mắt bữa chưng bánh chung quanh gia đình đoàn tụ, ông kỹ sư tóc hoa râm, đứng chờ bánh nói chuyện với nhà học giả quá mùa, xúm xít gần bà mẹ tuy lụm cụm nhưng không khứng bỏ tục cổ truyền. Hai ông tân nhơn vật tuy bụng chứa đầy văn minh Âu Mỹ, nhưng trong lòng thỉnh thoảng vẫn thèm vẫn nhớ miếng bánh phồng nướng bằng lửa rơm thơm ngát, hay miếng bánh nhưn đậu giữa có cục mỡ béo bùi của đòn bánh tét gói và nấu tại gia, bánh ấy tuy xấu mặt nhưng hương vị đặc biệt đã đánh lui các bánh tây bánh ngoại quốc dồn vào kẹt tủ buổi Tân Xuân”. Tác giả so sánh rượu Tàu, rượu Tây để rồi đúc kết lời khuyên “Sao cho bằng uống mỹ tửu quốc hồn”. và cái mà Vương Hồng Sển gọi là “mỹ tửu quốc hồn” chính là rượu đế Thủ Đức, “Xứ Cai Lậy (Mỹ Tho) có đặt rượu đậu nành nước trắng trong khe, mùi thơm ngon ngọt có thua gì rượu Tây, rượu lục vị, Pháp danh là Anisette”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/cb07d4eb-ad77-4929-affd-80459324ca5a.jpg

 

Ngoài ra Vương Hồng Sển có nhắc lại một cổ tục của người Nam Bộ xưa, mà ngày nay đã mai một “Nhắc lại một phong tục nhỏ trong Nam. Ba ngày Tết trong nầy ăn dồn thịt kho, thịt lạp xường và vịt phơi khô, nhiều ngày quá nên lợm giọng, vì thế qua ngày mồng bốn Tết có lệ “cúng tất”, tết nhà tết cửa. Ngày ấy nấu bữa cơm cúng đất đai ông bà, lễ tất, đại để có tục lệ cắt giấy kim ngân ra hình vuông hình hồ lô để dán vào cột cửa tủ bàn và dâng lên bàn thờ Tổ tiên “nồi cháo cá ám”. Cũng thì cháo cá nhưng cháo nấu kiểu cá luộc chần thì vẫn cá luộc sơ và xắt khúc, không để nguyên con, còn trái lại “cháo cá ám” là nấu nồi cháo rất kỹ, cá để nguyên con không chặt ra khúc và khi nấu nồi cháo vẫn không đậy nắp vung (nấu ám). Theo tôi đây là món thuốc vệ sanh trừ độc của ông bà lưu truyền lại, vì ba ngày tết ăn mỡ đã nhiều, qua mồng bốn ăn tô cháo ám có rau ghém chát xắt nhỏ, chuối cây non và rau thơm, vừa nhẹ lòng khoan khoái thêm ngon miệng, trở bữa, nghệ thuật bí quyết trường sanh là đó!”. Có thể nói đây là một tục hay thể hiện sự minh triết trong văn hóa ẩm thực của người Nam Bộ.

 

Người Nam Bộ từ xưa đến nay vẫn giữ tục lì xì tiền cho con trẻ mong chúng mau ăn chóng lớn học hành giỏi giang “… độ nào phải chờ Tết đến mới có dịp cho trẻ con thấy đồng xu đỏ au và bạc cắc phong gói trong tờ giấy làm gói “lì xì” tân niên. Được vài ba gói trẻ đã mừng húm, nhờ vậy mà con nít chóng lớn và người lớn thấy vậy cũng phấn khởi thấy đời thêm vui”. Tuy nhiên có thể thấy khởi nguyên tục này xưa kia người lớn chỉ lì xì tượng trưng, chủ yếu đề cao giá trị tinh thần thế nhưng chính từ thời Vương Hồng Sển sống mỹ tục này ít nhiều đã biến tướng “Ngày nay đổi đời, trẻ con đi học đã có bạc ngàn bỏ túi, và thử cho trẻ một tờ giấy bạc năm trăm, chưa thấy nó mừng bắng lớp trước đây, được thưởng nửa đồng bạc đã cắp ca cắp củm để dành và đó là sưu tập phẩm cà rô bi (roupie) hiếm có”.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ceaf1a1c-3745-4921-87bd-d7662c454faa.jpg

 

Bên cạnh đó tục xin lộc đầu năm cũng đã có trong tâm thức người Nam bộ “Mấy năm gần đây có tục lệ đầu năm đi xin xăm nơi miếu Tả Quân trong Gia Định, báo hại các bà di cư ham hái lộc như thuở nào ở ngoài kia, báo hại kiểng cây kiểng gốc trong Lăng trụi lủi lá cành. Xin lộc là một phong tục cổ kính của xứ có hoa đào hoa hồng hoa thủy tiên. Đất Nam Trung ít bông nhiều lá làm gì có hoa chời chở để hái lộc?”. Nhưng với tục này chính bản thân cụ Vương cũng đã thấy cái thô lậu của nó không phù hợp để duy trì trong hệ thống văn hóa Tết của người Nam bộ.

 

Bài viết kết thúc bằng những trăn trở vẫn vẹn nguyên tính thời sự “Tục thờ kiếng ông bà đã xem nhẹ hơn xưa và cái lễ Tết là lễ nhớ người chết đã trở nên ngày xả hơi vui chơi của người sống. Chúng ta có thể giản dị hóa phần nào những gì phiền phức rườm rà, nhưng không nên để cho mất ý nghĩa của cái Tết cổ truyền của một xứ lấy việc nông tang làm gốc, chớ nên quá duy vật mảng ăn chơi vui sướng cho mình mà quên câu “mộc bổn thủy nguyên” trước có ông bà sau mới có ta vậy. Theo tôi, ngày Tết Nguyên Đán phải được bảo tồn với bao nhiêu cổ tục của nó”. 

 

Năm mới bàn lại bài viết cũ của cụ Vương âu cũng là cách để hiểu thêm về tấm lòng của một con người luôn đau đáu suy tư về những giá trị hóa đẹp của Nam bộ nói riêng cũng như của văn hóa Việt nam nói chung.

 

Trầm Thanh Tuấn