Friday, December 31, 2010

NHÌN LẠI TÌNH HÌNH VIỆT NAM NĂM 2010 (Lý Thái Hùng)

Lý Thái Hùng
Cập nhật ngày: 1/01/2011

Ngày 29 tháng 12 năm 2010, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã chủ tọa phiên họp chính phủ cuối năm để đánh giá tình hình hoạt động toàn năm 2010. Dựa trên báo cáo của các Bộ, ông Dũng cho rằng chính phủ của ông đã “hoàn thành những nhiệm vụ lớn” như giữ cho nền kinh tế không bị lạm phát cao, kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng 6,78% cao hơn mức dự kiến 6,5%, sản xuất công nghiệp và nông nghiêp gia tăng đáng kể, cải cách giáo dục và y tế đạt kết quả cao, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt. Đặc biệt ông Dũng nhấn mạnh rằng chính phủ của ông ta đã “xuất sắc” trong vai trò chủ tịch khối ASEAN trong năm 2010, khiến cho thế giới thán phục và đánh giá cao.

Hãy gác qua một bên những tiêu cực đầy rẫy và trầm trọng trên đất nước, và xét xem hình ảnh “lạc quan” như ông Dũng đúc kết đến từ đâu:

Thứ nhất là CSVN đã phí phạm gần 84 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ Mỹ Kim) cho cái gọi là mừng đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long diễn ra vào đầu tháng 10 năm 2010 sau hơn 7 năm chuẩn bị.
Thứ hai là đã chi hàng chục triệu Mỹ Kim để “thù tiếp” các quan khách ngoại quốc trong những buổi tiếp tân ngoại giao nhân việc Hà Nội đứng ra triệu tập các Hội nghị cấp cao ASEAN trong suốt năm 2010, với tư cách là chủ tịch ASEAN.
Việc xài tiền một cách phung phí nói trên không những đã không làm cho thế giới thấy Việt Nam là quốc gia giàu có hay tiến bộ như ông Dũng vọng tưởng, mà còn làm thế giới cười chê mai mỉa đối với một tập đoàn lãnh đạo đã “vung tay quá trán” trong tình hình kinh tế suy thoái và sự nghèo khó nói chung của người dân. Ông Dũng và các Bộ đã không hề nhắc đến những dự án phá sản như nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thủy Điện Sơn La, tình trạng bội chi ngân sách dẫn đến tiền vay nợ lên đến 56% GDP. Nhất là ông Dũng đã không hề nói đến đồng bạc Việt Nam đang bị tụt giá, khiến cho lòng tin của người dân vào đồng nội tệ bị giảm sút; người dân đổ xô lưu giữ đồng Mỹ Kim, tạo áp lực tăng giá đồng Mỹ Kim và gây bất lợi cho nền kinh tế một cách trầm trọng vì sẽ làm tăng giá nhập cảng hàng loạt với hệ lụy là lạm phát gia tăng phi mã và người dân nghèo lại càng thêm khốn khó.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công thương cũng đã không nói thật về tình hình kinh tế Việt Nam hiện đang bị hàng hóa Trung Quốc khống chế như thế nào trên thị trường Việt Nam. Họ chỉ khoe chung chung rằng nhập siêu hàng hóa đã giảm 5% và bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng những con số báo cáo này không thấm gì với mức nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc là 65% trong năm 2010. Nói cách khác, thị trường Việt Nam hiện đang là sân sau tiêu thụ hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.

Trong khi đó, vào cuối tháng 12 vừa qua, Công ty định mức tín nhiệm Standard & Poor’s Ratings Services vừa tuyên bố cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm trái phiếu của CSVN, và còn khuyến cáo là có thể cắt giảm nữa nếu không có những biện pháp cải thiện về tình trạng lạm pháp, bội chi ngân sách và nhất là những số nợ tồn đọng chưa thanh toán của Tập đoàn Vinashin.

Bên cạnh những khó khăn nói trên, sự phá sản của tập đoàn Vinashin với 4,5 tỷ Mỹ Kim đã đặt cho CSVN một vấn đề mới rất nghiêm trọng. Đó là nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề quản trị và tính hiệu quả của các tổng công ty mà CSVN cho thành lập từ năm 2000 trở đi, và các tập đoàn kinh tế được thành lập từ năm 2006 tới nay như là những cột trụ của nền kinh tế, thì toàn bộ nền kinh tế Việt Nam có thể bị sụp đổ sau hơn hai thập niên đổi mới.

Do đó, nhận định đầu tiên về tình hình Việt Nam trong năm 2010 chính là sự nổi bật những yếu kém của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam về mặt kinh tế. Đương nhiên trách nhiệm này đổ ập lên đầu ông Nguyễn Tấn Dũng là người nắm trong tay thực quyền về chính trị lẫn kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng tuy chỉ là Thủ tướng đứng sau ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng, nhưng trong thời buổi đảng phải mở cửa vận động đầu tư buôn bán hầu tìm phương tiện từ bên ngoài nuôi sống chế độ, quyền lực của Thủ Tướng theo sự phân nhiệm hiện nay của Bộ chính trị - nắm cả về đối ngoại lẫn kinh tế - đã trở thành một thế lực lớn ở trong đảng. Chính quyền lực vượt trội của Thủ tướng khiến ông Nguyễn Tấn Dũng đã thao túng toàn bộ, từ trong đến ngoài đảng, từ kinh tế đến chính trị và ngoại giao, và trở thành cái đích nhắm của các phe nhóm cũng như là nguyên uỷ của nhiều vấn đề trên đất nước. Có thể nói 2010 là năm ông Dũng bị các phe quyền lực khác tấn công nặng nề nhất.

Với một số những bối cảnh chung được lược duyệt nói trên, tình hình Việt Nam năm 2010 có bốn sự kiện lớn sau đây đáng cho chúng ta quan tâm:

Thứ nhất là vụ phá sản Tập đoàn đóng tàu Vinashin với sự vỡ nợ 4,5 Tỷ Mỹ Kim, đã là một biến sự tạo một chấn động rất lớn trong năm 2010. Một quốc gia với Tổng sản lượng (GDP) chỉ có gần 100 tỷ Mỹ Kim một năm mà lại để cho một tập đoàn kinh tế phá sản lên đến gần 5 tỷ Mỹ Kim (5% GDP), và chỉ có 5 người mới đang…. bị điều tra là điều không thể tưởng tượng. Ngoài ra, khi một số đại biểu yêu cầu quốc hội biểu quyết về sự tín nhiệm vai trò Thủ tướng và một số cán bộ thừa hành trách nhiệm vụ Vinashin thì Bộ chính trị đã ra lệnh cho Ủy ban thường vụ Quốc hội phải lên tiếng bác bỏ yêu cầu này vì cho là không cần thiết. Thay vào đó, ông Dũng trong cương vị của người trực tiếp chỉ đạo Vinashin chỉ lên tiếng nhận trách nhiệm sai sót quản lý rồi thôi.
Ở những quốc gia dân chủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải từ chức và tất cả những cán bộ điều hành Vianshin phải vào tù và bị niêm phong tài sản kể cả của ông Dũng. Thế nhưng ở Việt Nam thì ngược lại: chính những Tổng biên tập của ba tờ báo phanh phui vụ phá sản Vinashin lại bị cách chức hay bị cảnh cáo. Rõ ràng là sự phá sản của Vinashin đã cho dư luận nhìn thấy rõ cấp lãnh đạo CSVN đã bao che và ăn chia tài sản quốc gia ở mức không cần phải che dấu nữa.

Thứ hai là CSVN đã chi 84 ngàn tỷ đồng, tương đương với 5 tỷ Mỹ Kim để tổ chức Lễ Hội Kỷ Niệm 1000 Năm Thăng Long, mang nội dung thần phục Bắc Phương. Đây có thể coi là một công trình chuẩn bị công phu nhất, tốn kém nhất kéo dài trong gần 8 năm; nhưng lại là công trình vô bổ nhất và bộc lộ ý đồ thuần phục Bắc Kinh rõ rệt nhất. Mặc dù CSVN đã cho bộ máy tuyên truyền nói ra rả từ một năm trước đó là họ sẽ dựng lại hào khí dân tộc thời Nhà Lý của Thế Kỷ 14 trên đất Hà Nội để cho thế giới chiêm ngưỡng, nhưng những công trình phô diễn chỉ mang tính bôi bác, chưa khánh thành đã suy sụp, hư hỏng, và phản bội lại lịch sử hào hùng của cha ông. Trong cuốn phim ghi lại một giai đoạn lịch sử của Lý Thái Tổ, tất cả những quần áo, phong cảnh đều là của Tàu, khiến dư luận rất phẫn nộ và Hà Nội đã phải ra lệnh cấm chiếu.
Đặc biệt là CSVN lại chọn ngày 1 tháng 10 làm ngày khai mạc Lễ Hội trùng với ngày quốc khánh Trung Quốc và chọn ngày 10 tháng 10 làm ngày bế mạc Lễ Hội trùng với ngày quốc khánh Đài Loan. Dù CSVN có giải thích cách nào đi nữa, việc chọn ngày khai mạc và bế mạc của một đại lễ mang tính chất sĩ diện của dân tộc lại trùng hợp vào ngày vui của quốc gia từng xâm lược nước ta là một hành vi sỉ nhục tổ quốc không thể chấp nhận được. Chính trong bối cảnh thuần phục Bắc Kinh như vậy, phong trào vẽ sáu chữ vàng HS.TS.VN đã xuất hiện tại nhiều thành phố ở khắp ba miền đất nước đã tạo sự chú ý trong dư luận.
Đặc biệt vào ngày 9 tháng 10, cao điểm của Lễ Hội 1000 Thăng Long, các đảng viên đảng Việt Tân đã xuất hiện tại công viên Lý Thái Tổ, trung tâm thủ đô Hà Nội để phát áo mũ “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, công bố bản lên tiếng kêu gọi chống hiểm họa Bắc Thuộc, đồng thời giương biểu ngữ “Vì Thăng Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Họa Bắc Triều”. Hành động nói trên của các đảng viên Việt Tân đã xiển dương tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, cương quyết bảo vệ bờ cõi và không chấp nhận bất cứ hành vi xâm lược nào của Bắc Phương.

Thứ ba là vụ Quốc hội CSVN đã bỏ phiếu bác bỏ dự án xây dựng con đường sắt cao tốc Bắc Nam với chi phí lên đến 54 tỷ Mỹ Kim do Nhật cho vay và giúp đỡ kỹ thuật xây dựng. Nhật Bản giúp cho CSVN xây dựng vì muốn tìm công ăn việc làm cho những công ty Nhật theo nguyên tắc của ODA. Trong khi đó những cán bộ cao cấp của CSVN cổ võ cho dự án này với hai mục tiêu: bề ngoài thì họ muốn tạo một “thành quả” nào đó khả dĩ có thể khoe là chế độ có khả năng xây dựng và phát triển Việt Nam sau 2 thập niên đổi mới, nhưng thực chất chỉ là một kế sách bòn rút tài nguyên quốc gia của những cán bộ trong guồng máy chính quyền Nguyễn Tấn Dũng.
Nhiều chuyên gia và học giả nghiên cứu cho thấy là với tình trạng kinh tế èo uột, đời sống người dân còn quá khốn khó, người sử dụng đường Shikansen (tên gọi đường sắt cao tốc theo Tiếng Nhật) không là bao nhiêu nên chắc chắn sẽ bị lỗ và trở thành xa xí phẩm. Quốc hội CSVN đã bị tách làm 2 khuynh hướng khi bỏ phiếu biểu quyết. Đa số thì bỏ phiếu bác bỏ dự án, cho rằng cần dành ngân khoản xây dựng này cho người dân nghèo. Sự bác bỏ xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam của quốc hội CVSVN cho thấy là chính trong nội bộ CSVN đã và đang có một khuynh hướng “bất tuân phục” các chỉ thị từ đảng hay từ cơ chế cao hơn mà không có tính thuyết phục.

Thứ tư là lời tuyên bố trở lại Biển Đông sau một thời gian dài bận đối phó cuộc chiến tại Á Phú Hãn và Iraq của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã tạo những biến chuyển mới tại vùng Á Châu Thái Bình Dương. Tại Hội nghị an ninh khu vực hôm 23 tháng 7 năm 2010, bà Hillary Clinton đã đặt cả Trung Quốc lẫn các nước trong khối ASEAN vào một sự kiện bất ngờ, khi bà tuyên bố rằng Hoa Kỳ đề nghị quốc tế hóa các tranh chấp trên biển Đông, đồng thời coi vấn đề di chuyển trên biển Đông là một sự hợp tác chung không thuộc lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Sự tuyên bố cứng rắn về thái độ của Hoa Kỳ trên biển Đông không những làm cho Trung Quốc tức giận và tạo ra sự căng thẳng giữa hai nước mà còn làm thay đổi mối quan hệ giữa CSVN với Hoa Kỳ và giữa ASEAN với Trung Quốc.

Trong việc trở lại Biển Đông, đối tượng mà Hoa Kỳ tranh thủ chính là CSVN hơn là ASEAN; ngược lại CSVN cũng nhìn thấy Hoa Kỳ là chỗ dựa cần thiết để kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, mặc dù Hà Nội không muốn tạo thế đối đầu với Bắc Kinh. Theo đánh giá của ông Lê Công Phụng, đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ trong một trả lời phỏng vấn gần đây cho rằng quan hệ chiến lược giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn sẽ tiến mạnh hơn nữa trong năm 2011. Hiện chưa có thể thẩm định mối quan hệ chiến lược giữa CSVN và Hoa Kỳ sẽ diễn ra như thế nào, nhất là những quan hệ về quân sự; nhưng có một điều ai cũng thấy là lãnh đạo Hà Nội rất sợ đòn “diễn biến hòa bình” của Hoa Kỳ. Do đó, tuy mở rộng thêm quan hệ với Mỹ, nhưng CSVN sẽ tiếp tục nằm trong vòng kềm chế của Trung Quốc.

Ngoài một số sự kiện nổi bật đề cập bên trên, trong năm 2010 còn có một biến cố đáng chú ý như cuộc tụ họp tự phát của hàng ngàn người dân Bắc Giang từ các quận xã kéo về trước Ủy ban nhân dân Tỉnh phản đối vụ công an đã đánh chết một thanh niên trong lúc điều tra vào tháng 8 năm 2010. Vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị công an CSVN dàn dựng bắt giữ hôm mồng 4 tháng 11, từ tội “chơi gái” sang tội “tuyên truyền chống phá chế độ”. Vụ Tướng Vũ Hải Triều khoe khoang là đã chỉ thị cho lực công an mạng ngăn chận, phá hoại các trang Blog, Facebook, và một số trang web có nội dung chống chế độ Hà Nội và liền sau đó là hàng loạt các trang Web như Việt Tân, Đàn Chim Việt, Thông Luận, Người Việt, Đối Thoại… đã bị tấn công bằng DOS (Denial of Service Attack) liên tục. Vụ một số cựu đảng viên cán bộ về hưu của đảng CSVN cảnh báo về việc 10 tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đã cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn một cách dài hạn để nuôi trồng cây công nghiệp, một hình thức bán đất cho Trung Quốc.

Tóm lại, tình hình năm 2010 đã để lại hai dấu ấn đáng chú ý:

Thứ nhất là sau 20 năm mở cửa kinh tế, quyền lực chính trị đang chuyển từ “bộ máy đảng” sang các “bộ phận trực thuộc” như chính phủ, quốc hội. Sự lên tiếng phê phán hay bác bỏ của Quốc Hội đã cho thấy là đảng CSVN không còn khả năng kềm chế nó như trước; đồng thời vị trí của người nắm giữ trách vụ Thủ Tướng đang lấn dần quyền hạn mang tính “thống lĩnh” trước đây của vị trí Tổng Bí Thư đảng về đối ngoại, kinh tế, hành chánh. Hệ quả rõ rệt là những đấu đá trong nội bộ đảng do tình trạng “trâu buộc ghét trâu ăn”, phe thân Mỹ chống phe thân Tàu, phe miền Bắc chống phe miền Nam… sẽ càng ngày càng thêm trầm trọng.

Thứ hai là người dân Việt Nam đã vượt qua sự sợ hãi để chủ động đứng lên tranh đấu: tụ họp chống bất công, tham nhũng; đòi nhà đất, tài sản bị cướp; đình công hàng loạt để chống bóc lột; xuống đường đòi tự do tôn giáo; lên tiếng vạch trần những sai trái; đưa những thành phần ác ôn ra công lý… Đồng thời qua Lễ Hội Ngàn Năm Thăng Long, người dân càng nhìn thấy rõ chân tướng tay sai Bắc Kinh của tập đoàn lãnh đạo CSVN.

Hai dấu ấn nói trên vừa là những thuận lợi vừa nói lên sự lớn mạnh của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam với những bước tiến mới trong năm 2011, đặc biệt trong tình hình của đảng CSVN sau Đại hội XI, sẽ ngày một suy yếu và lúng túng đối phó với nhiều vấn đề xảy ra trong chính nội bộ đảng và bên ngoài xã hội.

Lý Thái Hùng
31/12/2010
.
.
.

LÃNH ĐẠO NÓI DỐI TÀI THẬT (Vo Vu)


Vo Vu
Thứ Bảy, 01/01/2011


Tin liên quan:


Đọc cái tiêu đề tưởng các bác nhà mình cầu thị nhưng đọc nội dung bên trong thì lúc nào mèo cũng khen mèo. Trừ những trường hợp bê bối quá rõ ràng như quản lý rừng, doanh nghiệp nhà nước thì bác Dũng nhận khuyết điểm, còn lại nói chung chung.

Tôi thấy bác Dũng nói dối tài quá, hay là bác ấy ngó tới ngó lui chỉ thấy mỗi Trung Quốc mà nói rằng "Không quá lạc quan, không tô hồng, nhưng về cơ bản chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản bảo đảm, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, đạt mức độ tăng trưởng cao (6,8%), nếu trong khu vực chỉ sau Trung Quốc". Thưa bác là bác đang so sánh khu vực ở đây là khu vực nào??!! Vì nếu nói khu vực đúng nghĩa thì Việt Nam phải thuộc khu vực ASEAN. Mà nếu so sánh trong ASEAN thì Việt Nam còn thua xa tốc độ tăng GDP 2010 của Singapore đạt ước chừng hơn 11%, còn Malaysia cũng đạt khoảng 7%. Cho nên tôi không hiểu bác Dũng nói "trong khu vực chỉ sau Trung Quốc" là như thế nào. Nếu so khu vực Bắc Á thì Ấn Độ cũng trên 7%.

Nếu nền kinh tế của chúng ta chỉ nhăm nhe mỗi cái tốc độ tăng GDP thi chắc chắn sẽ không thể đảm bảo về mặt an sinh xã hội. Vì để đảm bảo tốc độ tăng GDP mà nhà nước đầu tư tràn lan không hiệu quả, gây hậu quả cho cả nền kinh tế khi năm nào lạm phát cũng cao ngất ngưởng. Với tốc độ lạm phát như hiện nay thì vài năm nữa tỷ lệ dân nghèo sẽ gia tăng nhanh chóng và vấn đề an ninh xã hội chắc chắn sẽ trầm trọng khi mọi thứ đều đắt đỏ.

Tôi thấy Việt Nam vì coi Trung Quốc là mô hình mẫu rồi đi theo triệt để quá, cộng thêm bệnh thành tích nên chúng ta chỉ chăm chăm cái tốc độ tăng GDP mà quên đi (hay hy sinh) cái phát triển bền vững, an sinh xã hội.

Với một nước mà xuất phát điểm thấp như Việt Nam, một thị trường nhân lực rẻ, dồi dào, và là một đất nước có nhiều lợi thế về vị trí địa lý thì nói tăng trưởng một năm 7% đâu có gì khó. Chưa nói hàng năm lượng kiều hối gửi về chiếm 7-10% GDP cả nước.

Tôi thấy Việt Nam chỉ cần học các nước trong khu vực ASEAN của mình thôi cũng là quá tốt. Trung Quốc có nhiều cái hay nhưng chúng ta không nên copy nhiều quá nếu muốn đảm bảo công bằng xã hội hay an sinh. Ngoài ra chúng ta nên bớt cái bệnh thành tích mà thường những nước Xã hội chủ nghĩa hay mắc phải (nói như Cuba lúc trước là có nước nào mà Y tế xã hội tốt như Cuba không?!!!).

Singapore năm nay có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng khi quý nào cũng trên 10% nhưng nhà nước phải giảm đầu tư công để giảm tốc độ tăng GDP vì lạm phát tăng kỷ lục (cho dù năm nay kết sổ thì lạm phát của Singapore chưa vượt 4%!!!). Lạm phát của Việt Nam luôn luôn là một con số ấn tượng, qua đó cho thấy chúng ta đang lãng phí đồng tiền đầu tư của mình như thế nào!

Về việc quản lý đất thì nhà nước chỉ cần học hỏi Singapore là dân được nhờ. Nhà nước nên có các quỹ đất dự phòng để bình ổn thị trường. Mà theo tôi biết thì việc này dễ như trở bàn tay đối với chính quyền ngay cả khi không cần phải tịch thu hay giải tỏa vì các kho của nhiều tổng công ty không sử dụng hay nhiều hecta đất quân đội sử dụng sai mục đích (Việtnam cho phép quân đội tư kinh doanh thiệt là hết biết). Nhà nước cũng nên học Singapore xây dựng các khu chung cư cho người thu nhập thấp (Singapore goi là HDP flat) chứ với tình hình hiện tại thì không biết chừng nào những người thu nhập thấp như giáo viên, công chức mới có nhà đàng hoàng để ở.

Dân Luận hoàn toàn tin tưởng rằng chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ kiềm chế được lạm phạt bằng cách loại trừ giá xăng dầu nhiên liệu và thực phẩm ra khỏi rổ hàng thiết yếu tính toán chỉ số giá cả (CPI). Chúng ta chắc chắn sẽ có những con số rất đẹp, thể hiện sự ổn định của nền kinh tế vào năm tới...
Đơn cử như vấn đề giá cả tăng cao, cần xem xét, nhận định kỹ và sát thực tế hơn đối với giá thực phẩm và giá xăng dầu nhiên liệu là 2 vấn đề mà Chính phủ các nước thường khó kiểm soát và loại trừ 2 nhóm hàng này ra khỏi rổ hàng thiết yếu tính toán CPI.
.
.
.

TẤT CẢ LUẬT SƯ SẼ LÊN THIÊN ĐÀNG (Tưởng Năng Tiến)

Tưởng Năng Tiến
Tháng Mười Hai 31, 2010

Có người giới thiệu rằng phim  All Dogs Go to Heaven được lắm, tôi định coi nhưng lại nghe nói nó thuộc loại hoạt họa nên thôi. Già rồi, ai lại đi xem phim vẽ. Hơn nữa, mấy lúc gần đây tôi không được rảnh.

Cũng vì bận bịu quá trời quá đất nên ngay cả đến cuốn phim mà chính tôi định thực hiện (All Lawyers go to Hell ) kịch bản cũng chỉ mới viết xong chừng hơn phân nửa, rồi bỏ xó. Lần khân riết cho tới tối hôm qua thì tôi … đổi ý!

Nói chính xác thì tôi đổi ý không phải vào hồi tối mà là mãi cho tới lúc tận khuya lận, sau khi ngồi cầu cơ với vài ba người bạn. Chúng tôi gặp chút chuyện rắc rối với pháp luật, và không tin tưởng gì lắm đám luật sư trên dương gian này, nên phải tham vấn cụ Nguyễn Mạnh Tường. Ổng vừa lên, tôi hỏi liền:
-          Xin cho biết luật sư hiện đang ở nơi nào?
-          Tao ở trên thiên đường chớ còn nơi nào nữa. Hỏi vớ vẩn.
-          Ủa, sao nghe nói hễ là luật sư thì chết rồi là (tự động) rớt xuống hoả ngục hết trơn mà.
-          Đó là tụi luật sư nơi mấy quốc gia khác kìa, chớ cả đời tao sống ở Việt Nam rồi thì khi chết chỉ có lên thôi – đã đụng đáy địa ngục rồi thì còn xuống vào chỗ nào được nữa hả, đồ ngu!

Nói tình ngay thì tui cũng không ngu (lắm) chỉ bị cái hơi chậm hiểu, và hay chóng quên thôi. Tôi quên nhiều đoạn trong cuốn hồi ký (Un Excommunié – Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectual –  Kẻ Bị Mất Phép Thông Công) của Nguyễn Mạnh Tường, do  Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ, mới được phổ biến trên Thông Luận Online hồi năm ngoái:

Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu đó là cái đói… Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống? … Tôi không thể ra đạp cyclo như một số đồng nghiệp trẻ đang làm, không phải vì chuyện ‘thiên hạ xầm xì’ mà chỉ vì tôi đã không còn ở tuổi để làm chuyện đó: hoặc người ta không dám gọi tôi, hoặc nếu có, số tiền công còm cõi của một hai chuyến đi không đủ để mua thuốc cho tôi lại sức với cái thân thể đã tiều tuỵ lắm rồi...
“Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng…”

Đó mới là “thảm cảnh đầu tiên,” về “cái đói,” và đây chỉ là chuyện (nhỏ) ở tầng đầu địa ngục. Còn nhiều chuyện khác nữa kìa: cô lập, đe dọa, rình rập, sách nhiễu, trù rập, xỉ nhục… Đã bị hành hạ bầm dập và te tua tới cỡ đó thì luật sư Nguyễn Mạnh Tường, ngay sau khi nhắm mắt, sẽ (automatic) vọt thẳng lên thiên đàng là – kể như – phải… giá!

Vậy còn đám luật sư (lóc nhóc) sau này chết rồi thì sao?
Thì cũng lên thiên đường (tuốt luốt) hết chớ trăng sao gì nữa, cha nội! Coi: tụi nó cũng đang ngụp lặn trong cảnh địa ngục, và cũng bị hành cho tới bến – có khác gì thời của niên trưởng Nguyễn Mạnh Tường đâu.
Đứa thì đang bị tạm giam để điều tra, hay đã giam (luôn) không biết ngày ra. Đứa thì vừa được thả nhưng còn trong thời gian quản chế, nhúc nhích chút xíu là bị khống chế tức thì.
Đám còn lại thì đều là tù nhân dự khuyết. Không công ăn việc làm, không nơi cư trú ổn định nếu không có bố mẹ hay thân nhân cho ở ké. Đói là cái chắc; đã vậy, còn bị cô lập, đe doạ, xách nhiễu, trù dập và xỉ nhục đủ điều. Luật sư Lê Trần Luật là một trong những kẻ có thể được coi như tiêu biểu cho cái “đám còn lại” (không may) này.

- Ngày 26 tháng 3 năm 2009, báo Công An Nhân Dân loan tin: “tước giấy phép hoạt động của văn phòng luật sư Lê Trần Luật.”
- Qua ngày hôm sau, 27 tháng 3 năm 2009, nhóm phóng viên báo Công An Nhân Dân (thay mặt công tố viên của Toà Án Nhân Dân) hùng hổ kết án: “Lê Trần Luật còn vi phạm các điều cấm quy định trong Luật Luật sư: hành vi sách nhiễu, lừa dối khách hàng; lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
- Được lời như cởi tấm lòng, ngay hôm sau nữa, phóng viên Phạm Thúy Hà của báo Nhân Dân (vẫn lại thay cho mặt công tố viên của Toà Án Nhân Dân) hân hoan cầm đèn chạy trước ô tô: “Không cần phải nói gì thêm, kiểu hành nghề sai pháp luật, vô đạo đức của Lê Trần Luật bị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý, tước quyền sử dụng không thời hạn giấy đăng ký hoạt động của VPLSPQ là hoàn toàn đích đáng. Với những hành vi sai pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp như trên, rõ ràng ông Lê Trần Luật không đủ tư cách để bảo vệ lẽ phải và công lý. Hơn thế nữa, dư luận đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi sai phạm của VPLSPQ.”

Vì có “dư luận đề nghị” như thế nên các “cơ quan chức năng” “vào cuộc” và “xử lý” cấp kỳ – theo như tường thuật (đọc được vào hôm 15 tháng 4 năm 2010) của luật sư Phan Thanh Hải, bút danh Anhbasg:

“Tối qua nghe Luật bảo vừa dọn nhà xong lại khoe là có Internet, truyền hình cáp, giá thuê rẻ hơn chỗ cũ mặc dù phải chui sâu hơn, xa hơn vào đoạn gần Bến đò Bình Quới. Khoảng 11h đêm đã nghe ‘tin dữ’, lại chuyện chủ vì sợ Công an mà khuyên rằng ‘nên tìm chỗ khác’. Lại cười, một nụ cười méo mó.”
“Mình cũng bị tất cả bốn lần như vậy, lần nào cũng nhận ra tình trạng xung đột tình cảm của chủ nhà, họ bảo ‘chị thấy em đâu có tội tình gì, nếu có tội thì sao họ không bắt luôn đi…’, và sau đó là ‘em thông cảm chị đâu muốn thế, chị chỉ là dân thường, họ cứ gọi lên gọi xuống thế này phiền quá…’. Rõ ràng là có áp lực của ‘một cái gì đó’ bắt người ta đòi hủy một hợp đồng ký chưa ráo mực, họ sẵn sàng trả lại tiền nhà tiền cọc cho mình, chỉ vì muốn được yên thân.
Có vẻ như quyền có chỗ ở, quyền tự do cư trú, quyền tự do giao kết hợp đồng… là những thứ không dành cho những người đã nằm trong sổ đen của nhóm ‘quyền lực đen’.

Vài tháng sau, vào ngày 13 tháng 10, trên trang CLB Nha Bao Tu Do, người ta lại đọc được đôi dòng tâm sự của Lê Trần Luật – về chuyện… bị đuổi nhà tiếp tục:
“7h 30 sáng nay, vừa mở cửa, vợ chồng chủ nhà liền nói: ‘Mời anh Luật qua nhà, chúng tôi trao đổi chút việc’. Vợ chồng chủ nhà bắt đầu kể:
“ Tối hôm qua làm việc với công an gần 12h30 mới cho về. Họ nói cho chúng tôi nghe về anh. Chúng tôi là người công giáo, giờ mới biết anh là luật sư của vụ Thái hà. Chị tôi là một Sơ trong nhà dòng có biết và nói anh là người tốt, không sao. Dù không nói ra nhưng theo chúng tôi hiểu là bên công an không muốn vợ chồng tôi cho anh thuê nhà”.
“Dạ, anh chị nói tiếp, tôi đang nghe!”
“ Khu nhà trọ này vợ chồng tôi mới xây từ tiền của bà già, để bà có thu nhập dưỡng già nên chưa có giấy phép xây dựng hay kinh doanh gì hết. Chúng tôi rất căng thẳng vì không biết để anh ở đây có sao không nữa”.
“Tôi nói: Tôi biết trước mọi chuyện nên anh chị nhớ là khi làm hợp đồng tôi đã đề nghị ký một năm, bây giờ mới ở có một ngày mà”.
“Người vợ nói chen vào: ‘Dạ, dạ, tụi em đâu có nói gì đâu, chỉ xin anh hiểu và thương vợ chồng em. Bây giờ gì nè, em có một căn nhà cho đứa em ở, có giấy tờ đầy đủ, để tụi em nói nó ngăn làm 2 cho anh. Hoặc là  tụi em hổ trợ anh để tìm chổ khác”.
“Tôi nói: Ở đâu cũng vậy thôi, bây giờ tôi chưa thể tính toán gì được, nhưng tôi hứa tôi không vì chổ ở của mình mà làm anh chị phải lo lắng hay mất an toàn”.
“ Dạ, vợ chồng em cảm ơn anh” , người vợ nhỏ nhẹ nói.”
“Tôi về phòng nằm và thầm cầu nguyện: Xin Chúa hãy xua đuổi bầy quỷ dữ đang ở quanh con, cho con được một phút giây bình an bên Người”.
“Tôi tin Chúa đã nghe thấy lòng mình!”

Tui cũng tin như vậy luôn nhưng chỉ sợ là Chúa thì ở quá xa mà nhóm quyền lực đen (hay nói theo ngôn ngữ của cõi âm là đám đầu trâu mặt ngựa, và theo cách gọi của Lê Trần Luật là bầy qủi dữ) lại ở quá gần.  Bởi vậy, khi thấy bài viết thượng dẫn có ghi nguồn (http://lsletranluat.multiply.com/journal/item/26) tôi liền nhấp chuột coi thử, và thấy hiện ra dòng chữ sau đây: “User ‘lsletranluat’ does not exist.”
Thiệt là đã đời luôn!

Như vậy là Lê Trần Luật bị cấm hành nghề kiếm ăn, không cho có nơi cư trú, và bị bịt miệng luôn khỏi được kêu ca gì ráo. Hoàn cảnh của Nguyễn Mạnh Tường, rõ ràng, có nới hơn chút xíu. Ít nhất thì ông cụ, và cợ con, cũng còn được một chỗ để ôm nhau mà … khóc – hằng đêm!
Nói cách khác là thế hệ của Lê Trần Luật (có phần) vất vả hơn. Bởi vậy, khi chết thằng chả sẽ (tự động) vọt thẳng lên thiên đường luôn … là cái chắc!
Good bye and good luck, Lê Trần Luật.

Tưởng Năng Tiến
12/2010
.
.
.

ĐÀI Á CHÂU TỰ DO ĐƯỢC MỜI THAM GIA TỐ TỤNG VỤ ÁN TS CÙ HUY HÀ VŨ


Cù Thị Xuân Bích
1/01/2011

Kính gửi: Bauxite Việt Nam

Tôi, Cù Thị Xuân Bích, em gái Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, được chị Nguyễn Thị Dương Hà chuyển cho hai cái đơn Đề nghị tham gia tố tụng gửi tới Đài Á Châu Tự do và gửi cho bà Trâm Oanh, phóng viên Báo Không biên giới. Tôi kính nhờ Bauxite Việt Nam cho đăng lại để những ai quan tâm đến Vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được biết.
Chân thành cảm ơn Bauxite Việt Nam.
Cù Thị Xuân Bích


HÌNH CHỤP CÁC VĂN BẢN :




-----------------------------

TIN LIÊN QUAN :


.
.
.

TRÍ THỨC "PHÒ SINO"

Lẩm Cẩm Lão Gia
1/01/2011

Với người Việt Nam đương đại thì mọi người không lạ gì với cụm từ “Trí thức phò Chính thống”! Nhưng hôm nay, người Việt Nam có thể biết thêm một loại trí thức khác. Đó là “Trí thức Phò Sino”!

Đọc bài “Giáo sư Nguyễn Huy Quý có phải là nhà Trung Quốc học?” của tác giả Đinh Kim Phúc đăng trên mạng http://www.boxitvn.net/bai/15446 Lẩm Cẩm Lão Gia tôi bàng hoàng. Bàng hoàng bởi sự thiển cận và ấu trĩ của vị “học giả” Giáo sư Nguyễn Huy Quý này.

[….Unlike other ASEAN countries, Vietnam and China have the same cultural origins. China has 56 ethnic groups, Vietnam has 54. And there are 10 to 20 cross-nation ethnic groups along the borders. What is more, both countries are led by a Communist Party.
These commonalities are very important. It is like the special relationship the US has with the UK, different from other European countries. It is not just that the US and the UK are politically close, they share ethnic roots.
Likewise, Vietnam and China enjoy a special relationship. Historically, there has been some discord, but that does not invalidate the special relationship…]

Vâng, mọi người có thể chấp nhận (hoặc tạm chấp nhận) tất cả những gì vị “học giả” Huy Quý đưa ra trên đây là đúng. Nhưng có một điều khiến Lẩm Cẩm Lão Gia tôi ngạc nhiên là vị “học giả” Huy Quý này không nhắc đến một sự thật khác là Hải quân Mỹ chưa bao giờ bắn giết hay bắt tàu cá của ngư dân Anh. Chính phủ Mỹ cũng chưa bao giờ đề xuất “lợi ích cốt lõi” cùng bản đồ “đường lưỡi bò” để chiếm đảo, chiếm biển của người Anh.
Học giả của Mỹ cũng chưa bao giờ dám huênh hoang tuyên bố “Đối đầu chỉ có thiệt hại cho các anh…” như lời của Hán tham Vương Hàn Lĩnh. Đại sứ Mỹ cũng chưa bao giờ dám tuyên bố “Hợp tác thì thành công, đấu tranh sẽ thất bại.” như lời của Thái thú Tôn Quốc Tường…!

Một điều ngạc nhiên nữa là chuyện “học giả” Hữu Quý so sánh hai đảng cầm quyến tại Trung Quốc và Việt Nam đều là đảng Cộng sản. Điếu này không nói lên được điều gì. Lịch sử đã chứng tất cả các chế độ theo cộng sản đều không có cái nào anh em với cái nào. Tất cả đều là “cá lớn nuốt cá bé” theo hình thức “bá quyền”. Khi Liên Xô hùng mạnh các chế độ cộng sản Đông Âu chỉ là chư hầu cho Liên Xô. Do vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Đánh cướp Hoàng Sa năm 1974, gây chiến tranh và xâm chiếm Việt Nam năm 1979, đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988 là những bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi.
Là một người am tường Sử học mà “học giả” Huy Quý không nhớ những sự kiện lịch sử này thì quả là khó hiểu!

[… There are more than 1 million overseas Vietnamese in the US, most of whom went there during the puppet government era. Some of them still want to subvert the current Vietnamese government. We are especially vigilant with these people…]

Nếu Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không nhầm thì Chính phủ Việt Nam hiện hành đang có chính sách để tạo điều kiện cho bà con Việt kiều trên khắp thế giới có thể chung tay xây dựng đất nước. Do đó, những lời trên đây của “học giả” Hữu Quý mang đầy tính thóa mạ, chia rẽ. Trái với những gì mà Chính phủ Việt Nam hiện hành rao giảng. Hơn nữa, cả triệu người Việt Nam rời Tổ quốc sau năm 1975 – hay sau đất nước thống nhất. Như vậy, Chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản từ năm 1975 -1980 là Chính phủ “bù nhìn” hay sao?
Ngoài ra, khẩu khí “We are especially vigilant with these people…” không hợp với một “học giả” Sử học. Những lời này hợp với những người làm bên ngành an ninh thay vì được nói ra từ miệng của một Giáo sư Sử học!

[…GT: The West used to talk about "the China threat." Now it talks about "the China hardline theory." What do you think of these arguments?
Nguyen: I am sure that even as it gets stronger, China will not invade any country it recognizes. Countries that have territorial disputes with China should understand that if conflict occurs, China will aim to resume sovereignty rather than invade.
For example, China will not attack Japan over the Diaoyu Islands issue. But in certain circumstances, armed conflicts could take place near the Diaoyu Islands…]

Khi đọc những lời trên đây thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không biết vị “học giả” Hữu Quý muốn nói gì, ý gì?!!! Nói như vậy thì hiện nay Trung Quốc vẫn rêu rao bản đồ đường lưỡi bò là hợp pháp. Và Trung Quốc đã thành lập cơ quan hành chính Tam Sa mà trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, khi có xảy ra tranh chấp thì đương nhiên Trung Quốc sẽ thực hiện chủ quyền –resume sovereignty – của Trung Quốc tại Tam Sa. Có nghĩa là Trung Quốc làm việc này là hợp lệ chứ không phải đã “XÂM LƯỢC” Việt Nam?!!! Hiểu biết và ngôn từ của “học giả” Huy Quý này quả cao thâm khó lường!

Kính phục thay cho bậc “Trí trức Phò Sino” học giả Huy Quý này!
Buồn thay.

L. C. L. G.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

---------------------------------

TIN LIÊN QUAN :

.
.

CẢI CÁCH HỆ THỒNG ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG (Nguyễn Văn Nam - BBC)

Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam
Gửi tới BBC từ TPHCM
Cập nhật: 10:53 GMT - thứ năm, 30 tháng 12, 2010

Trong loạt bài về các kiến nghị, sáng kiến và yêu cầu cải cách hệ thống công quyền tại Việt Nam nhân dịp Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, BBC Tiếng Việt mời quý vị theo dõi phần I bài về những biện pháp chống tham nhũng của tác giả Nguyễn Vân Nam:

Hiện không có cơ quan nào kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định Đảng đưa ra

Các biện pháp chống tham nhũng vừa phải tuân theo những nguyên tắc chính mục tiêu đã được quốc tế công nhận, vừa phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của Việt Nam.

Điều đầu tiên là minh định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước và xã hội:
Đảng CSVN được Hiến pháp giao nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước và xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Đảng được trao cho quyền lực tối cao. Tuy Điều 4 Hiến pháp qui định mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nhưng ta chưa có luật về hoạt động của Đảng CSVN.
Thực tế, Đảng là cơ quan quyền lực quyết định tất cả; quyết định của Đảng là quyết định có hiệu lực cuối cùng đối với mọi hoạt động của Nhà nước. Nhưng hiện nay chưa có một cơ sở pháp lý nào cho phép Tòa án kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định của Đảng. Sử dụng quyền lực tối cao mà không phải chịu trách nhiệm với những hậu quả pháp lý xác định, chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
Để khắc phục sơ xuất trên, cần sớm thực hiện Điều 4 Hiến pháp, qua đó ban hành Luật về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhất thể hóa Đảng CSVN với Chính phủ (Tổng bí thư đảng là thủ tướng), và có thể xem xét công nhận Bộ Chính trị là một cơ quan hiến định.
Trước mắt, nhân chuẩn bị đại hội, Đảng CSVN nên bắt tay xây dựng một qui trình Đảng lãnh đạo Nhà nước một cách công khai, minh bạch mà khởi đầu là:
Công bố công khai, đầy đủ các ý kiến tranh luận, thảo luận về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại đại hội đảng từ cấp tỉnh, thành phố đến toàn quốc trong thời gian tiến hành đại hội.
Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc, công bố danh sách chính thức các cán bộ đảng sẽ giữ chức vụ thủ tướng, bộ trưởng do đảng giới thiệu cho Quốc hội phê chuẩn.

Điều thứ nhì cần làm ngay là công nhận quyền tư hữu đất đai:
Đại đa số các vụ tham nhũng đều liên quan đến đất đai. Chính qui định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu với quyền định đoạt ai được sử dụng đất vì mục đích nào, đã khuyến khích và mở ra những cơ hội dễ dàng cho việc lợi dụng, lạm dụng thứ quyền lực mang lại mối lợi to lớn về kinh tế này.
Không ai muốn sống trong một xã hội, mà ở đó họ không được hưởng thành quả do lao động chính đáng của mình làm ra cả. Được sở hữu một mảnh đất, một ngôi nhà làm nền tảng cho một tương lai ổn định, để an cư lạc nghiệp cũng luôn là mục tiêu ưu tiên nhất của bất cứ ai. Quyền tư hữu mà không được bảo đảm sở hữu đất đai là một quyền tư hữu què quặt và thực chất không thể là quyền tư hữu.
Quan trọng hơn, khi người ta biết rằng mảnh đất dưới ngôi nhà mà họ dành dụm cả đời mới mua được đó, vẫn có thể bị Nhà nước thu hồi vào bất cứ lúc nào - cho những mục đích do Nhà nước tự quyết định - thì họ không thể có lòng tin vào điều giản dị nhất: Công sức lao động của họ được bảo vệ, được đảm bảo.
Khi mất lòng tin vào điều giản dị làm nên xã hội dân sự đó người ta sẽ không còn tin vào giá trị của sự tin cậy được giao phó. Và vì thế, đây cũng là nguyên nhân sâu xa khuyến khích tham nhũng khi được trao quyền lực công.
Một định nghĩa pháp lý thống nhất về quyền sở hữu với đầy đủ các quyền năng cho bất cứ chủ sở hữu nào trong nền kinh tế thị trường là hết sức cần thiết.
Việc phân chia quyền năng sở hữu khác nhau theo các chủ thể quyền khác nhau (sở hữu nhà nước, tập thể, hợp tác xã...) như ta đang làm vừa gây trở ngại rất lớn cả về lý thuyết lẫn thực tiễn trong việc xây dựng một trật tự kinh tế thị trường xã hội; vừa góp phần quan trọng tạo nên các thị trường giá trị ảo khuyến khích tham nhũng.
Thị trường đất đai có vai trò hết sức đặc biệt, làm nền tảng cho hoạt động hữu hiệu của các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường. Việc định giá đất đai giữ vai trò có tính chức năng thiết yếu trong việc bảo đảm sự minh mạch trên thị trường. Nó là một yếu tố quan trọng cho phép xác định đúng giá trị đất thế chấp vay tín dụng qua đó ảnh hưởng lớn đến hình thành giá cả của thị trường.
Vì vậy, giá trị đất đai nhất thiết phải do quan hệ Cung - Cầu trên thị trường quyết định. Nhà nước giữ độc quyền quyền định đoạt (của chủ sở hữu) đối với đất đai cũng chính là giữ quyền định giá đất và cùng với nó là quyền điều khiển hoạt động của thị trường theo ý muốn chủ quan, đặc biệt là trong việc tạo các cơn sốt ảo.
Thực chất, ở ta, đây là thứ quyền lực kinh tế vô giới hạn vì: a) theo luật pháp không có một thửa đất nào là "bất khả thu hồi" đối với Nhà nước; b) việc Nhà nước sử dụng quyền định đoạt đất đai như thế nào là không thể kiểm soát; c) việc lạm dụng quyền định đoạt đất đai vừa đem lại lợi ích kinh tế hết sức cao, vừa tạo ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài cho kẻ tham nhũng sử dụng nó. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khuyến khích, hấp dẫn tham nhũng. Công nhận quyền tư hữu đất đai sẽ loại bỏ được điều này.
Đã hội nhập kinh tế quốc tế, đã xác định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền sớm muộn gì chúng ta cũng phải công nhận quyền tư hữu đất đai. Công nhận sớm ngày nào người dân đỡ khổ vì vấn nạn tham nhũng ngày đó. Tại sao không làm?

Điều thứ ba cần làm ngay là hạn chế tối đa hoạt động kinh tế của Nhà nước:
Về cơ bản, Nhà nước không được phép hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế của Nhà nước phải là ngoại lệ và tuân theo nguyên tắc: Nhà nước chỉ hoạt động kinh tế tại nơi và chỉ khi thị trường tự do bất lực.
Chính hoạt động kinh doanh, can thiệp của Nhà nước vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân như hiện nay, ngoài việc gây ra các hậu quả tiêu cực ai cũng biết, còn mở ra - gần như vô tận - các cơ hội hấp dẫn cho tham nhũng.
Đơn giản vì Nhà nước - do đủ thứ nguyên nhân và quan hệ chồng chéo, mà đặc biệt là quan hệ giữa kết quả kinh doanh và năng lực điều hành chính phủ - không bao giờ có thể có, hay muốn có, được đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết cho việc kiểm soát toàn diện hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước.
Vì vậy, tham nhũng trong và bằng các hoạt động kinh doanh của Nhà nước lấy trực tiếp "tiền tươi" dễ nhất, nhiều nhất, khó kiểm soát nhất, dễ biện minh nhất, dễ thoát tội nhất. Tham nhũng trong hoạt động kinh tế của Nhà nước còn là động lực thúc đẩy tham nhũng trong các lĩnh vực khác.
Cần có qui định pháp lý phân biệt rõ ràng Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền với Doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.
Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận hay là nguồn thu ngân sách, mà là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, của xã hội.
Trước mắt, cần có luật về hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền phù hợp với các đặc trưng được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận. Quốc hội sẽ quyết định các lĩnh vực nào là thiết yếu, trọng tâm đối với đời sống người dân, xã hội mà doanh nghiệp nhà nước được độc quyền.
Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động của doanh nghiệp có góp vốn của nhà nước. Dứt khoát, trên cơ sở luật định - đối xử với các doanh nghiệp đó hoàn toàn bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, bảo lãnh vay vốn, cấp đất, giải quyết nợ nần, phá sản và cạnh tranh...
Một vài biện pháp đề nghị trên đây có thể đặt những nền tảng ban đầu bảo đảm thắng lợi cho cuộc chiến chống tham nhũng này, ít nhất chúng cũng có thể hạn chế tham nhũng ở mức độ thấy được một cách rõ ràng.
BBC sẽ giới thiệu phần tiếp các biện pháp cải tổ mang tính hệ thống nhằm chống nạn tham nhũng tại Việt Nam vào số tiếp theo. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Tiến sĩ Luật từ CHLB Đức hiện tạm trú và hành nghề ở Việt Nam.
.
.
.

CUỐI NĂM TẢN MẠN CHUYỆN CỘNG ĐỒNG, QUÊ HƯƠNG (Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú
December 30, 2010

2010 đánh dấu 35 năm khai sinh cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, kể từ khi làn sóng người Việt đầu tiên đến Mỹ định cư sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30.4.1975.

130 nghìn người đã được Hoa Kỳ đón nhận cho định cư vào năm 1975. Những người Việt tị nạn đến Mỹ lúc đầu sống rải rác ở nhiều tiểu bang, sau tập trung về miền nắng ấm, nhiều nhất là bang California. Những năm tiếp theo với làn sóng “Boat People” trong hơn một thập niên, rồi H.O., con lai và O.D.P. đem nhiều người đến Mỹ và cũng tập trung về những nơi đã có đông người Việt sinh sống là California, Texas, Washington. Tính đến nay có khoảng 1 triệu 200 nghìn người Mỹ gốc Việt, đông nhất ở California với khoảng một nửa, sau đến Texas với 200 nghìn và bang Washington 60 nghìn.

Vùng San Jose có người Việt định cư ngay từ năm 1975. Sang thập niên 1980 với sự bùng nổ của kĩ nghệ điện tử, người Việt các nơi rủ nhau đổ về đây sinh sống. Nếu Quận Cam ở miền Nam California có số người Việt cao nhất thì San Jose ở miền Bắc là thành phố lớn có số cư dân gốc Việt đông nhất, gần 100 nghìn người, chiếm gần 10% dân số thành phố.
Một thời ở San Jose đã có nhiều trường điện tử do người Việt lập ra, huấn luyện cấp tốc, cung cấp hàng vạn thợ lắp ráp (assembler) và kĩ thuật viên (technician) cho các hãng xưởng. Thung lũng Điện tử là tên người Mỹ gọi, nhưng người Việt còn đặt cho vùng đất lành chim đậu này cái tên thân thương là “Thung lũng Hoa vàng”.
Xem niên giám điện thoại, chỉ họ Nguyễn không thôi đã 6 nghìn, họ Trần 3 nghìn. Thời vàng son đã có đến 5 nghìn cơ sở thương mại do người Việt làm chủ. San Jose một thời sôi nổi sinh hoạt từ văn hoá, xã hội đến chính trị, thương mại. Các sô ca nhạc mỗi cuối tuần ở CPA (Center for the Performing Arts), Flint hay Santa Clara Convention Center lúc nào cũng đông khán giả đến thưởng thức các giọng ca hàng đầu hải ngoại: Khánh Ly, Ý Lan, Như Quỳnh, Khánh Hà, Chế Linh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Tuấn Ngọc, Nguyên Khang. Ngay cả những Diva của Việt Nam cũng đã xuất hiện trên sân khấu San Jose: Hồng Nhung, Quang Dũng, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh.
Nay với mức thất nghiệp toàn quốc ngắm nghé 10%, California 12.4% và riêng Thung lũng Điện tử 10.5% thì phải thắt lưng buộc bụng. Đâu ai còn thích vui chơi như thời vàng son của dăm năm trước. Năm 2010, văn nghệ tuy có khởi sắc hơn năm qua nhưng Thung lũng Hoa vàng chưa sinh động trở lại. Đáng ghi nhận là nhạc sĩ Lê Huy trong cố gắng đưa đến cho khán giả những giọng ca vàng, những tài năng mới trong vùng với các sô gồm nhiều ca khúc chọn lọc đã được yêu thích qua các thời đại. Trong khi đó có những chương trình đã lên lịch, quảng cáo dán khắp nơi rồi phải hủy bỏ vào giờ chót vì vé bán không được.
Nếu có trình diễn, số khán giả cũng ít. Sô kỉ niệm 20 năm ca hát của Ý Lan, một giọng hát được yêu mến, vừa diễn ra trong tháng Mười Hai ở Santa Clara Convention Center với số ghế 700 mà vé bán không hết. Cũng ở thính phòng này, vào mùa hè có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng Mỹ Tâm từ trong nước qua hát với một số ghế trống. Nếu các sô ca nhạc không thành công, ngoài nội dung thiếu hấp dẫn, một phần khác do bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế còn xấu.
Buổi ca nhạc Đàm Vĩnh Hưng đã có sự cố khi ông Lý Tống giả gái để xịt hơi cay vào mặt nam ca sĩ đang ăn khách của Việt Nam. Đây cũng là câu chuyện gây nhiều chú ý trong năm và sẽ còn kéo dài qua năm 2011 khi ông Lý Tống tiếp tục phải ra hầu toà.

Văn nghệ IRCC: 35 năm cộng đồng người Việt ở San Jose

Năm qua vùng Vịnh San Francisco còn có văn nghệ tuy cây nhà lá vườn nhưng mang ý nghĩa ghi dấu 35 năm lịch sử người Mỹ gốc Việt. Trước hết là chương trình của cơ quan xã hội, định cư di dân IRCC được tổ chức tại CPA với hơn 2,000 khán giả đến dự để nhìn lại một chặng đường với những đóng góp của cộng đồng cho thành phố San Jose, cho đất nước Hoa Kỳ. Đây là một thành công mang tính sinh hoạt cộng đồng vì IRCC là cơ quan xã hội do người Việt điều hành – ông Vũ Văn Lộc là giám đốc và đã có mặt ở San Jose từ hơn 30 năm qua – đã giúp định cư nhiều nghìn tị nạn và di dân. IRCC nay vẫn hoạt động, trong khi các cơ quan khác đã đóng cửa. Cũng để ghi dấu 35 khai sinh cộng đồng người Việt tại Mỹ, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley đã có một chương trình ca nhạc kịch do các em sinh viên biên soạn và trình diễn, chủ đề “Sóng gió cuộc đời”, diễn ra tại thính đường Zellerbach trong khuôn viên trường và thu hút 1,500 khán giả. Tuy thuộc thế hệ thứ hai nhưng các em đã ghi lại trung thực hành trình đến Mỹ, cuộc sống vất vả, những hi sinh để nuôi các em nên người trong khi cha mẹ phải đối đầu với những khó khăn hội nhập vào đời sống mới.

Sinh viên Đại học Berkeley làm văn nghệ ghi dấu lịch sử 35 năm người Việt tại Mỹ

Thấm thoát đã 35 năm. Bây giờ không còn nhiều cảnh gia đình “chồng tách vợ li” (technician và assembly). Thời cực thịnh của kĩ thuật vi tính đã qua, nhiều hãng điện tử đã dọn đi, công xưởng bỏ hoang, hoa vàng chỉ còn lưa thưa. Kinh tế xuống cũng kéo theo thời vàng son của văn nghệ Việt ở San Jose, kéo theo nhà cửa chìm dưới nước hay bị tịch thu, cơ sở thương mại dẹp tiệm, nhiều người mất việc. Vietnam Town trên đường Story, nơi gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng, dự trù xây xong từ cuối năm 2006 với 250 đơn vị, nay mới sắp khai trương và cũng chỉ hoàn tất được một nửa.

Sang lãnh vực chính trị, bầu cử 2010 đưa đến vui buồn lẫn lộn cho người Việt San Jose. Nghị viên Madison Nguyễn tái đắc cử, tuy phải qua hai vòng bỏ phiếu, và vừa được Thị trưởng Chuck Reed đề cử làm phó thị trưởng trong những năm tới. Các ứng viên Bửu Thái, Keith Khoa Nguyễn tái đắc cử vào hội đồng giáo dục. Cộng đồng Việt có thêm hai ủy viên giáo dục là Vân Lê và Scott Hưng Phạm, trong khi Kathy Trần và Bryan Công Đỗ không thành công.

Nhìn rộng ra toàn bang California và nước Mỹ, tiếng nói đại diện cho người Việt ở Quốc hội Tiểu bang California không còn nữa vì dân biểu Trần Thái Văn hết hạn phục vụ 3 nhiệm kì và không thể tái tranh cử vì luật giới hạn. Ông ra tranh chức dân biểu liên bang Địa hạt 47 ở Quận Cam nhưng không thành công. Người gốc Việt duy nhất trong Quốc hội Mỹ là Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh cũng đã không giữ được ghế sau một nhiệm kì. Như thế, cộng đồng Việt nay chỉ còn Dân biểu Tiểu bang Hubert Võ là dân cử cao cấp nhất ở bang Texas, nơi có số người Việt đông thứ nhì tại Mỹ. Quận Cam với Giám sát viên Janet Nguyễn là người có chức cao nhất trong khoảng 20 dân cử gốc Việt ở bang California. Đã 35 năm qua, người Việt chưa có được những đại diện dân cử cấp cao hơn trong chính quyền đó là điều đáng buồn nếu so sánh với cộng đồng tị nạn cộng sản Cuba.

Sang lãnh vực truyền thông báo chí, năm qua nở rộ những chương trình truyền hình kĩ thuật số phát sóng tại điạ phương. Cùng lúc có những chương trình phát hình đến nhiều thành phố với các tiết mục giải trí lấy từ kênh trong nước. Ngoài truyền hình, từ nam bắc California sang đến Houston, Texas trên sóng phát thanh nghe rổn rang tiếng Việt gần như cả ngày, cùng các ngôn ngữ Mễ, Hàn, Hoa. Đúng là xứ sở của tự do truyền thông.

Về báo chí, tuy báo mạng phát triển nhưng báo in vẫn sống. Quận Cam với Người Việt, Việt Báo và thêm mấy nhật báo nữa được khai sinh đôi ba năm nay. Ở San Jose, các nhật báo có tuổi như Thời Báo, Việt Nam, Việt Nam Tự Do, Cali Today vẫn phát hành đều, số trang tuy có ít hơn. Trước đây mỗi ngày 20 hay 24 trang, giờ còn 16. Thời cực thịnh số báo cuối tuần có thể từ 40 đến 50 trang, nay xuống 24 đến 30. Tuần báo có San Francisco, Sống Mới sống mạnh, mỗi số dày trên 200 trang. V-TimesViệt Tribune sinh sau, sắp qua tuổi thứ 5, cũng đã vững vàng. V-Times là tờ báo duy nhất ở San Jose nhận đăng quảng cáo cho Vietnam Airlines, và như một số báo Việt ngữ ở California, hiện có sự cộng tác của nhiều người viết từ trong nước.

Báo Việt ngữ ở San Jose

Nói về truyền thông thì không thể quên việc Hà Nội muốn dùng nó để quảng bá cho chính sách của nhà nước tại hải ngoại. Hà Nội có thể dùng truyền thông để đánh phá, gây chia rẽ cộng đồng, nhưng để thông tin trung thực về sinh hoạt trong nước thì người hải ngoại vì trải nghiệm, vì qua những giao tiếp với quê nhà và vì có những luồng thông tin quốc tế đáng tin cậy hơn nên họ không dễ gì tin những gì nhà nước nói.

Mặt khác Hà Nội luôn tìm mọi cách kiểm soát không cho những thông tin trái chiều với quan điểm của nhà nước được phổ biến trong nước, chủ yếu là các trang mạng hay blog lề trái. Dùng tường lửa và tin tặc là cách để Hà Nội đối phó với những thông tin này. Trong năm qua nhiều mạng ở hải ngoại đã liên tục bị đánh phá khiến các tổ chức theo dõi tự do thông tin và nhân quyền phải lên tiếng phản đối. Một quan chức công an của Việt Nam tiết lộ họ đã đánh sập được 300 trang mạng. Tháng Mười Một vừa qua, trang talawas với đóng góp của nhiều trí thức trong và ngoài nước tự đình bản sau 9 năm hoạt động.

Những năm gần đây với sự bộc phát của các blog cá nhân nên các mạng thông tin tiếng Việt của các đài quốc tế như VOA, BBC, RFA nay cũng có những blog riêng. VOA tiếng Việt từ hơn một năm qua có những người viết blog thường xuyên là Bùi Tín, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu, Trịnh Hội và Trần Vinh Dự. Mỗi người phụ trách một chủ đề riêng với nhiều bài viết giá trị về chính trị, văn học, kinh tế, kí sự, sinh hoạt đời sống. Nhưng phần ý kiến độc giả đã cho những kẻ mượn diễn đàn để chửi đổng hay tuyên truyền thay vì tranh luận. Có đôi điều người viết đề nghị cùng VOA tiếng Việt với hi vọng giúp độc giả học hỏi được văn hoá phản biện và làm đẹp cho tiếng Việt:
1/ Không đăng những ý kiến viết tiếng Việt mà không có dấu.
2/ Diễn đàn blog của VOA mở ra là tạo môi trường cho phản biện, mà phản biện thì không phải là chửi đổng hay xả rác. Những ý kiến có nội dung như thế không nên đăng.

Trong xã hội tự do dân chủ, tranh luận liên quan đến chính trị thì không bao giờ dứt nhưng cuối cùng người dân có quyền lựa chọn người đại diện cho quan điểm, lập trường của họ. Còn ở Việt Nam, bàn về chính sách, về lãnh đạo nhiều khi không được phép, trong khi đó người dân lại không được quyền thay đổi hay chọn người đại diện thay họ lãnh đạo đất nước. Vì thế nhiều tranh cãi liên quan đến Việt Nam không đem lại kết quả có ích và một số người vào diễn đàn chỉ với mục đích tuyên truyền hay chửi.

Cuối năm, cùng một bạn văn ghé phở Tầu Bay ăn trưa. Tiệm đông khách đứng chờ là dấu hiệu lạc quan cho kinh tế tiểu thương đang vực dậy. Sang quán cà-phê Starbucks lại gặp một dấu chỉ trái chiều, siêu thị Mỹ bên cạnh vừa đóng cửa. Mấy hôm trước ghé Fair Valley Mall, khu ăn uống với sức chứa trên 800 khách mà đông nghẹt, phải chờ lâu mới tìm được bàn. Ở đây với 20 cửa hàng bán đủ loại thức ăn nhanh Mỹ, Mễ, Tầu, Hàn, Nhật, chỉ thiếu Việt. Bao giờ bánh mì Lee’s sẽ vào được đây?

Ghé thăm toàn soạn Thời Báo được ông chủ nhiệm tặng cho cuốn lịch treo tường in ở Việt Nam với hình các thiếu nữ mặc áo dài rất xinh. Ngoài bìa và bên trong có hàng chữ tiếng Anh: “Year of the Rabbit” – Năm con Thỏ. Lịch Việt nhưng sao lại lai Tầu? Người Việt gọi năm 2011 là Tân Mão, năm con Mèo, “Year of the Cat”. Người Hoa mới gọi là Thỏ. Lẽ nào ảnh hưởng của Trung Quốc đã lây lan từ trong nước ra đến hải ngoại. Đó có thể là điều thật. Thỉnh thoảng gặp người từ quê nhà sang Mỹ chơi, nghe họ kể chuyện mà tưởng như Trung Quốc đã kiểm soát Việt Nam, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, Tây nguyên, sinh hoạt kinh tế mà ngay cả Bộ chính trị.

Một năm nữa sắp qua, Việt Nam rồi sẽ tiến về đâu. Vẫn hồ hởi lên đường xã hội chủ nghĩa hay sẽ hoà nhập được với thế giới của tự do dân chủ và tiến bộ? Có hi vọng gì không trong năm mới này?

[Ảnh trong bài của tác giả]
© 2010 Buivanphu
.
.
.