Monday, September 30, 2019

PHE DÂN CHỦ 'QUYẾT TÂM TÌM HIỂU' CUỘC ĐIỆN ĐÀM GIỮA TT TRUMP & ÔNG PUTIN (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
30/09/2019

Quốc hội Hoa Kỳ sẽ quyết tâm tiếp cận các bản ghi cuộc gọi giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác, Reuters đưa tin hôm 30/09, dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ Adam Schiff.

Hôm 29/09, ông Schiff, thành viên đảng Dân chủ, nói trên chương trình Gặp gỡ báo chí của đài NBC: “Tôi nghĩ rằng nhu cầu tối quan trọng ở đây là bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và xem liệu trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới khác - và đặc biệt là với ông Putin – Tổng thống (Trump) có gây tổn hại an ninh của chúng ta theo cách mà ông nghĩ có lợi về mặt cá nhân cho chiến dịch tranh cử của ông.”

Vào tuần trước, Hạ viện do phe Dân chủ lãnh đạo đã chính thức công bố tiến hành một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump sau khi xuất hiện tố cáo của môt người trong giới tình báo Hoa Kỳ rằng ông đã gây ảnh hưởng với Ukraine để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 vì lợi ích chính trị của riêng mình.

Người tố cáo trích dẫn một cuộc điện đàm, trong đó ông Trump yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mở cuộc điều tra về cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một nhà lãnh đạo trong số các ứng cử viên Dân chủ đang tìm cách thách thức ông Trump trong mùa bầu cử tổng thống năm 2020 và con trai ông là Hunter Biden. Ông Hunter Biden từng là một thành viên trong ban lãnh đạo một công ty dầu khí Ukraine.

Về phần mình, ông Trump, trong một loạt các thông tin trên Twitter vào tối ngày 29/09, viết rằng ông muốn “gặp gỡ” người tố giác và người đã “cung cấp thông tin bất hợp pháp này” cho người tố giác.

“Có phải người này đã do thám Tổng thống Hoa Kỳ? Các hậu quả lớn!” ông Trump viết.
“Tôi muốn ông Schiff bị thẩm vấn ở cấp độ cao nhất về tội Gian lận & Phản quốc,” ông Trump viết thêm.

Cho đến nay danh tính người tố giác vẫn chưa không được tiết lộ.

Cuộc gọi điện thoại vào ngày 25/07 của ông Trump với nhà lãnh đạo Ukraine diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ đóng băng gần 400 triệu đôla viện trợ cho Ukraine, khiến xuất hiện lo ngại rằng Tổng thống Trump sử dụng ngân quỹ được Quốc hội phê duyệt để làm đòn bẩy phục vụ cho cho lợi ích chính trị cá nhân của ông.

Ông Schiff nói trên đài NBC: “Nếu những cuộc trò chuyện với ông Putin hoặc với các nhà lãnh đạo thế giới khác được sắp xếp lại trong cùng một tệp tin điện tử, có nghĩa đó là hành động bí mật… nếu có nỗ lực che giấu những điều đó thì chúng tôi quyết tâm tìm hiểu.”

Trong khi đó, theo Reuters, Điện Kremlin nói rằng các cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Putin chỉ có thể được công bố với sự đồng ý của Moscow.

Ông Schiff nói thêm rằng Ủy ban tình báo Hạ viện đã đạt được thỏa thuận với người tố giác để người này xuất hiện trước ủy ban. Ngoài ra, ông Schiff Schiff nói rằng ông hy vọng người tố giác sẽ sớm xuất hiện.

Tuy nhiên, ông Mark Zaid, luật sư của người tố giác, viết trên Twitter rằng nhóm pháp lý đang làm việc với cả hai bên trong Quốc hội và “chúng tôi hiểu rằng việc tất cả các bên đều đồng ý rằng việc bảo vệ danh tính của người tố giác là điều tối quan trọng.” Ông Zaid cho biết, hiện vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nào và cũng chưa ấn định thời gian để người tố giác “liên lạc” với Quốc hội.

Trong khi đó, hôm 29/09, Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller đã chỉ trích phe Dân chủ, cáo buộc người tố giác là một phần trong âm mưu “bí mật” nhằm chống lại Tổng thống Trump.
“Tôi nhận biết sự khác biệt giữa một người tố giác và điệp viên bí mật. Đây thực sự là một điệp viên “bí mật”, ông Miller nói với đài Fox News hôm 29/09.

--------------------------------------
VOA Tiếng Việt
28/09/2019

Tổng thống Donald Trump nói với hai quan chức Nga trong một cuộc hội kiến vào năm 2017 rằng ông không bận tâm chuyện Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Phát biểu này đã khiến các quan chức Nhà Trắng phải hạn chế quyền tiếp cận nó, báo The Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hội kiến Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) bên cạnh Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trong Nhà Trắng ở Washington, ngày 10 tháng 5, 2017. Ảnh do Bộ Ngoại giao Nga cung cấp.

Một bản tóm tắt cuộc hội kiến trong Phòng Bầu dục của ông Trump với bộ trưởng ngoại giao Nga và đại sứ Nga tại Mỹ đã được giới hạn chỉ cho một số quan chức xem trong một nỗ lực nhằm tránh để những phát biểu của tổng thống bị lộ ra ngoài, tờ Post cho biết, dẫn lời các cựu quan chức biết về sự việc này.

Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận ngay tức thì, Reuters cho biết.

Một đơn khiếu nại của một người tố cáo liên quan tới một cuộc điện đàm vào tháng 7, trong đó ông Trump hối thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị Đảng Dân chủ Joe Biden, đang là tâm điểm của cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện Hoa Kỳ được khởi động trong tuần này.

Một thành viên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đệ đơn khiếu nại chống lại ông Trump nói các ghi chú từ các cuộc trò chuyện khác giữa tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã được đưa vào một hệ thống máy tính có mức bảo mật cao trong một hành vi trái với lề lối bình thường nhằm bảo vệ thông tin nhạy cảm về mặt chính trị, thay vì nhạy cảm vì lí do an ninh quốc gia.

Cuộc gặp hồi năm 2017 giữa ông Trump với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Sergei Kislyak vốn đã bị coi là gây tranh cãi sau khi tin tức cho hay ông Trump đã tiết lộ thông tin có mức bảo mật cao về một hoạt động được hoạch định chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Về việc can thiệp bầu cử, ông Trump nói với ông Lavrov và ông Kislyak rằng ông không bận tâm chuyện Nga can thiệp vì Mỹ cũng làm như vậy ở các nước khác, tờ Post đưa tin.

CNN, dẫn lời những người biết rõ sự việc này, cho biết những nỗ lực nhằm hạn chế tiếp cận các cuộc trò chuyện của ông Trump với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã mở rộng sang các cuộc điện đàm với Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kellyanne Conway, cố vấn cấp cao Nhà Trắng, nói với các phóng viên rằng các thủ tục xử lí bản ghi chép các cuộc trò chuyện của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới đã được thay đổi từ đầu nhiệm quyền của ông sau khi các cuộc gọi với tổng thống Mexico và thủ tướng Úc bị rò rỉ.






No comments: