Thursday, September 26, 2019

TS NGUYỄN XUÂN XANH : KHÔNG THỂ CÓ MỘT QUỐC GIA MẠNH VỚI CÁC ĐẠI HỌC YẾU (Người Đô Thị)




Thứ hai, 23/09/2019

"Quốc gia không thể tiến lên hàng đầu thế giới mà các đại học lại tụt hậu ở phía sau. Nếu đại học không phải là nơi nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thì quốc gia cũng không thể đổi mới sáng tạo được." - tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh

Ngày 15.9 vừa qua, Giải thưởng Sách Hay 2019 hạng mục Giáo dục đã được trao cho "Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới – Từ trung cổ đến hiện đại"(viết tắt: Đại học). Ngay khi mới xuất bản, tác phẩm do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh ấp ủ trong suốt 15 năm này đã gây chú ý trong cộng đồng học thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn, du học năm 1966 tại CHLB Đức. Ông học tập và nghiên cứu tại các đại học Bonn, Heidelberg, Bielefeld và Berlin. Từ năm 1980-1986, ông làm nghiên cứu và dạy học tại Đại học Kỹ thuật Berlin trước khi về nước sống. Ông đã viết và chủ biên cho nhiều cuốn sách nghiên cứu về lịch sử khoa học giáo dục như: Nước Đức thế kỷ 19 – những thành tựu khoa học và kỹ thuật, Einstein, Kỷ yếu Đại học Humboldt

Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới – Từ trung cổ đến hiện đại viết về lịch sử, triết lý, tinh thần và vai trò đại học trong 900 năm qua. Đại học đã trở thành bộ mặt, hàn thử biểu của trạng thái tinh thần của một quốc gia. Sức nặng của một quốc gia không nằm ở diện tích, số dân, tài nguyên, ý thức hệ, thể chế chính trị, mà ở trình độ tri thức của con người được tạo ra. Đại học chính là nơi rèn luyện những con người đó. Đó là nguyên khí quốc gia rèn đúc giới tinh hoa, là nơi tập trung sinh hoạt cao của nền văn hóa.

Đối với người Việt Nam, đại học nghiên cứu, và khoa học, là những món nợ lịch sử mà các thế hệ hiện nay phải giải trình và giải quyết để phục vụ cuộc chấn hưng quốc gia. Đó là phép thử để xem người Việt Nam có năng lực đổi mới triệt để một thể chế học thuật hàng đầu của một quốc gia hay không.

Nhân dịp sách đoạt giải, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh đã dành cho chúng tôi một buổi chia sẻ.


Ý tưởng viết sách Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới – Từ trung cổ đến hiện đại ra đời như thế nào, thưa tiến sĩ?
Ý tưởng hình thành từ quyển sách Nước Đức thế kỷ XIX, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 tại NXB Tổng hợp Thành phố. Trong đó tôi đề cập đến cuộc cách mạng giáo dục của Humboldt là một trong ba cuộc cách mạng nền tảng của cuộc vươn lên của Đức.

Ý tưởng này được dịp phát triển toàn diện năm 2010 nhân dịp thế giới kỷ niệm 200 năm thành lập đại học theo mô hình Humboldt, mà tác phẩm quan trọng của lễ kỷ niệm này là Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm tại NXB Tri Thức đầu năm 2011. Có thể nói đó là lần đầu tiên ánh sáng của đại học thế giới xuất hiện tại Việt Nam.

Những năm tiếp theo, tôi nghiên cứu về đại học Hoa Kỳ, lịch sử và những bước phát triển của nó từ lúc Đại học Harvard dưới dạng một College được hình thành năm 1636, cho đến những bước phát triển có tính bước ngoặt vào những thập niên sau cuộc Nội chiến, sự chuyển hướng từ đại học nhân văn sang đại học nghiên cứu theo mô hình Đức, và một trăm năm sau, sau Thế chiến thứ hai, những bước vinh quang cũng như vấn đề của nó trước thềm thế kỷ 21.

Từ 2017, tôi tiếp tục viết thêm những bài nghiên cứu có tính nguồn gốc của Đại học nghiên cứu tập trung của nhiều nhà triết học Đức là những người cha tinh thần của Đại học Humboldt, và bản chất của lý tính con người, cũng như sự tiến hóa của nó từ những thế kỷ Trung cổ cho đến thời hiện đại – lý tính như đặc tính tư duy cốt lõi của con người mà khoa học là sự thể hiện của nó từ thời Cổ đại Hy Lạp mà nếu không có nó, sẽ không có đại học lẫn khoa học – nhằm hoàn thiện một quyển sách như đã ra mắt hiện tại. Tổng cộng lại, có thể nói, ý tưởng giáo dục đại học đã hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian 15 năm.


Dành nhiều thời gian, tâm sức cho một tác phẩm lớn về nền đại học toàn thế giới, ông kỳ vọng điều gì?
Tôi hy vọng cuốn sách mở ra cho những nghiên cứu tiếp để hiểu biết nhiều vấn đề của đại học thế giới, đương đại cũng như quá khứ. Hy vọng các học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phần này. Đại học thế giới có thể nói là cả một “Web of Life” liên kết, tương tác với nhau. Đại học Việt Nam rất tiếc chưa thể hiện tính liên kết đó với đại học thế giới, và có một sức ỳ dai dẳng, trong khi đại học các quốc gia phát triển trong khu vực đã làm điều đó từ lâu và phát triển mạnh mẽ trong cùng quỹ đạo đại học thế giới.

Quốc gia không thể tiến lên hàng đầu thế giới mà các đại học lại tụt hậu ở phía sau. Nếu đại học không phải là nơi nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thì quốc gia cũng không thể đổi mới sáng tạo được. Một đại học không thể là nơi dạy tốt, nếu nó không phải là nơi nghiên cứu tốt. Không thể có những công dân tư duy độc lập nếu đại học không độc lập. Muốn chấn hưng quốc gia, phải ưu tiên chấn hưng đại học. Đại học đã ra đời trên nhiều phần đất lạc hậu của thế giới để chấn hưng và cứu rỗi quốc gia. Không thể xây dựng quốc gia mà không có tri thức khoa học, thời Trung cổ cũng thế, Hiện đại cũng thế. Không thể có một quốc gia mạnh với các đại học yếu. Không thể có quốc gia giàu với các đại học nghèo.

Sự phồn vinh của các quốc gia giờ đây tùy thuộc vào sự thực hiện giáo dục đại học, qua sự đóng góp của nó vào việc xây dựng nguồn nhân lực và tri thức tích lũy; và cũng như thế đối với sự cạnh tranh quân sự giữa các cường quốc – là vấn đề sống còn theo nghĩa đen nhất.
Ngày nay đại học nghiên cứu là đầu tàu của các hệ thống đại học các quốc gia trên thế giới. Nó tạo ra khoa học, công nghệ và đào tạo tầng lớp chuyên gia lãnh đạo cao cấp trong mọi lĩnh vực xã hội. Muốn có kinh tế cạnh tranh phải có khoa học công nghệ mới, có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tri thức đẳng cấp thế giới được đào tạo thông qua các đại học tinh hoa. Không thể hình dung được Thung lũng Silicon mà không có Đại học Stanford gần đó, hay UC Berkeley hoặc MIT xa hơn.


Tiến sĩ cũng từng nói: “Đại học đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Sự tập trung duy nhất vào những nhu cầu trước mắt, hay chủ nghĩa kinh viện, hay những sự can thiệp của quyền lực bên ngoài, tôn giáo hay chính trị, đều bóp méo sự phát triển đại học, bóp nghẹt ngọn lửa sáng tạo của con người, khiến nó trở thành công cụ của quyền lực, hơn là đại học theo đúng nghĩa để phục vụ quốc gia…”?
Nhìn sang Đế chế Ottoman Hồi giáo một chút, chúng ta sẽ thấy cùng thời gian cách mạng khoa học ở châu Âu diễn ra, thì tiến bộ khoa học ở đế chế này không tồn tại. Lý do dễ thấy là quyền lực của tôn giáo ở đó ngự trị vô hạn.

Thế giới Hồi giáo một thời rất phát đạt học thuật và lòng khoan dung. Chính họ đã dịch những tác phẩm Hy Lạp sang tiếng Ả Rập để rồi sau đó các tác phẩm này được dịch sang tiếng Latinh cho đại học châu Âu.

Nhưng vào cuối thế kỷ 11, các giáo sĩ Hồi giáo bắt đầu cho rằng việc nghiên cứu triết học Hy Lạp là không phù hợp với Koran. Sự học triết học cổ đại bị cắt bỏ, sách vở bị đốt, và những người có tư duy phóng khoáng bị truy bức, các trường học madrasa trở thành trung tâm của tôn giáo, trong khi ở phương Tây đại học phát đạt về học thuật.

Năm 1515, vua Selim I đã đe dọa tử hình những ai sử dụng máy in. Năm 1580, vua ra lệnh phá hủy đài thiên văn Takiyüddīn vừa được xây năm năm trước. Di sản của Căn nhà Minh triết nổi tiếng một thời của Hồi giáo biến mất trong “đám mây của mộ đạo”.

Trong khi đó về quân sự đế chế này rất mạnh và thích đi chiếm đất người khác để làm bá chủ. Năm 1683, đạo quân hùng hậu nhất của họ tiến đến cửa ngõ thủ đô Vienna của Áo đe dọa thế giới Kitô giáo. Nhưng đó cũng là năm tàn của đế chế, sau khi quân họ bị đội quân Kitô giáo đánh bại nặng nề. Đó cũng là thời gian châu Âu đang chuyển mình sâu sắc về tư tưởng khoa học cũng như về tư tưởng thể chế chính trị.


Tiến sĩ có thể cho biết sự khác biệt giữa Đại học trong thế kỷ 19 so với Đại học thời Trung cổ?
Đầu thế kỷ 19, một cuộc cách mạng đại học diễn ra sau giai đoạn trì trệ với mục đích đưa khoa học trở lại đại học. Tác nhân của cuộc cách mạng là sự thất trận của Phổ trước Napoleon năm 1806. Và Phổ cần một đại học mới làm hoa tiêu để “lấy sức mạnh tinh thần bù đắp cho những tổn thất vật chất”, làm hồi sinh tinh thần của giới tinh hoa Phổ đang bị chế độ chính trị làm suy sụp.

Mô hình đại học nghiên cứu Đức mà Đại học Berlin là hoa tiêu có nhiệm vụ này. Nó xuất phát từ những cái đầu các nhà triết học duy tâm và tân-nhân văn Đức cuối thế kỷ 18, đầu 19, đặt nền móng cho nghiên cứu khoa học để luôn luôn khám phá cái mới. Đó là một tầm nhìn lớn, ngược với thời đại. Giới triết học Đức đã đóng vai trò của các người cha nhà thờ Trung cổ trước kia.

Nhưng nếu đại học Trung cổ phát triển với tinh thần khai sáng thì lần này đại học có nhiệm vụ phát triển khoa học. Giờ đây, không có khám phá khoa học là không có đại học. Sáng tạo trở thành trào lưu phát triển mới.

Người thầy đại học không còn khoác những chiếc áo kinh viện khệ nệ để nhìn về quá khứ mà truyền đạt tri thức như những chân lý bất di bất dịch. Họ phải nhìn về tương lai, tìm kiếm những chân trời mới, và phải là những nhà đổi mới sáng tạo tiên phong để khám phá thế giới mới đang ở phía trước. “Khoa học là cái mãi mãi phải đi tìm”, không bao giờ dứt, theo tinh thần của Humboldt như một tiên đề cho Đại học cải cách Berlin.

Mô hình đại học nghiên cứu Đức sau đó lan tỏa khắp thế giới, đặc biệt sang Hoa Kỳ vào những thập niên cuối thế kỷ 19 sau cuộc Nội chiến, và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Một trăm năm sau Humboldt, vị chủ tịch huyền thoại của Đại học Harvard, Charles W. Eliot, đã diễn tả vai trò của đại học nghiên cứu như sau: Đại học nghiên cứu không thể thiếu vì hai lý do: thứ nhất, bởi vì một đại học nếu không phải là chỗ tốt để nghiên cứu thì không thế tiếp tục lâu dài là chỗ tốt để giảng dạy; và thứ hai, bởi vì việc đi tìm chân lý không ngừng, âm thầm và tập trung vào mục đích đó thôi là điều kiện của cả hai, sự tiến bộ vật chất lẫn tri thức.

Nhưng rực rỡ nhất là sự phát triển trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai, với bản kiến nghị của vị cố vấn khoa học Vannevar Bush (1890-1974) đệ trình cho tổng thống Truman. Theo đó nghiên cứu khoa học cơ bản có vai trò hàng đầu trong việc phát triển sự phồn vinh và quốc phòng quốc gia. Và phải được thực hiện tại các đại học nghiên cứu Mỹ, hoàn toàn phù hợp với tinh thần đại học nghiên cứu Humboldt giúp cho Hoa Kỳ trở thành bá chủ về khoa học và học thuật sau đó.

Gerald Casper – nguyên Chủ tịch Đại học Stanford kể lại rằng, ông đã lãnh đạo Stanford hai nhiệm kỳ đúng theo tinh thần được Humboldt thảo ra năm 1810 để đạt đỉnh cao về học thuật lẫn về công nghệ cao, được thể hiện thông qua Thung lũng Silicon.

Trong khi đại học là di sản của châu Âu Trung cổ, thì tự do học thuật là di sản của các đại học Đức: tự do dạy và tự do học – khí trời của đại học nghiên cứu mới, một đòi hỏi chính thức cao hơn ở các đại học Trung cổ. Nhà nước, vì lợi ích của mình và của xã hội, nên cần biết giữ khoảng cách với đại học để đừng làm tổn hại nó. Chỉ như thế đại học mới phục vụ xã hội đắc lực, hơn cả nhà nước nghĩ.

Người Mỹ khám phá loại tự do học thuật này một cách thích thú và nồng nhiệt, như một loại “phúc âm” mới, và truyền bá nó mạnh mẽ xuyên khắp các đại học của họ. Một dân tộc vốn yêu tự do nồng nàn, giờ đây nhận ra tự do học thuật là quan trọng dường nào trong việc phát triển đại học nghiên cứu mà họ tiếp thu từ Đức.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay và sắp tới, đại học sẽ có thêm ý nghĩa gì đối với nhân loại, thưa ông?
Ngày nay, đại học không còn là tài sản riêng của một quốc gia. Giáo dục đại học tiến lên trở thành giáo dục mang tính toàn cầu, tri thức thành tri thức phổ quát, con người thành công dân thế giới. Văn hóa bản địa với những nét đặc trưng của nó vốn là những tài sản quý báu tô thắm thêm văn hóa toàn cầu, chứ không phải bị từ bỏ bởi những công dân của nó.

Những người Hy Lạp cổ đại đã từ lâu nhận thức rằng, sự gặp gỡ các nền văn hóa khác là phần quan trọng của cuộc đời tự xem xét lại. Và cũng như thế, giáo dục phải phát triển được năng lực dám xem lại những cái tốt còn chưa hợp lý theo cách cũ để tìm đến những cái tốt phổ cập hơn trên thế giới.

Giáo dục đại học là làm cho con người bản địa gần gũi với con người thế giới, con người nhân loại. Để một quốc gia không phải là phần “tha hương” của nhân loại, mà chính là một bộ phận hòa hợp hữu cơ trong đó, để sức mạnh của nhân loại cũng là sức mạnh của quốc gia. Cho nên đại học là cửa mở sang thế giới rộng lớn của nhân loại để hòa nhập.

Xin cảm ơn ông!
Cẩm Tú thực hiện







No comments: