Thursday, September 26, 2019

TỔNG THỐNG UKRAINA TRONG THẾ KHÓ XỬ VỚI CÁC LÃNH ĐẠO PHƯƠNG TÂY (RFI Tiếng Việt)




Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 26-09-2019 S

Ukraina bất ngờ trở thành tâm điểm trên chính trường Mỹ. Chỉ một cuộc điện đàm trong 30 phút với Donald Trump hôm 25/07/2019 cũng đủ để một chính trị gia không chuyên nghiệp như ông Volodymyr Zelensky gây xôn xao chính trường tại một nền dân chủ phương Tây và khiến giới ngoại giao mất ăn mất ngủ.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tới cuộc họp với các thành viên nội các mới và tân chủ tịch Quốc Hội, tại Kiev ngày 02/09/2019. Sergei SUPINSKY / AFP

Truyền thông quốc tế từ đầu tuần chỉ tập trung vào lời "nhờ vả" của nguyên thủ Mỹ với đồng nhiệm Ukraina. Trong lúc các nhà ngoại giao phương Tây chú ý đến hồ sơ nhậy cảm hơn : quan hệ giữa Kiev với hai điểm tựa tại châu Âu là Pháp và Đức để giải quyết khủng hoảng với Nga và vị thế của chính quyền Zelensky khi đàm phán với Putin về khủng hoảng kéo dài giữa Kiev và Matxcơva.

Đắc cử tổng thống Ukraina vào tháng 4/2019 và chính thức lên lãnh đạo một quốc gia từng là chư hầu của Liên Xô, nghệ sĩ hài Volodymyr Zelensky không có một chút kinh nghiệm chính trị nào, khó có thể hình dung ra kịch bản một cuộc điện đàm xã giao với lãnh đạo Nhà Trắng đang gây nên giông tố trên chính trường Mỹ. Lời "nhờ vả" của Donald Trump, để Kiev cho mở điều tra về con trai cựu phó tổng thống Biden, lại trở thành vũ khí để hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chinh phục Nhà Trắng.

Ông Zelensky cũng khó có thể ngờ rằng từng lời nói trong cuộc trao đổi hôm 25/07/2019 với tổng thống Hoa Kỳ sẽ được mang ra mổ xẻ và gây ra "rất nhiều những tác động liên đới" về ngoại giao và chiến lược đối với bản thân Ukraina.

Khi Ukraina đương đầu với nước láng giềng sát cạnh là Nga, các nước phương Tây luôn đứng về phía Kiev. Mỹ cấp một khoản viện trợ quân sự cho chính quyền Ukraina. Còn Pháp, Đức, hai đối tác chính trong tiến trình đàm phán để giải quyết xung đột ở miền đông Ukraina, là nhịp cầu để Ukraina nói chuyện với điện Kremlin trong rất nhiều các hồ sơ, kể cả việc làm hạ nhiệt ở eo biển Kerch, cửa ngõ ra Hắc Hải...

Thế nhưng, trong vỏn vẹn 30 phút điệm đàm với Donald Trump, tổng thống Zelensky đã vụng về phụ họa theo đồng nhiệm Mỹ khi chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích châu Âu. Donald Trump một mặt đề cao vai trò của Mỹ, mặt khác gièm pha các nước châu Âu, đặc biệt là Đức. Ông nói Mỹ làm rất nhiều cho Ukraina, châu Âu nên tích cực hơn nữa. "Đức nói thì nhiều nhưng gần như không làm gì hết để giúp đỡ Ukraina". Nguyên thủ Mỹ chĩa mũi dùi tấn công vào thủ tướng Đức, Angela Merkel. Và thế là tổng thống Ukraina hùa theo, đồng ý với Donald Trump, " không chỉ 100 % mà đến cả 1000 %".

Nhà chính trị gia non tay Volodymyr Zelensky tâm sự với nguyên thủ Mỹ là ông đã gặp và nói chuyện với bà Merkel, cũng như là với tổng thống Pháp Macron. Kiev đã kêu gọi Paris và Berlin "can thiệp nhiều hơn nữa", đặc biệt là cần gia tăng trừng phạt Nga vì Matxcơva đã thôn tính bán đảo Crimée và yểm trợ phe nổi dậy ở miền đông Ukraina. Không phải có vì muốn phỉnh Donald Trump hay không mà tổng thống Zelensky lại nói thêm : ông rất biết ơn nước Mỹ, vì "về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ là đối tác của Ukraina, quan trọng hơn cả so với châu Âu".

Theo quan điểm của giám đốc Viện Chính Trị Học Quốc Tế tại Kiev, Evguen Magda, tài liệu về nội dung cuộc điện đàm Trump-Zelensky cho thấy, tổng thống Ukraina "không hề biết một chút gì về ngoại giao hay về luật pháp quốc tế". Cựu đại sứ Markian Loubkivsky, từng cố vấn cho cựu thủ tướng Ioulia Timochenko, tự hỏi Kiev giờ đây sẽ ăn nói thế nào với Pháp và Đức, đặc biệt là trong bối cảnh, tháng 8 vừa qua, trước khi tổ chức thượng đỉnh G7, tổng thống Emmanuel Macron đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin đến khu nghỉ mát ở miền nam nước Pháp để thuyết phục chủ nhân điện Kremlin nối lại đàm phán bốn bên. Lần cuối cùng, Nga, Ukraina cùng với Pháp và Đức cùng ngồi vào bàn thảo luận vãn hồi hòa bình tại miền đông Ukraina là năm 2016.

Về đối nội, vụ tai tiếng về nội dung trao đổi qua điện thoại với tổng thống Trump cũng đặt ông Zelensky vào thế khó xử không kém, vì trong cuộc điện đàm đó, khi tổng thống Ukraina ngỏ lời muốn mua hệ thống phóng tên lửa Javelin của Mỹ thì tổng thống Trump kèm theo điều kiện nhờ vả ông Zelensky.

Vừa tham gia chính trường, tổng thống Volodymyr Zelensky có không ít đối thủ. Những người này chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội để tấn công ông. Còn với công luận trong nước, đây là bài toán trắc nghiệm cho uy tín của một vị tổng thống được bầu lên nhờ hứa hẹn chấm dứt nạn tham nhũng và hối mại quyền thế để trục lợi.

----------------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 26-09-2019 

Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nguyên thủ Mỹ và Ukraina hôm 25/09/2019 tại New York, tổng thống Zelensky khẳng định ông không hề bị Mỹ "gây sức ép". Tuy nhiên, cuộc điện đàm với tổng thống Hoa Kỳ đúng hai tháng trước đó khiến Kiev khó xử.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đang chăm chú lắng nghe trong cuộc gặp gỡ nguyên thủ Mỹ Donald Trump, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, ngày 25/09/2019. REUTERS/Jonathan Ernst

Thông tín viên đài RFI Sébastien Gobert từ thủ đô Ukraina giải thích :

Ảnh hưởng của Ukraina trên chính trường Mỹ khiến Putin phải ganh tị". Sau khi đảng Dân Chủ tiến hành thủ tục phế truất Donald Trump, lời bình luận này trên các mạng xã hội thể hiện rõ sự vui đùa của người dân Ukraina về vai trò bất ngờ của nước họ trên chính trường Hoa Kỳ.

Thế nhưng, lời vui đùa này cũng xen kẽ sự lo ngại. Bởi vì bởi xung khắc về ngoại giao với Mỹ sẽ làm yếu đi vị thế của Ukraina trong các cuộc đàm phán với Nga. Hệ quả của vụ này rất đáng lo ngại và mọi người chú ý theo dõi một cách chi tiết những phản ứng của tổng thống Zelensky.

Tại Kiev, Volodymyr Zelensky không bị nghi ngờ là thiên vị Donald Trump. Con trai cựu thổng thống Biden không bị điều tra. Và không ai biết tổng thống Zelensky đang tính toán những gì. Thế nhưng, điều trớ trêu là trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Zlensky cam kết bài trừ tham nhũng và nạn tư pháp phân biệt đối xử. Ấy vậy mà không phải là các nhà tài phiệt hay các chính khách đáng ngờ của quốc gia hậu Xô Viết này yêu cầu ông can thiệp, mà lại là một nhà lãnh đạo của thế giới tự do phương Tây dường như nhờ tổng thống Ukraina cho mở điều tra trong một vụ án mang nặng màu sắc chính trị.

----------------------------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 26-09-2019

Ngày 25/09/2019 Nhà Trắng công bố nội dung cuộc điện đàm ngày 25/07, giữa nguyên thủ Mỹ và tổng thống Ukraina. Cách nay hai hôm, đảng Dân Chủ đối lập thông báo mở điều tra luận tội theo thủ tục phế truất vì nghi ngờ tổng thống Donald Trump yêu cầu đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky can thiệp nhằm triệt hạ một đối thủ tiềm tàng khi ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, New York, ngày 25/09/2019. REUTERS/Jonathan Ernst

Đối thủ đó là cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay của đảng Dân Chủ.

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Ukraina, ông Trump đã yêu cầu ông Zelensky "để ý" đến cuộc điều tra liên quan tới Hunter Biden, con trai của Joe Biden. Trước đây, Hunter Biden từng là thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn khí đốt Ukraina Burisma và bị nghi ngờ có dính líu đến một vụ tham nhũng.

Cũng trong cuộc điện đàm này, ông Trump chính thức "nhờ vả" Volodymyr Zelensky "giúp đỡ" một việc khác, liên quan đến một vụ thâm nhập hộp thư điện tử của bên đảng Dân Chủ. Chính hồ sơ này là yếu tố dẫn tới nghi án ông Trump thông đồng với Nga để đắc cử hồi năm 2016.

Theo tiết lộ của báo chí, tổng thống Trump nói thẳng với ông Zelensky là Kiev "rất thạo về hồ sơ này" và ông muốn là chính quyền Ukraina liên lạc trực tiếp với bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và với luật sư của Donald Trump là cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani.

Riêng với hai điểm vừa nêu, tổng thống Donald Trump bị cáo buộc cầu viện một quốc gia can thiệp nhằm phục vụ lợi ích chính trị cá nhân. Đáng nói hơn nữa là quyết định của Nhà Trắng công bố cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ và Ukraina diễn ra đúng vào lúc, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên hai ông Trump và Zelensky gặp nhau. Ông Trump bác bỏ tất cả những cáo buộc của bên đảng Dân Chủ đối lập.

Thông tín viên đài RFI Eric de Salve giải thích :

Lại một màn săn lùng phù thủy. Tổng thống Donald Trump bình luận như trên một ngày sau khi cuộc điều tra theo thủ tục truất phế được mở ra. Ông nói thêm : "Thực là một trò đùa. Truất phế tổng thống chỉ vì vậy thôi sao ? Chỉ vì tôi đã có một cuộc điện đàm tuyệt vời ? Tôi không đe dọa ai hết, không gây áp lực. Không có những chuyện đó. Đây chỉ là một trò đùa".

Dù vậy chính cuộc điện đàm với Volodymyr Zelensky là điểm khởi đầu của thủ tục phế truất. Nhà Trắng công bố nội dung cuộc trao đổi và cho thấy là ông Donald Trump đã yêu cầu đồng nhiệm Ukraina cho mở điều tra về đối thủ Joe Biden. Thực vậy, ông Trump tố cáo ứng viên có nhiều triển vọng của bên đảng Dân Chủ này đã gây áp lực để cách chức một chưởng lý Ukraina trong thời gian ông Biden là phó tổng thống Hoa Kỳ năm 2014, qua đó bảo vệ con trai mình tránh khỏi bị điều tra về một vụ án tham nhũng. Con trai cựu phó tổng thống Biden từng làm việc cho một tập đoàn khí đốt của Ukraina.

Donald Trump còn bị tố cáo gây áp lực với Ukraina qua việc dọa cắt khoản viện trợ quân sự 400 triệu đô la cho chính quyền Kiev. Một trong những dân biểu có thế lực bên đảng Dân Chủ coi đe dọa này không khác gì kiểu làm ăn của các băng đảng Mafia. Về phía đảng Cộng Hòa, thái độ của ông Donald Trump gây hoang mang. Thượng nghị sĩ Mitt Romney đánh giá chuyện này hết sức đáng lo ngại. Thế nhưng để truất phế tổng thống Trump, bên đảng Dân Chủ đối lập phải thuyết phục được 20 thượng nghị sĩ của bên đảng Cộng Hòa, một kịch bản ít có thể xảy ra vào lúc này.







No comments: