Monday, September 30, 2019

ĐIỀU TRA LUẬN TỘI - MỘT TUẦN CHẤN ĐỘNG VỚI TT TRUMP (Zing.vn)




Zing.vn
01/10/2019

Điều tra luận tội là cơn địa chấn mạnh nhất Tổng thống Trump từng đối mặt. Tuần qua, Washington chia thành hai nửa và cuộc chiến tổng lực mới chỉ bắt đầu.

45 năm sau Watergate và 20 năm sau bê bối của TT Bill Clinton, guồng máy “luận tội” lại được khởi động để điều tra Tổng thống Trump.
Nhưng với sự chia rẽ sâu sắc hiện tại của nước Mỹ, cuộc luận tội lần này dường như sẽ chỉ trút thêm "thuốc độc" vào chính trường Washington hơn nhiều hai lần luận tội trước, theo CNN. 
Không giống bức tranh hỗn tạp với những thỏa thuận nhập nhằng và thiếu rõ ràng của điều tra liên quan tới Nga bởi công tố viên Mueller, cuộc điều tra lần này rõ ràng hơn nhiều. Điều này khiến vị thế của ông Trump mong manh hơn trong nguy cơ luận tội. 

Ông Trump có lạm quyền khi cản trở giải ngân hàng trăm triệu USD viện trợ cho Ukraine để buộc Kiev phải "tiêu diệt" đối thủ chính trị của ông (nguyên phó tổng thống Biden)? Nhà Trắng sau đó có tìm cách che đậy âm mưu này?

"Tổng thống Mỹ đã phản bội lời thề tổng thống, phản bội lời thề bảo vệ an ninh quốc gia, và phản bội lời thề bảo vệ hiến pháp", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff nói hôm 26/9. 

LUẬN TỘI GIỮA BỐI CẢNH CHIA RẼ GAY GẮT

Trước đó, báo chí Mỹ đã đưa tin về bản tố giác từ một nhân viên tình báo cáo buộc tổng thống Mỹ treo 390 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, để ông Trump gây sức ép buộc tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden trong một cuộc điện đàm hồi tháng 7.
Ông Biden là đối thủ nặng ký nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Đơn tố giác nói TT Trump và các cố vấn đã cố gắng liên hệ với Ukraine từ nhiều tháng.
Dường như ông tin rằng Ukraine có thông tin bê bối về đảng Dân chủ, dù đã được các cố vấn thuyết phục hết lần này tới lần khác rằng liên hệ giữa Kiev và đảng Dân chủ đều là thuyết âm mưu và “hoàn toàn sai”.
Trong diễn biến mới, Thomas Bossert, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump, lên tiếng trên đài ABC nói ông “lo ngại sâu sắc” khi TT Trump vẫn muốn Ukraine cung cấp thông tin bê bối về đảng Dân chủ.
Các cựu cố vấn của tổng thống nói với New York Times rằng ông dễ tin các thuyết âm mưu liên quan đến Ukraine mà các trang cực hữu vẫn nhai đi nhai lại ba năm qua. Ông Trump dường như tin cố vấn bên ngoài như ông Rudy Giuliani hơn là đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi công bố điều tra luận tội đối với ông Trump hôm 24/9. Ảnh: AP.

Trong cuộc gọi tổng thống Ukraine, ông Trump nhắc đến CrowdStrike, mà ông tưởng là một công ty Ukraine, và nhắc đến máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, mà ông nói đặt ở Ukraine. Khi còn là cố vấn, ông Bossert nhiều lần bác bỏ những lầm tưởng của ông Trump và khẳng định máy chủ đó đặt ở Washington.
Nhưng hết lần này tới lần khác, ở các cuộc vận động, ông Trump vẫn thắc mắc máy chủ đó ở đâu.
Điều này được ông Bossert tiết lộ, giữa lúc cuộc điều tra luận tội đang diễn ra ráo riết. Người tố giác sẽ ra làm chứng sớm và lệnh yêu cầu giao nộp tài liệu sẽ được đưa ra đầu tuần này đối với ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump và là người dẫn đầu nỗ lực yêu cầu Ukraine cung cấp thông tin gây hại về đảng Dân chủ.

(Tổng Thống) muốn ép lãnh đạo Ukraine giúp đỡ trong việc tái tranh cử . Người tố giác

Thăm dò mới cho thấy lần đầu tiên đa số người Mỹ ủng hộ điều tra luận tội. Đây là diễn biến đáng lo ngại với Nhà Trắng, vốn luôn lập luận rằng công chúng không ủng hộ luận tội.
Theo phân tích của Wall Street Journal, quá trình luận tội vẫn luôn là sự hòa quyện nhập nhằng giữa quá trình pháp lý lẫn toan tính chính trị. Cụm từ “trọng tội và hành vi phi  pháp" ở các quan chức vẫn được hiểu rất rộng và không chặt chẽ. 
Cụm từ đó - trong điều II của hiến pháp Mỹ về phế truất tổng thống, phó tổng thống và các quan chức vì lý do phản quốc, hối lộ và các trọng tội - vốn có ngữ nghĩa không chặt ngay từ đầu. 
Những người viết hiến pháp "đủ thực tế để hiểu không hiến pháp nào có thể lường hết mọi tình huống trong tương lai, nên họ để khoảng trống khá nhiều cho linh động trong các phần của luật", cựu Chánh án Tối cao William Rehnquist viết trong cuốn "Grand Inquests" (Những cuộc đại án) về các phiên luận tội Tổng thống Andrew Johnson và Thẩm phán Samuel Chase. (Cả hai đều được tha bổng). 
Khái niệm “luận tội” bắt nguồn từ Anh, theo đó, vi phạm nào đáng bị cách chức phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Về bản chất, trong chế độ tam quyền phân lập của Mỹ, quyền luận tội được trao cho cơ quan lập pháp là quốc hội để ngăn chặn nhánh hành pháp lạm quyền.

Yêu cầu Ukraine điều tra ông Biden, ông Trump có thể bị cáo buộc ba hình thức lạm quyền, theo giáo sư luật đại học Missouri Frank Bowman, tác giả cuốn “High Crimes and Misdemeanors: A History of Impeachment for the Age of Trump” (Trọng tội và hành vi phi pháp: Lịch sử luận tội trong kỷ nguyên Trump).
Ông Trump có thể đã lạm quyền với tư cách tổng thống hoặc lạm quyền về ngoại giao hoặc lạm quyền trong thực thi luật pháp khi cấu kết với chính phủ nước ngoài để chống lại đối thủ chính trị trong nước.

Không phải mọi hành vi phạm tội đều sẽ bị luận tội. Ngược lại, một số hành vi lạm quyền có thể vẫn có thể đưa ra luận tội, dù chưa phải là phạm tội.
Ngoài Tổng thống Johnson của thế kỷ 19, Bill Clinton (đảng Dân chủ) là tổng thống duy nhất thời hiện đại bị luận tội vì đã nói dối sau tuyên thệ trong vụ ngoại tình với thực tập sinh Monica Lewinsky. Trường hợp còn lại đối mặt với luận tội là Tổng thống Nixon, nhưng ông từ chức vào năm 1974 trước khi chính thức bị luận tội.

Biểu tình bên ngoài Tháp Trump ở New York đòi luận tội tổng thống. Ảnh: Getty.

Đối với Tổng thống Clinton, các nghị sĩ Dân chủ cuối cùng đã không cách chức ông, bằng cách lập luận rằng vi phạm của ông dù đáng bị lên án, thậm chí có thể truy tố, nhưng không gây nguy hại cho đất nước đến mức phải bị cách chức. Ngoài ra, họ cũng nêu các thăm dò cho thấy công chúng không muốn ông Clinton bị cách chức
Đảng Cộng hòa phản bác rằng luận tội không phải thi thố xem dư luận nghiêng về bên nào và chỉ nên xem xét giống như phiên tòa: có phạm tội không và đủ bằng chứng không.

Cuộc điều tra luận tội hiện nay nhắm vào ông Trump diễn ra giữa lúc chia rẽ chính trị Mỹ gay gắt hơn bao giờ hết. Mọi phiếu bầu của các nghị sĩ sẽ là theo đảng phái.
Các chuyên gia pháp lý nói với Wall Street Journal rằng không giống ở tòa, quá trình luận tội luôn có yếu tố chính trị, vì quyết định cách chức luôn bị ảnh hưởng bởi chính trị. Các nghị sĩ sẽ có hàng loạt các toan tính chính trị như cử tri sẽ nghĩ sao về lựa chọn của họ, nhất là trước kỳ bầu cử.

WASHINGTON THAY ĐỔI HOÀN TOÀN

Một tuần qua, Washington chìm trong cuộc chiến tổng lực. Một bên là đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump vốn đang có tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục, giờ lại dính cáo buộc gây áp lực để Kiev điều tra đối thủ chính trị của mình. Bên kia là đảng Dân chủ, dẫn dắt bởi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một chính trị gia lão luyện. 
Tuần qua cũng là “cơn địa chấn” mạnh nhất đối với chiếc ghế của Tổng thống Trump. Giờ đây, cuộc chiến tại vị nhiệm kỳ thứ hai của ông và chiến dịch giành lại Nhà Trắng của đảng Dân chủ sẽ xoay quanh chủ đề luận tội, hơn mọi chủ đề khác.
Tuần làm việc vừa qua ở Washington dự kiến xoay quanh các diễn biến họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhưng chỉ trong nháy mắt, mọi thứ đảo lộn vào chiều 24/9 khi bà Pelosi chính thức công bố điều tra luận tội đối với ông Trump.
“Tổng thống cần bị truy cứu trách nhiệm. Không ai được đứng trên pháp luật”, bà Pelosi phát biểu.
Ông Trump phản bác lại chỉ vài phút sau trên Twitter: “Một ngày quan trọng ở Liên Hợp Quốc, quá nhiều việc, quá nhiều thành công, và phe Dân chủ lại cố tình làm hỏng với cuộc Săn Phù thủy rác rưởi. Quá tệ cho đất nước”.
Hai chính khách đã châm ngòi cho các phát ngôn gay gắt rộ lên ở Washington và khắp nước Mỹ, nhằm kéo dư luận về phía mình. Luận tội là cuộc chiến ở trên TV.

Sáng hôm sau, 25/9, bản ghi chép cuộc gọi của ông Trump với ông Zelensky, do Nhà Trắng công bố, cho thấy tổng thống Mỹ nói với tổng thống Ukraine rằng ông “muốn nhờ một việc” ngay sau khi ông Zelensky nhắc đến viện trợ quân sự. Ông Trump sau đó gợi ý việc điều tra Biden.
Nhà Trắng cùng các nghị sĩ Cộng hòa lập luận rằng không có đề nghị đổi chác rõ ràng, kiểu “hãy điều tra Biden thì mới có viện trợ quân sự”. Tranh luận nhanh chóng xoay quanh dụng ý câu nói của ông Trump.

Biểu tình đòi luận tội Tổng thống Trump bên ngoài Nhà Trắng tối 24/9. Ảnh: AP.

Nhưng thay vì xoa dịu các chỉ trích như ông Trump mong muốn, lời nói “tôi muốn nhờ ông một việc” trở thành “đạn” của đảng Dân chủDựa vào đó, họ lập luận rằng ông Trump đã gây sức ép.
Hạ nghị sĩ Adam Schiff, đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, so sánh cuộc hội thoại của ông Trump như “cuộc nắn gân của mafia đối với một lãnh đạo nước ngoài”.

Ngày 25/9, hai lãnh đạo Mỹ - Ukraine gặp gỡ bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Trước \máy quay, ông Zelensky mở đầu bằng câu nói đùa: “Gặp nhau trên TV như này tốt hơn là nói chuyện điện thoại”, khiến ông Trump và các phóng viên bật cười.
Dẫu sao, Tổng thống Zelensky cũng từng là diễn viên hài, từng đóng vai tổng thống Ukraine trước khi tranh cử và thành tổng thống thật. Bên cạnh ông Trump, tổng thống Ukraine gọi cuộc nói chuyện hồi tháng 7 là “cuộc trao đổi tốt”, “bình thường” và “không ai gây sức ép với tôi”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Tổng thống Trump tại New York. Ảnh: Reuters.

Đến cuối ngày, ABC News dẫn các nguồn tin cho biết trái với các tuyên bố trên, Tổng thống Zelensky có cảm thấy áp lực và quan chức Ukraine hiểu rõ điều tra Biden là điều kiện phía Mỹ đưa ra.
Cùng ngày, số nghị sĩ ủng hộ luận tội đã lên tới 218 tức quá bán, số phiếu cần thiết để Hạ viện luận tội ông Trump và chuyển quá trình lên Thượng viện.

TƯƠNG LAI KHÓ LƯỜNG

Ngày 26/9, Ủy ban Tình báo Hạ viện công bố đơn tố giác. Trong đơn, “người thổi còi” viết tổng thống “muốn ép lãnh đạo Ukraine giúp đỡ trong việc tái tranh cử”, thậm chí còn nhắc đến những nỗ lực gây áp lực lên Ukraine nhiều tháng trước cuộc gọi tháng 7.
Nhưng câu chuyện trở nên mờ ám hơn khi đơn tố giác đồng thời viết về nỗ lực của Nhà Trắng nhằm “phong tỏa” mọi bằng chứng về cuộc gọi và chuyển mọi bản ghi sang hệ thống máy tính bảo mật riêng, chỉ dùng cho các chiến dịch bí mật. Nhà Trắng đã xác nhận việc này một ngày sau đó trong thông cáo gửi cho CNN.
“Đây là một vụ che đậy”, bà Nancy Pelosi phát biểu tại điện Capitol.

Câu chuyện Ukraine đã chiếm trọn sự chú ý của Washington khỏi các vấn đề khác. Ở một số bang bầu cử sơ bộ sớm, mọi bàn tán chuyển từ ứng viên tổng thống sang chủ đề luận tội.
Giới phân tích, tư vấn chính trị dành hết sức đồn đoán, tìm chỉ dấu để biết điều tra luận tội sẽ thay đổi chính trị Mỹ theo hướng nào.

Những cuộc điều tra của 6 ủy ban Hạ viện sẽ khơi ra những nhân chứng và bằng chứng mới, nhưng đội quân luật sư của Nhà Trắng sẽ chiến đấu đến cùng ở tòa án để giữ kín những bằng chứng đó. Luận tội sẽ trở thành trận so găng với rất nhiều hiệp.
“Không ai có thể tiên đoán, chưa nói đến kiểm soát các sự kiện. Chỉ có một điều chắc chắn: sự bất ngờ”, ký giả Gerald Seib viết trên Wall Street Journal.
“Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình thế chưa từng có”, Donna Brazile, từng là chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, trả lời Wall Street Journal. “Có quá nhiều ẩn số”.

Ba kênh truyền hình phát sóng toàn nước Mỹ là ABC, CBS, và NBC đã ngắt chương trình để phát trực tiếp phiên điều trần của ông Maguire. Họ coi đây là thời khắc lịch sử của nước Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Với các sự kiện diễn ra chóng mặt ở Washington, các cử tri cả Dân chủ lẫn Cộng hòa có chung tâm lý mệt mỏi với chính trị, nhất là trong thời đại đầy chia rẽ. Nhiều người không muốn theo dõi mọi diễn biến của câu chuyện Ukraine vì họ đã kết luận ngay từ đầu rằng ông Trump tốt hay xấu.
Nhiều cử tri cả hai đảng lập luận rằng hòm phiếu năm 2020, chứ không phải luận tội, là cách tốt nhất để hóa giải khủng hoảng lòng tin đối với một tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp, lại chịu cáo buộc phản bội lợi ích quốc gia.
Curtis Johnson, 71 tuổi, cử tri Dân chủ ở bang Florida, lo ngại luận tội tổng thống sẽ càng giúp ông Trump tái cử. “Việc này sẽ thiệt cho phe Dân chủ vì mọi người sẽ bảo ‘sao mất công vì vụ này đến thế’”, ông Johnson nói với Washington Post.
Derek Tsao, 27 tuổi, cử tri Cộng hòa ở bang California, chỉ lướt qua tin tức về luận tội. Nhưng anh ủng hộ việc điều tra.
“Nếu có cáo buộc hành vi phạm tội, cần phải tìm hiểu cho rõ”, Tsao nói. “Nhưng tôi e đây chỉ là nước cờ nhằm chống Trump”.
Diana Rascano, 69 tuổi, thường bỏ phiếu Dân chủ ở bầu cử địa phương và về phe Cộng hòa khi bầu cử tổng thống, nhận xét cuộc gọi Ukraine của ông Trump là bình thường.
Bà cho rằng truyền thông “hành động như đám đông giận dữ… luôn muốn tìm ra tội” của ông Trump.
Vì vậy, bà lại càng ủng hộ tổng thống cho năm 2020, hơn cả năm 2016.




LUẬN TỘI TRUMP : TRÁCH NHIỆM hay CANH BẠC CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ? (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
01/10/2019

Đảng Dân chủ có trách nhiệm tiến hành luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc dù hành động này có thể đem đến cho họ rất nhiều rủi ro chính trị, các nhà phân tích nhận định.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, hôm 24/9 loan báo Đảng Dân chủ đã bắt đầu chính thức điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump về những cáo buộc rằng ông cố gắng gây áp lực với Tổng thống Ukraine để điều tra ông Joe Biden, một ứng cử viên Tổng thống 2020 bên Đảng Dân chủ.

Tổng thống Donald Trump và người tương nhiệm Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm gây tranh cãi

Trước đó, nhiều nhân vật bên Đảng Dân chủ từng kêu gọi xúc tiến tiến trình luận tội Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sau khi báo cáo điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller dù không kết luận rằng ông Trump đã phạm tội cản trở công lý nhưng không minh oan cho ông Trump về tội danh này. Tuy nhiên, các lãnh đạo Dân chủ đã không đáp ứng lời kêu gọi lúc đó vì những rủi ro tiềm tàng đối với họ trong mùa bầu cử sắp tới.

‘Cực chẳng đã’

Lần này, Đảng Dân chủ theo đuổi luận tội ông Trump vì bị buộc vào thế ‘cực chẳng đã,’ theo bà Ông Thụy Như Ngọc, Tiến sĩ Chính trị học và hiện là chủ nhiệm tờ báo Viet Tide ở tiểu bang California.

“Nếu họ không luận tội thì họ sẽ bị cho là tiếp tục bao che cho các hành vi không trong sáng của ông Trump vì đã có người trong nội bộ tố cáo ra,” bà Ngọc nói và nhắc lại rằng lâu nay Đảng Dân chủ vì lo ngại hậu quả chính trị nên không thực hiện đàn hặc ông Trump vì họ biết là ‘kết quả sẽ không đi đến đâu’.

“Từ đầu đến giờ Đảng Dân chủ đã rất do dự, nhưng nếu chiếu theo những gì đã trưng ra trong bản báo cáo thì họ cũng không còn cách nào khác,” bà giải thích. “Đã là đảng đối lập thì phải soi mói từng chút một đảng cầm quyền.”

“Biết là rủi ro nhưng họ vẫn phải làm vì đó là nhiệm vụ của họ trong một đất nước có thể chế dân chủ kiểm soát lẫn nhau,”
bà nói thêm.

Quyết định của Đảng Dân chủ có thể bị phe Cộng hòa cáo buộc là ‘bôi nhọ ông Trump để giành lợi thế trong kỳ bầu cử sắp tới’, nhưng ‘nhìn chung ông Trump sẽ không bị ảnh hưởng bao nhiêu (từ việc luận tội này) trừ phi bị truất phế,’ Tiến sĩ Ngọc nói về tác động đối với ông Trump. “Điều này không làm suy suyển sự ủng hộ trong nhóm cử tri của Trump mà chỉ làm họ ủng hộ thêm thôi.”

Tuy nhiên, trong nền chính trị Mỹ khi mà các cử tri luôn có xu hướng bầu cử theo đảng phái bất kể ứng viên hay vấn đề gì (tức là khối Dân chủ luôn bầu cho Dân chủ còn khối Cộng hòa luôn bầu cho Cộng hòa) thì việc luận tội này có thể lay động khối cử tri trung dung vốn đóng vai trò quyết định trong bất cứ kỳ bầu cử Tổng thống nào, Tiến sĩ Ông Thụy Như Ngọc phân tích thêm và cho rằng quá trình luận tội cũng có thể có lợi cho một số vị dân cử của Đảng Dân chủ đại diện cho những địa phương mà cử tri ở đó có tiếng nói mạnh mẽ đòi luận tội.

Nên hay không nên luận tội?

Trên trang mạng news24, Timothy J. Lynch, Phó Giáo sư về Chính trị Mỹ tại Đại học Melbourne, Úc đưa ra 8 lý do không nên và 3 lý do Đảng Dân chủ nên luận tội ông Trump.

Luận tội Trump vẫn còn đầy rủi ro đối với Đảng Dân chủ. Hạ bệ một Tổng thống đương nhiệm cũng giống như là quả bom hạt nhân trong chính trị Mỹ, ông Lynch nhận định.

Dưới đây là tám rủi ro mà Đảng Dân chủ không nên luận tội Tổng thống Trump, theo phân tích của Phó Giáo sư Lynch:

1. Sẽ không thành
Có đủ đảng viên Dân chủ tại Hạ viện để bỏ phiếu yêu cầu luận tội của Trump. Chỉ cần một đa số tối thiểu là cần thiết để bắt đầu quy trình luận tội và hiện có 225 dân biểu Dân chủ trong Hạ viện gồm 435 ghế.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ không có đủ ghế ở Thượng viện để phán quyết rằng ông Trump có tội. Phải cần đến 2/3 trong số 100 thượng nghị sĩ (hoặc 67 vị, tức ‘siêu đa số’) bỏ phiếu là Trump có tội để truất phế ông – nhưng chỉ có 46 Thượng nghị sỹ Dân chủ.
Thậm chí nếu như một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa cũng về phe Dân chủ thì lợi thế về số phiếu vẫn đứng về phía Trump.
Thách thức lớn nhất đối với đảng Dân chủ là liệu một Thượng viện không thiên vị về tư pháp có thể hành động mà không quan tâm đến lợi ích đảng phái hay không. Có rất ít bằng chứng trong lịch đương đại hoặc trong lịch sử Mỹ cho thấy điều đó.

2. Trump đã miễn dịch?
Ông Trump đã phạm rất nhiều lỗi lầm nhỏ đến mức không tội lỗi lớn nào chạm đến ông được. Ông đã trở nên lão luyện trong việc né tránh các cáo buộc hình sự đồng thời gọi chúng là một phần của cuộc săn phù thủy, tức truy bức chính trị, của Đảng Dân chủ.
Khoảng thời gian và sức lực lớn bỏ vào cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã thất bại trong việc đưa ra một trọng tội mà bà Pelosi tự tin là đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp về luận tội.
Diễn biến Ukraine thật ra có thể là một bước ngoặt, nhưng cho đến khi xảy ra vụ Ukraine chưa có vi phạm nào của ông Trump có thể dẫn đến luận tội.

3. Chưa phải là hành vi đáng để luận tội rõ ràng
Theo Hiến pháp Mỹ, hành vi đáng để luận tội là:
“Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các viên chức dân sự của Hoa Kỳ, sẽ bị cách hết chức trách nếu bị luận tội và kết tội về các tội: phản quốc, hối lộ, hoặc các tội và hành vi sai trái nghiêm trọng khác (Điều II, Mục 4).”
Các luật sư của Trump sẽ thách thức mọi nỗ lực nhằm khắc họa ‘biện pháp ngoại giao’ của Trump với nhà lãnh đạo Ukraine là đã đến ngưỡng ‘các tội và hành vi sai trái nghiêm trọng’.

4. Giúp Trump tái sinh?
Nếu nỗ lực luận tội của đảng Dân chủ dẫn đến kết quả là ông Trump được tha bổng tại Thượng viện, kết quả cho Đảng của bà Pelosi sẽ không phải là một Tổng thống suy yếu, mà trái lại là một Tổng thống thêm mạnh bạo.
Khi Hạ viện của Đảng Cộng hòa luận tội Tổng thống Bill Clinton hồi năm 1998, ngay sau đó ông được Thượng viện phán xử là không có tội. Hai năm tại vị cuối cùng của ông, bất chấp sự xấu hổ của vụ bê bối Monica Lewinsky, lại là khoảng thời gian ấn tượng nhất của ông.
Ông đã giải phóng Kosovo khỏi người Serbia và được cho là có công làm kinh tế Mỹ bùng nổ. Khi rời chức, ông ấy là một trong những Tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử Mỹ.

5. Nhớ đến Brexit
Nước Anh hiện đang bế tắc bởi vì ý chí dân chủ của đa số cử tri đang bị thể chế chính trị vốn không thích cách họ bỏ phiếu từ chối thực hiện.
Không khó tưởng tượng sự tương đồng này ở Mỹ: nếu giới tinh hoa chính trị ở Washington loại bỏ thành công một Tổng thống Mỹ được bầu hợp pháp, nó sẽ thúc đẩy một quốc gia đã bị phân cực thành quốc gia hướng đến cuộc chiến văn hóa.
Sẽ tốt hơn cho Đảng Dân chủ nếu họ tìm cách đánh bại ông Trump ở phòng phiếu vào năm 2020.
Nếu Trump rời khỏi Nhà Trắng theo con đường bình thường này, những người ủng hộ ông sẽ không thể lập luận ông ấy đã bị lật đổ bằng các biện pháp chính trị-tư pháp mà là quá tiến trình dân chủ lập hiến thông thường.

6. Đảng Dân chủ cần lập lại trật tự trong chiến lược bầu cử
Thay vì tiến hành một cuộc chiến luận tội, Đảng Dân chủ nên giải quyết các vấn đề giúp cho Trump vươn đến quyền lực ngay từ đầu.
Ông ấy chỉ là triệu chứng, chứ không phải nguyên nhân, của sự bất mãn văn hóa của những người Mỹ da trắng vốn là dân lao động vốn cảm thấy bị Đảng Dân chủ bỏ rơi. Việc luận tội sẽ làm tăng sự bất mãn đó. Ông Trump sẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng đó là bằng chứng cho thấy Đảng Dân chủ không còn quan tâm gì đến các cử tri lao động nữa.

7. Luận tội không được lòng dân
Vẫn chưa có sự đồng thuận mạnh mẽ trong nước rằng luận tội là điều đúng đắn. Điều này có thể thay đổi khi giờ đây người Mỹ đã được thấy bản ghi về cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Ukraine.
Nhưng trước khi Quốc hội chắc chắn có sự đồng thuận quốc gia như vậy, họ cần phải thận trọng.

8. Trump thích so găng
Ông Trump vững vàng bằng cách khiêu khích các kẻ thù. Và ông ấy sẽ tiếp tục tận hưởng những đặc quyền của một Tổng thống ngay cả khi chiếc lưới luận tội đang siết chặt xung quanh ông. Ông sẽ đề ra nghị trình và đóng vai nạn nhân. Ông ấy là bậc thầy về điều này.
Đảng Dân chủ, ngay cả khi họ nắm trong tay đạo đức và luật pháp, có thể không kham nổi công việc này.

Luận tội là điều ông Trump muốn đảng Dân chủ làm. Nó sẽ giúp cho chính quyền thường xuyên hỗn loạn và lộn xộn của ông ấy có trọng tâm và mục đích.

Về 3 lý do Đảng Dân chủ nên luận tội ông Trump, theo Phó Giáo sư về Chính trị Mỹ Timothy Lynch:

1. Đúng về mặt đạo đức
Trong cuộc gọi điện đàm, ông Trump đã làm mờ đi ranh giới giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của riêng ông trong cuộc bầu cử. Yêu cầu một nhà lãnh đạo nước ngoài bôi bẩn đối thủ chính trị của mình có thể đáng bị khiển trách và có thể bị luận tội.

2. Về mặt pháp lý, đây là yêu cầu của nền pháp trị
Elijah Cummings, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, đã trình bày quan điểm này hồi tháng Tư rằng: “Ngay cả khi chúng ta không thắng, tôi nghĩ rằng lịch sử sẽ mỉm cười với chúng ta vì đã đứng lên bảo vệ Hiến pháp.”

3. Nó có ý nghĩa về mặt chính trị
Ngay cả khi Trump không bị cách chức sau khi bị luận tội, quá trình này sẽ khiến ông khốn khổ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Ông ấy sẽ không thể theo đuổi các chính sách mà từ lâu Đảng Dân chủ đã không thích.

Do đó, là chiến lược bầu cử, luận tội có thể mang lại lợi ích nào đó cho Đảng Dân chủ. Đến tháng 11 năm 2020, cử tri có thể đã quá mệt mỏi với toàn bộ sự việc nên họ sẽ bỏ phiếu để thay đổi - và khiến cho một số ứng viên Cộng hòa phải ra đi.

Nó cũng sẽ tiếp sức cho khối cử tri Dân chủ và giúp cho Đảng này có sự tập trung mà nhờ đó họ có thể tránh làm tổn thương lẫn nhau.

------------------------------

VOA   01/10/2019




PHE DÂN CHỦ 'QUYẾT TÂM TÌM HIỂU' CUỘC ĐIỆN ĐÀM GIỮA TT TRUMP & ÔNG PUTIN (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
30/09/2019

Quốc hội Hoa Kỳ sẽ quyết tâm tiếp cận các bản ghi cuộc gọi giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác, Reuters đưa tin hôm 30/09, dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ Adam Schiff.

Hôm 29/09, ông Schiff, thành viên đảng Dân chủ, nói trên chương trình Gặp gỡ báo chí của đài NBC: “Tôi nghĩ rằng nhu cầu tối quan trọng ở đây là bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và xem liệu trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới khác - và đặc biệt là với ông Putin – Tổng thống (Trump) có gây tổn hại an ninh của chúng ta theo cách mà ông nghĩ có lợi về mặt cá nhân cho chiến dịch tranh cử của ông.”

Vào tuần trước, Hạ viện do phe Dân chủ lãnh đạo đã chính thức công bố tiến hành một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump sau khi xuất hiện tố cáo của môt người trong giới tình báo Hoa Kỳ rằng ông đã gây ảnh hưởng với Ukraine để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 vì lợi ích chính trị của riêng mình.

Người tố cáo trích dẫn một cuộc điện đàm, trong đó ông Trump yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mở cuộc điều tra về cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một nhà lãnh đạo trong số các ứng cử viên Dân chủ đang tìm cách thách thức ông Trump trong mùa bầu cử tổng thống năm 2020 và con trai ông là Hunter Biden. Ông Hunter Biden từng là một thành viên trong ban lãnh đạo một công ty dầu khí Ukraine.

Về phần mình, ông Trump, trong một loạt các thông tin trên Twitter vào tối ngày 29/09, viết rằng ông muốn “gặp gỡ” người tố giác và người đã “cung cấp thông tin bất hợp pháp này” cho người tố giác.

“Có phải người này đã do thám Tổng thống Hoa Kỳ? Các hậu quả lớn!” ông Trump viết.
“Tôi muốn ông Schiff bị thẩm vấn ở cấp độ cao nhất về tội Gian lận & Phản quốc,” ông Trump viết thêm.

Cho đến nay danh tính người tố giác vẫn chưa không được tiết lộ.

Cuộc gọi điện thoại vào ngày 25/07 của ông Trump với nhà lãnh đạo Ukraine diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ đóng băng gần 400 triệu đôla viện trợ cho Ukraine, khiến xuất hiện lo ngại rằng Tổng thống Trump sử dụng ngân quỹ được Quốc hội phê duyệt để làm đòn bẩy phục vụ cho cho lợi ích chính trị cá nhân của ông.

Ông Schiff nói trên đài NBC: “Nếu những cuộc trò chuyện với ông Putin hoặc với các nhà lãnh đạo thế giới khác được sắp xếp lại trong cùng một tệp tin điện tử, có nghĩa đó là hành động bí mật… nếu có nỗ lực che giấu những điều đó thì chúng tôi quyết tâm tìm hiểu.”

Trong khi đó, theo Reuters, Điện Kremlin nói rằng các cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Putin chỉ có thể được công bố với sự đồng ý của Moscow.

Ông Schiff nói thêm rằng Ủy ban tình báo Hạ viện đã đạt được thỏa thuận với người tố giác để người này xuất hiện trước ủy ban. Ngoài ra, ông Schiff Schiff nói rằng ông hy vọng người tố giác sẽ sớm xuất hiện.

Tuy nhiên, ông Mark Zaid, luật sư của người tố giác, viết trên Twitter rằng nhóm pháp lý đang làm việc với cả hai bên trong Quốc hội và “chúng tôi hiểu rằng việc tất cả các bên đều đồng ý rằng việc bảo vệ danh tính của người tố giác là điều tối quan trọng.” Ông Zaid cho biết, hiện vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nào và cũng chưa ấn định thời gian để người tố giác “liên lạc” với Quốc hội.

Trong khi đó, hôm 29/09, Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller đã chỉ trích phe Dân chủ, cáo buộc người tố giác là một phần trong âm mưu “bí mật” nhằm chống lại Tổng thống Trump.
“Tôi nhận biết sự khác biệt giữa một người tố giác và điệp viên bí mật. Đây thực sự là một điệp viên “bí mật”, ông Miller nói với đài Fox News hôm 29/09.

--------------------------------------
VOA Tiếng Việt
28/09/2019

Tổng thống Donald Trump nói với hai quan chức Nga trong một cuộc hội kiến vào năm 2017 rằng ông không bận tâm chuyện Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Phát biểu này đã khiến các quan chức Nhà Trắng phải hạn chế quyền tiếp cận nó, báo The Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hội kiến Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) bên cạnh Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trong Nhà Trắng ở Washington, ngày 10 tháng 5, 2017. Ảnh do Bộ Ngoại giao Nga cung cấp.

Một bản tóm tắt cuộc hội kiến trong Phòng Bầu dục của ông Trump với bộ trưởng ngoại giao Nga và đại sứ Nga tại Mỹ đã được giới hạn chỉ cho một số quan chức xem trong một nỗ lực nhằm tránh để những phát biểu của tổng thống bị lộ ra ngoài, tờ Post cho biết, dẫn lời các cựu quan chức biết về sự việc này.

Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận ngay tức thì, Reuters cho biết.

Một đơn khiếu nại của một người tố cáo liên quan tới một cuộc điện đàm vào tháng 7, trong đó ông Trump hối thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra đối thủ chính trị Đảng Dân chủ Joe Biden, đang là tâm điểm của cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện Hoa Kỳ được khởi động trong tuần này.

Một thành viên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đệ đơn khiếu nại chống lại ông Trump nói các ghi chú từ các cuộc trò chuyện khác giữa tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã được đưa vào một hệ thống máy tính có mức bảo mật cao trong một hành vi trái với lề lối bình thường nhằm bảo vệ thông tin nhạy cảm về mặt chính trị, thay vì nhạy cảm vì lí do an ninh quốc gia.

Cuộc gặp hồi năm 2017 giữa ông Trump với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Sergei Kislyak vốn đã bị coi là gây tranh cãi sau khi tin tức cho hay ông Trump đã tiết lộ thông tin có mức bảo mật cao về một hoạt động được hoạch định chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Về việc can thiệp bầu cử, ông Trump nói với ông Lavrov và ông Kislyak rằng ông không bận tâm chuyện Nga can thiệp vì Mỹ cũng làm như vậy ở các nước khác, tờ Post đưa tin.

CNN, dẫn lời những người biết rõ sự việc này, cho biết những nỗ lực nhằm hạn chế tiếp cận các cuộc trò chuyện của ông Trump với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã mở rộng sang các cuộc điện đàm với Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kellyanne Conway, cố vấn cấp cao Nhà Trắng, nói với các phóng viên rằng các thủ tục xử lí bản ghi chép các cuộc trò chuyện của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới đã được thay đổi từ đầu nhiệm quyền của ông sau khi các cuộc gọi với tổng thống Mexico và thủ tướng Úc bị rò rỉ.






"NGƯỜI THỔI CÒI" KHIẾN TÒA BẠCH ỐC 'KHÓA CHẶT' HỒ SƠ 'CUỘC ĐIỆN ĐÀM UKRAINE' (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
September 30, 2019

Ba chữ “người thổi còi” trong bài báo này dịch từ 2 chữ “whistle blowers” có nghĩa là người làm việc trong một cơ quan (thường là công sở) chứng kiến một sự việc nguy hiểm mang tính cấp bách, lên tiếng báo động để những người có trách nhiệm trong sở, tìm biện pháp giải quyết.

Việc thổi còi thường liên hệ đến những nhân vật quyền hành trong sở làm, do đó rất nguy hiểm cho người thổi còi vì những nhân vật quyền hành đó có thừa quyền lực để bịt miệng người thổi còi. Với chủ ý khuyến khích việc “thổi còi,” quốc hội viết luật bảo vệ người thổi còi; đạo luật đó cấm mọi hành động trừng phạt và trả thù, gây nguy hiểm cho người thổi còi.

Tác giả bài báo tôi căn cứ vào đó để viết bài bình luận này là nữ phóng viên Eileen Sullivan; cô Sullivan phổ biến bài cô viết hơi trễ, nhưng tôi vẫn chờ, vì thường khi bài viết của cô có nhiều dữ kiện hơn những bài báo khác.

Ngay trong những dòng chữ đầu tiên của bài tường thuật, cô Sullivan đã khẳng định, hai nhân vật chính trong hành động của tổng thống “yêu cầu ngoại bang giúp ông ta hạ đối thủ chính trị,” là Tổng Trưởng Tư Pháp William P. Barr và Rudolph W. Giuliani, luật sư riêng của Tổng Thống Trump.

“Người thổi còi” trong trường hợp này là một nhân viên an ninh liên bang, cho đến giờ này vẫn được giấu tên; tôi đề nghị gọi ông ta (hay cô ta) là X (một nhân vật ẩn danh); ngoài ra hai nhân vật chính trong tấn tuồng đang đến hồi căng thẳng trên sân khấu chính trị liên bang là tổng thống Mỹ và Ukraine, ông Donald Trump và ông Volodymyr Zelensky.

X buộc Trump vào tội mưu tìm sự giúp đỡ của ngoại bang để tái đắc cử trong cuộc tuyển cử 2020. Ngoài mưu đồ đó, tổng thống còn chịu trách nhiệm về việc các viên chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc đã khóa tất cả hồ sơ liên quan đến cuộc điện đàm giữa ông và ông Zelensky, đặc biệt cấm lối dịch nguyên văn từng chữ một những bản ghi âm điện đàm của Tòa Bạch Ốc.

X viết, “Những biện pháp ngăn chặn đó khiến tôi nghĩ là bạch cung đã nhìn thấy mối nguy hiểm nếu mọi người được nghe chính âm thanh và ngôn ngữ tổng thống sử dụng trong lúc nói chuyện với Tổng Thống Zelensky.”

X viết trong bản khiếu nại là “nhiều viên chức phục vụ trong Tòa Bạch Ốc đồng ý với tôi, họ xác nhận chính họ cũng bối rối vì những câu đối thoại của tổng thống với Tổng Thống Zelensky, rõ rệt là lợi dụng tư cách của một vị tổng thống đương nhiệm mưu cầu tư lợi cho chính ông ta.”

Thật ra trong cuộc điện đàm với Zelensky, Trump đã rất ý tứ, không dùng những lời lẽ có thể bị cáo buộc là ép Zelensky giúp ông tấn công Joe Biden, đối thủ chính trị có triển vọng tranh ghế tổng thống mà ông thích ngồi thêm nữa, trong cuộc bầu cử sắp diễn ra năm 2020.

Trump chỉ giới thiệu hai cộng tác viên thân tín của ông; ông bảo Zelensky: “Mr. Giuliani is a highly respected man. He was the mayor of New York City, a great mayor, and I would like him to…”

(Ông Giuliani là nhân vật được kính trọng; ông ta đã từng là vị thị trưởng tuyệt vời của New York City; tôi xin ông gặp ông ta, và vị tổng trưởng tư pháp của tôi -ông William P. Barr sẽ điện thoại trình bày với ông về cuộc điều tra hành tung của cậu ấm con trai của ông Biden).

“Đi đến đâu, Biden cũng khoe khoang thành tích của ông ta là chính tay ổng ngăn cấm không cho vị tổng trưởng tư pháp Ukraine truy tố con trai ông. Tôi thấy thành tích của Biden quả là khiếp đảm.”

Con trai của ứng cử viên Joe Biden, tức luật sư Hunter Biden, 49 tuổi, hút bạch phiến, nghiện rượu, và tự xác nhận ông ta sống với nhiều cô gái giang hồ, và gặp khó khăn với vợ, con. Hunter là gánh nặng đang đè trĩu trên tương lai chính trị của ông bố Joe Biden.

Trở lại với X và hành động “thổi còi” của ông ta, ông Joseph Maguire, quyền giám đốc tình báo liên bang, đã từ chối không chuyển nguyên văn bản “thổi còi báo động” của X. trong cuộc điều trần hôm 26 Tháng Chín, 2019, cho quốc hội.

Maguire nói việc Trump gọi điện thoại thảo luận với Tổng Thống Ukraine Zelensky là hành động được bảo vệ bởi đặc quyền hành pháp.

Phe dân chủ chất vấn ông về phương cách hành xử của ông đối với việc X tố cáo Trump vi phạm luật bầu cử, cầu viện ngoại bang giúp ông tái đắc cử, và dung dưỡng hành động phạm pháp của Trump. Maguire trả lời, “I am not partisan and I am not political.” (Tôi không đảng phái, tôi không làm chính trị).

Về X, Maguire nói, “Đến giờ này, tôi vẫn chưa biết X là ai; tuy nhiên tôi nhìn nhận ông ta thật tâm tố cáo điều mà ông ta tin là có nguy hại cho đất nước.”

Ông bênh vực X, “Tôi tin tưởng việc ông ta làm là việc chưa người nào dám làm.”

Trả lời dân biểu dân chủ Raja Krishnamoorthi, tiểu bang Illinois, Maguire xác nhận là ông ta sẽ không nhận chức vụ “Quyền tổng giám đốc tình báo liên bang” nếu ông biết là phải đối phó với tình trạng tế nhị X tạo ra, tình trạng mà ông đồng ý với X là “urgent and important” (khẩn cấp và quan trọng).

Chuyện tréo cẳng ngỗng là mặc dù đồng ý với việc X nêu lên, việc Trump cầu viện ngoại bang để tái đắc cử, là phạm pháp, nhưng Maguire vẫn phá hỏng việc truất phế Trump.

Ông nói: “Tôi không đảng phái, không làm chính trị, và không nhận chức vụ Giám đốc tình báo nếu biết trước là phải đối phó với tình trạng khó xử hôm nay.”

Thái độ của ông có giúp Trump trong cuộc tái tranh cử 2020 không? (Nguyễn Đạt Thịnh)


---------------------------------------------

Người Việt Online
September 30, 2019

WASHINGTON, D.C. (AP) — Tổng Thống Donald Trump hôm Chủ Nhật, 29 Tháng Chín, cảnh cáo rằng tiến trình luận tội ông hiện do phía đảng Dân Chủ tiến hành, cũng như các hành động nhằm giải nhiệm ông, sẽ bị coi là hành vi “phản quốc” (treason) và có thể dẫn tới “nội chiến”.

Lời cảnh cáo của ông Trump được đưa ra qua hình thức “tweet lại” (re-tweet) lời phát biểu của một mục sư bảo thủ nói rằng việc giải nhiệm ông sẽ gây ra “sự rạn nứt cũng giống như nội chiến” tại Mỹ.

Bản tweet của Dân Biểu Adam Kinzinger. (Hình: Twitter)

Dân Biểu Adam Kinzinger, thuộc đảng Cộng Hòa ở Illinois, cũng là một trung tá Không Quân trong Vệ Binh Quốc Gia Mỹ, đại diện một khu vực ở Illinois nơi Tổng Thống Trump từng chiến thắng năm 2016, gửi tweet ra nói rằng: “Tôi đã đến nhiều quốc gia bị tàn phá do nội chiến… Tôi không thể nào tưởng tượng rằng một phát biểu như vậy lại được một Tổng Thống Mỹ lập lại. Điều này thật quá mức ghê tởm (beyond repugnant).”

Sang đến ngày Thứ Hai, Tổng Thống Donald Trump tiếp tục tấn công thành phần chống đối ông bằng cách đe dọa rằng phải bắt giam những người tiến hành điều tra ông trong thủ tục luận tội và truy tố họ về tội phản quốc, và đe dọa sẽ có nội chiến.

Hiện nay, các kẻ thù hàng đầu của Tổng Thống Trump, nếu căn cứ theo nội dung các bản tweet ông gửi ra, là kẻ cáo giác ông khiến đưa đến cuộc điều tra chính thức của Hạ Viện, cũng như người đứng đầu nỗ lực điều tra, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ, California).

“Có nên bị bắt về Tội Phản Quốc?” (Arrest for Treason?) ông Trump gởi bản tweet với câu hỏi như vậy vào sáng ngày Thứ Hai, đưa ra đe dọa rằng các kẻ chống ông phải bị điều tra, dù rằng họ thi hành nhiệm vụ giám sát như đã nêu ra trong hiến pháp và theo luật lệ.

Tuy nhiên, chống đối hay bất đồng ý kiến với tổng thống không là tội phản quốc ở Mỹ.

Hiến Pháp Mỹ cũng như luật liên bang Mỹ có định nghĩa rất chặt chẽ về thế nào là tội phản quốc, theo đó nói rằng những kẻ nào gây chiến tranh chống lại nước Mỹ hay có hành vi đồng lõa, trợ giúp kẻ thù của nước Mỹ, mới bị coi là phạm tội này.

Vấn đề “tội phản quốc” được Tổng Thống Trump đưa ra sau khi có lời phát biểu của Mục Sư Robert Jeffress thuộc nhà thờ First Baptist Dallas trong chương trình “Fox & Friends Weekend” hôm Chủ Nhật, rằng “nếu phía Dân Chủ thành công trong việc giải nhiệm tổng thống, thì điều này sẽ gây ra sự rạn nứt cũng giống như nội chiến và đất nước sẽ không bao giờ yên lành.”

Vài giờ sau đó, Tổng Thống gửi tweet ra về phát biểu này. (V.Giang)





HAI THẾ GIỚI, HAI NGUỒN TIN (Lê Phan)




Lê Phan
September 29, 2019

Xóm tôi ở gần Luân Đôn là một trong những địa phương với số phiếu ủng hộ ở lại với Âu Châu hàng đầu trên toàn quốc với gần 70% ủng hộ “remain.” Nhưng dĩ nhiên vẫn có những người ủng hộ Brexit.

Hồi Tháng Năm năm nay khi Anh quốc đã bị bắt buộc tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội Âu Châu, đã có một cuộc đấu khẩu của hai người hàng xóm. Bình thường xóm tiểu tư sản hiền lành này rất tử tế với nhau. Nhiều người đã ở với nhau nhiều chục năm, xóm giềng qua lại, không bao giờ có chuyện khó chịu. Nhưng hôm đó chỉ vì Brexit một cuộc cãi vã đã xẩy ra.

Bà cụ đối diện nhà tôi, một trong những niên trưởng trong xóm vì cụ ở đây từ khi khu này được xây lên từ thời thập niên 1930. Cụ gần 100 tuổi rồi nhưng vẫn khỏe mạnh. Cụ đã ra can thiệp bảo hai người hàng xóm “Hai ông không biết xấu hổ à. Hàng xóm với nhau mấy chục năm mà chỉ vì cái chuyện Brexit đến nỗi cãi nhau ồn cả lên.” Rồi cụ chỉ vào một ông bảo “Brexit có gì là quan trọng. Ông không nhớ John đã chở vợ ông đi cấp cứu khi bà ấy bị stroke sao?” Rồi bà quay sang ông John “Remain thì cũng chẳng có gì mà làm ồn lên. Ông không nhớ Graham đã canh nhà, tưới cây lan và nuôi con mèo mỗi khi vợ chồng ông đi du lịch sao?”

Tôi không chứng kiến nhưng sau đó bà hàng xóm kế bên kể lại “Hai anh chàng đang gân cổ lên cãi bỗng bẽn lẽn cười gượng. Cụ bảo bắt tay nhau đi. Họ bắt tay.” Nhưng từ đó xóm tôi đã có cái luật “Để giữ tình hàng xóm, không nói chuyện Brexit.”

Nhưng trên toàn nước Anh, cũng như ở Hoa Kỳ, chuyện không dễ giải quyết như vậy. Vấn đề theo các nhà chính trị học là vì chúng ta đang sống trong cái thời đại mà ngay cả truyền thông cũng chia rẽ. Ở nước Anh này, người mà đọc tờ Daily Express sẽ không đời nào đọc tờ Daily Mirror. Những được cái may mắn là ở Anh hệ thống đài BBC chế ngự ngành phát tuyến và ngay cả những đài thương mại không có đài nào quá cực đoan.

Ở Hoa Kỳ, sự chia rẽ còn tệ hại hơn nữa.

Tờ Christian Science Monitor kể: “Bà Paula Blasik đang đọc tin trên một cái tablet ở food court của Mall of New Hampshire khi một phóng viên hỏi bà về việc Washington đột ngột đâm đầu vào một cuộc điều tra đàn hạch Tổng Thống Donald Trump. Cư dân lâu đời này của tiểu bang Đá Hoa Cương nói bà chống. Bà nói: “Từ khi ông ta thắng cử, đã nghe nói đến đàn hạch.” Bà thêm là những người Dân Chủ trong Quốc Hội “đã tiêu tốn thời gian và tiền bạc không làm việc của họ.”

Khi được hỏi thế bà đọc tin tức về chính trị Hoa Kỳ ở đâu? Bà Blasik, một cử tri độc lập đã bỏ phiếu cho ông Trump, nói bà xem tin tức ở nhiều channels nhưng luôn quay trở lại với Fox News, bởi bà cảm thấy họ giúp bà tốt nhất trong việc quyết định.

Ông Ed Thomas có lập trường khác hẳn. Chuẩn bị mồi để câu cá ở cầu tầu của Đảo Tybee, Georgia, ông nói lâu nay ông dụ dự về việc liệu có nên đàn hạch tổng thống hay là để dân chúng quyết định về số phận của ông vào ngày bầu cử. Nhưng sau khi thấy những tin nảy lửa mới nhất ông nói nay đang ngả sang luận tội một ông tổng thống mà ông bảo là “xấu xa và chia rẽ”. Cư dân của Daytona, Florida, ông Thomas nói “Tôi nghĩ đuổi ông ta đi.” Nguồn tin của ông về tin tức chính trị là MSNBC.

Đó là bầu không khí cho điều mà tờ Monitor gọi là “Mùa thu đàn hạch, 2019”.

Trong khi Washington đang chật vật trong một màn bi kịch đầy nguy cơ, công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có vẻ như phân chia ra làm hai phe vốn nhìn tình hình qua những ống kính khác nhau. Sự chia rẽ này được định hình một phần bởi đảng phái, hay là khuynh hướng đến từ bản tính từng người. Nhưng nó cũng là vì sự việc là hai bên đối lập trong cuộc tranh luận này ít khi sử dụng cùng một nguồn tin.

Với vấn đề đàn hạch, sự chia rẽ giữa những truyền thông bảo thủ như Fox News hay chương trình radio của ông Rush Limbaugh và cái mà lâu nay người ta vẫn gọi là truyền thông ngành chính, đã chia rẽ đến mức chúng ta có cảm tưởng họ sống ở hai thế giới khác hẳn nhau.

Sự chia rẽ đó có thể giúp cho Tổng Thống Trump. Truyền thông bảo thủ đa số đã hăng hái bênh vực Tòa Bạch Ốc chống lại phe Dân Chủ trong Hạ Viện. Đó là một điều đã không xảy ra trong thời Watergate. Giáo Sư Brian Rosenwald, tác giả của cuốn sách “Talk Radio’s America: How an Industry Took over a Political Party That Took Over the United States,” nói là nếu ông ta có Fox: “Tôi thực sự nghĩ là ông Richard Nixon có thể không phải từ chức.”

Cho đến tuần rồi, những cuộc thăm dò dư luận cho thấy nói chung cử tri Hoa Kỳ không thích đàn hạch. Nhưng tiết lộ là trong một cú điện thoại Tổng Thống Trump đã thúc đẩy lãnh tụ Ukraine điều tra cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, và cáo buộc là ông đã giữ không cho giải ngân viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine để buộc một cuộc điều tra như vậy, đã bắt đầu thấy có một sự thay đổi đáng kể trong dư luận Hoa Kỳ.

Một cuộc thăm dò của NPR/PBS Marit hồi đầu tuần cho thấy 49% người trả lời ủng hộ một cuộc điều tra đàn hạch của Hạ viện, và 46% chống. Kết quả của một cuộc thăm dò của Politico/Morning Consult cho cùng giai đoạn đó cho thấy 43% ủng hộ và 43% chống.

Truyền thông Hoa Kỳ cũng phản ảnh hưởng phân chia đó. Bản tin sáng 27 Tháng Chín trên website của CNN dẫn với tựa “Pelosi nói bộ trưởng Tư Pháp đã ‘lạc đường làm bậy.’ Cũng hôm đó, website của Fox News thì viết “Trump, đồng minh leo thang tấn công về sự ồn ào liên quan cú điện thoại Ukraine.” Còn ông Rush Limbaugh thì thẳng thừng hơn “Nói láo hoàn toàn.” Với độc giả của ông, ông không cần nói ai nói láo.

Giáo Sư Rosenwald, vốn là một sử gia chuyên về chính trị của Viện Đại Học Pennsylvania, thì giải thích “Trong thế giới truyền thông bảo thủ, scandal đều tụ tập ở Ukraine.”

Phe bảo thủ lâu nay vẫn tố cáo, mà không đưa ra bằng cớ, là ông Biden đã chặn cuộc điều tra về hoạt động của con trai ông, ông Hunter Biden. Một lý thuyết âm mưu còn duy trì là Ukraine chứ không phải Nga, đứng đằng sau vụ đột nhập vào Ủy Ban Quốc Gia đảng Dân chủ và các computer của các viên chức ban vận động của bà Clinton. Đó là lý do tại sao tổng thống đã hỏi ông tổng thống Ukraine điều tra cho ông cả hai việc đó. Cái vụ computer có vẻ đã khiến ông tổng thống Ukraine ngơ ngác.

Truyền thông ngành chính đã không thấy những cáo buộc này có bao nhiêu điều đáng tin. Nhiều cơ quan truyền thông có lẽ còn cảm thấy là họ đã chú ý quá mức vào emails của bà Hillary Clinton, và không đủ đào sâu về ông Donald Trump hồi năm 2016. Kết quả là họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi cố gắng của bên Cộng Hòa tìm cách đưa ra tình hình Ukraine như là một cái gì hoàn toàn là về ông Biden, con trai ông, và những hành động đen tối ở đó.

Thành ra giữa truyền thông bảo thủ và ngành chính, theo Giáo Sư Rosenwald “sẽ thấy còn chia rẽ hơn nữa.” (Lê Phan)






VỤ BÃI TƯ CHÍNH : TẠI SAO VIỆT NAM KHÔNG NÊU ĐÍCH DANH TRUNG QUỐC TRƯỚC ĐẠI HỘI ĐỒNG LHQ (RFI / VOA)




Mai Vân – RFI
Đăng ngày 30-09-2019 

Ngày 28/09/2019, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm lược với hành động cho tàu công vụ của họ vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính (Biển Đông), diễn văn của ngoại trưởng Việt Nam không hề nói đến Trung Quốc, cũng không nhắc một cách cụ thể đến Bãi Tư Chính và các hành vi phi pháp cụ thể của Trung Quốc.

Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 28/09/2019.REUTERS/Brendan McDermid

Những hành động xâm lấn của Trung Quốc ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông trong ba tháng đã được gợi lên trong nhóm từ « những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, trong đó có những vụ vi phạm chủ quyền và quyền tài phán tại vùng biển của Việt Nam », còn thủ phạm thì được gọi là « các bên liên quan ».

Lời lẽ tại Liên Hiệp Quốc của Việt Nam khác xa với tuyên bố ngày 12/09 vừa qua của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã nêu đích danh Trung Quốc để « kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình,được xác định phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). »

Tuyên bố « rất ngoại giao » của ngoại trưởng Việt Nam đã không đáp ứng mong đợi của nhiều chuyên gia ở trong nước cũng như ngoài nước, cho rằng Việt Nam cần phải mạnh dạn nêu bật các hành vi xâm lược của Trung Quốc ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đã công khai tố cáo ngược lại rằng chính Việt Nam mới là bên đã vi phạm vùng biển của Trung Quốc và đòi phía Việt Nam phải đình chỉ toàn bộ các hoạt động dầu khí tại khu vực Bãi Tư Chính.

Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng ngày 24/09/2019 trên trang mạng của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, bà Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thỉnh giảng tại Trường Luật Đại Học New York, đã nêu bật một số yếu tố khiến cho việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc không có lợi cho Việt Nam.

Khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng, nhưng…

Mở đầu bài phân tích, tác giả xác nhận rằng hiện có ý kiến cho rằng Việt Nam nên mạnh dạn phơi bày các « hành vi bắt nạt » của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước mắt cộng đồng quốc tế. Khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng.

Trên nguyên tắc Đại Hội Đồng và Hội Đồng Bảo An là các định chế quan trọng nhất Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia thành viên thường đưa ra các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế ra trước Đại Hội Đồng thay vì Hội Đồng Bảo An, vì lẽ ở đó các quyết định không bị vướng phải quyền phủ quyết của một trong năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An là Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Một nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua có thể mang lại những hậu quả chính trị và pháp lý nhất định mà nhiều quốc gia hy vọng có thể giúp giải quyết xung đột.
Sức mạnh của Đại Hội Đồng nằm ở chỗ định chế này bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, và mọi quốc gia đều có một phiếu bầu bình đẳng với nhau. Một nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua được cho là phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế, và các quốc gia thường tìm kiếm một nghị quyết như vậy tạo tính chính đáng cho hành động của họ.

Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên về mặt chính trị và do đó ảnh hưởng đến các lựa chọn về chính sách đối ngoại. Chẳng hạn như các khuyến nghị do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra đã được Hoa Kỳ công nhận làm nguyên tắc đàm phán với Trung Quốc trong Chiến Tranh Triều Tiên.

Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng có thể mang lại một số hiệu lực pháp lý…
Một số học giả thậm chí còn coi các nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là đại diện cho sự đồng thuận toàn cầu, có thể được coi là một yếu tố của luật tập quán quốc tế (customary international law). Theo hướng này, nhiều nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã được trích dẫn tại các tòa án quốc tế...

Đưa Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng LHQ : Có thể lợi bất cập hại

Theo tác giả bài phân tích, chính vì những tác động tiềm tàng trên đây của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải cân nhắc khi đem vấn đề Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Căn cứ vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, rõ ràng là Việt Nam hoàn toàn có quyền đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Việt Nam ra trước Đại Hội Đồng. Điều 11 và 14 của Hiến Chương quy định rằng chức năng chủ chốt của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bao gồm việc thảo luận và ra khuyến nghị về những vấn đề có tác hại đến an ninh và hòa bình thế giới.

Với thực tế là Biển Đông bao gồm các vùng biển quốc tế và quan trọng đối với hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu, Việt Nam có thể dễ dàng lập luận rằng tình hình ở Biển Đông đã vượt quá phạm vi tranh chấp giữa một số quốc gia hay thậm chí xung đột khu vực và nên được coi là một vấn đề của hòa bình và an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, hiện có những trở ngại nghiêm trọng khiến Việt Nam khó có thể đạt được một chiến thắng đáng kể nếu bạo dạn đưa vấn đề Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Khó khăn chủ yếu là làm sao vận động được đại đa số các thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ mình. Đã đành là các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đã bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc, nhưng hậu thuẫn này có thể không đủ để thông qua nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhiều nước còn ủng hộ Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, số lượng các quốc gia trước đây từng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông không phải là ít. Ảnh hưởng của Trung Quốc trên các nước châu Phi phải được đặc biệt tính đến. Hơn nữa, Bắc Kinh dường như đang trong quá trình đàm phán với Malaysia và Philippines, và hai nước này có thể sẽ không muốn phá hỏng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Kịch bản này khiến Việt Nam khó thuyết phục các nước khác trong Liên Hiệp Quốc, kể cả các nước láng giềng Biển Đông, nhiệt tình ủng hộ mình tại Đại Hội Đồng.

Vào năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, sự kiện này đã chiếm lĩnh tựa lớn trên báo chí quốc tế, và thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Lần này, tình thế đã khác đi, hành động của Trung Quốc đã không làm dấy lên những phản ứng quốc tế tương tự.

Trong tình hình đó, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang, khả năng Việt Nam thắng lớn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thời điểm này khá xa vời.

Do việc một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về Biển Đông sẽ có một tác động chính trị và pháp lý sâu sắc, Việt Nam nên giữ khả năng này trong danh sách các chiến lược khả thi, nhưng cần thực hiện một số bước sơ bộ để huy động hậu thuẫn quốc tế và tăng cơ hội thành công.

Theo tác giả bài viết, một tuyên bố của các nước ASEAN hoặc của toàn khối ASEAN chẳng hạn, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông, có thể khiến vấn đề được thông suốt hơn tại các cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Một tuyên bố chung được Việt Nam và các quốc gia có quan tâm đến Biển Đông như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản cùng soạn thảo và ký kết cũng có thể giúp ích cho Việt Nam.

Trong cả hai trường hợp trên, Hà Nội phải đóng vai trò tích cực và áp dụng một chiến thuật ngoại giao khéo léo.

Tóm lại, đưa vấn đề về Biển Đông ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ không chỉ đòi hỏi một chiến lược tỉ mỉ, mà còn cần đến rất nhiều nỗ lực và thời gian. Hiện tại, khả năng thành công có lẽ không đủ cao để Việt Nam chấp nhận rủi ro. Nhưng với một công cuộc vận động thích hợp, một nghị quyết Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vẫn là một lựa chọn có giá trị cho các nước nhỏ như Việt Nam, đang tìm cách kháng cự lại Trung Quốc ở Biển Đông.

*
*
LIÊN QUAN



------------------------------------

XEM THÊM
VOA Tiếng Việt
30/09/2019

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ là cơ hội tốt cho Việt Nam “quốc tế hóa việc tranh chấp” trên Biển Đông với Trung Quốc và việc ông Phạm Bình Minh không chỉ đích danh Trung Quốc thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam về đối sách với Bắc Kinh, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales.

Đồng thời, nhiều người Việt bày tỏ thất vọng khi ông Minh không nêu tên Trung Quốc trong bài phát biểu trước Đại hội đồng dù Hà Nội trong những tháng qua nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của mình cũng như tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.

Trong bài phát biểu hôm 28/9 tại New York, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam “kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982”.

Ông Minh nói "Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam" và rằng "các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển."

Bài phát biểu dài khoảng 16 phút của ông Minh không nêu tên Trung Quốc cũng như không đề cập đến vụ 'đối đầu' đang diễn ra tại Bãi Tư Chính.

“Thận trọng” và “chia rẽ”

Theo nhận định của GS Thayer, chuyên gia phân tích các vấn đề Việt Nam, giới lãnh đạo Hà Nội đã “rất thận trọng” trong việc ứng xử với vụ việc này.

Vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc của Đại học NSW cho rằng, mặc dù Việt Nam đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ tranh chấp với Trung Quốc, việc không chỉ đích danh Trung Quốc tại Đại hội đồng LHQ là vì các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, “chia rẽ về việc Việt Nam nên theo đuổi chính sách nào” để ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông trong khi Bắc Kinh “không muốn danh thế hay vị thế của họ bị chỉ trích” trên trường quốc tế.

“Nguyên nhân của việc thiếu sự thống nhất là do Việt Nam không có những lựa chọn tốt,” theo GS Thayer và ông cho rằng “Trung Quốc hoàn toàn rõ ràng cho thấy họ muốn Rosneft Việt Nam ngừng khai thác dầu và Việt Nam không may là đã phải ngừng lại với Repsol trước sự đe dọa ở Bãi Tư Chính.”

Vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Việt Nam được cho là đã ngừng hai dự án khai thác dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha. Hiện Việt Nam đang hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đến thăm dò.

Luật sư Vũ Đức Khanh, người thường xuyên theo dõi chính trường Việt Nam, cũng cho rằng một trong những lý do Việt Nam vẫn ‘chưa’ nêu đích danh Trung Quốc là vì “vẫn cảm thấy cô đơn nếu có một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam không tin bất cứ ai có thể đứng ra giúp họ và càng không tin Hoa Kỳ sẽ sát cánh chiến đấu bên cạnh họ vì giữa họ và Hoa Kỳ cũng như thế giới vẫn chưa có sự chia sẻ vào những giá trị nền tảng chung.”

Mỹ cho tới nay là quốc gia duy nhất nêu đích danh Trung Quốc khi cáo buộc nước này “bắt nạn” Việt Nam và các nước láng giềng trong hoạt động khai thác dầu khí Biển Đông.

“Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa Mỹ và Việt Nam cũng như lòng tin trong vấn đề này,” GS Thayer nói và cho rằng Việt Nam và Mỹ có những quan điểm khác nhau về mối quan hệ chiến lược, và Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam trên Biển Đông chừng nào Việt Nam không phải là một đồng minh của họ.

Thất vọng

Từ Việt Nam, luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Những ai quan tâm đến tình hình quốc gia hiện nay đều trông đợi (ông) Phạm Bình Minh lên án (Trung Quốc) thực hiện chính sách gây hấn trên Biển Đông và xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên (ông) Phạm Bình Minh đã nói gì? Ông cũng nêu vấn đề mà mọi người quan tâm, nhưng tuyệt nhiên không dám nhắc đến (Trung Quốc) như kẻ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam.”

Nhiều người Việt, trong và ngoài nước, dùng từ “thất vọng” về bài phát biểu của ông Minh, cũng là bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

“Cá nhân tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam khác trong lẫn ngoài nước cùng nhiều bạn bè của Việt Nam trên thế giới đều rất thất vọng” về bài phát biểu của ông Minh trước Đại hội đồng LHQ hôm 28/9, Luật sư Vũ Đức Khanh nói với VOA từ Canada.

Tiến sỹ Mạc Văn Trang, hiện đang sống ở Hà Nội, cũng chia sẻ chung quan điểm này. Ông nói với VOA rằng ông “quá thất vọng” vì cho rằng Việt Nam là “chính nghĩa, bị hại, mà không dám nêu tên kẻ cướp và lên án (Trung Quốc)”.

Trong số những người bày tỏ sự thất vọng qua các đăng tải trên Facebook cá nhân, một người dùng có tên Nguyen Ngoc Chu viết rằng “Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, mà Việt Nam không dám chỉ mặt gọi tên lên án Trung Quốc tại ĐHĐLHQ thì ai sẽ lên án Trung Quốc giúp Việt Nam?"

Theo dữ liệu hành trình mới nhất mà chuyên gia hàng hải của Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson, cập nhật hôm 30/9, hai ngày sau khi ông Minh phát biểu tại LHQ, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam lần thứ 4. Cho tới lúc này Việt Nam chưa có phản ứng gì về lần trở lại mới nhất của tàu Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc như Philippines đã làm để có được sự ủng hộ chính thức của cộng đồng quốc tế và giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông về lâu dài.