Wednesday, September 25, 2019

SỰ CHIA RẼ TRONG LÒNG NƯỚC MỸ (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn 
23/09/2019

Đình công

Cuộc đình công của 48 ngàn công nhân ngành xe hơi, hãng GM chuẩn bị bước sang tuần thứ hai, tại Detroit, tiểu bang Michigan.

Hãng tin CNBC phỏng vấn những người đình công, họ nói rằng họ đòi tăng lương, đòi bảo hiểm y tế không được cao ngút trời như hiện nay.

Hãng AP được một số công nhân cho biết là họ muốn có công việc làm ổn định, không muốn các nhà máy xe hơi đem ra xây ở nước ngoài.

Đình công đã nổ ra sau khi GM đưa kế hoạch đóng cửa một số nhà máy của mình.

Việc đóng cửa này không phải là mới đây mà là một quá trình từ khá lâu, để chuyển ra những nước có giá công nhân rẻ hơn Mỹ như Mexico hay Trung Quốc. Ngoài ra tự động hóa (automation) cũng làm cho các chủ hãng giảm đi lượng thợ cần thiết.

Một yếu tố đặc biệt nữa trong ngành xe hơi mà một kỹ sư người Việt làm cho GM nói với tôi rằng, các xe hơi điện thay cho các xe đời cũ, mà việc sản xuất các xe này đòi hỏi ít công nhân hơn.

Trong bài phân tích của mình, AP nói rằng cuộc đình công đã đưa Tổng thống Trump và các chính trị gia Đảng Cộng hòa vào thế khó xử. Trước đây hai năm khi vận động tranh cử, ứng viên Trump đã hứa là sẽ đem về Mỹ các nhà máy bị chuyển ra nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ để … Make America Great Again!

Lời hứa hẹn này làm cho cử tri vùng công nghiệp nặng của Mỹ, vùng Rust Belt, vốn bầu cho Đảng Dân chủ, kéo qua bầu cho ông Trump (người ta gọi những người này là Trump Democrats). Việc thắng ba tiểu bang vùng Rust Belt là Wisconsin, Michigan, Pennsylvania đã đẩy nhà kinh doanh địa ốc Donald Trump vào Nhà Trắng, dù ông thua 3 triệu phiếu phổ thông.

Nhưng lời hứa đó đã không thực hiện được.

Cuộc chiến tranh thương mại của Trump và Tàu không những không làm cho công việc quay trở lại vùng Rust Belt mà còn làm tổn thương nó vì giá cả sắt thép bị tăng lên.

Ngoài ra việc tự động hóa và sản xuất xe điện làm giảm số công nhân không liên quan gì tới người Tàu cả.

Một số người dự báo, nếu cuộc đình công ở Detroit không chấm dứt sau vài ngày nữa thì Michigan sẽ bước vào suy thoái.

40 năm chia lìa

Detroit, Michigan, và rộng lớn hơn là vùng công nghiệp nặng Rust Belt đã bị bỏ lại đằng sau từ vài chục năm nay khi các ngành công nghiệp chế tạo bị lỗi thời.

Việc các vùng này, về chính trị, chuyển sang màu đỏ của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử 2016, đưa đến kết luận sau đây qua các biểu đồ của tờ Wall Street Journal: Các vùng kinh tế phồn thịnh của nước Mỹ, chủ yếu dọc theo hai bờ biển Đông – Tây thuộc về Đảng Dân chủ, còn các vùng nghèo khó làm nông nghiệp, hoặc đã từng là công nghiệp chế tạo, bầu cho Đảng Cộng hòa.

Hai vùng chính trị này ngày càng phân cực, cũng giống như khoảng cách giàu nghèo của hai vùng này ngày càng lớn.

Theo số liệu và phân tích của ông Paul Krugman, là người Mỹ từng đoạt giải Nobel về kinh tế, thì nước Mỹ sẽ rất khó khăn để làm cho khoảng cách này hẹp lại trong thời gian tới.

Trong khi cuộc đình công ở Detroit diễn ra thì các số liệu chứng khoáng lại cho thấy các hãng thẻ tín dụng tăng điểm. Điều đó có nghĩa là sự tiêu dùng vẫn gia tăng, và dĩ nhiên, không phải là những người thợ đang đình công ở Detroit, không phải những nông dân trồng bắp hay nuôi heo ở các tiểu bang miền Trung Tây, Montana,… đang nhận trơ cấp của chính phủ, mà là dân chúng vùng duyên hải Đông Bắc hay California của Đảng Dân chủ. Tức là khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng một cách có thể trông thấy.

Theo con số mà ông Paul Krugman đưa ra, hiện nước Mỹ dùng đến 20% GDP của mình để trợ cấp cho những vùng nghèo khó, vượt xa các nước Tây Âu, nơi thường bị nhiều người Mỹ chỉ trích là theo mô hình kinh tế mang tính xã hội chủ nghĩa, hay trợ cấp.

Theo chính những gì ông Trump nói, được hãng Bloomberg trích dẫn, trong hai năm 2018-2019 chính phủ đã trợ cấp cho nông dân Mỹ đến 28 tỉ dollars.

Một sự trớ trêu trong chính trị Mỹ hiện nay là, người ta thấy các chính sách của Đảng Cộng hòa có vẻ thiên về cho giới giàu có, như chuyện cắt thuế cho nhà giàu của ông Trump vừa qua. Nhưng cử tri của họ lại là thành phần nghèo, nông dân và thợ thuyền, ít học thức hơn. Đảng Dân chủ vốn mang tiếng với các chính sách trợ cấp mang tính xã hội, lại được nhóm cử tri có học thức và đời sống kinh tế khá giả hơn bầu cho.

Nguyên nhân của sự chia lìa trong lòng nước Mỹ này được cho là đã bắt đầu từ 40 năm trước, khi máy tính, internet, tự động hóa xuất hiện cùng lúc với cái gọi là toàn cầu hóa. Các vùng duyên hải, các thành phố lớn của nước Mỹ tiếp tục tiến về phía trước, bỏ lại vùng quê nghèo và các nhà máy đổ nát vùng Rust Belt.

Trong 40 năm đó, cả hai đảng chính trị của Mỹ đều thất bại trong việc lấp đi khoảng cách giàu nghèo, hoặc không nhìn thấy cái hố phân cách đó ngày càng lớn. Đảng Cộng hòa với tư tưởng tân bảo thủ, “duy thị trường”, xem nhẹ các yếu tố xã hội, làm cho các vùng nghèo tụt xa đằng sau. Nhưng trong thời kỳ bùng nổ kinh tế digital dưới thời Tổng thống dân chủ Bill Clinton, có vẻ như Đảng Dân chủ cũng đã không đưa ra một chương trình xã hội hay giáo dục nào có hiệu quả để vực dậy các “vùng sâu, vùng xa”.

Người kỹ sư của hãng GM nói với tôi rằng, chắc nghiệp đoàn và GM cũng sẽ dàn xếp được thôi. Theo các hãng tin, mỗi ngày đình công hiện nay GM bị thiệt hại đến 100 triệu Dollars.

Trong khi chờ đợi thì cuộc chiến chính trị đã bắt đầu. Các ứng cử viên Dân chủ như bà Warren, bà Klobuchar, ông Biden đã đến hô khẩu hiệu và phát bánh cho người đình công. Ông Trump thì lập lại các khẩu hiệu cũ là đưa nhà máy trở về Mỹ (?!), các chính trị gia Cộng hòa thì giữ im lặng.

Với tình hình này, ba tiểu bang vùng Rust Belt lại một lần nữa có khả năng sẽ là chiến trường trong cuộc bầu cử tới đây, nhưng lần này khó khăn có vẻ thuộc về ông Trump vì những lời hứa không thực hiện được. Mà ngay trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, làn sóng xanh cũng đã quét sạch tan tành các điểm đỏ tại đây, dẫn đến việc Đảng Dân chủ chiếm Hạ Viện, đưa ông Trump vào thế vịt què sớm hơn thông lệ.

Jackhammer Nguyễn, gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco





No comments: