Tuesday, July 31, 2018

LẠM PHÁT MỘT TRIỆU PHẦN TRĂM, VENEZUELA ĐI VỀ ĐÂU? (Thụy My - RFI)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 31-07-2018

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Venezuela sẽ bị suy thoái trong năm nay, với siêu lạm phát ở mức độ lịch sử là 1.000.000% từ nay đến cuối năm. Cũng theo IMF mới đây, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela sẽ giảm đi 18% trong năm 2018.

Cả xấp tiền bolivar chỉ mua được một khúc xương. Ảnh chụp tại một hàng thịt ở Maracaibo, Venezuela ngày 26/07/2018.REUTERS/Marco Bello

Thay đế giày mất bốn tháng lương
Khi biết rằng phải trả đến bốn tháng lương để sửa lại đôi giày cũ, ông José Ibarra, giáo sư đại học ở Venezuela nổi giận. Ông kể lại chuyện này trên Twitter.

Người thầy 41 tuổi viết : « Tôi không xấu hổ khi phải nói ra điều này : chính với đôi giày này mà tôi đi đến trường đại học trung ương Venezuela (UCV) để dạy học. Lương giáo sư đại học của tôi không đủ để thay đế giày ». Kèm theo dòng chữ là tấm hình một đôi giày mocassin màu đen, đế đã bị bong ra.

Tin Twitter này đã được chia sẻ 10.000 lần, được 5.400 « like » và khoảng 1.000 bình luận.

Dù đôi giầy đã mòn vẹt, giáo sư José Ibarra không có cách nào khác là phải mang để đi đến trường đại học chính của đất nước, giảng dạy cho những người làm công tác xã hội tương lai. Có bằng tiến sĩ về y tế cộng đồng, giáo sư Ibarra lãnh lương 5,9 triệu bolivar một tháng, tương đương…1,7 đô la trên thị trường chợ đen. Số tiền này chỉ vừa đủ để mua một ký lô thịt, tại đất nước mà sức mua tan nhanh như bọt nước do tình trạng siêu lạm phát.

Người thợ sửa giày đòi tiền công 20 triệu bolivar, một số tiền gấp ba, bốn lần lương tháng giảng viên. Anh thợ Lluvia Habibi giải thích, giá cao như vậy vì các nhà cung cấp nguyên liệu liên tục tăng giá. Anh nói : « Người ta có thể dùng keo dán giày đi tạm, nhưng không ai mua nổi một cặp đế giày cả, vì giá lên tới 20 đến 30 triệu bolivar ».

Từ lúc đăng những dòng chữ ngắn ngủi trên Twitter, giáo sư Ibarra đã được những người hảo tâm tặng cho những đôi giày, cũ có mới có, quần áo, tiền bạc và hàng trăm tin nhắn ủng hộ. Ông bèn thành lập một phong trào mang tên « Những đôi giày của nhân phẩm » để hỗ trợ các đồng nghiệp.

Người giảng viên đại học thổ lộ với AFP : « Tin Twittter tôi viết là một sự bùng nổ phẫn nộ. Tôi cứ ngỡ rằng vì ít có người theo dõi nên chẳng ai đọc, nhưng rốt cuộc tôi lại nhận được 12 đôi giày, kể cả tiền mặt và một số áo quần. Tôi lập ra phong trào này vì quà tặng vẫn tiếp tục được gởi tới ».

Giáo sư Ibarra giữ lại hai đôi giày để dùng, còn lại ông mang tặng các đồng nghiệp. Số tiền được các mạnh thường quân gởi cho, ông sẽ chia sẻ cho các giáo sư khác đang rất cần để mua thực phẩm. Ông cho biết : « Nhiều đồng nghiệp thường bị ngất xỉu vì đói ăn ».

Từ ba tuần qua, các giảng viên đại học luân phiên đình công để đòi tăng lương. Công nhân viên ngành y tế, điện lực, người về hưu…cũng đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Siêu lạm phát 1 triệu phần trăm
Sở dĩ giày của giáo sư José Ibarra mau hư vì không có xe buýt, thầy cô phải đi bộ một quãng đường xa đến trường. Khoảng 90% phương tiện chuyên chở công cộng ở Venezuela đã bị tê liệt, do giá phụ tùng thay thế quá cao, không thể nào mua nổi. Những người có trách nhiệm về giao thông giải thích như vậy, nhưng chính phủ lại quy cho họ là « phá hoại ».

Thực phẩm, thuốc men và rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thông dụng khác từ lâu đã trở nên hiếm hoi, và nếu có cũng ngoài tầm tay với. Một cặp kính giá 1 tỉ bolivar (300 đô la theo giá chợ đen), một ký tỏi 32 triệu bolivar (10 đô la), trong khi lương tối thiểu chỉ có 1,5 đô la/tháng.

·         Đọc thêm: Venezuela : Dân quá đói phải đi bới rác

Theo báo cáo của các trường đại học Venezuela, hiện nay có đến 87% dân số sống trong tình trạng nghèo khó. Hàng triệu người đã phải di cư sang nước khác kiếm sống, trong đó có nhiều giáo viên. Một trong những người may mắn hiếm hoi mà AFP gặp được, Marcos Salazar, giáo viên 31 tuổi cho biết anh sống sót nhờ làm đến ba việc khác nhau và có người thân ở nước ngoài gởi tiền về cho.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Venezuela sẽ bị suy thoái trong năm nay, với siêu lạm phát ở mức độ lịch sử là 1.000.000% từ nay đến cuối năm. Cũng theo IMF mới đây, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela sẽ giảm đi 18% trong năm 2018, tệ hơn dự kiến hồi tháng Tư là giảm 15%.

Ông Alejandro Werner, một trong những người có trách nhiệm của định chế đặt tại Washington cho biết : « Với tỉ lệ lạm phát lên đến 1.000.000%, tình hình Venezuela tương tự với đế chế Đức năm 1923, hoặc Zimbabwe vào cuối những năm 2000 ». Được biết trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1923, đồng mark Đức từ 4,2 mark đổi được 1 đô la, do siêu lạm phát, 1 triệu mark mới đổi được 1 đô la và đến cuối năm thì 1 đô la = 4,2 triệu mark !

Ông Werner kết luận : « Venezuela đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế và xã hội ». Trong năm 2018, quốc gia dầu lửa này sẽ bị suy thoái ở mức hai con số, và như vậy đã thụt lùi suốt ba năm liền. Năm 2017, tỉ lệ suy thoái là -16,5%, nhưng năm nay còn trầm trọng hơn.

Có đến 96% thu nhập ngân sách của Venezuela là từ dầu thô. Tuy nhiên trong vòng một năm rưỡi qua, sản lượng dầu đã giảm ít nhất phân nửa, do không có tiền mặt để tu sửa, hiện đại hóa các giếng dầu. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa mới đây tiết lộ, sản lượng dầu của Venezuela hiện nay khoảng 1,5 triệu thùng dầu một ngày, thấp nhất kể từ 30 năm qua.

Bỏ 5 số không trên giấy bạc mệnh giá mới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tố cáo việc đưa một lượng lớn tiền vào lưu thông, làm lạm phát càng thêm phi mã. Tuy nhiên mức độ chính xác của dự báo đến đâu chưa rõ, vì định chế gồm 189 thành viên không thể gởi phái đoàn đến Venezuela thẩm định từ năm 2004, mà chỉ nhận được những dữ liệu rời rạc. IMF từ đầu tháng Năm đã yêu cầu Caracas phải cung cấp những dữ liệu kinh tế chính xác, nếu không có thể bị khai trừ.

Cũng theo Alejandro Werner, dù tỉ lệ lạm phát 1,2 triệu phần trăm hay 800.000 phần trăm cũng không làm thay đổi gì đối với « cuộc khủng hoảng nhân đạo khổng lồ » của một đất nước thiếu thốn mọi thứ, người dân có nguy cơ làm mồi cho những chứng bệnh dễ lây nhiễm.

Hôm 25/07/2018, tổng thống Nicolas Maduro loan báo đến ngày 20/8 sẽ đổi sang đơn vị tiền tệ mới, bỏ đi 5 số 0 trên tờ giấy bạc. Henkel Garcia, giám đốc công ty tư vấn Econometrica cho biết ban đầu chính quyền Venezuela chỉ định bỏ đi 3 số 0 trên đồng bolivar mà thôi. Nhưng nay khi tuyên bố bỏ đi 5 số 0, Caracas đã mặc nhiên nhìn nhận tình trạng siêu lạm phát.

Quyết định này sẽ giúp các giao dịch hàng ngày trở nên tiện lợi hơn. Hệ thống vi tính đang bị quá tải : nhiều siêu thị đề nghị khách hàng chi trả làm nhiều lần vì giới hạn một lần giao dịch chỉ được tối đa 20 triệu bolivar. Còn nếu trả bằng tiền mặt thì vô cùng bất tiện. Không có máy rút tiền nào hoạt động, phải xếp hàng rất lâu để rút được 100.000 bolivar. Mua một cặp kính phải mất đến 10.000 tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất hiện nay là 100.000 bolivar. Hồi đầu năm 2017, một tờ giấy bạc này mua được 5 ký gạo, còn nay chưa mua nổi một điếu thuốc lá.


Tuy nhiên ông Henkel Garcia cảnh báo, nếu không cải tổ bề sâu, thì những tờ giấy bạc mới có ít số 0 hơn cũng sẽ không thọ quá sáu tháng ! Cần phải cứu vãn nền kỹ nghệ Venezuela, hiện nay chỉ hoạt động có 30% công suất, chấm dứt việc Nhà nước độc quyền giao dịch ngoại hối và giá cả. Bên cạnh đó còn cần phải tìm được các nguồn tài chính khác, vì tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA đang bị Mỹ trừng phạt. Econometrica ước tính mỗi năm phải bơm vào 20 đến 30 triệu đô la, trong vòng hai hoặc ba năm.

Vẫn « kiên định xã hội chủ nghĩa »
Nhưng một công ty tư vấn khác là Ecoanalitica nhận định, chính quyền Venezuela sẽ không thay đổi chính sách kinh tế. Những xung đột xã hội trong những tuần lễ gần đây chỉ là những hoạt động rời rạc, và phe đối lập thì không có khuôn mặt nào nổi bật – nhiều nhà lãnh đạo đối lập đã phải lưu vong hoặc đang bị cầm tù.

Chính quyền Caracas nói rằng khủng hoảng kinh tế và siêu lạm phát là hậu quả của « chiến tranh kinh tế » do cánh hữu Venezuela và Hoa Kỳ tiến hành để lật đổ ông Maduro.


Tình hình Venezuela làm ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Chính quyền Colombia vào giữa tháng Sáu ước lượng đã có trên một triệu người dân Venezuela di cư sang Colombia trong 16 tháng qua. Còn Brazil ước tính mỗi ngày có 500 đến 1.200 người Venezuela vượt qua biên giới. Trong khi tại châu Mỹ la-tinh, ngoài Chilê và Pêru, dự báo tăng trưởng đều giảm, khó thể cưu mang thêm người tị nạn.

Đặc biệt tại quốc gia cộng sản là Cuba, sau bốn thập niên kiên định với nền kinh tế quốc doanh, Chủ nhật tuần rồi Quốc Hội nước này đã nhất trí thông qua dự thảo Hiến Pháp mới, công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tân Hiến Pháp sẽ được đưa ra tranh luận trong dân từ ngày 13/8 đến 15/11 và sau đó sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để trở thành chính thức.

Tuy bản dự thảo gồm 224 điều vẫn khẳng định « tính chất xã hội chủ nghĩa » của hệ thống chính trị Cuba, nhưng cụm từ « xã hội cộng sản » đã biến mất. Nguồn dầu lửa rẻ như cho của người láng giềng hào hiệp Venezuela đang cạn dần, chừng như các nhà lãnh đạo Cuba đã trở nên thực tế hơn.

Còn Venezuela thì tuyên bố, vẫn « kiên định xã hội chủ nghĩa » !







CỜ ĐÀI LOAN, QUYỀN VIỆT NAM (Tuấn Khanh)




Thứ Ba, 07/31/2018 - 20:48 — tuankhanh

Lá cờ của Đài Loan phấp phới ở Bình Dương, Việt Nam, có lẽ không qua được 72 tiếng đồng hồ, nhưng bản thân sự có mặt của nó như là một cuộc kháng chiến không mệt mỏi về chủ quyền của mình.

2 ngày sau khi có tin hãng gỗ Kaiser ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương được treo cờ Đài Loan để phân biệt với các công ty trung Quốc trong khu vực này, nhằm tránh các cuộc biểu tình bao động nhằm vào Trung Quốc, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã giận dữ yêu cầu Việt Nam phải "sửa sai" về việc này. Thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát đi dõng dạc vào ngày 31/7/2018.

Dĩ nhiên, sớm muộn gì công ty Kaiser cũng sẽ phải hạ cờ và thay bằng hình thức gì đó khác. Bởi sự cho phép treo cờ, chắc chắn hoàn toàn nằm ở ý kiến chủ quan của chính quyền địa phương. Mà nguyên nhân chính là Kaiser là công ty đóng góp đến chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, vào thị ttrường quan trọng là Hoa Kỳ.

Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì, khi so với sức nặng của nền kinh tế Việt Trung, khi nền kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. Mạnh tiền, đồng nghĩa mạnh quyền. Dĩ nhiên, đó là chưa nói đến tình hữu nghị kỳ lạ giữa hai đảng cộng sản, không liên quan gì đến nhân dân Việt Nam.

Không chỉ Việt Nam, nhiều hãng máy bay đi ngang biển Đông hiện nay, nằm trong vùng kiểm soát Trung Quốc từ tháng 7 vừa qua đã phải đổi tên gọi trên bản đồ và cách xưng hô, để xác định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng đang phải tiến hành những yêu cầu này của Trung Quốc.

Số phận của lá cờ Đài Loan nhắc cũng như dự báo rất nhiều điều về một Trung Cộng và Việt Nam. Vô số những tàu cá mang cờ VN đi trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa đều bị tấn công dã man vì Trung Quốc không muốn lá cờ chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong vùng họ chiếm đóng. Nhượng bộ để hạ cờ Đài Loan ở Bình Dương lúc này, cũng là cách mà Việt Nam luôn né tránh và im lặng về giá trị của một đất nước mà họ nắm quyền, nên việc hy sinh ai đó khác, cho mối liên minh ma quỷ ấy, cũng không lạ. 

Lá cờ của Đài Loan có thể coi như một cuộc khởi nghĩa nho nhỏ bất thành trong lòng liên minh các thù địch. Nó lại nhắc nhớ khi ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc ghé Sài Gòn và nơi ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp đón phải che bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa - Trường Sa. Ông Nhân quả cũng có một cơ hội "khởi nghĩa" nhỏ nếu để cho tay Hoang Khôn Minh ấy nhìn thấy tấm bản đồ chủ quyền Việt Nam. Nhưng không, ước muốn ấy, hy vọng ấy luôn chỉ có ở những người yêu nước và đủ nhân cách.

Một tay buôn gỗ mà có lòng ái quốc hơn cả một nhân vật lãnh đạo, quyền kiểm soát một hệ thống chính trị kiểu ấy có đáng để so sánh cùng?
 







CHÂN, THIỆN, NHẪN (LS Đặng Đình Mạnh)




LS Đặng Đình Mạnh
31/07/2018

“Y án sơ thẩm … Giao bị cáo lại cho công an dẫn giải”. Chủ tọa dứt lời, bất giác cô gái trẻ nhoẻn cười mặc cho chiếc còng số 8 đang bị ấn vào đôi tay vang tiếng kim loại lách cách.

Hướng đôi mắt sáng về phía các luật sư, cô gái khẽ gật đầu trước khi bị đẩy đi ra phía hành lang, gương mặt cô bình thản, nhẹ nhõm như sắp bước chân vào buổi lễ hội cuối năm của trường trung học.

Tôi đờ người khi bất ngờ chứng kiến thái độ của cô gái trẻ. Nó hoàn toàn khác biệt với tất cả những điều tôi thường thấy từ một phần tư thế kỷ hành nghề.

Tôi rời phòng xét xử. Khi di chuyển chầm chậm cùng với “công chúng được phân công” ngồi kín các hàng ghế dự khán bên dưới, tôi được tặng cho những ánh nhìn đã bớt ác cảm hơn. “Nhân chi sơ chí bổn thiện”, có lẽ, một phần thiện tâm của “công chúng được phân công” đã được đánh thức khi chứng kiến sự xảo trá, ngụy tạo bị bóc tách từng lớp một, phơi bày bẽ bàng trước phiên tòa … mặc cho những nỗ lực ngăn cản thô bạo, sự che đậy, lấp liếm vụng về.

Bên ngoài cổng tòa, các nhân viên an ninh mặc thường phục lẫn với cảnh sát mặc đồng phục vẫn đứng ken nhau đen đặc trong đoạn đường bị cấm lưu thông ở cả hai chiều suốt từ 5h00 sáng cho đến quá trưa. Nhưng ngay bên ngoài vòng rào an ninh, dòng người đeo huy hiệu Pháp Luân Công vẫn kiên trì đứng bất động lặng lẽ dưới mưa bên vệ đường, họ hướng tâm về cô gái trẻ đang đứng giữa công đường.

Tôi như người mê được cầm tay dắt đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Mở đầu là thái độ bình thản của cô gái trẻ khi đón nhận bản án bất công và sau đó là sự quan tâm, đoàn kết, chia sẻ trong thinh lặng giữa những người không hề quen biết nhau, họ chỉ có mối quan hệ chung là bạn đồng tu tập Pháp Luân Công với nhau mà thôi. Những người này, thậm chí họ đến từ những nơi rất xa, khoảng cách từ ngoài hàng nghìn cây số, không hề ngăn cản được sự quan tâm giữa họ, những người lạ mặt với nhau.

Thật kỳ lạ, giữa một xã hội đang ngày càng vô cảm, thực dụng và lý tài hơn, thì sự quan tâm sâu sắc, nhưng bất vụ lợi giữa các học viên Pháp Luân Công có vẻ như đang phục hồi, trả lại những giá trị tốt đẹp tưởng chừng như đã rời bỏ xã hội chúng ta … Như công chúng, tôi đã từng mang tâm trạng đón chờ một minh chủ, người sẽ giúp đổi thay xã hội tan hoang, tồi tệ này. Mà có vẻ như, chúng ta không cần một minh chủ nữa, nếu tất cả đều hướng chung về cứu cánh “Chân, Thiện, Nhẫn” như họ, những học viên Pháp Luân Công …

Bạn nghĩ xem, quyền lực nào đã khiến một cô gái trẻ nhỏ bé, gầy gò, đôi mắt sáng đã có thể khuấy đảo an ninh của cả một thành phố nghiêm trọng đến như thế? Vài trăm nhân viên công lực đã được huy động làm việc trong cơn mưa dầm ảm đạm, phương tiện phá sóng điện thoại tối tân, hiện đại được mang ra sử dụng, những chiếc xe cứu thương, cứu hỏa đậu túc trực bên vệ đường… để hao tâm, tổn trí đối phó chỉ với một cô gái trẻ đang bình thản đứng giữa công đường. Là “Chân, Thiện, Nhẫn” đấy bạn!

Bạn ạ, xin hãy giúp cho tôi câu trả lời như tôi là một đứa trẻ: Tôi đang chứng kiến điều gì kỳ diệu đến vậy?
___

Mời đọc lại: Cướp tài sản của… chính mình! (TD).

Mời xem clip trả lời phỏng vấn của LS Đặng Đình Mạnh: https://www.youtube.com/watch?v=43EmYhyBr6w

--------------------------------

XEM THÊM :

RFA
2018-07-31

Một tòa án phúc thẩm tại tỉnh Thái Nguyên tuyên bố y án sơ thẩm đối với cô Nguyễn Thị Huyền- một học viên Pháp Luân Công. Cô Huyền kháng án sơ thẩm trong vụ xử bốn học viên Pháp luân công tổng cộng 105 tháng tù giam vào tháng tư vừa qua.

Bốn người này là bà Trần Thị Ngọc, 56 tuổi, bà Trần Thị Tiến, 57 tuổi, ông Trần Kim Chung, 57 tuổi, và cô Nguyễn Thị Huyền 23 tuổi, bị cơ quan tố tụng Việt Nam cho là phạm tội trộm cắp tài sản. Tại phiên sơ thẩm, cô Nguyễn Thị Huyền bị tuyên 15 tháng tù.

Theo Báo Thái Nguyên, thoạt tiên bốn người này bị bắt vì mở nhạc tại nơi công cộng để tập luyện. Sau đó đồ đạc của họ bị đưa về công an phường, và họ đã đã đến lấy lại, làm một nữ cán bộ công an bị té ngã.

Ngày 11/4/2018 bốn người này bị ra tòa và nhận bản án về tội cướp giật tài sản.

Luật sư của bốn bị cáo là ông Đặng Đình Mạnh nói với chúng tôi rằng bản án này là không công bằng:

Hôm nay chúng tôi cho rằng việc kết tội cô Huyền và những người bạn của cô ấy trong cùng nhóm, là một bản án không công bằng. Tôi nghĩ rằng sau việc này thì vấn đề là liên quan đến Pháp luân công hơn là cướp tài sản.”

Luật sư Mạnh cho biết thêm là ghép tội trộm cắp tài sản là vô lý vì công an đã giữ những món đồ của bốn người học viên Pháp luân công này mà không có biên bản, cho nên họ chỉ đến lấy lại mà thôi.

Theo Luật sư Mạnh, cả bốn người đều bị đe dọa là không được kháng cáo vì sẽ bị nặng thêm; chỉ có cô Nguyễn Thị Huyền là kháng cáo.

Pháp luân công xuất phát từ Trung Quốc, bị cấm đoán và truy đuổi gắt gao tại nước này.

Tại Việt Nam, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết rằng không có một văn bản nào cấm Pháp Luân công hoạt động, chỉ có một văn bản của Ban Tôn giáo của chính phủ nói rằng Pháp luân công không phải là một tôn giáo mà chỉ là cách thức tu tập để có lợi cho sức khỏe.

Nhưng một điều đáng nói là ngay trong chính văn bản đó lại bảo rằng không khuyến khích người dân theo môn này, dù rằng trước đó nói rằng nó có lợi cho sức khỏe.

VIDEO:
Y án sơ thẩm học viên Pháp Luân Công "cướp tài sản của chính mình"








BỐN LÁ BÀI CHỦ CỦA TRUNG QUỐC TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI (BBC Tiếng Việt)




31 tháng 7 2018

"Chiến tranh thương mại tốt, và dễ dàng để thắng," Donald Trump từng tuyên bố. Dư luận vì thế rất ̀thú vị khi thấy Tập Cận Bình đang chứng minh cả hai điều Trump nói đều sai.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục tuyên bố nâng các mức thuế xuất vào hàng hóa, sản phẩm của Trung Quốc nhập vào Mỹ với trị giá lên đến hàng trăm tỷ đô-la. GETTY IMAGES

Ngay chính người cùng đảng Cộng Hoà, Thượng nghị sĩ Ben Sasse, chẳng hạn, cũng cảnh báo rằng trò chơi bảo hộ của Trump "sẽ làm cho nó trở thành năm 1929 một lần nữa." Có thật là chiến tranh thương mại dễ không khi Tổng thống Mỹ phải bỏ ra 12 tỷ đôla để bảo vệ nông dân Hoa Kỳ?
Chứng cớ ông Trump nhận định sai đến ngay từ đất nước mà ông Trump nghĩ mình có thể hạ được bằng vài lần áp thuế.


Đã đành là việc áp thuế của Hoa Kỳ đang khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc cảm thấy đau đớn.
Nhưng tác gỉa William Pesek của Nikkei Asian Review phân tích: "Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những nước hàng xóm giao thương với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ ai khác. Thị trường được báo động khi Trump than phiền người Mỹ đang bị "bất lợi" bởi vì đô la của họ mạnh. Ông Trump thậm chí còn khen ngợi Chủ tịch Fed Jerome Powell là đã làm tốt công việc khi tăng lãi suất."

Theo William Pesek, có rất nhiều cách để Trung Quốc trả đòn. Tập Cận Bình có thể hạ giá nhân dân tệ để thúc đẩy lợi thế toàn cầu của China Inc.
Ông Tập có thể tạo ra nhiều thủ tục rườm rà cho các công ty sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả Apple. Giấy phép có thể sẽ phải xin khó khăn hơn, và các nhà máy sẽ bị thanh tra đến kiểm soát thường xuyên hơn. Bắc Kinh có thể cho châu Á và châu Âu tiếp cận thị trường khổng lồ của họ một cách ưu đãi hơn. Và tại sao không khuyến khích tẩy chay rộng rãi hàng hóa Hoa Kỳ?

Bốn con bài chủ của Trung Quốc là gì?
a) Giảm bớt đặc ân cho các công ty khổng lồ của Mỹ;
b) Cấm cửa Facebook;
c) Chơi lá bài Đài Loan, bắt các công ty Mỹ phải liệt kê Đài Loan như một phần lãnh thổ của Trung Quốc; và
d) Đòi Washington phải trả nợ.

Thật dễ để thấy con bài chủ nào đã được Tập Cận Bình sử dụng.

Không riêng William Pesek, David Fickling của tờ Bloomberg cũng cho rằng chính những công ty Hoa Kỳ sẽ cảm thấy đau đớn nhất. Nếu được ban hành đầy đủ, mức áp thuế Trump đề nghị sẽ xóa khoảng một phần tư lợi ích của việc cắt giảm thuế của các công ty này.

Trước đó kinh tế gia Mark Joseph Carney, của Bank of England cũng cảnh báo là leo thang chiến tranh thương mại sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với GDP toàn cầu, trong đó, sự tăng trưởng của Mỹ có thể bị ảnh hưởng tới 5%, so với sự suy giảm chỉ khoảng 2,5% đối với phần còn lại của thế giới.

*
Tin liên quan








THƯ của ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC gửi cho GIA ĐÌNH từ TRONG TÙ (Trần Family)




30-7-2018

Nghệ An, 26/6/2018

Thưa ba và cả nhà thương,

Hôm 23/6 chị Sáu và Quân ra thăm con kể rằng ba nói ba tin sắp có nhiều thay đổi lớn và ba sẽ khỏe để chờ con về. Con rất là vui.

Sáng hôm qua, thứ hai 25/6/2018 một phái đoàn của Liên minh Châu Âu và Đại sứ quán Đức tại VN vào đây thăm con. Đại diện gồm một anh tên là Konrad phụ trách chính trị của Đại sứ quán Đức, một cô tên là Catherine phụ trách chính trị của Phái bộ EU tại VN, một anh người Việt tên Đăng được giới thiệu là cán bộ của Đại sứ quán Đức tại VN làm phiên dịch (họ nói tiếng Anh và tiếng Đức). Cũng có lãnh đạo cùng các sĩ quan của Trại giam tham gia. Họ lắng nghe, thái độ vui vẻ, không có vấn đề gì.

Họ nói họ rất quan tâm đến con nên thông qua Chính phủ Đức và Chính phủ VN để sắp xếp cuộc gặp này. Họ muốn nghe về sức khỏe điều kiện sinh hoạt trong tù và nguyện vọng của con. Con cho biết sức khỏe của con vẫn ổn và kể thời khóa biểu một ngày của con gồm thể dục, viết thư, sáng tác (thơ, nhạc, tiểu thuyết), đọc sách báo nhà gửi, chơi đàn, học tiếng Hoa,… Con cũng khẳng định với họ rằng con không có nguyện vọng ra nước ngoài. Họ bảo họ rất nể phục con và họ cũng nghe nói nhiều về tinh thần của con. Họ thấy khó ai có được lịch sinh hoạt trong tù như con. Con nói với họ rằng con rất vui khi biết luật sư Đài được họ bảo lãnh qua Đức vừa rồi. Riêng con thì con muốn dùng cuộc sống của mình để thu hút sự quan tâm của mọi người ngày càng tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền con người, tôn trọng khác biệt. Con tin vào sự thay đổi dựa trên tinh thần đó và thấy đang có những thay đổi theo tinh thần, chiều hướng như vậy. Con hiểu luật pháp đang còn nhiều vấn đề, nhưng chỉ bằng tinh thần tôn trọng pháp luật và kiên trì đòi hỏi pháp luật phải hoàn thiện hơn thì sự thay đổi cuối cùng mới tốt đẹp. Con mong rằng họ ủng hộ và hỗ trợ cho sự thay đổi như vậy. Họ nói họ hiểu và theo sát trường hợp của con. Họ chúc con khỏe và có đủ sức mạnh để đi hết lựa chọn của mình. Họ tin con làm được vì con biết sử dụng thời gian hiệu quả. Họ khẳng định sẽ luôn quan tâm, theo dõi tình hình của con. Sau cuộc gặp, họ sẽ liên hệ với gia đình mình để thông báo về cuộc gặp này, đồng thời để trao đổi thêm những gì cần thiết. Con cảm ơn họ và cho biết cuộc gặp đã động viên con rất nhiều.

Cuộc gặp kéo dài 60 phút, đúng như thỏa thuận giữa Chính phủ Đức và Chính phủ VN. Họ hỏi rất kỹ các điều kiện ăn uống, sinh hoạt, điện thoại, gửi thư, gia đình thăm… Con có sao nói vậy, không có vấn đề gì. Họ cũng hỏi về vấn đề mắt của con như họ nghe trước đây.
Con cũng kể đúng thực tế là do điều kiện điện, ánh sáng, nhưng điều kiện này đã được đảm bảo hơn 10 tháng nay. Con cũng nói rằng cũng có khi có vấn đề nhưng con phản ảnh đến Ban giám thị Trại giam để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, BGT cũng lắng nghe và giải quyết theo pháp luật. Họ nói họ nghe vậy thì rất vui. Họ cảm ơn phía VN đã tạo điều kiện để gặp.

27/6

Hôm qua thời sự VTV đưa tin VN và EU rà soát lần cuối nội dung Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA). Bộ trưởng công thương VN hi vọng Hiệp định này sẽ được ký vào cuối năm nay. Cao ủy thương mại EU hi vọng VN sẽ giải quyết những vấn đề còn lại để Hiệp định được ký kết. Thư 112C con đã trích một bài trên Thời báo KTSG số 14 (5/4/2018) nói về lí do Hiệp định này đã bị trì hoãn ký từ cuối năm 2015 đến nay là vì môi trường và nhân quyền.

VN mình rất cần Hiệp định này để giảm thiểu những tác động của các cuộc chiến thương mại nếu chúng lan rộng. Các tranh chấp giữa Mĩ với EU và các đồng mình khác, theo con, sẽ được dàn xếp sớm. Giữa họ không có những xung đột không thể thỏa hiệp, và sự tranh chấp của họ thực sự chỉ là sự cạnh tranh thuần túy thương mại. Còn tranh chấp giữa Mĩ và TQ thì thương mại chỉ là cái cớ và là công cụ để Mĩ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của TQ thực tế đến đâu, để Mĩ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình. Ai mà lấy thiệt hơn về mặt kinh tế như là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá người Mĩ có thể chấp nhận đến mức nào, rồi từ đó suy ra Mĩ sẽ không dám dấn sâu vào Cuộc chiến thương mại với TQ thì người đó sẽ lầm to. Đó thật là ngây thơ.

Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc Chính phủ TQ mà Mĩ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi. Đó chỉ mới là sự cấm vận công nghệ chip chưa quá mức cao siêu so với nhiều công nghệ cốt lõi khác mà Mĩ nắm giữ. Nếu cuộc chiến lan rộng, Mĩ có thể đánh rơi rụng hàng trăm tập đoàn khổng lồ tương tự ZTE của TQ. Chưa nói đến rất nhiều hậu quả khác, chỉ riêng sự vỡ nợ của những tập đoàn này sẽ tạo nên một khoản nợ xấu cho Chính phủ TQ (vì Chính phủ đầu tư, cho vay hay bảo lãnh) lớn đến mức đủ thổi bay khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của TQ trong chốc lát. TQ hầu như chẳng có công cụ gì tương tự để trả đũa Mĩ. Đầu tư TQ vào Mĩ đã giảm đến 98% (tức là gần như không còn gì) trong 5 tháng đầu năm nay mà chẳng gây ra vấn đề gì cho Mĩ. TQ đã từng dọa về nguy cơ rút đầu tư sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho Mĩ. TQ đã làm nhưng chẳng tác dụng. Không cần đến TQ giảm đầu tư, tới đây Mĩ đã chuẩn bị để hạn chế TQ đầu tư vào Mĩ để tiếp cận công nghệ Mĩ. Hi vọng Mĩ sợ thiệt hại mà không làm thì sẽ là tiếp tục ngây thơ.

Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của TQ, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do. Ở đó những người giỏi nhất mới sáng tạo nên những công nghệ vượt trội cho quốc gia. TQ không có và cũng không chấp nhận một xã hội vận động tự do. Vì vậy Chính phủ TQ tin vào cách thức đặc sắc của mình là dùng sự đầu tư và bảo kê (trên danh nghĩa bảo hộ) vô song của nhà nước cho một số doanh nghiệp để chúng sở hữu công nghệ vượt trội. Thực tế mấy chục năm qua, các doanh nghiệp này đã to lớn khổng lồ nhờ sự bảo kê này nhưng khả năng công nghệ chỉ ở mức sao chép giỏi và lệ thuộc nặng nề vào những công nghệ cốt lõi của Mĩ và phương Tây. TQ hiểu nguy cơ của sự lệ thuộc này. Nhưng một lần nữa, họ tiếp tục sai lầm về phương pháp. Họ tin rằng dùng sức mạnh của thị trường khổng lồ hơn 1,4 tỉ dân của họ thì sẽ ép được các doanh nghiệp sở hữu công nghệ của Mĩ và phương Tây chuyển giao công nghệ cho họ nếu muốn tiếp cận thị trường TQ. Khi TQ công bố Sáng kiến Sản xuất tại TQ 2025 với mục tiêu trên, con đã cười vì thấy niềm tin nói trên của họ ngây ngô quá. Họ nghĩ từng doanh nghiệp đơn lẻ Mĩ sẽ không thể đủ sức thoát sức ép của Chính phủ TQ để không bị mất phần trước các đối thủ tại thị trường TQ. Các doanh nghiệp Nhật và EU cũng bị như vậy. TQ không hiểu rằng sức mạnh của những xã hội vận động tự do khi đã hợp lực lại thì chẳng có sức mạnh của những xã hội độc đoán nào địch nỗi cho dù những xã hội độc đoán đó được lãnh đạo bởi những chính phủ độc tài khổng lồ đi nữa. Khối G7 sẽ cùng nhau đánh gục tham vọng chiếm lấy công nghệ bằng ban phát thị trường của TQ. Thế giới sẽ thấy chiến lược về công nghệ của TQ hóa ra là cách để họ chỉ ra gót chân Achilles chết người, không chỉ về công nghệ mà cả về sức mạnh và tham vọng bá quyền của mình.

Một khi TQ đã buộc phải bãi bỏ sự ép buộc chuyển giao công nghệ, sự bảo hộ thị trường cho các doanh nghiệp chủ lực mà Chính phủ TQ bảo kê lâu nay để làm sức mạnh cho Chính phủ, thì các doanh nghiệp Mĩ và phương Tây có lợi thế về công nghệ sẽ chiếm lĩnh các thị phần ở TQ mà các doanh nghiệp được bảo kê ở TQ chiếm giữ lâu nay. Khi đó cán cân thương mại sẽ cân bằng và công bằng. Đây là điều Tổng thống Trump muốn và không ngừng tuyên bố lâu nay. Ông ấy đang rất quyết liệt để thực hiện thành công mục tiêu này. Nếu TQ không chấp nhận sự bãi bỏ nói trên thì họ sẽ đối diện với sự sụp đổ, bắt đầu từ các tập đoàn. Nếu Chính phủ TQ nhận ra thì họ sẽ tránh được sụp đổ. Và đó là sự bắt đầu cho tự do hóa thị trường và xã hội. Người TQ sẽ sớm nhận ra rằng người ta không thể sở hữu những gì hay ho bằng cách tước đoạt và sự bảo kê bảo hộ của nhà nước không thể giúp sở hữu công nghệ mà ngược lại. Nó chỉ tạo ra những doanh nghiệp thân hữu thúc đẩy tham nhũng và khả năng cạnh tranh quan hệ và đặc quyền, chứ không phải khả năng sáng tạo. Một khi sự bảo hộ của nhà nước đã không còn có thể nữa thì các doanh nghiệp đó sẽ lăn đùng ra mà chết như đột tử vậy, bất chấp chính phủ bảo hộ có to lớn hay tài giỏi đến đâu.

Không ai vi phạm Quy luật phát triển mà có thể phát triển tốt đẹp cả. Con người dù có giỏi giang, có sức mạnh đến thế nào thì cũng không thể vượt qua được quy luật của Tạo hóa.

28/6

Dù Quy luật phát triển đã được làm sáng tỏ, nhưng giới cầm quyền TQ vẫn phải trả một giá đắt trước khi hiểu ra được và thừa nhận những gì mình đã làm trái quy luật. Điều này có nghĩa là cuộc chiến thương mại Mĩ – TQ sẽ lan rộng và rất căng thẳng trước khi một trạng thái cân bằng và công bằng được xác lập. Chiến tranh căng thẳng sẽ kéo dài vài năm.
Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại vì nó thay cho Chiến tranh thế giới III vốn là điều rất khó tránh khỏi khi có sự nổi lên của các siêu cường mới muốn khẳng định vị thế bá quyền như Đức, Nhật trong quá khứ và TQ vào hiện tại. Nếu sự trỗi dậy hung hăng của TQ không bị kiềm chế thì không lâu nữa, khi tiềm lực quân sự của họ đủ sức đối trọng với Mĩ ở Châu Á TBD thì chiến tranh quân sự sẽ nổ ra không tránh khỏi. Họ đang ráo riết tăng cường tiềm lực này thông qua quân sự hóa ồ ạt trên Biển Đông. Mĩ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội sử dụng chiến tranh thương mại để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của TQ, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới. TQ lúc này cũng không còn khả năng tiên hạ thủ vi cường bằng các trận chiến chớp nhoáng được nữa, vì Biển Đông đã được quốc tế hóa cùng với cả khu vực rộng lớn Ấn Độ dương – Thái Bình dương. Anh, Pháp cũng đều tham gia vào đảm bảo tự do hàng hải, hàng không của khu vực này. Tháng trước các tàu chiến Anh, Pháp tiến vào vùng hải phận quốc tế mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép nhưng TQ không dám làm gì. Mĩ vừa loại TQ ra khỏi cuộc tập trận chung Vành đai TBD (RIMPAC) 2018 và yêu cầu TQ đảo ngược quá trình quân sự hóa trên Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của VN sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mĩ – TQ đang nổ ra. TQ có rất ít cơ hội để thắng. Có người bảo họ đang nắm giữ vũ khí chiến lược là hơn 1 ngàn tỉ USD trái phiếu chính phủ Mĩ, nếu TQ bán các trái phiếu này thì Mĩ sẽ suy yếu và vì vậy mà Mĩ phải lo sợ. Nếu Chính phủ TQ mà nghe mấy chuyên gia này thì TQ sẽ còn thua sớm hơn.

Chương trình Toàn cảnh thế giới trên VTV1 ngày 24/6/18 dẫn lời tiến sĩ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ ngoại giao VN – cho rằng hành xử của TQ đã tới giới hạn chịu đựng của Mĩ. Từ thập niên 1970 Mĩ đã giúp đỡ TQ bằng mở cửa thị trường Mĩ, cho phép hỗ trợ công nghệ Mĩ cho doanh nghiệp TQ để đưa TQ phát triển, hội nhập thế giới với cam kết của TQ rằng trở thành một nước lớn có trách nhiệm trên thế giới, giống như Mĩ đã làm với Châu Âu và Nhật sau Thế chiến II. Trong khi Châu Âu, nhất là Đức, và Nhật đã làm đúng như vậy và trở thành những quốc gia dân chủ và thịnh vượng và đóng góp quan trọng vào việc xây dựng dân chủ và thịnh vượng cho thế giới thì TQ đang làm ngược lại. Con đồng ý với tiến sĩ Thái. Nhìn vào sự mở rộng ảnh hưởng của TQ ra nước ngoài trong 2 thập niên qua, chẳng khó gì để thấy họ nuôi dưỡng cho các chính phủ tham nhũng, bảo kê độc tài, bất chấp thiệt thòi đối với người dân dưới các chính phủ đó, miễn là TQ có lợi: được tiếp cận với tài nguyên, đất đai và những hợp đồng có lợi quá mức cho TQ. Đó là chưa kể những hậu quả về môi trường và xã hội mà TQ để lại cho những con người ở đó. Ở Châu Phi, những hậu quả như vậy là không thể khắc phục sau 2 – 3 thế hệ nữa. Chẳng mấy ai mà không thấy hình ảnh đó của TQ. Từ đầu năm 2004, con đã nói về nguy cơ này trong bức thư gửi cho ông Triết lúc đó là Bí thư thành ủy HCM.

Khi Mĩ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc TQ hành xử có trách nhiệm với thế giới trong cuộc chiến thương mại thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi. Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng TQ cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng. Chấp nhận thị trường tự do, không bảo hộ doanh nghiệp. Những điều như vậy sẽ dẫn đến xã hội vận động tự do. Sau cuộc chiến thương mại, thế giới sẽ được thấy một lần nữa sai lầm tai hại “trọng cứng khinh mềm”: Chỉ chấp nhận và bắt chước trào lưu cứng mà không học hỏi và thúc đẩy trào lưu mềm trước. Quy luật phát triển xã hội sẽ được khai sáng hơn bao giờ hết. Bao nhiêu nỗ lực khổng lồ của giới học giả TQ mấy chục năm qua cố gắng bảo vệ những lý thuyết về một nền kinh tế thị trường được định hướng bằng sự can thiệp sâu rộng của chính phủ sẽ trở nên buồn cười. Giới học giả TQ lâu nay rất nổi tiếng thế giới về những nghiên cứu như vậy. Con biết họ rất giỏi, nhưng họ đã bị định hướng nên không có tự do để nói ra chân lý.

Trong thời kỳ Mĩ rung lắc TQ, thế giới cũng sẽ bị rung lắc và ảnh hưởng lớn. Không chỉ về kinh tế đâu, mà toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Như con đã viết hồi đầu năm 2016, các chính phủ độc tài sẽ bị rung rụng, các quốc gia thực sự dân chủ hoặc chân thành hướng đến dân chủ bằng pháp quyền, tôn trọng quyền con người mới phát triển tốt mà không sụp đổ. Mục tiêu của Mĩ không chỉ là thương mại, mà chính yếu là trật tự thế giới. Nhưng không phải là thứ trật tự mà Mĩ ban phát cho nước này nước kia ở vị trí này vị trí nọ, mà là một trật tự theo Quy luật phát triển. Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo Dòng chảy của thời đại.

Ráp kịp với Dòng chảy của thời đại rồi đua nhanh và vượt lên dẫn đầu là sứ mệnh lịch sử, là mệnh lệnh của dân tộc Việt Nam đối với từng người dân Việt trong thời kỳ lịch sử này. Và con biết, dân tộc cần con vào thời khắc quan trọng này. Vì vậy con sẽ ở lại trên mảnh đất này. Dù chỉ là một thường dân hay một tù nhân, con vẫn luôn nỗ lực không tiếc sức bằng mọi cách để dân tộc hoàn thành kịp sứ mệnh lịch sử nói trên. Đó chính là mục tiêu tối thượng của con bao nhiêu năm nay.

Con mong ba, cả gia đình và mọi người hiểu và ủng hộ quyết định này của con. Đừng lo con khổ sở. Con chẳng khổ gì cả, điều kiện ở đây ổn. Đúng là con có chút vất vả, nhưng mà vui.
Viết xong thư này con sẽ viết thư cho mấy người lãnh đạo đất nước. Con nghĩ là họ đã biết, nhưng họ cần hiểu rõ hơn về sứ mệnh lịch sử, mệnh lệnh của dân tộc vào thời khắc lịch sử này. Họ thường hay nói “Tiến nhanh cùng thời đại”.

Trước khi cuộc chiến thương mại Mĩ – TQ được định đoạt, VN là một trong những nước bị tác động mạnh bởi nó. Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do VN – EU là rất quan trọng để giúp VN giảm thiểu ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, quan hệ song phương Việt – Mĩ cũng quan trọng không kém để giúp VN tránh được những đòn trừng phạt của Mĩ lên TQ. Vì vậy cán cân ngoại giao của VN cũng sẽ thay đổi mạnh. Một Phó Thủ tướng của VN đang ở thăm Mĩ. Tối qua con xem tin này trên VTV và cảm thấy những chuyển biến nhanh trong thời gian tới. Con cảm nhận rất rõ điều này.

Diễn biến ở Đông Nam Á sẽ còn nhanh và bất ngờ hơn Đông Bắc Á với sự kiện chuyển hướng của Triều Tiên vừa rồi. Một đất nước dựa gần như tất cả vào TQ 70 năm qua giờ lại muốn Mĩ đảm bảo an ninh và thể chế chính trị cho mình. Niềm tin vào TQ sẽ còn nhiều suy giảm hơn nữa trên toàn thế giới.

Con nhìn thấy được sự dịch chuyển và tích tụ năng lượng không thể hiện trên bề mặt, dựa vào dòng chảy theo quy luật, nên con có thể biết được sự chuyển biến như thế nào. Vì vậy ba và mọi người đừng lo cho con về thời gian. Tới lúc thì chẳng ai giữ con được trong tù cả.

Mọi người hãy cứ vui vẻ, giữ sức khỏe.

Thương ba và mọi người nhiều nhiều.

Nguồn: Trần Family







KẾ HOẠCH LỚN CỦA TRUMP ĐỐI VỚI NGA (Brandon J. Weichert - Americanthinker)




Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)

Tổng thống Donald Trump có lý: Quan hệ Nga-Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong mấy chục năm qua, và sự kiện này chủ yếu là lỗi của những người tiền nhiệm thời hậu-Chiến tranh lạnh của ông. Trump coi việc phục hồi quan hệ thiếu lành mạnh này là sứ mệnh của mình. Tôi cho rằng chính quyền Trump đang tìm cách đẩy Moskva ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc (hình thành sau khi Nga chiếm Crimea vào năm 2014) và trở lại với phương Tây.

Tổng thống Nga V.Putin và người đồng nhiệm Mỹ - Donald Trump tại Hội nghị Apec, 2017, Hà Nội (Việt Nam). Ảnh: Jorge Silva/AFP via Getty Images

Không, Vladimir Putin không phải là người dễ thương, tay ông ta chắc chắn là đã nhuốm máu (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen). Nhưng, như cựu tổng thống Lyndon Johnson đã từng châm biếm J. Edgar Hoover, “để anh ta ở trong lều và đái ra ngoài thì tốt hơn là cho anh ta ra ngoài rồi đái vào lều”.

Hơn nữa, quân đội Nga có thể làm cho nước này trở thành lực lượng đối trọng tự nhiên của nước Trung Quốc đang vươn lên một cách nhanh chóng. Vụ tranh cãi diễn ra trong thời gian gần đây giữa phương Tây và Nga đã đẩy Nga sang phe Trung Quốc – Nga không còn là mối đe dọa đối với Trung Quốc, giúp Trung Quốc vươn lên nhanh chóng trong khu vực châu Á. Trump phải ve vãn Nga để đưa Nga trở về và kiềm chế quá trình vươn lên tưởng như không thể nào ngăn chặn được của Trung Quốc.

Lịch sử của vụ gây hấn

Giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đã có quan hệ tương đối thân thiện. Nhưng, năm 2004, khi Mỹ bắt đầu can thiệp bí mật vào Ukraine (gọi là "Cách mạng Cam"), thì Vladimir Putin tin rằng phương Tây tìm cách phá hoại chế độ của ông ta và giảm tối đa quyền lực của Nga. Năm 2007, Putin tham dự hội nghị an ninh Munich và tung ra bài diễn văn chỉ trích một cách gay gắt chủ nghĩa quân phiệt Mỹ ở Trung Đông và “mở rộng gấp đôi” NATO và E.U., lấn vào vùng ngoại vi của Nga.

Chưa tới một năm sau, quân Nga tràn vào Gruzia, và quan hệ Nga-Mỹ trở thành những lời lên án và khinh thường lẫn nhau.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Barack Obama, năm 2008, quan hệ giữa chính phủ mới ở Washington và Moskva đã ấm lên. Tổng thống Obama không lặp lại cái mà ông tin là thái quá về quân sự của chính quyền George W. Bush. Vì vậy, Obama quay sang với Nga. Nga chấp nhận đề nghị của ông này.

Đáng tiếc là, giai đoạn “thiết lập lại” quan hệ với Nga thiết lập lại thực sự thì ít mà đơn phương đầu hàng Moskva thì nhiều. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới của Obama (thường được gọi là “BẮT ĐẦU MỚI”) đã hạn chế việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ (và số lượng tên lửa) nhưng cho phép Nga hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo Larry Bell, Hiệp ước cũng “xóa bỏ các chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ”. Tuy nhiên, Hiệp ước này đã làm giảm được căng thẳng.

Như Thomas Grove viết cho Teaauter, tháng 3 năm 2011, cho Reuters, “Hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ củng cố lời tuyên bố của cả hai phía rằng chiến tranh giữa Moskva và phương Tây là chuyện không thể nào tưởng tượng nổi và tạo điều kiện cho Điện Kremlin đưa thêm nguồn lực về phía đông”.

Vấn đề phía Đông của Nga

Vùng Viễn Đông của Nga là khu vực rộng lớn, có nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng sống còn, nhưng dân cư thưa thớt. Vùng này lại có chung biên giới với đất nước đông dân nhất, phát triển nhanh nhất và tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhất nhất thế giới: đấy là Trung Quốc. David Goldman từng nói, Trung Quốc coi các nước khác là chất đạm có giá trị để cho mình ăn. Vùng Viễn Đông của Nga đúng là như thế.

Trong 30 năm qua, người gốc Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng Viễn Đông dân cư thưa thớt và bắt đầu chèn ép người Nga bản địa. Chắc chắn là, vùng Viễn Đông của Nga sẽ trở thành lãnh thổ, trên thực tế, của Trung Quốc. Putin biết rằng chuyện đó đang diễn ra. Ông ta đang dùng hết sức bình sinh để giữ lại lãnh thổ châu Á của mình. Nhưng, do lực lượng quân sự tương đối mỏng, khả năng bảo vùng biên giới rộng lớn của ông ta là khá hạn chế.

Chúng ta biết rằng Putin muốn củng cố vùng Viễn Đông của Nga. Hiện nay, Moskva đang đưa các hệ thống phòng thủ ven biển di động K-300P Bastion-P và BAL đến quần đảo Kurile (nước này chiếm được vào năm 1945, bất chấp những lời tuyên bố về chủ quyền của Nhật Bản).

Tổng thống Nga V.Putin luôn muốn phát triển mạnh vùng Viễn Đông Nga.

Đáng tiếc là, Moskva không thể đưa lực lượng ra khỏi nơi mà người Nga coi là những điểm nóng hơn ở châu Âu và Trung Đông. Với ngân sách quốc phòng năm 2018 là 51 tỷ USD, Moskva đơn giản là phải lựa chọn: Bảo vệ vùng Viễn Đông rộng lớn, giàu tài nguyên của mình, không để Trung Quốc chiếm đoạt hay chống lại điều mà họ coi là phương Tây thù địch với lực lượng quân sự tiến tiến (xin nhớ: hai cuộc xâm lược lớn trong lịch sử Nga - Napoleon và Hitler – đều đến từ phương Tây).

Thái Bình Dương hấp dẫn hơn (hoặc phải hấp dẫn hơn) đối với một người Nga có tư tưởng đế quốc-dân tộc chủ nghĩa như Putin. Ở đây có những nền kinh tế năng động nhất thế giới; Thái Bình Dương tạo điều kiện để nước Nga gia tăng sự hiện diện về quân sự trong những khu vực giàu tài nguyên (đồng thời lập hàng rào phòng thủ nhằm bảo vệ các tuyến đường đi vào vùng Bắc cực của Nga - một nguồn tài sản quan trọng của nước Nga). Tiếp tục bị ám ảnh về châu Âu, hoặc tiếp tục để Liên bang Nga ốm yếu dính líu vào nền chính trị bộ lạc của Trung Đông không phải là lợi ích chiến lược lâu dài của Moskva.

Washington phải nhận thức được thực tế này và thiết lập quan hệ thân thiện hơn với Moskva. Nếu chuyện đó có thể xảy ra, Putin sẽ thực hiện được công việc bảo vệ an toàn vùng biên giới đang gặp nhiều rắc rối của mình. Sự thân thiện lâu dài giữa Mỹ, Châu Âu và Nga sẽ giúp ổn định vùng biên giới phía tây của nước Nga. Cùng với Mỹ (và Israel), Nga có thể nghiền nát những đồn lũy khủng bố còn sót lại trong thế giới Hồi giáo, góp phần củng cố khu vực phía nam của nước Nga. Lúc đó, bằng cách củng cố vị trí của mình ở Viễn Đông, Nga hoàn toàn có thể tập trung vào việc gây khó khăn cho chiến lược lớn của Trung Quốc.

Bước đi đó của Mỹ sẽ làm thay đổi một cách căn bản điều mà Zbigniew Brzezinski, nhà địa chiến lược Mỹ, từng gọi là “bàn cờ lớn”. Nó cũng sẽ làm suy yếu và làm mất giá vĩnh viện mối đe dọa mà nước Trung Quốc đang ngóc đầu dậy gây ra - không chỉ đối với Mỹ và châu Á, mà còn đối với toàn thế giới.

Brandon J. Weichert là nhà phân tích địa chính trị, quản lý The Weichert Report: World News Done Right and is a contributor at The American Spectator, đồng thời là biên tập viên của American Greatness. Ông viết cho nhiều báo lớn và đang làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ về quan hệ quốc tế.

*
Nguồn :









BẬT MÍ (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Monday, 23/07/2018 - 10:15:48

Trong số báo phát hành ngày thứ Bảy 21 tháng Bảy 2018, tờ The New York Times công bố nguyên văn phần đầu cuộc thảo luận tại Helsinki hôm thứ Hai 7/16/18 giữa Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Dĩ nhiên nội dung thảo luận giữa hai vị nguyên thủ của hai siêu cường nguyên tử là những chuyện bí mật mang tầm quan trọng cần được bảo vệ hơn cả bí mật quốc phòng hay bí mật quốc gia.

Kẽ hở duy nhất về phía ông Trump là người thông dịch -cô Marina Gross; cô sống trong một căn apartment tại Arlington, Virginia.
 
Cô Marina Gross ngồi cạnh tổng thống trong phòng họp.

Là một nhân viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cô chuyên thông dịch từ tiếng Anh qua tiếng Nga, và ngược lại, năm 2008, cô Gross đã từng thông dịch cho Đệ Nhất Phu Nhân Laura Bush tại khu nghỉ mát Sochi của Nga, và năm 2017, cô thông dịch cho Ngoại Trưởng Rex W. Tillerson tại Moscow.

Như thông lệ, tờ The New York Times không tiết lộ nguồn tin giúp họ biết nguyên văn cuộc thảo luận; họ cũng chỉ công bố phần đầu tài liệu, như dưới đây:

President Trump: Thưa Ngài

President Putin: Donald, chào anh.

President Trump: Tôi phải nói thật với ông, ông Vladimie ạ, tôi sẽ sử dụng một vài tin vui về cuộc gặp gỡ ông hôm nay. Tôi gần bị giết vì đưa chuyện đó vào với chuyện Theresa May trong lúc tôi viếng thăm Anh quốc.

President Putin: Donald, chuyện anh bị giết chắc không giống chuyện Alexander Litvinenko và Dawn Sturgess; tuy nhiên, anh đừng lo, người Nga coi chuyến công du của anh tại Âu Châu vừa rồi là một thành công vĩ đại.

(Chú thích 1: Putin có ý nhắc lại chuyện cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko, tị nạn tại Anh, bị mưu sát bằng độc dược polonium-210, ngày 11/1/2006, vụ mưu sát mà cảnh sát Anh đề quyết Nga là thủ phạm. Chú thích 2: Putin bảo Trump đừng lo bị Nga giết, vì người Nga coi chuyện ông đánh phá NATO như một kỳ công.).

President Trump: Nghe ông nói vậy, quả là mừng. Tuy nhiên, tôi vẫn xin lỗi ông vì đã nặng lời với bà Angela Merkel về việc bà ta đem tiền Đức đi cho Nga qua vụ ống dẫn dầu Nord Stream của ông.

President Putin: Sao lại phải xin lỗi, trò ảo thuật anh biểu diễn bữa đó quả là tuyệt hảo; tôi thích lắm; tôi đang quan tâm đến phong trào anti-Gazprom — xin lỗi, tôi muốn nói phong trào anti-Russia, chống Nga đang phát động tại Đức. (Gasprom là công ty nhiên liệu của Nga )
Việc anh chống đường ống dẫn dầu để Nga bán dầu cho Âu Châu quả là kỳ công anh giúp Nga, vì người Đức -do chống anh- phải ủng hộ điều anh chống: ủng hộ đường ống dẫn dầu. Anh thực hiện đến mức cao độ xảo thuật biến hóa -anh làm cho người Đức tưởng là tự ý họ thích dầu Nga, chứ không ý thức được là vì ghét anh mà họ thích mua dầu Nga.

President Trump: Ông muốn nói thuật tráo đổi, giống như việc tôi đã làm trong vụ 'Trump University' khiến bọn cù lần tưởng là cứ bỏ tiền ra đóng học phí là tôi dạy chúng nó cái bí quyết thành công trong nghề địa ốc.

President Putin: Tôi không nói vậy đâu, Donald. Vụ Trump University là một gian lận trắng trợn.

President Trump: Hey, nhân dịp nói về gian lận, chắc ông biết việc bọn fake news vẫn nằng nặc đề quyết là ông giúp tôi thắng cử. Đám quần thần của tôi cũng cho là ông có nhúng tay vào. Tôi xin lỗi phải làm phiền ông lần nữa, vì tôi nhắc lại vấn đề, nhưng bọn chúng nó đòi tôi phải đặt vấn đề đó ra với ông. Ông muốn trả lời như thế nào?

President Putin: Donald, việc đó giống như câu ông Tổng Thống Lincoln của anh nói: anh có khả năng thường xuyên lừa một số nhỏ, cũng như thỉnh thoảng anh mới có thể lừa toàn dân (You can fool some of the people all the time and all of the people some of the time); tuy nhiên nếu anh thành công trong việc hạ uy tín những cơ quan truyền thông độc lập, kiểm soát mọi phương tiện truyền thông, và tạo ra tình trạng dezinformatsiya trên hệ thống truyền thông xã hội, anh có thể kiểm soát tuyệt đại đa số quần chúng. Số còn lại, không kiểm soát được- giết bỏ.
Trở lại với câu anh hỏi, tôi trả lời là: NÔ.

(Chú thích: chữ dezinformatsiya dịch qua Anh ngữ là Disinformation, một nhánh trong hoạt động tuyên truyền xám -chủ trương tung ra tin không đúng, với mục đích hướng dẫn quần chúng lầm lạc đi theo hướng khác. Người Nga áp dụng thuật dezinformatsiya trong cuộc bầu cử Mỹ 2016 hướng dẫn cử tri Mỹ đi theo hướng Nga chọn )

President Trump: Tôi tin ông, ông Vladimir; tôi thật lòng tin ông (I really do). Tuy nhiên, tôi vẫn nói câu này, xin ông đừng giận - thật ra tôi không cần ông giúp mà vẫn thắng mụ Hillary quanh co.

President Putin: Đúng như vậy, Donald, chỉ cần một mình ông Comey với cách can thiệp đúng lúc, đúng chỗ của ông ta cũng quá đủ. Tôi còn ngưỡng mộ cách anh hạ uy tín của FBI, và bọn thực quyền quanh anh.

(Chú thích: Ba chữ 'bọn thực quyền' dịch từ chữ Deep State -gồm bọn thư lại, nhóm những cơ quan tình báo, cảnh sát, v.v. - những nhóm 'thừa hành' đó kín đáo kiểm soát guồng máy chính phủ và những nhân vật dân cử.)

President Trump: Đúng, bọn thực quyền đó là bọn khó chịu nhất, bọn vênh váo, tự mãn; gánh cái của nợ đó chán như cõng mụ Zsa Zsa Gabor về làm vợ. Còng lưng ký check trả đủ mọi thứ tiền, để rồi cuối cùng nàng vẫn mời chàng ra khỏi cửa. Cái trò đó không có tôi.

President Putin: So sánh đó quả là đúng -đúng là anh và người dân Mỹ nuôi lắm tổ tò vò mà không được hưởng gì cả. Tại sao Mỹ lại phải gánh cái gánh di dân quá nặng đó? Để làm gì? Cũng vì gánh vác nạn di dân mà Âu Châu không còn là Âu Châu nữa. Anh có biết Montenegro, thành viên mới của NATO là quốc gia có nhiều người Hồi Giáo nhất không? Có thể họ không chiếm một tỉ lệ lớn như tại Turkey, nhưng thành phần Hồi Giáo tại Montenegro cũng đông lắm.

President Trump: Tôi không biết điều đó.

President Putin: Chính Obama mời Montenegro gia nhập NATO, và Montenegro đã trở thành hội viên được NATO bảo vệ ngay trong những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của anh. Thử hình dung cái ngày buồn thảm nào đó mà những người lính Mỹ trẻ trung phải chấp nhận mọi nguy hiểm chiến tranh để bảo vệ cái lãnh thổ tí hon đó, và bảo vệ những tín đồ Hồi Giáo sống trên lãnh thổ đó.

Tôi chỉ dịch một phần bản tin do tờ The New York Times tiết lộ, và tờ báo Mỹ cũng không tiết lộ trọn vẹn nội dung tài liệu vô cùng quan trọng đó mà tôi nghĩ họ có thể có, vì bản tin quá dài, mà mới chỉ 800 chữ trong đoạn đầu -đoạn hai vị tổng thống chào hỏi, nói chuyện phiếm với nhau- cũng đã đủ cho người đọc nhìn rõ vài đặc điểm đáng kể.

ĐẶC ĐIỂM 1. So với Trump thì Putin quá bản lãnh; ông ta nói chuyện với Trump với phong cách thầy giáo giảng dạy.

ĐẶC ĐIỂM 2. Trump xác nhận ác ý của mình đối với Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương, nhất là đối với Đức. Đặt nghi vấn Trump đánh phá NATO vì bản chất của liên minh đó là chống mọi cuộc xâm lấn của Nga bằng sức mạnh quân sự, có thể bị chê là quan điểm bài bác Trump; nhưng đó đúng là Trump chủ tâm đánh phá NATO để làm vừa ý Putin.

ĐẶC ĐIỂM 3: Putin xác nhận Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử qua thuật dezinformatsiya, trong lúc chê Trump qua vụ Trump University là gian lận trắng trợn...

... Và còn rất nhiều chỉ dấu đáng lo nữa, chỉ qua 20 phút - phần đầu của cuộc đối thoại dài trên hai tiếng đồng hồ.

Điều đáng lo trong thời gian sắp tới, là câu hỏi, "dzậy đó, rồi sao?" Đáng lo vì tổng thống có thành tích oanh liệt, từng đánh tan mọi trở ngại, vượt thoát mọi khó khăn, bất chấp mọi chống đối, thì cái tội cúi đầu trước Putin, phục vụ quyền lợi Nga cũng không khó lấp liếm, không khó cãi chầy, cãi cối cho qua.

Sau 18 tháng tả xung, hữu đột, ông vẫn toàn thắng, và, giờ này ông đang mời thầy Putin sang Hoa Thịnh Đốn thị sát chiến thắng của ông, bất chấp sự phản đối của mọi công dân.
Ai ngăn cản Trump? Mọi người thờ ơ, coi thường mọi bí mật bị bật mí.

---------------------------------------

Jul 19, 2018 

https://www.voatiengviet.com/a/trump...putin-tham.../4329254.htm...
Apr 3, 2018