Sunday, September 15, 2019

NỢ NHÀ KHÁC NỢ NƯỚC (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
September 13, 2019
Tổng Thống Donald Trump đã nhiều lần gọi đích danh Chủ Tịch Jerome Powell để chỉ trích Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, tên tắt là Fed (Federal Reserve Bank). Nhưng chưa bao giờ ông Trump nặng lời như trong tuần này. Ông gọi những người làm việc cho Fed là bọn “boneheads,” tạm dịch là  “đầu rỗng,” những cái đầu không có bộ não bên trong!

Tổng Thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông Trump nói nếu kinh tế nước Mỹ đi xuống thì đó là do ông Jerome Powell gây ra. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

Tại sao Ngân Hàng Trung Ương Mỹ “ngu” đến vậy?

Vì họ không làm theo lời khuyên của ông tổng thống. Ông Trump đã thúc giục ông Powell cắt lãi suất hoài mà ông Powell không làm. Vì giảm lãi suất là một cách kích thích kinh tế gia tăng hoạt động.

Ông Trump nói nếu kinh tế nước Mỹ đi xuống thì đó là do ông Jerome Powell gây ra. Ông còn so sánh, giữa Tập Cận Bình và Jerome Powell không biết ai là “kẻ thù” nguy hiểm hơn.

Jerome Powell gánh tội chỉ vì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ là cơ quan nắm quyền quyết định số lượng đồng đô la lưu hành, qua việc tăng hay giảm lãi suất, hoặc mua hay bán công trái, tức giấy nợ của chính phủ.

Khi Fed hạ lãi suất, nhiều người đầu tư hoặc tiêu thụ hơn, số mỹ kim lưu hành sẽ tăng lên. Hồi Tháng Bảy, Fed chỉ cắt lãi suất bớt 0.25%, xuống mức 2% đến 2.25%. Tổng Thống Trump chê là cắt ít quá. Tuần này, ông Trump lại khuyên Fed phải hạ lãi suất xuống số không! Xuống dưới số không càng tốt. Chính phủ nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, đang đi vay nợ với lãi suất là số âm, dưới số không! Tức là người ta đưa tiền cho nhà nước vay để chi tiêu mà không đòi đồng tiền lãi nào cả; trái lại còn trả tiền công nhà nước giữ tiền giúp mình! Nước Mỹ chưa bao giờ thí nghiệm “trò” này!

Một nỗi khó khăn của ông Jerome Powell và quý vị trong Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ của Fed (gọi tên là Open Market Committee), là Ngân Hàng Trung Ương chỉ cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế đang đi xuống, hoặc bị đe dọa sắp đi xuống. Nhưng trong những tháng gần đây, các số thống kê kinh tế ở Mỹ đều tốt: Người tiêu thụ hăng hái chi tiêu; tỷ số thất nghiệp thấp kỷ lục; số người dân tham dự thị trường nhân dụng lên cao nhất. Kinh tế tự nó đứng vững, không cần kích thích.

Chỉ có một đám mây u ám ở chân trời, là các xí nghiệp giảm bớt đầu tư. Nhưng các xí nghiệp đều có dư tiền, không thiếu. Khi Quốc Hội cắt thuế cho các công ty và chủ công ty, người ta được hưởng bao nhiêu tiền mà không cần đem đầu tư hoặc mướn thêm công nhân. Họ đem tiền dư trả tiền lời cho chủ nhân các cổ phần.

Sở dĩ các công ty ngưng đầu tư vì họ lo kinh tế thế giới sắp đi xuống. Một nguyên nhân khiến người ta lo là cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ – Trung Quốc không biết sẽ giải quyết ra sao. Mà đối với mối lo về chiến tranh mậu dịch này, ông Jerome Powell nói, Ngân Hàng Trung Ương không thể làm gì cho người ta bớt lo được.

Nhưng Tổng Thống Trump cũng nói, khi Fed hạ lãi suất xuống, nước Mỹ sẽ được lợi ngay tức khắc. Bởi vì số tiền lãi phải trả các món nợ chính phủ đang vay sẽ nhẹ bớt đi nhiều.

Chúng ta biết chính phủ Mỹ thường vẫn đi vay để bù cho ngân sách thiếu hụt khi thu ít, chi nhiều liên miên. Trong 11 tháng qua ngân sách quốc gia thâm thủng đến một ngàn tỷ đô la, một con số cao kỷ lục.

Hiện nay tổng số nợ chính phủ Mỹ đang gánh là hơn $22,000 tỷ, đã vay trước đây, khi lãi suất còn cao. Nếu Fed hạ lãi suất xuống thấp hơn, chính phủ liên bang có thể đi vay thêm, được trả lãi suất thấp, rồi sẽ dùng tiền mới vay đem trả các món nợ cũ. Những người vay tiền mua nhà vẫn dùng trò “vay nợ mới trả nợ cũ” như vậy, tiết kiệm được khối tiền.

Riêng chuyện vay nợ mới trả nợ cũ cũng cho thấy giảm lãi suất là có lý. Với gánh nợ $22,000 tỷ, lãi suất trung bình hơn 2% một năm, một năm chính phủ Mỹ phải trả khoảng $479 tỷ tiền lãi. Nếu lãi suất giảm đi một nửa chỉ còn 1% thôi, nhà nước cũng tiết kiệm được vài trăm tỷ đô la mỗi năm! Nên nhớ, ngân sách Bộ Giáo Dục Mỹ trong năm 2019 chỉ có $60 tỷ.

Điều ông tổng thống nói rất dễ hiểu, và có vẻ hữu lý. Vì ông dùng kinh nghiệm một nhà đầu tư địa ốc, đã từng đi vay để xây cất nhà, mở sòng bài, khai thác các sân cù, khu du lịch, vân vân. Nhưng một chính phủ vay nợ và trả nợ khác lối các vị chủ khách sạn hoặc sòng bài đi vay.

Tất cả các các nhà đầu tư địa ốc đều muốn lãi suất xuống thấp, vì họ được lợi nhất. Họ có thể đi vay nợ mới để trả món nợ cũ, tương đối dễ dàng. Ông Donald Trump đã vay nợ để đầu tư mấy sòng bài lớn nhất ở Atlantic City trong mấy chục năm trước đây. Ông từng khoe, “Atlantic City giúp doanh nghiệp tôi phát đạt. Tôi kiếm ra biết bao nhiêu là tiền.”

Chúng ta cũng biết rằng các công ty mở sòng bài của ông Trump đã khai phá sản ít nhất năm lần, lần chót năm 2014. Ông tới Atlantic City lập công ty, vay các ngân hàng, có khi trả lãi suất 14%, và bỏ rất ít tiền vốn của chính mình. Các sòng bài trả tiền công ông quản lý, tiền cho thuê dùng tên của ông, tiền thưởng, vân vân, có khi còn trả các món nợ khác của ông ở New York. Đến khi sòng bài không phát đạt, không trả được nợ, công ty khai phá sản. Trong lúc đó, ông Trump đang bắt đầu một công ty khác, với những sòng bài huy hoàng tráng lệ hơn. Cuối cùng, ông không làm chủ sòng bài nào nữa, nhưng các sòng bài nào còn mang tên ông vẫn phải trả tiền thuê nhãn hiệu.

Một chính phủ đi vay nợ thì không thể làm như một vị chủ khách sạn hay sòng bài. Ông chủ khách sạn có thể điều đình trả hết các món nợ cũ, khi có thể vay nợ mới với lãi suất thấp hơn. Các giấy nợ mới thay thế cho các giấy nợ cũ đã được hủy bỏ.

Chính phủ Mỹ không đi vay trực tiếp từ các ngân hàng mà đi vay bằng cách “phát hành” trái phiếu (tức là bán các tờ giấy nợ), thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Công Khố Phiếu. Mỗi công khố phiếu có người mua rồi, thì nó còn đó mãi cho tới khi “đáo hạn.” Một tờ công trái có thể ấn định thời hạn 2 năm, 10 năm, 30 năm, hay sáu tháng, ba tháng, tùy nhu cầu của nhà nước. Nhưng chính phủ Mỹ không thể hủy bỏ các công trái trước khi đáo hạn!

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ chỉ có thể đứng ra mua các công trái đó, đem về cất trong kho. Họ vẫn thường làm như vậy để điều chỉnh khối đồng đô la lưu hành. Vì khi Fed mua các trái phiếu công của Bộ Tài Chính, họ trả tiền mặt cho “người bán,” số tiền đó sẽ được gửi trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng có thêm tiền để cho vay. Hậu quả cũng không khác gì khi Fed cắt giảm lãi suất: Dân vay tiền dễ dàng hơn.

Nhưng khi Ngân Hàng Trung Ương đứng ra mua công trái để cất vào kho, Bộ Tài Chính Mỹ, tức là con nợ, vẫn phải trả tiền lãi cho Ngân Hàng Trung Ương! Không có cách nào trốn được! Chắc chắn chính phủ Mỹ cũng không thể khai phá sản để khỏi phải trả tiền lãi hoặc cả tiền vốn, như các con nợ là chủ nhà, chủ khách sạn, chủ sòng bài!

Tất nhiên, Tổng Thống Donald Trump cũng biết không thể ép buộc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cắt lãi suất theo ý ông muốn. Họ sẽ cắt khi thấy cần. Trong tháng này, ai cũng đoán thế nào Fed cũng cắt lãi suất, vì kinh tế thế giới đang đi xuống. Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu mới cắt lãi suất bên đó rồi.

Nhưng Ngân Hàng Trung Ương cắt lãi suất cũng phải chờ một thời gian mới gây tác dụng trong các hoạt động kinh tế. Phải chờ nửa năm, một năm.

Nhưng Tổng Thống Trump có thể chính ông “kích thích” kinh tế bằng cách giảm bớt độ nóng của cuộc chiến tranh mậu dịch. Trong tháng tới hai phái đoàn Mỹ và Trung Cộng sắp gặp nhau. Nếu họ thỏa hiệp để giảm bớt số hàng hóa bị đánh thuế quan, với viễn tượng lâu dài, thì giới kinh doanh khắp thế giới sẽ yên tâm đầu tư, mở mang công việc và tuyển một công nhân!

Chỉ cần trở lại như tình trạng trước khi có chiến tranh mậu dịch, và ký kết bảo đảm trong nhiều năm không thay đổi bất thường, thì kinh tế nước Tàu và nước Mỹ sẽ vững chân hơn. Lúc đó không cần Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cắt lãi suất nữa. (Ngô Nhân Dụng)






No comments: