Sunday, September 15, 2019

NHỮNG THỬ THÁCH TRƯỚC MẶT (Cổ-Lũy)




Cổ-Lũy
September 11, 2019
Tuần này mang nhiều tin bất lợi cho Tòa Bạch Ốc với những xáo trộn trong và ngoài nước khiến ông Donald Trump bị cuốn vào những giông bão “tuýt” và hỗn loạn.

Đầu tuần tổng thống phải bỏ hội họp ở Camp David (dành riêng cho thượng khách của chính quyền) với khủng bố Taliban (từ Afghanistan và liên hệ tới khủng bố “September 11”). Cùng ngày lại tin nổ bùng: Môt gián điệp cao cấp Nga làm việc cho CIA lâu năm được “bốc” khỏi Nga qua Washington Hè  2017 vì giới tình báo đã sợ tổng thống thể nào cũng “mách” Nga về ông này, người biết nhiều về những đi lại giữa Moscow và ứng viên Trump trong tranh cử 2016. Sáng Thứ Ba, tổng thống cách chức cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của mình.

Ngoại giao bế tắc 

Là tổng thống tại chức sửa soạn tái cử, ông Trump, như những người đi trước, sẽ phải qua tiến trình “trưng cầu dân ý/referendum” trong kỳ bầu cử tới. Người đi bầu sẽ chăm chú nhìn vào những thành quả nhiệm kỳ đầu để quyết định chọn ông hay người đối lập khác (38% người chọn và 60% bỏ ông, theo CNN).

Cột báo này kỳ trước trình bày những khó khăn trong nước; ngoài nước, những chính sách và hành động ngoại giao của tổng thống tại chức được ngó tới nhiều nhất. Các tổng thống thường làm những hoạt động hay quyết định  ngoại giao “ngoạn mục” nhằm quân bằng thất bại hay đánh lạc hướng những tin không tốt trong nước. Dựa trên những khó khăn trong nước đã trình bày, ông Trump cần thành tích ngoại giao ngoạn mục để dân chúng lạc quan hơn, nhưng đây không phải là chuyện dễ.

Liên hệ giữa Washington với Iran bị ảnh hưởng tiêu cực từ 1953, khi Hoa Kỳ dùng CIA lật đổ chính quyền Mossadegh được bầu ra đúng cung cách dân chủ và được lòng dân vì muốn giữ quyền lợi dầu hỏa cho Iran. Thay vào đây Washington lập chính quyền quân chủ Shah Hoàng Pahlavi độc tài tàn bạo, sau bị cách mạng Hồi Giáo lật đổ cuối thời 1970. Dưới lãnh đạo tối cao của giới giáo chủ phái Shiite, Iran bắt giữ nhân viên đại sứ Mỹ hơn một năm, ảnh hưởng vào tranh cử tổng thống 1980. Giới lãnh đạo hai nước thường không thân thiện với nhau, nhất là từ đầu thế kỷ Iran phát triển nguyên tử năng và bành trướng thế lực Hồi Giáo Shiite trên vùng bán nguyệt từ thủ đô Tehran qua Iraq tới Lebanon và Syria sát nách Israel, đồng minh “lớn” của Washington.

Sau khi nhậm chức, ông Trump ủng hộ Israel chiếm thêm đất của người Palestine và chống đối Hồi Giáo rõ rệt; năm ngoái ông đã rút ra khỏi hiệp định nguyên tử năng giữa Tây phương và Tehran. Tại hội nghị G7 tháng qua, ông ve vãn Tehran, “không muốn lật đổ chính quyền” và sẵn sàng bỏ cấm vận giúp Iran “làm giàu,” và muốn gặp gỡ Tổng Thống Hassan Rouhani. Ông Rouhani rất cứng rắn, “Trước hết Washington phải bỏ tất cả những cấm vận không công bằng trên Tehran. Nếu không, đây chỉ là dịp chụp hình trình diễn.”

Từ đầu nhiệm kỳ ông Trump có nhiều dịp “chụp hình trình diễn/photo opportunity” mà không đi đến đâu. Báo chí nhận xét ông Trump có “photo opportunity” nổi nhất với lãnh tụ độc tài Bắc Hàn Kim Jong Un ở ba “thượng đỉnh” tại Singapore, Hà Nội và ranh giới Nam-Bắc Hàn. Ông cũng hứa hẹn bỏ cấm vận giúp Bắc Hàn “giàu có” – Phu Nhân Melania cũng được ông lôi kéo vào như người “ăn ý” với Kim dù chưa bao giờ gặp hay nói chuyện với nhau. Họ Kim bỗng thành nhà chính trị quốc tế với quyền đòi hỏi nhiều thứ từ Washington, đồng thời không nhúc nhích về giải giới vũ khí, từ nguyên tử liên lục địa tới hỏa tiễn tầm ngắn, đe dọa đồng minh Nhật và Nam Hàn.

Khi ở hội nghị G7, ông Trump cố làm áp lực sáu đồng minh cho Nga gia nhập lại nhóm G8 cũ, sau khi Moscow bị Tổng Thống Barack Obama loại khỏi G8 và đặt thêm những cấm vận kinh tế vì Nga xâm lăng và chiếm Crimea của Ukraine. Dù chẳng ai đáp ứng, ông nói “một số nước ủng hộ ý kiến này.” Thế giới xem tấn công từ Moscow rất nghiêm trọng vì đây là trường hợp gây hấn trắng trợn và nguy hiểm chưa từng thấy sau Thế Chiến 2. Ông Trump không cần biết ý kiến đồng minh, và nhiều khi đi ngược hẳn ngoại trưởng và cố vấn an ninh của mình – và luôn luôn theo ý Moscow. Ông lại gia tăng nỗ lực bỏ cấm vận cho Nga, ra lệnh xét lại viện trợ quốc phòng cho Ukraine, và bỏ tiền tỷ ông Obama giúp đồng minh Liên Âu bị Moscow đe dọa.

Ông không nhắc nhở gì tới lý tưởng tự do dân chủ và nhân quyền khi Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông. Ông Trump cũng cho biết một viên chức cao cấp Trung Quốc gọi điện thoại về giải quyết trận chiến ngoại thương. Bắc Kinh phủ nhận chuyện này và không một ai trong chính quyền Trump xác nhận chuyện có thật; báo chí xem đây là tin láo nhằm cứu vãn thị trường chứng khoán bấp bênh. Ông Trump mở đầu trận chiến mậu dịch từ mùa  Xuân 2018 với mục tiêu quân bằng cán cân mậu dịch giữa hai nước, mở rộng thị trường Hoa cho hàng hóa Mỹ và đòi hỏi Bắc Kinh cải tổ chính sách kỹ nghệ quốc doanh bằng “lối điều đình của riêng ông.”

Trên thị trường trực tiếp mua bán, người dân cảm nhận rõ rệt hơn. Tháng Chín, người Mỹ tiêu thụ hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu nếm mùi những hậu quả từ trận chiến thuế nhập cảng giữa hai nước. Theo tờ Los Angeles Times, ông Trump đợt trước đã đập 25% thuế trên hàng hóa Tàu trị giá $250 tỉ, phần lớn là máy móc, những vật liệu và bộ phận kỹ nghệ. Những hàng hóa dân chúng dùng hằng ngày bắt đầu tăng giá ít nhất 15% gồm mọi loại giày dép (70% “made in China”), quần áo, đồ giải trí điện tử, tổng cộng trị giá $110 tỉ “made in China.”

Hơn 200 hãng giày dép Mỹ báo với tổng thống, “Chúng tôi lo sợ hành động về thuế sẽ tạo ra nhiều bất trắc kinh tế hơn nữa. Kinh tế đi xuống sẽ triệt tiêu lợi tức người tiêu thụ Mỹ ngay khi họ phải trả thêm cho sản phẩm.” Giới xuất cảng nông phẩm, như đậu nành, thịt, rượu nho mất thị trường Hoa vì thuế, lo sợ mất thị trường luôn vì Bắc Kinh chọn nhập cảng từ nơi khác. Những công ty lớn có hàng “made in China” điên đầu vì đe dọa “dọn cơ sở khỏi nước này” là vấn đề tày trời.

Tổng thống bị áp lực của người bầu cho ông phải chấm dứt “viễn chinh dài nhất” lịch sử Mỹ ở Afghanistan; thay vào đây ông đã đôn thêm ba nghìn lính. Nay ông xuống nước điều đình với “khủng bố” Taliban và chính quyền Hoa Kỳ dựng lên. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta nói, “Nếu điều đình chỉ là một che mắt để rút khỏi Afghanistan hoàn toàn, đây có thể là một chọn lựa. Nhưng nếu đây là một nỗ lực làm vững tình hình để không có một căn cứ khủng bố nữa, nó tựa như ảo tưởng.” Nếu ông Trump muốn giữ lời hứa rút quân ra, năm 2020 ông sẽ có hai chọn lựa: Mang tiếng thua cuộc ở Afghanistan, hoặc làm cuộc Viễn Chinh Afghanistan 2.

Phía Dân Chủ vẫn tranh luận 

Chia rẽ trong hàng ngũ Dân Chủ về đường lối và chính sách “cấp tiến/progressive” hoặc “ôn hòa/moderate” không chỉ giới hạn giữa số đông đảo ứng viên tổng thống cạnh tranh trong kỳ sơ bộ/primary. Một số ứng viên “progressive” muốn vào Quốc Hội than phiền đảng không muốn ứng viên “progressive” tranh cử vì sợ rằng họ sẽ không thành công, và có thể làm đảng mất đa số ở Hạ Viện hiện nay hoặc không lấy lại được đa số ở Thượng Viện năm 2020.
Hai ứng viên nghị sĩ phàn nàn Ủy Ban Tranh Cử “thiên vị” ứng viên ôn hòa vì họ có triển vọng thắng cử hơn, và không giúp ứng viên cấp tiến vì họ có thể bị ông Trump vu là “xã hội chủ nghĩa.” Thật ra Ủy Ban Tranh Cử đảng nào cũng tuyển chọn và tài trợ ứng viên mà họ nghĩ có thể đắc cử; điểm chính là ở nhiều nơi ứng viên cấp tiến khó thuyết phục người đi bầu vì nói chung người Mỹ ngả về tư bản và bảo thủ.

Kỳ tranh luận thứ ba đúng tối hôm nay hạn chế giữa 10 ứng viên Dân Chủ, và đây là lần đầu tiên ứng viên cấp tiến đang lên Elizabeth Warren có mặt chung với ứng viên ôn hòa Joe Biden đứng đầu danh sách. Ông Biden được xem là ứng viên với đầu óc vững vàng, cái nhìn thực tế, thêm một mục đích và nhiều chắc chắn đánh bại ông Trump. Bà Warren được xem là người lôi cuốn với nhiệt huyết cùng nhiều kế hoạch lớn hơn chuyện đánh bại ông Trump thôi.

Ông Biden muốn khôi phục lại những lý tưởng đẹp của Hoa Kỳ về tự do dân chủ và nhân quyền cùng những giá trị trong hiến pháp được thế giới ngưỡng mộ, mà ông Trump không cần biết. Bà Warren nhắm ưu tiên thay đổi cơ cấu kinh tế, chính trị Mỹ cho công bằng hơn vì cấu trúc có sẵn chỉ giúp người như ông Trump thủ hết quyền lợi chính trị và kinh tế.

Thăm dò dư luận của Wall Street Journal/NBC cho thấy 54% người hăng hái đi bầu phía Dân Chủ muốn có thay đổi rộng lớn (kiểu Warren), 41% chuộng thay đổi tiệm tiến dễ thực hiện hơn (kiểu Biden).

Nói cách khác, ông Biden muốn trở lại những gì bình thường, ổn định và liên tục; bà Warren đưa ra viễn tượng một nước Mỹ tốt đẹp hơn với công bằng bác ái có thể đạt được với nhiệt tình và kế hoạch qui mô. Hai ứng viên chưa trực tiếp tấn công nhau, có lẽ hiểu rằng làm như vậy chỉ có lợi cho ông Trump. Phía ông Biden nói tranh luận về những khác biệt về chính sách và cung cách giữa hai ứng viên là một “xa xỉ” mà đảng không có trong khi cần chú tâm vào mục tiêu đánh bại ông Trump. (Cổ-Lũy)





No comments: