Tuesday, September 17, 2019

TRẦN PHƯƠNG - BÙI TÍN TỰ SỰ (Chu Sơn)




Chu Sơn
17/09/2019

          Ông Bùi Tín (thứ hai từ phải sang) trong một bức ảnh chụp năm 1973. Nguồn: Getty Images

Được tin ông Bùi Tín qua đời, Trần Phương viết bài tưởng nhớ. Có thể xem đây là một tự sự bàng bạc tính chất văn chương, triết lý và chính trị.

Tự sự mô tả mối quan hệ tâm hồn giữa hai người bạn vong niên: Một Trần Phương trẻ tuổi, khiêm tốn, và một Bùi tín “dày dạn, sâu sắc, nổi tiếng tầm cỡ quốc tế” (nguyên văn). Cả hai đã từ miền Bắc, đã vì chế độ Cộng sản toàn trị mà “tìm nơi lánh nạn”. Trước khi Bùi Tín qua đời một năm, họ “gặp nhau lần cuối vào mùa hè 2017 tại California”“Trong một không gian yên tĩnh, dưới những hàng cây phượng tím với nắng chiều Cali thật dịu dàng”, rất thích hợp cho những tình tự hoài hương, ôn lại quá khứ và ngậm ngùi thân phận tị nạn lưu vong.

Thật tình, tôi (Chu Sơn) đã xao xuyến khi lướt qua những dòng tự sự của Trần Phương. Mặc dù không phải lưu vong như bà con ở hải ngoại, tôi cũng đã “thương cho người và lạnh lùng riêng” (Trịnh Công Sơn). Tuy nhiên, khi đọc kỹ, tôi thấy cần đính chính cùng tác giả Trần Phương đôi điều, những mong trong muôn một giảm nhẹ nơi ông đôi phần muộn phiền, đắng cay và tuyệt vọng.

Ông Trần Phương viết: “Tôi hỏi ông (Bùi Tín – C. S.) về câu chuyện 30.4.1975, khi ông còn ở Việt Nam, sử sách viết rõ: Ông là sĩ quan cao cấp nhất có mặt vào thời điểm đó. Ông đại diện cho Quân đội Nhân dân bước vào dinh Độc Lập nhận bàn giao từ Tổng thống Dương Văn Minh. Từ khi ông bỏ Đảng, trở thành nhà bất đồng chính kiến, tên ông bị đục bỏ khỏi khoảnh khắc bi thương và oan nghiệt nhất của lịch sử Việt Nam”.

Trích đoạn này có mấy điểm cần đính chính:

1/ “Vào thời điểm đó” (trưa 30.4.1975) ông Bùi Tín chưa phải là đại tá, và ông không phải là sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại dinh Độc Lập.

2/ “Vào thời điểm đó” ông Bùi Tín không phải là người đại diện Quân đội Nhân dân bước vào dinh Độc Lập nhận bàn giao từ tổng thống Dương Văn Minh.

Sự thật là trưa 30.4.1975, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa bị các sĩ quan Quân đội Nhân dân bắt phải đầu hàng chứ không được “bàn giao” như Bùi Tín kể. Việc bắt tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng do Đại úy Phạm Xuân Thệ.

Cũng xin nói thêm: Ba sĩ quan có mặt sớm nhất tại dinh Độc Lập vào khoảng 11 giờ 30, ngoài đại úy Phan Xuân Thệ, còn có đại úy Bùi Quang Thận và trung tá Bùi Tùng (Bùi Văn Tùng). Đại úy Bùi Quang Thận là người treo cờ trên nóc dinh Độc Lập. Trung tá Bùi Tùng là người soạn thảo văn bản đầu hàng cho tổng thống, đại tướng Dương Văn Minh đọc. Trung tá Bùi Tùng là người đại diện Quân đội Nhân dân tiếp nhận sự đầu hàng của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Những sự thật trên tôi không căn cứ vào Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc, cũng không căn cứ vào ký ức của các phóng viên chiến trường và sĩ quan Quân đội Nhân dân, những người mà Trần Phương cho rằng: “Từ khi ông (Bùi Tín – CS) bỏ Đảngtrở thành nhà bất đồng chính kiến, tên ông bị đục bỏ khỏi khoảnh khắc lịch sử bi thương và oan nghiệt nhất của lịch sử Việt Nam đương đại”.

Những sự thật trên tôi căn cứ vào lời kể trực tiếp của ba người bạn cùng tôi tham gia vận động Hòa giải Hòa hợp Dân tộc trước 1975 là Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, Hà Huy Đỉnh. Đồng thời, tôi căn cứ vào lời kể của Lý Quý Chung, trong Hồi Ký Không Tên, là tổng trưởng Thông tin đã dong tay đầu hàng cùng tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ văn Mẫu… trưa ngày 30.4.1975 tại dinh Độc lâp.

Bản thân tôi cũng có biết qua Bùi Tín trong cuộc gặp gỡ tình cờ tại khách sạn Hoa Hồng – Ban Mê Thuộc chiều 27.4.1975.

– Hà Huy Đỉnh kể:
“Khoảng 11 giờ, tôi và Borries Gallasch qua cửa bên vào dinh Độc Lập. Khung cảnh nơi đây yên lặng, không có dấu hiệu phòng thủ nào. Cổng chính mở. Chính phủ Dương Văn Minh ngồi chờ quân Giải Phóng trong phòng làm việc. Tôi và Gallasch đứng chờ ở tiền sảnh. Khoảng 11 giờ 30 có tiếng súng lớn nổ ở ngoài dinh, xe tăng quân Giải Phóng hùng hổ chạy vào dinh. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc. Còn có thêm mấy chiếc xe jeep. Tôi và Gallasch bấm máy. Bộ đội trên xe ào ào nhảy xuống, xông vào đại sảnh trong tư thế tấn công. Tôi và Gallasch vào theo. Một người chỉ huy hô to: “Tất cả ra khỏi phòng, dong tay lên”. Ông Dương Văn Minh và các đồng sự bước ra đại sảnh trong tư thế đầu hàng. Vào cùng lúc với quân Giải phóng có mấy người tôi quen: Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, Huỳnh Bá Thành, Cung Văn…

Bộ đội tới gần. Ông Dương Văn Minh nói chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao. Một người bộ đội có vẻ là chỉ huy nạt: “Các ông không còn gì để bàn giao”. Một người bộ đội chỉ huy khác nói: “Các ông phải tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh”. Một người bộ đội chỉ huy thứ ba yêu cầu người của Dương Văn Minh đưa lên treo cờ trên nóc dinh Độc Lập. Sau này tôi mới biết người bắt Dương Văn Minh đầu hàng là đại úy Phạm Xuân Thệ, người treo cờ. trên nóc dinh Độc Lập là đại úy Bùi Quang Thận, người nạt tổng thống Dương Văn Minh là trung tá Bùi Tùng.

Theo lệnh của các sĩ quan chỉ huy quân Giải Phóng, các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu… phải đến đài phát thanh Sài Gòn để tiến hành các thủ tục tuyên bố đầu hàng. Tôi và Gallasch cùng theo đến đài phát thanh. Đài phát thanh bỏ trống, không có nhân viên kỹ thuật. Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái phải đi tìm. Trung tá Bùi Tùng, đại úy Phạm xuân Thệ, các ông Dương Văn Minh, Vũ văn Mẫu và mấy người nữa cùng ngồi quanh một chiếc bàn dài. Bùi Tùng soạn văn bản cho Dương Văn Minh đọc. Trước khi đọc phải ghi âm. Không ai có máy ghi âm cả. Borris Gallasch cho mượn máy ghi âm và hướng dẫn các đương sự thực hiện. Tôi bấm máy.

Sau lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đại tướng Dương Văn Minh, trung tá Bùi Tùng thay mặt Quân đội Nhân dân tuyên bố tiếp nhận. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu nói lời kêu gọi các cấp chính quyền và nhân dân bình tĩnh, tin tưởng chính sách Hòa giải Hòa hợp của Mặt Trận, tuân thủ mệnh lệnh của quân Giải Phóng. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng nói lời kêu gọi trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh chào mừng hòa bình, độc lập, thống nhất… Nguyễn Hữu Thái là người sắp xếp, giới thiệu, và kết thúc chương trình…

Tất cả những bức ảnh tại dinh Độc Lập và đài Phát thanh trưa 30.4.1975 đều do tôi và Gallasch chụp. Riêng tôi 65 tấm. Không có phóng viên chiến trường nào của quân Giải phóng có mặt ở cả hai nơi vào thời điểm đó. Các cuộn phim tôi chụp bị người của A 25 tịch thu mấy ngày sau khi tôi về lại nhà.

– Theo lời kể của Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Hữu Thái:
Chiều tối ngày 29.4.1975, Nguyễn Trực, Bùi Minh, Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Hữu Thái gặp nhau tại số 10 đường Tự Đức, Phú Nhuận (nơi Tòng và Trực đang thuê ở. Trước khi bị bắt, tháng 12.1974, tôi cũng ở cùng Huỳnh Văn Tòng tại đây). Các anh nhận định rằng quân Giải Phóng sẽ vào thành phố trong ngày mai (30.4.1975). Hai việc các anh ấy trù tính làm trong buổi sáng hôm sau: Một là tập họp sinh viên Vạn Hạnh, tổ chức thành từng nhóm tỏa ra các khu phố chung quanh Đại học Vạn Hạnh nhằm bảo vệ trật tự và vận động quần chúng tin tưởng vào chính sách Hòa giải Hòa hợp của Mặt Trận, yên tâm ổn định cuộc sống, chuẩn bị chào đón quân Giải Phóng. Hai là Nguyễn Hữu Thái xuống chùa Ấn Quang bàn với thầy Trí Quang nhằm thúc đẩy Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng.

Sáng 30.4.1975, Tòng, Trực, Minh tới Vạn Hạnh theo kế hoạch. Thái từ nhà riêng xuống chùa Ấn Quang. Thiền sư Trí Quang điện thoại cho ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu. Cả hai ông đều đồng ý đầu hàng vô điều kiện. Thái trở lại Vạn Hạnh. Tại Vạn Hạnh, Thái gặp Cung Văn và Huỳnh Bá Thành, hai nhà báo quen biết là người của Mặt Trận. Sau một hồi trao đổi, họ rủ nhau vào dinh Độc Lập để chia sẻ sự bất an cùng tổng thống Dương Văn Minh và các vị trong tân chính phủ.

11 giờ, Huỳnh Văn Tòng, Cung Văn, Huỳnh Bá Thành, Nguyễn Hữu Thái vào dinh cùng lúc với xe tăng của Quân Giải Phóng.

Quân Giải Phóng từ các xe tăng, xe jeep chạy ào vào dinh với vũ khí trên tay, trong tư thế tấn công. Dinh Độc Lập trở nên náo động. Vào đến đại sảnh, một sĩ quan hô to mệnh lệnh: “Tất cả ra khỏi phòng và dong tay lên”. Các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và các cộng sự bước ra đại sảnh trong tư thế đầu hàng. Một sĩ quan hỏi, ai là Dương Văn Minh hãy cho người hướng dẫn chúng tôi lên treo cờ trên nóc dinh.

Tình hình rất căng thẳng. Nhưng rồi sự xuất hiện của những người Mặt Trận hoạt động ở nội thành đã làm cho không khí chiến tranh từ từ hạ nhiệt. Phía những người tấn công thấy rằng “sào huyệt của Ngụy quyền” chẳng nguy hiểm lắm, lại có người của phe ta trong đám ấy. Phía tổng thống Dương Văn Minh nhận ra bạn bè quen biết bên cạnh mình là người của Mặt Trận. Mọi người tập họp quanh một cái bàn lớn ở giữa đại sảnh, kẻ ngồi người đứng. Một số sĩ quan ở phía tấn công nói: “Các ông phải tuyên bố đầu hàng thôi”. Ông Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã chờ chính phủ cách mạng vào để bàn giao”. Một sĩ quan nói: “Các ông còn gì để bàn giao, phải tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh”.

Chúng tôi ngồi xe xủa Quân đội Nhân dân đến đài Phát thanh cùng với các sĩ quan chỉ huy và binh lính của họ. Phía chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Lý Quý Chung; cánh nhà báo có Borries Gallasch và Hà Huy Đỉnh. Đài Phát thanh nằm trên đường Hồng Thập Tự (sau này là Nguyễn Thị Minh Khai) được bảo vệ bởi năm ba sinh viên, học sinh là người của phong trào đô thị. Tại đây Nguyễn Hữu Thái đề nghị Lý Qúy Chung về nhà, sẽ liên lạc sau.

Đài trống trơn, không có nhân viên kỹ thuật. Huỳnh Văn Tòng và Nguyễn Hữu Thái chia nhau lục tìm nhân viên kỹ thuật trong xóm dân cư phía bên kia đường Hồng Thập Tự. Khoảng một tiếng đồng hồ sau nhân viên kỹ thuật mới vào đài.

Trong khi chờ nhân viên kỹ thuật, trung tá Bùi Tùng soạn lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Việt Nam Cộng Hòa – đại tướng Dương Văn Minh. Trung tá Bùi Tùng cũng soạn lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng (sẽ do ông đọc).

Văn bản soạn xong, không có máy ghi âm. Ký giả người Đức Borries Gallasch cho mượn máy ghi âm và trực tiếp hướng dẫn mọi người thực hiện ghi âm. Nguyễn Hữu Thái tổ chức chương trình, tóm lược nội dung và giới thiệu các nhân vật. Sau lời tuyên bố đầu hàng, tiếp nhận đầu hàng của các ông Dương Văn Minh và Bùi Tùng, thủ tướng Vũ Văn Mẫu ứng khẩu phát lời kêu gọi chính quyền các cấp từ trung ương xuống địa phương chấp hành mệnh lệnh của quân Giải Phóng, tin tưởng vào chính sách Hòa giải Hòa hợp của Mặt Trận… Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng kêu gọi trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh… Cuối cùng Nguyễn Hữu Thái nói lời kết thúc chương trình. Đó là buổi phát thanh đặc biệt vào lúc xế chiều tại đài phát thanh Sài Gòn do người của Lực lượng Hòa giải phối hợp với người đại diện Quân đội Nhân dân tổ chức. Hai người tù đặc biệt Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu bị đưa trở lại dinh Độc Lập vào khoảng 15 giờ chiều.

Sự kiện 30.4.1975, sau này có dịp được hỏi lại:

– Hà Huy Đỉnh xem là cơ hội tuyệt vời trong đời anh. Hà Huy Đỉnh qua đời năm 2017. (Xem thêm “Con chim lạ Hà Huy Đỉnh” tại baotiengdan.com).

– Nguyễn Hữu Thái long trọng nhớ nghĩ về Dương Văn Minh và mối quan hệ giữa hai người trong quá trình vận động yêu nước và Hòa giải Hòa hợp Dân tộc. Nguyễn Hữu Thái đã viết nguyên một cuốn sách (Dương Văn Minh và tôi) để mô tả mối quan hệ đó. Nguyễn Hữu Thái còn tại thế, cư trú ở Hà nội. (Xem thêm “Không Lên Núi” tại chuson-th.blogspot.com hoặc diendan.org).

– Huỳnh Văn Tòng cảm thấy bị sỉ nhục và sám hối vì cho rằng mình đã ngu dại tham dự vào một âm mưu, thủ đoạn ác độc và đê tiện của Cộng sản: Lừa gạt, phản bội nhân dân dưới chiêu bài Hòa bình, Thống nhất, Hòa giải Hòa hợp Dân tộc. Huỳnh Văn Tòng qua đời vào tháng 7.2011. (Xem thêm “Nói lời phải chăng – trò chuyện với tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng nhân ngày 30. 4” tại diendan.org hoặc chuson-th.blogspot.com).

Lý Quí Chung kể:
Khoảng 9 giờ 30, tại dinh Thủ tướng, “Cũng đúng lúc này có tiếng điện thoại từ chùa Ấn Quang của sinh viên đấu tranh Nguyễn Hữu Thái… Lúc này Thái đang có mặt tại chùa Ấn Quang, anh cho biết thượng tọa Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Dương Văn Minh. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó thượng tọa Trí Quang nói chuyện với giáo sư Vũ Văn Mẫu. Tôi được biết nội dung hai cuộc điện đàm này của thượng tọa Trí Quang nhằm thuyết phục tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng… ” ( Lý Quí Chung – Hồi Ký Không Tên trang 403).

“Khoảng 10 giờ, tổng thống Dương Văn Minh lên ô tô đi đến Dinh Độc Lập” (H.K.K.T. trang 404).

“Các thành viên của chính phủ Dương Văn Minh tập họp trong phòng làm việc trước đây của Nguyễn Văn Thiệu. Trong lúc chờ quân Giải Phóng đến… ” (H.K. K.T. trang405).

“Khoảng hơn 11 giờ 30 sáng, chiếc xe tăng đầu tiên loại T54 của quân Giải Phóng xuất hiện ở đầu kia của đại lộ Thống Nhất, phía Thảo cầm viên. Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu, nghị sĩ ra đứng tại tiền đình của Dinh Độc Lập chuẩn bị đón tiếp. Chiếc xe tăng to lớn tiến gần, đến khoảng ngang nhà thờ Đức Bà thì đột ngột nổ liền hai phát súng… Tiếng nổ của hai phát đại bác đã gây hoảng hốt cho tất cả những người đang đứng ở tiền đình. Thế là tất cả lùi vào phòng làm việc của ông Thiệu và… lo lắng chờ”. (H.K. K.T. trang 407).

“Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay”. (H.K.K.T. trang 407).

“Người bước ra khỏi phòng trước tiên là tổng thống Dương Văn Minh, sát bên ông Minh là thiếu tá Hoa Hải Đường. Tiếp theo là thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng chuyền sang tôi… Chúng tôi ra hành lang để đi đến đại sảnh thì thấy đầu kia có nhiều bội đội cầm súng hô to: ‘Mọi người giơ tay lên’. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người phía sau đồng loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào học sinh, sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng (H.K.K.T. Lý Quí Chung, trang 408).

“Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với tổng thống Minh: ‘Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy’. Ông Minh quay qua tôi đang đứng bên cạnh: ‘Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng’. Sau này tôi mới biết đó là người chỉ huy chiếc tăng ký hiệu 843 tên là Bùi Quang Thận (Trang 408).

“Khi từ sân thượng trỏ xuống đại sảnh thì mọi người đã vào phòng họp có cái bàn to hình ô van nằm bên cánh phải Dinh Độc Lập. Tôi nghe một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh: ‘Anh phải viết ngay một bản tuyên bố đầu hàng’. Ông Minh nói rằng sáng nay ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: ‘Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng’…

“Lúc này, trong những người chứng kiến cuộc đối thoại, có một người mặc thường phục đứng cạnh kỹ sư Tô Văn Cang – một trí thức Sài Gòn có quan hệ với Mặt Trận. Người mặc thường phục tự giới thiệu mình là người hoạt động cách mạng nội thành và nói với viên chỉ huy bộ đội: ‘Ông Minh là người hoạt động cho Hòa giải Hòa hợp dân tộc. Anh nên đối xử nhẹ nhàng với ông ấy’ (H.K.K.T. trang 410)…

“Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài Phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe Jeep khác của các nhà báo Đức… Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi: ‘Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại. Sau này tôi mới biết sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo, ông Dương Văn Minh đọc và đài Phát thanh phát vào lúc 13g 30’. Sau đó ông Minh và ông Mẫu được đưa trở lại dinh Độc Lập” (H.K.K.T. trang 411).
(Còn tiếp)

*
*

Chu Sơn
17/09/2019

Ông Bùi Tín, sĩ quan Quân đội Bắc Việt, cầm biểu tượng hòa bình trên sợi dây chuyền của người lính Mỹ Richard Springman (bị bắt ngày 25/5/1970). Springman là một trong 28 tù binh Mỹ được Việt Cộng trả tự do ngày 12/12/1973. Ảnh chụp năm 1973 tại Lộc Ninh. Photo Courtesy

Đối với Bùi Tín và sự kiện 30.4.1975, tôi (Chu Sơn) cũng có một ký ức nhỏ: Chiều 27.4.1975, tình cờ tôi gặp Bùi Tín tại Ban Mê Thuộc. Ông từ Hà Nội vào, tôi từ Lộc Ninh ra, chúng tôi cùng cư ngụ tại khách sạn Hoa Hồng gần Ngã sáu thị xã Ban Mê Thuộc. Ông dẫn đầu một đoàn bộ đội khoảng 20 người gồm họa sĩ, nhà báo. Một trong 20 người trong đoàn Bùi Tín có một người là bạn tôi – họa sĩ Lê Văn Tài. Lê Văn Tài là họa sĩ nổi tiếng tại miền Trung những năm trước 1968. Sau Mậu Thân, Lê Văn Tài lên chiến khu rồi ra Hà Nội…

Tôi và Lê Văn Tài cà phê và hàn huyên tâm sự sau bảy năm xa cách… Qua Lê Văn Tài, Bùi Tín biết tôi từ Sài Gòn ra. Ông cho một thiếu tá, họa sĩ, tên Tỵ (hay Ty?) đến gặp tôi hỏi có thể tiếp Trung tá Bùi Tín, phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân được không? Tôi đồng ý. Chúng tôi gặp nhau tại phòng tiếp tân của khách sạn. Trước mặt tôi là một Bùi Tín trung niên to cao, khuôn mặt đẹp phong trần mà tinh tế, pha chút trí tuệ. Từ quân phục đến vẻ bên ngoài, cách nói năng giao tiếp, Bùi Tín chứng tỏ là người khôn ngoan, lịch lãm. Trước đó, qua Lê Văn Tài, tôi biết Bùi Tín là con trai thượng thư Bùi Bằng Đoàn. Trước Lê Văn Tài, tôi biết thượng thư Bùi Bằng Đoàn qua những giao tiếp ở Huế. (Hiện Lê Văn Tài đang sống ở Úc).

Tôi đặc biệt thích một Bùi Tín dòng giống như thế, phong cách như thế.

Bùi Tín nói là ông sắp vào Sài Gòn để làm báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông hỏi tôi về Sài Gòn, đặc biệt về giới báo chí và chính trị. Tôi nói hết những gì tôi biết…

Tôi hỏi ông vào Sài Gòn bằng phương tiện gì. Ông dắt tôi ra hành lang khách sạn, chỉ về phía trước, bên kia đường là phi trường Phượng Hoàng. Một chiếc trực thăng vận tải hình con sâu đang đậu ở đó. Bùi Tín nói: “Đó là trực thăng Liên Xô, sẽ đưa ông và đoàn vào trại David ở Tân Sơn Nhất, nơi Ban Liên hợp quân sự đóng”. Bùi Tín rủ tôi cùng vào Sài Gòn. Tôi nói là tôi nôn nóng về lại Huế.

Chúng tôi luận bàn về cuộc chiến tranh, về cuộc tổng tấn công nổi dậy đang hồi kết thúc. Bùi Tín hỏi tôi: “Liệu chúng ta có giải phóng Sài Gòn trong thời gian vài ba ngày không?”. Tôi nói chắc chắn với những lý lẽ của tôi. Phân vân một lúc, tôi nói tiếp: “Nhà Sài Gòn cao lắm, các anh nên buột dây mũ (nón cối) thật chặc, nếu không mũ sẽ rớt”. Bùi Tín nhìn tôi gượng cười, mặt đanh lại…

Tôi kể mẫu chuyện nhỏ này để lưu ý ông Trần Phương rằng trong vòng bốn ngày ông Bùi Tín không thể nhảy từ trung tá, qua thượng tá, lên đại tá được.

***
Trong những lời kể của bốn người chứng tôi ghi chép lại ở trên không hề có tên Bùi Tín. Những tấm ảnh Gallasch và Hà Huy Đỉnh chụp không có mặt Bùi Tín. Tuyên bố tiếp nhận đầu hàng được ghi âm là lời của Bùi Tùng chứ không phải của Bùi Tín. Vậy thì Bùi Tín và Trần Phương căn cứ vào đâu để vẽ vời nên “Câu chuyện 30.4.1975”? Lại nữa: Để củng cố niềm tin cho độc giả về “Câu chuyện 30.4.1975” huyền thoại, Bùi Tín và Trần Phương còn tô đậm bức tranh hư cấu thơ mộng của mình: “Ông vẫn nhớ như in khi đọc tờ thực đơn của bữa ăn cuối cùng của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa: Cá thu kho mía và bò hầm sâm”.

Hồi Ký Không Tên của Lý Quí Chung cung cấp cho độc giả những thông tin có tính chất biên niên về tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh như sau:

– “Ngày 26.4.1975, Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa biểu quyết ông Dương Văn Minh làm tổng thống (HKKT- Lý Quí Chung trang 376).

– “Ngày 28.4.1975 tổng thống Dương Văn Minh thành lập chính phủ”. (HKKT – LQC trang 376).

– “Chiều 28.4.1975 vào lúc 16 giờ 45 lễ bàn giao giữa quyền tổng thống Trần Văn Hương và tân tổng thống Dương Văn Minh diễn ra tại dinh Độc Lập”. (HKKT-LQC trang 383).

– “Tổng thống Dương Văn Minh dự định trình diện chính phủ vào ngày 30.4.1975”.

Trong thời gian từ 26.4 đến 29.4.1975 ông Dương Văn Minh và những cộng sự của ông làm việc tại nhà riêng (dinh Hoa Lan trên đường Trần Quí Cáp).

9 giờ tối ngày 29.4.1975 do tình hình an ninh (nguy cơ Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh). Ông Dương Văn Minh và các cộng sự vào trú tại dinh Độc Lập vì ở đó có hầm tránh bom.

– “Ông bà Minh mời vợ chồng tôi và vợ chồng dân biểu Nguyễn Hữu Chung ở chung phòng. Phòng ngủ của ông bà Thiệu khi chúng tôi đến đã trống trơn. Trên thảm trước giường ngủ chỉ có bộ da cọp nằm trơ trọi. Trong phòng tắm không có cục xà bông nào. Nhớ sực hồi chiều chưa dùng cơm, tôi hỏi viên sĩ quan trong dinh có gì ăn không. Viên sĩ quan này bối rối trả lời rằng không còn gì dù chỉ là một miếng bánh mì và thịt nguội (HKKT – Lý Quí Chung trang 393).

Như thế, ông Dương Văn Minh chưa ăn một bữa cơm nào tại dinh Độc Lập cả, nói chi đến “tờ thực đơn Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa”. Có lẽ bữa cơm đầu tiên của ông Minh là bữa cơm tù sau khi tuyên bố đầu hàng tại đài Phát thanh và bị đưa trở lại dinh Độc Lập.

Có thể trung tá Bùi Tín gặp Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập vào thời điểm ấy. Và cuộc phỏng vấn đã diễn ra. Cuộc phỏng vấn mà Trần Phương viết: “Cho đến giờ ông vẫn còn ân hận vì đã quá lời với Dương Văn Minh lúc đó”.

Theo tôi (Chu Sơn), chuyện Bùi Tín “đã quá lời” với Dương Văn Minh “lúc đó” cũng như chuyện “tờ thực đơn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” là chuyện vẽ rắn thêm chân với chủ đích củng cố niềm tin cho độc giả sau khi tung ra “Câu chuyện 30.4.1975” huyền thoại.

Theo tôi, Bùi Tín đã không “quá lời” lúc đó, mà Trần Phương đã “quá lời” lúc này, khi tô đậm chân dung của Bùi Tín nào là “Một nhà bất đồng chính kiến kiên cường”, nào là “Một kiếp lưu vong bất khuất”.

Lương tâm dân tộc ghi nhận rằng, những nhà bất đồng chính kiến đương đầu trước bất cứ biện pháp bạo lực, tàn ác, đê tiện nào của guồng máy toàn trị Cộng sản: Chịu đựng tra tấn, chết chóc, tù đày, chấp nhận chế độ lao tù khắc nghiệt, chịu đựng cuộc sống kèm kẹp cực kỳ khó khăn, đói khổ, không đầu hàng, không bỏ cuộc.

Lương tâm dân tộc nhận ra rằng, còn có những nhà bất đồng chính kiến (vì một lý do nào đó phải ở nước ngoài) đương đầu trước những khó khăn của đời sống, ngày đêm lao nhọc thiết lập tiếng nói chung với đồng bào trong nước, nhằm chuyển hóa chế độ độc tài toàn trị thành chế độ dân chủ tam quyền phân lập, đa nguyên, đa đảng và xã hội dân sự.

Lương tâm dân tộc vinh danh những Trần Huỳnh Duy Thức, những Hà Sĩ Phu, những Nguyễn Thanh Giang và hàng trăm người khác là những nhà bất đồng chính kiến kiên cường, bất khuất.

Không có Bùi Tín trong số này vì ông đã tự tách mình ra khỏi nhân dân, thậm chí ông đã “lưu vong trong chính gia đình mình”. Với tâm lý một cán binh hồi chánh, ông đã chống Cộng trong những điều kiện và khung cảnh truyền thông phương Tây. Cũng như tất cả những người Cộng sản khác, Bùi Tín đã không biết tự kiểm điểm mình, ông chỉ thấy mình “có công” trong bốn cuộc chiến tranh. Ông không thấy mình có tội trong các cuộc cải cách, cải tạo và cách mạng Cộng sản đẫm máu tàn bạo làm suy vong Đất nước, hũy hoại Dân tộc. Trong cuộc lưu vong, thỉnh thoảng thiên hạ vẫn thấy ông còn kể công và gian dối. Phải chăng cái chất cộng sản vẫn tiềm ẩn trong những góc khuất tâm hồn sau gần nửa thế kỷ ông là đảng viên tay cầm súng, tay cầm viết?

Thế nào là một “kiếp lưu vong bất khuất”? Nhận định này của Trần Phương khiến người đọc trong nước hiểu rằng Bùi Tín bị đàn áp, bị truy bức kèm kẹp trong thế giới phương Tây? Chắc chắn không phải như vậy, vì sau đó mấy dòng Trần Phương viết tiếp: “Nhưng rồi, chính Pháp và Mỹ đã giang rộng vòng tay cưu mang ông những năm tháng lưu vong bất tuyệt. Cũng chính Pháp và Mỹ đã cho ông nếm hương vị của bầu khí quyển tự do vô tận”.

Sẽ dài dòng nếu tôi “thắc mắc” các nhóm từ “lưu vong bất tuyệt”, và “bầu khí quyển tự do vô tận” mà ông Trần Phương sử dụng trong văn cảnh này.

Để kết thúc bài đọc báo, tôi đề nghị ông Trần Phương: Chúng ta cùng nhìn lại sự kiện 30.4.1975. Một sự kiện lịch sử mà nơi này (trong bài báo 2 trang A4) ông viết là Bùi Tín “nhận bàn giao”, nơi kia ông viết (Bùi Tín) “tiếp nhận đầu hàng” từ tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh.

Viết như thế vì ông Trần Phương không biết hết sự chênh lệch giá trị của hai nhóm từ trên. Ông Trần Phương không biết vì ông không phải là đảng viên Cộng sản, và ông cũng không phải là nạn nhân của sự lừa bịp của đảng Cộng sản trong chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại xuân 1975.

Hơn bất cứ ai, Lê Duẩn và đảng Cộng sản biết rằng, nếu để Dương Văn Minh “bàn giao” thì thành quả chiến thắng của “chiến dịch tổng tấn công tổng nổi dậy” mang tên Hồ Chí Minh không to lớn bằng bắt Dương Văn Minh “đầu hàng”. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng thì công cuộc “giải phóng miền Nam” với quyết tâm của đảng cộng sản “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” mới vĩ đại và hoàn mỹ.

Quan trọng hơn, nếu “bàn giao” thì tất yếu phải “hòa giải hòa hợp dân tộc”, mà nếu khẩu hiệu “hòa hợp hòa giải dân tộc” được thực hiện, tất yếu chính phủ Dương Văn Minh và nhân dân miền Nam phải có tiếng nói, có vai trò trong hòa bình thống nhất và xây dựng đất nước. Đảng Cộng sản muốn một mình thống soái, một mình toàn trị nên cần phải triệt tiêu cái mầm mống, cái vai trò nhân dân ấy qua việc “bắt Dương văn Minh đầu hàng”. Bởi vì vào thời điểm đó, Dương Văn Minh không chỉ đại diện cho thiểu số “ngụy quân”, “ngụy quyền”, và “ngụy dân”; Dương Văn Minh còn đại diện cho đa số nhân dân miền Nam thuộc thành phần chính trị thứ ba. Hơn thế nữa, trong lòng và bên cạnh chính phủ Dương Văn Minh còn có những cán bộ đảng viên nằm vùng.

Bài học cách mạng từ hai đảng Cộng sản đàn anh Liên Xô, Trung Quốc mà đảng Cộng sản Việt Nam thuộc nằm lòng: “Những cán bộ đảng viên hoạt động trong lòng địch là một nửa địch”, quen đấu tranh dân chủ nên chắc chắn họ sẽ trở thành “bọn phản động mới” còn nguy hiểm hơn bọn phản động cũ Mỹ – Ngụy.

Như thế là không Hòa giải Hòa hợp Dân tộc gì hết. Bởi vì Hòa giải Hòa hợp Dân tộc thì nhân dân đặt lại vấn đề ý thức hệ (có nên tiếp tục áp đặt chủ nghĩa Cộng sản không), và vấn đề vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các lực lượng chính trị trong tương quan bình đẳng bình quyền (Cộng sản chỉ là một nguyên trong đa nguyên). Tuyệt đối không có chuyện này được. Bởi vì đảng Cộng sản độc quyền sở hữu chân lý (Chủ nghĩa Mác – Lê Nin) và độc quyền toàn trị. Súng đạn và nhà tù bảo đảm cho hai thứ độc quyền này.

Lê Duẩn và đảng Cộng sản không quên đã chỉ thị cho báo đài và các cán bộ nội thành tuyên truyền đường lối chính sách Hòa giải Hòa hợp Dân tộc. Nhưng họ không cần phải giữ lời hứa vì đó là thủ đoạn nhất thời trong chiến tranh cách mạng. Đạo đức Cộng sản cho phép bất cứ một hành động lừa bịp gian ác nào, vì: “Thành quả biện minh cho phương tiện”.






No comments: