Wednesday, September 11, 2019

TỔNG THỐNG TRUMP CÁCH CHỨC CỐ VẤN AN NINH QUỐC GIA JOHN BOLTON (RFI)




Đăng ngày 11-09-2019 

Hôm qua, 10/09/2019, trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cách chức cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, nhân vật mà ông có rất nhiều bất đồng trên các hồ sơ nóng, từ Iran, Afghanistan, cho đến Bắc Triều Tiên. Nguyên thủ Mỹ cho biết sẽ bổ nhiệm cố vấn an ninh quốc gia mới vào tuần tới.

Ảnh tư liệu: John Bolton (T) trong cuộc hội đàm Mỹ-Bắc Triều Tiên, Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/02/2019 . REUTERS/Leah Millis

Quyết định của tổng thống Mỹ, qua Twitter, sa thải John Bolton được đưa ra chỉ chưa tới 2 tiếng đồng trước một cuộc họp báo đã được Nhà Trắng thông báo và trên nguyên tắc sẽ có sự tham gia của ông Bolton cùng với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salves gởi về bài tường trình:

« Các bất đồng giữa Donald Trump với John Bolton ngày càng rõ nét trong những tuần gần đây. Trước hết là về thái độ đối với Iran. Vốn vẫn chủ trương một đường lối ngoại giao cứng rắn, Bolton - kẻ hiếu chiến luôn vận động nhằm làm thay đổi chế độ ở Iran. Ông đã cố thuyết phục tổng thống Mỹ ra lệnh oanh kích vào Teheran, nhưng không được.  Vào giờ chót, Donald Trump cuối cùng đã hủy các cuộc oanh kích chống chế độ Iran và tại thượng đỉnh nhóm G7 ở Biartitz, tổng thống Mỹ đã không loại trừ khả năng gặp tổng thống Iran Hassan Rohani.

Một bất đồng khác giữa tổng thống với cố vấn an ninh quốc gia, đó là Afghanistan. Theo báo chí Mỹ, vào tuần trước, John Bolton đã dùng mọi ảnh hưởng của ông để hủy bỏ cuộc họp bí mật đã được dự trù với phe tailban tại Camp David.

Cuối cùng là bất đồng về Bắc Triều Tiên. John Bolton vẫn chống lại chính sách hòa hoãn của Donald Trump với Kim Jong Un. Trên mạng Twitter hôm qua, khi bất ngờ thông báo « Nhà Trắng không còn cần đến năng lực » của Bolton nữa, tổng thống Trump đã xác nhận : Tôi bất đồng sâu sắc với rất nhiều đề xuất của ông ấy.

Về phần ngoại trưởng Mike Pompeo, ông cũng không tiếc nuối gì về sự ra đi của Bolton. Ông nói : Tôi có những quan điểm rất khác biệt với ông ấy về cách thức thi hành. Trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa, một số người thậm chí cảm thấy an tâm với việc nhân vật có hàm ria nổi tiếng nay đã ra đi, như lời thượng nghị sĩ Rand Paul : Với Bolton ra khỏi Nhà Trắng, nguy cơ chiến tranh trên thế giới giảm đi rất nhiều.

---------------------------------

Đăng ngày 11-09-2019 

Với việc nhân vật diều hâu như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ra khỏi Nhà Trắng, một câu hỏi đang được đặt ra : kể từ nay, tổng thống Mỹ Donald Trump có sẽ rảnh tay để thi hành một chính sách hòa hoãn hơn với Iran giúp khai thông bế tắc hiện nay hay không.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran đã không ngừng gia tăng kể từ khi tổng thống Trump đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân 2015 nhằm ngăn cản Teheran chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy Washington sau đó đã tái lập các biện pháp trừng phạt Iran, tổng thống Trump lúc thì tỏ ra rất cứng rắn, khi thì tỏ ý muốn đối thoại với Teheran.

Về phần John Bolton, ngay cả trước khi vào Nhà Trắng, ông đã công khai kêu gọi Mỹ mở các cuộc oanh tạc có tính chất ngăn ngừa vào những nơi được cho là cơ sở hạt nhân của Iran. Ông cũng đã chính thức ủng hộ phe đối lập Iran lưu vong, Tổ chức Mudjahidin Nhân dân, vẫn hoạt động nhằm lật đổ chế độ ở Teheran.

Đến tháng 9/2018, sau khi đã trở thành cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton đã biện minh cho việc duy trì lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Syria để ngăn chận các tham vọng khu vực của Iran. Nhưng ba tháng sau đó, tổng thống Trump đã làm ngược lại ý kiến của Bolton, thông báo rút quân ngay lập tức khỏi Syria, tuy sau đó đã giảm bớt phần nào tầm mức của cuộc triệt thoái.

Tổng thống Trump cũng bất đồng hoàn toàn với ông Bolton về chủ trương thay đổi chế độ ở Teheran. Chủ nhân Nhà Trắng thường xuyên nêu lên khả năng « mặc cả » với ban lãnh đạo hiện nay của Iran. Ông có vẻ tán đồng với đề nghị của Pháp cấp cho Teheran một khoản tín dụng. Theo lời bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Trump vẫn sẵn sàng cho một cuộc gặp « không điều kiện tiên quyết » với tổng thống Iran Hassan Rohani.

Để buộc Teheran chấp nhận đàm phán, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì « áp lực tối đa », qua việc thông báo những trừng phạt mới nhắm vào các tổ chức Iran và các đồng minh của Iran bị xếp là « khủng bố ».

Nhưng đối với Teheran, việc ông Bolton bị cách chức là một bằng chứng cho thấy chiến lược « áp lực tối đa » đó đã thất bại, như nhận định của ông Hesameddin Ashena, cố vấn của tổng thống Rohani trên mạng Twitter. Hôm nay, một lần nữa Teheran đã bác bỏ khả năng gặp gỡ giữa tổng thống hai nước, nếu Washington không chịu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran.

Như vậy, hiện giờ tình hình vẫn bế tắc, nhất là Teheran hôm thứ Bảy vừa qua thông báo đã cho khởi động các máy ly tâm để gia tăng dự trữ chất uranium được làm giàu, bất chấp những lời kêu gọi của các nước châu Âu, yêu cầu Iran đừng giảm hơn nữa các cam kết về hạt nhân.

Sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia Bolton có thể không ảnh hưởng gì đến chính sách của tổng thống Trump đối với Iran, vì ông có thói quen hỏi ý kiến những người có quan điểm đối nghịch nhau, để rồi cuối cùng tự quyết định theo trực giác của ông. Mà « trực giác » của Trump thì quả là khó đoán. Cho nên, trong bài xã luận hôm nay, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal đã cảnh báo là với việc ông Bolton rời khỏi Nhà Trắng, kể từ nay không còn ai có đủ khả năng ngăn tổng thống Trump hành động theo những « trực giác » của ông. Tờ báo này thậm chí còn khẳng định : « Thế giới đã trở nên nguy hiểm hơn ».

Người ta chỉ hy vọng là, do không còn nhân vật diều hâu nào đứng sau lưng, có thể là tổng thống Trump sẽ linh động hơn trong đối sách với Iran, có một cử chỉ nào đó để hé mở cánh cửa đối thoại với Teheran.

--------------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 11-09-2019 

Theo Le Monde hôm nay 11/09/2019, sự ra đi của ông John Bolton là khó thể tránh khỏi, khi giữa cố vấn an ninh quốc gia và tổng thống Mỹ Donald Trump có quá nhiều quan điểm khác biệt.

Sáng thứ Ba 10/9, vào lúc gần 11 giờ, Nhà Trắng bỗng đột ngột thay đổi lịch trình trong ngày, thêm vào một buổi báo cáo ngắn về đấu tranh chống khủng bố. Sự kiện này sẽ diễn ra vào đầu giờ chiều, do ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đảm nhiệm. Thế nhưng lúc 12 giờ trưa, Donald Trump bỗng cho biết ông Bolton sẽ không còn phục vụ tại Nhà Trắng.

Sự ra đi của cố vấn John Bolton, như thường lệ, được tổng thống Mỹ thông báo trên Twitter. Điều này khó thể tránh khỏi với những bất đồng chồng chất giữa hai người, và ông tổng thống không hề giấu diếm khi loan báo việc cách chức John Bolton.

Ông Trump viết : « Tôi bất đồng với Bolton trên rất nhiều điều mà ông ấy đề nghị », và khẳng định Bolton đã được thông báo. Ngược lại, vài phút sau John Bolton đáp trả, cũng trên Twitter : « Tôi đề nghị từ chức tối qua và tổng thống bảo rằng mai sẽ nói chuyện ».

Theo báo chí Mỹ, Donald Trump nghi ngờ lòng trung thành của vị cố vấn, bị cho là đã tiết lộ các thông tin và không hăng hái bảo vệ sự chọn lựa về ngoại giao của ông chủ Nhà Trắng trên truyền hình. Ông không thích lên tivi, trong khi Trump chuộng hình thức, và hơn nữa, theo AP, Trump không ưa bộ râu của John Bolton !

« Diều hâu chúa» tại Nhà Trắng
Khi Mike Pompeo và Steve Mnuchin được phỏng vấn sau đó, hai ông này nở nụ cười rất tươi vì cũng bất đồng với John Bolton. Ngoại trưởng Pompeo công khai xác nhận điều đó. Ngoài quan điểm chính trị, những người không ưa ông Bolton tố cáo ông đã hạn chế những trao đổi với bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao.

Chủ trương mạnh bạo của John Bolton, vốn là luật sư, là một bất lợi trước vị tổng thống thích mang hình ảnh oai hùng nhưng lại ngại dùng đến vũ lực. Việc John Bolton được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quồc gia hồi tháng 3/2018 cũng gây ngạc nhiên là vì thế.

Nhân vật luôn quyết liệt chủ trương phải đánh Irak hồi năm 2003, lại tham gia ê-kíp của một tổng thống không ngừng tố cáo « quyết định tồi tệ nhất » từ trước đến nay của Hoa Kỳ. Và ngược với Donald Trump, John Bolton chưa bao giờ nghi ngờ ý định gây ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử Mỹ, trung thành với tâm lý hoài nghi xưa nay của phe bảo thủ đối với Matxcơva.

Vừa được bổ nhiệm, ông đã cản trở sự khởi đầu xích gần lại với Bắc Triều Tiên, đặt ra điều kiện tiên quyết cho đối thoại là « giải pháp Libya ». Có nghĩa là phải đưa ra khỏi đất nước toàn bộ kho vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng, theo kiểu mà Mouammar Kadhafi đã chấp nhận năm 2003. Một mệnh lệnh được Kim Jong Un cho là không thể chấp nhận.

Một năm sau, John Bolton chỉ trích việc Kim Jong Un liên tục cho bắn các hỏa tiễn tầm ngắn. Trong khi khoe khoang về quan hệ tốt đẹp với nhà độc tài Bắc Triều Tiên, Donald Trump lại giảm nhẹ tầm vóc các sự kiện này. Hồi tháng Năm, Trump nói : « Bắc Triều Tiên đã bắn đi những hỏa tiễn nhỏ gây khó chịu cho các đồng bào của tôi và những người khác, nhưng tôi thì không ».

Vị cố vấn an ninh cũng không thấy xuất hiện bên cạnh tổng thống trong chuyến thăm lịch sử vùng phi quân sự chia cách hai nước Triều Tiên hồi tháng Sáu. Lúc đó ông đi thăm Mông Cổ, để cổ vũ chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.

Trump : « Chính tôi phải can John »
Bị đặt ra bên lề trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, John Bolton chú tâm vào châu Mỹ, hồi tháng 11/2018 đã tố cáo « bộ ba bạo chúa » gồm Cuba, Nicaragua và Venezuela.

Tuy vậy vị cố vấn an ninh quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu đối với Nicolas Maduro, người đứng đầu một nước đang lụn bại. Đòn ngoại giao ngoạn mục hồi tháng Giêng, công nhận tổng thống lâm thời Juan Guaido, cấm vận dầu lửa Venezuela – vụ trừng phạt nặng tay nhất, và cả âm mưu nổi dậy trong nội bộ hồi tháng Tư, đều chưa thể làm Maduro phải ra đi.

Sự bất lực này rốt cuộc làm tổng thống Mỹ bực tức. Hôm 9/5 ông Trump nói : « John rất giỏi. John có cái nhìn cứng rắn, nhưng không sao. Thực tế chính tôi là người phải can ông ấy, điều này thật khó tin. Tôi có John và có những người khác ôn hòa hơn, và cuối cùng tôi là người quyết định ». Trump nói đùa với một cố vấn : « Nếu John quyết định tất cả, thì chúng ta đang trong bốn cuộc chiến tranh ». Tổng thống nhắc lại nguyên tắc hoạt động : cứ để mọi người đưa ra những ý kiến trái ngược nhau, và rốt cuộc ông sẽ định đoạt theo trực giác.

Hai hồ sơ khác là Iran và Syria. Trước khi tham gia chính quyền Donald Trump, John Bolton công khai đề nghị « tiên hạ thủ vi cường », không kích các địa điểm nguyên tử của Iran, và ủng hộ phe đối lập lưu vong vốn đang kêu gọi thay đổi chế độ Teheran. Tháng 9/2018, ông đòi duy trì lực lượng đặc biệt Mỹ ở Syria để chống lại tham vọng khu vực của Teheran. Bolton khẳng định : « Chúng tôi sẽ không ra đi một khi quân Iran cũng như các lực lượng dân quân mà Teheran hỗ trợ vẫn còn ở bên ngoài biên giới Iran ». Ba tháng sau, tổng thống Trump loan báo sẽ rút quân ngay lập tức, rồi lại rút lời sau khi bị chỉ trích.

Phản đối giải pháp lật đổ chế độ Teheran, Donald Trump thường xuyên nêu ra khả năng thương lượng với ban lãnh đạo một đất nước mà ông cho là có tiềm năng rất lớn về kinh tế. Trump không loại trừ khả năng gặp tổng thống Iran nhân Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng Chín năm ngoái.

Ra đi ngay sau một thành công hiếm hoi
Sự kiện đầy nghịch lý là John Bolton bị cách chức ngay sau một thành công hiếm hoi : loan báo bất ngờ hôm 7/9, hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh bí mật dự kiến tại trại David. Donald Trump định tiếp chính quyền Afghanistan và phe Taliban để mở ra con đường cho việc rút quân Mỹ, một cam kết trong chiến dịch tranh cử. Theo báo chí Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia phản đối sự hiện diện của phe Taliban tại một địa điểm mang tính biểu tượng trong lịch sử nước Mỹ.

Ý tưởng tổ chức cuộc họp này được xúc tiến bởi ngoại trưởng Mike Pompeo, vốn lo cho tương lai chính trị của mình, ủng hộ. Còn John Bolton, 70 tuổi, không hề có tham vọng bầu cử, biết rằng ông đang giữ chức vụ cao nhất trong sự nghiệp của mình và không sẵn sàng nhân nhượng. Loan báo hủy bỏ cuộc gặp làm hài lòng phe « diều hâu » trong đảng Cộng Hòa.

Trong bài xã luận hôm nay 11/9, Wall Street Journal lấy làm tiếc về sự ra đi của một nhân vật có thể ngăn cản tổng thống phản ứng theo trực giác. Nhật báo Mỹ khẳng định « Thế giới đã trở nên nguy hiểm hơn ».

Cựu đặc phái viên Hàn Quốc về nguyên tử Kim Hong Kyun cho rằng : « Tuy không phải ai cũng thích ông Bolton, nhưng ông là thành lũy chống lại một thỏa thuận nửa vời với Bắc Triều Tiên » vốn nhiều thủ đoạn.

Cánh diều hâu của Cộng Hòa còn thất vọng hơn khi loan báo về việc ông John Bolton ra đi được những kẻ thù bất cộng đáy thiên của ông thích chí ra mặt.

Một quan chức chế độ Maduro nói với hãng tin AP : « Một ngày như thế này, cố tổng thống Hugo Chavez sẽ rất vui mừng ». Bộ trưởng Kỹ nghệ Venezuela, Tareck El Aissami, người bị ông Bolton tố cáo là buôn lậu ma túy, gọi ông là « kẻ nói dối số một ». Tương tự, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nói rằng Bolton là « người mắc bệnh nói dối ». Nhưng các nhà phân tích cảnh báo, nếu người thay thế ông John Bolton là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiệu quả, sẽ là mối đe dọa lớn hơn đối với chính quyền Maduro và các nhà độc tài khác.

Một cố vấn của tổng thống Iran Hassan Rohani viết trên Twitter, việc ông Bolton bị gạt ra ngoài lề « là dấu hiệu rõ ràng cho sự thất bại của chiến lược gây áp lực tối đa của Mỹ ».  Tuy vậy ông Mike Pompeo nhắc lại, không có việc Hoa Kỳ bỏ đi áp lực này.

Về phía Việt Nam, chúng ta không quên John Bolton chính là quan chức ngoại quốc đầu tiên lên tiếng trong vụ tàu Trung Quốc xâm nhập bãi Tư Chính. Hôm 20/8, Bolton tuyên bố : « Các nỗ lực cao độ mới đây của Trung Quốc để hăm dọa các quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên của họ, là rất đáng ngại. Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ những ai đang đương đầu với các hành vi cưỡng bức, và chiến thuật đe dọa » gây nguy hại cho hòa bình và an ninh khu vực.

-------------------------------------

Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 11-09-2019 

Năm tờ báo lớn, năm tựa trang nhất khác nhau, trọng tâm chú ý của báo Pháp ra ngày hôm nay, 11/09/2019 quả là rất phân tán. Nhưng nếu có một sự kiện tương đối có sức hút, dù không được đưa lên trang nhất, thì đó là vụ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton rời Nhà Trắng, được tổng thống Trump loan báo hôm qua.

Nhật báo Libération chạy tựa « Sau khi diều hâu Bolton ra đi, Donald Trump bay một mình ». Đối với tờ báo cánh tả Pháp : « Vụ cách chức viên cố vấn an ninh quốc gia rất hiếu chiến cho thấy sự rối loạn trong chính quyền Trump, trước lúc mở ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ».

Nhật báo cánh hữu Le Figaro thì ghi nhận trong tít : « Chỉ bằng một tin nhắn Twitter, Donald Trump chia tay với con ‘diều hâu’ John Bolton ». Tờ báo giải thích : « Các bất đồng ngày càng chồng chất giữa tổng thống Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia của ông ».

Về phần Les Echos, tờ báo này thì nêu vụ ông John Bolton ra đi trong mục tin giờ chót dưới hàng tựa ngắn gọn : « Trump chia tay với John Bolton ». Tờ báo kinh tế cho rằng tổng thống Mỹ nghi ngờ là cố vấn an ninh của ông « muốn lôi kéo đất nước vào một cuộc chiến tranh mới ».

Riêng hai tờ Le Monde và La Croix không thấy nói đến vụ việc trên báo giấy, có lẽ vì lên khuôn sớm, nhưng đã nêu bật thông tin này trên trang web.

John Bolton xin từ chức hay bị cách chức ?
Bài phân tích của Libération có lẽ nêu rõ hơn cả những khía cạnh khác nhau của vụ chia tay, đặc biệt là các bất đồng giữa Donald Trump và John Bolton, thói quen cách chức cộng sự viên của tổng thống Mỹ. Tờ báo trước hết nêu bật tranh cãi giữa cố vấn Bolton và tổng thống Trump về vụ chia tay tự nguyện hay bắt buộc.

Theo Libération, như thông lệ, ông Donald Trump đã thông báo quyết định trên mạng Twitter. Trưa thứ ba, ông cho biết đã thông báo cho ông Bolton vào tối hôm trước rằng ông « không cần đến sự giúp đỡ » của vị cố vấn an ninh quốc gia nữa, và ông đã « đề nghị ông Bolton nộp đơn từ chức », điều mà ông Bolton đã làm vào sáng thứ Ba.

Trái với ông Trump, ông Bolton đã cho biết là chính ông đã đề nghị từ chức vào tối thứ Hai và được ông Trump bảo rằng « Ngày mai hãy tính ». Và qua thứ Ba, vài phút sau khi biết tin ông bị cách chức, ông Bolton đã gửi tin nhắn cho các phóng viên, trong đó có phóng viên của báo Washington Post, cho biết rằng ông « sẽ lên tiếng khi cần thiết ».

Đàm phán với Taliban : Giọt nước tràn ly
Về những bất đồng giữa tổng thống Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia của ông, báo Libération cho rằng xung khắc giữa hai người mang tính chất cơ bản :

Theo tờ báo Pháp, nêu cả hai cùng chia sẻ thái độ nghi kỵ chủ nghĩa đa phương, thì quan điểm hiếu chiến của ông Bolton, thường được gọi là quan điểm « diều hâu cực đoan », dường như không hợp với chủ trương co thủ biệt lập của ông Trump. Trong thời gian ở Nhà Trắng, ông Bolton đã để lại dấu ấn của ông trong việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một tháng sau khi ông nhậm chức.

Tờ New York Times hôm thứ Ba viết rằng « Trump từ lâu đã phàn nàn riêng rằng Bolton quá thiên về việc đẩy Mỹ vào một cuộc chiến mới ». Donald Trump còn nói đùa trước mặt một cố vấn xin ẩn danh : « Nếu John quyết định tất cả mọi thứ thì ngày nay, chúng ta sẽ phải tham gia bốn cuộc chiến ». Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Rand Paul, người rất chỉ trích Bolton, nói rằng sự ra đi của ông « làm giảm đáng kể khả năng xảy ra chiến tranh thế giới ».

Xung khắc đang gia tăng trong những tháng gần đây giữa Tổng thống và cố vấn của ông. Bolton luôn không hài lòng với mối quan hệ của Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Sự vắng mặt của ông được chú ý vào cuối tháng 6, trong cuộc gặp giữa Trump và Kim tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.

Mười ngày trước đó, sau khi đã đồng ý, tổng thống Trump đã hủy bỏ một chiến dịch không kích ở Iran được ông Bolton khuyến khích.

Bất đồng mới nhất, có thể là giọt nước tràn ly, là các cuộc đàm phán hòa bình không thành với các đại diện của Taliban, được dự trù cuối tuần này tại Camp David. Tổng thống Trump tuyên bố đã hủy bỏ thương thảo sau một cuộc tấn công do Taliban tự nhận là tác giả đã giết chết một lính Mỹ. Thế nhưng Bolton là người đã phản đối mạnh mẽ việc mời các lãnh đạo Taliban đến tư dinh của tổng thống.

77% cộng sự viên chủ chốt từ chức hay bị cách chức
Đối với Libération, ông Bolton đã ghi tên mình vào danh sách càng lúc càng dài của các cộng sự viên mà ông Donald Trump cách chức, điều chưa từng thấy tại Mỹ :

Sự ra đi của Bolton chỉ là sự kiện mới nhất trong một loạt vụ từ chức và cách chức. Theo nhóm nghiên cứu của viện Brookings, tỉ lệ ra đi trong nhóm cộng sự viên chính được ông Trump bổ nhiệm lên đến 77%. Ngoài ba cố vấn an ninh quốc gia, tổng thống Mỹ đã sa thải ba chánh văn phòng, và nhiều phát ngôn viên. Thành viên chính phủ cũng không thoát. Trong số các vị trí chủ chốt có hai ngoại trưởng và một bộ trưởng Tư Pháp

China Daily : Cái loa thách thức Mỹ về Hồng Kông
Về châu Á, tình hình Hồng Kông vẫn thu hút mối quan tâm của báo Pháp. Nhật báo Les Echos đặc biệt phân tích một bài viết trên tờ China Daily của Trung Quốc cảnh cáo Mỹ rằng « không được đụng vào Hồng Kông », một ví dụ điển hình về cuộc chiến thông tin mà Bắc Kinh đang tiến hành chống phong trào phản kháng tại Hồng Kông.

Tựa đề báo China Daily rõ như ban ngày : « Hồng Kông không phải là sân sau của Mỹ », và nước này phải biết rõ điều đó. Nhật báo tiếng Anh, cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cáo buộc « một số người biểu tình ở Hồng Kông » vi phạm luật pháp, « phá vỡ cuộc sống bình thường, trong khi hàng ngàn người trong số họ đã tạo thành một chuỗi người » để bảo vệ « cái gọi là yêu cầu dân chủ » của họ, gây ra bạo động dữ dội và tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi tổng thống Mỹ « giải phóng » Hồng Kông.

Tờ báo không ngần ngại tố cáo « sự can thiệp của nước ngoài », và cho rằng trong mọi tình huống, Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền của Hồng Kông.

China Daily đã tấn công trực tiếp chủ tịch Hạ Viện Mỹ , bà Nancy Pelosi và thượng nghị sĩ Marco Rubio, bị tờ báo cho là « đã xem các hành vi khủng bố là hành động đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền ». China Daily đã cảnh báo cư dân Hồng Kông chống lại "âm mưu" của Hoa Kỳ.

Theo Les Echos, lời tố cáo cái gọi là bàn tay nước ngoài đó cho thấy rõ sự bối rối của Bắc Kinh khi đối mặt với một tình huống mà họ không còn làm chủ được.

Bắc Triều Tiên thử tên lửa để mời Mỹ trở lại hòa đàm
Cũng về châu Á, Libération chú ý đến Bán Đảo Triều Tiên, một điểm nóng khác đã bị thời sự Hồng Kông che khuất. Trong bài : « Mỹ-Bắc Triều Tiên: Các hoạt động quân sự vẫn tiếp diễn trong khi chờ đàm phán ».

Theo Libération từ 5 tháng nay Bắc Triều Tiên đã quay trở lại với nút bấm tên lửa một cách đều đặn, khiến chúng ta quên rằng từ tháng 11 năm 2017 đến tháng Năm vừa qua, họ đã đóng tên lửa của họ lại.

Phải thừa nhận là Bình Nhưỡng cẩn thận không bao giờ vượt qua lằn ranh đỏ: không thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bị cho là đe dọa lãnh thổ Mỹ, và chọc giận Donald Trump.

Nhưng Kim Jong Un đã bắn tới bắn 19 tên lửa tầm ngắn kể từ ngày 04/05. Các tên lửa KN-23 và KN-25 là những loại có điểm tương đồng đáng lo ngại với Iskander của Nga và Fateh của Iran, những hỏa tiễn địa-đối-địa có khả năng đánh trúng tất cả các quốc gia trong khu vực trong một bán kính 500 km.

Và như vậy Bắc Triều Tiên vẫn có thể « thổi nóng và lạnh » vào trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ, đòi Mỹ trở lại bàn thương thuyết, nhắc nhở là Bình Nhưỡng muốn trở lại bàn đàm phán sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng Hai và sự không hoàn hảo của cuộc họp ngẫu hứng tại Bàn Môn Điếm hồi tháng Sáu.

Tựa lớn trang nhất : Năm tờ năm vẻ
Les Echos thì quan tâm đến Tân Ủy Ban Châu Âu mà danh sách vừa được công bố vào hôm qua. Đối với Les Echos, tân chủ tịch Ủy Ban, bà Ursula Von der Leyen đã « Đặt cược trên một châu Âu hùng mạnh », tựa chính trang nhất. Tờ báo ghi nhận những cam kết của người giữ chức vụ tương đương với một thủ tướng chính phủ, là sẽ xây dựng một châu Âu xanh, có công nghệ cao và có nhiều cao vọng trên sân khấu thế giới. Tờ báo Pháp không quên nhắc lại rằng bà Sylvie Goulard người Pháp, sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hồ sơ công nghiệp và quốc phòng.

Trang nhất báo Libération là một bức ảnh đen trắng của một người đàn ông đã luống tuổi, mặc quần đùi, đi chân đất, đứng chống một chân lên cái cản phía sau một chiếc xe Hoa Kỳ kiểu cũ. Đó là ảnh chụp nhiếp ảnh gia Robert Frank vừa qua đời. Tựa lớn trên trang báo : Robert Frank : Thế Hệ Huyền Thoại – Mythe Generation, mô phỏng Beat Generation – Thế hệ Beat, một phong trào văn hóa, văn học xuất hiện tại Mỹ trong thập niên 1950. Tờ báo giới thiệu ngay : Vĩ nhân của ngành nhiếp ảnh, đại diện tối hậu của thế hệ Beat đã qua đời hôm thứ Hai (ngày 09/09/2019) thọ 94 tuổi.

Báo Le Monde cũng nhìn sang Mỹ, nhưng lại dành tựa chính cho sự kiện : « 50 công tố viên Mỹ tấn công Google ». Bên trong tờ báo đã giải thích lý do vì sao Google lại nằm trong tầm ngắm của 50 công tố viên Hoa Kỳ : Đó là vì tập đoàn này bị cho là đã lạm dụng tư thế độc quyền để thống trị tất cả các khía cạnh của quảng cáo và tìm kiếm trên Internet.

Tờ Le Figaro đã chú ý đến thời sự Pháp, chạy tựa lớn trang nhất « Luật đạo đức sinh học: Vấn đề đẻ thuê khuấy động cuộc tranh luận ». Tờ báo Pháp ghi nhận là dự luật về đạo đức sinh học đang nghiên cứu không dự trù việc cho phép đẻ thuê tại Pháp. Thế nhưng chính phủ sẽ có thông tri về việc xác nhận trực hệ các các trẻ em sinh ra ở nước ngoài nhờ hình thức đẻ thuê.

Sau cùng, nhật báo Công Giáo La Croix đã dành trang nhất và hồ sơ chính cho nhân vật lịch sử của Pháp Jeanne D’Arc, một nhân vật mà trong suốt lịch sử Pháp, từ thế kỷ 15 đến nay được đủ mọi khuynh hướng chính trị tôn vinh, từ phe bảo hoàng cho đến những người cách tân, từ giới dân tộc chủ nghĩa, cho đến giới đấu tranh cho nữ quyền.







No comments: