17/09/2019
(VNTB)
- Cô Phạm Đoan Trang vừa nhận được giải thưởng của RSF, với mục
"Lan toả".
Phạm Đoan Trang
Những gì cô Đoan Trang tiến hành trong những năm qua
là đáng kể, trong cả lĩnh vực báo chí và xuất bản. Cô được đánh giá là truyền cảm
hứng tích cực đến không ít bạn trẻ, và là nhà hoạt động trong nước. Đặc biệt là
"cây tinh thần" của nhóm Vì một Hà Nội xanh - một tổ chức hoạt động
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Kể từ thời điểm cô Đoan Trang rời khỏi toà soạn báo
chí quốc doanh, dấn thân vào con đường đấu tranh - vận động cho nhân quyền Việt
Nam, các biến cố xảy ra với cô trùng với những biến cố liên quan đến nhân quyền
Việt Nam.
Đoan Trang từng bị tấn công, thẩm vấn, câu lưu. Thậm
chí, có một thời điểm, cô bị bôi nhọ về mặt nhân phẩm, danh dự liên quan đến một
video ghi lại khoảnh khắc riêng tư của cô.
Và ngày nay, chân của cô vẫn bị tật vì bị an ninh tấn
công.
Đánh giá về những gì cô Đoan Trang làm được, chính
là đánh giá về việc thực hành quyền tự do ý chí của người Việt Nam. Những người
khát khao sự tự do tư tưởng, chán ghét sự chuyên chế, và cầu vọng về một sự đa
nguyên, thịnh vượng.
Bằng sự lựa chọn không hề bằng phẳng, thậm chí có
lúc là thách thức quyền lực của chính đảng ĐCSVN, cô Đoan Trang đã chứng minh rằng,
bằng cách bước qua khỏi sự sợ hãi, nắm vững các quyền con người mà Hiến pháp
quy định, thì nhân phẩm - danh dự - và lòng tự tôn của một công dân sẽ được duy
trì.
Facebooker Hoàng Long chia sẻ: tiến trình hoạt động
của Trang là đáng ngưỡng mộ. Vì Trang là phụ nữ và bị tấn công bạo lực, bị
chính quyền cô lập vì thực hiện quyền của mình.
Facebooker này chia sẻ thêm :
"Điều đáng nói, Trang hay những người bạn như Trang, lại là những cá
nhân đang tìm cách xác lập những quyền mà người dân đáng được hưởng, điều mà
ông Hồ từng tuyên bố cách đây gần 1 thế kỷ."
Điều đó cho thấy rằng, chừng nào cô Đoan Trang còn bị
vây hãm và tấn công bằng cách biện pháp đê hèn, thì khi đó quyền con người sẽ
còn chưa hiện diện tại Việt Nam.
Quay trở lại với giải thưởng ở mục "Lan toả",
mang lại rất nhiều ý nghĩa. Một trong số đó là nhân quyền Việt Nam từng bước một
thoát khỏi sự đơn lẻ trước đây, đã có sự ghi nhận các cá nhân hoạt động trẻ, và
gián tiếp thúc đẩy sự lan toả về tinh thần tự do len lỏi vào các khung kẻ của
xã hội. Điều này là đáng giá, bởi giải thưởng không chỉ là dừng ở ghi nhận, mà
là làm chỗ tinh thần của sự ghi nhận đó truyền cảm hứng cho những người khác.
Facebooker Cao Vĩnh Thịnh, người chịu ảnh hưởng nhiều
từ cô Đoan Trang chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình :
"Bên ngoài Việt Nam họ đang nói về chị, trong buổi lễ trao giải thưởng
cao quý và đáng tự hào nhất - Giải nhà báo tự do. Bên trong Việt Nam chúng em những
người ngưỡng mộ chị, thì đang rưng rưng và cực kỳ xúc động với giải thưởng họ
trao cho chị. Chị quá xứng đáng để có nó vì những gì chị đã và đang cống hiến."
Không có cuộc chiến nào tự nhiên nảy sinh nếu như bối
cảnh xã hội không chứa đựng sự bất bình đẳng và giả dối. Không thể có một xã hội
thịnh vượng và dân chủ khi mà người dân bị buộc sống như một con vật và
"ton hót" qua ngày. Sẽ thật là đi ngược lại quy luật phát triển khi
mà trong không gian thông tin đa chiều xen kẻ vẫn duy trì một lập luận độc tài
và toàn trị về thông tin.
Cô Đoan Trang, với cây đàn guitar, và chân khập khễnh
vì lần tấn công bạo lực trước đó, vẫn là một người lạc quan trong một xã hội
còn lắm hỗn độn, nơi mà cô vẫn kiên trì theo đuổi một cuộc chiến đầy khó khăn,
nhưng cũng trong cuộc chiến đó, đúng như cô Trang thừa nhận, "không nhà báo, cây viết nào phải cô
đơn trong cuộc chiến đấu vì công lý, sự thật và nhân quyền."
No comments:
Post a Comment