Monday, September 9, 2019

PHẢI CHĂNG ĐẢNG CHỈ LÀ CÔNG CỤ (Nguyễn Đình Cống)





Trong bài “Trò chuyện với ông Mahathir” tôi có viết rằng, “đảng chỉ là công cụ”. Ông từ bỏ đảng cũ như cởi một chiếc áo rách và bẩn. Viết bài này tôi xin bàn thêm.

Đảng là công cụ của ai? Thưa rằng, là của một người hoặc một nhóm các chính trị gia. Họ lập ra đảng và điều hành nó nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị. Tại các nước đa đảng thì điều này là khá rõ ràng. Còn đối với các nước độc đảng theo chủ nghĩa Mác Lê thì sao, phải chăng các đảng đó cũng chỉ là công cụ?

Đảng theo chủ thuyết Mác, dù lấy tên là Cộng sản, Lao động hay tên khác, thì cũng đều theo hình mẫu “đảng kiểu mới” do Lê Nin vạch ra, đó là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là đảng lãnh đạo cách mạng vô sản. Người ta đưa ra các khái niệm giai cấp lãnh đạo, đảng lãnh đạo. Người ta tôn đảng thành một tổ chức thiêng liêng. Đó là những nhầm lẫn vô cùng tai hại.

Khái niệm giai cấp lãnh đạo đã tỏ ra là một ngụy biện bậc cao, một sự lừa bịp nguy hiểm. Khái niệm đảng lãnh đạo là mơ hồ. Khi chưa giành được chính quyền thì sự lãnh đạo của đảng thông qua việc đề ra đường lối rồi tuyên tuyền, vận động thực hiện. Khi đã có chính quyền thì sự lãnh đạo cũng bắt đầu bằng việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, soạn ra các nghị quyết rồi thông qua hệ thống chính quyền để thực hiện, bằng cách biến các nghị quyết của đảng thành luật pháp, bằng công tác chính trị tư tưởng, bằng kiểm tra.

Gốc gác nhất, quan trọng nhất của lãnh đạo là “đề ra đường lối”. Vậy đảng hay ai đề ra nó? Đảng là một tổ chức. Tổ chức thì cụ thể, nhưng nói đảng đề ra đường lối thì đảng ở đây lại không cụ thể mà chỉ là một cái tên. Một đường lối nào đó mang danh là của đảng thì không phải do tổ chức đảng đề ra. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách đều bắt đầu bằng ý tưởng của một người hoặc của một nhóm nhỏ người.

Dù ban đầu có nhiều người cùng suy nghĩ thì tại một nơi cũng chỉ có một người đề xuất đầu tiên (có thể tại các nơi khác nhau có vài người cùng đề xuất), sau đó họ thảo luận, bổ sung, sửa đổi, để trở thành ý kiến tập thể của một nhóm người. Rồi đường lối đó được phổ biến cho toàn đảng. Thề là thành đường lối của đảng.

Như vậy đảng chỉ nhận vờ. Thực sự của việc đề ra đường lối của việc lãnh đạo là của một người hoặc một nhóm người ở trên cao. Đó là Lãnh tụ, là Bộ Chính trị. Vậy phải chăng sự lãnh đạo là của một nhóm các chính trị gia, còn đảng là công cụ của họ.

Nêu ra ý kiến trên đây tôi hy vọng góp phần xóa ý tưởng cho rằng, đảng là vô cùng thiêng liêng, xóa nỗi lo “thà mất nước còn hơn mất đảng”. Tôi thiết tha mong muốn các nhà nghiên cứu chính trị, các học giả phản biện và làm sáng rõ vấn đề này.

Về đảng CSVN, người ta tuyên truyền rằng, Dân tộc VN đã sinh ra nó. Tôi nghĩ có lẽ không phải. Nó là sản phầm ngoại lai, được nhập vào trong lòng dân tộc. Ban đầu, nhờ ẩn nấp vào lòng yêu nước nó được dân tộc cưu mang, nhưng rồi khi nắm được chính quyền thì những người ở trên chóp bu của đảng đã vì ý thức hệ mà biến nó thành công cụ để thống trị , tự đặt mình cao hơn Dân tộc. Liệu một dân tộc có lịch sử quật cường như Dân tộc Việt Nam có chấp nhận mãi điều này, đem một loại công cụ để thờ tự trên cả Tổ tiên.





No comments: