Phan Nhật Nam
September 15, 2019
Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở Little Saigon, nơi sẽ
diễn ra lễ vinh danh 81 tử sĩ Nhảy Dù của quân lực VNCH. (Hình: Getty Images)
Để nhớ ngày 14, 15, 16 Tháng Chín,1972 nơi Quảng Trị…
“Cờ Bay! Cờ Bay. Vừa chiếm lại hôm qua bằng máu!”
Dẫn nhập
Sau ngày mãn khóa Trường Đà Lạt, 23 Tháng Mười Một,
1963, tôi qua tuổi hai mươi về trình diện Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù ở Biên Hòa, giữ
chức Trung Đội Trưởng Đại Đội 72, chức vụ thấp nhất của hệ thống chỉ huy lục
quân. Từ giờ phút mang chiếc sac marin đi giữa hai hàng lính nhảy dù vào văn
phòng tiểu đoàn trưởng cuộc đời tôi hoàn toàn đổi khác…
Nay 63 năm sau, một ngày Tháng Chín, nhân qua kỳ
sinh nhật 77 tuổi (9 Tháng Chín, 1943-2019, ngồi vô tình (nhưng không phải là
“vô cớ” – Sẽ trình bày rõ “không phải là vô cớ” ở phần cuối bài viết) nhớ lại
khoảng thời gian, quãng đời thăm thẳm trải qua với những biến cố chung của thảm
kịch Việt Nam, của Miền Nam với cảm giác bàng hoàng, kinh ngạc, hãi sợ… đến mức
nói ra lời: “Sống như vậy chết còn hơn nhẹ hơn…” Không dám nói lời ngoa ngôn, tự
xưng tụng, vì đây chỉ là những vụ việc đã xảy ra, thường hằng qua thân phận Người
Lính/ Người Lính Bình Thường đã Sống/ Chiến Đấu/ Chết Với Miền Nam/ Tổ Quốc Việt
Nam/ VNCH – Ngay tại hôm nay. Xin chứng minh.
Một
Ngày 11 Tháng Sáu, 1965, đụng trận Đồng Xoài (Quận
Đôn Luân, Bình Dương), Đại Đội 72 chịu chung nghiệt cảnh của Tiểu Đoàn 7. Đơn vị
rơi vào phục kích của Q762 (Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 7 Bộ Binh thuộc Trung Ương
Cục Miền Nam, dưới quyền của Trần Văn Trà). Sau khi rút kinh nghiệm từ Trận Bình
Giã, Phước Tuy, giao chiến với TĐ4/TQLC và Biệt Đông Quân (Tháng Mười Hai,
1964), phía cộng sản vùng Bình Dương, miền Đông Nam Bộ chuẩn bị trận địa Đồng
Xoài từ đầu năm 1965.
Đơn vị cộng sản đánh Đồng Xoài đã thực tập trên sa
bàn, xong tập điều động trên thực địa… Đến ngày 10, lực lượng Trung Đoàn 2 được
tăng cường thêm một tiểu đoàn địa phương, tấn công chiếm đóng một phần Chi Khu
Đôn Luân, tiếp tổ chức phục kích quân nhảy dù tăng viện. Thế nên, chỉ trong một
giờ, Tiểu Đoàn 7 bị thiệt hại nặng với 14 sĩ quan, chết, bị thương, bị bắt. Từ
tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, sĩ quan hành quân trở xuống đến cấp trung đội
trưởng, trừ Đại Đội Trưởng ĐĐ74, (Đại Úy L.V. Phát). Đại Đội 72 chỉ còn khoảng
10 người! Bản thân là viên thiếu úy mang cấp bậc cao nhất còn lại với Chuẩn Úy
Dương Văn Chánh.
Chánh là em của phu nhân Dương Thị Thanh, Người Bạn
Đời Chiến Đấu với Tướng Quân Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Chuẩn
Tướng Tư Lệnh Trương quang Ân nguyên là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 từ 1960;
tiếp Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2 ND, Đại Tá Tỉnh Trưởng Gia Định, 1966 trước
khi nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Nhị vị đồng hóa thân trong lửa vào
Ngày 8 Tháng Chín, 1968 trên chiến địa Đức Lập; phu nhân Dương Thị Thanh cũng
là một Nữ Quân Nhân Nhảy Dù.
Như một cách an ủi, nâng đỡ, được chỉ định giữ chức
Quyền Đại Đội Trưởng Đại Đội 72. Đại đội trưởng thì cũng chỉ biết ngồi ôm mấy
nhỏ con lính khóc tấm tức nơi văn phòng đại đội trống vơ trống vốc. Bà vợ viên
Trung Sĩ Trung Đội Phó Tăng Màn Tài phải khuyên can. Thôi thiếu úy đừng khóc nữa
bình tâm để mà lo cho mấy ông! Để tránh cái huông của TĐ7, Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn
(chưa thành đơn vị Sư Đoàn) đặc cách cho Thiếu Úy Nam Xương (danh hiệu truyền
tin chết tên cho đến hôm nay dẫu quá lâu không mặc áo lính) lên Trung Úy, chuyển
về Tiểu Đoàn 9 tân lập ở Sài Gòn giữ chức Đại Đội Trưởng ĐĐ93/TĐ9.
Chuẩn Úy Chánh ở lại Đại Đội 72 với quân số mới bổ
sung, đặt dưới quyền của Trung Úy Phạm Ngọc Bích từ Tiểu Đoàn 3 (Sài Gòn) chuyển
về. Nguyên ĐĐ72 do Trung Úy Trần Quốc Lịch đưa về Biên Hòa khi Tiểu Đoàn 7
thành lập, 1960. Cũng do người ở Bộ Tư lệnh có quan niệm: Đại Đội 72 nguyên của
tiểu Đoàn 3 (thì) đưa người chỉ huy của Tiểu Đoàn 3 về chỉ huy sẽ được phần tâm
lý tin cậy.
Ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965 (lại một ngày 11), toàn
thể đại đội 81 người đồng tử nạn phi cơ trong chuyến bay từ Phú Bổn về Tuy Hòa.
Năm 1974, 14 bao đựng xác được thu hồi, nhưng mãi đến năm 2012, tất cả mới được
nhận dạng, xác định tính danh. Năm nay (2019) được phía Bộ Quốc Phòng Mỹ thông
báo chính báo chính thức. Tôi đọc danh sách tử sĩ rơi máy bay năm 1965, nhớ lại
cách ân cần của Trung Đội Phó Tăng Màn Tài (gốc người Nùng). “Mầy thiếu úy có
ăn cơm không tao nấu cho.” hoặc lời thở than của hai Binh Nhất Phan Niên, Phan
Thỏn (mang đạn đại liên). “Ôn ơi (Thiếu Úy Nam), ở ngoài mền (ở Quảng Trị),
nghèo quá, tên không có chữ lót!!”
Tháng Chín, 2019, Nhân Đại Hội Nhảy Dù nơi vùng Nam
Cali, tôi viết lại tình thế của người, việc thuộc Đại Đội 72/TĐ7ND của 52 năm
trước; Viết xong đề ngày, tháng trước khi gởi đi: 4/9/19 – Đúng KHÔNG SAI MỘT SỐ
– Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù – KBC 4919.
Linh Thiêng Người Lính không ngừng lại nơi yếu tố số
hiệu 4919. Đại Đội 72/ Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù được tái hiện thực ở phần viết sau.
Hai
Những ngày Tháng Tư, Năm năm 1976, đám tù cấp đại úy
ở Trại Long Giao, Long Khánh rơi vào tình trạng “chết trong cảnh sống” có thật
trong sau đợt biên chế chuyển số lượng người thuộc thành phần “tiến bộ” đi những
nơi nào không rõ. Thành phần đông đúc còn lại nhìn quanh quất đồng thấy ra… “Chết
rồi, chỉ còn tụi mình, dân “ác ôn, mang nợ máu với nhân dân. Theo định giá tội
danh nặng nhẹ của cộng sản: “Nhất rằn ri, nhì phi pháo!” Cả bọn ngưng đi lao động
bên ngoài, ngày ngày ngồi thấp thỏm nhìn ra hàng rào chập chùng thêm nhiều lớp
kẽm gai… Công việc duy nhất là đào giao thông hào ở những nơi khuất vắng. Giao
thông hào sâu 3 thước, bề ngang chỉ vừa một thân người! Đám tù xì xào. Bọn nó bắt
mình đào hầm chôn tập thể đây. Từ hầm hào, Nam Xương nhìn lên chỉ thấy một khoảng
trời xanh với cảm giác rã rời. Không lẽ đời mình xong ở đây?! Với loại hầm nầy
không cần phải bắn bỏ gây tiếng động, chỉ cần chốn sống, lấp đất là xong như ở
Trường Gia Hội, Huế, Tết Mậu Thân 1968 chính bản thân đã chứng kiến.
Ngày 19 Tháng Sáu năm 1976, từ đầu đêm lệnh khẩn cấp
di chuyển với đoàn xe trùm bạt phủ kín đợi sẵn. Đám tù trại Long Giao thì thầm
an ủi. Như vậy nó không bắn, chắc di chuyển mình đi chỗ khác?! Đi đâu với hai
bánh lương khô như thế nầy. Không biết? Xe di chuyển về hướng Sài Gòn thấp
thoáng ánh đèn nơi xa, người ngồi sau thùng xe, hé tấm bạt nhìn ra ngoài xì xào
thông báo.. Xe tới bến Tân Cảng. Chắc nó đưa mình đi Côn Đảo… Cũng được an ủi,
còn ở Miền Nam!!
Nam Xương bước xuống xe nhìn về hướng Sài Gòn. Đâu
là Tân Định? Đâu là Phú Nhuận? Nhà mình nơi đâu, vợ con như thế nào từ Tháng
Sáu năm ngoái, 1975?! Mới một năm mà sao đã ngàn dặm thăm thẳm xa cách. Sài
Gòn, Bến Tân Cảng như một chốn không còn. Một nơi không phải của Miền Nam?! Đám
tù chập choạng bước lên cầu thang xuống hầm tàu Sông Hương. Ngàn con người bước
đi không tiếng động. Xác ma cũng chỉ có khối im lặng thắm đậm nầy… Ùm! Ùm!! Âm
động của khối nặng rơi xuống nước.. Súng nổ giòn, đường đạn bay xuống mặt sông…
Đám lính áp tải cao giọng… Khẩn trương! Khẩn trương… Thúc hối đám tù đang đợi
trên sàn bến cảng chờ lên tàu.
Nam Xương tựa vào sàn cầu thang, nhìn xuống mặt đen
chập choạng ánh sáng bên mạn tàu. Cũng không khó bước chân qua, và lao mình xuống!
Anh vụt thấy ánh sáng của Sài Gòn rực rỡ, hùng tráng. Ngày bao hùng binh tiến
lên… Đoàn quân uy nghi qua khán đài… Chào tay… Chào! Trung Úy Phan Nhật Nam đưa
tay chào lẫm liệt qua vành nón Mũ Đỏ Nhảy Dù theo lệnh Đại Úy Liêu Quang Nghĩa!
Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, 1965 – 11 năm trước. Hôm nay, Ngày Quân Lực 19
Tháng Sáu, 1976. Ngày bao hùng binh tiến lên! Người Tù Phan Nhật Nam vững vàng,
thản nhiên bước lên cầu thang, vào hầm chở súc vật tàu Sông Hương với nhắc nhở
tự thân: Mình lên Trung Úy Ngày Quân Lực -19 Tháng Sáu năm 1965 sau Trận Đồng
Xoài.
Ba
Những ngày Tháng Chín, 2019 nơi vùng Nam Cali dày đặt
những sự kiện… Danh Dự Người Lính VNCH bị những thành phần vô lại hạ nhục với tất
cả hạ tiện, thô tục. Cay đắng hơn, không thiếu sự tiếp tay (vô tình và hữu ý) của
những người từng mặc áo lính, được gọi là “chiến hữu” nay chỉ mặt, cáo buộc lẫn
nhau chung một tội danh “cộng sản.” Thủ Đô Người Việt Tỵ Nạn vắng mặt toàn thể
hệ thống Nhà Xuất Bản in sách, phổ biến văn hóa phẩm của các tác giả Miền Nam
trước 1975. Các trung tâm sản xuất băng, dĩa CD, DVD chủ đề Nhạc Vàng đồng loạt
đóng cửa; Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa hằng năm
mất hẳn một nửa khí thế vì thành phần ca nhạc sĩ (chuyên hát miễn phí) của
Trung Tâm ASIA, SBTN đã bị phân tán, không thể tập trung, tổ chức lại. Dọc Dường
Bolsa, Thành Phố Garden Grove, Westminster, những quán ăn đi từ Sài Gòn sau 30
Tháng Tư, 1975 nay phần lớn đã đổi chủ. Chủ nhân và thành phần người làm mới có
cung cách, ngôn ngữ “chiêu đãi, phục vụ “vô tư” của Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng…
nay đang dần “Trung Quốc lai”. Lòng nặng trĩu tâm lý, phản ứng của những ngày
Tháng 3, 1975 khi đứng trên đèo Hải Vân, sáng 30 Tháng 4, 1975 đứng trước Hạ Viện
Sài Gòn thấy ra lần… Thật Chết Với Quê Hương!
Nhưng linh thiêng kỳ diệu thay, báo chí Miền Nam
Cali đồng phổ biến bản tin… “Hài
cốt 81 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị lãng quên trong hơn nửa thế kỷ qua sẽ được
vinh danh trong một buổi lễ tại Tượng Đài Việt Mỹ ở Westminster Ngày 26 Tháng
Mười, 2019.”
Bản tin căn cứ từ bài viết trung hậu cao thượng của
Jim Webb – Ông vốn là Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến từng chiến đấu tại Nam Việt
Nam; trở về Mỹ, được nghỉ hưu vì thương trận, ông trở thành Thượng Nghị Sĩ Đảng
Dân Chủ, đại diện Tiểu Bang Virginia; từng giữ chức Bộ Trưởng Bộ Hải Quân; Phụ
Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Phụ Trách Văn Phòng Trừ Bị… Nhưng dẫu phụ trách những
chức vụ cao trong chính quyền cũng như quốc hội, Jim Webb do dấu tích không phải
nhạt của chiến tranh Việt Nam, cũng do Phu Nhân Hồng Lê với tấm lòng thắm thiết
đối với Việt Nam, với Miền Nam, Jim Webb đã viết nên lời cảm kích: “Tưởng Nhớ
Những Người Lính Bị Bỏ Quên Của Miền Nam Việt Nam” (Remember South Vietnams
Forgotten Soldiers).
Ông nhắc lại sự việc thương tâm bi tráng… “Chiếc vận
tải cơ C-123 của quân đội Hoa Kỳ bị bắn rơi trong Chiến Tranh Việt Nam, mang
theo những quân nhân đồng minh của chúng ta bị mất tích từ đó đến nay. Những
hài cốt của họ không có quê hương. Biết vậy nên tôi phải hành động. Jim Webb
nêu lên nguyên lý trung hậu từ William Gladstone, một thủ tướng Anh trong thế kỷ
thứ 19: “Chỉ cho tôi xem cách thức một quốc gia hay một cộng đồng chăm sóc những
người chết của họ. Tôi sẽ đo lường với sự chính xác mức độ cảm thông tế nhị của
những con người sống trong cộng đồng đó, sự tôn trọng luật pháp của họ đối với
đất nước, và sự trung thành của họ đối với những lý tưởng cao cả.” Jim Webb
không nói lý thuyết xuông, ông thực hiện nên thành hành vi cao thượng: Qua nhiều
năm vận động giới lập pháp, hành pháp Mỹ.., vào ngày Thứ Sáu, 13 Tháng Chín,
2019, một chiếc phi cơ của Không Quân Hoa Kỳ sẽ chuyên chở hài cốt trộn lẫn của
81 quân nhân nhảy dù thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ Hawaii, nơi mà họ đã
được cất giữ trong cơ sở của quân đội trong hơn 33 năm qua đến California. Và
vào Ngày 26 Tháng Mười, một buổi lễ tưởng niệm và vinh danh trang trọng theo
nghi thức quân đội sẽ được tổ chức dành cho những Người Lính đã hy sinh tại
Westminster, tại Little Saigon.
Kết từ
Hóa ra anh linh người lính đã vô cùng linh hiển…
Ngày 13 Tháng Chín năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị
qua rạng sáng sáng 14 Tháng Chín, từ những căn hầm chiến đấu người lính thấy rừng
rực lá cờ Vàng Ba Sọc bay uy nghi trong gió sớm lẫn màn khói đạn, bom chưa tan
hẳn. Họ thấy cay cay trong mắt với cảm giác nôn nao thầm lắng. Cảm giác muốn
khóc về một điều bi phẫn. Những khuôn mặt chai cứng, hư hao, loang lổ khói đạn,
bụi đất đồng duỗi ra theo độ sáng của ngày với vẻ kiên cường kiêu hãnh xen lẫn
đau đớn kìm giữ. Người Lính nhìn xuống những xác binh sĩ đồng bạn mới đem về, nằm
bó gọn trong những poncho phủ bụi đất, bê bết máu.
Nay, Ngày 13 Tháng Chín, 2019 Đồng Bào Tỵ Nạn Cộng Sản
vùng Little Saigon tiếp nhận hài cốt của 81 Người Lính Nhảy Dù đã hy sinh để
hôm nay có được Tự Do trên đất Mỹ.
Công việc mà Người Chiến Hữu Jim Webb đã thực hiện với
một tấm lòng do suy nghĩ viết ra lời cao quý… Nếu Người Mỹ không chỉ chăm sóc
cho những người chết của mình mà còn chăm sóc những người từng chiến đấu cùng với
chúng ta. Những người lính vô danh VNCH xứng đáng được tưởng nhớ với danh dự và
nhân phẩm. Buổi lễ sắp tới sẽ đi xa hơn việc tưởng nhớ sự hy sinh và hành trình
dài năm thập niên của Người Lính VNCH đã hy sinh mạng sống khi còn trẻ tuổi cho
lý tưởng tự do cho một quốc gia mà nay đã không còn. Cuộc hành trình buồn nhưng
vĩ đại của những người lính bị lãng quên từ trận địa Việt Nam sẽ mang đến một kết
cục cho nhiều người khác đã tự trả giá và tìm đường đến nước Mỹ để được sống Tự
Do.
Thưa cùng Chiến Hữu Jim Webb về một điều rất Linh
Thiêng mà ông không nói ra: 26 Tháng MƯỜI là QUỐC KHÁNH ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA, 26
THÁNG MƯỜI, 1955. (Phan Nhật Nam)
No comments:
Post a Comment