Saturday, September 14, 2019

KIỀU CHINH : NỮ DIỄN VIÊN 'HUYỀN THOẠI' CỦA VIỆT NAM (Hà Vũ)




14/09/2019

Nữ tài tử Kiều Chinh là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Sinh năm 1937, nữ diễn viên Kiều Chinh (tên thật là Nguyễn Thị Chinh) là một trong những diễn viên ‘huyền thoại’ của Việt Nam. Trong sự nghiệp điện ảnh trên 60 năm của mình, bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng Emmy do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ trao tặng năm 1996, và Giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award) năm 2003.

Nữ tài tử Kiều Chinh là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sang Mỹ định cư, bà trở thành một trong những diễn viên gốc Việt nổi tiếng nhất tại Hollywood.

Bà đến Toronto, Canada, tị nạn đúng vào lúc 6 giờ chiều ngày 30/4/1975, và sau đó định cư tại Hoa Kỳ nhờ sự giúp đỡ của nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Tippi Heidren. Trên đất Mỹ, bà vẫn tiếp tục con đường điện ảnh và tạo được một sự nghiệp vững chắc tại Hollywood mà chưa có một tài tử Việt Nam nào đạt được.

Nữ diễn viên từng chinh phục làng điện ảnh Việt Nam và quốc tế không chỉ bằng vẻ đẹp kiều diễm, mà còn bằng năng khiếu thiên phú, cho biết bà đến với nghệ thuật thứ bảy như một sự tình cờ.

“Thủa bé tôi đi coi xi-nê rất nhiều, gần như là mỗi tuần. Nhưng thời đó điện ảnh đối với Việt Nam chưa phổ thông cho nên mộng của tôi thời bé không phải là về điện ảnh mà là về âm nhạc. Cho nên, bố tôi có cho tôi đi học piano từ lúc tôi mới 5, 6 tuổi. Mãi đến khi di cư vào Nam năm 1954, xa bố, xa Hà Nội, trở thành người di cư trên chính quê hương mình, thì vấn đề học đàn của tôi bị dang dở, không còn nữa. Và tôi bắt đầu tình cờ vào điện ảnh từ năm 1957.”

“Tôi nghĩ việc tôi được đến với điện ảnh là do nhà sản xuất Bùi Diễm, sau này ông làm đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Washington D.C,” bà Kiều Chinh cho biết.

“Tôi đến với điện ảnh bằng một cách tự nhiên và hồn nhiên làm công việc của mình thôi,” bà nói khi được hỏi về cảm xúc lần đầu tiên đóng phim ‘Hồi chuông Thiên Mụ’ cùng với tài tử Lê Quỳnh, người đã có kinh nghiệm diễn xuất trong bộ phim nổi tiếng ‘Chúng tôi muốn sống.’

Trước đó, bà đã từ chối một vai diễn trong phim “Người Mỹ thầm lặng” (The quiet American) của đạo diễn Joseph L. Mankiewicz khi đoàn phim của ông đến Sài Gòn tìm người đóng vai Phượng, một cô gái Việt lâm vào cuộc tình tay ba, trong tiểu thuyết cùng tên của Graham Green, vì gia đình nhà chồng không đồng ý.

Tuy không học diễn xuất từ một trường lớp nào, nhưng điện ảnh đã thấm vào máu của nữ diễn viên Kiều Chinh từ nhỏ.

“Lúc đó Việt Nam mình chưa có trường nào dạy về diễn xuất cả. Tuy nhiên, thủa bé tôi được coi điện ảnh rất nhiều và coi sách vở điện ảnh bởi vì bố tôi hay đọc những cuốn như ‘Ciné Monde’, ‘Ciné Revue’ thành ra tôi cũng được coi sách vở về điện ảnh từ thời rất là nhỏ,” bà tâm sự.

Kiều Chinh trong vai ni cô Như Ngọc trong phim "Hồi Chuông Thiên Mụ" (1957)

Hồi tưởng những bộ phim đã đóng trước năm 1975, bà Kiều Chinh cho biết trong số hơn 20 phim tham gia thời ấy như ‘Mưa rừng’, ‘Ngã rẽ tâm tình’, ‘Chiếc bóng bên đường’, ‘Bão tình’, ‘Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ’, ‘Hè muộn’..v..v.., thì bộ phim của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc do hãng phim Giao Chỉ của bà sản xuất đã để lại trong bà nhiều ấn tượng khó phai. Nguyên nhân, bà chia sẻ, là do tất cả các binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, bộ binh, cho đến pháo binh…đều góp mặt trong bộ phim và những cảnh quay được thực hiện hoàn toàn nơi chiến trận chứ không phải ở phim trường.

“Nói về phim ‘Người tình không chân dung’ đó từ thời năm 70-71, phong trào điện ảnh lúc đó đang ở cao trào và một số tư nhân, ngoài những hãng phim lớn như Alpha Phim hay Mỹ Vân Phim hay Liên ảnh Công ty, cũng lập những hãng phim nho nhỏ, nhất là về phía nghệ sĩ như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương. Tôi cũng làm phim riêng. Riêng về phần tôi, tôi rất thân, gần với anh đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Chúng tôi mê cốt truyện của phim mà khi tôi đưa ra thì những hãng phim không đồng ý làm. Mỗi người có quan niệm làm phim khác nhau. Có người quan niệm làm phim ăn chơi bốn món thì hợp được thị hiếu của số đông, nhưng anh Hoàng Vĩnh Lộc với tôi thì lại muốn làm một số phim do ý của người làm phim tạo ra. Riêng tôi, tôi quan niệm là phim để phụng sự khán giả và khán giả đi theo chiều hướng của những người làm phim để dẫn dắt họ đi tới nghệ thuật phim ảnh. Ngoài ‘Người tình không chân dung,’ chúng tôi còn một số dự định nữa, nhưng chẳng may chúng tôi không còn ở Sài Gòn nên những dự định của chúng tôi không thành.”

Trên chặng đường điện ảnh tại Mỹ, ngoài việc đóng phim, nữ tài tử Kiều Chinh còn là người đồng sản xuất phim ‘Ride the Thunder’ vào năm 2015, do Fred Koster đạo diễn và viết truyện phim.

Được hỏi bà đắc ý nhất về vai diễn nào và bộ phim nào trong sự nghiệp điện ảnh của mình, nữ tài tử Kiều Chinh nói: “Tôi là một người khó tính, cho nên chưa được đắc ý thực sự với phim nào cả. Đúng với sự mong muốn của mình thì chưa. Mong một ngày nào đó có một phim ý nghĩa, mình có một vai trò xứng đáng để mình được đắc ý. Nhưng nói về, gọi là tạm thời thôi, thì thời còn ở Việt Nam có lẽ tôi thích ‘Người tình không chân dung.’ Còn thời ở bên Mỹ, có lẽ tôi thích ‘The Joy Luck Club’. Hai mươi mấy năm sau rồi, ở các phi trường bên Pháp, bên London, bên Đức, mình đi đâu người ta cũng nhận ra mình qua phim đó thì tôi thấy đó là là cuốn phim thành công đầu tiên của người Á Đông ở Hollywood.”

VIDEO :

Xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông hải ngoại ở Toronto (Canada) hay California (Mỹ), nữ tài tử Kiều Chinh đều mặc áo nâu sồng, đeo tràng hạt.

“Màu nâu là màu tôi thích nhất trong suốt của đời của tôi. Tủ áo của tôi mở ra chắc toàn là màu nâu. Cũng như trong nhà của tôi trang trí cũng vậy. Đồ đạc của tôi cũng màu nâu. Tôi không phải là người thích kim cương, vàng ngọc. Tôi lại thích những chuỗi hạt, những cái rất giản dị, những cái đi về tâm linh,” bà nói.

“Trong nhà của tôi trang trí rất nhiều tượng Phật, rất nhiều chuỗi hạt, rất nhiều hình ảnh về chùa chiền, ngay cả những nhà tôi ở, những nơi tôi lập nên, nơi nào cũng có những cái ‘am’ nho nhỏ của riêng mình tại vì tôi ít khi tới chùa nơi công cộng. Hàng ngày mình đi ra đi vào, sáng sáng mình thắp nhang, lập lễ. Tôi nghĩ cái đó nó trở thành một cái đi vào đời sống hàng ngày của tôi,” bà cho biết thêm.

Kiều Chinh gần như luôn xuất hiện trong bộ áo dài truyền thống tại những sự kiện điện ảnh. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Dù lớn tuổi nhưng công việc bận rộn hiện nay của nữ tài tử Kiều Chinh không còn là phim ảnh mà là góp sức xây dựng Quỹ Trẻ em Việt Nam (Vietnam Children’s Fund). Bắt đầu xây trường học cho trẻ em nghèo tại Việt Nam từ năm 1994, tới nay Quỹ đã xây được 51 trường học tại mọi miền đất nước Việt Nam và trường học thứ 52 đang được xây tại Cam Ranh, theo ý nguyện của sáng lập viên Lewis B. Puller Jr., một cựu chiến binh thuộc thủy quân lục chiến Mỹ bị mất hết hai chân và gần như mất cả hai tay vì mìn trong cuộc chiến Việt Nam.

Nữ tài tử Kiều Chinh nói bà cũng hy vọng thực hiện một cuốn nhật ký ghi lại những thăng trầm trong cuộc sống, trong sự nghiệp ‘cùng với những sóng gió trong cơn hồng thủy của đất nước, của lịch sử quê hương’ trong lúc sức khỏe còn cho phép, nhưng hiện bà còn quá bận rộn với lịch diễn thuyết và các công việc từ thiện, hướng tới cộng đồng dù tuổi đã ngoài 80.





No comments: