Thursday, September 19, 2019

KHO SÁCH XƯA QUÝ HIẾM CỦA THI SĨ THÀNH TÔN (Trịnh Thanh Thủy)




19/09/2019

Một chiều tháng Tám tôi đến thăm thi sĩ Thành Tôn để tận mắt nhìn cho được kho tư liệu sách báo xưa vô cùng quí giá của ông. Đọc các bài viết do bạn bè văn thi hữu của ông viết về ông đã lâu, lần này tôi mới có cơ hội đến thăm người bạn thiết của thi sĩ Huy Tưởng, người đã nhắn tôi tìm tung tích của Thành Tôn dùm ông.

Thi sĩ Thành Tôn không những là bạn thiết của nhiều văn nghệ sĩ mà còn là người cung cấp những nguồn tư liệu sách xưa người khác không có. Khi ai cần, đến tìm ông, ông sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ và thậm chí còn phục chế, sao lại, hay làm riêng một bản sao tặng lại.

Chân dung Nhà thơ Thành Tôn

Bìa các sách xưa hiếm quí

 Bút tích của Bùi Giáng mượn nợ Thành Tôn 2 ngàn xong, ông tự ký giấy làm bằng để con cháu trả. Lúc này Bùi Giáng đã mất trí.

Tôi thường gặp ông với, một nụ cười hiền, dáng gầy dong dỏng, mái tóc tiêu muối phiêu bồng, trong các buổi ra mắt sách hay hội thảo văn học ở Quận Cam. Tôi đã gặp ông trong buổi Hội Thảo Văn Học 2 ngày 6-7/12/2014, do NB Người Việt và NB Việt Báo kết hợp với 2 trang mạng Da Màu và Tiền Vệ tổ chức với 16 diễn giả nói về các đề tài trong phạm vi văn học miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975. Tôi là một trong các diễn giả, đã nghe ông được vinh danh vì ông đã bỏ công sức ra chụp, in lại các bìa sách, các thông tin để dán lên tường triển lãm cho buổi hội thảo thêm phong phú và đầy đủ.

Tháng 7, năm 2013, khi tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ và hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn tổ chức một cuộc triển lãm và hội thảo về hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tại NB Người Việt. Ông đã dành ra mấy tháng trời công sức để giúp đỡ, hầu BTC có được tài liệu để triển lãm, đó là toàn bộ sách báo Phong Hoá và Ngày Nay rất quí, do gia đình chị Phạm Thảo Nguyên, anh Nguyễn Trọng Hiền sưu tập được. Cũng vì quá xưa, nên ông phải phục chế bằng cách ngồi gỡ từng tờ giấy cũ mục nát, rách bươm, vá víu, chụp lại, rồi triển lãm. Sau tài liệu này được cho phổ biến trên mạng(miễn phí)) để những người cần tài liệu hay thế hệ trẻ muốn tìm hiểu có được thông tin. Ngay trong buổi Hội Thảo Trương Vĩnh Ký vào cuối năm rồi, 2018, Ông cũng cung cấp các sách báo ông sưu tập được về chủ đề Petrus Ký cho ban tổ chức.

Bút tích Trần Trọng Kim viết cho Lê Thanh, tác giả cuốn "Cuộc phỏng vấn các nhà văn".

Bộ sách "Nhà Văn Hiện Đại" của Vũ Ngọc Phan

Gặp ông nhiều, tuy biết, nhưng không quen nên tôi không dám chào hỏi ông. Đến một hôm, khi phỏng vấn nhà thơ Huy Tưởng, ông nhắc tìm dùm tung tích Thành Tôn, tôi mới đến chào hỏi Thành Tôn và từ đó quen ông. Thế giới văn chương nghệ thuật là chiếc cầu nối tuyệt vời cho tôi gặp gỡ nhiều người.

Tôi hỏi ông về tình yêu gắn bó của ông với sách, ông trả lời,

-       Từ nhỏ, tôi đã mê sách, đọc sách, và thú vị trong từng câu sách. Đọc mà thấy rung cảm cả tâm hồn, do đó đưa tới việc sưu tầm sách để được tha hồ đọc. Tôi mê đến độ ngày nào cũng vậy, sao nhãng, bỏ quên các chuyện khác mà chỉ lo về sách thôi. Tôi quan niệm "Sách là 1 người bạn rất thân với mình và nó không cãi lại mình". Sách rất thú vị vì nó là người bạn đem đến cho tôi rất nhiều kiến thức mà người bạn đó không bao giờ cãi hay phản bội mình. Tôi rất quí sách, quí như câu ngạn ngữ của Pháp về sách "Sách là vợ, nên sợ khi cho mượn". Ai lại cho mượn vợ bao giờ, nhưng ngược lại tôi không giữ sách cho mình mà muốn giúp người khác đọc sách, cùng yêu sách như mình, nhất là thế hệ trẻ sau này. Sở dĩ tôi làm vậy, vì tôi cũng là một người sáng tác nên tôi quí giá trị của từng lời văn, cốt truyện, từng cuốn sách. Tác phẩm nào cũng có cái hay, cái đẹp. Khi đọc, tôi đọc theo trình độ của người viết, giai đoạn lúc họ in cuốn sách. Mình phải đặt mình đúng vai trò của người viết sách trong thời điểm đó, để hiểu những câu văn, ý thơ trong giai đoạn ấy và sẽ thấy họ diễn tả được tư tưởng của họ.

Trong mục đích phổ biến sách hay, tôi hiện đưa các sách báo hiếm quí lên mạng cho giới trẻ sau này đọc miễn phí. Tôi đã hợp tác cùng Nguyễn Vũ-một bạn trẻ- đưa báo Hợp Lưu(khoảng 80 số) lên mạng cho các bạn trẻ đọc.

Kho sách của tôi có chừng 10 ngàn cuốn sưu tầm vừa xưa và nay. Trong đó khoảng 1 ngàn cuốn xưa hiếm quí.

Ai cần tài liệu nào, tôi cho mượn mà còn hướng dẫn người cần sách hoặc sao ra thành 1 tập để tặng. Thậm chí trong số sách quí tôi đem từ Vn qua có các tác giả định cư ở đây. Biết họ không có,  tôi tặng lại bản chính.

Tôi hỏi thêm về loại sách nào ông thích và hay sưu tầm,

-       Tôi thích sách văn học nhất là loại khảo cứu như Triết Hiện Sinh của Trần Thái Đỉnh, hay Cuộc Tiến Hoá của Văn Học VN của Kiều Thanh Quế hoặc Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta chẳng hạn. Nói chung sách nào quí là tôi mua và lưu giữ. Tôi sưu tầm theo tác giả nổi tiếng. Tôi chủ trương phải có đầy đủ. Tuy nhiên rất tiếc có nhiều loại sưu tầm không đầy đủ được như bộ Bách Khoa khoảng 400 số, tôi có 300 số....

Ngay tới bây giờ tôi vẫn còn sưu tầm sách hay. Trong thời bình sưu tầm sách rất dễ, nhưng trong thời loạn thì khác. Hồi thời còn học sinh, tôi đâu có tiền mua sách, phải nhịn ăn sáng, ăn trưa để lấy tiền mua sách. Cứ 5, 7 lần nhịn, lại mua được 1 cuốn hoặc vào tiệm sách thấy cuốn nào thích thì dấu vào một chỗ kín của kệ sách để khi có tiền sẽ ra mua. Sau năm 75, tôi bị mất lên, mất xuống, vì 3 lần họ đốt sách của tôi. Sau đó tôi sưu tập lại rồi cất. Có một giai thoại rất vui là ông Khai Trí cũng đi sưu tầm sách như tôi và chúng tôi đụng độ nhau. Sau 75, ông chuyên môn sưu tầm tự điển. Một hôm tình cờ trong chợ sách cũ, tôi và ông đặt tay lên cùng 1 cuốn sách. Tôi đành phải nhường ông, vì ông đặt tay lên trước. Sau, cả hai hứa với nhau, nếu mua được hai cuốn giống nhau thì chia cho nhau.

Nhìn thấy các dụng cụ đóng sách trên bàn viết của ông, tôi xin ông nói về cách ông đóng sách bằng tay,

-       Lấy ví dụ như người ta xin in dùm một cuốn sách xưa hiếm quý này đây, xuất bản năm 1942, lại bằng giấy dó cũ và vàng. Giấy dó là một loại giấy xốp nhẹ, bền dai, ăn mực mà không nhoè, Tôi phải xé cuốn sách ra thành từng tờ một, in lại, cắt dán thành sách. Đây là dụng cụ kim, chỉ, kéo, dao, thước đo, để đóng sách. Tất cả tôi đều làm bằng tay. Tôi không những làm cho họ ở đây mà có khi còn gởi cho họ ở các quốc gia khác như Âu Châu, Canada. Tiền giấy mực chưa kể và tiền cước rất cao mà không lấy của họ một đồng nào. Đã vậy tôi còn dùng loại giấy ảnh rất đẹp này, chi phí một cuốn lên đến 33 đô.

Tôi ngạc nhiên và thầm cảm phục tấm lòng yêu sách, yêu người bao la của thi sĩ Thành Tôn. Tôi biết những điều ông kể là thật vì qua những tiếp xúc từ bạn bè đã được ông giúp đỡ, họ đã viết hoặc kể về con người ông thế nào, quả đúng như vậy vì đó chính là bằng chứng xác thực nhất.

 Các Bộ Sách quí

 Góc các bạn thiết quá cố của TS Thành Tôn

  
Sau đây tôi xin ghi lại tên và hình ảnh một số sách quí trong kho sách sưu tập được của TS Thành Tôn.

1)Cuộc Tiến Hoá Văn Học Việt Nam của Kiều Thanh Quế - in 1942

2)Thi hào Tagore của Nguyễn Văn Hai tức Kiều Thanh Quế - in 1943

3) Đời văn (1942 – tập hợp các bài phê bình, giai thoại, những cuộc tranh luận về văn chương trong ngót 10 năm của tác giả. ) của Trần Thanh Mại.

3)Cuộc Phỏng Vấn Các Nhà Văn của Lê Thanh ( Phỏng vấn Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Tú Mỡ, Đào Duy Anh..)

4) Ý Văn 1-Tam Ích do nhà xuất bản Lá Bối phát hành năm 1967

5) Thi Tù Tùng Thoại là một tác phẩm ghi chép văn chương của Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947). Tác phẩm được ông lấy bút hiệu Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng viết bằng chữ Hán vào thời gian ông bị lưu đày ở Côn Đảo  từ 1908 đến 1921. NXB Nam cường in tại Sài Gòn năm 1951

6) Vương Dương Minh của Đào Trinh Nhất. do NXBTân Việt in năm 1960. -Người xướng ra học thuyết lương tri và tri hành hợp nhất (Hà Nội, 1944; Tân Việt, Sài Gòn tái bản 1950)
7) Văn Học Khái Luận của Đặng Thái Mai do NXB Hàn Thuyên in năm 1944

8) Văn Thi sĩ Tiền Chiến của Nguyễn Vỹ do NXB Khai Trí in 1962 tại Sài Gòn

9) Ông còn sưu tầm rất nhiều tác phẩm của Bùi Giáng trong đó có cuốn Tư Tưởng Hiện Đại của Bùi Giáng.

10) Phạm Thái và Sơ Kính Tân Trang của Nguyễn Văn Xung in 1972 - NXB Lửa Thiêng của GS Nguyễn Văn Xung.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện






No comments: