Wednesday, September 4, 2019

KẾ SÁCH ĐÀN ÁP CỦA TRUNG HOA ĐÃ GÂY PHẢN ỨNG NGƯỢC Ở HỒNG KONG ( Bethany Allen-Ebrahimian)




Bethany Allen-Ebrahimian | DCVOnline
Posted on September 4, 2019 by editor

Bắc Kinh đã cố đàn áp Hong Kong theo cách họ đàn áp ở Hoa lục và nó gây phản ứng ngược. Đây có thể là lỗi lớn nhất của Trung Hoa tại Hong Kong.

Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Hong Kong Carrie Lam, người thân cận với chính phủ ở Bắc Kinh, đã cố thông qua một dự thảo luật cho phép Trung Hoa dẫn độ tội phạm bị cáo buộc ở Hong Kong về Hoa lục xét xử.

Thực chất, dự luật đó sẽ liên kết hệ thống tư pháp của Hong Kong với Trung Hoa, cho phép Đảng Cộng sản Trung Hoa bắt những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong và kết quả là sự chấm dứt truyền thống tư pháp độc lập và tự do của Hong Kong.

Quyết định này của Lam được nhiều người cho là có sự ủng hộ của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa Geng Shuang tuyên bố rằng Trung Hoa sẽ tiếp tục hậu thuẫn Lam trong việc thông qua dự thảo luật dẫn độ. Truyền thông nhà nước Trung Hoa cũng lên tiếng hoan nghênh, Nhật báo Trung Hoa gọi điều luật này đã cần có từ lâu.

Người Hong Kong đã rất tức giận, coi hành động này là một nỗ lực không che đậy của giới lãnh đạo Trung Hoa, nhằm khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với dân Hong Kong, và họ đã xuống đường. Các cuộc biểu tình rầm rộ tàn phá thành phố trong hơn hai tháng bắt đầu bằng cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử Hong Kong – gần 2 triệu người trong thành phố 7 triệu người đã xuống đường biểu tình.

Trước sự phản đối gần như của tất cả mọi người, Lam tuyên bố dự luật sẽ bị đình chỉ, nhưng không bị hủy bỏ hoàn toàn. Ý nói rằng dự luật này có thể được đưa trở lại khi người dân nguôi cơn giận, cùng với với những vụ đàn áp tàn bạo của cảnh sát chống người biểu tình ôn hòa, khiến hàng trăm ngàn người dân Hong Kong tiếp tục biểu tình mỗi cuối tuần trong mười một tuần qua. Mùa hè biểu tình này đã trở thành một trong những phong trào phản kháng lớn nhất trong lịch sử.

Tại sao giới lãnh đạo Trung Hoa có thể phạm một sai lầm như vậy?

Câu trả lời liên quan đến những bài học mà họ đã học được trong lần nghiền nát phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 và hàng chục năm thành công trong những cuộc đàn áp sau đó của họ ở Hoa lục. Đảng Cộng sản Trung Hoa cầm quyền có một xung lực và một xung lực duy nhất: đó là đàn áp.

Bằng cách đẩy dự luật dẫn độ này, Trung Hoa đã cố gắng áp dụng cùng một đòn bẩy đàn áp đối với Hong Kong mà chính quyền cộng sản đã áp dụng ở Hoa lục. Chỉ lần này, nó đi đến kết quả ngược lại sự mong đợi của Đảng cộng sản Trung Hoa.

Điều đó xẩy ra bởi vì cán bộ của đảng cộng sản Trung Hoa, về cơ bản, không thể hiểu được cách cai trị hiệu quả những công dân có tư tưởng tự do. Tìm cách dẹp tan những bất đồng chính kiến ​​trong một thành phố thịnh vượng, trật tự, đảng cộng sản Trung Hoa đã biến hòa bình thành hỗn loạn.

Kế sách đàn áp của Trung Hoa
Chính phủ Trung Hoa có nhiều chục năm kinh nghiệm về cách nghiền nát các phong trào quần chúng. Đó là một những bài bản kỹ thuật mà họ đã mài giũa từ ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi họ gửi Giải phóng Quân Nhân dân đến thủ đô để nổ súng vào hàng trăm ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, với con số chính thức người chết ở mức 300, mặc dù những ước tính khác lên tới 10.000 người.

Cuộc đàn áp đã chấm dứt thời kỳ lên men trí tuệ tương đối tự do, đặc trưng của những năm 1980 và mở ra một kỷ nguyên mới được định nghĩa bằng một hợp đồng ngầm giữa Đảng Cộng sản Trung Hoa và người dân: dân im lặng về mặt chính trị, và đảng cộng sản sẽ mang lại sự thịnh vượng kinh tế. Để áp đặt sự im lặng chính trị này, giới lãnh đạo của cộng sản Trung Hoa đã phát triển một kế sách để ngăn chặn các phong trào quần chúng trước khi họ có thể mọc rễ và lây lan.

 Một người biểu tình ủng hộ dân chủ Trung Hoa máu bê bết trên mặt giơ cái nón lính trong cuộc đàn áp Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989.

Trong đêm từ ngày 3 tháng 6 đến ngày 4 tháng 6 năm 1989, Giải phóng Quân Nhân dân Trung Hoa đã nổ súng vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, giết chết hàng trăm người, nếu không phải hàng ngàn người. Jacques Langevin/Sygma qua Getty Images

Đầu tiên, đảng cộng sản gieo hạt giống thay đổi văn hóa lâu dài. Họ thanh trừng hàng trăm ngàn cán bộ có tư tưởng đổi mới ra khỏi đảng. Và vào năm 1992, họ đã lập một chương trình giáo dục yêu nước trong trường học trên toàn quốc tuyên truyền vai trò nạn nhân lịch sử của Trung Hoa dưới bàn tay của các thế lực nước ngoài và coi lòng trung thành với đất nước và đảng như một đức tính chính.

Theo thời gian những nỗ lực này đã mang lại kết quả. Giới trẻ Trung Hoa ngày nay, không giống như thế hệ trẻ 30 năm trước, ít ngưỡng mộ nền dân chủ hoặc tự do kiểu phương Tây, và có khuynh hướng nói rằng chế độ độc đảng là một hệ thống tốt hơn cho Trung Hoa.

Thứ hai, cán bộ của đảng cộng sản đã khiến cho việc tham dự vào các cuộc biểu tình trở nên rất nguy hiểm cho mỗi người, một việc thật dễ dàng hơn nhiều vì Trung Hoa không có cơ quan tư pháp độc lập và đảng cộng sản hoàn toàn kiểm soát những cơ quan an ninh trong nước.

Những người biểu tình có thể biến mất và đưa vào các “nhà tù đen”, các trung tâm giam giữ không ai biết, bị những tên côn đồ mặc thường phục đánh đập, hoặc bị bắt giữ và bị buộc tội “gây rối”, hay nghiêm trọng hơn là, “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”. Một số đã bị đem đi giam ở những nhà tù cưỡng bức lao động.

Thành viên gia đình của những người biểu tình cũng có thể bị đe dọa hoặc bị bắt giam. Những kẻ “gây rối” có thể bị sa thải, mất việc làm, bị loại khỏi các vị trí lãnh đạo và thậm chí bị tra tấn.

Thứ ba, Bắc Kinh ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn ở môi trường thông tin. Truyền thông tại nước Cộng hòa Nhan dân Trung Hoa chưa bao giờ được tự do, nhưng trong chục năm qua, việc kiểm duyệt truyền thông ngày càng càng khắt khe kết hợp với màng lưới gạn lọc internet sáng tạo và rộng lớn đã khiến người dân Hoa lục khó có thể theo dõi những nguồn tin không được đảng cộng sản chấp thuận.

Khi các ứng dụng nhắn tin và mạng truyền thông xã hội đã trở thành một phương tiện chính để mọi người giao tiếp và để người biểu tình huy động, chính quyền Hoa lục đã đi đầu trong nững kỹ thuật chặn tin nhắn trước khi chúng được gửi đi, làm tê liệt khả năng tổ chức của những người vận động dân chủ.

Và thứ tư, trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Trung Hoa đã tìm cách xây dựng một nhà nước giám sát toàn diện bằng cách sử dụng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt, thu thập dữ liệu hàng loạt và trí tuệ nhân tạo. Ở một số thành phố lớn, một mạng lưới máy hình cho phép cảnh sát xác định được người đi bộ và ngay cả cả người đang lái xe. Chính quyền Hoa lục theo dõi quần chúng dưới danh nghĩa chống tội phạm – nhưng tất nhiên, họ gồm cả tội phạm chính trị. Càng ngày không có thứ gì là ẩn danh và không có nơi nào để trốn khỏi nhà nước công an ở Hoa lục.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chính quyền Trung Hoa thực sự cho phép có nhiều cuộc biểu tình, đặc biệt là các cuộc biểu tình địa phương với những yêu cầu khiêm tốn, chẳng hạn như định hướng lại một con đường đang được đề nghị hoặc cải thiện điều kiện làm việc trong một nhà máy. Thật vậy, có hàng ngàn cuộc biểu tình như vậy mỗi năm. Trong một số trường hợp, cán bộ cộng sản thậm chí có thể cho phép tổ chức các cuộc biểu tình lớn hơn, chẳng hạn như các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã xẩy ra trên toàn quốc vào năm 2012 khi hai nước đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Nhưng các loại biểu tình khác chớp nhoáng bị nghiền nát. Như các học giả Trung Hoa Maura Cickyham và Jeffrey Wasserstrom đã viết trên tạp chí Dissent năm 2011, “tại Trung Hoa thời hậu Thiên An Môn, không phải tất cả các cuộc biểu tình đều được như nhau.” Những cuộc biểu tình hợp với luận điệu của đảng – thế lực ngoại bang phá hoại đất nước và đảng cộng sản cứu quốc –  thường được dung thứ, trừ khi những cuộc biểu tình đó trở nên bạo động hoặc bắt đầu trở thành một phong trào, lúc đó cán bộ cộng sản xem là những đe dọa và lập tức đàn áp để nghiền nát chúng. Cickyham và Wasserstrom viết,

“Nhưng khi một cuộc biểu tình làm nổi bật sự chia rẽ đất nước Trung Hoa, thì nó hầu như luôn bị chính phủ nhanh chóng và khắc nghiệt nghiền nát.”

Những cuộc biểu tình ở Hong Kong là hình ảnh thu nhỏ của một sự chia rẽ đất nước như vậy. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh đang làm mọi thứ có thể để bịt miệng người dân Hong Kong.

Tại sao kế sách đàn áp của cộng sản Trung Hoa không thành công ở Hong Kong

Người Hong Kong đang phạm một tội lỗi tầy đình: lật ngược luận điệu tuyên truyền ưa thích của đảng cộng sản “nạn nhân của các thế lực thực dân phương Tây”. Trong nhiều năm nay, người dân Hong Kong đã tranh đấu để bảo tồn di sản chính trị do thực dân Anh để lại cho họ, đồng thời bác bỏ những gì đảng Cộng sản Trung Hoa muốn thay thế.

Anh Quốc nắm quyền kiểm soát Hong Kong sau khi đánh bại nhà Thanh trong một loạt các cuộc chiến vào giữa thế kỷ 19; một hiệp ước quy định rằng thành phố này sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Anh cho đến năm 1997. Theo hệ thống của Anh, Hong Kong dần phát triển truyền thống độc lập tư pháp, tự do ngôn luận và tự do hội họp, và một mức độ nào đó có truyền thống chính phủ đại diện cho dân.

Tuy nhiên, người Anh đã không thực hiện bầu cử phổ thông chọn những người lãnh đạo cao nhất của Hong Kong như đã định trong Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 mà giao nhiệm vụ đó cho những người cầm quyền Cộng sản Trung Hoa, đặt khuôn khổ cho việc chuyển giao Hong Kong về chủ quyền Hoa lục vào năm 1997

Giới chức chính phủ hai nước Trung Hoa và Anh đứng dưới quốc kỳ của họ trong lễ bàn giao tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hong Kong, đánh dấu sự kết thúc của 156 năm cai trị của thực dân Anh trên lãnh thổ, ngày 1 tháng 7 năm 1997. Nguồn: Paul Lakatos / AFP / Getty Hình ảnh

Theo khuôn khổ đó, Hong Kong sẽ giữ “một mức độ tự trị cao” cho đến năm 2047 với các biện pháp bảo vệ rõ ràng cho các quyền tự do dân sự mà người dân trước đây rất thích –  sinh cái gọi là “một quốc gia, hai hệ thống”.

Sau đó, không có gì ngạc nhiên khi phản xạ của chính phủ Trung Hoa là cố áp dụng cùng một công thức đàn áp họ dung để đối phó với các cuộc biểu tình ở Hoa lục tại Hong Kong. Nhưng ám ảnh một chiều của chính quyền Trung Hoa với sự ổn định bằng đàn áp đã gây phản ứng ngược trong một khu vực thịnh vược, ấp ủ tự do chính trị. Chính nhiều nỗ lực trong hai mươi năm qua của Bắc Kinh để “hoa lục hóa” Hong Kong đã khuấy động tình trạng bình thường gây ra sự bất ổn ngay từ đầu.

Một rào cản chính đối với sự kiểm soát chính trị và xã hội của Trung Hoa đối với Hong Kong là hệ thống chính trị của thành phố: nó bảo vệ các quyền tự do truyền thống như ngôn luận và hội họp. Do đó, một mục tiêu hiện tại của chính quyền cộng sản Trung Hoa đã là tái tạo các điều kiện pháp luật hiện có trên đại lục ở Hong Kong.

Kể từ đầu năm 2003, Trung Hoa đã cố gắng thay đổi luật pháp cho phép chính quyền đàn áp các quyền tự do chính trị ở Hong Kong khi họ muốn. Năm đó, cán bộ Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đã thúc đẩy các giới lãnh đạo Hong Kong đưa ra một dạo luật về sự nổi loạn cho phép các chính quyền thành phố cấm phát ngôn, cấm tổ chức phi pháp và khám xét không cần lệnh nếu nghi ngờ đối với những người phạm “tội phản quốc, ly khai, dụ dỗ, lật đổ Chính phủ nhân dân trung ương.”

Nhưng dự thảo luật đã bị hoãn lại sau khi những cuộc  biểu tình rầm rộ trên đường phố Hong Kong bùng nổ –  dấu hiệu đầu tiên cho thấy người Hong Kong sẽ không đơn giản chấp nhận số phận như người dân ở Hoa lục.

Emily Lau Wai-hing của Frontier Party bán áo phông của nhóm phản đối của bà tại đường Sai Yeung Choi ở quận Mongkok vào ngày 22 tháng 6 năm 2003, tại Hong Kong. K.Y. Cheng / South China Post qua Getty Images

Năm 2014, Bắc Kinh một lần nữa tìm cách dung những luật pháp để khẳng định quyền kiểm soát hệ thống chính trị, đề xuất thay đổi luật cho phép tất cả cư dân Hong Kong bỏ phiếu bầu những người lãnh đạo của chính họ, nhưng chỉ từ một danh sách ứng cử viên được Bắc Kinh chấp thuận. Học sinh trung học và đại học dẫn đầu các cuộc biểu tình, chiếm các khu vực trung tâm thành phố để yêu cầu dân Hong Kong được quyền bầu cử phổ thông thực sự như họ đã được hứa theo Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984.

Những cuộc biểu tình năm 2014 tại Hong Kong được mệnh danh là Phong trào Dù gây chia rẽ dân ở thành phố, tạo ra cuộc đối đầu giữa giới kinh doanh thân Trung Hoa giầu mạnh chống lại sinh viên và những nguời hoạt động dân chủ. Chính phủ Hong Kong, dưới con mắt theo dõi thận trọng của Bắc Kinh, đã đợi đến khi phong trào xì hơi. Không có sự thay trong cách đổi bầu cử nào được thực hiện; kết quả là, tốt nhất, một trận hòa.

Mất tinh nhần, những người hoạt động không thể duy trì sự hưởng ứng của quần chúng đối với cuộc đâu tranh của họ, và nhiều người quan sát, kể cả chính Đảng Cộng sản Trung Hoa, tin rằng phong trào năm 2014 là cuộc nổi dậy sau cùng của Hong Kong.

Một người vận động dân chủ cầm dù màu vàng trước hàng cảnh sát trên đường phố ở quận Mongkok vào ngày 25 tháng 11 năm 2014, tại Hong Kong. Hình ảnh Chris McGrath / Getty

Hoa lục cố khuất phục Hong Kong bằng sự đàn áp  được hợp pháp hóa đã lấy được đà. Sau đó là một loạt các vụ truy tố chưa từng có, những người lãnh đạo hàng đầu phong trào ủng hộ dân chủ đã bị bắt và bỏ tù với những cáo buộc đáng ngờ từ việc xem thường tòa án cho đến âm mưu gây phiền toái cho công chúng. Và vào tháng 9 năm 2018, chính phủ Hong Kong đã cấm một đảng nhỏ cổ xúy độc lập hoạt động, với lý do an ninh quốc gia – đây là lần đầu tiên một chính đảng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Hong Kong.

Việc giới hoạt động dân chủ mất tinh thần đó có thể là điều khiến Bắc Kinh nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ có thể đạt được mục tiêu lật đổ nền tư pháp độc lập của Hong Kong, lần này bằng một hiệp ước dẫn độ. Tuy nhiên, lần này, dân chúng Hong Kong gần như không chia rẽ như trước.

Lần này, bị đe dọa không chỉ là lý tưởng dân chủ của những cuộc bầu cử tự do và phổ thông, mà trong quá khứ những nhóm vì lợi ích kinh doanh và các nhóm khác đã sẵn sàng từ bỏ để đổi lấy cơ hội làm kinh tế ở Hoa lục. Học sinh trung học, các bà nội trợ cũng như khối doanh nhân giàu có đều biết rằng chấm dứt nền độc lập tư pháp của Hong Kong có nghĩa là chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong và lối sống của họ.

Và phản ứng của Trung Hoa năm 2014 có nghĩa là người biểu tình biết đây có thể là cơ hội cuối cùng của họ. Victoria Tin-Bor Hui, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame, nói với tôi,

“Họ biết rằng nếu họ từ bỏ đâu tranh, cuộc đàn áp sẽ tồi tệ hơn những gì đã xảy ra sau phong trào Dù.”
Victoria Tin-Bor Hui

Bằng cách cố đàn áp bằng kiểu đã dùng ở Hoa lục tại một thành phố có nền móng là những quyền tự do chính trị, Đảng Cộng sản Trung Hoa, một cách không cần thiết, đã gây hấn với cả một thế hệ người Hong Kong.

Về tác giả: Bethany Allen-Ebrahimian là một nhà báo đưa tin về Trung Hoa từ Washington. Trước đây bà đã viết về Trung Hoa và an ninh quốc gia cho tạp chí Chính sách Đối ngoại và Daily Beast. Bethany Allen-Ebrahimian trên Twitter là @Bethany ALLenEbr.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: 
Bethany Allen-Ebrahimian |  Vox   |   Aug 29, 2019.





No comments: