Wednesday, September 18, 2019

IRAN KHỦNG BỐ ĐỂ HÒA ĐÀM? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
September 17, 2019

Nước Mỹ đang bị lôi vào một cuộc tranh chấp giữa hai giáo phái Hồi Giáo: Sun Ni và Shi A ở vùng Trung Đông.

Từ đầu thế kỷ trước, Mỹ vẫn ủng hộ vương triều Á Rập Saudi, theo phái Sun Ni, trong cuộc tranh chấp giữa nước này và Iran, nước dẫn đầu khối tín đồ phái Shi A. Hiện hai nước Hồi Giáo lớn ở Trung Đông đang cạnh tranh nhau trên nhiều mặt trận.

Tại Syria, Iran ủng hộ chính quyền Assad (thuộc thiểu số Shi A ở nước này) trong khi Saudi giúp các nhóm Sun Ni chống đối. Tại Lebanon, Iran nuôi dưỡng lực lượng Hezbollah theo phái Shi A, còn Saudi giúp chính quyền cùng phái Sun Ni. Tại Iraq nơi đa số dân theo phái Shi A, cả hai nước cùng công nhận chính quyền do Mỹ lập nên nhưng Iran hỗ trợ những nhóm dân quân Shi A ngoài chính quyền.

Hai nước đang tranh giành ảnh hưởng gay go nhất tại Yemen, nơi nhóm quân nổi dậy Houthis, theo phái Shi A đang đe dọa một chính quyền thuộc phái Sun Ni. Iran đã giúp vũ khí trang bị nhóm Houthis, trong khi Saudi đem quân sang ông tổng thống, ông này hiện đang tị nạn ở thủ đô Saudi.

Nước Mỹ đã bước vào cuộc tranh chấp giữa hai nước này khi Tổng Thống Donald Trump rút ra khỏi bản thỏa ước giữa Iran và bảy cường quốc vào năm 2015 nhằm ngăn không cho Iran chế bom nguyên tử. Mỹ cũng hỗ trợ quân Saudi ở Yemen, và Tổng Thống Trump bán các vũ khí tối tân cho Saudi, mặc dù Quốc Hội Mỹ ngăn cản. Mỹ bắt đầu cấm vận kinh tế Iran, trong khi sáu nước khác vẫn tiếp tục giao thương, trong đó có Nga, Trung Cộng và bốn nước Anh, Pháp, Đức, Ý ở Âu Châu.

Sáu nước muốn giữ bản thỏa ước để Iran không làm bom nguyên tử, nhưng họ không đủ sức giúp Iran vượt qua các rào cản do cuộc cấm vận của Mỹ gây ra. Tổng Thống Trump tin rằng chế độ các giáo sĩ cai trị Iran ở thủ đô Tehran sẽ phải chịu thua và xin điều đình, khi kinh tế suy yếu vì không bán được dầu lửa nhiều như cũ.

Ông Trump đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các lãnh tụ ở Tehran, như ông đã gặp lãnh tụ Bắc Hàn. Nhưng cho đến nay, Iran vẫn đặt điều kiện Mỹ phải trở lại bản thỏa hiệp đã ký, tức là bãi bỏ tất cả cuộc cấm vận kinh tế mới đây. Iran còn tỏ thái độ cứng rắn khi quay trở lại, nâng cao mức tinh luyện năng lượng nguyên tử mà bản hiệp ước đã cấm; mặc dù vẫn chưa đến mức có thể chế bom nguyên tử.

Thứ Bảy vừa qua, Iran đã leo thang, khi nhóm Houthis đứng ra nhận chính họ đã tấn công mấy nhà máy lọc dầu của Á Rập Saudi, làm tê liệt một nửa số sản xuất của nước này, khiến giá dầu lửa tăng vọt trên thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ đã tố cáo ngay Iran là thủ phạm. Tổng Thống Trump lên tiếng đe dọa “súng đã nạp đạn” trừng phạt Iran nhưng ông còn nói thêm, muốn chờ kết quả cuộc điều tra của chính phủ Saudi coi Iran có thật là thủ phạm hay không. Sau đó, chính phủ Saudi cho biết họ sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc giúp điều tra cho rõ.

Mặc dù Iran chối bỏ trách nhiệm về cuộc tấn công trên và hiện nay chưa có bằng cớ chắc chắn Iran là thủ phạm; nhưng ai cũng biết nếu các giáo sĩ ở Tehran không bật đèn xanh thì nhóm Houthis ở Yemen, hay bất cứ nhóm nào khác do Iran bảo trợ, cũng không tự ý tấn công vào sâu trong lãnh thổ Á Rập Saudi như mới diễn ra.

Cho nên, có thể coi vụ tấn công các nhà máy lọc dàu của Saudi là một thách thức của nhóm lãnh đạo Iran. Thách thức đối với Á Rập Saudi và đối với cả nước Mỹ.

Iran đã thử thăm dò phản ứng của chính phủ Mỹ mấy lần. Tháng Năm và Tháng Sáu vừa qua, mấy chiếc tàu chở dầu bị gài thủy lôi ở trong eo biển Hormuz, thủ phạm bị nghi là nhóm Houthis hoặc một nhóm nào khác ở Iraq hay Lebanon do Iran chỉ huy. Tháng Sáu, Iran công nhận đã bắn một mấy bay không người lái (drone) của Mỹ lạc vào không phận của họ. Các tướng lãnh Mỹ chuẩn bị một cuộc oanh tạc trả đũa nhưng Tổng Thống Trump đã rút lại vào phút chót.

Cuộc tấn công các nhà máy lọc dầu của Saudi cho thấy nếu chính quyền Iran muốn họ còn có thể sử dụng nhiều nhóm Shi A ở các nước Trung Đông gây các cuộc khủng bố lớn hơn nữa.

Vụ tấn công cho thấy hệ thống phòng thủ của Á Rập Saudi hoàn toàn bất lực không bảo vệ được không phận của mình; mặc dù Saudi đã chi bao nhiêu tỷ đô la mua vũ khí của Mỹ. Tổng Thống Nga Vladimir Putin còn nhân dịp nói đùa rằng Nga có thể bán hỏa tiễn phòng không cho Saudi.

Iran tỏ ra đang thắng thế trong bàn cờ Trung Đông. Chính quyền Syria do Iran và Nga giúp đang dần dần làm chủ tình hình. Tàn quân IS, ngoài mục tiêu chống Mỹ còn quyết tâm tiêu diệt các tín đồ Shi A, ở Iraq và Syria, đang bị đánh bật ra khỏi cứ điểm sau cùng. Nhóm Hezbollah ở Lebanon có thể đe dọa tấn công phá hoại Israel. Các giáo sĩ lãnh đạo Iran chứng tỏ cho thế giới, nhất là các tín đồ Hồi Giáo Sun Ni, thấy rằng họ đủ vây cánh, tay chân để gây rối loạn khắp vùng Trung Đông.

Á Rập Saudi còn tỏ ra yếu thế ngay trong cuộc nội chiến ở Yemen, sau bao nhiêu nỗ lực không đẩy được quân Houthis ra khỏi thủ đô. Trong khi đó thì các vương quốc nhỏ United Arab Emirates ở bên cạnh Saudi đã rút quân đội của họ ra khỏi Yemen, và được chính quyền Iran tán thưởng. Quốc Hội Mỹ đã ngăn không cho phép đưa quân Mỹ vào Yemen giúp Saudi.
Và chính Tổng Thống Donald Trump cũng không muốn dính líu đến bất cứ cuộc chiến tranh nào, đặc biệt trong vùng Trung Đông.

Tổng Thống Trump mới cách chức ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, người đã tỏ rõ khuynh hướng cứng rắn với Iran từ hàng chục năm nay. Vụ khủng bố nhắm vào Á Râp Saudi là một hành động thăm dò coi chính quyền Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi Iran leo thang bằng các hành động thách thức mới.

Một lợi thế của Iran trong bàn cờ hiện nay là dư luận thế giới không ủng hộ chính phủ Mỹ trong vụ rút ra khỏi bản thỏa hiệp năm 2015. Các cường quốc Âu Châu vẫn tiếp tục duy trì thỏa hiệp này, cũng như Nga và Trung Cộng. Nhưng Iran cũng không thể để cho cuộc cấm vận của chính phủ Mỹ kéo dài vì sức chịu đựng của kinh tế dân Iran cũng có giới hạn.

Iran không muốn một mình chịu đựng áp lực kinh tế của Mỹ mãi như vậy. Cả thế giới phải chia sẻ gánh nặng đó! Giá dầu lửa đã tăng vọt sau vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi, và sẽ xuống nhưng không thể xuống tới mức cũ vì mối lo còn nhiều hành động khủng bố khác có thể sẽ xảy ra. Iran mới chứng tỏ cho mọi người thấy nếu cuộc tranh chấp giữa hai nước Hồi Giáo ở Trung Đông nổ lớn, các nước đều thiệt hại, trong khi kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa trên đà suy thoái.

Cuộc tấn công vào Saudi có thể nhằm thúc đẩy các nước khác phải nói chuyện với cả Iran và Mỹ để tiến tới một cuộc hòa đàm, chấm dứt cuộc tranh hùng giữa các giáo sĩ lãnh đạo ở Tehran và Tổng Thống Trump. (Ngô Nhân Dụng)





No comments: