Thursday, September 5, 2019

BẢN TIN NGÀY 05/09/2019 (Báo Tiếng Dân)




05/09/2019

BÀI MỚI
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019
05/09/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 05/09/2019

Tin Biển Đông

Sau hơn hai tháng bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, lần đầu tiên, Thủ tướng Việt Nam lên tiếng về ‘vi phạm chủ quyền’ trên Biển Đông. Chiều ngày 4/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, TT Nguyễn Xuân Phúc không nhắc tới tên Trung Quốc, mà chỉ nói, “chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta”.

VOA có bài: Căng thẳng Biển Đông: Trung Quốc muốn ‘bào mòn quyết tâm của Việt Nam’. Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, nói rằng, Việt Nam “không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc. Bài học chính cho Việt Nam là phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ vì mục tiêu của Trung Quốc là bào mòn quyết tâm của Việt Nam thông qua việc gây áp lực từ nhiều hướng”.

Về tàu cẩu Lam Kình, tài khoản Phạm Nam Thắng đưa tin: “Quan trọng – Hôm nay, ngày 4/9, tàu cẩu Lam Kình đã đến một địa điểm, rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 80-90 km. Kích thước tàu: 239,2 x 50m, Trọng tải: 64.100 tấn. Lam Kình có thể được sử dụng để đặt giàn khoan dầu”.

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông viết: Hành trình của tàu Lam Kình nhìn từ khía cạnh thời gian, vị trí và vận tốc. Tàu Lam Kình bắt đầu tăng tốc rời khỏi khu vực Bắc Hải vào lúc 10h07’ ngày 30/8/2019 với vận tốc 9 hải lý/giờ. Sau đó, tàu giảm tốc xuống 6 hải lý/giờ và bắt đầu có chiều hướng đi xuống phía nam lúc 10h49’ ngày 31/8/2019. Tại thời điểm này, tàu cách vịnh Yingge của đảo Hải Nam 16.1 hải lý, cách cảng Tam Á của đảo Hải Nam khoảng 54 hải lý.

Sau đó Lam Kình nhanh chóng tăng vận tốc lên tầm từ 7-8 hải lý/giờ “liên tục xuống sâu phía nam trên một đường thẳng. Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình kể từ khi rời khỏi Bắc Hải, Vịnh Bắc Bộ xuống phía nam là một đường thẳng khá ổn định chứ cũng không có dấu hiệu bị cản trở (ví dụ bởi bão)”.

Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình tại khu vực sâu trong bờ biển Việt Nam. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Thấy gì từ diễn tập hàng hải đầu tiên Mỹ – ASEAN? Bài báo nhận định, “cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn gọi là AUMX, không nhằm đối phó với một bên thứ ba nào. Nhưng nó mở đường cho một diễn biến quan trọng”

GS Carl Thayer chỉ ra, diễn biến quan trọng đó là “bản thân ASEAN đã thiết lập nền tảng quan trọng cho các cam kết tăng cường năng lực hàng hải của khối, với thông điệp mạnh mẽ nhất là tính trung tâm của ASEAN” khi tổ chức được một cuộc diễn tập hàng hải Mỹ – ASEAN đầu tiên. Còn TS Collin Koh nhận xét: “Hơn tất thảy, ASEAN có thể là người chiến thắng lớn nhất từ đợt diễn tập này”.



Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Cuối cùng Bộ TNMT cũng nói thật

VietNamNet dẫn lời Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân thừa nhận, thủy ngân của công ty Rạng Đông đã phát tán ra môi trường. Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/9/2019, khi được hỏi về kết quả quan trắc không khí, đất và nước mặt tại hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông, ông Nhân cho biết, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ ngành để thống nhất số liệu thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy.

Báo Lao Động đưa tin về vụ cháy Công ty Rạng Đông: Có khoảng 15,1 đến 27,2kg thuỷ ngân bị phát tán. Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết, theo số liệu báo cáo Công ty Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán khoảng 15,1 kg. Nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, khối lượng thủy ngân phát tán trong vụ cháy này là 23,2 kg. Ông Nhân nói: “Chúng tôi xác định 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường“.

Thứ trưởng Nhân cảnh báo hậu quả vụ cháy Cty Rạng Đông: Vùng có thể ảnh hưởng ô nhiễm khoảng 500m, theo trang Kinh Tế Nông Thôn. Kết quả phân tích các chỉ số môi trường của một số điểm xung quanh vụ cháy, cùng với các khuyến cáo của WHO “cho thấy phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500m tính từ hàng rào của kho bị cháy”.

Vậy là quan chức Bộ TN&MT đã chấp nhận nói thật, nhưng vấn đề là những người dân có nguy cơ nhiễm độc cũng đã bị nhiễm vì đã không phản ứng kịp thời, do lãnh đạo địa phương gỡ bỏ các khuyến cáo an toàn. Vậy ai sẽ người chịu trách nhiệm về sức khỏe của dân ở khu vực bị cháy? 

VnMedia bàn về hậu quả ô nhiễm của vụ cháy Công ty Rạng Đông: Có nơi thủy ngân vượt ngưỡng 10 đến 30 lần! Theo đó, kết quả đo đạc ở các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy (trạm ôxy) và trong nhà kho bị cháy “có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR-Mỹ từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người)”.

Bên cạnh đó, điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1km cũng có giá trị thủy ngân cao, vượt QCVN 43:2017/BTNMT 6,1 lần, “Có 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty”.

Trang Một Thế Giới có bài: Những lỗ hổng từ một vụ cháy. “Từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông, dân tình mới tá hỏa là lâu nay mình không chỉ đang ‘sống chung với lũ’ mà là bom nổ chậm. Những nhà máy có hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến như Rạng Đông không phải là cá biệt. Tại sao những nhà máy này vẫn tồn tại giữa các khu dân cư đông đúc? Sao chưa di dời những nhà máy này vào các khu công nghiệp cho dễ quản lý và kiểm tra?



Vụ án cưa gỗ khô ở Kon Tum

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Tiếp tục mổ xẻ vụ cưa gỗ khô bị xử tội trộm. Trong phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa qua, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã báo cáo về vụ án cưa gỗ khô bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trộm cắp tài sản. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị lãnh đạo VKSND Tối cao và TAND Tối cao báo cáo về vụ án, sau khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ra nhiều điểm bất thường trong việc kết án năm bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Ông Nghĩa chỉ ra: “Việc xử tội trộm cắp tài sản sẽ tạo ra tiền lệ lách luật, xử tội này không được nhưng tôi muốn xử mấy anh này quá nên đổi sang tội kia. Đây là điều cấm kỵ trong việc áp dụng pháp luật hình sự”. Tháng 6/2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai, tuyên cả năm bị cáo không phạm tội. Sau đó TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu xử 5 bị cáo phạm tội. Đến tháng 6/2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm đã hủy bản án từng tuyên 5 bị cáo không phạm tội.


Vụ bê bối ở ĐH Đông Đô

Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Bộ GD& ĐT lý giải việc không thanh tra trường Đại học Đông Đô. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cho biết, “đã đề nghị thanh tra Đại học Đông Đô nhưng không hiểu lý do vì sao trường này lại được bỏ ra khỏi danh sách”. Trong năm 2018, Thanh tra Bộ đã thanh tra công tác tuyển sinh của 10 trường đại học, trong đó có ĐH Đông Đô.

Khi đoàn thanh tra thực hiện việc công bố quyết định thanh tra thì ĐH Đông Đô khi đó đã có công văn đề nghị hoãn thanh tra, với lý do nhà trường chuyển địa điểm mới, nên đã đóng gói hết tài liệu. “Vì vậy rất khó khăn cho công tác thanh tra. Ngày 3/10/2018, Thanh tra Bộ đã có công văn số 898 gửi Đại học Đông Đô thông báo về việc hoãn thanh tra năm 2018 đối với trường”.


Cập nhật tin Hồng Kông

Sau 14 tuần lễ biểu tình liên tục, chiều hôm qua, người dân Hồng Kông đã thắng bước đầu, khi bà Carrie Lam tuyên bố rút dự luật dẫn độ. Đây chỉ là chiến thắng đầu tiên trong năm yêu cầu của những người biểu tình đưa ra, cho nên những người biểu tình vẫn tiếp tục đấu tranh cho đến khi tất cả các yêu sách của mình được đáp ứng.

Phản ứng trước việc bà Carrie Lam tuyên bố rút bỏ dự luật dẫn độ, nhà hoạt động Hồng Kông Joshua Wong kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình cho đến khi nào Hồng Kông có bầu cử tự do. RFA có clip phát biểu của Joshua Wong tối 4/9, Joshua Wong nói việc rút dự luật dẫn độ là quá trễ, kêu gọi tiếp tục xuống đường: https://www.youtube.com/watch?v=9dWsCbEr7l8

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi mọi người bảo vệ quyền của người Hồng Kông bằng cách gửi thư cho bà Carrie Lam. Nội dung bức thư với chủ đề: “Thúc giục chính phủ chấm dứt cuộc đàn áp của cảnh sát và điều tra đầy đủ việc sử dụng vũ lực quá mức“. Hiện đã có thư mẫu, kính mời mọi người bấm vào link này để đọc, nếu đồng ý thì điền các thông tin của mình vào và gửi cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Đặc khu trưởng Hồng Kông.

***

***





No comments: