Friday, September 20, 2019

BÃI TƯ CHÍNH : NGƯỜI DÂN VIỆT NAM 'CHỜ TIN CHÍNH PHỦ' (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
21/09/2019

Tuyên bố của ông Cảnh Sảng được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/9 nói Hà Nội cương quyết phản đối việc tàu nghiên cứu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam, và có các hành động "vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS" qua việc "cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam" – BBC.

*
Hay thật đấy. Mồm mép lão Cảnh Sảng này chính là cái mõm của con sói Tập Cận Bình, nó làm ta bất giác nhớ đến bài thơ ngụ ngôn Chó sói và cừu non (Le loup et l’agneau) của nhà thơ Pháp Jean de la Fontaine từ thế kỷ XVII. Xin tóm lược trong mấy dòng như sau: “Một hôm có chú cừu non mò đến con suối quen thuộc trong rừng uống nước. Ngay lập tức, một lão sói đói nấp đâu đấy ló mặt ra. Y quát cừu: “Này thằng oắt cừu kia! Tao đã cấm không cho bất kỳ kẻ nào uống nước ở con suối này vốn là suối của tao cơ mà. Sao mi lại dám léo hánh đến đây làm đục nước suối nhà tao hở?” Cừu bèn đáp lời: “Thưa ngài, xin ngài bớt giận nhìn lại xem. Đây là con suối quen thuộc, từ đời tổ tiên nhà cừu tôi vẫn ra uống nước. Bọn cá ở suối này vốn là chỗ thân quen có thể làm chứng cho tôi. Hơn nữa, hiện tôi đang đứng uống phía dưới ngài đến mấy chục bước, làm thế nào có thể khuấy đục dòng nước ở chỗ ngài đứng được?” Sói vốn đang đói quay đói quắt, liếc nhìn cừu thèm rỏ dãi, liền sừng sộ ngay: “Nếu mi không làm đục nước suối hôm nay thì năm ngoái mi cũng phạm vào tội nói xấu tao!" Cừu đáp: “Thưa ngài, khốn khổ cho tôi, năm ngoái tôi còn nằm trong bụng mẹ, làm sao tôi lại có thể nói xấu ngài được?” Sói gầm lên: “À, không phải là mi sao? Nếu vậy thì chính là anh trai của mi năm ngoái đã nói xấu tao, đích thế rồi!” Cừu thưa: “Thưa ngài, ngài nhầm lần nữa rồi! Tôi là con một, làm gì có anh em mà nói anh tôi nói xấu ngài”. Sói gào tiếp: “Lại thế nữa kia! Gớm thật! Không là anh mi thì cũng là một kẻ trong họ tộc nhà mi chứ ai vào đấy nữa! Chúng mi cùng một duộc với nhau, từ thằng chăn cừu đến mấy con chó chăn, tên nào cũng hùa nhau chửi bới tao, lại còn xua đuổi tao hàng chục phen cong đuôi mà chạy! Thù này tao quên sao được, đây là dịp để tao báo thù!” Nói vừa xong, sói bèn nhảy bổ lên chú cừu non cắn lấy cổ, tha luôn vào rừng”. Nhà thi sĩ nước Pháp đưa ra một định đề thâm thúy: "Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất" (La raison du plus fort est toujours la meilleure).

Không biết quý độc giả đọc lại bài thơ ngụ ngôn của nhà thơ Pháp nổi danh cách đây ba thế kỷ có cảm tưởng thế nào về câu chuyện nóng bỏng ở Bãi Tư Chính của Việt Nam hôm nay, còn chúng tôi thì thấy thương cho chú cừu non một mình cô độc, lại cũng cảm phục chú dám có lý có lẽ đàng hoàng trước con sói hung ác. Ví thử thuở bấy giờ đã có một tòa án quốc tế thú rừng thì chắc gì chú đã phải chịu rơi vào nanh vuốt kẻ thù. Chú phải đâm đơn kiện lên các quan tòa công minh đại diện cho Luật pháp thế giới loài vật chứ! Chẳng bù với ai trong hoàn cảnh thế kỷ XXI văn minh này mà trước một con sói gớm ghiếc như lão họ Tập, trong khi chín mươi triệu người dân đều biết mười mươi đó là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, thì cả một tập đoàn cũng gọi là có máu mặt, từng ăn trên ngồi trốc ở giữa cái làng Việt trong suốt 70 năm qua, từng vỗ ngực là tổ chức “của dân do dân vì dân” chứ có phải một ngày một buổi nữa đâu, thế mà hễ nghe đến tên Tập Cận Bình là anh nào chị ấy đã rúm ró cả lên y như đỉa phải vôi, chỉ đùn nhau rúc sau mấy chữ "đại cục" để phủi trách nhiệm. Cực chẳng đã khi chúng nghênh ngang đem tàu vào quậy phá đến tận bãi Tư Chính sâu trong vùng biển đặc quyền của nước mình, ngăn không cho mình cắm mũi khoan xuống biển để hút dầu, miếng ăn sắp đến miệng mà có nguy cơ mất trắng, vẫn không một "lão làng" nào dám đứng giữa bàn dân thiên hạ gọi là lên tiếng một lời cho dân chúng ít nhất cũng hể hả trong lòng, đành cứ ngậm miệng đun đẩy cho một cô gái "phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao" lặp đi lặp lại có mỗi một câu nghe như chiếc đĩa rè trong máy hát. Ấy vậy mà từ trên xuống dưới còn sợ đến vãi mồ hôi, đến nỗi trong khi tàu của chúng lồng lộn trước thềm lục địa nhà mình thì trên đất liền lại lo tổ chức diễn tập rầm rộ "chống người dân biểu tình", ý chừng muốn bắn tin cho con sói đói Bắc Kinh biết: Xin các Đại ca cứ yên tâm mà cho tàu tha hồ chạy ngang chạy dọc; ở trên đất liền chúng em đã bài binh bố trận dọa dẫm cho lũ dân ngu chúng phải nem nép một bề hết rồi; chúng chẳng dám làm gì ồn ào kinh động khiến các Đại ca mang tiếng với dư luận thế giới đâu mà sợ.

Thế đấy! Tình cảnh đến thế thì biết nói sao nữa đây? Có phải là "đảng ta" trước sau vẫn thực hiện đúng câu nói để đời của ông cố Đảng trưởng Nguyễn Văn Linh nói từ năm 1990: "Thà mất nước chứ không mất đảng" không nhỉ?

Cũng chính vì thế mà đọc bài viết của học giả Nguyễn Trung mới đăng tức thì trên trang viet-studies (1) mà không khỏi ngậm cười! Vẫn một hai vắt hết gan ruột... hô hào đảng thức tỉnh để mà "đoàn kết chống Tàu", bởi vì vận hội này là thời cơ cuối cùng cho con dân Việt: "Đảng hôm nay phải phấn đấu lột xác để dựa vào nhân dân mà làm cho bằng được!". Hoan hô ông cựu Đại sứ trước sau như một vẫn hết lòng yêu nước, và cũng vì yêu nước mà dù biết rõ đây là giai đoạn “hiểm họa đen”, thậm chí “đen thui hơn chó mực” (Phan Bội Châu) vẫn cứ phải nhẫn nhục "dầu lòng vậy đành lòng vậy"... yêu đảng đến kỳ cùng!

Bauxite Việt Nam

 -------------------------------


Bản tin tiếng Việt về phát ngôn của ông Cảnh Sảng trên fanpage Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc. (Hình chụp qua màn hình)

HÀ NỘI, Việt Nam – Hôm 20 Tháng Chín, mạng xã hội tràn ngập sự phẫn nộ xen lẫn bất mãn của người dân Việt Nam xoay quanh phát ngôn mới nhất của ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSTQ: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển lân cận của bãi Tư Chính. Điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.”

“Từ Tháng Năm, 2019, phía Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí đơn phương tại bãi Tư Chính, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc… Phía Việt Nam cần chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình để trả lại sự bình yên cho vùng biển liên quan!”

Đáng lưu ý, không rõ vì lý do gì Bộ Ngoại Giao CSVN lại đột ngột hủy cuộc họp báo thường kỳ hôm 19 Tháng Chín, theo dự trù là diễn ra vào mỗi chiều thứ Năm hàng tuần để người phát ngôn trả lời các câu hỏi của giới phóng viên trong và ngoài nước. Nếu cuộc họp báo này được tổ chức thì có lẽ câu hỏi chính nhắm vào bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN là phản ứng về lời của ông Cảnh Sảng.

Bên cạnh đó, gần như tất cả các báo nhà nước ở Việt Nam cũng “né” tường thuật phát ngôn “tố ngược” CSVN của ông Cảnh Sảng, ngoại trừ báo điện tử Giáo Dục Việt Nam dè dặt dẫn lại một câu trong bài “Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam” đăng hôm 20 Tháng Chín: “Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có cái gọi là “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển phụ cận bãi Vạn An [Tư Chính] thuộc quần đảo Nam Sa [Trường Sa].”

Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, người có hơn 100,000 lượt follow, chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân: “Lãnh đạo Việt Nam còn chờ gì nữa mà không khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Còn mơ màng hy vọng vào tình hữu nghị với thằng anh cùng lý tưởng, rằng chúng sẽ không tiếp tục xâm lược sao?… Đất nước này có yếu kém, không có khả năng tự bảo vệ một phần là do quan chức tham nhũng kinh hoàng, không có lý tưởng đưa đất nước đi lên. Đến một con đường cao tốc Bắc-Nam còn không có ngân sách thực hiện, phải dựa dẫm nhà đầu tư nước ngoài cơ mà.”

“Tư tưởng thì hạn hẹp, người dân có xuống đường biểu thị sự phẫn nộ với ngoại xâm thì cấm đoán, đánh đập hay chụp mũ vớ vẩn. Trung Cộng nó quan sát cả đấy, không hay ho gì những hành động đàn áp người biểu tình đâu. Nó biết ta yếu và nó cũng biết chính quyền hèn khi đàn áp dân đấy,” theo Facebook Chau Doan.

Cùng thời điểm, phóng viên ảnh Nguyễn Sơn của AP trú tại Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhà cầm quyền Trung Cộng có đểu cáng, dã tâm với ta không? Tất nhiên là có, và trong hàng ngàn năm nay. Đểu cáng, dã tâm nên mới có các cuộc xâm lăng, đô hộ, mới có cướp biển đảo, lấn từng mét đất biên giới. Đểu cáng dã tâm nên mới có chuyện thu mua móng trâu bò giá cao, mua rễ cây hoa màu… để phá hoại nông nghiệp. Nên mới có máy móc thiết bị, dự án kém chất lượng đi theo các khoản vay ODA vào. Nhưng, các nước láng giềng khác họ cũng vẫn đối mặt với những dã tâm, đểu cáng tương tự mà lại bị ảnh hưởng ít hơn vì sao?! Nga, Bắc Hàn, Mông Cổ, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Myanmar, Lào… có bị phụ thuộc, o ép, lũng đoạn đến mức nghiêm trọng thế không? Ngạn ngữ cổ Ả Rập có câu ‘Không thể nào lừa đảo được người lương thiện’. Nôm na là ‘mình có thế nào, người ta mới thế.’”

T.K.

-------------------------------

BBC Tiếng Việt

Tàu Hải Dương 8 lần đầu tiên vào Bãi Tư Chính là đầu tháng Bảy, lần thứ hai vào hôm 13/8, và lần thứ ba, hôm 7/9. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Người dân Việt Nam "sốt ruột" và muốn chính phủ "mạnh mẽ hơn" sau khi Trung Quốc khẳng định Bãi Tư Chính thuộc về họ, theo ý kiến nhà quan sát từ Hà Nội.
Trung Quốc vừa nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

'Sốt ruột'
Phát biểu trong Bàn tròn Thứ Năm của BBC hôm 19/9, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nói người Việt Nam "rất sốt ruột".
"Họ rất mong muốn Chính phủ Việt Nam cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế," vị Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật ở Hà Nội nói.
Ông Hoàng Ngọc Giao nhận định qua diễn biến ở Bãi Tư Chính vài tháng qua, Trung Quốc rất tinh vi trong việc thực hiện các hành vi xâm chiếm vùng biển cũng như đe dọa đến quyền chủ quyền của Việt Nam ở một khu vực mà theo Công ước Luật biển quốc tế là hoàn toàn không thuộc về Trung Quốc".
Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam, theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.
"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam", ông Cảnh Sảng nói trong đoạn băng do kênh truyền hình chính thức phát bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, CGTN, đăng tải.
"Cũng rất may là đã có những tiếng nói từ bên ngoài, mà có thể nói đầu tiên là Hoa Kỳ, lên tiếng những hành vi áp chế xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế cũng như là quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam", ông Giao chia sẻ.
Ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc.
"Hiện nay, cái bức xúc, và vấn đề mà dư luận Việt Nam mong muốn là phải khởi kiện Trung Quốc để chứng minh rằng những lời của ông Cảnh Sảng bảo Việt Nam vi phạm công ước luật biển là không có căn cứ".
"Nếu Trung Quốc cho rằng khu vực Bãi Tư Chính là của Trung Quốc thì Trung Quốc hãy dũng cảm cùng với Việt Nam đưa vụ việc này, giải thích và áp dụng Công ước Luật biển năm 1982, ra trước Cơ quan Tài phán Quốc tế để được phân xử một cách khách quan".

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 hồi năm 2014. Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM

Nguy cơ
Phát biểu ở Bàn tròn Thứ Năm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ở Hà Nội, nói về sức ép gần đây của Trung Quốc.
"Theo những thông tin bên ngoài chúng tôi được cung cấp, ngay từ hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc ép Việt Nam đuổi hết các công ty khai thác dầu khí của tất cả các nước đang hoạt động khai thác dầu khí trên biển của Việt Nam phải ra khỏi chỗ đó, bất kể đó là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam".
Ông Hà Hoàng Hợp kể: "Việt Nam đã kiên nhẫn chờ nhưng đến ngày 3/7 họ đưa tàu Hải Dương 8 cùng một nhóm tàu vào".
"Lẽ ra, đến ngày 15/9 dàn khoan liên doanh giữa Việt Nam và Nga đã hoàn thành nhiệm vụ và rút. Nhưng họ chưa hoàn thành, và phía Trung Quốc vẫn tiếp tục để tàu đó quấy trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Ông Hà Hoàng Hợp lo ngại: "Thực sự từ đầu tháng Chín đến giờ, mức độ phức tạp không tăng nhưng độ căng thẳng để dẫn đến xung đột quân sự tăng lên rất nhiều".
Ông Hoàng Ngọc Giao cũng nhấn mạnh rằng theo ông, phải chỉ ra Trung Quốc đang dùng vũ lực ở Bãi Tư Chính.
"Họ dùng tàu thuyền, vòi rồng lớn, tàu có vũ trang, chèn ép, đâm vào các tàu của cảnh sát biển Việt Nam".

'Không chiến tranh'
Tham gia Bàn tròn Thứ Năm, nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt, Nancy Nguyễn, nói cô cho rằng sẽ không có chiến tranh.
"Trung Quốc sẽ mềm nắn rắn buông và không để xảy ra giao tranh trên biển".
"Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó, cho nên, đối với Mỹ, Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục thực hiện chiến thuật họ đã sử dụng từ trước tới nay. Tức là sẽ ký kết một số những đòi hỏi của nước Mỹ nếu Mỹ ép buộc, tuy nhiên về cơ bản có lẽ sẽ không có thay đổi gì nhiều".
Cô chia sẻ thêm: "Hiện nay tình hình Bãi Tư Chính là rất căng thẳng nên khả năng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ là rất dễ hiểu".
"Có lẽ một trong những kết quả mà Việt Nam hy vọng là với chuyến đi này Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn để tránh những xung đột quân sự với Trung Quốc".
"Tuy nhiên nếu tình hình Bãi Tư Chính bớt căng thẳng thì quan hệ Việt - Mỹ có thể chỉ dừng ở mức đó chứ không tiến một bước lâu dài như nhiều người trông đợi", cô Nancy Nguyễn nói.
Tuyên bố của ông Cảnh Sảng được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/9 nói Hà Nội cương quyết phản đối việc tàu nghiên cứu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam.

Trung Quốc muốn 'khai thác chung'
Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đề ra nguyên tắc "chủ quyền của Trung Quốc, tạm gác tranh chấp, hợp tác khai thác" (Zhuquan zai wo, gezhi zhengyi, gongtong kaifa).
Và khu vực đầu tiên do Trung Quốc đề nghị cùng khai thác chính là Bãi Tư Chính (Vanguard Bank).
Từ 2005 tới 2008, lại có một đề nghị với ba công ty dầu khí Trung Quốc, Việt Nam, Philippines hãy cùng khai thác ở Trường Sa.
Năm 2011, Philippines đưa ra đề xuất cùng khai thác.
Tất cả những đề nghị này tới nay đều thất bại.
Tuy nhiên, trong diễn tiến đáng chú ý, tháng 11/2018, Philippines và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí, trong lúc ông Tập Cận Bình thăm Manila.
Theo đó, hai bên sẽ thành lập Ủy ban liên quan để thương lượng việc hợp tác khai thác.
Mới đây xuất hiện bài nghiên cứu "Cooperative Research Report on Joint Development in the South China Sea: Incentives, Policies & Ways Forward", công bố ngày 27/5/2019.
Đây là bài của 8 tám giả từ 6 quốc gia (Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines).
Một trong các đề xuất của bài này là bắt đầu cùng khai thác ở những khu vực chỉ có hai nước tranh chấp.
Bài này viết: "Cùng khai thác song phương tỏ ra dễ dàng hơn khi tranh chấp hàng hải mang tính chất song phương".
"Một số khu vực hứa hẹn cho khai thác chung song phương gồm: ngoài cửa vịnh Bắc Bộ (chỉ có Trung Quốc và Việt Nam tranh), Bãi Tư Chính (Vanguard Bank, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam đòi), Bãi Cỏ Rong (chỉ có Trung Quốc và Philippines đòi)," bài này viết.








No comments: