Monday, August 13, 2018

HOA KỲ : MỘT CỰU NỮ CỐ VẤN CÁO BUỘC TRUMP KỲ THỊ CHỦNG TỘC (Trọng Nghĩa - RFI)




Đăng ngày 13-08-2018 

Trong một quyển sách sẽ ra mắt ngày 14/08/2018, cô Omarosa Manigault Newman, nguyên là cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc người đứng đầu Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là phân biệt chủng tộc. Omarosa là người Mỹ gốc Phi Châu da đen duy nhất trong số những cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng, trước khi bị cách chức vào tháng 12 năm ngoái.

Donald Trump và Omarosa Manigault trong thời gian tranh cử tổng thống tại bang Michigan ngày 03/09/2016.Reuters

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve phân tích:

Omarosa từng là thí sinh cho chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" do Donald Trump điều khiển vào năm 2004. Sau khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Trump đã cử phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Phi này làm cố vấn truyền thông Nhà Trắng. Cô trở thành người da đen duy nhất trong ê kíp thân cận của tổng thống Trump. Thế nhưng vào tháng 12 năm ngoái 2017, Omarosa đã bị Nhà Trắng sa thải trong một vụ rất ầm ĩ.

Cô đã giữ im lặng cho khi xuất hiện trở lại trước công chúng tuần  này với một cuốn sách tố cáo Donald Trump là phân biệt chủng tộc, bè phái chủ nghĩa và coi thường phụ nữ. Khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Omarosa khẳng định rằng ông Trump đã nhiều lần sử dụng từ "nigger", tương đương với một câu chửi nặng đến mức mà người Mỹ da trắng tránh cả việc phát âm từ đó mà chỉ dùng chữ cái đầu tiên của từ nigger trong nhóm từ “N word”, tức là “từ bắt đầu bằng N”.

Cô Omarosa còn khẳng định rằng cô có băng thu âm ông Trump lúc ông dùng từ mang tính thóa mạ người da đen đó. Cô nói với nhà báo phỏng vấn cô: “Tôi nghe tiếng ông ấy rõ ràng như khi tôi đang nghe bạn lúc này. Cách nói của ông ta trong bản ghi âm đó khẳng định rõ ràng ông ta là một người phân biệt chủng tộc”.

Từ khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã nhiều lần bị tố cáo là kỳ thị chủng tộc, cụ thể là cách đây một năm, sau các vụ bạo động giữa những theo chủ nghĩa da trắng tối thượng và những người chống phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, khi ông Trump từ chối lên án các thành phần kỳ thị chủng tộc.

Khi còn làm việc ở Nhà Trắng, mỗi lần ông Trump bị tố cáo, cựu cố vấn truyền thông Omarosa đều đã ra sức bảo vệ. Giờ đây, cô công nhận: “Tôi đã là một kẻ đồng lõa, tôi rất tiếc”.

Tất cả những cáo buộc của cô Omarosa đã bị phát ngôn viên của Nhà Trắng bác bỏ vào hôm qua, 12 tháng 8. Đối với phủ tổng thống Mỹ, đó chỉ là những lời dối trá của một cựu cố vấn cay cú.

-----------------------------

Reuters  |  VOA
14/08/2018

Ông Peter Strzok, nhân viên hoạt vụ FBI bị Đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ vì đã gởi tin nhắn miệt thị ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống 2016, bị sa thải vào cuối ngày 11/8, luật sư của ông cho biết hôm 13/8.

Ông Strzok là nhân viên cao cấp thứ ba bị loại khỏi FBI dưới chính quyền của ông Trump. Trong số hai người bị đuổi việc trước đó có cựu Giám đốc FBI James Comey.

Ông Aitan Goelman, luật sư của ông Strzok, cho hay đương kim Phó giám đốc FBI David Bowdich đã quyết định sa thải thân chủ ông.

Ông Goelman nói thêm là quyết định này trái với khuyến cáo của Văn phòng Trách nhiệm Nghề nghiệp của FBI. Văn phòng này chỉ yêu cầu đình chỉ công tác của ông Strzok trong 60 ngày và tước trách nhiệm chỉ huy của ông này.

Không lâu sau khi tin này được tiết lộ, ông Trump viết trên Twitter “Cuối cùng, nhân viên hoat vụ Peter Strzok đã bị sa thải khỏi FBI. Danh sách nhân viên xấu tại FBI và Bộ Tư pháp càng ngày càng dài.”

Luật sư Goelman nói việc thân chủ của ông bị sa thải có động cơ chính trị và rằng các tin nhắn của ông Strzok có nội dung chống đối ông Trump là phát biểu chính trị được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.

Trước đây trong năm, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions sa thải Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe sau khi phúc trình gay gắt của Cơ quan Giám sát Nội bộ Bộ Tư pháp kết luận ông McCabe tiết lộ tin tức cho các phóng viên và hướng dẫn sai lạc các nhà điều tra về những hành động của ông.

Còn cựu Giám đốc FBI Comey thì bị Tổng thống Trump sa thải vào tháng 5/2017 sau khi bị chỉ trích về cách xử lý cuộc điều tra của FBI liên quan đến việc bà Hillary Clinton sử dụng một máy chủ cá nhân để gởi email cho công việc.

Tuy nhiên, sau đó ông Trump nói ông sa thải ông Comey vì “chuyện liên hệ đến Nga” ám chỉ cuộc điều tra của FBI làm rõ xem có sự thông đồng nào với Nga trong ban vận động tranh cử cho ông Trump hay không. Ông Trump liên tiếp phủ nhận có bất cứ sự thông đồng nào và gọi cuộc điều tra là truy bức chính trị.

Cả ông Comey lẫn McCabe đều tin rằng nguyên nhân sa thải họ là vì họ là những nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller xem có hay không chuyện ông Trump nỗ lực cản trợ cuộc điều tra.

Ông Strzok có liên hệ sâu rộng đến cuộc điều tra của FBI về vụ email của bà Clinton và từng được cử làm việc với văn phòng của ông Mueller. Ông bị loại ra khỏi chức vụ này sau khi những dòng tin nhắn của ông được đưa ra ánh sáng.

Tin nhắn của ông Strzok có nội dung chống Trump bị Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ trích trong một phúc trình mới đây.

Đảng Cộng hòa trong Quốc hội liên tục xem việc này như là bằng chứng về sự thiên vị của FBI chống ông Trump.

Tổng thống Donald Trump đang nêu nghi vấn là liệu có nên hủy cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về chuyện Nga can thiệp bầu cử hay không vì FBI đã sa thải một trong những cựu điều tra viên của ông Mueller.

Ông Trump liên tiếp chỉ trích ông Mueller và ông Strzok trên Twitter nhằm hạ uy tín cuộc điều tra. Tuy nhiên, chưa có chỉ dấu nào cho thấy cuộc điều tra sẽ bị hủy bỏ.

LIÊN QUAN








No comments: