Ben Ngô
BBC
Tiếng Việt, Bangkok
30 tháng 8 2018
Phóng
viên BBC Tiếng Việt gặp những người Thượng từ Tây Nguyên sinh sống ở Thái Lan vừa
bị bắt và "không biết ngày mai sẽ thế nào".
Người phụ nữ này nói bà "đã ba lần bị đi tù ở Việt Nam nên không thể
quay về"
Sáng sớm ngày 28/8, một nhóm viên chức Bộ Nội vụ, cảnh
sát di trú, binh lính của quận Bang Yai, Thái Lan, ập vào một khu nhà ở tỉnh
Nonthaburi, cách Bangkok hơn 30Km, bắt giữ 181 người tỵ nạn đến từ Việt Nam và
Campuchia, trong số này có hơn 50 trẻ em.
Đây là những người cư ngụ bất hợp pháp tại Thái.
Hôm 30/8, sau một giờ đi xe từ trung tâm Bangkok,
tôi đặt chân tới quận Bang Yai, nơi đang tạm giữ 133 người Thượng đến từ Tây
Nguyên, 87 người lớn và 46 trẻ em.
Đó là một hội trường rộng và có mùi khá ẩm thấp. Vừa
bước vào, tôi đã nghe những tiếng nói chuyện rì rầm và tiếng khóc của trẻ em lẫn
tiếng sụt sùi của những phụ nữ trong lúc cầu nguyện.
Một số em bé đang chạy loanh quanh đùa giỡn với nhau
trong lúc cảnh sát và những người của nhà chức trách Thái đang đứng quan sát
chung quanh.
Được biết nhóm phụ nữ và trẻ em này bị giữ và phải
ngủ qua đêm trên sàn nhà này.
Những người đàn ông trong nhóm này đã phải ra tòa từ
hôm trước.
Đi
tìm đường sống
Hầu hết người Thượng bị bắt ở đây không nói được tiếng
Việt, vì họ là người Ê Đê, Gia Rai, đến từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Một trong số này, bà Hjuôn Byà, 35 tuổi, cùng chồng
và bốn con nhỏ, đứa bé nhất trong số này là một bé gái 5 tháng, được sinh ra ở
Thái.
Bà nói với tôi: ""Chồng tôi bị đưa ra tòa
hôm qua, chưa rõ kết quả thế nào."
"Vợ chồng tôi và các con tìm đường đến Thái vì
biết ở đó có Liên Hiệp Quốc giúp người bị bức hại."
"Ở Gia Lai, chúng tôi là người theo đạo Tin
Lành, thường xuyên bị ngăn cản đi nhà thờ, không cho tụ tập và bị làm khó đủ điều."
"Hơn hai năm trước, chúng tôi quyết định tìm đường
đến Thái qua ngả Campuchia."
Kể về quãng thời gian ở Thái trước khi bị bắt, bà
Hjuôn Byà nói: "Do đang xin tỵ nạn, không được đi làm, nhưng vì phải nuôi
con nên chồng tôi đánh liều đi làm mấy công việc tay chân ở đây."
"Ai thuê gì làm nấy như phụ hồ và các việc lặt
vặt khác."
"Anh ấy đã bị bắt nhiều lần rồi, mỗi lần bị bắt
thì trong người có 500 hay 1.000 baht đều phải nộp phạt hết thì mới được thả."
"Tôi ở nhà chăm con, mỗi tháng cả nhà sống nhờ
vào 15kg gạo được một nhóm người Việt ở Bangkok giúp đỡ."
"Vợ chồng tôi có thẻ Liên Hiệp Quốc sau khi đậu
phỏng vấn và đang nuôi hy vọng đại sứ quán nước thứ ba chọn cho phỏng vấn."
"Chúng tôi không dám nghĩ tới khả năng xấu nhất
là mình và những người ở đây sẽ bị trả về nước."
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần
vì một người của chính quyền Thái đến gần và nói rằng tôi không được "hỏi
chuyện quá lâu".
Một lát sau, tôi thấy cả chục đứa bé, trong đó có
hai con của bà Hjuôn Byà bị tách khỏi nhóm và đưa đi đâu không rõ.
Có em miệng nhoẻn nụ cười vì có lẽ các em này không
rõ mình "được đưa đi chơi hay đi đâu."
"Họ nói với tôi là tụi nhỏ sẽ được đưa đi chăm
sóc chỗ khác và sẽ giao lại cho bố mẹ mười ngày sau," bà Hjuôn Byà cho biết.
Sau khi người của chính quyền đến báo tin gì đó bằng
tiếng Thái, căn phòng như chùng xuống với những tiếng khóc nấc nghẹn, sụt sùi của
nhóm phụ nữ.
Một số viên chức của chính quyền liên tục vào ra hội
trường. Một người được cho là viên chức địa phương từ chối đưa bình luận với
BBC về việc bắt giữ người Thượng.
Những đứa trẻ này không rõ mình "được đưa đi chơi hay đi đâu"
Một lát sau đó, những người phụ nữ trong nhóm người
Thượng lần lượt được đưa lên xe chở đi.
Trong lúc được đưa ra xe, một phụ nữ lớn tuổi ngoái
lại nói với tôi: "Tôi không muốn bị đưa về Việt Nam đâu."
"Tôi đã ba lần bị đi tù ở Việt Nam nên không thể
quay về."
Nay J Khoj, 24 tuổi, một thanh niên người Gia Rai bị
bắt trong nhóm này, đảm nhiệm việc phiên dịch.
Anh nói với tôi: "Tôi phải tìm đường qua đây vì
cũng như nhiều gia đình theo đạo Tin Lành khác ở Đắk Lắk, bị trấn áp, tước đoạt
đất đai, ruộng vườn."
"Mảnh ruộng 4 ha là của nhà tôi nhưng rồi một
hôm người ta đến lấy và nói đó là đất của nhà nước."
Nay J Khoj và những người Thượng cầu nguyện tại nơi bị tạm giữ
'Bị
áp bức, tước đoạt'
Cũng trong hôm 30/8, bà Grace Bùi, đại diện Dự án Trợ
giúp người Thượng tại Thái Lan nói với BBC: "Hiện tại thì chúng tôi không
biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với những người Thượng bị bắt và phải ra
tòa."
"Hy vọng là họ không bị trục xuất nhưng chuyện
gì cũng có thể xảy ra."
"Có sự khác biệt là Thái Lan không cần mở phiên
tòa án để trục xuất người đến từ Campuchia, Lào hay Myanmar."
"Nhưng những người đến từ các quốc gia mà không
có chung đường biên giới với Thái Lan như Việt Nam thì mọi việc phải được giải
quyết tại tòa."
"Và những người phải ra tòa phải đối mặt với
khoản phạt vì nhập cảnh bất hợp pháp."
"Tuy vậy, trong bốn năm qua, tôi chưa từng chứng
kiến bất kỳ người Thượng nào bị bắt rồi bị trục xuất về VN trừ một số trường hợp"
"Nhiều khả năng họ sẽ bị đưa đến trại giam người
nhập cư."
Bà Grace Bùi cho biết thêm: "Đàn áp tôn giáo và
bị chính phủ tước đoạt đất đai để gây áp lực là nguyên nhân khiến người Thượng
ra đi."
"Chính phủ Việt Nam không cấp chứng minh nhân
dân hoặc giấy tờ nào khác để những người này không thể đi làm hoặc đi học."
"Họ là nông dân nên khi đất đai bị tước đoạt, đồng
nghĩa với việc họ bị tước đoạt kế sinh nhai."
"Ngày mai rồi sẽ thế nào?" là một câu hỏi không có lời đáp với
họ
Một
cộng đồng ẩn dật
Giữa Bangkok có một cộng đồng nhỏ người Thượng nói rằng
họ đến đây để thoát khỏi đàn áp tôn giáo của Hà Nội, theo tường thuật của Al
Jazeera.
Cộng đồng này gồm 150 gia đình người Thượng, sống
trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.
Đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành. Những
người Thượng này nói rằng họ đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo
sau năm 1975.
Số lượng người Thượng Việt ở Thái Lan đã tăng lên
trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát những gì họ mô tả là trấn áp
tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện.
Không dễ tìm thấy nhóm người này. Họ sống trong các
đồn điền và kênh rạch và bao quanh bởi những ngôi nhà tre nhỏ trên mặt nước.
"Họ sống ở đây thì an toàn hơn vì có quá nhiều
cảnh sát ở khu trung tâm," Grace Bui, giám đốc chương trình Dự án Trợ giúp
người Thượng tại Thái Lan nói với Aljazeera.
Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên
Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tỵ nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên
quan đến tình trạng tỵ nạn.
Jennifer Bose, đại diện UNHCR tại Bangkok nói:
"UNHCR nhấn mạnh đến tất cả những người xin tỵ nạn ở đây rằng việc tái định
cư không phải là một quyền. Không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người
xin tỵ nạn."
"Chỉ dưới 1% số người tỵ nạn trên thế giới thực
sự có cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới ở nước thứ ba".
Những người Thượng được phỏng vấn nói rằng họ biết
Thái Lan không công nhận người tỵ nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được
họ tìm đường đến đây vì "dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê
nhà".
Những đứa trẻ nhìn người lớn bị dẫn đi
'Tự
nguyện hồi hương'
Hồi năm 2017, báo Gia Lai đăng bài tường thuật chuyến
thăm của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đến thăm tỉnh
Gia Lai.
Bài báo viết: "Đoàn sẽ đến thăm, tiếp xúc với
25 người dân tộc thiểu số hồi hương tại các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh,
Đak Đoa và Ia Grai để nắm tình hình về cuộc sống của họ sau khi quay về; qua đó
có cơ sở để tiếp tục khuyến khích những người còn lại trở về đoàn tụ với gia
đình."
"Từ năm 2015 đến nay, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp
Quốc tại Bangkok đã tiếp nhận và trao trả về Việt Nam 68 người trong sáu đợt;
riêng tỉnh Gia Lai có 25 người. Đa phần những người này đều tự nguyện hồi
hương."
"Tỉnh Gia Lai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi
để những người hồi hương tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống. Riêng với
số người còn lại, nếu có nguyện vọng trở về, tỉnh sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ,
song bắt buộc họ phải tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước cũng như của địa phương."
Cũng trong hôm 30/8, thông cáo do Tổ chức Theo dõi
Nhân quyền phát đi ghi: "Chính quyền Thái Lan nên thả ngay lập tức 181 người
tỵ nạn dân tộc thiểu số và người đang xin quyền tỵ nạn vừa bị bắt giữ."
"Những người bị giam giữ chủ yếu là người Thượng
ở Việt Nam và Campuchia và bị bắt ngày 28/8 ở ngoại ô Bangkok."
"Những người Thượng này sẽ phải đối mặt với việc
bị bức hại nếu họ bị trả về Campuchia và Việt Nam. Điều mà Thái Lan không nên
làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào."
Khu nhà những người Thượng sống ở Bangkok. RADU DIACONU/AL JAZEERA
No comments:
Post a Comment