Wednesday, August 29, 2018

NGHĨ VỀ CHA MẸ (Huy Phương)




Huy Phương
August 26, 2018

“Cha Mẹ đối với con cái là bổn phận,
Con cái đối với Cha Mẹ là văn hoá.”
(Lâm Ngữ Đường)

Nhân dịp lễ Vu Lan, chương trình Quê Nhà- Quê Người trên Người Việt TV vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện một chương trình mang tên “Gửi Con Yêu Dấu.” Tên chương trình chính là tên của một bài thơ. Trong bài thơ này, tác giả đã thay lời Cha Mẹ viết cho con, mong con hãy hiểu những gì ngày xưa khi còn tuổi ấu thơ Cha Mẹ đã làm gì cho con, để con nhớ mà đối xử tử tế với Cha Mẹ lúc về già.

Trên đời này, khi nhắc lại công ơn cả Cha Mẹ, tôi nghĩ đứa con nào cũng xúc động thấy mình chưa đền đáp được “công lao dưỡng dục,” “ơn nghĩa sinh thành” của Cha Mẹ, phần lớn suốt đời hy sinh cho chúng ta. Trong văn hóa Á Châu, người ta luôn đề cao đến chữ Hiếu và luôn nhắc nhở đến công ơn của Cha Mẹ, nhưng trong văn hóa phương Tây, những gì con cái đối với Cha Mẹ là “đặc ân” Cha Mẹ được nhận, chứ không phải “bổn phận” con cái phải lo.

Với khái niệm này, trong đoạn góp ý cho TV Show vừa qua, một khán giả đã viết cho chúng tôi nêu lên mấy điểm:

“- Cha Mẹ có sự chọn lựa về việc sinh ra con cái, trong khi con cái không có cái quyền chọn lựa trong việc mình sinh ra đời, nên Cha Mẹ phải có trách nhiệm lo cho con cái là chuyện tự nhiên.

– Bảo là con cái phải lo cho Cha Mẹ vì khi nhỏ Cha Mẹ lo cho nó, là đặt cái quan hệ giống như là một cuộc trao đổi, ‘tao gãi lưng mày, mày gãi lưng tao!’

– Thiên hạ không có can đảm nhắc tới chuyện già như thế nào là quá đủ và cứ bằng mọi giá kéo dài cuộc sống, không hạnh phúc, đầy khổ sở và là một gánh nặng cho tất cả mọi người!”

Nói chung con cái không có bổn phận gì đối với Cha Mẹ, vì cuộc sống không phải là một sự trao đổi và không nên sống quá già để trao gánh nặng cho người khác (con cái chẳng hạn)!
Quan điểm này chẳng có gì lạ! Con cái vị thành niên, giờ học đi lang thang ngoài đường bị cảnh sát xét hỏi Cha Mẹ chúng là ai, và Cha Mẹ nếu có bỏ bê con cái thì sẽ bị ra toà, và mất quyền nuôi con. Nhưng Cha Mẹ bị vứt bỏ ngoài đường sẽ không bị tra vấn con cái họ ở đâu?

Vào Tháng Bảy và Tám năm 2003, Châu Âu hứng chịu trận nóng hơn 41 độ C (khoảng 106 độ F), cao nhất trong vòng 500 năm trở lại. Riêng tại Pháp, 14 nghìn người đã thiệt mạng trong trận nóng dữ dội này, chủ yếu là người lớn tuổi. Nếu con cái di du lịch xa không kịp về để lo mai táng Cha Mẹ chết vì nóng thì chính phủ sẽ chôn giùm, nhưng nếu trẻ con chết thì người ta sẽ truy tìm ra Cha Mẹ là ai?

Quan niệm con cái chẳng có bổn phận gì với Cha Mẹ trong thời đại này không phải chuyện hiếm. Ngay trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại này, chuyện con cái đồng tình cùng dâu rể, thẳng tay đuổi Cha Mẹ ra khỏi nhà – ngôi nhà Cha Mẹ đã làm thủ tục để cho con – là chuyện thường tình. Những vị này đã khóc không hết nước mắt và ân hận đã vì tình thương trao hết tài sản cho con. Họ không đòi hỏi những đứa con phải trả hiếu, nuôi Cha Mẹ như ngày trước Cha Mẹ đã nuôi con, nhưng chưa bao giờ phải nghĩ rằng họ phải lâm vào một hoàn cành xót xa như vậy!

Ở độ tuổi 60, những bậc Cha Mẹ ở Hoa Kỳ thường rơi vào tình trạng “tổ trống” (empty nest) khi con cái đã “đủ lông, đủ cánh” để bay xa, chỉ còn lại hai vợ chồng đơn chiếc trong căn nhà rộng rãi thênh thang. Tôi nói “đơn chiếc” là vì hầu hết các bậc Cha Mẹ trong hoàn cảnh này ai cũng cảm thấy buồn bã. Họ chờ một tiếng điện thoại reo của những đứa con gọi về, những ngày lễ cuối năm vẫn mong có lần gặp lại con cái. Những căn phòng trống trải vẫn còn treo những bức ảnh thời thơ ấu, lá cờ kỷ niệm của trường trung học, những “trophy” thể thao của con, không suy chuyển. Và tội nghiệp, dù có đổi qua một căn nhà khác, Cha Mẹ vẫn muốn có một căn nhà, nhiều hơn hai phòng để dành cho dịp con cái ngày trở về thăm viếng Cha Mẹ.

Nhưng với những đứa trẻ, con cái thì không!

Có một thời, ở quê nhà, ông bà, cha mẹ, con cái thường sống chung dưới một mái nhà, có khi cả bốn thế hệ (tứ đại đồng đường). Trái với xã hội cũ, bây giờ khi chúng ta hội nhập vào xã hội Mỹ, hầu hết cũng phải làm quen với cảnh con cái trưởng thành lớn khôn, sống xa Cha Mẹ và nghĩ là không có bổn phận gì với bậc sinh thành.

Nếu nói rằng, ngày trước Cha Mẹ lo cho con, bây giờ Cha Mẹ già yếu, con cái lo lại cho Cha Mẹ là một sự trao đổi song phương, kiểu “tao gãi lưng mày, mày gãi lưng tao” là một ví von quá tàn nhẫn, hết cả tình người, chứ đừng nói gì đến quan hệ giữa Cha Mẹ và con cái.

Con cái thường trách Cha Mẹ ở mấy điểm: – Cha Mẹ vụng về không có khả năng, vô tích sự, – Cha Mẹ nói nhiều, – Cha Mẹ hay trách móc, – Cha Mẹ chậm chạp, – Cha Mẹ hay ốm đau.

“…Con tức giận có khi còn xấu hổ
Vì Mẹ Cha giờ ăn đậu ở nhờ.
Xin hãy hiểu và mong con nhớ lại
Những ngày xưa khi con tuổi ấu thơ.” (Gửi Con Yêu Dấu)

Bây giờ lớp trẻ sau này không ai muốn ở chung nhà với Cha Mẹ, vì đời sống cá nhân, cũng không có dâu, rể nào muốn sống chung với nhạc phụ, nhạc mẫu. Lúc còn mạnh khoẻ, ông đưa đón cháu đi học, chơi thể thao, học nhạc; bà lo chuyện bếp núc cơm nước cho cả nhà. Nhưng lúc về già, con cái không có thời gian và sức khoẻ để lo săn sóc, ẵm bồng Cha Mẹ, thì có một nơi cuối cùng là… nhà dưỡng lão.

Mấy ai thấy được: “Nuôi con mới biết lòng Cha Mẹ. Về già mới thấy mình bất hiếu!”

Muôn đời “Nước mắt chảy xuôi!”








No comments: