BTV Tiếng Dân
29/08/2018
Diễn biến ngoài thực địa
Báo Tiền
Phong đưa tin, tàu cá Quảng Ngãi bị đâm và cướp ngư cụ ở Hoàng Sa.
Tàu cá mang số hiệu QNg 90659 TS do ngư dân Võ Thành Tân, ở xã Bình Châu, huyện
Bình Sơn, làm thuyền trưởng, cùng 7 lao động trên tàu, đã gặp nạn hơn ba tuần
trước.
Đồn
Biên phòng Cảng Sa Kỳ kiểm tra, xác minh thiệt hại của tàu cá QNg 90659 TS sau
khi bị tàu nước ngoài tông va. Ảnh K. Toàn
Hôm
3/8/2018, khi đang đánh cá ở khu vực đảo Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu
cá Việt Nam bị một tàu vỏ sắt màu trắng, số hiệu 46101, dùng loa phóng
thanh buộc tàu dừng hoạt động, rồi sau đó truy đuổi, tông va liên tục và cướp
các thiết bị và ngư cụ đánh cá, trị giá trên 300 triệu đồng. Dù gặp nạn hồi đầu
tháng 8, nhưng mãi đến sáng hôm qua 28/8, tàu cá này mới về đến cảng Sa Kỳ và
trình báo sự việc với Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi.
Mặc
dù bài báo không nói tàu vỏ sắt màu trắng kia là tàu của nước nào, mà chỉ nói
là “tàu nước ngoài”, nhưng rõ ràng đó là tàu hải cảnh Trung Quốc, bởi đây là
con tàu quá quen thuộc, nó đã từng tấn công tàu cá của ngư dân và tàu cảnh sát
biển Việt Nam.
Báo Zing đưa tin, ngày 5/3/2018, tàu 46101 này
đã từng tấn công tàu cá Quảng Nam của ông Trần Sinh, số hiệu QNA-91865. Khi ông
Sinh cùng 13 ngư dân đang di chuyển từ đất liền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa
thì bị con tàu Trung Quốc nói trên vây đuổi, áp sát và dùng loa thông báo rằng
“đây là vùng biển của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam không được đánh bắt, yêu
cầu quay vào nếu chạy ra sẽ bị bắn“.
Hôm
sau, ngày 6/3/2018, cũng chính con tàu 46101 này
tiếp tục tấn công tàu cá Quảng Nam, số hiệu QNA – 91.939 của ông Võ Quang Thái,
khi ông cùng 11 ngư dân đang đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Bài
báo viết: “Họ nói tiếng Trung Quốc, tay lăm le cầm hung khí nhảy lên tàu
chúng tôi. Chưa biết chuyện gì xảy ra thì họ đã dùng roi điện và gậy đập phá
tài sản như những tên cướp biển“.
Cũng
xin nhắc lại, chính con tàu mang số hiệu 46101 này đã từng tấn công
tàu Cảnh sát biển Việt Nam sáng 17/5/2014, khi Trung Quốc mang giàn khoan HD981
vào vùng biển nước ta, mà báo Soha đã đưa tin.
Hội Thảo Ấn Độ Dương tại Hà Nội
Như
tin đã đưa trong Bản tin Biển Đông ngày 28 tháng 8, sự kiện kéo dài
trong hai ngày 27 và 28 tháng 8 với chủ đề “Xây dựng Kiến trúc Khu vực”, tập trung vào việc xây
dựng kiến trúc khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các nước liên quan trong khu vực
trong những vấn đề về xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải
quyết tranh chấp một cách hòa bình, cũng như quản lý hàng hải và xử lý những mối
đe dọa phi truyền thống.
Trong
bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
cũng như các quan chức cấp cao của Sri Lanka, Ấn Độ và Singapore đã chia sẻ
quan điểm của họ về tầm quan trọng của việc xây dựng một kiến trúc khu vực dựa
trên luật pháp quốc tế và có tính bao trùm, với ASEAN đóng vai trò trung tâm,
trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây
dựng lòng tin.
Tính
bao trùm (inclusive) theo diễn giải trước đó của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là
bao gồm tất cả các nước nằm trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, cũng như
các nước liên quan tới khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh,
khu vực Ấn Độ Dương, với nền văn minh cổ đại và nền kinh tế năng động, là trung
tâm của “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và có tính bao trùm”.
Bà
cũng khẳng định ASEAN là trung tâm trong cấu trúc hàng hải khu vực, nhấn mạnh tầm
quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự
do hải hành và bay trên không, đồng thời kêu gọi chú ý tới các mối đe dọa có thể
làm suy yếu quản trị và an ninh trong khu vực, bao gồm cướp biển, buôn lậu và cạnh
tranh hải quân.
Bộ
trưởng Ngoại giao Ấn Độ nói, Ấn Độ và Việt Nam không chỉ kết nối trên biển mà
còn cùng chia sẻ tầm nhìn về hoà bình và thịnh vượng. Bởi vậy Hà Nội là địa điểm
phù hợp cho những thảo luận về sự phát triển ở Ấn Độ Dương và khu vực Ấn Độ –
Thái Bình Dương.
Bà
cho biết, vào tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra khái niệm
về SAGAR, đề xuất một tầm nhìn toàn diện về sự tham gia của Ấn Độ với khu vực
này.
SAGAR
trong tiếng Hindi nghĩa là đại dương. Tầm nhìn của Thủ tướng Modi là trong thế
kỷ này, SAGAR nên là viết tắt của ‘An ninh (Security) và Tăng trưởng (Growth)
cho Tất cả (All) trong Khu vực (Region)”.
Để
thực hiện tầm nhìn này, Ấn Độ đưa ra cách tiếp cận bao gồm: (a) dự án thúc đẩy
liên kết nội địa và tăng cường kết nối khu vực, (b) liên kết Nam Á với Đông Nam
Á (Act East) và Vùng Vịnh (Think West), và (c) đóng vai trò tích cực và xây dựng
trong việc tăng cường an ninh hàng hải khu vực.
Trong
bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm
Bình Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình
Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua
sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ
giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.
Ông
cho biết: “Mức độ trao đổi cao trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và
văn hóa là động lực thúc đẩy thế kỷ châu Á trở thành thế kỷ Ấn-Á-Thái Bình
Dương”.
Ông
cảnh báo rằng việc xây dựng bất kỳ kiến trúc khu vực Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình
Dương nào đều là “cam kết phức tạp” và góp phần vào hòa bình, an ninh và thịnh
vượng trong khu vực, các nước cần phải thể hiện “bốn yếu tố nền tảng” – tính
bao trùm (inclusivity); tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hải hành và dòng chảy
thương mại không bị giới hạn; vai trò trung tâm của ASEAN; tôn trọng chủ quyền
và độc lập của các quốc gia.
Bộ
trưởng Ngoại giao Việt Nam nói rằng đối với bất kỳ dự án nào trong các sáng kiến
hợp tác mới đây – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Chính
sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung
Quốc, hoặc Sáng kiến “Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” của Nhật – Mỹ – đều
phải “dựa trên tính tối thượng của luật pháp quốc tế, tôn trọng
quyền tự quyết của quốc gia“.
Ông
nói rằng, Hội nghị Ấn Độ Dương được tổ chức lần này nhằm mục đích hình dung các
mô hình kiến trúc khu vực khả thi, tăng cường hợp tác trong tương lai, chống lại
các xu hướng chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc đang
dâng cao.
Trong
bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh tầm quan trọng của “lợi thế hàng hải“. Có tới 80% khối
lượng thương mại toàn cầu và 70% tổng doanh thu hàng hóa được vận chuyển bằng
đường biển, hầu hết các tuyến đi qua Ấn Độ Dương, kết nối các nền kinh tế chính
ở vùng duyên hải Bắc Đại Tây Dương với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông
cho biết, Singapore hoan nghênh hợp tác khu vực, nhưng nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn
nhau trong ASEAN và làm thế nào để đạt được kết quả thắng lợi cho tất cả các
bên ngay cả khi các cường quốc thế giới đang cạnh tranh để giành vị thế thống
trị.
Ngoại
trưởng Balakrishnan phát biểu: “Khái niệm then chốt là phụ thuộc lẫn
nhau (interdepence). Chúng tôi tin rằng đây chính là con đường để bảo toàn hoà
bình và duy trì thịnh vượng trong khu vực. Bằng cách thúc đẩy phụ thuộc lẫn
nhau, chúng tôi có thể chứng minh cho mọi người thực tế rằng, chúng tôi đạt được
nhiều hơn bằng cách làm việc cùng nhau và giao thương với nhau, đầu tư lẫn
nhau, hơn là tham gia vào những cạnh tranh tổng bằng không và sự đối đầu giữa
các cường quốc. Chúng ta đều hy vọng cùng thắng. Kịch bản ngược lại là thế giới
bị chia thành các khối kình địch nhau, cố thủ với một vị trí độc lập hẹp hòi,
tham gia vào những cạnh tranh tổng bằng không và trở thành những con rối của
các cuộc chiến ủy nhiệm. Kịch bản này không phải là con đường cho hoà bình và
thịnh vượng”.
Phát
biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane đưa
ra nhận định: “Các nguyên tắc luật pháp và thương mại trên biển tự do
và mở đang bị đe doạ. Cần thiết phải có một sự thực thi pháp luật tốt hơn trong
khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
Còn
giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc Cho Byung Jae thì cho biết “Hàn
Quốc ủng hộ kiến trúc khu vực có tính bao trùm trong đó lợi ích các bên đều được
coi trọng”.
No comments:
Post a Comment