Friday, August 31, 2018

THƯỢNG NGHỊ SĨ MỸ QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)




Posted on 31/08/2018

Chỉ với tư cách là thượng nghị sĩ đại diện cho bang Arizona, Hoa Kỳ, ông John McCain lúc sinh thời là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng khắp đối với nền chính trị của quốc gia này. Ông là một ví dụ điển hình cho thấy một nghị sĩ Mỹ (mà ở ta gọi là đại biểu Quốc hội) có thể đóng vai trò quan trọng như thế nào trên chính trường.

"Bát nhân đảng" gồm tám thượng nghị sĩ đầy quyền lực của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà năm 2013. Ảnh: Jason Reed/Reuters

Trời và vực

Nhớ về McCain, người ta có thể nhắc đến “Bát nhân đảng” (Gang of Eight), tập hợp tám thượng nghị sĩ (TNS) có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ vào thời điểm năm 2013. Họ thống nhất mục tiêu, gác lại những khác biệt quan điểm chính trị để tạo ra đột phá trong việc cải cách hệ thống pháp luật di dân của Mỹ.

McCain là một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa nhưng chưa bao giờ ngại đứng lên phản kháng lại những thứ gọi là “chủ trương, đường lối, chính sách” của đảng mình.

Ông đề xuất và ủng hộ các chiến dịch cải cách – kiểm soát thị trường tiền tệ quốc gia.

Ông chống lại đến cùng chính sách sử dụng những “kỹ thuật thẩm vấn tăng cường” (enhanced interrogation techniques) của chính quyền Bush và Cục Tình báo Trung ương (CIA) tại nhà tù Vịnh Guantanamo, ngăn chặn nạn tra tấn tù binh nước ngoài bằng đạo luật Amendment 1977.

Gần đây, McCain cũng là người nhiều lần bỏ phiếu chống lại nỗ lực loại bỏ ObamaCare đã kéo dài nhiều năm của chính đảng mình.

Nhớ về McCain, người ta cũng nhớ rằng ông đã gầy dựng tên tuổi của mình thành “gã diều hâu nhất trong những gã diều hâu” trong chính sách đối ngoại và quân sự Hoa Kỳ.

Nắm vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện (Senate Armed Service Committee), ông là người đề xuất tăng cường quân đội Mỹ tại Iraq vào năm 2007, giúp duy trì hòa bình và sự ổn định của chính quyền Iraq lâm thời.

McCain cũng cật lực chỉ trích chính sách ngoại giao yếu kém của chính quyền Obama trong suốt tám năm ông này đương nhiệm.

Đó là những thứ người Mỹ hay những người mến mộ McCain có thể nhắc về ông, với tư cách đơn giản là một thượng nghị sĩ.

Khoảnh khắc TNS John McCain bỏ lá phiếu quyết định làm phá sản dự luật bãi bỏ ObamaCare ngày 28/7/2017, khiến cho Đảng Cộng hoà của ông rất thất vọng. Ảnh: TIME.

Đáng tiếc thay, dường như người Việt Nam ta khó có thể liệt kê được thành tựu nào đáng kể của các đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội năng động và đôi khi nhận được cảm tình của báo chí và người dân nhất như ông Trương Trọng Nghĩa, ông Dương Trung Quốc thường chỉ hạn chế thành tựu của mình trong những… câu hỏi chất vấn. Thứ khiến người dân Việt Nam biết đến các đại biểu Quốc hội cuối cùng chỉ là những câu hỏi chất vấn vô thưởng, vô phạt, xứng đáng vài cái vỗ đùi đen đét của người xem rằng “Nói hay!”, “Nói chí phải!”… rồi sau kỳ họp thì đâu lại vào đấy.

Luật Khoa đã từng giới thiệu đến bạn đọc về các đầu việc của một đại biểu Quốc hội, những đầu việc nghe rất quyền lực và rất quan trọng. Nhưng còn đó những nhược điểm có tính toán và được dự trù của một cơ quan “đại quyền lực” khác để đảm bảo rằng đại biểu Quốc hội Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuyên môn, và lệ thuộc vào Ủy ban Thường vụ.

Vậy vì sao cũng là đại biểu, nhưng đại biểu Hoa Kỳ lại nhiều dấu ấn chính sách đến thế? Sao họ lại có quyền lực đến thế? Chúng ta có thể cùng trả lời qua vài câu hỏi đơn giản sau.

Thượng nghị sĩ (Senator) là những ai?  

John McCain là một trong 100 TNS Hoa Kỳ. Một trăm vị này đại diện cho 50 bang. Khác với Hạ viện, nơi mà số lượng dân biểu mỗi bang tương ứng với tỉ lệ dân số của tiểu bang đó trong tổng dân số cả nước, mỗi bang đều có hai TNS như nhau để bảo đảm tiếng nói của mình.

Các TNS có nhiệm kỳ sáu năm, dài hơn nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ (hai năm) và tổng thống (bốn năm). Nhiệm kỳ dài giúp Thượng viện giảm bớt tính chính trị và các TNS không quá lệ thuộc vào việc tìm kiếm phiếu bầu.

Người đứng đầu Thượng viện là Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Chức danh này sẽ chỉ thực hiện quyền bỏ phiếu khi xảy ra trường hợp hòa phiếu trong một vấn đề nhất định.

Các thượng nghị sĩ hoạt động bằng phương thức nào?

So với các đại biểu Quốc hội Việt Nam thì nghị sĩ Hoa Kỳ nói chung và các TNS nói riêng có năng suất làm việc và mức độ chủ động gấp cả ngàn lần.

Thay vì chỉ hội họp đông đúc và bầu bán cho qua chuyện mỗi năm hai lần như ở Việt Nam, các TNS Hoa Kỳ làm việc toàn thời gian, chủ yếu thông qua mô hình ủy ban (committees). Có tổng cộng năm loại hình ủy ban:

Ủy ban thường trực (Standing committee): là những ủy ban lập pháp làm việc liên tục cho các vấn đề chung của Thượng viện.

Ủy ban tạm thời (Select committee): là những ủy ban thành lập để xem xét và xử lý những vấn đề, chính sách cụ thể.

Ủy ban đặc biệt (Special committee): là những ủy ban được thành lập có trách nhiệm điều tra cáo buộc, sai phạm; hoặc khi Thượng viện cần một báo cáo chi tiết.

Ủy ban kết hợp (Joint committee): là những ủy ban được thành lập chung giữa Thượng viện và Hạ viện

Tiểu ban (Subcommittees): là những ủy ban được chuyên môn hóa cao, tập trung vào chỉ một số vấn đề ngách về pháp lý và chính sách.

TNS John McCain (giữa) trong một phiên điều trần tại Uỷ ban Quân vụ Thượng viện ngày 27/1/2016. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Các ủy ban có tầm ảnh hưởng ra sao đến các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ?

Chúng ta đã quá quen với những thông tin về tam quyền phân lập của Hoa Kỳ với Nghị viện nắm lập pháp, Tổng thống nắm hành pháp và Tối cao Pháp viện nắm tư pháp. Nhưng nguyên tắc phân tán quyền lực này cũng không đồng nghĩa rằng một cách cơ bản, các dân biểu sẽ rơi vào thế bị động trong việc quản lý hành chính nhà nước. Sẽ không quá lời nếu mô tả các ủy ban của Nghị viện Hoa Kỳ như những cơ quan quản lý hành chính thu nhỏ thật sự, với mục tiêu nghiên cứu và hình thành đạo luật – chính sách, kiểm tra sự thi hành và vận động của các đạo luật – chính sách đó.

Nếu tại Việt Nam, chính phủ soạn thảo, đệ trình dự án luật, chính sách; thì ở Mỹ, chính những TNS nằm trong các ủy ban chuyên trách sẽ xem xét soạn thảo các văn bản pháp luật, quyết định việc một dự luật có được đưa ra toàn thể Nghị viện xem xét hay không.
Các ủy ban chuyên trách cũng có thể nắm quyền kiểm soát chi tiêu cho từng ngành hoạt động cụ thể; thay vì như ở Việt Nam, khi Quốc hội chỉ thông qua ngân sách chung chung để chính phủ dùng sao thì dùng, vì các đại biểu cũng không có chuyên môn hay thời gian nghiên cứu vấn đề. Ủy ban của Thượng viện còn liên tục theo sát các chức năng quan trọng khác của chính phủ.

Hãy thử so sánh Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ (một dạng ủy ban thường trực, mà TNS John McCain là Chủ tịch trước khi qua đời).

Trên lý thuyết, quyền lực của Ủy ban Quốc phòng – An ninh chỉ ở mức thẩm tra dự án luật từ chính phủ, giám sát các văn bản dưới luật của chính phủ và kiến nghị các vấn đề liên quan. Còn trên thực tế, Ủy ban Quốc phòng – An ninh gần như không có thẩm quyền gì nhiều với các vấn đề pháp lý liên quan.

Liên quan đến các tranh cãi của dự thảo sửa đổi Luật Công an Nhân dân gần đây về việc có cho phép phong tướng một số chức danh đứng đầu công an tỉnh hay không, Ủy ban này chỉ ghi nhận: “Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, nội dung này các đại biểu còn có ý kiến khác nhau, vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến”.

Ngược lại, Ủy ban Quân vụ Thượng viện là chiến trường mà chính phủ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải bước qua nếu muốn đạt được một mục tiêu quản lý hành chính quan trọng nào đó.

Muốn được phê duyệt ngân sách dành riêng cho quốc phòng? Phải thông qua điều trần ở Ủy ban Quân vụ.

Muốn ký kết hợp đồng thầu trong các lĩnh vực quốc phòng? Vẫn phải thuyết phục được Ủy ban Quân vụ.

Thực chất, gần đây, chính Ủy ban Quân vụ của Thượng viện đã đưa ra quyết định cấm Lầu Năm Góc ký kết, gia hạn hay làm mới các hợp đồng thầu đối với các nhà thầu có sử dụng công cụ hay dịch vụ của các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE.

Đấy là chúng ta chưa kể đến hàng loạt các ủy ban quan trọng khác như Ủy ban Thương mại, Ủy ban Tài chính hay Ủy ban Đối ngoại, vốn đều là những “thủ lĩnh” thực tế mà mọi bộ, ban, ngành Hoa Kỳ buộc phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến.

Trong vụ bê bối Watergate khét tiếng đầu thập niên 1970, khi mà đương kiêm Tổng thống Richard Nixon bị cáo buộc nghe lén trụ sở của Đảng Dân chủ, Ủy ban Watergate (tên gọi đầy đủ là Select Committee on Presidential Campaign Activities) nhanh chóng được thành lập để điều tra và đưa ra kết luận đối với vụ việc (cũng như các văn bản pháp lý để sử dụng lâu dài). Cùng với áp lực từ phán quyết của Tối cao Pháp viện trong United States v. Nixon, và Nghị quyết luận tội phế truất cho Nixon do Ủy ban Tư pháp Hạ Viện soạn thảo, Nixon buộc phải từ chức vào năm 1974 để tránh bị luận tội.

***
Với những cơ chế kiểm soát mạnh mẽ hoạt động không ngừng nghỉ thông qua những ủy ban chuyên trách, không khó để tưởng tượng ra tầm ảnh hưởng của nghị sĩ Hoa Kỳ đối với mọi hoạt động kinh tế – xã hội của quốc gia.

Cơ chế này giúp cho người dân biết rõ các đại biểu của mình đang làm gì, rồi từ đó người dân sẽ lựa chọn thái độ tôn trọng hay ghét bỏ các đại biểu đó. Đó là điều tốt nhất cho một nền chính trị khỏe mạnh. Không có gì kinh khủng hơn khi nhân dân không biết những người đại diện của mình đang làm gì.







No comments: