Đăng
ngày 26-08-2018
Chỉ một ngày sau khi
quyết định ngừng điều trị bệnh ung thư não, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John
McCain đã qua đời tối 25/08/2018 tại Cornville, bang Arizona, thọ 81 tuổi,
trong vòng tay của người thân. Từ tham chiến ở Việt Nam đến lập trường chống
Trump, trang France 24 nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của một trong những gương
mặt quan trọng trên chính trường Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ John
McCain, tại bang Bắc Carolina, ngày 18/10/2008. REUTERS/Carlos Barria
Ông
John McCain sống sót qua bom đạn và tra tấn trên chiến trường Việt Nam, nhưng
đành đầu hàng trước căn bệnh ung thư não hiểm nghèo, được phát hiện từ tháng 07/2017. Dù
bệnh tật, cựu ứng viên tổng thống năm 2008 vẫn không từ chức thượng nghị sĩ
bang Arizona. Chiếc ghế của ông bị bỏ trống từ tháng 12/2017. Từ khi phát hiện
mắc bệnh, người ta chỉ thấy những hình ảnh của ông, tại nhà riêng hay khi đang
đi dạo.
Thượng
nghị sĩ Cộng Hòa theo khuynh hướng trung lập chưa bao giờ che giấu sự coi thường
đối với ông Donald Trump. Ông công khai chỉ trích tổng thống thứ 45 của Mỹ,
đánh giá ông Trump là « không nắm rõ thông tin » và «
bốc đồng ». Mùa hè năm 2017, ông thậm chí đã bỏ phiếu phản đối đề xuất cải
cách hệ thống y tế của tổng thống Trump. Là người nói thẳng và lưỡng đảng, ông
John McCain có chung một số giá trị và ý tưởng với đảng Dân Chủ, khiến các đồng
nghiệp Cộng Hòa giận dữ.
Cựu
chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam còn ủng hộ một cải cách tự do về di dân,
trong đó có việc hợp pháp hóa cho người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Mỹ và
tăng cường kiểm soát biên giới. Ông cũng quan tâm đến tình trạng Trái đất nóng
lên.
Người
hùng thời chiến
Có
bố và ông là đô đốc, đầu tiên ông John McCain là phi công của lực lượng Hải
Quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Ông bị quân đội miền Bắc Việt Nam bắt năm 1967
sau khi phải nhảy dù khỏi máy bay bị trúng pháo. Trong năm năm cầm tù, ông bị
tra tấn, sau đó được trả tự do năm 1973. Khi trở về Mỹ, ông được chào đón như
người hùng chiến tranh và được tổng thống Richard Nixon tiếp đón trước ống kính
toàn thế giới. Chính những sự kiện trên chiến trường càng khiến ông thêm «
cứng đầu cứng cổ ».
Phi công John McCain bị
quân và dân miền Bắc Việt Nam kéo ra khỏi hồ sau khi nhảy dù khỏi máy bay ở Hà
Nội, ngày 26/10/1967. Handout via REUTERS
Năm
1982, ông John McCain bắt đầu sự nghiệp chính trị tại Hạ Viện, sau đó trở thành
thượng nghị sĩ của bang Arizona vào năm 1986 và đảm nhiệm vị trí đó cho đến cuối
đời.
Năm
2000, ông ra tranh cử ứng viên đảng Cộng Hòa cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng
thất bại trước thống đốc bang Texas, Georges W. Bush. Ông Georges W. Bush trở
thành tổng thống Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ, đến năm 2008. Cũng vào năm đó, thượng
nghị sĩ Arizona lại thử vận may trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông được đảng Cộng
Hòa đề cử nhưng lại thất bại trước đối thủ đang lên của đảng Dân Chủ Barack
Obama, người sau này cũng giữ hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Trong
bài diễn văn đáng nhớ công nhận thất bại tối 04/11/2008, ông không ngần ngại ca
ngợi vị tổng thống da mầu đầu tiên của Mỹ : « Đó là một cuộc bầu cử lịch
sử và tôi hiểu ý nghĩa đặc biệt đối với người Mỹ gốc Phi, cũng như niềm tự hào
của họ tối nay. Tôi vẫn luôn tin rằng nước Mỹ có thể trao cơ hội cho người sẵn
sàng nắm bắt lấy nó. Thượng nghĩ sĩ Obama cũng tin như vậy ».
Tổng thống Mỹ Barack
Obama phát biểu về cải cách luật nhập cư với nghị sĩ hai đảng tại Nhà Trắng,
ngày 25/06/2009. Phó tổng thống Joe Biden (T) và thượng nghị sĩ John McCain
(P).REUTERS/Kevin Lamarque
Chỉ
trích tổng thống Donald Trump
Trái
với lòng ngưỡng mộ dành cho Barack Obama, ông John McCain lại cay đắng ghét nhà
tỉ phú địa ốc New York Donald Trump. Ông không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để chỉ
trích gay gắt tân chủ nhân Nhà Trắng.
Trong
cuốn sách thứ bẩy của mình, The Restless Wave (tạm dịch : Cơn
sóng dữ) xuất bản tháng 05/2018, ông cáo buộc tổng thống Mỹ thứ 45 đã phản bội
các giá trị của Hoa Kỳ khi lấy lòng « các nhà chuyên chế » trên
khắp thế giới, bôi nhọ truyền thông và chà đạp lên nhân quyền và quyền của người
tị nạn. Ông viết : « Nói ngon ngọt thì có được tình bạn của ông ấy, chỉ
trích thì bị ông thù ghét ».
Vào
tháng 07/2015, khi đang lên như diều gặp gió trong các cuộc thăm dò, ứng viên
Donald Trump, trong cuộc vận động bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa cho kỳ bầu cử
tổng thống Mỹ 2016, đã gây phẫn nỗ khi khẳng định John McCain « không
phải là một anh hùng chiến tranh. Ông ấy là anh hùng vì ông ấy bị bắt. Tôi
thích những người không bị bắt ».
Tổng
thống Mỹ Donald Trump không được mời đến dự lễ tang cựu quân nhân và thượng nghị
sĩ Cộng Hòa tân tiến, người vẫn noi theo hình mẫu của Theodore Roosevelt, vị tổng
thống thứ 26 của Mỹ luôn linh hoạt hơn trong vấn đề nhập cư.
Ứng viên tranh cử tổng
thống Mỹ của đảng Cộng Hòa John McCain, tại La Crosse, bang Wisconsin, ngày
10/10/2008.REUTERS/Carlos Barria
No comments:
Post a Comment