28/08/2018
Cách nay bốn năm, vào ngày 27 tháng 7 năm 2015, cô
Trần Thị Thủy viết một lá thư cảm tạ những người tổ chức cầu siêu cho cha của cô
– mất trước đó 27 năm. Xin lược trích một số câu, đoạn trong thư (1)…
… Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu
thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng
vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học
trưởng thành…
… Dịp này, lần đầu tiên không chỉ gia đình con mà
còn 63 gia đình khác được công khai khóc cho những người chồng, người cha mà
không sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào...
Cha cô Thủy là ai? Phải chăng ông từng phạm những
tội thuộc loại “đại nghịch bất đạo”, thành ra thân nhân không chỉ sống vất
vưởng, khốn khổ, khốn nạn mà còn không dám than khóc công khai?
Nếu bảo rằng cha cô Thủy – ông Trần Văn Phương là
Thiếu úy Hải quân nhân dân Việt Nam, một trong số 64 người lính Việt Nam chỉ vì
dám minh định chủ quyền của Việt Nam tại bãi đá Gạc Ma mà bị Trung Quốc biến
thành những tấm bia sống, tuần tự hạ gục từng người trong ngày 14 tháng 3 năm
1988. Sau khi đền nợ nước được vinh thăng Trung úy, truy tặng danh hiệu Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – thì có ai cảm thấy não lòng và hoang mang,
phẫn nộ không?
***
Cho đến giờ, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt -
First News và những người tham gia biên soạn - phát hành cuốn sách “Gạc Ma –
Vòng tròn bất tử” vẫn chưa được yên thân.
Dường như cuộc tấn công trên mạng xã hội không tạo
ra được tác dụng cần thiết, thậm chí là phản tác dụng nên hai ông tướng đã nghỉ
hưu (Nguyễn Thanh Tuấn – Trung tướng, cựu Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục
Chính trị Bộ Quốc Phòng và Hoàng Kiền – Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Binh chủng
Công binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vừa mở một mặt trận nữa trên
hệ thống truyền thông chính thức (Tuần báo Văn nghệ TP.HCM các số 511, 512 phát
hành vào các ngày 16 tháng 8 năm 2018 và 23 tháng 8 năm 2018) (2).
Trên hai số báo đã dẫn, tướng Tuấn và tướng Kiền
nhân danh “tuyệt đại cựu chiến binh, tuyệt đại cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu
nước”, đề nghị: Kiểm điểm Hội đồng Thẩm định bản thảo, kiểm điểm – xử lý Nhà
Xuất bản Văn học – nơi chịu trách nhiệm xuất bản và những tập thể, cá nhân liên
quan đến “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, thu hồi – tiêu hủy ấn phẩm này vì “sai
sót cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm
suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò
Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành
‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta”.
***
Cần nhắc lại rằng chuyện Công ty Văn hóa Sáng tạo
Trí Việt - First News tổ chức phát hành cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”
đã trở thành một sự kiện đặc biệt trong sinh hoạt chính trị - xã hội ở Việt Nam
hồi đầu tháng bảy.
Việc xuất bản - phát hành cuốn sách khổ 16 cm x 24
cm với 328 trang trở thành sự kiện đặc biệt vì tính chất và số phận gian truân
của nó!
Trong vòng bốn năm (2014 – 2018), bản thảo “Gạc Ma –
Vòng tròn bất tử” do First News thực hiện được chuyển lòng vòng qua… 13 nhà
xuất bản. Chỉ đến khi một hội đồng cấp quốc gia do chính quyền Việt Nam thành
lập nhằm thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” gật đầu, giấy
phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) (3)!
Nhiều người đã từng thắc mắc, có cái… quái gì trong
“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” khiến giới làm sách tại Việt Nam phải thận trọng,
nhìn trước, ngó sau kỹ lưỡng như vậy và các viên chức hữu trách trong hệ thông
công quyền Việt Nam phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần trước khi đồng ý để “Gạc
Ma – Vòng tròn bất tử” trở thành một ấn phẩm chính thức?
Tất nhiên là có! “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là cuốn
sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung
Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo
Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống
sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in -
xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn “Gạc Ma
– Vòng tròn bất tử” có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê
Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải
quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan
Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành Trung ưng Đảng CSVN (Đào
Văn Lừng), một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học
Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân
chứng vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị xem là “những kẻ đang
thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc
phạm vai trò lãnh đạo của Đảng”...
***
Một lễ cầu
siêu được tổ chức ở Đà Nẵng cho các tử sĩ Việt Nam trong trận Gạc Ma năm 1988.
27 năm sau vụ thảm sát Gạc Ma, lần đầu tiên có một
Đại lễ Tưởng niệm và Cầu siêu cho 64 người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắn hạ
vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, trong Thư ngỏ gửi mọi người, cô Thủy viết:
Con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan
tâm của tất cả mọi người… 27 năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng
cũng không ngắn đối với gia đình chúng con, những gia đình mất đi người thân,
những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn
không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương
thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được. 27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một
buổi đại lễ cầu siêu nào cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh
hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo,
băng giá. Cho tới ngày hôm nay được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn
như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất
lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sỹ khác.
Trong thư, cô Thủy kể thêm, cha cô bị giết năm 1988
nhưng đến 2009 mẹ cô “nhiều lần ngược xuôi làm giấy tờ, thủ tục thì mới được
hưởng trợ cấp”.
Cô tâm sự thêm, trước nữa, nhắc đến sự kiện
14 tháng 3 năm 1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến
quan hệ ”láng giềng tốt đẹp” giữa mình và một quốc gia đang tâm cướp đi sinh
mạng người thân của chúng con… Tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không
được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của
chúng? Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới
tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì? Cũng không có gì thay đổi, vẫn
là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng, táo tợn của những kẻ bộc lộ
rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta, làm hại
người dân của ta.
***
Thư của người phụ nữ chưa bao giờ được cha bồng ẵm
vì ông bị giết khi cô còn đang trong bụng mẹ còn viết:
Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi
được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha, người mẹ
của liệt sỹ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ
cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc
nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con…
Xin lỗi cô Thủy khi phải nhận định rằng cô đã sai!
Đến bây giờ, bốn năm sau khi cô viết Thư ngỏ đã dẫn, vẫn chưa có cái gọi là
“được tự do nói đến” đâu cô Thủy ạ! “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” chính là bằng
chứng. Đâu chỉ có gia đình cô Thủy, 63 gia đình có thân nhân bị giết ở Gạc Ma
và những cựu chiến binh may mắn sống sót gánh thảm cảnh ấy. Còn những người
cha, người mẹ, người vợ, con, anh chị em, cháu,… những người lính khác đã bị
giết ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và những cựu chiến binh may mắn
sống sót trong những cuộc chiến vệ quốc ấy nữa. Không có thống kê nhưng con số
phải tính bằng triệu.
Bất kể Trung Quốc thế nào, hành xử ra sao thì chủ
quyền quốc gia, tương lai dân tộc vẫn không quan trọng bằng điều mà Thượng
tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Đảng CSVN từng thay mặt giới lãnh đạo Đảng CSVN “quán triệt toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân”: Việt Nam
và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc trưng
của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo” và
“điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung
Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước”, thành ra “nếu có được một người bạn
xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng
thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Thế thôi!
Chính vì tin vào sự nhất quán về đường lối, chủ
trương đó, tướng Tuấn, tướng Kiền, báo Văn nghệ TP.HCM mới liên tục đòi “chặt
đầu, lột da” cho bằng được những tập thể, cá nhân liên quan tới tổ chức biên
soạn, xuất bản, phát hành “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, kể cả đòi truy cứu trách
nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN – nơi đã thành lập một hội đồng
chỉ để thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”.
*
Chú
thích
No comments:
Post a Comment