Tuesday, August 28, 2018

TNS JOHN McCAIN ĐÃ RA ĐI NHƯNG HIỀM KHÍCH VỚI TT TRUMP VẪN CHƯA DỨT (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
28/08/2018

Sau hai ngày hầu như im lặng, dưới áp lực của công luận, Tổng thống Trump đã miễn cưỡng công khai thừa nhận “những sự đóng góp của Thượng nghị sĩ John McCain cho đất nước”, và ra lệnh treo cờ rũ trở lại ở Toà Bạch Ốc.

Quốc kỳ Mỹ tại Tòa Bạch Ốc được treo rũ trở lại vào chiều thứ Hai 27/8 để vinh danh TNS John McCain, sau khi được giương lên vị trí bình thường sau nửa đêm Chủ nhật. Ảnh chụp ngày 27/8/2018. REUTERS/Leah Millis

Bản tin của AP sáng ngày 28/8 viết rằng trong khi gần như cả nước tưởng nhớ Thượng nghị sĩ McCain như một anh hùng thời chiến, một Thượng nghị sĩ phục vụ lâu năm và từng được Đảng Cộng hoà chọn làm ứng cử viên Tổng thống, ông Trump hình như vẫn mang nặng trong lòng nhiều ác cảm đối với người quá cố. Những sự xung khắc về phong cách và chính sách giữa nghị sĩ McCain và Tổng thống Trump đã không chấm dứt sau khi ông McCain lâm bệnh, và ngay cả sau khi ông qua đời.

AP nói rằng thái độ miễn cưỡng của ông Trump, không muốn tham gia tưởng niệm vị nghị sĩ quá cố bị coi là “vụng về" và "gây bối rối”, ngay cả dựa trên tiêu chuẩn của một nhà lãnh đạo vẫn thừa nhận rằng ông không hành xử như một vị Tổng thống tiêu biểu.

Vụ việc này nêu bật bản năng của Tổng thống Trump, vốn luôn giữ trong lòng những hiềm khích cá nhân, bất chấp các hệ quả chính trị.

Trước tuyên bố chiều thứ Hai 27/8, bình luận duy nhất của Tổng thống Trump trước sự ra đi của Thượng nghị sĩ McCain là một dòng tweet ngắn -gọi là “cho có lệ”, tải lên hôm thứ Bảy.
Sự thiếu vắng một tuyên bố chính thức, cùng với việc những lá cờ tại Toà Bạch Ốc chỉ được treo rũ trong một thời gian rất ngắn, đã bị các đảng viên Đảng Cộng hoà và các tổ chức cựu chiến binh, cũng như các thành viên Đảng Dân chủ đả kích dữ dội.

Khi rốt cuộc Tổng thống Trump ra một tuyên bố bằng văn bản, ông Trump cũng tỏ ra “tiết kiệm” những lời ca tụng dành cho vị nghị sĩ đã phục vụ 6 nhiệm kỳ tại quốc hội.

Tuyên bố của Tổng thống Trump viết: “Bất chấp những khác biệt quan điểm giữa chúng tôi về chính sách và các vấn đề chính trị, tôi tôn trọng sự đóng góp của Thượng nghị sĩ McCain đối với đất nước chúng ta.”

Sau đó, tại một buổi dạ tiệc chào đón các lãnh đạo phái Phúc Âm vẫn ủng hộ ông, Tổng thống Trump nói: “Chúng ta gửi những lời thành tâm chia buồn và cầu nguyện tới gia đình McCain, và lấy làm cảm kích về tất cả những gì mà Thượng nghị sĩ John McCain đã làm cho đất nước chúng ta.”

Trước đó trong ngày, Tổng thống Trump giữ nguyên vẻ mặt lạnh lùng, không nói một lời nào khi các nhà báo nhiều lần mời ông bình luận về di sản do Thượng nghị sĩ McCain để lại.
Tổng thống Trump thường xuyên công khai tỏ thái độ bực dọc, chỉ trích ông McCain đã biều quyết chống nỗ lực của ông nhằm hủy bỏ Obamacare, luật chăm sóc y tế do Tổng Thống Obama đề xướng.

Trong vòng riêng tư, ông Trump than phiền rằng động thái đó chứng tỏ ông McCain không biết ơn về việc đã được ông hậu thuẫn trong cuộc bầu cử năm 2016, khi TNS McCain phải ra tái tranh cử.

Về phần ông, TNS McCain mạnh mẽ chỉ trích cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki, nói rằng “đó là một trong những 'thành tích' tồi tệ nhất của một Tổng thống Mỹ trong lịch sử ‘còn nhớ được’ của Hoa Kỳ.”

Trong bối cảnh đó, vị trí của lá quốc kỳ Mỹ tại Toà Bạch Ốc mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Quốc kỳ của Hoa Kỳ được treo rũ một thời gian ngắn- qua cuối tuần rồi, đã được giương cao như bình thường trở lại từ sáng thứ Hai 27/8 giữa lúc cờ vẫn được treo rũ tại trụ sở quốc hội và các công ốc khác.

Không lâu sau khi Tổng thống Trump ra tuyên bố bằng văn bản, quốc kỳ Mỹ lại được hạ xuống vị trí cờ rũ, nhưng chỉ sau khi những lời than phiền được tung ra tới tấp từ cả cánh tả lẫn cánh hữu, và từ một nhóm mà Tổng thống Trump chắc chắn không muốn làm phật lòng.

Bà Denise Rohan, lãnh đạo của Tổ chức Liên đoàn cựu chiến binh Mỹ (The American Legion), gửi cho Tổng thống Trump một văn bản trong đó có đoạn viết:

“Thay mặt cho 2 triệu cựu chiến binh thuộc Liên đoàn cựu chiến binh Mỹ, tôi kêu gọi Tổng thống hãy ra một tuyên bố chính thức với lời lẽ phù hợp ghi nhận sự ra đi của Thượng nghị sĩ John McCain và di sản cũng như sự đóng góp của ông cho đất nước chúng ta; tôi cũng yêu cầu lá quốc kỳ của tổ quốc phải được treo rũ cho tới khi nghị sĩ McCain được mai táng.”

Trong khi tuyên bố mà Tổng thống Trump đưa ra tìm cách xoa dịu tranh cãi, những sự kiện tưởng niệm cuộc đời và di sản của Thượng nghị sĩ John McCain kéo dài trong tuần lễ sắp tới sẽ mang lại những thời khắc “gây bối rối” khác. Các cựu Tổng thống Mỹ sẽ ngỏ lời tại tang lễ của Thượng nghị sĩ John McCain vào ngày thứ Bảy, nhưng gia đình của người quá cố nêu rõ rằng họ không muốn Tổng thống Trump có mặt.

Ông Trump nói ông đã yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence lên tiếng tại buổi lễ vinh danh ông McCain tại điện Capitol vào ngày thứ Sáu, và cho biết các giới chức khác của chính phủ ông sẽ dự các buổi lễ tưởng niệm. Tổng thống Trump còn cho biết ông đã phê chuẩn yêu cầu của gia đình McCain dùng phương tiện của quân đội để vận chuyển di hài Thượng nghị sĩ McCain tới Học viện Hải quân Hoa Kỳ ờ thành phố Annapolis, bang Maryland.

Cái chết không ngăn Thượng nghị sĩ McCain để lại một thông điệp cuối cùng liên quan tới Tổng thống Trump. Trong bức thư tuyệt mệnh gửi đến các công dân Mỹ, Thượng nghị sĩ McCain dường như phản bác -lần cuối cùng các lập trường chính trị của Tổng thống Trump, nói rằng:

“Chúng ta làm suy yếu sự vĩ đại của đất nước khi chúng ta lẫn lộn lòng yêu nước với những xung đột phe phái đã gieo rắc mầm mống hận thù và bạo động trên khắp các ngỏ ngách của thế giới.”

Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe quy lỗi một phần cho Thượng nghị sĩ John McCain về những sự hiềm khích với Tổng thống Trump, nói rằng “Ông McCain rất thẳng thừng khi ông không đồng ý với Tổng thống về một số vấn đề, và không ‘quá lịch sự’ về những bất đồng đó.”

Một người bạn của ông Trump, CEO của Newsmax Chris Ruddy nói: “Tôi nghĩ là hãy còn nhiều ác cảm giữa cả hai bên.”

Vài tuần trước, Tổng thống Trump ký thành luật một dự luật quốc phòng để vinh danh Thượng nghị sĩ John McCain, nhưng không hề nhắc đến tên ông.

---------------------------

LIÊN QUAN


-------------------------------

VOA Tiếng Việt
28/08/2018

Ông Rick Davis, cựu quản lý Ban vận động tranh cử tổng thống của cố Thượng nghị sỹ John McCain, đã đọc lời vĩnh biệt của ông gửi đến người dân Mỹ tại Điện Capitol của tiểu bang Arizona ở Phoenix hôm thứ Hai ngày 27/8.

Thượng nghị sỹ John McCain trong một cuộc vận động tranh cử hồi năm 2008

“Gửi đến những đồng bào Mỹ, những người mà tôi đã phục vụ với tất cả lòng biết ơn trong 60 năm, và nhất là những đồng hương Arizona của tôi:

Cám ơn đã cho tôi đặc ân được phụng sự mọi người và cám ơn vì cuộc đời viên mãn của những năm tháng phục vụ trong quân ngũ và trong cơ quan chính quyền. Tôi đã cố gắng phục vụ đất nước với danh dự. Tôi có phạm sai lầm, nhưng tôi hy vọng rằng tình yêu của tôi đối với nước Mỹ sẽ giúp khỏa lấp những sai lầm đó.

Tôi vẫn thường suy ngẫm rằng tôi là người may mắn nhất trên Quả đất. Tôi cảm nhận rằng ngay cả lúc này khi tôi chuẩn bị từ giã cõi đời, tôi vẫn trân quý cuộc sống của mình – trân quý hết thảy cuộc đời đó. Tôi đã có những trải nghiệm, những cuộc phiêu lưu và tình bằng hữu đủ cho mười kiếp sống viên mãn, và tôi tràn đầy lòng biết ơn. Cũng như hết thảy mọi người, tôi cũng có những hối tiếc. Nhưng tôi sẽ không đánh đổi một ngày nào trong đời tôi, cho dù trong lúc vui hay lúc buồn, để lấy ngày hạnh phúc nhất của bất kỳ người nào khác.

Chính tình yêu thương của gia đình đã cho tôi sự mãn nguyện đó. Không có người đàn ông nào có được người vợ và những đứa con yêu dấu mà ông thật sự tự hào như tôi. Và chính nước Mỹ đã cho tôi sự mãn nguyện đó. Được gắn kết với những chính nghĩa của nước Mỹ - tự do, công lý bình đẳng, tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người – là điều đem đến hạnh phúc tuyệt diệu hơn cả những thú vui phù du trong cuộc đời. Bản sắc và giá trị của chúng ta không hề bị giới hạn mà là được nâng tầm khi chúng ta cống hiến đời mình cho những chính nghĩa vượt khỏi bản thân mỗi chúng ta.

‘Đồng bào’ – mối liên hệ đó đối với tôi có ý nghĩa nhiều hơn đối với bất cứ ai. Tôi đã sống và chết trong cuộc đời của một người Mỹ kiêu hãnh. Chúng ta là những công dân của nền cộng hòa vĩ đại nhất thế giới, một quốc gia của lý tưởng chứ không phải huyết thống và lãnh thổ. Chúng ta có được ơn huệ đó và đem đến ơn huệ đó cho nhân loại khi chúng tôi giương cao và thúc đẩy những lý tưởng đó ở trong nước và trên thế giới. Chúng ta đã giúp giải phóng nhiều người ra khỏi những chế độ chuyên chế và đói nghèo hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Cũng nhờ đó chúng ta đã có được sự phồn vinh và quyền lực to lớn.

Chúng ta sẽ làm tổn thương sự vĩ đại của mình nếu chúng ta nhầm lẫn giữa lòng yêu nước với sự thù nghịch sắc tộc mà vốn dĩ đã gieo rắc sự bất bình, lòng thù hận và bạo lực ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta sẽ không còn vĩ đại như trước nếu chúng ta nấp mình sau những bức tường thay vì phá bỏ chúng, khi chúng ta nghi ngờ về sức mạnh của những lý tưởng của chúng ta, thay vì tin tưởng rằng những lý tưởng đó là nguồn lực mạnh mẽ đem đến sự thay đổi như từ trước đến giờ.

Chúng ta là ba-trăm-hai-mươi-lăm-triệu con người có ý kiến riêng và lúc nào cũng quyết liệt. Chúng ta tranh cãi, ganh đua và đôi khi phỉ báng lẫn nhau trong những cuộc tranh luận công khai đến khản cả cổ. Nhưng chúng ta luôn có nhiều điểm chung hơn là bất đồng. Phải chi chúng ta nhớ rằng và để cho đối phương cũng nghĩ rằng tất cả chúng ta đều yêu quý đất nước của mình, chúng ta sẽ vượt qua những thời khắc đầy thách thức. Chúng ta sẽ vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn lúc trước. Chúng ta luôn như vậy.

Mười năm trước, tôi đã có đặc ân thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống. Tôi muốn kết thúc lời vĩnh biệt mọi người với niềm tin tận đáy lòng vào người Mỹ - một niềm tin mà tôi cảm thấy dâng trào vào buổi tối hôm đó khi tôi thừa nhận thất bại.

Giờ đây tôi vẫn còn cảm thấy niềm tin mạnh mẽ như vậy.

Đừng tuyệt vọng trước những khó khăn hiện tại của chúng ta nhưng hãy luôn tin vào những hứa hẹn và sự vĩ đại của nước Mỹ, bởi vì không có gì là tất yếu ở đây. Người Mỹ không bao giờ từ bỏ. Chúng ta không bao giờ đầu hàng. Chúng ta không bao giờ trốn tránh trước lịch sử. Chúng ta tạo nên lịch sử.







No comments: