Friday, August 31, 2018

THƯỢNG NGHỊ SĨ MỸ QUA ĐỜI, LÀM SAO THAY? (Trịnh Hữu Long)




Posted on 27/08/2018

Không phải thượng nghị sĩ Mỹ nào cũng làm hết được nhiệm kỳ dài tới sáu năm của mình. Có người từ chức, có người bị miễn nhiệm, lại có người qua đời giữa nhiệm kỳ như Thượng nghị sĩ John McCain.

Ghế trống của Thượng nghị sĩ John McCain sẽ được thay thế như thế nào? Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Ông McCain đắc cử thượng nghị sĩ nhiệm kỳ thứ sáu vào năm 2016 vừa qua, nghĩa là nhiệm kỳ của ông kéo dài tới tận năm 2022.

Để đảm bảo cho Quốc hội vận hành với đầy đủ các nghị sĩ, Hiến pháp Mỹ và Tu chính án thứ 17 đặt ra hai giải pháp:

·         Đối với Hạ viện: cần tổ chức bầu cử theo luật bầu cử liên bang để người dân chọn người thay thế.

·         Đối với Thượng viện: các bang có thẩm quyền rộng lớn trong việc tự quyết định cách chọn người thay thế.

Thượng viện là một thiết chế đầy quyền lực của chính trường Mỹ, không những nắm giữ một nửa quyền lập pháp (nửa còn lại thuộc về Hạ viện), mà còn là nơi duy nhất có thẩm quyền phê chuẩn nhân sự của nội các (hành pháp) và các thẩm phán liên bang (tư pháp). Nó cũng là cơ quan duy nhất có quyền xét xử một tổng thống đương nhiệm.

Khác với Hạ viện, nơi có 435 dân biểu, mỗi dân biểu đại diện cho một số dân cư ngang nhau trên toàn quốc, Thượng viện có 100 thành viên với mỗi bang có hai thượng nghị sĩ, bất kể đó là bang đông dân nhất như California (khoảng 40 triệu dân) hay bang ít người nhất như Wyoming (khoảng 573 nghìn dân). Thượng nghị sĩ của bang nào thì do cử tri toàn bang đó bầu ra. Hiến pháp Mỹ thiết kế ra Thượng viện để đảm bảo các bang nhỏ không bị các bang lớn “ăn hiếp”. Nó cũng được cho là giúp hạ nhiệt cái chảo lửa Hạ viện, do hạ nghị sĩ chỉ có nhiệm kỳ hai năm và luôn chịu áp lực rất lớn của cử tri.

Vậy nếu có bất kỳ ghế thượng nghị sĩ nào bị khuyết thì phải làm thế nào?

Như đã nói ở trên, Hiến pháp Mỹ trao cho các bang thẩm quyền rộng lớn trong việc quyết định cách lấp chỗ trống này.

Đến đây, cần lưu ý rằng Mỹ có hai hệ thống chính quyền: liên bang và tiểu bang. Mỗi tiểu bang đều có hiến pháp riêng, quốc hội riêng, toà án riêng, cơ quan hành pháp riêng. Nếu không tính một số thẩm quyền của liên bang liên quan đến tiền tệ, ngoại giao, quân sự, v.v… các bang có thể được coi như một quốc gia độc lập.

Hiến pháp Mỹ quy định những quyền gì không thuộc về liên bang thì thuộc về các tiểu bang. Liên bang ấn định các luật lệ chung cho toàn nước Mỹ, được coi như ngưỡng tối thiểu mà các bang phải tuân theo. Các bang dựa trên đó có thể thiết lập nên các luật lệ riêng của mình, thành ra trong nhiều vấn đề như thuế, môi trường, án tử hình, mại dâm, ma tuý, bầu cử, v.v. chẳng bang nào giống bang nào.

Việc chọn người thay thế ghế thượng nghị sĩ trống cũng vậy.

Liên đoàn Quốc gia của Các Nghị viện bang (National Conference of State Legislature) cho biết, trong 50 bang của Mỹ thì có đến 36 bang chọn người thay thế thông qua cuộc bầu cử thông thường kế tiếp (mỗi cuộc bầu cử cách nhau hai năm, được tổ chức vào tháng 11) như các bang New York, Pennsylvaniva, Ohio; 14 bang còn lại bắt buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử đặc biệt như các bang Alabama, Alaska, Massachusetts.

Thượng nghị sĩ John McCain qua đời ngày 25/8/2018, để lại một chiếc ghế đầy quyền lực. Ảnh: AP.

Đối với việc tổ chức bầu cử đặc biệt thì khá dễ hiểu. Đó là một cuộc bầu cử riêng để chọn ra người thay thế mà không cần phụ thuộc vào các cuộc bầu cử định kỳ. Ngày bầu cử đặc biệt do mỗi bang ấn định, thường nằm trong khoảng ba hoặc bốn tháng kể từ khi có vị trí trống.
Đối với những bang chọn người thay thế qua bầu cử thông thường, thống đốc bang sẽ bổ nhiệm một người làm thượng nghị sĩ tạm thời cho đến khi bầu ra được người mới trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Chỉ riêng chuyện bổ nhiệm tạm thời này thôi cũng đã lắm nhiêu khê vì 36 bang này cũng chẳng thống nhất một cách làm với nhau. Ở hầu hết các bang, thống đốc có thể bổ nhiệm tuỳ ý. Nhưng ở các bang như Maryland, North Carolina, Utah, Wyoming, Hawaii và cả bang Arizona của ông John McCain, thống đốc buộc phải bổ nhiệm người thay thế từ cùng một đảng với người vừa rời ghế. Riêng Hawaii thì còn chặt hơn nữa, với việc thống đốc chỉ được bổ nhiệm người thay thế trong số ba người mà đảng đó đề xuất.

Chưa hết, trong nhiều trường hợp, người được bổ nhiệm tạm thời sẽ được nắm quyền không chỉ tới kỳ bầu cử định kỳ kế tiếp, mà tới tận lần bầu cử sau đó hai năm.

Lý do của việc này khá là kỹ thuật, vì cuộc bầu cử nào cũng phải ấn định thời hạn nộp hồ sơ tranh cử. Mỗi bang có thời hạn khác nhau. Nếu ghế thượng nghị sĩ bị trống trước hạn đó thì còn kịp nộp hồ sơ tranh cử vào vị trí trống đó, còn không thì lại phải chờ tới cuộc bầu cử sau, đồng nghĩa với việc người được thống đốc bổ nhiệm sẽ nắm giữ vị trí này trong hơn hai năm, thay vì chỉ vài tháng.

Lại có một số bang như Minnesota, New Jersey, New York, Virginia hay kể cả bang nhà Arizona của ông John McCain, luật tiểu bang ấn định một ngày nào đó trước kỳ bầu cử sơ bộ, nếu ghế trống trước ngày đó thì cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ chọn người thay thế, còn nếu ghế trống sau ngày đó thì phải chờ cuộc bầu cử sau đó nữa. Bang Arizona ấn định ngày này là 150 ngày trước kỳ bầu cử sơ bộ (năm nay rơi vào ngày 31/3 năm nay).

(Thông thường, bầu cử ở Mỹ có hai vòng: vòng sơ bộ và vòng tổng tuyển cử vào tháng 11 mỗi hai năm. Vòng sơ bộ diễn ra trước tổng tuyển cử vài tháng để chọn ra ứng viên của mỗi đảng, vòng tổng tuyển cử để chọn ra người thắng cuộc. Lưu ý: vòng sơ bộ do chính quyền tổ chức chứ không phải các đảng tự tổ chức.)

Ông John McCain qua đời ngày 25/8, tức là đã qua ngày được ấn định kể trên, nên người được thống đốc bổ nhiệm thay thế ông sẽ nắm quyền cho đến tận kỳ bầu cử vào tháng 11/2020 chứ không phải kỳ bầu cử tháng 11/2018.








No comments: