08/27/2018
John
McCain, anh hùng cả trong thời chiến lẫn thời bình của nước Mỹ, qua đời hôm thứ
bảy 25 tháng 8 năm 2018 vì ung thư não tại thành phố nhỏ bé Cornville, tiểu
bang Arizona, Hoa Kỳ.
TNS John McCain
Cái
tên John McCain quen thuộc với nước Mỹ, quê hương của ông, là một điều hiển
nhiên. Vốn là một phi công của binh chủng Hải quân Hoa Kỳ, ông nối nghiệp cha
và ông nội, hai người này đều là tướng 4 sao Hải quân. Sau chiến tranh, McCain
giải ngũ, tham gia họat động chính trị cho đến ngày phải chịu thua bệnh tật.
Ông đã lần lượt là dân biểu Hạ viện, rồi thượng nghị sĩ liên tiếp 6 nhiệm kỳ, từng
2 lần đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Cái
tên John McCain cũng không xa lạ gì với người Việt Nam, miền Nam lẫn miền Bắc,
cả trong nước lẫn hải ngọai. Là phi công, khi nước Mỹ tham gia trực tiếp vào
chiến tranh Việt Nam năm 1965, ông tình nguyện đảm nhận các nhiệm vụ không
kích. Tháng 10 năm 1967, trong một phi vụ gần Hà Nội, phi cơ của McCain bị bắn
rơi xuống hồ Trúc Bạch. Ông bị bắt và sau đó, đưa về giam giữ ở trại giam Hỏa
Lò, nơi bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền miền Bắc gọi mỉa mai là
khách sạn Hin-Tơn (theo tên hệ thống khách sạn Hilton lớn nhất nhì thế giới của
Mỹ). Dạo ấy, hình ảnh McCain bị lực lượng dân quân bắt giữ trên hồ Trúc Bạch được
phổ biến khắp các hang cùng ngõ hẻm miền Bắc (cũng như thế giới).
Tháng
4 năm 1968, cha của ông, viên tướng tư lệnh Hải quân bốn sao, được tổng thống
Hoa Kỳ LB Johnson bổ nhiệm là tổng tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, bao gồm cả
bộ chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam. Với mục đích tuyên truyền chứ
không phải vì nhân đạo, nhà cầm quyền miền Bắc lúc ấy có đề nghị phóng thích
McCain, nhưng ông yêu cầu những tù binh Mỹ bị bắt trước ông phải được thả ra
trước đã, theo đúng tinh thần “First In, First Out” của quân đội Hoa Kỳ. Tất
nhiên, nhà cầm quyền miền Bắc từ chối lời yêu cầu của McCain, và ngay sau đó đã
cho lệnh tống giam ông vào ngục tối kiên giam trong hai năm rưỡi để “trừng phạt”.
Tháng 4 năm 1973, hai tháng sau khi hiệp định đình chiến Paris ký kết, McCain
được thả sau hơn 5 năm bị bắt làm tù binh, trong đó có 3 năm rưỡi trong các
phòng kiên giam. Chính vì lý do “bị bắt” mà ông đã không được vị đương kim tổng
thống Hoa Kỳ Donald Trump, một người có thành tích tìm mọi cách để tránh việc bị
động viên trong thời chiến tranh (nói nôm na là trốn lính), công nhận là “anh
hùng thời chiến tranh”. Trong chiến tranh, ngã xuống giữa chiến trường hay chẳng
may lọt vào tay đối phương là những điều không một chiến binh nào mong muốn, dù
cũng có rất nhiều người coi chuyện đó nhẹ như lông hồng, là cái giá của hy
sinh, nhưng đâu có nghĩa cứ phải chết giữa chiến trường mới được coi là anh
hùng. Thực ra, thái độ thẳng tay từ chối “sự phóng thích” của McCain cũng đã đủ
chứng tỏ nhân cách, lòng can đảm và nghị lực khác thường của ông ngay từ những
năm tháng tuổi trẻ kéo dài mãi sau này trong suốt hơn 60 năm ông cống hiến đời
mình cho tổ quốc của mình. [Những ai đã từng ở tù cộng sản đều có thể cảm và hiểu
thấu trọn vẹn sự can đảm rất đáng ngưỡng mộ của chàng thanh niên 32 tuổi
McCain, cũng như nghị lực phi thường của chàng thanh niên Trần Hùynh Duy Thức từ
nhiều năm nay bị ngược đãi trong nhà tù cộng sản, nhưng vẫn quyết không chịu nhận
tội mình không làm để được thả tự do. Thậm chí, viên cựu doanh nhân thành đạt
này còn không chấp nhận sống ngòai đất nước dù đó là điều kiện để ra khỏi nhà
tù]. Cựu tổng thống Obama, từng là đối thủ với McCain trong cuộc chạy đua vào
tòa bạch ốc năm 2008, khi nghe tin ông qua đời, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ McCain một
cách rất sâu sắc “Rất ít người trong chúng ta trải qua những gì mà John
(McCain) đã từng bị thử thách hoặc bị buộc phải chứng tỏ lòng can đảm của mình
như John đã từng chứng tỏ, nhưng tất cả chúng ta đều (qua sự can đảm của
McCain-) được tiếp thêm ý chí để cố gắng hướng tới những điều tốt lành vượt lên
trên cả chính mình. Và John, bằng khả năng tốt nhất của mình, đã cho chúng ta
thấy ý nghĩa đích thực của đời sống. Vì thành quả ấy, tất cả chúng ta đều mắc với
John một món nợ”. [Có lẽ, nếu chẳng may, chàng tuổi trẻ đáng dòng hào
kiệt Trần Hùynh Duy Thức của chúng ta, bỏ thây trong nhà tù như ước nguyện của
chàng, thì tất cả những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ, công bằng
– đều sẽ như người dân Mỹ nợ McCain – chúng ta cũng sẽ nợ Trần Hùynh Duy Thức
món nợ lớn về sự xác tín mạnh mẽ phẩm giá con người, thứ phẩm giá vượt lên trên
sự chết, vượt lên trên sức chịu đựng hữu hạn của thân xác con người, vượt lên
trên mọi cám dỗ đời thường mà những người trẻ khác cùng thời với chàng đã không
thể vùng vẫy thóat ra được để dám sống một đời sống đích thực cho xứng tầm với
chàng].
Tượng
đài ghi dấu nơi máy bay của McCain bị bắn rơi ở Hà Nội. Ảnh (Người Việt online)
6
nhiệm kỳ là thượng nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ, McCain đã có nhiều dịp quay lại Việt
Nam, chính thức làm việc với kẻ đã từng cầm tù mình, ngược đãi, sỉ nhục mình và
đóng vai trò chiếc gạch nối quan trọng nhất trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến
tranh giữa hai nước Mỹ và Việt Nam. Nơi máy bay của McCain bị bắn rơi bên bờ hồ
Trúc Bạch, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho dựng một đài “Tưởng Niệm” để ghi nhớ sự
kiện này. Bức phù điêu được gọi là ‘tưởng niệm” có hình dáng một người quỳ gối,
hai tay giơ lên với ý nghĩa xin đầu hàng và được chú thích là “phi công John
Sidney McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ”. Sự hiện hữu
của bức phù điêu nhằm mang ý nghĩa gì, chính McCain trong một lần được hỏi cũng
không biết rõ, dù ông đã từng đến đó, đã từng yêu cầu chỉnh sửa một chi tiết
sai trong nội dung chú thích khắc trên bức tượng. Nếu mục đích của đài tưởng niệm
là chứng tích tượng trưng cho sự đầu hàng của “đế quốc Mỹ” trước “nhân dân Việt
Nam” thì thật là một sự mỉa mai và thậm chí vô ý thức vì chính McCain (cùng với
TNS John Kerry) là hai nhân vật quan trọng nhất giúp Việt Nam có được sự bang
giao (mà Việt Nam rất ao ước và cần đến) với kẻ thù cũ năm xưa. Hôm thứ bẩy 25
tháng 8, 2018, khi nghe tin ông qua đời, nhiều người dân đã đến đây thăm viếng
và đặt hoa như một cử chỉ nhớ đến ông, một người Mỹ lịch sử đóng vai trò đáng
ghi nhớ ở Việt Nam cả trước lẫn sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Còn nhớ
vì mục đích gì, nhớ như thế nào lại là câu chuyện riêng tùy vào hòan cảnh lịch
sử và xã hội của mỗi người.
Đối
với người Việt ở hải ngọai, nhất là ở Mỹ, thì cái tên McCain gắn liền với một đạo
luật về di dân có tên gọi là Tu Chính Án McCain. Qua nỗ lực không mệt mỏi của
McCain, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua điều khỏan cho phép con cái trên 21 tuổi,
chưa lập gia đình của các vị cựu tù cải tạo, các gia đình thuộc diện thân nhân
bảo lãnh và các thành phần liên quan đến diện con lai Mỹ, được nhập cư nước Mỹ.
Rất nhiều người Việt thuộc diện trên vẫn nghĩ mình mang ơn McCain về một cuộc sống
tự do bên ngòai đất nước.
Người
ta còn nhớ đến McCain ở cá tính độc lập, thẳng thắn, không bao giờ e ngại nói
lên suy nghĩ thật của mình về bất cứ vấn đề gì. Trong chính trị (nuớc Mỹ), cá
tính ấy đồng nghĩa với việc có nhiều kẻ thù. Cũng vì vậy, tuy cùng chung một đảng
Cộng Hòa, nhưng McCain và viên tổng thống đương nhiệm Donald Trump thường xuyên
có những xung đột về cách giải quyết những vấn đề quan trọng của nước Mỹ. Là một
người mang biệt danh “hùm xám cô đơn” (maverick), bất kể đa số các đồng sự trong
đảng Cộng Hòa chọn con đường ủng hộ nghị trình (phù hợp với lập trường bảo thủ)
của Trump mà cố tình bỏ qua cho ông này nhiều lầm lỗi cá nhân, McCain chọn ngược
lại. Những xung đột giữa hai người có hai nhân cách hòan tòan đối nghịch nhau,
đã đến lúc không thể cứu vãn. Kết quả, trước khi chết, McCain ngỏ ý không muốn
có mặt Trump trong tang lễ của mình. Cá tính của McCain mạnh mẽ đến độ không
suy xuyễn chút nào dù thân xác đang ở những giây phút sau cùng. Ông cũng đã tỏ
ý muốn được hai vị cựu tổng thống Obama và Bush (con), hai cựu đối thủ của
ông trong hai cuộc tranh cử tổng thống, đọc điếu văn cho mình trong tang lễ. Quả
là một nhân cách đáng phục!
Thế
nên, sự ra đi của McCain, trong bối cảnh chính trị nước Mỹ hiện nay, là sự vắng
mặt của một tiếng nói công bằng, chính trực, vượt lên trên những khác biệt về
đường lối xây dựng đất nước, về đảng phái, về lập trường (bảo thủ hay tự do), về
niềm tin vào xã hội, vào con người. Nói cách khác, theo TNS Jeff Flake, một đồng
sự của McCain tại Thượng viện Hoa Kỳ, thì “McCain là lương tri của Thượng viện”.
Hiểu rộng hơn, đó là lương tri một nước Mỹ mà thế giới đã từng biết đến,
mà nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới từng biết đến, mà bao kẻ khốn cùng ở bất
cứ nơi nào trên thế giới từng biết đến. Nay, với sự ra đi của McCain, còn những
ai đủ tầm vóc, đủ bản lãnh, đủ tự tin để tiếp bước ông đi con đường đầy gai góc
này? Trong khi đó, nhiều chính trị gia chuyên nghiệp chọn con đường thỏa hiệp,
nín thở qua sông, giả ngơ giả điếc trước sự lộng hành của dối trá, bịa đặt, hy
vọng một ngày trật tự cũ lại được tái lập, vì truyền thống dân chủ của nước Mỹ
sẽ không bao giờ cho phép tình trạng như hiện nay kéo dài. Nhưng mức độ phá sản
về đạo đức, về mối tương quan giữa con người không phân biệt màu da, chủng tộc,
tôn giáo dường như đã vượt quá lằn ranh an tòan khiến người ta lo sợ về một viễn
cảnh không lấy gì làm tốt đẹp lắm cho nước Mỹ.
Để
vinh danh cuộc đời một con người lỗi lạc, ngòai việc linh cửu của McCain sẽ được
quàn tại thủ đô tiểu bang Arizona theo nghi thức dành cho những người có công
trạng đặc biệt cho tiểu bang, một nghi thức tương tự ở cấp liên bang (tòan nước
Mỹ) tại thủ đô DC dành cho McCain cũng đã được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông
qua, một vinh dự mà từ trước tới nay chỉ có 30 người được hưởng. McCain sẽ là
người thứ 31. Trước ông, có các tên tuổi như cố TT Gerald Ford, John F.
Kennedy, Lyndon B. Johnson, D. Eisenhower, Herbert Hoover . . . Công chúng ngưỡng
mộ ông sẽ có cơ hội đến căn phòng hình tròn (rotunda) có mái vòm, tọa lạc ở tòa
nhà cao nhất của trụ sở quốc hội Hoa Kỳ (Capitol) để viếng linh cửu McCain, rồi
sau đó quan tài sẽ được đưa đi chôn tại nghĩa trang học viện hải quân ở
Maryland, theo đúng như ước nguyện của người quá cố.
Với
người Việt Nam, hiếm khi có nhân vật quốc tế nào qua đời gây nên một xúc động lớn
và rộng khắp như trường hợp cựu phi công chiến tranh Việt Nam – cố Thượng Nghị
Sĩ John McCain. Điều đó chứng tỏ, một nhân cách lớn luôn có tác động đến người
đương thời, đến các thế hệ tương lai, và là nguồn hứng khởi để người ta gắng vượt
lên trên những giới hạn của chính bản thân mình.
T.Vấn
No comments:
Post a Comment