Wednesday, August 29, 2018

LUẬN ANH HÙNG, McCAIN? (Giao Chỉ San Jose)




28/08/2018

Quốc Kỳ ngập ngừng trên Bạch Cung
Phương ngôn Việt Nam có câu rằng: Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ty họ hàng. Thượng nghị sĩ Mc Cain 81 tuổi ra đi ngày 25 tháng 8-2018. Khi còn sống ông đã một mình cản đường tổng thống Trump trên trường chính trị. Cho đến khi đi vào cõi ngàn thu, nhà chính khách già của miền đồng khô cỏ cháy Arizona còn gài độ trận sau cùng. Ông viết trong di chúc làm điên đầu đương kim tổng thống. Ông mời hai vị cựu tổng thống Obama và George Bush đọc lời tiễn biệt nhưng từ chối sự hiện diện của ông Trump. Ông Donald vốn là Cao Bồi New York cũng không tay vừa. Ngọn cờ trên Bạch Cung kéo xuống nửa chừng theo thông lệ được một ngày lại có lệnh kéo lên như cũ. Phát ngôn viên Nhà Trắng đọc lời chia buồn trong khi tổng thống chỉ gửi Tuýt cho tang gia mà không nhắc đến người anh hùng của nước Mỹ. Sau một ngày dài chịu áp lực của công luận và cựu chiến binh toàn quốc, tổng thống mới đọc lời chia buồn và cho kéo cờ tại Bạch Cung xuống chịu tang.

McCain, ông là ai
Dòng họ McCain là những người có mặt từ thời Hoa Kỳ lập quốc. Thời tổng thống Washington đã có đại úy McCain dưới ngọn cờ cách mạng. Ông nội và cha của thượng nghị sĩ McCain đều là đô đốc trong hải quân Hoa Kỳ. Cuộc đời binh nghiệp và chính trị của McCain đầy huyền thoại. Theo truyền thống gia tộc, chàng trai gia nhập không lực của hải quân trở thành phi công phản lực. Chuyện nhà binh cũng có nhiều cay đắng. Ngày 19 tháng 7 năm 1967 trung úy Mc Cain đã phải chịu trách nhiệm liên quan đến trận hỏa hoạn kinh hồn trên chiến hạm USS Forestal làm chết 27 người và 100 bị thương. Hồ sơ quân bạ còn ghi ông bị thuyên chuyển cấp tốc qua hàng không mẫu hạm. Ba tháng sau trong phi vụ thả bom Hà Nội 26 tháng 10 năm 1967 phi cơ của ông bị hỏa tiễn của Nga bắn hạ. Chuyên viên người Nga tên là Yury trả lời báo Nga phỏng vấn rồi được BBC ghi lại câu chuyện khá đặc biệt. Hôm đó đơn vị phòng không thủ đô bắn hết tên lửa nhưng không thành công. Hỏa tiễn cuối cùng do chính cố vấn Nga khai hỏa đã bắn rơi phi cơ của McCain. Phi công nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và được cứu sống sau trận đòn hội chợ gẫy cả chân tay. McCain bị thương nặng có thể chết nhưng vài ngày sau được Hà Nội cho cứu chữa kịp thời khi biết tin cha ông đang là đô đốc tư lệnh hải quân Hoa kỳ tại Âu Châu.

Trong thời gian bị tù trong hỏa lò Hà Nội tin tức chính thức ghi nhận McCain luôn luôn can trường giữ vững tư cách sỹ quan Hoa Kỳ, đặc biệt là danh dự của dòng họ McCain. Tuy nhiên chuyện bên lề đồn rằng cũng có lúc ông bị cộng sản khuất phục nên khai báo linh tinh. Hồ sơ quân bạ của hải quân Mỹ cũng như chính phủ cộng sản Hà Nội đều phủ nhận các tin tức kể trên. Tất cả đều ghi nhận việc ông từ chối đặc ân được trả tự do trước các bạn tù như là một hành động anh hùng hết sức quân tử. Sau này, trên hậu trường chính trị, khi nghe thiên hạ ca tụng ông thượng nghị sĩ POW anh hùng, tổng thống Trump vô cùng sốt tiết đã phán rằng, bị bắt làm tù binh có gì mà anh hùng. Có ngon thì đã chẳng bị bắt. Thực tình mà nói, tù binh chiến tranh là phần số, nhưng thái độ ứng xử trong thời gian bị tù đầy mới thể hiện tư cách anh hùng.

Ông Mc Cain thực sự đã là anh hùng trong những năm sống trong ngục tù cộng sản. Dù là công dân Hoa Kỳ dân chủ, công bình bác ái nhưng nếu là con ông cháu cha thì McCain vẫn có thừa cơ hội để không phải bay phản lực trên bầu trời Hà Nội đầy lửa đạn. Ông đã tình nguyện đóng vai một phi công bình thường để trở thành một tù binh khốn khổ rất bình thường như mọi chiến binh khác. Sau này, với quyền hạn trong chính trường Hoa Kỳ, ông đã thông cảm với những người tù binh VNCH để đệ trình các dự luật đặc biệt tiếp nhận thêm HO đợt kế tiếp. Ông chính là người được mang tước hiệu HO Hoa Kỳ. Nếu tổng thông không nhận Mc Cain là anh hùng thì mãi mãi ông vẫn là anh hùng của các gia đình HO Việt Nam.

Trở về từ chiến trường
Trở thành người của chính trường. Sau thời gian quân vụ và tù đầy trên 10 năm, ông về quê hương xây dựng lại sự nghiệp qua con đường chính trị. McCain trở thành dân biểu rồi qua thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Ông là chính khách danh tiếng của đảng Cộng Hòa nhưng không hoàn toàn đồng ý với đường lối của đảng. Quan điểm độc lập của thượng nghị sĩ McCain đã dành cho ông chỗ đứng đầy triển vọng tại tòa nhà lập pháp. Năm 2000 ra tranh cử trong đảng Cộng Hoà để giành ghế tổng thống, ông đã thua ông George Bush. Năm 2008 ông được cho đại diện Cộng Hòa nhưng lại thua trận chung kết với tổng thống Obama. Trong các kỳ bầu cử, ông McCain luôn luôn là ứng cử viên được đối phương và toàn thể cử tri cảm phục. Hai vị tổng thống đánh bại McCain luôn luôn kính trọng ông thượng nghị sĩ anh hùng của thượng viện và các gia đình đã trở thành hết sức thân hữu. Từ khi bắt đầu vào thượng viện cho đến những ngày biệt ly, McCain luôn luôn được sự kính trọng của lưỡng đảng và các tất cả 5 vị tổng thống Hoa Kỳ còn sống, ngoại trừ vị đương kim.

McCain và Việt Nam
Người Việt Nam ở hai bờ Thái Bình Dương cũng có những quan niệm khác biệt. Với tư cách tỵ nạn cộng sản vẫn giữ vững ngọn cờ vàng và không chấp nhận chế độ cộng sản. Nhưng dù ông McCain có chủ trương hòa giải với cộng sản. Dù ông có mở đường bang giao, có dành nỗ lực giúp cho kẻ cựu thù thì người Việt hải ngoại vẫn mãi mãi nhận McCain như vị ân nhân số một của cả cộng đồng.

Tại San Jose trong năm qua có cô luật sư trẻ tên Thục Minh vốn là con của một HO đã tình nguyện về làm việc với văn phòng thượng nghị sĩ trong một thời gian dài. Cô đang làm cho một tổ hợp luật sư vùng Vịnh với lương rất cao nhưng sẵn sàng bỏ việc về giúp văn phòng thượng viện với số lương một nửa. Chỉ vì bố là HO Việt Nam nên hy sinh giúp việc cho ông HO Hoa Kỳ. Chính Thục Minh đã là người trực tiếp vận động với ông McCain đem Việt Khang qua Mỹ. Dự án kế tiếp có thể là giúp cho các thương binh VNCH qua Hoa Kỳ. Dù hiện nay cũng chẳng còn bao nhiêu sau gần nửa thế kỷ chinh chiến điêu linh nhưng với sự ra đi của ông McCain thì niềm hy vọng cũng tắt theo. Đó là chuyện người Việt hải ngoại, nhưng hiện nay trong nước dân Việt cũng hết lòng ngưỡng mộ ông McCain. Con người ngày xưa là tên Mỹ giặc lái tàn bạo bỏ bom Hà Nội nhưng lại là người đưa Việt Nam từ thời bao cấp chuyển qua thời mở của với con đường bang giao đem ánh sáng tự do mở dần chân trời mới. Những người dân Hà Nội đã đem hoa đến đặt dưới tượng đài McCain cạnh hồ Trúc Bạch. Nơi đây năm 1967 người phi công trẻ tuổi nhảy dù xuống bị dân Hà Nội đánh gẫy chân ngày nay bước đi vẫn chưa vững. Bị đánh gẫy tay, ngày nay không giơ tay qua được bờ vai. Thật là đặc biệt khi ông thượng nghị sĩ vẫn được người Việt thương yêu từ hai bên bờ đại dương.

Thông điệp của con gái
Bài văn đáng kể nhất trong đám tang của ông McCain không phải chờ đến khi chôn cất. Con gái ông đã viết ra và gửi thông điệp hết sức cảm động. Cô nói là cha con đã ở bên nhau suốt 33 năm. Khi cô ra đời, cha đã ở bên cạnh. 33 năm sau cô đã ở bên cha khi nhà thương rút ống để ông ra đi. Ông là cây đuốc soi đường cho mẹ con cô cả cuộc đời. Từ nay cả gia đình sẽ tiếp tục đi trong ánh sáng ấm áp của ngọn lửa mà cha cô để lại.

Sau cùng, chúng ta thử hỏi, Mc Cain có phải là anh hùng của nước Mỹ hay không? Mặc dù tang lễ làm tại điện Capitol như là quốc lễ nhưng với lòng người dân Mỹ, không phải tất cả coi ông là anh hùng. Nếu McCain ra đi cách đây ba năm, có thể lòng người chưa phân tán. Ai nấy đều dễ dàng nhận đây là vị anh hùng. Nhưng bây giờ, đang có một nửa cử tri đã bầu cho ông Trump. Nhân vật này đang trở thành thần tượng và được rất đông người tin theo. Trump bảo rằng McCain không phải là anh hùng. Xem ra cũng có lý. Bị tù thì có gì mà anh hùng. Vì vậy ngọn cờ tưởng niệm trên Bạch Cung cũng phải phân vân. Kéo lên kéo xuống. Nước Hoa Kỳ vĩ đại từ lâu nên có nhiều chuyện rất lạ. Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ty họ hàng. Phương ngôn ta đem luận chuyện chính trị Hoa Kỳ cũng chẳng sai.





No comments: